THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI AYUN HẠ (TỈNH GIA LAI)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Xét tờ trình số 485/ TT/DA ngày 17 tháng 12 năm 1993 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai về việc xin phê duyệt dự án rừng phòng hộ AYun Hạ;
Căn cứ ý kiến đề nghị của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tại công văn số 3683/UB/TĐ DA ngày 6 tháng 11 năm 1994 của Bộ Lâm nghiệp số 1008/KH ngày 3 tháng 4 năm 1994,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn công trình thuỷ lợi AYun Hạ tỉnh Gia Lai với những nội dung chủ yếu sau:
1/ Phạm vi và địa điểm:
- Phạm vi: Toàn bộ diện tích hứng nước của sông AYun tính từ đầu nguồn đến đập chắn nước của công trình thuỷ lợi AYun Hạ thuộc các huyện Măng Yang - Chư Sê và một phần huyện AYun Ba tỉnh Gia Lai.
- Địa điểm: Nằm ở vùng có toạ độ địa lý:
+ Từ 13 độ 0,14" vĩ độ Bắc.
+ Từ 108 độ 0,00" đến 108 độ 0,29" kinh độ Đông.
Tổng diện tích tự nhiên: 164.500 ha.
2/ Mục tiêu nhiệm vụ:
a) Mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn góp phần điều tiết dòng chảy, hạn chế xói mòn, bồi lấp lòng hồ, kéo dài tuổi thọ cho công trình thuỷ lợi AYun Hạ.
- Kết hợp phòng hộ với kinh tế, với tổ chức lại sản xuất, xây dựng nông thôn mới, từng bước ổn định và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trong vùng, chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản bừa bãi.
b) Nhiệm vụ:
- Tạo ra hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung liền vùng, liền khoảnh cho công trình thuỷ lợi là: 64.068 ha (thuộc huyện Măng Yang: 55.508 ha, huyện Chư Xê: 5.837 ha và huyện AYun Ba: 723 ha).
- Tổ chức lại sản xuất, thực hiện định canh định cư nhằm ổn định và phát triển sản xuất theo phương thức lâm nông hoặc nông lâm kết hợp cho 16.798 hộ với 88.670 nhân khẩu trong vùng. Trước hết quan tâm giải quyết số hộ là đồng bào dân tộc ít người chiếm phần lớn dân số trong vùng.
3/ Các giải pháp cơ bản:
a) Thực hiện định canh định cư cho số đồng bào dân tộc còn du canh du cư là giải pháp hàng đầu để xây dựng rừng phòng hộ, phải nhanh chóng lập các dự án lâm nông công nghiệp định canh định cư hoặc nông lâm công nghiệp định canh định cư đối với vùng còn đồng bào du canh du cư, gắn việc xây dựng rừng với nhiệm vụ định canh định cư, trên cơ sơ xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình theo phương thức lâm nông hoặc nông lâm kết hợp để nhanh chóng ổn định và nâng cao mức sống dân cư trong vùng.
Thực hiện việc giao đất, khoán rừng đến hộ gia đình để quản lý, bảo vệ và trồng rừng mới, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, băng cỏ chăn nuôi đại gia súc trên những diện tích rừng và đất rừng được giao thích hợp.
b) Lập các dự án khả thi xây dựng rừng phòng hộ tại khu vực xung yếu theo từng cụm dân cư (bản, xã) và tổ chức thực hiện các dự án đó theo tinh thần Quyết định số 327/CT ngày 15 tháng 9 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Giải pháp kỹ thuật lâm sinh: Tận dụng tối đa khả năng tái sinh tự nhiên để phục hồi rừng trên diện tích đất quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ. Xúc tiến các biện pháp quản lý, bảo vệ tái sinh làm giầu rừng trên các diện tích rừng nghèo kiệt nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phòng hộ. Chỉ trồng ở vùng xung yếu mà ở đó không có khả năng tự phục hồi lại rừng. Cơ cấu phân giao đất rừng và cơ cấu cây trồng sẽ xác định cụ thể khi xây dựng dự án khả thi. Trong cơ cấu cây rừng, thì chủ yếu là trồng cây rừng bản địa có tác dụng phòng hộ và kinh tế cao. Cấm trồng bạch đàn và những loài cây tác dụng phòng hộ kém.
Các biện pháp kỹ thuật và quy trình, quy phạm lâm sinh thực hiện đúng theo quy định của Bộ Lâm nghiệp.
d) Vốn đầu tư:
Vốn xây dựng rừng phòng hộ (kể cả khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới) do ngân sách Nhà nước đầu tư theo kế hoạch hàng năm trên cơ sở các dự án khả thi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Vốn hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc theo hộ gia đình trong vùng dự án thực hiện theo quyết định 327/CT ngày 15 tháng 9 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ được xác định cụ thể trong các dự án khả thi và được ghi vào kế hoạch hàng năm.
4/ Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm chỉ định các chủ đầu tư và tổ chức chỉ đạo thực hiện các dự án khả thi để xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn công trình thuỷ lợi AYun Hạ trong thời hạn 6 năm (1995-2000) đảm bảo hiệu quả đầu tư cao.
Điều 2. Bộ trưởng các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Đức Lương (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.