THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 829/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2023 |
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT ĐỨC
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Liên bang Đức và Chính quyền Bang Hessen về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức ngày 23 tháng 9 năm 2020 (Hiệp định ba bên);
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;
Căn cứ Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Việt Đức;
Căn cứ Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Việt Đức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quyết định này quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Đức (sau đây gọi tắt là Trường), là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các nội dung khác liên quan không được quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam và Hiệp định ba bên.
Điều 2. Nguồn tài chính
1. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp:
a) Kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên:
Ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo hỗ trợ cho Trường nguồn tài chính hằng năm bằng 55% dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên (không tính phần hỗ trợ của phía Cộng hòa Liên bang Đức) đến hết thời gian có hiệu lực của Hiệp định ba bên về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức.
b) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ khi được cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.
c) Kinh phí chi thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, gồm: Kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kinh phí thực hiện nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao; kinh phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong trường hợp chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá để đặt hàng.
d) Vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Các nguồn thu sự nghiệp, bao gồm:
a) Học phí và lệ phí tuyển sinh, các dịch vụ giáo dục khác
Trường Đại học Việt Đức được tự chủ xây dựng và quy định các mức thu (học phí, lệ phí tuyển sinh, các dịch vụ giáo dục khác). Căn cứ chi phí đào tạo tính toán dựa trên định mức kinh tế-kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường tổ chức xây dựng các mức thu, trình Hội đồng trường và Ban Chỉ đạo (quy định tại khoản 3 Điều 8 Hiệp định ba bên) xem xét, phê duyệt trước khi ký ban hành, gửi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học phí xác định ở mức phù hợp với khả năng chi trả của người học với mức tăng không được cao hơn tỷ lệ lạm phát năm trước. Trường có trách nhiệm công khai, giải trình mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh, dịch vụ giáo dục khác theo quy định.
b) Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.
c) Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo gồm: Thu từ dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng để cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác theo nguyên tắc Trường tự bù đắp chi phí, ngân sách nhà nước không hỗ trợ.
d) Nguồn thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.
đ) Nguồn thu từ các nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu đào tạo, nghiên cứu của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác. Đối với đào tạo theo đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu đặt hàng theo nguyên tắc mức thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.
e) Nguồn thu từ đầu tư của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu bổ sung từ kết quả hoạt động hằng năm của Trường.
g) Nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công.
h) Nguồn vốn vay hợp pháp.
i) Đối với các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và thu sự nghiệp khác, Trường được phép gửi tại các ngân hàng thương mại, quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Trường được quyết định sử dụng các khoản thu, bao gồm cả lãi suất tiền gửi để chi cho các hoạt động của Trường trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
3. Các khoản tài trợ (không thuộc nguồn thu NSNN), quà biếu, tặng của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ và tài trợ của các đối tác Đức (bao gồm các cơ quan chính phủ liên bang và cấp bang, các trường đại học đối tác, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, quỹ tài chính của Cộng hòa Liên bang Đức, bang Hessen và các bang khác) được coi là nguồn thu của Trường và phải được phản ánh vào Kế hoạch kinh tế của Trường, và được tiếp nhận, quản lý, hạch toán theo quy định của pháp luật.
4. Nguồn tài chính khác, bao gồm: vốn khấu hao tài sản cố định, thu thanh lý tài sản được để lại theo quy định; các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tự chủ trong sử dụng nguồn tài chính
1. Chi thường xuyên:
Trường được quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường) trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả. Trong đó:
a) Chi tiền lương, tiền công:
Trường được quyết định việc chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên theo hướng có thể tuyển dụng, duy trì được những cá nhân có uy tín quốc tế, trên cơ sở Quy chế chi tiêu nội bộ và trong phạm vi nguồn tài chính của Trường (bao gồm nguồn hỗ trợ từ NSNN và các nguồn thu hợp pháp khác); đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch, hiệu quả. Trường xây dựng cơ chế trả lương gắn với vị trí việc làm, chức danh quản lý, chất lượng, hiệu quả công việc và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ. Trong đó:
- Đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam: Trường thực hiện chi trả tiền lương cho cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên và nhân viên người Việt Nam thêm một lần trên cơ sở tiền lương ngạch bậc, chức vụ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Khoản chi trả tiền lương này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Trường. Trường thực hiện trích lập các quỹ theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và được sử dụng Quỹ bổ sung thu nhập để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam theo Quy chế chi tiêu nội bộ.
- Đối với cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên mang quốc tịch nước ngoài: Trường thực hiện chi trả tiền lương, tiền công theo hợp đồng ký kết với giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia mang quốc tịch nước ngoài căn cứ vào kết quả, chất lượng, khối lượng công việc thực hiện và đảm bảo tính hài hòa, cân đối về khối lượng công việc với giảng viên, nghiên cứu viên và chuyên gia người Việt Nam tại Trường, phù hợp với mức sống, điều kiện làm việc ở môi trường Việt Nam.
b) Chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý:
Các nội dung chi và mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý của Trường phải được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ:
- Đối với các nội dung chi đã có định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, căn cứ yêu cầu thực tế, mức giá thực tế trên thị trường và khả năng tài chính, Trường được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường nhưng không vượt quá mặt bằng chung của thị trường và không thay đổi về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước.
- Đối với các nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, căn cứ tình hình thực tế, Trường xây dựng mức chi cho phù hợp và quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không vượt quá mặt bằng chung của thị trường, không thay đổi về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ theo quy định Nhà nước. Đơn vị chịu trách nhiệm và giải trình về các mức chi có liên quan.
c) Chi hoạt động thường xuyên khác: Trường thực hiện theo quy định hiện hành.
2. Chi nhiệm vụ không thường xuyên: Trường thực hiện chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí.
3. Chi học bổng khuyến khích học tập; miễn, giảm học phí phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước theo quy định với mức học phí của Trường; chi hỗ trợ sinh viên có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo và gia đình sinh viên có khó khăn về kinh tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên và các hoạt động hỗ trợ khác cho sinh viên. Việc lập các Quỹ hỗ trợ sinh viên thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Trường được giao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình về quản lý, sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Đầu tư công, các văn bản pháp lý có liên quan và phải được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
5. Về trích lập các quỹ: Hằng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có), Trường trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và các quỹ khác theo quy định hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 4. Quản lý tài sản, tài chính
1. Lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán, chế độ kế toán và kiểm toán.
a) Trường thực hiện chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập; lập dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Trường và các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Hội đồng trường thông qua, căn cứ kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm báo cáo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng Trường xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Trường trong năm kế hoạch, thông qua Hội đồng Trường báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kế hoạch và dự toán ngân sách của Trường bao gồm cả phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các khoản tài trợ của nước ngoài (nếu có).
b) Bất kỳ khoản kinh phí, hỗ trợ và tài trợ hoặc đóng góp tài chính của Chính phủ Đức và Chính quyền bang Hessen và các bang khác (bao gồm các cơ quan chính phủ Liên bang và cấp bang, các trường đại học đối tác, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) đều được công khai trong kế hoạch tài chính, báo cáo quyết toán hằng năm của Trường.
c) Trường có trách nhiệm chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định.
d) Trường thực hiện kiểm toán độc lập các nguồn vốn vay, các khoản viện trợ theo yêu cầu của nhà tài trợ (nếu có).
2. Quản lý tài sản, tài chính
a) Các nguồn tài chính, các nội dung chi, mức chi và các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Trường phải được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường. Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường được xây dựng trên cơ sở thảo luận công khai và minh bạch trước toàn thể cán bộ, giảng viên của Trường; báo cáo Hội đồng trường thông qua trước khi Hiệu trưởng ký ban hành và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi thực hiện. Quy chế chi tiêu nội bộ là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo dõi, giám sát và là căn cứ để Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm soát chi.
b) Trường thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.
c) Việc quản lý, sử dụng tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày có hiệu lực của Hiệp định ba bên và thay thế Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Việt Đức.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện cơ chế tài chính của Trường; trong trường hợp cần thiết đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính của Trường đảm bảo phù hợp với thực tế.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.