THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2001/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 31/2001/QĐ-TTG NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH, TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định (công văn số 161/VP5 ngày 04 tháng 12 năm 2000) và của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (công văn số 2342/BXD-KTQH ngày 19 tháng 12 năm 2000),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định nhằm xác định vị trí, chức năng của thành phố Nam Định là trung tâm phát triển của tỉnh Nam Định, là thành phố trung tâm cấp vùng, phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; bảo đảm đô thị phát triển bền vững, từng bước xây dựng thành phố Nam Định trở thành đô thị hiện đại, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc; làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt.
2. Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung:
Phạm vi ranh giới điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định nằm trong ranh giới hành chính thành phố Nam Định bao gồm 15 phường nội thành và 7 xã ngoại thành. Ranh giới quy hoạch xây dựng thành phố được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Mỹ Lộc;
- Phía Nam giáp huyện Nam Trực;
- Phía Đông giáp sông Hồng;
- Phía Tây giáp huyện Vụ Bản.
3. Tính chất:
- Thành phố Nam Định là một trong ba thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng; là đô thị trung tâm cấp vùng về các mặt kinh tế, văn hoá, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và đầu mối giao thông;
- Là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Nam Định; là trung tâm công nghiệp dệt may, cơ khí lắp ráp, tiểu thủ công nghiệp của vùng và của tỉnh;
- Có vị trí quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng.
4. Quy mô dân số:
- Đến năm 2005: Dân số của thành phố Nam Định khoảng 290.000 người, trong đó nội thành khoảng 240.000 người;
- Đến năm 2020: Dân số của thành phố khoảng 375.000 người, trong đó nội thành khoảng 330.000 người.
5. Quy mô đất đai:
- Năm 2005 đất xây dựng đô thị khoảng 1.500 ha với chỉ tiêu 62,5 m2/người, trong đó đất khu dân cư khoảng 1.100 ha với chỉ tiêu 45,8 m2/người;
- Năm 2020 đất xây dựng đô thị khoảng 2.600 ha với chỉ tiêu 78,8 m2/người, trong đó đất khu dân cư khoảng 2.042 ha với chỉ tiêu 61,9 m2/người. Định hướng sau năm 2020, đất xây dựng đô thị đạt chỉ tiêu 100 m2/người.
6. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:
a) Hướng phát triển đô thị:
Phát triển và cải tạo khu vực nội thành trên cơ sở khai thác tận dụng các quỹ đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả; kết hợp mở rộng và phát triển thành phố ra vùng ven đô, đặc biệt là khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố, khu Nam sông Đào.
b) Phân khu chức năng:
Khu dân cư: Tổng diện tích các đơn vị ở khoảng 1.000 ha, bao gồm:
+ Khu hạn chế phát triển gồm các ô phố cũ trong đô thị trung tâm, giới hạn từ đường ven phía Bắc sông Đào đến đường Trường Chinh. Tại các khu vực này cần hạn chế xây dựng các công trình cao tầng để không gây tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng; từng bước di chuyển một số nhà máy, xí nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm hoặc không thích hợp; giảm dân số, tăng chỉ tiêu sử dụng đất và cải thiện môi trường đô thị;
+ Khu phát triển mở rộng gồm các xã Lộc Vượng, Lộc Hạ phía Bắc thành phố; các xã Lộc Hoà, Mỹ Xá, Lộc An phía Tây thành phố và các xã Nam Vân, Nam Phong phía Nam thành phố.
- Các khu công nghiệp, kho tàng: Tổng diện tích đất công nghiêp khoảng 350 ha, bao gồm:
+ Cụm công nghiệp cũ trong nội thành: Diện tích 70 ha, là khu công nghiệp sạch như dệt may, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ;
+ Khu công nghiệp trên tuyến quốc lộ 10 và quốc lộ 21 phía Tây Bắc thành phố thuộc xã Lộc Hoà: Diện tích 120 ha, là khu công nghiệp dệt may, da, đồ dùng gia đình, lắp ráp và sản xuất điện tử, bao bì;
+ Khu công nghiệp trên tuyến quốc lộ 10 phía Tây Nam xã Lộc An: Diện tích 85 ha, là khu công nghiệp vật liệu xây dựng, sửa chữa cơ khí, hoá chất, nhựa, chế biến nông sản;
+ Khu công nghiệp ven sông Đào: Diện tích 55 ha, là kho cảng, khu công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, cơ khí;
+ Các khu công nghiệp nhỏ khác: Diện tích 20 ha, là các khu công nghiệp sạch, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ.
Trong tương lai, có thể mở rộng thêm một số khu công nghiệp về phía Đông Bắc và Tây Bắc thành phố tùy theo nhu cầu thực tế của từng giai đoạn.
- Hệ thống các trung tâm:
+ Hệ thống trung tâm dịch vụ : Các công trình phục vụ không thường xuyên (cấp thành phố) được bố trí phân tán trong thành phố; các công trình phục vụ định kỳ được bố trí gắn với hệ thống trung tâm các khu thành phố và các khu dân cư; các công trình phục vụ hàng ngày được bố trí gắn với các đơn vị ở;
+ Hệ thống trung tâm hành chính - chính trị: Tận dụng các cơ sở đã có; các cơ sở mới được bố trí tại khu vực tiếp giáp giữa khu Đông Mạc với quốc lộ 10;
+ Hệ thống cây xanh, công viên, thể dục thể thao: Diện tích công viên cây xanh khoảng 287,6 ha trên cơ sở cải tạo, mở rộng diện tích các vườn hoa hiện có trong nội thành như công viên Vị Xuyên, công viên Tức Mạc, cụm cây xanh vườn hoa trên trục đường Trần Hưng Đạo - Trần Phú và hình thành một số công viên mới như công viên văn hoá Đền Trần, công viên Nam sông Đào, công viên hồ Năng Tĩnh, các vườn hoa hồ An Trạch, hồ Bảo Bối, công viên sinh thái nông nghiệp phía Đông Nam thành phố thuộc xã Nam Phong;
+ Hoàn tất việc nâng cấp khu thể thao hiện có với diện tích 7,2 ha;
+ Xây dựng một tổ hợp trung tâm thể dục thể thao quy mô cấp vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế với diện tích 77 ha tại phía Tây hồ Truyền Thống và tiếp giáp với quốc lộ 10 ở vị trí đầu cầu vượt.
- Các khu du lịch nghỉ ngơi, vui chơi giải trí: Hình thành các khu du lịch trọng điểm trong thành phố, bao gồm: Các khu du lịch di tích và văn hoá như đền Trần - Chùa Tháp, đền Bảo Lộc, làng cổ Tức Mạc, chùa Vọng Phu ...; các vùng du lịch sinh thái trên hai bờ sông Đào tại các làng xóm có cảnh quan đẹp, các làng cổ, làng nghề truyền thống.
- Các trung tâm chuyên ngành:
+ Tổ chức hai khu trường đại học, trung học chuyên nghiệp mang tính chất vùng, bao gồm: khu trường phía Bắc tại phía Tây khu di tích đền Trần thuộc xã Lộc Vượng với diện tích 29,6 ha và khu trường phía Nam sông Đào phát triển trên cơ sở trường Trung học Xây dựng số 2 (Bộ Xây dựng) và trường Trung học Kỹ thuật nông nghiệp thuộc xã Nam Phong với diện tích 15,4 ha. Trong tương lai, phát triển trung tâm nghiên cứu sinh thái nông nghiệp có quy mô cấp vùng tại phía Đông Nam thành phố tiếp giáp sông Hồng;
+ Nâng cấp bệnh viện đa khoa trung tâm vùng; xây dựng mới cụm các công trình y tế phía Đông Bắc có chức năng phục vụ cấp vùng và cấp tỉnh và cụm y tế phía Nam sông Đào phục vụ cấp tỉnh và cấp thành phố; xây dựng và cải tạo các trung tâm y tế khu vực theo các cấp, phân bố đều trong thành phố.
- Các khu an ninh, quốc phòng: Trên cơ sở các khu vực có công trình thuộc lực lượng an ninh quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy hoạch bố trí các khu quân sự, khu an ninh phù hợp với quy hoạch chung và yêu cầu bảo đảm an ninh quốc phòng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Các khu đất khác: Vành đai xanh của thành phố là vùng đất nông nghiệp bao quanh đô thị trung tâm, tạo thành vành đai xanh, có tác dụng bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái đô thị; quản lý chặt chẽ các khu đất cây xanh lưu không bảo vệ các công trình kỹ thuật đầu mối như ven chân cầu vượt sông, đất lưu không dọc quốc lộ 21, quốc lộ 10.
c) Kiến trúc cảnh quan:
- Đối với khu vực hạn chế phát triển (khu đô thị cũ): Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng tỷ lệ cây xanh, xây dựng một số nhà cao tầng tại vị trí thích hợp nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường văn hoá truyền thống của đô thị; lưu ý bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo những di sản văn hoá - lịch sử, những công trình kiến trúc có giá trị.
- Đối với khu vực mở rộng phát triển: Bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh, các hồ, nhất là hồ Truyền Thống, hồ Vị Xuyên và mặt nước dọc các trục sông Đào, kênh dọc đường 38 nhằm tạo các hành lang xanh thông thoáng cho thành phố.
Phát triển các khu đô thị mới hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; lưu ý phát triển nhà cao tầng tại các trung tâm và trục đường quan trọng, đồng thời đô thị hoá các làng, xóm hiện có phù hợp với cơ cấu quy hoach chung của thành phố.
- Đối với khu vực ngoại thành: Phát triển thành vùng nông nghiệp tiên tiến, kết hợp xây dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
7. Quy hoạch giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a) Về quy hoạch giao thông:
Đất dành để xây dựng hệ thống giao thông, kể cả giao thông động và giao thông tĩnh đến năm 2020 đạt bình quân 18,6 m2/người, chiếm 23,6% đất xây dựng đô thị.
Giao thông đối ngoại:
- Đường bộ:
+ Quốc lộ 21: Mở rộng mặt đường 4 làn xe, mặt cắt ngang rộng 30m, hành lang bảo vệ và dự trữ mỗi bên rộng 10m;
+ Quốc lộ 10: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng với 6 làn xe, mặt cắt ngang rộng 46m, hành lang bảo vệ bên ngoài rộng 20m;
+ Các tỉnh lộ 38, 55, 12: nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.
- Đường sắt: Đến năm 2020 vẫn giữ nguyên tuyến hiện có, ga Nam Định ở vị trí hiện tại; khôi phục ga hàng hoá và cải tạo quảng trường trước ga. Sau năm 2020 nghiên cứu điều chỉnh tuyến và ga đường sắt ra ngoài phía Tây thành phố; khu vực ga hiện nay chuyển thành vườn hoa và công trình dịch vụ công cộng của thành phố; nghiên cứu tuyến đường sắt Nam Định - Hải Phòng theo hướng tuyến dự kiến song song với quốc lộ 10.
- Đường sông:
+ Cảng hàng hoá: Giữ nguyên vị trí hiện nay; cải tạo cầu cảng bảo đảm tầu pha sông biển 1.000 tấn cập cảng thuận lợi; công suất khoảng 100 nghìn đến 600 nghìn tấn/năm;
+ Cảng hành khách: Giữ nguyên vị trí hiện nay; cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu hoạt động tầu khách các tuyến nội, ngoại tỉnh;
+ Nghiên cứu xây dựng cảng sông Hồng đáp ứng nhu cầu vận tải đối ngoại khi cảng Hải Thịnh đi vào vận hành khai thác.
- Bến xe đối ngoại: Xây dựng mới hai bến xe đối ngoại: Bến xe phía Bắc tại gần ngã tư quốc lộ 21 - quốc lộ 10 và bến xe phía Nam tại ngã ba quốc lộ 21 - tỉnh lộ 55, diện tích mỗi bến khoảng 0,8 ha. Bến xe hiện nay chuyển thành trung tâm điều hành dịch vụ giao thông công cộng của thành phố.
Giao thông nội thị:
- Đối với khu đô thị cũ: Chủ yếu giữ nguyên hướng tuyến và mặt cắt ngang đường hiện có; nâng cấp mặt đường; xây dựng các công trình ngầm và hè đường; mở rộng một số đoạn có mặt cắt ngang bị thu hẹp; bổ sung một số tuyến đường tại những khu vực đã xây dựng nhưng có mật độ đường thấp hoặc có chất lượng đường kém.
- Đối với khu đô thị mới: Mạng đường chính thành phố được tổ chức theo dạng hướng tâm, mạng đường khu vực được tổ chức theo dạng ô cờ với cự ly 300m - 400m.
- Bãi đỗ xe: Tổ chức 3 bãi đỗ xe công cộng, diện tích mỗi bãi khoảng 0,6 ha - 0,8 ha, tại những vị trí: gần khu công viên Tức Mạc, gần Trung tâm thể thao và gần trục trung tâm mới phía Nam thành phố.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật, đất đai:
- San nền: Bảo đảm độ dốc nền quy hoạch từ 0,1% đến 0,2%; cao độ nền xây dựng đối với khu đô thị cũ từ +2,0m đến +4,0m; cao độ nền thấp nhất trong khu đô thị mới bờ trái sông Đào là +2,1m và bờ phải sông đào là +2,5m.
- Hệ thống thoát nước: Trong khu đô thị cũ sử dụng hệ thống nửa riêng; trong khu đô thị mới thiết kế hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn.
c) Về cấp nước:
Nguồn nước cấp cho thành phố sử dụng nước mặt từ sông Đào. Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt đến năm 2005 là 130 lít/người/ngày với 85% dân số đô thị được cấp nước; đến năm 2020 là 150 lít/người/ngày với 100% dân số đô thị được cấp nước.
d) Về cấp điện:
- Nguồn cung cấp: Lưới điện quốc gia qua trạm biến áp 220KV khu Tám. Lưới điện phân phối 6KV và 35 KV hiện có được cải tạo thành 22 KV; sử dụng loại trạm biến áp lưới 22/0,4 KV.
- Tiêu chuẩn cấp điện đến năm 2020: Cho sinh hoạt là 1.500 kWh/người/năm; cho khu công nghiệp tập trung là 100 - 400 KW/ha.
đ) Về thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
- Nước thải sinh hoạt trong đô thị, nước thải bệnh viện và các khu công nghiệp được xử lý triệt để trước khi xả ra kênh mương và sông hồ.
- Các công trình đầu mối: Xây dựng 2 trạm xử lý làm sạch nước thải tại các xã Lộc Hoà, Nam Vân và 8 trạm bơm.
- Xây dựng bãi chứa và xử lý chất thải rắn tại xã Lộc Hoà với diện tích 10 ha.
- Mở rộng nghĩa trang hung táng với diện tích 7 ha.
8. Quy hoạch đợt đầu:
Tiếp tục tổ chức thực hiện các dự án đang triển khai và chuẩn bị đầu tư các dự án mới theo đề nghị của ủy ban nhân dân tỉnh và ủy ban nhân dân thành phố Nam Định; xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2005 và 2010 của thành phố, phù hợp cơ cấu quy hoạch chung được duyệt cùng với các cơ chế, chính sách thích hợp.
Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định có trách nhiệm phê duyệt hồ sơ thiết kế, ban hành Điều lệ quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng của đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định; tổ chức công bố và thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2020 theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.