ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 897/QĐ-UBND |
Ninh Thuận, ngày 12 tháng 6 năm 2020 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 05/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW NGÀY 22/10/2018 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
Căn cứ Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 02/01/2019 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1304/SKHĐT-ĐKKD ngày 29 tháng 4 năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 05/3/2020 CỦA CHÍNH PHỦ
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 36-NQ/TW
NGÀY 22/10/2018 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT
TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
(Ban hành kèm theo Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
1. Mục đích:
- Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Thông qua thực hiện kế hoạch, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Quán triệt các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ và Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 02/01/2019 của Tỉnh ủy, tập trung thực hiện ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương.
- Tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng ngành và địa phương, góp phần huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2030
1. Mục tiêu: Phát triển Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển; cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững, từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển, bảo tồn và phát huy hệ sinh thái biển hiện có.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân 14 - 15%/năm; đến năm 2030 kinh tế biển chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh.
- Về xã hội: Đảm bảo ổn định dân số vùng biển đạt khoảng 256 ngàn người, thu nhập bình quân đầu người khu vực ven biển tăng từ 1,2 lần trở lên so với bình quân toàn tỉnh; 100% xã, phường, thị trấn ven biển đạt chuẩn nông thôn mới - đô thị văn minh; 100% dự án ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, có hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đạt tiêu chuẩn.
1. Phát triển các ngành kinh tế biển: Đến năm 2030, phát triển đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; (2) Du lịch và dịch vụ biển; (3) Công nghiệp ven biển; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Kinh tế hàng hải; (6) Khai thác các tài nguyên khoáng sản biển khác. Cụ thể:
a) Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề án thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời); tham mưu kiến nghị bổ sung quy hoạch phát triển điện gió ngoài khơi theo lộ trình phù hợp; đôn đốc, giám sát tiến độ triển khai đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng truyền tải điện 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo kế hoạch đề ra; tham mưu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná theo chủ trương của Chính phủ. Quan tâm phối hợp nghiên cứu, điều tra, khảo sát một số ngành kinh tế biển dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, chế biến rong, tảo, cỏ biển...để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
b) Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ngành, địa phương ven biển đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chuyên đề, quy hoạch phân khu các khu vực trọng điểm, nhất là quy hoạch chung khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh đến năm 2035 để kịp thời thu hút các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đầu tư các dự án phát triển các khu đô thị du lịch quy mô lớn. Đa dạng hóa các nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, nhất là các khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ, Hòn Đỏ, Đầm Nại, Mũi Dinh - Cà Ná để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp cao. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của tỉnh, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia để Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
c) Công nghiệp ven biển:
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh triển khai các dự án khu vực công nghiệp phía Nam tỉnh, trọng tâm các dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná theo hướng khu công nghiệp sinh thái ven biển. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường đi đôi với phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp sản xuất muối và sản phẩm sau muối, công nghiệp phụ trợ, tạo bứt phá trong phát triển bền vững công nghiệp ven biển, bảo đảm giải quyết tốt đồng thời các vấn đề về môi trường, xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng xã hội.
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn xúc tiến triển khai Khu công nghiệp Cà Ná; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Du Long và các cụm công nghiệp ven biển; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư, nâng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.
d) Nuôi trồng và khai thác hải sản:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương ven biển thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững, phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống có chất lượng cao của cả nước; tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt, bất hợp pháp. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh phát triển khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ gắn với đổi mới cơ cấu thuyền, nghề và phát triển các mô hình dịch vụ hậu cần trên biển và tại các cảng cá, liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, nghiệp đoàn khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển; chuyển đổi các nghề khai thác hải sản gần bờ thân thiện môi trường, gắn với phát triển du lịch.
Phối hợp với Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tham mưu đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải, Nhơn Hải; đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, hệ thống đê kè chắn sóng, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và tiêu thụ.
đ) Kinh tế hàng hải: Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án Cảng tổng hợp Cà Ná, nâng cấp cảng Ninh Chữ thành khu cảng tổng hợp, tạo điều kiện thu hút các dự án công nghiệp có nhu cầu vận tải đường biển, từng bước hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ logistics, như vận tải biển, hệ thống các kho tàng, bến bãi, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng, bảo hành và cung ứng vật tư kỹ thuật phục vụ vận tải biển; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các tuyến đường quốc lộ 1A, quốc lộ 27, đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam.
e) Khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác: Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát những khu vực có chứa quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào khu vực dự trữ quốc gia theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 115/NQ-CP. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thăm dò, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
2. Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực xây dựng các khu công nghiệp ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, trọng tâm là phát triển khu kinh tế phía Nam của tỉnh đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng. Tham mưu huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên, đơn vị liên quan trình phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam và hoàn chỉnh quy hoạch chung dải ven biển phía Bắc, làm cơ sở cho các địa phương và các ngành liên quan triển khai quy hoạch chi tiết các khu vực ven biển; tham mưu phát triển hệ thống đô thị ven biển có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; trong đó: đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị trung tâm, có tính chất đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái, thông minh; đô thị Cà Ná là đô thị công nghiệp, dịch vụ sinh thái; phát triển các đô thị ven biển phải đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
3. Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển: UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc tiếp tục xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khu dân cư ven biển, nhất là vùng bãi ngang, nâng cao đời sống, dân trí cho Nhân dân vùng ven biển gắn với đẩy mạnh quy hoạch lại khu dân cư, phát triển đô thị ven biển và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. Lồng ghép quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
- UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; nghiên cứu, đề xuất đưa vùng san hô của tỉnh vào vùng san hô của khu vực và Vườn Quốc gia Núi Chúa được công nhận là khu dự trữ sinh quyển Quốc gia.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm tại khu vực ven biển; tổ chức quản lý, thu gom rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa, nâng cao chất lượng môi trường biển. Đầu tư các trang thiết bị phù hợp, nhằm đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó, khắc phục các sự cố môi trường, hóa chất độc hại trên biển.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn...
5. Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển: Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư vùng ven biển và những người lao động trên biển. Chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, coi đây là nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa biển. Bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên. Nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hóa gắn bó, thân thiện với biển. Phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển. Bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng.
6. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế:
Xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh, bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân và các hoạt động kinh tế khu vực biển. Nâng cao năng lực ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng các vấn đề về biển, đảo để chống phá.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thực hiện có hiệu quả các văn bản thỏa thuận, cam kết quốc tế với các tổ chức, địa phương nước ngoài đang có quan hệ với tỉnh; đồng thời phát triển thêm các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn, một số địa phương các nước, nhất là các nước có điều kiện tương đồng và có thiện chí hợp tác với tỉnh để hỗ trợ nhau cùng phát triển các ngành, nghề liên quan đến biển.
a) Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp, nội dung phong phú, thiết thực, có hiệu quả về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 246-CTr/TU của Tỉnh ủy và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo trong toàn hệ thống chính trị, trong Nhân dân; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển; tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng, các giá trị, lợi thế, tiềm năng mới của biển nhằm tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế biển phát triển nhanh so với các tỉnh trong khu vực duyên hải Miền Trung; kinh tế biển đóng góp chủ yếu vào nền kinh tế của tỉnh; tham gia tích cực và có trách nhiệm trong thực hiện chiến lược biển đảo của Quốc gia.
b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp để phấn đấu thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 246-CTr/TU của Tỉnh ủy.
Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đẩy mạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên diện rộng với công nghệ hiện đại gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế biển trong tình hình mới.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tích hợp đầy đủ các nội dung có liên quan đến quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, để triển khai thực hiện.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ và các Sở, ngành, địa phương tham mưu kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển cấp tỉnh và tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục biển.
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị các địa phương ven biển vững mạnh, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh góp phần thực hiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ven biển và trên biển. Phối hợp tham mưu củng cố kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp về biển, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp, thống nhất về biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.
3. Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển:
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong các ngành kinh tế biển. Trước mắt tập trung đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh như: công nghiệp ven biển, phát triển du lịch, năng lượng... Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện có hiệu quả Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực khoa học biển đến năm 2025 theo Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo tự động về chất lượng môi trường biển, ứng phó có hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm, sự cố môi trường biển, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.
4. Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân.
5. Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển:
- Các cơ quan quân sự, công an, biên phòng tỉnh xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các hoạt động tội phạm, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, các khu đô thị, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại các vùng ven biển và các khu vực có hoạt động kinh tế biển, nhất là trong quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quá trình xem xét thủ tục đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư có điều kiện; đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực ven biển.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển. Ưu tiên nguồn vốn Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, nhất là hạ tầng đô thị ven biển, giao thông, cảng biển, đê kè ven biển; hạ tầng nuôi trồng thủy hải sản, hậu cần nghề cá; hạ tầng kỹ thuật các khu - cụm công nghiệp ven biển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ.
Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
1. Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch của UBND tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này và các Nghị quyết, Đề án phát triển kinh tế biển gắn với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để tổng hợp, báo cáo.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, triển khai và kết quả tổ chức thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có nội dung, vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan kịp thời có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.