BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CÔNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2003/QĐ-BNN |
Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2003 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH “QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC ĐIỀU TRA PHÁT HIỆN SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn
cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 08 tháng 8 năm 2002 của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân
công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy
định Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật, Điều lệ quản lý thuốc
bảo vệ thực vật;
Căn cứ Quyết định sô 135/QĐ-BNN-KHCN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành ngày 01/10/1999 về việc ban hành Quy chế lập, xét duyệt và
ban hành Tiêu chuẩn ngành;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Tiêu chuẩn ngành:
10 TCN 224 – 2003 “Quy định về công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 224 – 2003
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA PHÁT
HIỆN SINH VẬT HẠI CÂY TRỒNG
Surveillance method of plant pests (Soát xét lần 1)
Tiêu chuẩn này quy định những nguyên tắc, nội dung, phương pháp, chỉ tiêu theo dõi chủ yếu trong công tác điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng, phục vụ cho công tác phát hiện, dự báo và phòng trừ sinh vật hại đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, an toàn cho người, động vật, sinh vật có ích và môi trường.
2.1. Phạm vi áp dụng: Tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
2.2. Đối tượng áp dụng:
- Áp dụng điều tra phát hiện sinh vật hại cây trồng trên phạm vi cả nước;
- Áp dụng trong công tác điều tra phát hiện các loại sinh vật hại, sinh vật có ích chính, chủ yếu trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng chính ở từng địa phương. Đối với những cây trồng mới phải điều tra theo dõi thành phần sinh vật hại, sinh vật có ích; sau đó xác định các loại sinh vật hại chính, chủ yếu và sinh vật có ích chính;
- Những cây trồng có ý nghĩa kinh tế, giá trị hàng hóa và những loại cây trồng có triển vọng phát triển ở địa phương bao gồm: cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây có ích khác và các yếu tố có liên quan (giống, thời vụ, thời tiết, địa hình, giai đoạn sinh trưởng cây trồng);
- Theo dõi sinh vật hại và sinh vật có ích chính có khả năng khống chế sinh vật hại.
Trong tiêu chuẩn này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
3.1. Sinh vật hại là những sinh vật hoạt động làm giảm số lượng, khối lượng hoặc chất lượng cây trồng, nông sản.
3.2. Sinh vật hại chính là những sinh vật thường xuyên xuất hiện phổ biến và hại nặng hàng năm ở địa phương.
3.3. Sinh vật hại chủ yếu là những sinh vật hại chính, mà tại thời điểm điều tra có mức độ gây hại cao hoặc khả năng lây lan nhanh, phân bố rộng trong điều kiện ngoại cảnh thuận lợi.
3.4. Yếu tố điều tra chính là các yếu tố đại diện bao gồm giống, thời vụ, địa hình, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
3.5. Khu vực điều tra là khu đồng, ruộng, vườn đại diện cho các yếu tố điều tra được chọn cố định để điều tra ngay từ đầu vụ.
3.5. Mẫu điều tra là số lượng lá, thân, quả, củ, rễ của cây trồng trên đơn vị điểm điều tra.
3.7. Điểm điều tra là điểm được bố trí ngẫn nhiên nằm trong khu vực điều tra.
3.8 Mật độ sinh vật hại là số lượng cá thể sinh vật hại trên một đơn vị diện tích hoặc một đơn vị đối tượng khảo sát.
3.9. Tỷ lệ bệnh là số lượng cá thể bị bệnh tính theo phần trăm (%) so với tổng số các cá thể điều tra trong quần thể.
3.10. Chỉ số bệnh là đại lượng đặc trưng cho mức độ bị bệnh của cây trồng được biểu thị bằng phần trăm (%).
3.11. Sinh vật có ích (sinh vật có ích hoặc thiên địch) là kẻ thù tự nhiên của các loài sinh vật hại.
3.12. Điều tra định kỳ là hoạt động điều tra thường xuyên của cán bộ bảo vệ thực vật trong khoảng thời gian định trước trên tuyến điều tra thuộc khu vực điều tra nhằm nắm được diễn biến sinh vật hại cây trồng.
3.13. Điều tra bổ sung là mở rộng tuyến điều tra vào các thời kỳ xung yếu của cây trồng và sinh vật hại đặc thù của các vùng sinh thái, nhằm xác định chính xác thời gian phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của sinh vật hại chủ yếu trên các cây trồng chính ở địa phương đó.
3.14. Tuyến điều tra được xác định theo một lịch trình đã định sẵn ở khu vực điều tra nhằm thỏa mãn các yếu tố điều tra chính của địa phương.
3.15. Diện tích nhiễm sinh vật hại là diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh hại từ 50% trở lên theo mức quy định của Cục Bảo vệ thực vật về mật độ sâu, tỷ lệ bệnh để thống kê diện tích.
3.16. Hình chiếu tán lá là hình chiếu của tán lá cây chiếu (vuông góc) xuống mặt đất.
3.17. Cành điều tra là đoạn cành có chiều dài 20 – 50cm (tùy theo mỗi loại cây) tính từ mặt tán lá, dùng để điều tra sinh vật hại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp.
3.18. Đợt điều tra là khi phần chồi non của cây có xuất hiện các loại sinh vật hại (nhện lông nhung, bọ trĩ, rệp).
3.19. Cây trồng mới là những loại cây trồng mới được trồng ở địa phương và có triển vọng phát triển thành cây trồng chính.
4. Quy định phương pháp điều tra phát hiện sinh vật hại
4.1. Yêu cầu kỹ thuật
4.1.1. Điều tra
- Điều tra đầy đủ, chính xác diễn biến các loại sinh vật hại, sinh vật có ích chính và các yếu tố ngoại cảnh tác động đến chúng.
- Dự báo những loại sinh vật hại thứ yếu có khả năng phát triển thành đối tượng chính, phân tích nguyên nhân của hiện tượng đó.
4.1.2. Nhận định tình hình: Đánh giá tình hình sinh vật hiện tại, nhận định khả năng phát sinh, phát triển và gây hại của sinh vật hại chính trong thời gian tới.
4.1.3. Thống kê diện tích: Tổng hợp tính toán diện tích bị nhiễm sinh vật hại (nhẹ, trung bình, nặng), diện tích mất trắng và diện tích đã được xử lý bằng các biện pháp phòng chống.
4.2. Thiết bị và dụng cụ điều tra
4.2.1. Dụng cụ điều tra ngoài đồng:
- Vợt, khay, khung, hố điều tra (Phụ lục VIII);
- Thước dây, thước gỗ điều tra, băng giấy dính, băng dính, dao, kéo;
- Sổ ghi chép, bút viết, máy tính bỏ túi, túi nilon các cỡ, túi xách tay điều tra;
- Ống tuýp, hộp petri và hóa chất cần thiết;
- Bẫy đèn; bẫy bả.
4.2.2. Thiết bị trong phòng:
- Kính lúp, kính hiển vi, lam, la men;
- Tủ lạnh, tủ định ôn, máy ôn, ẩm kế tự ghi trong phòng;
- Máy tính và các chương trình phần mềm có liên quan;
- Máy khuấy, máy lắc, máy rây.
4.2.3. Trang bị bảo hộ lao động:
- Mũ, ủng, áo mưa, găng tay, khẩu trang.
4.3. Phương pháp điều tra
4.3.1. Thời gian điều tra
4.3.1.1. Điều tra định kỳ: Điều tra 7 ngày một lần theo tuyến điều tra trong khu vực điều tra cố định ngay từ đầu vụ vào các ngày thứ ba, thứ tư hàng tuần.
4.3.1.2. Điều tra bổ sung: Tiến hành trước và trong cao điểm xuất hiện sinh vật hại.
4.3.2. Yếu tố điều tra: Mỗi loại cây trồng chọn đại diện theo giống, thời vụ, địa hình, giai đoạn sinh trưởng cây trồng,
4.3.3. Khu vực điều tra
4.3.3.1. Đối với lúa:
- Từ 20 – 40 ha đối với vùng trọng điểm.
- Từ 2 – 5 ha đối với vùng không trọng điểm.
4.3.3.2. Đối với rau màu, cây thực phẩm: Từ 2 – 5 ha.
4.3.3.3. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp: Từ 5 – 10 ha.
4.3.4. Điểm điều tra
Mỗi yếu tố điều tra 10 điểm ngẫu nhiên hoặc nằm ngẫu nhiên trên đường chéo của khu vực điều tra. Điểm điều tra phải cách bờ ít nhất 2 m (đối với lúa, cây rau màu) và 1 hàng cây (đối với cây ăn quả, cây công nghiệp).
4.3.5. Số mẫu điều tra của một điểm
4.3.5.1. Cây lúa
- Sâu hại
+ Trên mạ và lúa sạ: 1 khung/điểm.
+ Trên lúa cấy: 10 khóm/điểm.
Các loại sâu trích hút (nhện, bị trĩ, bọ phấn…) 5 dảnh/điểm.
- Bệnh hại
+ Bệnh trên thân: 10 dảnh ngẫu nhiên/điểm.
+ Bệnh trên lá: điều tra toàn bộ số lá của 5 dảnh ngẫu nhiên/điểm.
4.3.5.2. Rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày (rau họ hoa thập tự, cà chua, đậu đỗ, lạc vừng, đậu tương)
- Sâu hại
+ Cây trồng ngoài đồng: 1m2/điểm (với cây có mật độ <50 cây/m2);
1 khung/điểm (với cây có mật độ > 50 cây/m2).
+ Cây trồng có mật độ cao, vườn ươm: 1 khung/điểm.
(Các loại trích hút như bọ phấn, bọ trĩ, nhện thì tính 10 cây hoặc 10 lá/điểm tùy theo vị trí gây hại của mỗi đối tượng).
- Bệnh hại
+ Bệnh toàn thân: 10 thân ngẫu nhiên/điểm.
+ Bệnh trên lá: 10 lá ngẫu nhiên/điểm.
+ Bệnh trên củ, quả: điều tra 10 củ, quả ngẫu nhiên/điểm.
+ Bệnh trên rễ: 10 cây/điểm.
4.3.5.3. Cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả
- Sâu hại
+ Sâu hại cành (cành lá, cành hoa, cành quả): Điều tra 4 hướng x mỗi hướng 2 cành (lá, hoa, quả)/cây/điểm.
+ Sâu hại thân: 10 cây/điểm.
+ Sâu hại vườn ươm: 1 khung/điểm.
- Bệnh hại
+ Bệnh hại thân: 10 cây/điểm.
+ Bệnh hại cành: 4 hướng x mỗi hướng 2 cành/1 cây/điểm.
- Sâu bệnh hại rễ: 1 hố (khu vực hình chiếu tán lá)/điểm.
4.3.6. Cách điều tra
4.3.6.1. Ngoài đồng
- Quan sát từ xa đến gần sau đó điều tra trực tiếp trên cây, trong trường hợp không làm ngay được ngoài đồng ruộng thì thu mẫu về phòng phân tích.
- Dùng vợt điều tra các loại sinh vật hại và sinh vật có ích hoạt động bay nhảy ở tầng lá trên của cây trồng.
- Dùng khay để điều tra các loại sinh vật hại và sinh vật có ích phân bố ở tầng lá dưới của cây trồng.
- Dùng khung để điều tra sinh vật hại và sinh vật có ích xuất hiện trên mặt nước, mặt đất trên ruộng mạ, lúa sạ, mặt tán lá, tán chè, các loại cây trồng dầy và vườn ươm.
- Thu mẫu để theo dõi ký sinh.
+ Pha trứng
- Trứng đơn: 50 quả;
- Ổ trứng: 30 ổ.
+ Pha sâu non, nhộng, trưởng thành: 30 cá thể.
4.3.6.2. Trong phòng: theo dõi, phân tích những mẫu sâu hại đã thu được trong quá trình điều tra và xác định mật độ trứng, tỷ lệ trứng nở, tỷ lệ ký sinh.
4.3.6.3. Sử dụng bẫy
- Bẫy đèn (đối với lúa): các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt bẫy đèn liên tục trong vụ lúa. Địa điểm bẫy đèn phải đặt ở khu vực trồng lúa. Thời gian đốt đèn từ 19 giờ - 22 giờ.
- Bẫy khác: tùy theo đối tượng sinh vật hại mà các địa phương sử dụng các loại bẫy thích hợp.
4.3.7. Các chỉ tiêu cần theo dõi
- Cây trồng và các yếu tố có liên quan (thời tiết, cơ cấu giống, thời vụ, giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng);
- Mật độ sâu (con/m2), tỷ lệ hại (%);
- Tỷ lệ các pha phát dục của sâu hại (%);
- Tỷ lệ, chỉ số bệnh (%);
- Mật độ bắt mồi ăn thịt (con/m2), tỷ lệ ký sinh (%);
- Diện tích nhiễm sinh vật hại (ha);
- Số lượng trưởng thành vào bẫy đèn, bẫy bả (con/đêm).
4.4. Thu thập, xử lý số liệu và quy định thông báo kết quả)
4.4.1. Sổ theo dõi
- Sổ theo dõi sinh vật hại và sinh vật có ích vào bẫy;
- Sổ ghi chép số liệu điều tra sinh vật hại, sinh vật có ích định kỳ, bổ sung của từng cây trồng;
- Sổ theo dõi diễn biến diện tích nhiễm sinh vật hại thường kỳ, hàng vụ, hàng năm;
- Sổ theo dõi khí tượng.
4.4.2. Xử lý số liệu
4.4.2.1. Đơn vị tính
- Mật độ sinh vật hại và sinh vật có ích: tùy theo từng loại cây trồng, từng đối tượng mà tính theo các đơn vị con/m2, con/cành (lá, hoa, quả).
- Phát dục của sâu: tỷ lệ của từng giai đoạn (pha) phát dục (%).
- Tỷ lệ các bộ phận bị hại của cây (cành, cây, lá, búp, quả) (%).
- Tỷ lệ bệnh, chỉ số bệnh (%).
- Tỷ lệ ký sinh (trứng, sâu non, nhộng, trưởng thành) (%).
Một số loại bệnh hại trên lá, trên thân, trên bông đều phân cấp thống nhất theo Phụ lục III.
- Căn cứ để tính diện tích nhiễm sinh vật hại (nhẹ, trung bình, nặng)
- Cơ cấu giống cây trồng.
+ Số liệu điều tra của từng yếu tố có liên quan.
+ Mức mật độ sâu, tỷ lệ bệnh quy định để thống kê diện tích cụ thể như sau (Phụ lục I).
- Diện tích nhiễm nhẹ: là diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh từ 50 đến 100% mức quy định.
- Diện tích nhiễm trung bình: là diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh từ trên 100 đến 200% mức quy định.
- Diện tích bị nhiễm nặng: là diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh trên 200% mức quy định.
- Diện tích mất trắng: (dùng để thống kê cuối các đợt dịch, cuối các vụ sản xuất).
Là tổng số diện tích cộng dồn do sinh vật hại làm giảm trên 70% năng suất.
- Diện tích đã xử lý (thuốc hóa học và các biện pháp khác).
4.4.2.2. Công thức tính – Phụ lục II.
- Mật độ sinh vật hại (con/m2, con/cành, con/hố…); tỷ lệ phát dục (%) ở từng giai đoạn phát dục.
- Tỷ lệ bệnh (%), chỉ số bệnh (%).
Lưu ý cách phân cấp theo Phụ lục III.
Cách tích mật độ sinh vật có ích (bắt mồi ăn thịt), tỷ lệ ký sinh cũng tương tự như sinh vật hại.
4.4.3. Thông báo kết quả điều tra
4.4.3.1. Nội dung thông báo sinh vật hại 7 ngày/lần phải đầy đủ theo phụ lục IV.
4.4.3.2. Thời gian gửi thông báo
+ Trạm Bảo vệ thực vật huyện
Điều tra tình hình sinh vật hại trên địa bàn huyện và gửi thông báo 7 ngày một lần (theo mẫu Phụ lục IV, mẫu này chỉ dùng cho Trạm Bảo vệ thực vật huyện) vào các ngày thứ 5 hàng tuần cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.
+ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh
Kiểm tra và tổng hợp tình hình sinh vật hại ở các huyện trong tỉnh và gửi thông báo tình hình sinh vật hại 7 ngày 1 lần (theo mẫu Phụ lục V, mẫu này chỉ dùng cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng) vào các ngày thứ 2 hàng tuần cho Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, Cục Bảo vệ thực vật bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.
+ Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng
Kiểm tra và tổng hợp tình hình sinh vật hại ở các tỉnh trong vùng và gửi thông báo tình hình sinh vật hại 7 ngày/1 lần (theo mẫu Phụ lục V, mẫu này chỉ dùng cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng) vào các ngày thứ 5 hàng tuần cho Cục Bảo vệ thực vật bằng phương tiện thông tin nhanh nhất.
4.4.3.3. Thông báo, điện báo đột xuất
Khi sinh vật hại có khả năng phát sinh, phát triển nhanh, trên diện rộng, có nhiều nguy cơ đe dọa sản xuất thì cơ quan Bảo vệ thực vật ở địa bàn đó (Trạm Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng) có trách nhiệm ra các thông báo, điện báo đột xuất và gửi:
+ Cơ quan quản lý trực tiếp;
+ Cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên.
4.5. Báo cáo khác
Các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và các Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có trách nhiệm ra các loại thông báo sau:
4.5.1. Thông báo tháng (theo mẫu Phụ lục V)
- Thời gian tính từ ngày 15/tháng trước đến ngày 15/tháng sau.
- Gửi cho các cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên.
4.5.2. Báo cáo tổng kết vụ (theo mẫu Phụ lục VI).
- Vụ đông xuân: gửi cho Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 15 tháng 6 hàng năm.
- Vụ hè thu và mùa: gửi cho Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và Cục bảo vệ thực vật trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.
- Vụ đông (rau, ngô, đậu tương, khoai tây… chỉ áp dụng cho các tỉnh phía Bắc).
4.5.3. Dự báo vụ (theo mẫu Phụ lục VII): gửi Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng và Cục Bảo vệ thực vật trước các vụ sản xuất 20 ngày./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.