THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 51/2004/QĐTTG NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 2004 BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA IX
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA IX
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2004/QĐ-TTg ngày 31/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ)
Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-TW ngày 03 tháng 02 năm 2004 về một số chủ trương, chính sách, giải pháp lớn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Chính phủ xây dựng Chương trình hành động cho hai năm 2004 - 2005 để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 9 Khóa IX với những nội dung cụ thể như sau:
I. ĐẨY MẠNH CỔ PHẦN HÓA CÁC TỔNG CÔNG TY, DOANH NGHIỆP LỚN
1. Trong quý II/2004, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản pháp quy để bảo đảm căn cứ pháp lý cho việc thực hiện mở rộng diện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, bao gồm cả một số tổng công ty và doanh nghiệp lớn trong các ngành: điện lực, luyện kim, cơ khí, hóa chất, phân bón, xi măng, xây dựng, vận tải đường bộ, đường sông, hàng không, hàng hải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm.
2. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ Danh mục doanh nghiệp nhà nước lớn cần cổ phần hóa (quý II/2004).
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp và tổng công ty nhà nước theo hướng mở rộng diện và quy mô các doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa (quý II/2004).
4. Bộ Tài chính trình Chính phủ:
a) Sửa đổi Nghị định số 64/2002/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần theo hướng: việc mua bán cổ phiếu doanh nghiệp phải được thực hiện công khai trên thị trường, khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ, hạn chế số lượng mua cổ phần, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài (quý II/2004).
b) Đề án Xác định giá trị tài sản doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa (gồm cả giá trị sử dụng đất) theo giá thị trường (quý III/2004).
c) Cơ chế, chính sách để các tổng công ty, doanh nghiệp lớn (Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông,...) bán trái phiếu ra thị trường (quý II/2004).
d) Đề án Chuyển các doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn sang hoạt động theo chế độ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; đồng thời, ngay trong quý III/2004, thí điểm việc bán, cho thuê từ một đến hai tổng công ty lớn.
5. Trong quý II/2004, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lựa chọn và chỉ đạo thực hiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với một hoặc hai tổng công ty lớn.
6. Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng và thẩm quyền phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá công tác cổ phần hóa, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc để có biện pháp xử lý thích hợp. Kiên quyết thay đổi nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước đối với những doanh nghiệp không chịu cổ phần hóa và công ty hóa; những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trên hai năm.
II. CHUYỂN MẠNH SANG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG, ĐẨY NHANH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ CÁC LOẠI THỊ TRƯỜNG
A. Hoàn thiện và mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán
1. Bộ Tài chính chủ trì:
a) Xây dựng đề án Đẩy nhanh việc hoàn thiện và mở rộng hoạt động của thị trường chứng khoán, trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2004.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cổ phần hóa để niêm yết trên thị trường chứng khoán (quý II/2004).
c) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (quý III/2004).
d) Phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và phát triển thị trường giao dịch trái phiếu, trước mắt là trái phiếu Chính phủ.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định sức mua đối nội và đối ngoại của đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là chính sách lãi suất nhằm vận hành và phát triển đồng bộ thị trường tiền tệ và thị trường vốn; sửa đổi chính sách quản lý ngoại hối đối với mua bán chứng khoán.
3. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành đề án Thành lập Công ty đầu tư tài chính của Nhà nước. Trước hết, thí điểm thành lập Công ty tài chính ở một số địa phương có nhiều doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (quý II/2004).
4. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam (quý III/2004).
B. Phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản
1. Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án Phát triển và quản lý hiệu quả thị trường bất động sản và trong tháng 4 năm 2004 trình Chính phủ.
2. Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (năm 2003).
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án Xóa bao cấp về đất đai; xác định khung giá đất; các cơ chế, chính sách cụ thể về đất đai đối với các dự án thực hiện xã hội hóa.
C. Phát triển mạnh thị trường lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì:
1. Hoàn thiện đề án Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, báo cáo Chính phủ trong quý IV/2004.
2. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về sử dụng lao động theo hướng mở rộng quyền cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động nước ngoài; bảo đảm lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.
3. Xây dựng đề án về Đào tạo nghề. Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động và chấn chỉnh công tác xuất khẩu lao động.
4. Tăng cường năng lực cho các Trung tâm giới thiệu việc làm, trước hết là xây dựng thí điểm ba Trung tâm giới thiệu việc làm ở ba miền (Bắc, Trung, Nam) để cung ứng lao động cho các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.
5. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích người có chuyên môn giỏi làm việc lâu dài trong các cơ quan nhà nước.
D. Phát triển thị trường khoa học công nghệ
1. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a) Nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh đề án Hình thành và phát triển thị trường khoa học - công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, trình Chính phủ trong quý II/2004.
b) Hoàn thiện đề án Đổi mới cơ chế quản lý khoa học - công nghệ (quý II/2004).
c) Xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
d) Xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi và khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong nước và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chính sách phát triển công nghệ cao.
đ) Xây dựng đề án Chuyển các tổ chức nghiên cứu triển khai khoa học - công nghệ sang tổ chức hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (quý IV/2004).
2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các chính sách để sản phẩm khoa học có thể trở thành hàng hóa.
3. Các Bộ, ngành xây dựng đề án Đổi mới công nghệ trong các ngành kinh tế - xã hội nhằm nâng cao trình độ công nghệ của các ngành sản xuất và dịch vụ chủ yếu, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ.
4. Bộ Thương mại tiếp tục hoàn thiện Luật Cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh, Luật Chống bán phá giá để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội.
5. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, ban hành các văn bản theo hướng xóa bỏ bao cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước dưới các hình thức cho vay theo chỉ định, bảo lãnh vay, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, bù lỗ.
6. Chính phủ sớm ban hành và triển khai thực hiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 43/1999/NĐ-CP về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
7. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn chỉnh đề án Phát triển dịch vụ công, trình Chính phủ trong quý II/2004.
8. Các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng của mình khẩn trương rà soát, điều chỉnh một số chính sách cần thiết, ban hành một số chính sách mới để hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển mạnh, không hạn chế về quy mô, kể cả doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, đặc biệt là tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiếp cận và mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực,...
9. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết đất đai làm mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.
10. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, tín dụng.
III. ĐẨY MẠNH THU HÚT CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ; NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ, HẠN CHẾ THẤT THOÁT VÀ LÃNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát và tổng hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020. Xây dựng quy hoạch kêu gọi vốn ODA thời kỳ 2006 - 2010.
2. Chính phủ sớm ban hành và triển khai thực hiện Nghị định về công tác quy hoạch.
3. Các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố; quy hoạch phát triển một số ngành quan trọng, một số sản phẩm chủ yếu, đặc biệt là các sản phẩm đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thị trường tiêu thụ để hỗ trợ phát triển. Khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa quy hoạch chung của cả nước, quy hoạch vùng, quy hoạch của tỉnh và quy hoạch ngành.
4. Công bố rộng rãi các chiến lược và quy hoạch để các doanh nghiệp tự quyết định lựa chọn hình thức đầu tư kinh doanh thích hợp.
5. Các Bộ, ngành, địa phương phải coi trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển, coi đó là giải pháp cơ bản để đẩy mạnh đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm rà soát việc huy động vốn đầu tư cho năm 2004, năm 2005 và chuẩn bị xây dựng kế hoạch huy động vốn đầu tư cho 5 năm tới.
7. Tiếp tục huy động vốn cho cho đầu tư phát triển thông qua việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu đô thị.
8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính xây dựng đề án Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển ngành y tế; bảo tồn và chống xuống cấp các di tích văn hóa.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo chuyển biến cơ bản trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
10. Mở rộng danh mục được đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại, tín dụng, bảo hiểm, viễn thông, quảng cáo, đào tạo nguồn nhân lực,... phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
11. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hình thành khung pháp lý chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử về chi phí đầu tư và kinh doanh. Chuẩn bị xây dựng Luật Đầu tư chung (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài).
12. Xây dựng đề án Tăng cường giải ngân vốn ODA và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA.
13. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 77/CP ngày 18 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) áp dụng cho đầu tư trong nước.
14. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước.
15. Rà soát lại chủ trương đầu tư và hiệu quả đầu tư đối với những dự án lớn đang có nhiều ý kiến khác nhau, kịp thời xác định hướng xử lý và ngăn chặn tiếp diễn các chủ trương đầu tư sai.
16. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư; hoàn thiện Quy chế giám sát của cộng đồng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
17. Tách một số tổ chức giám sát và thi công trực thuộc cùng một cơ quan quản lý nắm giữ lượng vốn lớn của Nhà nước (giao thông, thuỷ lợi, xây dựng dân dụng) để hình thành những tổ chức giám sát độc lập.
18. Thanh tra Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch kiểm tra thất thoát đầu tư theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ; xác định các biện pháp giảm thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Trong các báo cáo do các cơ quan thanh tra các cấp thực hiện, cần chỉ rõ tổ chức, cá nhân gây lãng phí và thất thoát vốn.
IV. ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC, Y TẾ
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các đề án về xã hội hóa giáo dục.
a) Xây dựng đề án về chuyển một số trường đại học thuộc loại hình công lập sang loại hình ngoài công lập (quý IV/2004).
b) Có chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
c) Hoàn thiện thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.
d) Khẩn trương xây dựng đề án Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (quý III/2004).
đ) Xây dựng đề án Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cơ cấu lại hệ thống đào tạo; bổ sung, hoàn thiện mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, hoàn thiện hệ thống đào tạo thực hành định hướng nghề nghiệp (quý II/2004).
e) Tổng kết, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học và ý kiến của nhân dân.
2. Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương xây dựng các đề án về xã hội hóa các hoạt động y tế (quý II/2004).
a) Sửa đổi chế độ viện phí, xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế và người trả tiền dịch vụ.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án Huy động vốn để nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực; xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, kể cả việc xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh, trang thiết bị y tế ở các vùng thiên tai, bão, ngập lụt, vùng sâu, vùng xa.
c) Hoàn thiện cơ chế, chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, các đối tượng chính sách; xây dựng chính sách đối với những người bị tác động bởi hậu quả của chất độc màu da cam.
d) Khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp dược, đề án Quản lý thuốc và các giải pháp chống độc quyền trong kinh doanh thuốc chữa bệnh.
V. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ VÀ THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT, LỘ TRÌNH HỘI NHẬP, CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN TRONG NƯỚC ĐỂ SỚM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)
1. Trong năm 2004, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo công tác đàm phán để đạt được mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2005.
2. Bộ Thương mại chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan.
a) Tập trung xây dựng Chiến lược tổng thể hội nhập kinh tế quốc tế ở các cấp độ: toàn cầu, khu vực và song phương, đặc biệt là chuẩn bị đề án đàm phám gia nhập WTO để báo cáo Chính phủ.
b) Xây dựng các cam kết cuối cùng gia nhập WTO (quý I/2004); xây dựng đề án Thông tin tuyên truyền về WTO, những lợi ích và thách thức của một nước thành viên nhằm tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận trong xã hội về việc nước ta gia nhập WTO.
c) Xây dựng phương án mở cửa thị trường; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu.
d) Hoàn thành dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách phát triển thương mại - dịch vụ và tổ chức việc triển khai thực hiện sau khi ban hành.
đ) Tiếp tục hoàn thiện hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu. Sớm công bố lượng hạn ngạch thuế quan và phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu năm 2004 chịu sự điều chỉnh của hạn ngạch thuế quan.
e) Sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động kinh doanh các mặt hàng: phân bón, xi măng, sắt thép, hóa chất, vật liệu nổ, xăng dầu, gas, muối, đường, thuốc lá, rượu, thực phẩm tươi sống,...
3. Các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, xây dựng các văn bản pháp quy (bao gồm cả các tiêu chuẩn) phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các quy định của WTO và yêu cầu hợp lý của các nước thành viên WTO tham gia đàm phán (bao gồm 94 văn bản trong đó có 52 văn bản sửa đổi, bổ sung và 42 văn bản ban hành mới).
VI. XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM
Trong hai năm tới, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ Chương trình Xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tập trung chỉ đạo thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các bãi ngang, vùng ven biển, miền núi, vùng dân tộc, vùng nông dân mất đất, thiếu việc làm do lấy đất phát triển giao thông, đô thị, xây dựng khu công nghiệp,...
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng phía Tây đường Hồ Chí Minh. Xác định các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống của nhân dân ở vùng này.
2. Bộ Thương mại nghiên cứu đề án Phát triển mạng lưới thương nghiệp ở miền núi.
3. Giao Uỷ ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 135.
4. Các Bộ, ngành, địa phương đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; trình Chính phủ hỗ trợ xây dựng các dự án (trường học, trạm xá, nước sạch, đường vào trung tâm cụm xã, điện) ở những vùng còn thiếu.
5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại Chương trình xóa đói, giảm nghèo và việc làm trong cả nước, trên cơ sở đó xây dựng tiêu chuẩn đói nghèo mới ở mức cao hơn, trình Chính phủ trong quý IV/2004.
6. Xây dựng đề án Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự bình đẳng về cơ hội được bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các thành phần kinh tế (quý III/2004).
VII. TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, NÂNG CAO HIỆU LỰC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, ĐÂY LÀ CÔNG VIỆC TRỌNG TÂM CỦA NĂM 2004
1. Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính; có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ về công tác cải cách hành chính tại các phiên họp hàng tháng của Chính phủ, thực hiện ngay từ tháng 3 năm 2004.
2. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các chức năng đã được phân công; tiếp tục soát xét, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết.
3. Bộ Nội vụ nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Pháp lệnh về Cán bộ, công chức theo hướng gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả công việc. Xây dựng và thực hiện chương trình và các giải pháp cụ thể phòng, chống tham nhũng, quan liêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm siết chặt kỷ cương và kỷ luật hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước (quý III/2004).
4. Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế để kiểm soát thu nhập, thực hiện triệt để việc kê khai tài sản và thu nhập cá nhân, trước hết là đối với cán bộ có chức, có quyền.
VIII. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện những nội dung chủ yếu đã được nêu ra trong Chương trình hành động của Chính phủ (phụ lục kèm theo), theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình; xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, chương trình, dự án theo sự phân công của Chính phủ. Đặc biệt, cụ thể hóa những việc cần triển khai không cần các đề án, chỉ thị và tổ chức thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2004.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình hành động, kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp và tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Các Bộ, ngành được phân công chuẩn bị các chương trình, đề án, chính sách,... chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và báo cáo kết quả đúng theo tiến độ, thời gian đã quy định tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.