THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 231/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1998 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 231/1998/QĐ-TTG NGÀY 01 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM KHOA HỌC TỰ NHIÊN VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 24/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia;
Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia tại Tờ trình số 1159/KH-KHCNQG ngày 15/7/1998 và của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 3643 BKH/VPTĐ ngày 29 tháng 5 năm 1998,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA QUY HOẠCH:
1. Củng cố và phát triển Trung tâm nhằm tạo ra bước tiến rõ rệt về quy mô, chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nghiêu cứu thích nghi và ứng dụng một số công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thể hiện được vị trí của một Trung tâm khoa học - công nghệ lớn của cả nước và đạt trình độ ngang với các nước trong khu vực về một số hướng khoa học - công nghệ trọng điểm.
2. Từng bước tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, lực lượng cán bộ, xây dựng một số viện chuyên ngành, phòng thí nghiệm quốc gia đạt trình độ các nước trong khu vực; xây dựng được các tập thể khoa học - công nghệ mạnh, có uy tín quốc tế, có đủ năng lực giải quyết những vấn đề khoa học - công nghệ quan trọng và đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước; tham gia hoạt động phát triển các khu công nghệ cao tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM ĐẾN NĂM 2010:
1. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu triển khai công nghệ cao thuộc 8 lĩnh vực sau đây:
- Công nghệ Thông tin,
- Công nghệ Sinh học,
- Khoa học Vật liệu,
- Nghiên cứu Biển, hải đảo và công trình biển,
- Sinh thái và Môi trường,
- Tài nguyên Sinh học và Hợp chất thiên nhiên,
- Kỹ thuật Điện tử, thiết bị khoa học và Tự động hóa,
- Dự báo, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
2. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, giải quyết một số vấn đề quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
3. Đẩy mạnh công tác đào tạo sau đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ cao. Tham gia đào tạo nguồn lực ở các trường đại học và cao đẳng. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác.
4. Bổ sung nguồn cán bộ khoa học - công nghệ và đào tạo lại cán bộ khoa học để đáp ứng các nhiệm vụ của Trung tâm.
5. Củng cố và phát triển hợp lý các tổ chức khoa học - công nghệ của Trung tâm phù hợp với nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ của đất nước.
6. Hoàn thành từng bước việc cải tạo, xây dựng và sử dụng có hiệu quả các cơ sở làm việc, các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, các khu thử nghiệm công nghệ, hệ thống đài, trạm, trại, bảo tàng mẫu vật, các phương tiện, thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ của Trung tâm.
III. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Các cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ của Trung tâm có địa điểm tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang và Đà Lạt.
2. Mạng lưới các đài, trạm, trại (về vật lý địa cầu, địa động lực, địa lý, sinh học, sinh thái học, hải dương học, thử nghiệm nhiệt đới hóa...) được đặt ở các địa phương.
IV. NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN ĐẦU ĐẾN NĂM 2005:
1. Nghiên cứu, triển khai khoa học - công nghệ:
a. Về khoa học tự nhiên:
Nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết thuộc các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, ứng dụng có định hướng và chọn lọc các thành tựu khoa học hiện đại nhằm tạo cơ sở cho đổi mới công nghệ, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tập trung chủ yếu vào các ngành toán học, công nghệ thông tin, các khoa học hệ thống và điều khiển học; vật lý chất rắn, quang học, điện tử học lượng tử, vật lý hạt nhân; cơ học các kết cấu công trình, cơ học các vật liệu mới, động lực học, các hệ thuỷ khí động học; hóa hữu cơ, hấp phụ và xúc tác, hóa phân tích; công nghệ gen, công nghệ tế bào, sinh học phân tử; cấu trúc địa chất và đặc điểm địa động lực Việt Nam, vật lý địa cầu, nghiên cứu địa lý, biến đổi khí hậu, dự báo các quá trình tai biến tự nhiên Việt Nam, nghiên cứu biển và thềm lục địa.
b. Về công nghệ:
Ứng dụng và chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, tạo ra khả năng lựa chọn, thích nghi và làm chủ được các công nghệ nhập hiện đại, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch và phát triển bền vững (tuyển chọn các giống cây, con có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học và các biện pháp sinh học tiên tiến sản xuất các loại nông sản sạch); xây dựng mô hình làng sinh thái, giải quyết nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; ứng dụng công nghệ máy tính trong phát triển công nghiệp; áp dụng có hiệu quả các công nghệ mũi nhọn như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và công nghệ tự động hóa vào sản xuất và đời sống.
c. Về tài nguyên, môi trường và phòng chống thiên tai:
Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các giải pháp khoa học - công nghệ để khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiêu, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai; ứng dụng các công nghệ mới trong điều tra tài nguyên, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.
d. Về an ninh - quốc phòng:
Ứng dụng công nghệ tiên tiến góp phần bảo vệ và khôi phục các khí tài quang học, bảo quản vũ khí; ứng dụng công nghệ mạng phục vụ an ninh.
2. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a. Cải tạo, nâng cấp:
- Viện Toán học, khu hành chính và các tòa nhà cũ (khu Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội),
- Cơ sở số 1 Mạc Đĩnh Chi (Thành phố Hồ Chí Minh),
- Viện Hải dương học (Thành phố Nha Trang),
- Viện cơ học ứng dụng (Thành phố Hồ Chí Minh)
- Cơ sở thực nghiệm Sinh học tại Cổ Nhuế, Cầu Giấy, Hà Nội và tại Thạnh Lộc, thành phố Hồ Chí Minh,
- Phân Viện Hải dương học Hải Phòng tại thành phố Hải Phòng.
b. Từ nay đến năm 2005 xây các nhà nhiều tầng kiên cố phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và kiến trúc đô thị. Cải tạo, nâng cấp các nhà đã được xây dựng trước đây để bố trí sử dụng hợp lý và có hiệu quả.
Việc xây dựng phải gắn với quy hoạch sắp xếp, bố trí các khu theo chức năng: khu nghiên cứu, khu thử nghiệm công nghệ, khu hành chính quản lý, khu dịch vụ kỹ thuật... Mở rộng Khu nghiên cứu Nghĩa Đô (Quận Câu Giấy - Hà Nội) của Trung tâm. Mở rộng Khu nghiên cứu thử nghiệm Thủ Đức trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với đào tạo, giữa Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng một số phòng thí nghiệm công nghệ cao quốc gia ở các viện nghiên cứu và khu thử nghiệm công nghệ của Trung tâm ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
c. Xây dựng mới:
- Viện Địa chất (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội),
- Phòng thí nghiệm Điện tử, Lượng Tử (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội),
- Phòng thí nghiệm công nghệ Vi sinh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội),
- Khu thử nghiệm Công nghệ tại thủ đô Hà Nội (mở rộng khu nghiên cứu Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội),
- Khu thử nghiệm Công nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh (mở rộng khu nghiên cứu thử nghiệm Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).
d. Nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị và công nghệ quan trắc của 42 đài, trạm hiện có đạt trình độ khu vực để thu số liệu đồng bộ. Lập thêm các trạm quan trắc:
- Địa lý tổng hợp và Sinh thái học Ba Vì (tỉnh Hà Tây),
- Địa lý tổng hợp Cồn Vành, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình),
- Phơi mẫu nhiệt đới ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu,
- Hải dương học tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Vịnh Thái Lan,
- Động lực ở Hòa Bình.
e. Xây dựng các cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản tin học hóa.
Bổ sung các trang thiết bị, máy móc cho các phòng thí nghiệm trọng điểm đạt trình độ khu vực và được sử dụng theo cơ chế mở. Tăng cường đầu tư chiều sâu cho các dự án thử nghiệm công nghệ nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa, hoàn thiện công nghệ để chuyển giao.
3. Nguồn vốn:
- Vốn Ngân sách Nhà nước.
- Các nguồn vốn khác được huy động ở trong và ngoài nước.
Điều 2. Căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển trong Quy hoạch đã được duyệt, căn cứ vào khả năng huy động vốn, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan lập các Dự án cụ thể để thực hiện Quy hoạch đến năm 2005 và 2010 theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Căn cứ kết quả chuẩn bị đầu tư đối với từng Dự án, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia lập kế hoạch đầu tư hàng năm, 5 năm và dài hạn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch và ngân sách, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phạm Gia Khiêm (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.