THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 858/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2022 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Kết luận số 54-KL/TW ngày 07 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 với những nội dung sau đây:
1. Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản (sau đây gọi chung là nông sản) là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, theo chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp.
3. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi. Đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng chế biến sâu; đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu và phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
4. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
1. Mục tiêu tổng quát
a) Đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa.
b) Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong tốp 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất:
- Trồng trọt: Sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% năm 2030;
- Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 60% năm 2030;
- Thủy sản: Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 90% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 85% năm 2025 đạt trên 95% năm 2030.
- Lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30% năm 2025, đạt trên 50% năm 2030.
- Diêm nghiệp: Cấp nước, tiêu nước, gom muối trên đồng và thu hoạch, vận chuyển muối đạt trên 70% năm 2025 và đạt trên 90% năm 2030.
b) Phát triển chế biến, bảo quản nông sản
- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 8,0%/năm vào năm 2025 và 10,0%/năm vào năm 2030.
- Trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên.
- Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5% đến 1,0 %/năm.
- Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 60% là sản phẩm chế biến.
- Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối tiêu thụ nông sản.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045
1. Cơ giới hóa nông nghiệp
- Phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.
- Khuyến khích phát triển các tổ chức, trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp tại các vùng, miền về chế tạo, cung cấp máy, thiết bị, công nghệ, dịch vụ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ, các ý tưởng đổi mới, sáng tạo để phát triển cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.
2. Phát triển chế biến, bảo quản nông sản
- Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.
1. Hoàn thiện về thể chế, chính sách
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản.
- Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản. Cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế chung, các tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các thị trường lớn.
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.
- Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động và quản lý phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
- Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực chế biến nông sản và máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp khi sửa đổi các Luật về thuế.
2. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất nông nghiệp
- Tổ chức lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản và dịch vụ thương mại nông nghiệp.
- Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức hợp tác của nông dân, đẩy mạnh tập trung đất đai, tăng quy mô tạo điều kiện thuận lợi áp dụng cơ giới hóa và phát triển chế biến nông sản; phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột” của chuỗi giá trị.
- Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; chú trọng phát triển các doanh nghiệp chế biến, bảo quản có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả; khuyến khích phát triển các cụm liên kết làm động lực của các vùng.
3. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ
- Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
4. Về phát triển nguồn nhân lực
- Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chuyên ngành cơ giới nông nghiệp và chế biến nông sản như: Cơ khí nông nghiệp, cơ khí thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thực phẩm..., chú trọng thực hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
- Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng cho lực lượng quản lý trong lĩnh vực cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản về khoa học công nghệ, kỹ năng thương mại, phát triển thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu vận hành công nghệ tiên tiến, hiện đại.
5. Hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế
- Tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
- Triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận về lĩnh vực nông nghiệp của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường áp dụng quy trình công nghệ, hệ thống quản trị tiên tiến và hiện đại của thế giới nhằm đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ và năng lực trong cơ giới hóa và chế biến nông sản phù hợp với điều kiện trong nước.
6. Về huy động nguồn lực
- Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định pháp luật.
- Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác có liên quan.
1. Phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô vừa và nhỏ
2, Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp
(Chi tiết tại Phụ lục đính kèm).
Các bộ, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động của ngành, địa phương thực hiện Chiến lược; lồng ghép nội dung của Chiến lược vào kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chủ trì triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược liên quan đến chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các nội dung của Chiến lược; chỉ đạo triển khai các chương trình, đề án, dự án để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược theo chức năng quản lý nhà nước và thẩm quyền được giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược hàng năm và năm năm; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền và xem xét quyết định, điều chỉnh Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
- Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách và văn bản quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, ưu tiên thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; cân đối, bố trí ngân sách hàng năm theo quy định để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và nâng cao năng lực chế biến nông sản tại các vùng sản xuất trọng điểm và nguồn lực thực hiện các nội dung khác đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược.
3. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách thuế nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; cân đối, bố trí vốn sự nghiệp để triển khai các chính sách, chương trình, đề án về thúc đẩy phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Tổ chức nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thiết lập các cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển chế biến nông sản.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 về lĩnh vực lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản; nghiên cứu thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản; ban hành danh mục các công nghệ chế biến nông sản được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2020 - 2030.
- Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
6. Bộ Công Thương
- Xây dựng và đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
- Đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ; triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cơ khí nông nghiệp và sản phẩm chế biến nông sản.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lập kế hoạch, nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có nhân lực cho lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn lực lao động và năng lực quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp và chế biến nông sản.
9. Các bộ, ngành khác: Theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan trong Chiến lược.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược thuộc địa bàn quản lý theo thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương; thực hiện việc lồng ghép các nội dung của Chiến lược vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Xây dựng, phê duyệt và triển khai các Chương trình, đề án, dự án trọng điểm thực hiện Chiến lược phù hợp điều kiện và đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất tập trung; phát triển các tổ chức hợp tác, trung tâm kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp,
- Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực của địa phương; đảm bảo bố trí nguồn kinh phí thực hiện.
11. Các Hội, Hiệp hội ngành hàng
- Phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
- Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản gắn với tổ chức lại sản xuất bảo đảm sản xuất có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT.
THỦ TƯỚNG |
ĐỀ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP VÀ CHẾ BIẾN NÔNG LÂM THỦY SẢN
(Kèm theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ)
1. Đề án phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản quy mô vừa và nhỏ
a) Mục tiêu
Thúc đẩy, khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản quy mô vừa và nhỏ để tiêu thụ các nông sản truyền thống của địa phương (sản phẩm đặc sản địa phương) nhằm phát huy lợi thế của từng vùng miền, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
b) Nội dung
- Rà soát, hoàn thiện, thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản phát triển sản phẩm chế biến đặc sản địa phương, kết nối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (quốc gia, địa phương và cơ sở) cho các sản phẩm nông sản chế biến đặc sản địa phương quy mô vừa và nhỏ.
- Đào tạo nâng cao kỹ năng trình độ chuyên môn kỹ thuật, ATTP, vệ sinh an toàn lao động tham gia chế biến nông đặc sản địa phương quy mô vừa và nhỏ.
- Xây dựng gói tín dụng cho các chủ thể (hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ) đầu tư mới cơ sở chế biến vừa và nhỏ, đổi mới công nghệ chế biến, xử lý môi trường.
- Phát triển vùng nguyên liệu địa phương phục vụ cho sản xuất chế biến các sản phẩm đặc sản,
- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản đặc sản địa phương để tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
- Kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chế biến đặc sản địa phương, gắn kết thành các tuyến làm đa dạng phong phú cho du lịch nông thôn.
2. Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp
a) Mục tiêu
Đẩy mạnh áp dụng các loại máy, thiết bị, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa.
b) Nội dung
- Xây dựng và triển khai các dự án đầu tư cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ưu tiên đối với các sản phẩm chủ lực, sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản.
- Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về máy nông nghiệp; tiêu chí đánh giá năng lực cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.
- Phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, gắn nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ vào sản xuất.
- Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên ngành cơ khí nông nghiệp; chuẩn hóa đội ngũ lao động điều khiển máy móc, thiết bị nông nghiệp.
- Xây dựng hệ thống, cập nhật thông tin về cơ giới hóa nông nghiệp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.