BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 414-TC/TCĐN | Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BỔ SUNG SỬA ĐỔI QUI CHẾ ĐẤU THẦU HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ XUẤT KHẨU TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ vào Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ vào Nghị định số 40/CP ngày 3 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá và dịch vụ thu ngoại tệ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Đối ngoại, Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Qui định bổ sung sửa đổi Qui chế đấu thầu áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu trả nợ nước ngoài theo Nghị định số 40/CP ngày 3 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các qui định trong Qui chế đấu thầu hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu trả nợ nước ngoài đã được ban hành kèm theo Quyết định số 299 TC/TCĐN ngày 23 tháng 3 năm 1996 của Bộ Tài chính không trái với Quyết định này vẫn có hiệu lực thi hành. Các thành viên của Hội đồng Đấu thầu và các Vụ, Cục liên quan của Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
QUI ĐỊNH
BỔ SUNG SỬA ĐỔI QUI CHẾ ĐẤU THẦU HÀNG HOÁ VÀ DỊCH VỤ XUẤT KHẨU TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 414 TC/TCĐN của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Nhằm hoàn thiện cơ chế trả nợ bằng hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, nay Bộ Tài chính qui định bổ sung một số điểm trong Qui chế đấu thầu hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 299 TC/TCĐN của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 23/3/1996 như sau:
1. Đơn vị đầu mối ký Hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài
Đối với một số thị trường truyền thống, để đảm bảo uy tín của Việt nam trong việc thực hiện xuất khẩu hàng trả nợ, Bộ Thương mại sẽ phối hợp với các Bộ liên quan chỉ định các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng xuất khẩu trả nợ với đối tác nước ngoài.
Căn cứ vào kế hoạch trả nợ hàng năm cho từng nước, căn cứ vào cơ cấu mặt hàng được hai Chính phủ thoả thuận, Bộ Thương mại chủ trì thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ định các doanh nghiệp có uy tín trong nước và quốc tế, có kinh nghiệm ký hợp đồng xuất khẩu trả nợ với đối tác nước ngoài. Các đơn vị được chỉ định làm đầu mối có quyền từ chối nhiệm vụ đầu mối bằng văn bản gửi Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chỉ định làm đầu mối của Bộ Thương mại (tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện hoặc ngày đơn vị trực tiếp ký nhận văn bản) và chậm nhất là cuối Quí III hàng năm.
Nội dung các điều khoản chủ yếu trong hợp đồng xuất khẩu hàng hoá trả nợ phải đảm bảo tuân thủ đúng các điều khoản cơ bản như trong hợp đồng xuất khẩu hàng hoá thông thường, nhất là điều kiện giao hàng phải phù hợp với điều kiện giao hàng cơ sở theo thông lệ quốc tế.
Ngay sau khi ký Hợp đồng với đối tác nước ngoài và chậm nhất là 1 tháng trước ngày hết hạn giao hàng ghi trong Hợp đồng, đơn vị đầu mối có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thương mại để duyệt Hợp đồng và cho Bộ Tài chính để triển khai đấu thầu.
Các đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm thông báo đầy đủ kịp thời mọi thông tin liên quan đến việc thực hiện Hợp đồng ngoại cho các đơn vị uỷ thác xuất khẩu, tổ chức việc giao nhận hàng đúng theo Hợp đồng, làm việc với đối tác nước ngoài yêu cầu bồi thường các thiệt hại do lỗi của phía bạn (tàu vào chậm, chậm mở L/C thanh toán v v...) và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các đơn vị trúng thầu giao hàng xuất khẩu trả nợ theo Hợp đồng ngoại đã ký trong trường hợp có khiếu nại.
Đơn vị đầu mối ngoài việc được thực hiện 20% kim ngạch Hợp đồng nếu không trúng thầu còn được hưởng phí uỷ thác xuất khẩu. Mức phí uỷ thác do doanh nghiệp đầu mối thoả thuận với doanh nghiệp trúng thầu căn cứ vào mức phí uỷ thác thịnh hành trên thị trường đối với hoạt động uỷ thác xuất khẩu mặt hàng tương ứng (tối đa là 1% tính trên doanh số trúng thầu) và được ghi trong Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu do các đơn vị trúng thầu trả.
2. Bổ sung Điều 1: Đối tượng và điều kiện tham gia đấu thầu
Trong trường hợp Nhà nước gọi thầu để thực hiện Hợp đồng xuất khẩu đã ký giữa đơn vị đầu mối của Việt nam và đối tác nước ngoài thì không yêu cầu đối tượng tham gia đấu thầu phải có giấy phép xuất khẩu trực tiếp mà chỉ cần là các doanh nghiệp Nhà nước có giấy phép đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp.
Doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải cam kết đủ khả năng về tài chính để thực hiện hợp đồng khi trúng thầu. Sau khi trúng thầu, doanh nghiệp có thể sử dụng Đơn đặt hàng đã ký với Bộ Tài chính để làm cơ sở khi cần huy động vốn (nếu được bên cho vay chấp nhận)
Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm ký Hợp đồng uỷ thác với đơn vị đầu mối để thực hiện giao hàng theo Hợp đồng xuất khẩu đã ký với nước ngoài.
3. Bổ sung Điều 2: Nguyên tắc đấu thầu
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đợt đấu thầu, Hội đồng đấu thầu sẽ quyết định chia kim ngạch đấu thầu của từng đợt thành 1 hoặc nhiều lô.
Các doanh nghiệp tham gia đấu thầu được phép đăng ký 1 hoặc nhiều lô trong từng đợt đấu thầu và theo tỷ giá cho từng lô tương ứng
4. Sửa đổi Điều 5: Đăng ký đấu thầu
Các doanh nghiệp tham gia đấu thầu nộp tiền lệ phí đấu thầu (bằng séc hoặc tiền mặt) bằng 0,1 % trị giá đăng ký thầu nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng cho mỗi đơn dự thầu thay cho mức tối đa 10 triệu đồng cho mỗi đơn thầu ghi trong Quy chế đấu thầu ngày 23/3/1996.
5. Bổ sung Điều 6: Tiêu chuẩn xét thầu
Trường hợp trong 1 đợt đấu thầu có nhiều lô, Hội đồng đấu thầu sẽ xét doanh nghiệp trúng thầu theo từng lô. Doanh nghiệp trúng thầu của từng lô là doanh nghiệp đăng ký tỷ giá thấp nhất của lô đó.
Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu sau đó từ chối tham gia giao hàng theo kết quả đã trúng thầu thì phải thông báo ngay cho Hội đồng đấu thầu bằng văn bản trong vòng 3 ngày kể từ ngày mở thầu. Hội đồng đấu thầu sẽ thông báo và giao cho đơn vị có tỷ giá dự thầu kế tiếp thực hiện với điều kiện doanh nghiệp đó chấp nhận tỷ giá đã trúng thầu. Trường hợp nếu có 2 hay nhiều đơn vị cùng có tỷ giá thầu kế tiếp đều chấp nhận thực hiện thì số kim ngạch bị từ chối đó sẽ được chia đều cho mỗi đơn vị để thực hiện. Nếu không có đơn vị nào nhận thì Hội đồng đấu thầu sẽ tổ chức đấu thầu lại lô hàng bị từ chối nói trên.
Riêng đối với doanh nghiệp đã từ chối kết quả thầu thì không được phép tham gia các đợt đấu thầu tiếp theo.
6. Sửa đổi Điều 7: Phương thức ký quĩ
Cách 1: Bằng Bảo chứng Ngân hàng. Doanh nghiệp phải gửi tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng và phải có xác nhận của ngân hàng, trong đó ghi rõ số tiền và mục đích của khoản tiền gửi là để ký đơn đặt hàng. Khi doanh nghiệp thực hiện xong đơn đặt hàng thì giấy Bảo chứng này sẽ hết hiệu lực.
Cách 2: Doanh nghiệp trúng thầu đến Kho bạc Nhà nước nơi doanh nghiệp có trụ sở để mở tài khoản và nộp tiền ký quĩ, sau đó doanh nghiệp lấy xác nhận của Kho bạc về việc đã thực hiện ký quĩ gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để ký Đơn đặt hàng.
Mẫu Thư bảo lãnh được đính kèm theo Qui định này.
Doanh nghiệp phải thực hiện các qui định về tài khoản ký quĩ do Ngân hàng hoặc Kho bạc nơi doanh nghiệp ký quĩ ban hành.
7. Trường hợp bất khả kháng:
Trong quá trình thực hiện việc xuất khẩu hàng trả nợ cho các nước có thể xẩy ra những trường hợp bất khả kháng như: thiên tai; giá cả mặt hàng xuất khẩu trả nợ trên thị trường thế giới hoặc trong nước đột biến vượt quá tổng mức các khoản chi phí cho lô hàng xuất khẩu; khách hàng từ chối nhận hàng hoặc kéo dài quá mức về thời gian nhận hàng... Trong những trường hợp trên nếu doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp trúng thầu có văn bản gửi Bộ Tài chính, và các ngành hữu quan đề nghị nâng mức tỷ giá thanh toán so với tỷ giá trúng thầu, hoặc đề xuất biện pháp để giải quyết khó khăn cho đơn vị trúng thầu thì Hội đồng Đấu thầu phải có ý kiến trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định biện pháp xử lí nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp đồng thời tạo điều kiện để duy trì tốt mối quan hệ hợp tác vốn có giữa nước ta với các nước. Trong trường hợp có phát sinh vấn đề lớn (tỷ giá thanh toán quá 100% tỷ giá Ngân hàng công bố) vượt thẩm quyền của Bộ Tài chính thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, theo qui định tại điều 12 điểm 3 của Nghị định 40/CP ngày 3/7/1995 của Chính phủ.
Các điều khoản khác của Qui chế đấu thầu ban hành ngày 23/3/1996 không trái với Qui định này vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc các Bộ, ngành địa phương và các đơn vị có liên quan cần kịp thời phản ánh cho Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.