BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2001/QĐ-BVHTT | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 39/2001/QĐ-BVHTT NGÀY 23/8/2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC LỄ HỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 08/11/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hoá Thông tin cơ sở.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Tổ chức lễ hội.
Điều 2. Quy chế Tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quy chế Lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-QC ngày 21 tháng 5 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, Giám đốc các Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức lễ hội có trách nhiệm thi hành Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
| Phạm Quang Nghị (Đã ký) |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC LỄ HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 23 tháng 8 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh của Quy chế này bao gồm:
1. Lễ hội dân gian.
2. Lễ hội lịch sử cách mạng.
3. Lễ hội tôn giáo.
4. Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.
Điều 2. Tổ chức lễ hội nhằm:
1. Tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, các liệt sỹ, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
3. Đáp ứng nhu cầu văn hoá, tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên và các nhu cầu chính đáng khác của nhân dân.
Điều 3. Nghiêm cấm các hành vi sau đây tại nơi tổ chức lễ hội:
1. Lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây mất trật tự, an ninh, tuyên truyền trái pháp luật, chia rẽ đoàn kết dân tộc.
2. Tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
3. Tổ chức các dịch vụ sinh hoạt ăn nghỉ và dịch vụ tín ngưỡng trong khu vực nội tự.
4. Đánh bạc dưới mọi hình thức.
5. Đốt đồ mã (nhà lầu, xe, ngựa, đồ dùng sinh hoạt...).
6. Những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Chương 2
QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI
Điều 4.
1. Những lễ hội sau đây khi tổ chức không phải xin cấp phép, nhưng phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoa - thông tin trước thời gian tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày về thời gian, dịa điểm, nội dung, kịch bản (nếu có) và danh sách Ban Tổ chức lễ hội:
a) Lễ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ;
b) Lễ hội lịch sử cách mạng tiêu biểu có ý nghĩa giáo dục truyền thống.
2. Việc báo cáo bằng văn bản về tổ chức các lễ hội quy định tại khoản 1 Điều này được quy định cụ thể như sau:
a) Lễ hội do cấp xã tổ chức phải báo cáo với Phòng Văn hoá - Thông tin;
b) Lễ hội do cấp huyện tổ chức phải báo cáo với Sở Văn hoá - Thông tin;
c) Lễ hội do cấp tỉnh tổ chức phải báo cáo với Bộ Văn hoá - Thông tin.
3. Sau khi nhận được văn bản báo cáo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan văn hoá thông tin có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Trường hợp do thiên tai, dịch bệnh hoặc an ninh, trật tự mà việc tổ chức lễ hội quy định tại khoản 1 Điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương thì Uỷ ban nhân dân xem xét và quyết định.
4. Lễ hội do làng, bản tổ chức không phải báo cáo với cơ quan văn hoá - thông tin, nhưng phải tuân theo các quy định có liên quan tại Quy chế này.
Điều 5.
1. Những lễ hội sau đây khi tổ chức phải được phép của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Lễ hội được tổ chức lần đầu;
b) Lễ hội lần đầu được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn;
c) Lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống;
d) Lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam do người nước ngoài hoặc người Việt Nam tổ chức;
đ) Những lễ hội không thuộc quy định tại Điều 12 của Quy chế này mà kéo dài quá 3 ngày;
e) Lễ hội tôn giáo vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc ở trong khuôn viên cơ sở thờ tự nhưng chưa đăng ký tổ chức hàng năm theo quy định tại Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo.
2. Lễ hội quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được tổ chức từ lần thứ hai trở đi, hoặc thường xuyên, liên tục thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.
Điều 6.
1. Hồ sơ xin phép tổ chức lễ hội phải gửi tới Sở Văn hoá - Thông tin trước khi mở lễ hội ít nhất 30 ngày. Hồ sơ xin phép tổ chức lễ hội gồm:
a) Tờ trình xin phép mở lễ hội của cơ quan tổ chức;
b) Văn bản nêu nguồn gốc, lịch sử lễ hội;
c) Thời gian, địa điểm, kế hoạch, chương trình, nội dung lễ hội;
d) Danh sách Ban Tổ chức lễ hội:
đ) Văn bản đồng ý của cơ quan ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự, Tổng Lãnh sự) đối với lễ hội du nhập từ nước ngoài do cộng động người nước ngoài đang học tập, công tác, sinh sống hợp pháp tại Việt Nam tổ chức.
2. Nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm thẩm định và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép trong thời hạn 10 ngày.
3. Trường hợp được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền, Sở Văn hoá - Thông tin thực hiện việc cấp phép. Nếu không cấp phép phải có văn bản trả lời.
Điều 7. Lễ hội tổ chức ở địa phương nào, Uỷ ban nhân dân cấp đó có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định.
Điều 8.
1. Lễ hội tôn giáo do tổ chức Giáo hội hoặc chức sắc chủ trì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo.
2. Nghi thức lễ hội tôn giáo cần có sự kết hợp hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và cơ quan quản lý văn hoá ở địa phương.
3. Ban Tổ chức lễ hội tôn giáo do Giáo hội quyết định trên cơ sở có sự thông nhất với chính quyền địa phương.
Điều 9. Nghi thức của các lễ hội phải được tiến hành trang trọng theo truyền thống có sự hướng dẫn của ngành Văn hoá - Thông tin.
Điều 10. Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ chức phải treo ở nơi trang trọng, cao hơn cờ hội và cờ tôn giáo.
Điều 11. Việc tổ chức những trò choi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.
Điều 12. Thời gian tổ chức lễ hội không kèo dài quá 3 ngày, trừ lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Tây), lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), lễ hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang).
Điều 13. Tất cả các lễ hội khi tổ chức đều phải thành lập Ban Tổ chức lễ hội.
1. Ban tổ chức lễ hội được thành lập theo quyết định của chính quyền cấp tổ chức lễ hội, trừ trường hợp lễ hội du nhập từ nước ngoài do người nước ngoài tổ chức quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Quy chế này. Đại diện chính quyền làm Trưởng ban, thành viên gồm đại diện các ngành Văn hoá - Thông tin, Công an, Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, Y tế, đại diện ngành, đoàn thể hoặc cá nhân khác có liên quan đến việc tổ chức lễ hội.
2. Ban Tổ chức lễ hội chịu trách nhiệm quản lý, điều hành lễ hội theo đúng chương trình đã báo cáo hoặc xin phép, đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh, tổ chức dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh chu đáo, bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, môi trường và quản lý việc thu, chi trong lễ hội.
3. Trong thời hạn 20 ngày kể từ khi kết thúc lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội phải có văn bản báo cáo kết quả với chính quyền cấp tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá - thông tin cấp trên trực tiếp.
Điều 14. Người đến dự lễ hội phải thực hiện nếp sống văn minh và những quy định của Ban Tổ chức lễ hội.
Điều 15.
1. Không bán vé vào lễ hội.
2. Trong khu vực lễ hội nếu có tổ chức các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày thì được bán vé; giá vé thực hiện theo quy định của cơ quan tài chính có thẩm quyền.
3. Tổ chức dịch vụ trong khuôn viên di tích phải theo quy định của Ban Tổ chức lễ hội.
Điều 16. Nguồn thu từ công đức, từ thiện phải được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.
1. Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong cả nước.
2. Thanh tra văn hoá thông tin có trách nhiệm thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
3. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này ở địa phương.
Điều 18. Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm các quy định tại Quy chế này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quy chế Lễ hội ban hành theo Quyết định số 636/QĐ-QC ngày 21/5/1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.