THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 780-TTg | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP UỶ BAN QUỐC GIA TÌM KIẾM - CỨU NẠN TRÊN KHÔNG VÀ TRÊN BIỂN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990, Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam ngày 26 tháng 12 năm 1991 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Để việc tìm kiếm - cứu nạn người và phương tiện, (tầu bay, tầu, thuyền, thiết bị Dầu khí) bị lâm nạn trên không, trên biển được kịp thời, có hiệu quả.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Uỷ ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn trên không và trên biển, gọi tắt là Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn.
Uỷ ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn có con dấu hình quốc huy, có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Kinh phí hoạt động của Uỷ ban quốc gia và các tổ chức chuyên ngành tìm kiếm - cứu nạn do ngân sách Nhà nước cấp và từ các nguồn thu khác. Thường trực Uỷ ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn đặt tại Bộ Quốc phòng, có một số cán bộ chuyên môn giúp việc cho Uỷ ban, do Uỷ ban chỉ định. Các thành viên Uỷ ban Quốc gia hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 2. Uỷ ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm - cứu nạn người và phương tiện (tầu bay, tầu, thuyền, thiết bị Dầu khí) bị lâm nạn trên không, trên biển và vùng trách nhiệm tiếp giáp giữa Việt Nam với các nước.
2. Được quyền điều động và tổ chức phối hợp các lực lượng, các loại phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức để tìm kiếm - cứu nạn kịp thời. Phối hợp với các nước có vùng trách nhiệm tiếp giáp để trợ giúp tìm kiếm - cứu nạn đối với người và phương tiện của ta và của nước ngoài bị lâm nạn.
3. Quy định cụ thể hệ thống tổ chức tìm kiếm - cứu nạn chuyên ngành (Hàng không, Hàng hải, Thuỷ sản, Dầu khí) theo Điều 4 Quyết định nà.
Dự kiến các tình huống tai nạn trên không, trên biển có thể xảy ra để quy định việc điều động lực lượng, phương tiện, tổ chức phối hợp tìm kiếm - cứu nạn, bảo đảm thời gian nhanh nhất, có hiệu quả cao. Chỉ đạo việc tổ chức diễn tập hàng năm về tìm kiếm - cứu nạn.
4. Chỉ đạo việc điều tra, kết luận những vụ tai nạn trên không và trên biển do Thủ tướng Chính phủ giao, và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan nhà nước có liên quan những vấn đề cần thiết nhằm ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn xảy ra, biện pháp giải quyết hậu quả các vụ tai nạn theo pháp luật và các quy định hiện hành. 5. Theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các quy định của Nhà nước và của Uỷ ban trong việc tìm kiếm - cứu nạn và giải quyết hậu quả các tai nạn.
6. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế tài chính cho hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phương tiện cho công tác tìm kiếm - cứu nạn
7. Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tìm kiếm - cứu nạn và đề xuất việc xử lý đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ tìm kiếm - cứu nạn, gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Thiết lập quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về tìm kiếm - cứu nạn.
Điều 3. Các thành viên Uỷ ban quốc gia tìm kiếm - cứu nạn gồm có:
- Phó Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch,
- 1 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Thường trực,
- 1 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch,
- 1 Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, Phó Chủ tịch,
- Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Phó Chủ tịch,
- Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Uỷ viên,
- Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Uỷ viên,
- Tư lệnh không quân, Uỷ viên,
- Tư lệnh Hải quân, Uỷ viên.
Điều 4. Các cơ quan thường trực chuyên ngành của Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn gồm:
- Cục Hàng không dân dụng Việt Nam là cơ quan thường trực tìm kiếm - cứu nạn về Hàng không, và có các Trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn ở từng khu vực.
- Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan thường trực tìm kiếm - cứu nạn về Hàng hải, và có các Trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn ở từng khu vực.
- Tổng công ty Dầu khí Việt Nam là cơ quan thường trực tìm kiếm - cứu nạn về hoạt động dầu khí trên biển
- Bộ Thuỷ sản là cơ quan thường trực tìm kiếm - cứu nạn người, tầu, thuyền hoạt động thuỷ sản trên biển, và có các trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn ở từng khu vực.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm - cứu nạn, các thành viên Uỷ ban nói tại Điều 3 trên đây, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.