BAN CHỈ ĐẠO PPP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 369/QĐ-BCĐPPP | Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ (PPP)
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC
ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Căn cứ Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 161/QĐ-BCĐPPP ngày 11 tháng 12 năm 2012 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Điều 3. Các Thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO VỀ ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG - TƯ (PPP)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 369/QĐ-BCĐPPP ngày 23 tháng 11 năm 2016)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là Tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cụ thể như sau:
1. Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, kế hoạch, giải pháp chiến lược thực hiện hiệu quả mô hình PPP.
2. Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối hoạt động giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện mô hình PPP.
3. Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về PPP trong đó có hướng dẫn việc triển khai Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây viết tắt là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (sau đây viết tắt là Nghị định số 30/2015/NĐ-CP).
4. Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập, trình và phê duyệt danh mục dự án PPP ưu tiên và cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án này.
5. Chỉ đạo việc tổng kết, đánh giá và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về PPP.
Chương II
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 3. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập thể bàn bạc và Trưởng Ban quyết định trên cơ sở thống nhất giữa các thành viên. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa các thành viên, Trưởng Ban quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình.
2. Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
3. Các Phó Trưởng ban và Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về tổ chức, phối hợp và triển khai thực hiện đầu tư theo mô hình PPP trong phạm vi cơ quan mình quản lý, theo dõi với sự hỗ trợ của đơn vị làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ PPP tại cơ quan mình.
4. Ý kiến tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo là ý kiến chính thức của cơ quan, tổ chức mà thành viên đó đang công tác.
5. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban. Bên cạnh hình thức họp trực tiếp để thảo luận, Ban Chỉ đạo có thể lấy ý kiến tham gia của các thành viên bằng văn bản.
6. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.
7. Trưởng ban (hoặc Phó Trưởng ban được ủy quyền) là người chủ trì và kết luận tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo; ký các văn bản của Ban Chỉ đạo gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
8. Thành viên Ban Chỉ đạo phải có mặt trong tất cả các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Trường hợp thành viên Ban Chỉ đạo không thể tham dự phiên họp thì phải báo cáo Trưởng ban hoặc các Phó Trưởng ban và ủy quyền cho người có trách nhiệm dự họp thay và chịu trách nhiệm đóng góp ý kiến về các vấn đề trong chương trình họp Ban Chỉ đạo.
9. Trưởng ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng ban và các Ủy viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình.
10. Ban Chỉ đạo hoạt động kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2016.
Điều 4. Nhiệm vụ của Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo
1. Xây dựng chương trình công tác 6 tháng và hàng năm, trình Trưởng ban phê duyệt.
2. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị báo cáo trước các phiên họp của Ban Chỉ đạo và các báo cáo về những vấn đề liên quan khác theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.
3. Đôn đốc các Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế này và nhiệm vụ khác do Trưởng ban giao;
4. Thông tin đầy đủ, kịp thời đến các Ủy viên về chương trình, kế hoạch, ý kiến kết luận của Trưởng ban và các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo.
Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo
Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Bộ, ngành, địa phương bố trí ngân sách cho hoạt động của các Ủy viên Ban chỉ đạo là đại diện của Bộ, ngành, địa phương mình. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
Chương III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban
1. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ và các mặt công tác, hoạt động của Ban Chỉ đạo.
2. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
3. Điều hành, phân công, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao; thông qua kế hoạch công tác; chủ trì các phiên họp của Ban Chỉ đạo.
Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng, hàng năm và các phiên họp bất thường theo yêu cầu của tình hình thực tế. Trưởng ban có thể ủy quyền cho các Phó Trưởng ban chủ trì các phiên họp.
4. Ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; bổ sung, thay thế thành viên khi cần thiết.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Trưởng ban
1. Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công.
2. Thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc khi được ủy quyền, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng Quy chế, có hiệu quả.
3. Ký các văn bản điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chương trình hành động, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền.
4. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị báo cáo phục vụ các cuộc họp ban chỉ đạo 6 tháng một lần và hàng năm hoặc báo cáo đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo.
5. Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và chịu trách nhiệm giải quyết các công việc của Ban chỉ đạo khi được Trưởng ban ủy quyền; báo cáo kế hoạch công tác 6 tháng và hàng năm của Ban Chỉ đạo với Trưởng ban để thông qua, làm cơ sở quản lý, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo và của từng thành viên.
6. Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, Phó Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và chịu trách nhiệm giải quyết các công việc của Ban Chỉ đạo khi được ủy quyền.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy viên Ban Chỉ đạo
1. Nhiệm vụ chung
a) Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về các nhiệm vụ được phân công.
b) Tham gia đầy đủ các cuộc họp và chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị đóng góp ý kiến về các vấn đề trong chương trình họp Ban Chỉ đạo. Trường hợp không tham dự phiên họp thì phải báo cáo Trưởng ban hoặc các Phó Trưởng ban và ủy quyền cho người có trách nhiệm dự họp thay.
c) Tham mưu giúp Trưởng ban đôn đốc, triển khai kế hoạch thực hiện đầu tư theo mô hình PPP tại Bộ, ngành hoặc cơ quan mình. Thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, ý kiến chỉ đạo, kết luận của Trưởng ban về lĩnh vực do mình phụ trách.
d) Báo cáo Trưởng ban và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai, thực hiện đầu tư theo hình thức PPP của Bộ, ngành hoặc địa phương mình được phân công theo dõi, quản lý và các vấn đề khác được giao quy định tại Quy chế này.
đ) Báo cáo kịp thời công việc và ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo với Thủ trưởng cơ quan mình về các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách; đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP .
2. Nhiệm vụ cụ thể
Ngoài các nhiệm vụ tại Khoản 1 Điều này, các Ủy viên Ban Chỉ đạo được phân công một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 69 và 70 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
b) Ủy viên Ban Chỉ đạo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
c) Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
d) Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện Bộ Xây dựng có trách nhiệm là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Điều 9. Nhiệm vụ của Thư ký Ban Chỉ đạo
1. Dự thảo, xây dựng chương trình công tác năm, nội dung các phiên họp của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị các báo cáo về hoạt động của Ban Chỉ đạo, trình Trưởng ban phê duyệt
2. Giúp Trưởng ban đôn đốc các Bộ, ngành chuẩn bị báo cáo về những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Trưởng ban; gửi tài liệu cần thiết cho các thành viên Ban Chỉ đạo;
3. Giúp Trưởng ban đôn đốc các Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế này và nhiệm vụ khác của Trưởng ban giao;
4. Tổng hợp các báo cáo theo quy định của Ban Chỉ đạo tại Quy chế này để báo cáo Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và gửi các Ủy viên Ban Chỉ đạo; thông tin đầy đủ, kịp thời đến các Ủy viên về chương trình, kế hoạch, ý kiến kết luận của Trưởng ban và các hoạt động khác của Ban Chỉ đạo;
5. Tham mưu giúp Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quy định tại các Điều 4, 6 và 7 của Quy chế này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.