THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1134/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG KHU ATK ĐỊNH HÓA, TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2008 - 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 14 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (tờ trình số 45/UBND-NLN ngày 14 tháng 12 năm 2007, công văn số 17/BC-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2008), của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tờ trình số 1835/TTr-BNN-KL ngày 30 tháng 6 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2008 – 2020, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm chỉ đạo
- Rừng Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong quần thể di tích lịch sử cách mạng ATK – Định Hóa. Cùng với các địa phương trong căn cứ kháng chiến Việt Bắc, rừng ATK Định Hóa là nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và quân đội thời kỳ 1947 – 1954 (hiện có 109 di tích lịch sử được Nhà nước ghi nhận). Trong những năm kháng chiến, đồng bào các dân tộc Định Hóa đã có nhiều công lao trong việc chở che, bảo vệ cán bộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hoàn thành cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Hiện nay, đời sống của nhân dân cùng ATK tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào vùng ATK.
- Đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển rừng tại khu ATK Định Hóa mà trọng tâm là phục hồi cảnh quan, gắn kết chặt chẽ với việc sử dụng, khai thác hợp lý tài nguyên rừng và phát triển rừng sản xuất, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
- Vận dụng kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trong nước, áp dụng những cơ chế quản lý rừng phù hợp đối với khu ATK Định Hóa để rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng.
- Đầu tư Nhà nước giữ vai trò quyết định, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của rừng. Đảm bảo bình đẳng về lợi ích của nhà đầu tư tham gia thực hiện Đề án.
2. Mục tiêu:
- Quản lý, bảo vệ và phát triển ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) gắn với việc bảo vệ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ quần thể di tích lịch sử; bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường chức năng phòng hộ môi trường;
- Cung cấp lâm sản cho nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp chế biến;
- Tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng “Thủ đô kháng chiến”; tăng cường giáo dục môi trường và giác ngộ lý tưởng cách mạng cho các thế hệ.
3. Định hướng bảo vệ và phát triển rừng
a) Quy hoạch rừng và đất rừng huyện Định Hóa; quy hoạch lại 3 loại rừng huyện Định Hóa với tổng diện tích đất lâm nghiệp 35.787 ha, trong đó rừng đặc dụng 8.728 ha, rừng phòng hộ 7.050 ha, rừng sản xuất 20.009 ha.
b) Nhiệm vụ
- Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng đến năm 2020:
Rừng đặc dụng: bảo vệ 4.516 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tự nhiên 4.043 ha; trồng rừng mới 169 ha;
Rừng phòng hộ: bảo vệ 5.205 ha rừng hiện có; khoanh nuôi tự nhiên 1.699 ha; trồng rừng mới 168 ha;
Rừng sản xuất: bảo vệ, nuôi dưỡng 13.846 ha rừng hiện có; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.540 ha; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt 1.250 ha; trồng mới 3.373 ha; trồng lại 5.696 ha sau khai thác rừng trồng;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ lâm nghiệp: xây dựng trụ sở Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, bao gồm: 200 m2 nhà làm việc, 100m2 nhà công vụ và công trình phụ; hỗ trợ nâng cấp 30 km đường dân sinh phục vụ phát triển rừng ở các xã vùng sâu, vùng xa; xây dựng vườn ươm cây lâm nghiệp tập trung, khuyến khích các hộ gia đình xây dựng vườn ươm tại chỗ sản xuất giống cây rừng và cây ăn quả.
4. Các giải pháp thực hiện chủ yếu
a) Giải pháp về tổ chức quản lý:
- Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng: xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy chế quản lý rừng ATK Định Hóa phù hợp với đặc thù các loại rừng trong khu ATK. Thí điểm việc hợp nhất lực lượng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo hướng: thành lập Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa, trên cơ sở sắp xếp lại Hạt kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện có lấy lực lượng kiểm lâm làm nòng cốt;
- Tăng cường sự phối hợp các cấp, các ngành và các địa phương vùng giáp ranh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng;
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường các hoạt động truyền thông để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng;
- Tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù để khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư tham gia đầu tư bảo vệ và phát triển rừng
b) Giải pháp về khoa học công nghệ:
- Ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ mô, hom …) trong sản xuất cây giống chất lượng cao nhằm tăng năng xuất cây trồng;
- Ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng đến từng lô rừng;
- Xây dựng phương án điều chế rừng phù hợp với đặc thù rừng ATK Định Hóa nhằm quản lý và sử dụng rừng bền vững;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến lâm sản (ván ghép, ván dăm, chế biến gỗ gia dụng …) để tiêu thụ sản phẩm cho các chủ rừng và nâng cao giá trị sản phẩm rừng;
- Xây dựng mô hình trồng các loại cây rừng giống mới; khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng cây dưới tán rừng và chuyển giao kỹ thuật cho các chủ rừng.
c) Giải pháp về chính sách
- Chính sách đất đai: đa dạng hình thức quản lý sử dụng đất lâm nghiệp (giao, khoán, cho thuê), rà soát và hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý ổn định lâu dài theo hướng: giao cho Ban Quản lý rừng ATK quản lý diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung. Diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ nhỏ, lẻ, phân tán giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cộng đồng quản lý.
Diện tích khu rừng liền kề xung quanh các điểm di tích lịch sử do hộ gia đình đang quản lý, sử dụng hợp pháp nay quy hoạch là rừng đặc dụng (khoảng 650 ha), Nhà nước sẽ chi trả chi phí đầu tư xây dựng rừng theo giá trị cây rừng hiện có; các hộ có rừng được tiếp tục giao đất, giao rừng để quản lý, sử dụng theo quy chế rừng đặc dụng.
- Chính sách đầu tư:
+ Ngân sách nhà nước đầu tư theo chế độ, chính sách hiện hành quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 về việc ban hành Quy chế quản lý rừng; số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998; số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 về một số chính sách phát triển rừng sản xuất, giai đoạn 2007 – 2015; số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2007 – 2010; số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, giai đoạn 2006 – 2020 và các quy định khác có liên quan;
+ Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội khu ATK;
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, phát triển cơ sở chế biến lâm sản. Huy động nguồn vốn tự có của người dân, vốn vay tín dụng ưu đãi để trồng rừng, bảo vệ và phục hồi rừng;
+ Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài về tài chính, công nghệ nhằm đầu tư có hiệu quả việc bảo vệ và phát triển rừng.
5. Tổng mức đầu tư: tổng mức đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ATK Định Hóa đến năm 2020 khoảng 293.631 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách nhà nước bố trí trong Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng là 192.260 triệu đồng, bao gồm: chi sự nghiệp 23.060 triệu đồng, chi đầu tư 169.200 triệu đồng;
- Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng 91.371 triệu đồng;
- Vốn huy động từ các nhà đầu tư, các chủ cơ sở chế biến hiện có và hộ gia đình trên địa bàn khoảng 10.000 triệu đồng.
6. Tổ chức thực hiện:
a) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cân đối nguồn vốn theo tiến độ, kế hoạch hàng năm cho tỉnh Thái Nguyên để thực hiện Đề án; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xây dựng các dự án đầu tư; kiểm tra đánh giá việc thực hiện Đề án;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên: chỉ đạo và thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư cụ thể; quyết định bộ máy tổ chức để thực hiện Đề án; bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác với các dự án đầu tư khu rừng ATK để đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ Đề án;
c) Ủy ban nhân dân huyện Định Hóa: thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, các phòng ban trực thuộc phối hợp với Ban Quản lý rừng ATK thực hiện có hiệu quả các dự án;
d) Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa: là chủ đầu tư các dự án phát triển rừng, hoạt động như một đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, thực hiện nhiệm vụ dịch vụ công trong quản lý, phát triển rừng huyện Định Hóa; thực hiện việc quản lý các dự án đầu tư theo quy định hiện hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.