BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2002/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG DẠY NGHỀ, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP, CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đại học, Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đại học, Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và tài chính và Hiệu trưởng các trường có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỨ TRƯỞNG
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ ĐÀO TẠO LIÊN THÔNG DẠY NGHỀ, TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP, CAO ĐẲNG VÀ ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/2002/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khái niệm và mục đích
1. Đào tạo liên thông là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo.
2. Quy định về đào tạo liên thông nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo và công nhận kết quả học tập, tri thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học để quá trình đào tạo liên thông diễn ra thông suốt với chất lượng và hiệu quả cao.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này áp dụng cho những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm đào tạo liên thông.
Điều 3. Đối tượng được đào tạo liên thông
1. Những người đã tốt nghiệp hệ chính quy các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng có nhu cầu học tập nâng cao.
2. Những người đã tốt nghiệp những khoá đào tạo chính quy tại nước ngoài với trình độ tương đương dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng của Việt Nam và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận.
Điều 4. Nguyên tắc chung và điều kiện thực hiện đào tạo liên thông
1. Các trường được phép tổ chức đào tạo liên thông phải thoả mãn điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
2. Chương trình đào tạo phải được xây dựng theo những nguyên tắc sau:
- Chương trình đào tạo được thiết kế theo nguyên tắc mềm và phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ ở các trình độ khác.
- Chương trình đào tạo phải phản ánh đúng mục tiêu đào tạo, yêu cầu học tập, nội dung, phương pháp dạy và học, thời gian đào tạo, kế hoạch thực hiện và phương pháp đánh giá theo trình độ và theo ngành đào tạo tương ứng.
- Chương trình đào tạo được thiết kế phải phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Ở giai đoạn thí điểm, chương trình đào tạo được ghi trong thoả thuận đào tạo liên thông phải trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để phê duyệt.
3. Các thủ tục tuyển chọn và tổ chức đào tạo phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ và công khai, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người.
4. Ngành nghề đào tạo liên thông và chỉ tiêu đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hàng năm trên cơ sở nhu cầu nhân lực của từng ngành kinh tế và của địa phương cũng như điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường.
5. Danh mục ngành đào tạo liên thông dọc phải đảm bảo tính nhất quán về tên gọi, nội dung chương trình và thuộc Danh mục ngành đào tạo đã được Nhà nước ban hành.
Chương II:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Điều 5. Nhiệm vụ của các trường tham gia đào tạo liên thông
1. Các trường dự định thí điểm đào tạo liên thông phải hoàn tất mọi thủ tục ghi tại Điều 11 của Quy định này.
2. Các trường tổ chức đào tạo liên thông phải chủ động nguồn tuyển sinh và nguồn lực phục vụ cho đào tạo.
3. Các trường tổ chức đào tạo liên thông phải xây dựng chương trình đào tạo theo các yêu cầu ghi tại khoản 2, Điều 4.
4. Tổ chức các khoá đào tạo liên thông thí điểm theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Thực hiện nghiêm túc những văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến đào tạo (thi tuyển, dạy, học, thi kiểm tra đánh giá, mức thu học phí…
Điều 6. Quyền hạn của các trường tham gia thí điểm đào tạo liên thông
1. Mọi cơ sở dạy nghề, đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân đều có quyền liên kết với nhau để đào tạo liên thông trên những nguyên tắc đã thoả thuận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Chỉ tiêu đào tạo liên thông thí điểm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao riêng và không thuộc chỉ tiêu đào tạo cho năm lập kế hoạch tuyển sinh.
CHƯƠNG III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ
Điều 7. Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo liên thông
Các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thành lập các Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo liên thông. Tổ chức và cơ chế hoạt động của Hội đồng do Hiệu trưởng nhà trường quy định.
Điều 8. Hội đồng liên thông quốc gia
Hội đồng liên thông theo ngành ở các trình độ đào tạo trong phạm vi quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập. Tổ chức và hoạt động của các Hội đồng này theo quy định trong điều lệ Hội đồng đào tạo liên thông quốc gia do Chủ tịch hội đồng ban hành.
Điều 9. Nguyên tắc liên kết và thoả thuận trong đào tạo liên thông
1. Hai trường liên kết với nhau để đào tạo liên thông phải có bản thoả thuận cam kết về những nội dung liên quan đến đào tạo liên thông. Những nội dung này bao gồm:
- Trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo;
- Cam kết thực hiện những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề liên quan;
- Thoả thuận khung về những vấn đề hai bên cùng quan tâm và các kế hoạch hợp tác khác liên quan đến đào tạo.
2. Việc công nhận chất lượng đào tạo giữa trường chuyển đi và trường chuyển đi và trường tiếp nhận người học do các trường tự chịu trách nhiệm. Các vụ liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm cùng với cơ sở đào tạo giám sát chất lượng chương trình đào tạo, quá trình tổ chức đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ đào tạo.
3. Chương trình đào tạo phải được thực hiện đúng với nội dung ghi trong bản thoả thuận liên kết đào tạo liên thông.
4. Trường nhận người học chuyển đến sẽ áp dụng tiêu chuẩn tuyển chọn của chính trường đó và dựa theo kết quả thi tuyển của thí sinh.
5. Trường tiếp nhận và trường chuyển người học đi phải thường xuyên thông báo cho nhau về những vấn đề liên quan đến thoả thuận đào tạo liên thông. Mỗi trường không được tự ý thay đổi những điều kiện đã thoả thuận mà không tham khảo ý kiến của phía trường đối tác.
6. Một trường có thể đàm phán và ký kết thoả thuận đào tạo liên thông với nhiều trường. Mỗi bản thoả thuận đào tạo liên thông chỉ có giá trị đối với hai trường cùng ký kết thoả thuận.
7. Việc đàm phán và ký kết thoả thuận do các đại diện được uỷ quyền từ mỗi trường.
8. Thoả thuận đào tạo liên thông được soạn thảo theo mẫu đính kèm Quyết định này(*) và là một tài liệu quan trọng trong hồ sơ xin phép đào tạo liên thông.
9. Người đã tốt nghiệp tại một trường mà muốn học lên trình độ cao hơn ở trường khác trong khi trường đó không có liên kết đào tạo liên thông với trường mình, thì người học phải làm đơn xin đăng ký tuyển chọn theo mẫu rồi yêu cầu trường đã học xác nhận trước khi gửi hồ sơ đến trường thực hiện đào tạo liên thông.
10. Người đã tốt nghiệp ở một trường nhưng hiện tại trường đó đã giải thể hoặc không đào tạo ngành mà người học đã tốt nghiệp, trường tiếp nhận người học phải tổ chức thi tuyển theo quy định.
11. Trong trường hợp cần thiết, người học phải theo học những khoá đào tạo bổ sung bắt buộc để đủ kiến thức theo học ở trình độ cao hơn. Trên cơ sở thảo thuận với trường chuyển người học đi, trường tiếp nhận người học đến có trách nhiệm tổ chức các khoá học bổ sung này.
Điều 10. Công nhận kết quả học tập của người học giữa hai trường thoả thuận đào tạo liên thông
1. Việc thừa nhận kết quả học tập của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân phải căn cứ vào sự tương đương về nội dung đào tạo, yêu cầu học tập, thời gian đào tạo và thực tế thi kiểm tra tại thời điểm đào tạo.
2. Việc công nhận văn bằng chứng chỉ đào tạo của những người tốt nghiệp từ nước ngoài về để được vào học trong các trường cao đẳng và đại học tại Việt Nam phải căn cứ vào sự tương đương nội dung chương trình đào tạo, kết quả học tập, thời gian đào tạo và thực tế thi kiểm tra đánh giá. Tên gọi bằng cấp và bảng điểm được dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, phải công chứng tại Việt Nam hoặc phải trình bản gốc của văn bằng cho cơ sở đào tạo khi có yêu cầu.
3. Tuỳ theo quy trình đào tạo tại mỗi trường, người học có thể được công nhận kết quả học tập theo tín chỉ, học phần, chương trình môn học và kết quả toàn khoá học để được miễn trừ.
4. Nếu một trường từ chối công nhận kết quả học tập của một thí sinh đã tốt nghiệp ở một trường khác thì phải trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ những lý do để từ chối. Thời gian trả lời cho đương sự trong vòng một tháng kể từ ngày ký nhận được yêu cầu.
Điều 11. Thủ tục đăng ký đào tạo liên thông thí điểm
1. Những trường dự định thí điểm đào tạo liên thông phải làm hồ sơ trình Ban chỉ đạo Xây dựng chương trình liên thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan chủ quản. Hồ sơ trình gồm có:
- Tờ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo có kèm ý kiến đề nghị của cơ quan chủ quản. Nội dung tờ trình phải nêu rõ: ngành đào tạo (khẳng định nhu cầu đào tạo); cơ sở đào tạo; tổ chức quá trình đào tạo; đối tác liên kết (nếu có); chỉ tiêu đào tạo đề nghị; tiêu chí, hình thức và điều kiện tuyển chọn; học phí; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và những cam kết đảm bảo chất lượng.
- Thoả thuận đào tạo liên thông giữa các bên.
- Chương trình đào tạo.
- Kế hoạch đào tạo.
2. Sau khi nhận được hồ sơ gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng chương trình liên thông (Vụ Đại học và Vụ Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề) sẽ có ý kiến bằng văn bản trình lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép đào tạo thí điểm.
3. Quyết định trả lời chính thức cơ sở đào tạo chậm nhất là 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 điều này.
Điều 12. Tổ chức các khoá đào tạo liên thông thí điểm
1. Thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở nội dung đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo, điều kiện giảng dạy và thực hành để đảm bảo đạt được mục tiêu đào tạo (theo chuẩn trình độ). Thời gian đào tạo liên thông từ trình độ trung học chuyên nghiệp đến trình độ cao đẳng không dưới một năm 6 tháng và không quá hai năm. Thời gian đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng đến trình độ đại học không dưới một năm sáu tháng và không quá hai năm.
2. Các môn học tiên quyết do các trường tự quy định dựa theo chương trình đào tạo được phê duyệt.
3. Trong trường hợp cần phải tổ chức các khóa học bổ sung kiến thức cho những người đã trúng tuyển để có thể theo học được ở trình độ cao hơn, nhà trường phải tổ chức các khoá học này trước khi bắt đầu tiến hành đào tạo liên thông. Thời gian đào tạo các khoá bổ sung kiến thức không vượt quá 2 tháng và không tính vào thời gian đào tạo liên thông quy định tại khoản 1 điều này.
4. Tổ chức đào tạo liên thông thí điểm phải theo hình thức đào tạo tập trung chính quy.
Điều 13. Quản lý đào tạo liên thông
1. Vụ Đại học và Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có trách nhiệm quản lý chương trình đào tạo liên thông, hướng dẫn giúp các trường phát triển chương trình đào tạo và giám sát việc thực hiện các quy định.
2. Mỗi trường phân công một bộ phận với các chức năng tổ chức liên kết, xây dựng chương trình, xác định các khoá đào tạo liên thông, tư vấn hướng dẫn người học, giám sát, đánh giá và báo cáo quá trình thực hiện.
Điều 14. Lưu giữ hồ sơ đào tạo
Những hồ sơ liên quan đến đào tạo liên thông cần thống nhất lưu giữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giám sát và thanh tra khi cần thiết. Hồ sơ lưu trữ gồm:
- Hồ sơ chuẩn bị các thủ tục để đào tạo liên thông;
- Kế hoạch lên lớp và sổ theo dõi lớp học sinh, sinh viên của giảng viên;
- Theo dõi thực hiện kinh phí và học phí của học sinh, sinh viên;
- Kết quả thi kiểm tra từng học kỳ;
- Học bạ và sổ lưu cấp văn bằng, chứng chỉ.
Điều 15. Giám sát và đánh giá
Nhà trường phải giám sát theo các tiêu chí sau đây:
- Số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp, bỏ học, lưu ban, kỷ luật;
- Số học sinh, sinh viên nhận việc sau một năm từ khi ra trường;
- Những điều chỉnh trong quá trình đào tạo về chương trình, tổ chức dạy và học, thực tế thi kiểm tra đánh giá;
- Những kiến nghị cần thiết.
Điều 16. Chế độ báo cáo
1. Mỗi năm một lần, khi kết thúc năm học các trường tổ chức liên kết đào tạo liên thông phải gửi báo cáo về việc thực hiện chương trình đào tạo liên thông theo những tiêu chí đánh giá trên cho các đối tác đào tạo, cơ quan quản lý cấp trên và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Ngoài những số liệu đánh giá, nội dung báo cáo phải thể hiện những phân tích của nhà trường xung quanh các vấn đề chất lượng và hiệu quả đào tao.
Chương IV:
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN CỦA NGƯỜI HỌC
Điều 17. Trách nhiệm của người học
1. Người học muốn tham dự thi tuyển vào học trong các chương trình đào tạo liên thông cần phải điền vào một bản đăng ký dự thi và nộp đủ hồ sơ, lệ phí theo yêu cầu. Trong trường hợp cần thiết, người học phải xuất trình bản chính của chứng chỉ hoặc văn bằng đã được cấp.
2. Người học phải tham dự một kỳ thi tuyển với một môn chuyên môn và một môn cơ sở.
3. Khi được tuyển vào học, người học phải đóng học phí theo quy định chung của Nhà nước.
4. Người học phải tuân thủ mọi quy chế đào tạo khác.
Điều 18. Quyền của người học
1. Người học được tuyển chọn theo nguyên tắc:
Người tốt nghiệp đạt loại giỏi sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp. Kết quả thi tuyển sẽ được cộng thêm từ 1-2 điểm do Hiệu trưởng quyết định điểm cộng này; người tốt nghiệp loại khá sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ 2 năm trở lên mới được thi tuyển.
Người học thuộc diện chính sách, khi thi tuyển được ưu tiên theo các Quy chế tuyển sinh hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
2. Người học phải được cung cấp thông tin trước lúc bắt đầu khoá học của họ tại trường chuyển đi về những khoá học tương thích, điều kiện tiên quyết, hình thức thi kiểm tra, và những yêu cầu khác mà trường chuyển đến sẽ dựa trên đó để tuyển chọn.
3. Người học có quyền yêu cầu cơ sở giáo dục đào tạo cung cấp các điều kiện giáo dục với chất lượng như đã thông báo.
Chương V:
THI, KIỂM TRA VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
Điều 19. Tổ chức thi kiểm tra tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học
Việc thi và kiểm tra phải thực hiện theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng đối với hệ chính quy.
Điều 20. Công nhận tốt nghiệp
1. Việc công nhận tốt nghiệp tuân theo Quy chế về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học và cao đẳng hệ chính quy ban hành tại Quyết định số 04/1999/QĐ-BGDĐT ngày 11/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Người học trước đây đã tốt nghiệp loại hình đào tạo chính quy thì trên văn bằng tốt nghiệp các khoá đào tạo liên thông sẽ được ghi nguyên loại hình đào tạo chính quy. Trong đào tạo liên thông, không được phép chuyển đổi tên gọi loại văn bằng từ hệ đào tạo không chính quy thành hệ đào tạo chính quy
Điều 21. Không công nhận tốt nghiệp
Không cấp văn bằng tốt nghiệp và không công nhận văn bằng trong những trường hợp sau:
1. Hồ sơ đăng ký thi tuyển không trung thực;
2. Người học không hoàn thành chương trình đạo;
3. Cơ sở đào tạo không tuân thủ các quy định về thi tuyển, thực hiện chương trình đào tạo và tổ chức quá trình đào tạo như đã đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
(*)Không in mẫu
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.