KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 811/QĐ-KTNN |
Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC THỰC HIỆN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 24 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước ngày 28 tháng 02 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: |
Tổng
kiểm toán Nhà nước |
HƯỚNG DẪN
VỀ VIỆC THỰC HIỆN XỬ PHẠT VI
PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 811/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Tổng
Kiểm toán nhà nước)
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Hướng dẫn này quy định chi tiết thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước số 04/2023/UBTVQH15 ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
3. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền
Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 như sau:
1. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
2. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt tiền có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức phạt tiền có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.
3. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:
a) Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
b) Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
4. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 4. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
4. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính.
Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính.
3. Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
4. Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15.
5. Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
6. Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
7. Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
8. Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
9. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
10. Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 6. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế
1. Tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước:
a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
b) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thực tiễn công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
c) Xây dựng, gửi cơ quan có thẩm quyền báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
d) Sơ kết, tổng kết việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để đề xuất biện pháp giải quyết.
3. Thực hiện công tác phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
4. Kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức thanh tra, kiểm tra khi có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
1. Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện quy định tại Điều 6 Hướng dẫn này.
2. Các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành (khu vực) ngoài việc thực hiện trách nhiệm theo quy định của khoản 1 Điều này, còn có trách nhiệm báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, gửi về Vụ Pháp chế trước ngày 30 tháng 11 hàng năm và đột xuất khi có yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước và Bộ Tư pháp.
Điều 8. Trách nhiệm của Văn phòng Kiểm toán nhà nước
Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế hướng dẫn, bảo đảm kinh phí cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 9. Hành vi vi phạm về gửi báo cáo định kỳ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. Hành vi “chậm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý” quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý cho Kiểm toán nhà nước quá thời hạn quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Quy định trách nhiệm gửi báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán được ban hành kèm theo Quyết định số 03/2019/QĐ-KTNN ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
2. Hành vi “từ chối” quy định tại khoản 5 Điều 8 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Kiểm toán nhà nước (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và người có thẩm quyền, nhiệm vụ tiếp nhận báo cáo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách) từ chối, khẳng định không gửi báo cáo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước.
Điều 10. Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán quy định tại Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. Hành vi “cung cấp không kịp thời thông tin, tài liệu” quy định tại khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là cung cấp thông tin, tài liệu quá thời hạn yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
2. Hành vi “trì hoãn” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là hành vi làm chậm lại, hoãn lại, làm kéo dài thời gian việc cung cấp thông tin, tài liệu mà không thuộc các trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp thông tin, tài liệu.
3. Hành vi “cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu không đảm bảo tính pháp lý.
b) Cung cấp thông tin, tài liệu không đúng với thông tin, tài liệu chính thức (bản gốc).
c) Cung cấp thông tin, tài liệu không có dữ liệu, bằng chứng xác thực, tin cậy.
d) Cung cấp thông tin, tài liệu không đúng yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
đ) Cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch.
4. Hành vi “cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu thiếu một hoặc một số thông tin, tài liệu tại văn bản yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
b) Cung cấp thông tin, tài liệu không đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống; thông tin, tài liệu bị khuyết, thiếu như: thiếu trang, hình vẽ, bảng biểu, phụ lục liên quan…
5. Hành vi “không cung cấp thông tin, tài liệu” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là không cung cấp thông tin, tài liệu tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
6. Hành vi “cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thực tế, hiện trạng, bản chất, nội dung sự việc, số liệu, giá trị kinh tế, tài chính.
b) Cung cấp thông tin, tài liệu đã được làm giả, tạo dựng, không trên cơ sở chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính và các nguồn thông tin khác theo quy định.
7. Hành vi “cung cấp thông tin, tài liệu không khách quan” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là cung cấp thông tin, tài liệu mang tính thiên vị, bị lợi ích chi phối, bị can thiệp, theo ý chí chủ quan của tổ chức, cá nhân cung cấp.
8. Hành vi “từ chối cung cấp thông tin, tài liệu” quy định tại khoản 4 Điều 9 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước từ chối, khẳng định không cung cấp thông tin, tài liệu.
b) Không tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình liên quan đến nội dung kiểm toán quy định tại Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. Hành vi “trả lời và giải trình không kịp thời” quy định tại khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là trả lời và giải trình quá thời hạn yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
2. Hành vi “trả lời và giải trình không chính xác” quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Trả lời và giải trình không đúng với nội dung yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
b) Trả lời và giải trình dựa trên thông tin, tài liệu sai sự thật, không có căn cứ, cơ sở, không đúng với thông tin, tài liệu hợp pháp.
3. Hành vi “trả lời và giải trình không đầy đủ” quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là hành vi trả lời và giải trình thiếu ít nhất một nội dung theo yêu cầu của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
4. Hành vi “không trả lời và giải trình” quy định tại khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là không trả lời và giải trình tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
5. Hành vi “từ chối trả lời và giải trình” quy định tại khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước từ chối, khẳng định không trả lời và giải trình.
b) Không tiếp nhận văn bản yêu cầu trả lời và giải trình của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước.
Điều 12. Hành vi không ký biên bản kiểm toán, không chấp hành quyết định kiểm toán quy định tại Điều 11 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. Hành vi “không ký biên bản kiểm toán” quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Không ký biên bản kiểm toán trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản kiểm toán đã có chữ ký của Tổ trưởng tổ kiểm toán.
b) Bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Tổ trưởng tổ kiểm toán về việc không ký biên bản kiểm toán.
2. Hành vi “không chấp hành quyết định kiểm toán” quy định tại khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Kiểm toán nhà nước về việc không thực hiện quyết định kiểm toán, phản đối quyết định kiểm toán.
b) Không phối hợp với Kiểm toán nhà nước trong tổ chức thực hiện quyết định kiểm toán theo quy định.
Điều 13. Hành vi mua chuộc, hối lộ Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán; cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 12 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. “Lợi ích vật chất khác” quy định tại khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi thăm quan, du lịch, vé tàu, vé xe...
2. Hành vi “cản trở” quy định tại khoản 2 Điều 12 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo hoặc thông báo chậm đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm toán, có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán, có trách nhiệm trả lời và giải trình.
b) Dùng lời nói hoặc hành động ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để thành viên Đoàn kiểm toán nhà nước không thực hiện được hoặc không dám thực hiện nhiệm vụ.
c) Dùng lời nói hoặc hành động ngăn cản, đe dọa về vật chất hoặc tinh thần để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện được hoặc không dám thực hiện quyết định kiểm toán, không dám: cung cấp thông tin, tài liệu, trả lời và giải trình cho Đoàn kiểm toán.
Điều 14. Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán quy định tại Điều 13 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15
1. Hành vi “che giấu” quy định tại khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Sau khi biết vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công đã cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước; cản trở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện quyết định kiểm toán, cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán, trả lời và giải trình.
b) Che đậy, cất giấu thông tin, tài liệu liên quan đến vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
2. Hành vi “can thiệp trái pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng để can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán.
1. “Có điều kiện thi hành” quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 4 Điều 14 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là trường hợp cá nhân, tổ chức phải thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán có tiền, tài sản và có thẩm quyền để thực hiện; không gặp phải các trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
2. Hành vi “báo cáo sai sự thật” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhưng báo cáo đã thực hiện.
b) Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán không đúng với số liệu, nội dung thực tế đã thực hiện, không có tài liệu xác thực.
3. Hành vi “từ chối gửi báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 là hành vi biểu hiện bằng lời nói hoặc văn bản hoặc hình thức khác (như: e.mail, tin nhắn, …) thông báo cho Kiểm toán nhà nước (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và người có thẩm quyền, nhiệm vụ tiếp nhận báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán) từ chối, khẳng định không gửi báo cáo thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo yêu cầu tại báo cáo kiểm toán.
Chương III
THẨM QUYỀN LẬP BIÊN BẢN, THẨM QUYỀN XỬ PHẠT; THỦ TỤC XỬ PHẠT, THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Điều 16. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
1. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15, bao gồm:
a) Kiểm toán viên nhà nước;
b) Tổ trưởng tổ kiểm toán;
c) Phó trưởng đoàn kiểm toán;
d) Trưởng đoàn kiểm toán;
đ) Kiểm toán trưởng.
2. Trường hợp người đang thi hành nhiệm vụ kiểm toán, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhiệm vụ tiếp nhận báo cáo cáo định kỳ hoặc nhiệm vụ khác mà không phải là người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước thì phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản làm việc đến người có thẩm quyền để lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.
Điều 17. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Kiểm toán viên nhà nước
Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm lập biên bản đối với hành vi vi phạm sau đây:
1. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 10 Hướng dẫn này;
2. Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 11 Hướng dẫn này;
3. Hành vi không chấp hành quyết định kiểm toán thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Hướng dẫn này;
4. Hành vi mua chuộc, hối lộ Kiểm toán viên nhà nước; cản trở công việc của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 13 Hướng dẫn này;
5. Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công thuộc nội dung kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán viên nhà nước quy định tại Điều 14 Hướng dẫn này;
6. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 15 Hướng dẫn này.
Điều 18. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Tổ trưởng tổ kiểm toán
Tổ trưởng tổ kiểm toán có trách nhiệm lập biên bản đối với hành vi vi phạm sau đây:
1. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Tổ trưởng tổ kiểm toán quy định tại Điều 10 Hướng dẫn này;
2. Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu của Tổ trưởng tổ kiểm toán quy định tại Điều 11 Hướng dẫn này;
3. Hành vi không ký biên bản kiểm toán của tổ kiểm toán quy định tại khoản 1 Điều 12 Hướng dẫn này;
4. Hành vi không chấp hành quyết định kiểm toán thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của tổ kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Hướng dẫn này;
5. Hành vi mua chuộc, hối lộ tổ kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán; cản trở công việc của tổ kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán quy định tại Điều 13 Hướng dẫn này;
6. Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của tổ kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của tổ kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán quy định tại Điều 14 Hướng dẫn này.
Điều 19. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng đoàn kiểm toán
1. Trưởng đoàn kiểm toán có trách nhiệm lập biên bản đối với hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện việc kiểm toán theo yêu cầu của Trưởng đoàn kiểm toán quy định tại Điều 10 Hướng dẫn này;
b) Hành vi vi phạm quy định về trả lời và giải trình các vấn đề theo yêu cầu của Trưởng đoàn kiểm toán quy định tại Điều 11 Hướng dẫn này;
c) Hành vi không chấp hành quyết định kiểm toán thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Hướng dẫn này;
d) Hành vi mua chuộc, hối lộ đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán; cản trở công việc của đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán quy định tại Điều 13 Hướng dẫn này;
đ) Hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công thuộc nội dung, phạm vi kiểm toán của đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của đoàn kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán quy định tại Điều 14 Hướng dẫn này.
2. Phó trưởng đoàn kiểm toán có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm như Trưởng đoàn quy định tại khoản 1 Điều này trong phạm vi nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn và trước pháp luật về việc lập biên bản vi phạm hành chính.
Điều 20. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng
Kiểm toán trưởng có trách nhiệm lập biên bản đối với hành vi vi phạm sau đây:
1. Hành vi vi phạm quy định về gửi báo cáo định kỳ quy định tại Điều 9 Hướng dẫn này đối với các lĩnh vực, đơn vị được phân công kiểm toán;
2. Hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán trong thẩm quyền giải quyết của Kiểm toán trưởng quy định tại khoản 2 Điều 14 Hướng dẫn này;
3. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 15 Hướng dẫn này.
Điều 21. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 16 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 bao gồm:
1. Trưởng đoàn kiểm toán;
2. Kiểm toán trưởng.
Điều 22. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn kiểm toán
1. Trong phạm vi thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15, Trưởng đoàn kiểm toán ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc kiểm toán trong thời hạn kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
2. Trường hợp hết thời hạn kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước mà chưa thể ra quyết định xử phạt vì lý do khách quan, thì phải chuyển vụ vi phạm đến Kiểm toán trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để ra quyết định xử phạt.
Điều 23. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán trưởng
Trong phạm vi thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15, Kiểm toán trưởng ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp:
1. Tự mình lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 20 Hướng dẫn này;
2. Xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính ngoài thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn kiểm toán quy định tại Điều 22 Hướng dẫn này.
Điều 24. Giao quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Kiểm toán trưởng có thể giao cho Phó Kiểm toán trưởng thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
2. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).
Điều 25. Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương III Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính; và các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 27, Điều 28 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 26. Mẫu biểu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Mẫu biểu sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Ban hành kèm theo Hướng dẫn này là chi tiết một số mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, gồm:
1. Các mẫu biên bản:
- Biên bản vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
- Biên bản làm việc;
- Biên bản phiên giải trình trực tiếp;
- Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
- Biên bản về việc không nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
- Biên bản bàn giao hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Biên bản chuyển hồ sơ và quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước để tổ chức thi hành.
2. Các mẫu quyết định:
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước không lập biên bản;
- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
- Quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Quyết định về việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
- Quyết định chấm dứt việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
Điều 27. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật
Điều 28. Trách nhiệm thi hành
1. Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành (khu vực) có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, giải quyết./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.