THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/2001/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 166/2001/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LỢN XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2001-2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn hàng hoá nhắm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Đến năm 2005 xuất khẩu 80.000 tấn/năm, tiến tới mỗi năm xuất khẩu trên 100.000 tấn thịt lợn các loại.
Điều 2. Phát triển chăn nuôi lợn xuất khẩu ở các vùng có điều kiện thuận lợi đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường khi chăn nuôi với qui mô phù hợp. Giai đoạn đầu (2002-2005) tập trung ở một số vùng như: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam Bộ.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, dành một số diện tích đất đai phù hợp, xa các khu dân cư cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuê đất làm chuồng trại, trồng và sản xuất thức ăn, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi và chế biến thịt lợn xuất khẩu theo quy định của Nhà nước.
Điều 3. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài phát triển chăn nuôi lợn giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ở vùng chăn nuôi lợn xuất khẩu phải có đủ cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà (quy mô 300-500 con) và lợn giống bố mẹ để nhân đủ giống cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi lợn xuất khẩu trong vùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chỉ đạo quản lý các cơ sở nuôi giống cụ kỵ do Nhà nước đầu tư vốn, đảm bảo nguồn gen của đàn giống này dược cải thiện, có hiệu quả.
Điều 4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo đảm đủ thuốc tiêm phòng và chữa bệnh, nhất là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bảo đảm công tác an toàn dịch bệnh cho đàn lợn.
Có kế hoạch đầu tư nâng cấp các cơ sở sản xuất vacxin tiêm phòng, trước mắt đầu tư nâng cấp Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Hoài Đức, Hà Tây) và cơ sở sản xuất thuốc thú y thuộc Công ty vật tư thú y II; triển khai giai đoạn 2 dự án Liên doanh VIRBAC-VIETNAM, để tiến tới tự sản xuất đủ vacxin tiêm phòng không phải nhập khẩu.
Định kỳ hàng năm Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng bắt buộc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của Pháp lệnh Thú y, tiến tới hình thành vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi lợn xuất khẩu ở địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến việc đàm phán để ký kết thoả thuận hoặc Hiệp định thú y với các nước nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam.
Điều 5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành có liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất thức ăn gia súc trên phạm vi cả nước, có quy hoạch, kế hoạch sử dụng hết công suất của các cơ sở hiện có, đầu tư mới ở những nơi cần thiết gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ.
Nhanh chóng mở rộng diện tích trồng giống ngô có độ đạm cao làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn gia súc, nhằm giảm giá thành sản xuất.
Hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăn nuôi bao gồm cả việc chế biến thức ăn từ các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Điều 6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, thủ tục đầu tư, hỗ trợ vốn,... để các tổ chức, cá nhân cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến hiện có, đầu tư xây dựng mới các cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu.
Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu phải thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về môi trường.
Các cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu phải được trang thiết bị tiên tiến hiện đại, cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm theo yêu cầu của quy trình sản xuất, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có hướng dẫn và ban hành tiêu chuẩn ngành cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện.
Điều 7. Bộ Thương mại hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xuất khẩu thịt lợn duy trì thị trường xuất khẩu đã có, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới tiêu thụ thịt lợn; chỉ đạo các tham tán kinh tế của nước ta ở nước ngoài thông tin đầy đủ và kịp thời về mức nhu cầu, thị hiếu, mẫu mã, giá cả, phương thức thanh toán..., cho các tổ chức, cá nhân xuất khẩu thịt lợn và người chăn nuôi lợn.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, thông tin thị trường xuất khẩu thịt lợn, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại.
Các cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu phải ký hợp đồng mua lợn trực tiếp với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi lợn và cam kết rõ trách nhiệm, quyền lợi của cả hai bên. Khuyến khích các hình thức hợp đồng theo hướng cung ứng giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh xây dựng thí điểm chợ bán đấu giá lợn giống và lợn thịt nhằm giúp người chăn nuôi không bị ép giá.
Tiếp tục thực hiện thưởng xuất khẩu thịt lợn các loại đến năm 2003. Điều chỉnh mức thưởng kim ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng thịt lợn choai là 450 đồng/1 USD xuất khẩu; giao Bộ Tài chính bổ sung mặt hàng này vào danh mục các mặt hàng được thưởng xuất khẩu quy định tại Quyết định số 65/2001/QĐ-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2001 của Bộ Tài chính.
Điều 8. Chính sách đầu tư và tín dụng.
1. Về đầu tư: Ngân sách (bao gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) đầu tư cho:
- Cấp miễn phí các loại vacxin phòng bệnh nguy hiểm trong vùng an toàn dịch bệnh để nuôi lợn xuất khẩu;
- Đầu tư nâng cấp Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Hoài Đức, Hà Tây), cơ sở sản xuất vacxin của Công ty Vật tư Thuốc thú y II.
2. Về tín dụng theo kế hoạch Nhà nước.
Các cơ sở giết mổ và chế biến lợn xuất khẩu được vay vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước từ Quỹ Hỗ trợ phát triển theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ và Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 2 tháng 1 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc chính sách hỗ trợ đầu tư từ Quỹ Hỗ trợ phát triển đối với các dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các dự án sản xuất nông nghiệp; được vay vốn tín dụng Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng thêm nguồn vốn cho Ngân hàng phục vụ người nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm để cho các hộ nghèo, hộ chăn nuôi lợn và giết mổ, chế biến thịt lợn vay vốn.
3. Về tín dụng thương mại.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ vốn, thủ tục vay vốn thuận lợi để cho hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi lợn được vay vốn của ngân hàng. Phối hợp với Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mở rộng hình thức xây dựng tổ tương hỗ, tổ vay vốn tiết kiệm để giúp người chăn nuôi lợn có điều kiện vay được vốn của ngân hàng.
Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế thực hiện hình thức ký hợp đồng với người chăn nuôi lợn về tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ vốn, thức ăn, thuốc thú y.
Điều 9. Các cơ sở chăn nuôi lợn giống, lợn xuất khẩu, cơ sở giết mổ, chế biến thịt lợn xuất khẩu được áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
Thực hiện mức thuế suất: 0% đối với khô dầu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh ở mức thấp nhất các loại phí có liên quan tới kiểm dịch thú y đối với thịt lợn xuất khẩu phải kiểm dịch theo yêu cầu của khách hàng hoặc Hiệp định thú y hoặc hiệp ước quốc tế đã ký kết.
Hình thành quỹ bảo hiểm chăn nuôi lợn xuất khẩu trên cơ sở đóng góp của người chăn nuôi và các nhà xuất khẩu và có sự hỗ trợ ban đầu từ nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ rủi ro về giá hoặc dịch bệnh cho người sản xuất và xuất khẩu. Quỹ do Hiệp hội xuất khẩu thịt lợn quản lý sử dụng theo quy chế và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 10. Hình thức tổ chức chăn nuôi lợn xuất khẩu chủ yếu là hộ trang trại và doanh nghiệp tư nhân. Khuyến khích các hộ trang trại nuôi từ 50 lợn nái hoặc 100 lợn thịt thường xuyên trở lên, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chăn nuôi lợn xuất khẩu quy mô phù hợp không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành quy định cụ thể và quy mô cho phép bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường và nguồn nước ngầm để định hướng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Khuyến khích việc hình thành các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ giống, thú y, kỹ thuật, vốn và tiêu thụ sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hình thành Hiệp hội xuất khẩu thịt lợn gồm những người chăn nuôi, giết mổ, chế biến và một số nhà khoa học, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho nhau trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu thịt lợn.
Điều 11. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 12. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thương mại, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.