BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 955/QĐ-BTP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2018 |
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP LUẬT DÂN SỰ - KINH TẾ
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện công tác xây dựng, tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự - kinh tế; quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (sau đây gọi tắt là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.
2. Nghiên cứu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và các dự án, giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự - kinh tế, bảo đảm sự thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế, phù hợp với Hiến pháp và Bộ luật dân sự.
3. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng và thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án trong lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế (theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này) và các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ trưởng giao.
4. Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
5. Rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
6. Theo dõi việc thi hành pháp luật, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết các vướng mắc mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong việc giúp Bộ trưởng cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế.
8. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Bộ trưởng.
9. Quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tham gia quản lý, triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp.
10. Các nhiệm vụ khác
a) Theo dõi tình hình thi hành pháp luật và có ý kiến về việc áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Vụ theo quy định;
b) Tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ;
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định;
d) Thực hiện kiểm tra, tham gia thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
đ) Tổ chức thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Vụ;
e) Thực hiện công tác thi đua - khen thưởng, quản lý đội ngũ công chức và tài sản của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
g) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong phạm vi, chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức, biên chế
1. Cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo Vụ:
Lãnh đạo Vụ gồm có Vụ trưởng và không quá ba (03) Phó Vụ trưởng.
Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Vụ.
Các Phó Vụ trưởng giúp Vụ trưởng quản lý, điều hành hoạt động của Vụ; được Vụ trưởng phân công trực tiếp quản lý một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về những lĩnh vực công tác được phân công.
b) Các tổ chức trực thuộc Vụ:
- Phòng Pháp luật dân sự;
- Phòng Pháp luật kinh tế tổng hợp;
- Phòng Pháp luật kinh tế ngành;
- Phòng Pháp luật lao động, an sinh xã hội và Tổng hợp.
Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc Vụ do Bộ trưởng quyết định trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trực thuộc Vụ do Vụ trưởng quy định.
2. Biên chế của Vụ thuộc biên chế công chức của Bộ Tư pháp, do Bộ trưởng quyết định phân bổ trên cơ sở đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.
Điều 4. Trách nhiệm và mối quan hệ công tác
Trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa Vụ với Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác được thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp và các quy định cụ thể sau:
1. Vụ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và Thứ trưởng được phân công phụ trách; có trách nhiệm tổ chức thực hiện, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về kết quả giải quyết công việc được giao.
2. Vụ là đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ thực hiện quan hệ với bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định này, nếu phát sinh những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác thuộc Bộ thì Vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị đó để giải quyết.
Khi có yêu cầu của các đơn vị khác thuộc Bộ trong việc giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đó mà có liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ thì Vụ có trách nhiệm phối hợp giải quyết.
Trường hợp phát sinh vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc có ý kiến khác nhau giữa Vụ với các đơn vị khác thuộc Bộ, Vụ trưởng có trách nhiệm phối hợp với Chánh Văn phòng Bộ đề xuất, báo cáo Thứ trưởng phụ trách hoặc Bộ trưởng và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
4. Quan hệ công tác giữa Vụ và một số đơn vị thuộc Bộ:
a) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế theo quy định;
b) Phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ;
c) Phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật trong việc cho ý kiến về thủ tục hành chính trong quá trình góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng của Vụ;
d) Phối hợp với Văn phòng Bộ rà soát, đánh giá, xử lý kết quả rà soát, đề xuất sáng kiến và xử lý phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;
đ) Phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ;
e) Phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Con nuôi, Tổng cục Thi hành án dân sự và các đơn vị khác thuộc Bộ trong xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị nêu trên nhưng có liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ;
g) Phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ;
h) Phối hợp với Viện Khoa học pháp lý trong công tác nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế;
i) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;
k) Phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc phạm vi chức năng của Vụ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 242/QĐ-BTP ngày 02 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.
2. Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được giao. Việc phân công xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực trong Phụ lục kèm theo sẽ được thực hiện kể từ ngày ký ban hành Quyết định này.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
CÁC ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM
PHÁP LUẬT, DỰ ÁN, DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT
DÂN SỰ - KINH TẾ THUỘC NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA VỤ PHÁP LUẬT DÂN SỰ - KINH TẾ
(Kèm theo Quyết định số 955/QĐ-BTP
ngày 26 tháng 4 năm
2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung cơ bản trong các lĩnh vực sau:
1. Pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, hôn nhân và gia đình; quyền con người trong lĩnh vực dân sự - kinh tế;
2. Pháp luật về sở hữu trí tuệ;
3. Pháp luật về thương mại, du lịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
4. Pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã; phá sản, cạnh tranh; kinh doanh có điều kiện;
5. Pháp luật về đầu tư; đầu tư công; đấu thầu; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh;
6. Pháp luật về năng lượng, gồm: điện lực, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả;
7. Pháp luật về khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
8. Pháp luật về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp;
9. Pháp luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
10. Pháp luật về thông tin và truyền thông, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện;
11. Pháp luật về ngân sách nhà nước, quỹ tài chính; pháp luật về nợ công, quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; pháp luật về dự trữ quốc gia;
12. Pháp luật về kế toán, kiểm toán; quy hoạch, kế hoạch;
13. Pháp luật về thuế (trừ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); pháp luật phí, lệ phí; giá;
14. Pháp luật về thủy sản; thú y; bảo vệ kiểm dịch thực vật; thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn;
15. Pháp luật về: tín dụng, ngân hàng; bảo hiểm tiền gửi, kinh doanh bảo hiểm; chứng khoán; các công cụ chuyển nhượng; xổ số, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng, casino; kinh doanh vàng;
16. Pháp luật về: đất đai, tài nguyên, khoáng sản
17. Pháp luật về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, khí tượng thủy văn; phòng, chống thiên tai;
18. Pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đô thị, kiến trúc, quy hoạch đô thị;
19. Pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động;
20. Pháp luật về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng, sinh hoạt phí đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ yếu, người lao động và học sinh, sinh viên, người làm nghề công tác xã hội;
21. Pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
22. Pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
23. Pháp luật về việc làm;
24. Pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
25. Pháp luật về: bảo trợ xã hội; chế độ, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; trợ giúp xã hội đột xuất; chính sách hỗ trợ về kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa;
26. Pháp luật về hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực: văn hóa, thể dục thể thao, điện ảnh, di sản văn hóa, y tế, y tế dự phòng, dược, báo chí, xuất bản và hoạt động in ấn, giao thông (trừ giao thông hàng hải, hàng không)./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.