THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 894/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2016 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
Điều 2. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự án sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009 để thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thành việc soạn thảo dự án sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 3. Giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Quyết định này.
Điều 4. Giao Bộ Tư pháp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp vướng mắc để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình thực hiện.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
ĐƠN GIẢN HÓA NHÓM THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN CƠ SỞ KHÁM
BỆNH, CHỮA BỆNH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ Y TẾ
(Ban hành theo Quyết định số 894/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2016
của Thủ tướng Chính phủ)
1. Các thủ tục về cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nội dung 1: Bỏ yêu cầu bắt buộc cơ sở phải cung cấp “Bản sao có chứng thực quyết định thành lập đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài.”
Lý do: Việc cấp phép được thực hiện thông qua quá trình thẩm định tại cơ sở nên thay yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực thành bản sao có xác nhận của cơ sở.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 46 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 2: Bỏ yêu cầu cung cấp “Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề của tất cả người hành nghề và hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề.”
Lý do: Việc cấp phép được thực hiện thông qua quá trình thẩm định tại cơ sở nên có thể thẩm tra hồ sơ lưu tại cơ sở khi thực hiện thẩm định.
Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điểm c, đ Khoản 1 Điều 39 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 31/11/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nội dung 3: Bỏ yêu cầu cung cấp “Bản sao có chứng thực hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện không có phương tiện vận chuyển cấp cứu.”
Lý do: Việc cấp phép được thực hiện thông qua quá trình thẩm định tại cơ sở nên có thể thẩm tra hồ sơ lưu tại cơ sở khi thực hiện thẩm định.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 46 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 4: Bỏ yêu cầu cung cấp quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trạm y tế xã, phường.
Lý do: Hiện nay nhiều trạm y tế xã, phường bị thất lạc Quyết định thành lập do đã được thành lập từ mấy chục năm về trước.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 46 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 5: Phân cấp thẩm quyền thẩm định để cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Đối với các Sở Y tế hiện đã đủ Điều kiện (về năng lực): Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện của các Bộ, ngành.
- Đối với các Sở Y tế hiện chưa đủ Điều kiện (về năng lực): Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn, trừ các bệnh viện của các Bộ, ngành; Bộ Y tế tiếp tục thẩm định, cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân, trong thời gian này các Sở phấn đấu để tăng cường năng lực (có sự hỗ trợ của Bộ), sau đó chuyển giao Sở Y tế thẩm định và cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân.
- Giao Bộ Y tế quy định yêu cầu đối với các Sở Y tế đủ Điều kiện thẩm định và cấp phép hoạt động cho các bệnh viện tư nhân.
Lý do: Việc phân cấp như hiện nay không phù hợp với thực tế nên gây kéo dài thời gian thẩm định, cấp phép hoạt động và từ đó gây lãng phí, tốn kém cho chủ đầu tư.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Điều 45 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 6: Giảm thời gian thẩm định để cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Đối với bệnh viện: từ 90 ngày xuống 45 ngày
- Đối với phòng khám và trạm y tế: từ 90 ngày xuống 30 ngày
Lý do: Hoạt động thẩm định để cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dựa trên các giấy tờ chứng minh Điều kiện do các cơ quan chức năng cấp và thẩm định thực tế các Điều kiện tại cơ sở, do vậy việc rút ngắn thời gian phần thẩm định trên hồ sơ là hoàn toàn mang tính khả thi.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Điều 47 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
2. Các thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người Việt Nam.
Nội dung 1: Thay yêu cầu cung cấp “Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp” thành “Bản sao chứng thực hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu....”
Lý do: Thực hiện quyền công dân theo quy định của Pháp luật
Kiến nghị thực thi: Sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 31/11/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Nội dung 2: Thay yêu cầu cung cấp “Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác” thành một trong các giấy tờ sau:
- “Sơ yếu lý lịch có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác” đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề.
- “Sơ yếu lý lịch tự thuật” đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề.
Lý do: Những người đang làm việc tại các cơ sở y tế chịu sự quản lý của đơn vị nơi công tác. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không quản lý hồ sơ của cá nhân đó nên việc xác nhận chỉ có ý nghĩa là xác nhận cá nhân đó đang có hộ khẩu tại địa phương. Việc xác nhận các thông tin cần thiết đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được thực hiện theo phương thức cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp được đề xuất tại Nội dung 3 dưới đây.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 3: Phiếu lý lịch tư pháp đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề:
- Giữ nguyên yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề.
- Bỏ yêu cầu cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề.
Lý do: Những người đang làm việc tại các cơ sở y tế đã được tuyển dụng và chịu sự quản lý của đơn vị công tác và đã cung cấp “Sơ yếu lý lịch có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác” như ở Nội dung 2 nêu trên; trong khi các thông tin cơ bản về người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại cơ sở y tế tại thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề chưa được xác nhận bởi một đơn vị có liên quan.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 4: Bỏ yêu cầu cung cấp “Giấy chứng nhận đủ sức khỏe hành nghề do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ Điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế cấp”
Lý do: Giấy chứng nhận đủ sức khỏe hành nghề chỉ có giá trị xác định người hành nghề có đủ sức khỏe trước thời Điểm xin cấp chứng chỉ hành nghề mà không phải trong suốt quá trình hành nghề trong khi chi phí tuân thủ là rất lớn.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Khoản 1 Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 5: Quy định rõ đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ thuật viên bao gồm: người tốt nghiệp kỹ thuật viên y, cử nhân sinh học, cử nhân hóa học, cử nhân sinh hóa, dược sĩ đại học, kỹ sư xạ trị.
Lý do: Hiện nay một số đối tượng này đã và đang hành nghề kỹ thuật viên nhưng không thuộc đối tượng cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ví dụ cử nhân sinh học, cử nhân hóa học ...
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Điều 17 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 6: Miễn Giấy xác nhận quá trình thực hành đối với những trường hợp có bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II có tổng số thời gian thực hành quy đổi đủ theo quy định tại Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Lý do: Quá trình học bác sĩ nội trú, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II đã gắn liền với việc thực hành, vì vậy chỉ cần yêu cầu có đủ thời gian thực hành quy đổi.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Nội dung 7: Miễn Giấy xác nhận quá trình thực hành đối với những trường hợp đã hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước ngày 01 tháng 01 năm 2012 nhưng có giấy xác nhận thời gian khám bệnh, chữa bệnh đủ 5 năm trong đó có 3 năm làm chuyên khoa.
Lý do: Các trường hợp này đã và đang hành nghề và thỏa mãn yêu cầu về thực hành khám, chữa bệnh.
Kiến nghị thực thi: Đề xuất sửa đổi Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.