THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/2006/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Tổng cục Du lịch tại công văn số 56/TCDL-BCN ngày 17 tháng 01 năm 2006 và công văn số 499/TCDL-BCN ngày 05 tháng 5 năm 2006, của Bộ Tài chính tại công văn số 5506/BTC-HCSN ngày 27 tháng 4 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu của Chương trình:
a) Mục tiêu tổng quát:
Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010 góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, phấn đấu từ năm 2010 Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giai đoạn 2006 - 2010: tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế tăng từ 10 - 20%/năm; tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch nội địa tăng từ 15 - 20%/năm. Thu nhập du lịch năm 2010 đạt khoảng 4 - 5 tỷ USD;
- Nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ du lịch;
- Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế;
- Phát triển du lịch bền vững.
2. Nhiệm vụ chủ yếu:
- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về du lịch;
- Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch;
- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch;
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch.
3. Nội dung của Chương trình:
a) Tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch; thúc đẩy hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của toàn dân về phát triển du lịch; nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế;
b) Thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch;
c) Đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới; bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển du lịch bền vững;
d) Đổi mới, tăng cường thể chế, chính sách phát triển du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Điều 2. Kinh phí thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, đóng góp từ các doanh nghiệp và huy động khác, gồm:
1. Ngân sách trung ương (bố trí cho Tổng cục Du lịch): 121.109 triệu đồng, trong đó:
a) Năm 2006: 27.737 triệu đồng, được trích từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách trung ương năm 2006, nhưng chưa phân bổ;
b) Từ năm 2007 - 2010: căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và dự toán kinh phí do Tổng cục Du lịch lập, Bộ Tài chính thẩm định và bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo tiến độ thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, trường hợp có những nhiệm vụ phát sinh nhất thiết phải bảo đảm kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Chương trình, giao Bộ Tài chính thống nhất với Tổng cục Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí để triển khai thực hiện.
2. Ngân sách địa phương: căn cứ nhiệm vụ, nội dung Chương trình của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính, Tổng cục Du lịch hướng dẫn việc bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để các địa phương thực hiện.
3. Đóng góp từ các doanh nghiệp và huy động khác.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Du lịch:
a) Trên cơ sở các nội dung của Chương trình và các quy định hiện hành, Tổng cục Du lịch chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền (hoặc phê duyệt theo thẩm quyền) các dự án cụ thể (bao gồm mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, nhu cầu nguồn lực, tiến độ thực hiện từng nội dung, phân công trách nhiệm,...);
b) Lập dự toán kinh phí cho từng dự án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (đối với những nội dung do ngân sách trung ương bảo đảm), đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính dự kiến mức kinh phí đối với những nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm và nguồn kinh phí huy động ngoài nguồn ngân sách nhà nước;
c) Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc (nếu có);
d) Quý IV năm 2010, tổng kết, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình;
đ) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình; xây dựng cơ chế tài chính huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Chương trình.
2. Bộ Tài chính:
a) Thẩm định dự toán kinh phí các dự án theo đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ;
b) Căn cứ tiến độ thực hiện các dự án, tổng hợp, bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
c) Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí thực hiện (đối với những nhiệm vụ do ngân sách địa phương thực hiện);
d) Chủ trì phối hợp với Tổng cục Du lịch và Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Ban hành cơ chế tài chính huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Chương trình;
- Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và Tổng cục Du lịch nghiên cứu, xây dựng để ban hành cơ chế tài chính huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung của Chương trình.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.