THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 986/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG NGHỆ DỰ BÁO VÀ MẠNG LƯỚI QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN, GIAI ĐOẠN 2010 - 2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường;
Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, giai đoạn 2010 - 2012 với nội dung như sau:
1. Tên Đề án: Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, giai đoạn 2010 - 2012.
2. Mục tiêu chủ yếu của Đề án:
a) Mục tiêu chung:
Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là công tác dự báo bằng mô hình số trị và dự báo cực ngắn, nhằm nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ một cách tích cực hơn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Gia tăng mật độ và tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn nhằm cung cấp số liệu chính xác, kịp thời phục vụ công nghệ dự báo bằng mô hình số, công nghệ dự báo mưa, lũ hiện đại.
- Đổi mới và tăng cường năng lực hệ thống xử lý, lưu trữ, truyền tin phục vụ dự báo khí tượng thủy văn.
- Triển khai thực hiện dự báo khí tượng thủy văn cực ngắn, nâng chất lượng dự báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN.
- Xây dựng Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn hiện đại đáp ứng các yêu cầu hiện đại hóa công nghệ dự báo và thông tin khí tượng thủy văn.
3. Nội dung của Đề án:
Đề án bao gồm các nội dung chính như sau:
a) Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bề mặt:
- Đầu tư lắp đặt 127 trạm khí tượng tự động cho khu vực Bắc Bộ; trang bị thiết bị tự động đo mực nước và mưa cho 25 trạm thủy văn hiện có trên hệ thống sông Hồng; lắp đặt 412 điểm đo mưa tự động trên phạm vi toàn quốc và tăng cường thiết bị đo truyền thống cho mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn hiện có.
- Thiết lập hệ thống thu nhận, truyền tin, xử lý thông tin, bao gồm: trang bị thiết bị công nghệ thông tin, truyền tin cho các trạm khí tượng, thủy văn, trạm đo gió, Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường, Trung tâm Công nghệ Thông tin khí tượng thủy văn.
b) Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng cao không:
- Mạng lưới trạm ra đa thời tiết:
+ Đầu tư xây dựng hệ thống điều hành trung tâm, bao gồm: trang bị hệ thống điều hành, quản lý, xử lý kỹ thuật và đồng bộ hóa công nghệ điều hành, xử lý thông tin của tất cả ra đa trên mạng lưới.
+ Đầu tư xây dựng 04 trạm ra đa thời tiết tại: Việt Trì, Vinh, Quy Nhơn, Pleiku và di chuyển trạm ra đa thời tiết Nha Trang đến vị trí mới đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật.
- Mạng lưới thám không vô tuyến:
Đầu tư xây dựng mới 02 trạm thám không vô tuyến tại Cà Mau và Cam Ranh và nâng chế độ quan trắc của toàn mạng lưới lên 2 obs/ngày.
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin khí tượng thủy văn:
- Hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ dự báo khí tượng thủy văn:
+ Xây dựng và trang bị thiết bị truyền số liệu VSAT cho trạm trung tâm tại Hà Nội.
+ Xây dựng và trang bị thiết bị truyền số liệu VSAT cho 73 trạm xa (09 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, 54 Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh và 10 trạm ra đa).
+ Trang bị 03 trạm VSAT di động phục vụ ứng phó trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.
- Hệ thống tích hợp, xử lý và chuyển mạch tự động dữ liệu khí tượng thủy văn:
+ Trang bị các phần mềm, bao gồm: phần mềm tự động tích hợp, xử lý và chuyển mạch dữ liệu khí tượng thủy văn; phần mềm tự động thiết lập đường truyền tối ưu giữa các hệ thống mạng WAN - Internet - cáp quang - vệ tinh; phần mềm quản trị mạng chuyên ngành khí tượng thủy văn; phần mềm tự động điều khiển hệ thống thu thập, phân phối dữ liệu.
+ Đầu tư hệ thống thiết bị: 02 máy chủ file server và máy chủ quản trị hệ thống tại Trung tâm Công nghệ Thông tin khí tượng thủy văn; 64 máy chủ cho Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, 9 Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và 54 Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh.
- Cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản khí tượng thủy văn phục vụ dự báo:
+ Trang bị hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu của các chuyên ngành: khí tượng bề mặt, khí tượng cao không, khí tượng nông nghiệp, khí tượng thủy văn biển, thủy văn, môi trường không khí và nước, phần mềm quản lý khai thác hệ thống thông tin khí tượng thủy văn.
+ Xây dựng nội dung thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn.
+ Tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (trang bị thiết bị máy tính; xây dựng mạng lưu trữ SAN; xây dựng cổng thông tin địa lý khí tượng thủy văn).
+ Đào tạo sử dụng các phần mềm ứng dụng phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản khí tượng thủy văn; đào tạo chuyển giao công nghệ, phân tích, tổng hợp, quản trị hệ thống, quản trị cơ sở dữ liệu, quản trị mạng.
d) Hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn:
- Hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng:
+ Trang bị hệ thống đồng hóa số liệu khí tượng thủy văn, bộ phần mềm tiếp nhận, xử lý, tích hợp, hiển thị các nguồn số liệu quan trắc bề mặt, cao không, vệ tinh, ra đa, sản phẩm mô hình số.
+ Phát triển 02 mô hình số trị dự báo khí tượng phân giải cao cho khu vực hạn chế.
+ Tiếp nhận và triển khai ứng dụng phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ dự báo thời tiết cực ngắn (TITAN/TIFS/STSAT/SWIRLS); soạn thảo quy trình nghiệp vụ dự báo thời tiết cực ngắn.
+ Mua số liệu bề mặt, số liệu phân tích và dự báo khí tượng quy mô toàn cầu của Trung tâm dự báo thời tiết Châu Âu làm đầu vào và điều kiện biên cho mô hình lãnh thổ hạn chế Việt Nam.
- Hiện đại hóa công nghệ dự báo thủy văn biển:
Trang bị bộ phần mềm tổ hợp dự báo thủy văn biển và thiết lập tổ hợp dữ liệu đầu vào cho mô hình.
- Hiện đại hóa công nghệ dự báo thủy văn:
+ Trang bị công nghệ dự báo thủy văn vùng thượng lưu các hồ chứa.
+ Trang bị công nghệ số dự báo lũ cực ngắn cho các sông có độ dốc lớn, diễn biến lũ nhanh.
+ Trang bị công nghệ cảnh báo ngập úng thời gian thực cho các đô thị.
+ Trang bị phần mềm tự động truyền số liệu, sản phẩm, kết quả phân tích và dự báo lên Website, mạng thông tin nội bộ và cho các cơ quan, ban ngành, phương tiện thông tin đại chúng.
- Trang bị hệ thống tính toán đủ mạnh:
Trang bị một hệ thống máy tính mạnh đáp ứng yêu cầu chạy các mô hình và phần mềm.
đ) Xây dựng Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn:
Xây dựng tòa nhà trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 20.200 m2.
e) Đề án được chia thành 05 dự án thành phần như sau:
- Dự án thành phần 1 hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bề mặt, kinh phí đầu tư khoảng 342 tỷ đồng, dự án được chia thành 02 tiểu dự án:
+ Phát triển mạng lưới trạm, điểm đo mưa, đo mặn phục vụ dự báo khí tượng thủy văn giai đoạn 2010 - 2012. Kinh phí thực hiện khoảng 124,6 tỷ đồng;
+ Tăng cường năng lực mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bề mặt phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 217,4 tỷ đồng.
- Dự án thành phần 2 hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng cao không, kinh phí đầu tư khoảng 292 tỷ đồng, dự án được chia thành 06 tiểu dự án:
+ Lắp đặt trạm ra đa thời tiết Việt Trì phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 46,15 tỷ đồng;
+ Lắp đặt trạm ra đa thời tiết Pleiku phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 46,15 tỷ đồng;
+ Lắp đặt trạm ra đa thời tiết Vinh phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 51,4 tỷ đồng;
+ Lắp đặt trạm ra đa thời tiết Quy Nhơn phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 73,4 tỷ đồng;
+ Đầu tư phát triển 02 trạm Vô tuyến thám không Cam Ranh, Cà Mau phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 24,2 tỷ đồng;
+ Đầu tư trang bị hệ thống điều hành, quản lý, xử lý kỹ thuật, tổ hợp ảnh ra đa trung tâm phục vụ dự báo khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 50,5 tỷ đồng.
- Dự án thành phần 3 xây dựng cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa hệ thống thông tin khí tượng thủy văn, kinh phí đầu tư khoảng 294 tỷ đồng, dự án được chia thành 03 tiểu dự án:
+ Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 196,7 tỷ đồng;
+ Xây dựng đồng bộ hệ thống mạng máy tính và tích hợp, xử lý, chuyển mạch tự động dữ liệu khí tượng thủy văn. Kinh phí thực hiện khoảng 56,95 tỷ đồng;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn phục vụ dự báo. Kinh phí thực hiện khoảng 40,29 tỷ đồng.
- Dự án thành phần 4: hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, kinh phí đầu tư khoảng 151,83 tỷ đồng.
- Dự án thành phần 5: xây dựng Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn, kinh phí đầu tư khoảng 262 tỷ đồng.
4. Tổng mức vốn đầu tư và kinh phí thực hiện Đề án khoảng 1.391 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước trong đó:
- Vốn đầu tư phát triển khoảng 1.109 tỷ đồng;
- Vốn sự nghiệp kinh tế khoảng 282 tỷ đồng.
5. Thời gian thực hiện Đề án: từ năm 2010 đến năm 2012.
6. Cơ quan chủ quản đầu tư và chủ đầu tư:
- Cơ quan chủ quản đầu tư: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Cơ quan chủ đầu tư: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Điều 2. Tổ chức triển khai thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản đầu tư, chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các dự án, tiểu dự án thuộc Đề án theo quy định hiện hành.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu cơ chế, chính sách, bố trí vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách nhà nước cho Đề án ngay từ quý II năm 2010, lập kế hoạch hàng năm, bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án.
- Vận động nguồn vốn ODA và các nguồn viện trợ quốc tế để thực hiện nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.