ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 830/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 29 tháng 4 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/02/2025;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17/6/2020;
Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT , ngày 09/4/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại việt nam, đầu tư từ việt nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
Căn cứ Công văn số 10731/BKHĐT-ĐTNN, ngày 26/12/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 126/TTr-STC, ngày 17/4/2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Tài chính
- Đôn đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025.
- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Kinh phí Xúc tiến Đầu tư năm 2025 sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa. Giao Giám đốc Sở Tài chính chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính sử dụng kinh phí theo chương trình Xúc tiến đầu tư được duyệt và theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XVII, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC
TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2025 CỦA TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Vĩnh Long)
I. ĐÁNH GIÁ SƠ BỘ HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2024
1. Kết quả xúc tiến và mời gọi đầu tư
Năm 2024, tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2023 với sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thường xuyên của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành về các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, nổi bật là các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và một số lĩnh vực khác với các đối tác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản...1[1]. Tổ chức thành công các Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư[2], qua đó giới thiệu quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tập trung mời gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Trong năm 2024, tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư cho 09 dự án (07 dự án trong nước, 02 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.475 tỷ đồng và 1,72 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 09 dự án (03 dự án trong nước, 06 dự án FDI) với số vốn đăng ký tăng thêm 139,05 tỷ đồng và 9,16 triệu USD.
2. Các hoạt động Xúc tiến Đầu tư nổi bật đã thực hiện theo kế hoạch năm 2024
2.1. Các hoạt động đã tổ chức
- Hội nghị Xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Vĩnh Long vào ngày 04 - 06/3/2024.
- Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư Nông nghiệp, Thương mại, Du lịch tỉnh Vĩnh Long vào ngày 23/3/2024.
- Đoàn công tác về xúc tiến đầu tư, thương mại tại Áo, Hà Lan và Thụy Sĩ năm 2024 (từ ngày 02 - 08/6/2024).
- Hội nghị kết nối Doanh nghiệp giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Niigata - Nhật Bản tại tỉnh Vĩnh Long (từ ngày 04 - 05/8/2024).
- Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 từ ngày 16/11 - 23/11/2024.
- Làm việc với Tổng Lãnh sự quán Cuba ngày 03/12/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
- Tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng về xúc tiến đầu tư năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
2.2. Các hoạt động tiếp và hướng dẫn khảo sát địa điểm đầu tư nổi bật
- Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM về việc tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp giữa Vĩnh Long và Ấn Độ.
- Tiếp và làm việc với Tập đoàn Novaland về việc tìm hiểu đầu tư dự án Lò gốm Di sản Đương đại Mang Thít.
- Tiếp và làm việc với Tập đoàn TH và khảo sát thực địa Đề án Di sản đương đại Mang Thít và các vùng trồng nông sản.
- Tiếp và làm việc với đoàn công tác Doanh nghiệp, Hiệp hội Ấn Độ về việc tìm hiểu môi trường đầu tư, kết nối xuất nhập khẩu hàng hóa.
- Tiếp và làm việc với đoàn công tác Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và Tập đoàn An Dương về việc đào tạo nguồn lực và xuất khẩu lao động.
2.3. Các hoạt động tham dự
- Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ 2024 vào ngày 06/4/2024 tại TP. Zurich - Thụy Sĩ do Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ phối hợp với tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam (SVEF), Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và một số quỹ đầu tư, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức.
- Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” tại tỉnh Bình Dương vào ngày 17/5/2024 do Bộ ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức.
- Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” do Bộ Ngoại giao tổ chức vào ngày 26- 27/9/2024 tại Đà Nẵng.
- Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 03/10/2024 tại Bến Tre.
II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2025
1. Quan điểm
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Xây dựng Chương trình Xúc tiến Đầu tư năm 2025 của tỉnh trên cơ sở dựa vào lợi thế, tiềm năng và các lĩnh vực thế mạnh, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt.
- Xác định các lĩnh vực có tính chiến lược, tạo đột phá, lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm, khơi thông nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, manh mún.
- Khai thác hiệu quả lợi thế địa kinh tế, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ và đô thị gắn với phát hiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Tập trung thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, dự án đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
2. Định hướng
2.1. Định hướng chung
- Chủ động trong công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết XI của tỉnh Đảng bộ. Chủ động mở rộng các quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển tỉnh Vĩnh Long.
- Chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng... Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư mới. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ, thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập nền kinh tế của tỉnh.
- Đẩy mạnh hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư; các quy định pháp luật, chính sách, thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm môi trường đầu tư.
- Tích cực, chủ động trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và nâng cao Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, Ban, Ngành và địa phương (DDCI). Hỗ trợ, cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai từ khi bắt đầu dự án cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường hoạt động tiếp cận, kết nối các nhà đầu tư lớn, đứng đầu các chuỗi cung ứng để kịp thời thu hút được các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư (nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, thủy sản, hạ tầng khu - cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị - nhà ở và du lịch...)
- Tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực… để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và hạ tầng đồng bộ với tiêu chí xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đô thị và quản lý khu công nghiệp, giảm tác hại đến môi trường, hướng tới cắt giảm số lượng lớn khí CO2 trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường liên kết giữa các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền, quảng bá nhằm nhất quán, tạo sự đồng bộ trong công tác xúc tiến đầu tư.
- Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, tiến hành rà soát ban hành danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ.... để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2.2. Định hướng xây dựng Xúc tiến Đầu tư theo lĩnh vực
Tiếp tục mời gọi đầu tư các dự án trong danh mục được tỉnh phê duyệt, tập trung mời gọi đầu tư một số dự án trọng điểm:
a) Lĩnh vực Công nghiệp
- Các dự án đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp:
+ Khu công nghiệp Đông Bình (tại xã Đông Bình và xã Đông Thành, TX. Bình Minh) với diện tích 350 ha.
+ Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long - giai đoạn 1 (tại xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) với diện tích 255 ha.
+ Cụm Công nghiệp Tân Bình tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân với diện tích 40,72 ha.
- Cụm Công nghiệp Trường Thọ tại xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm với diện tích 50 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng tương đương 15,28 triệu USD.
b) Lĩnh vực Đô thị - Nhà ở
- Dự án đầu tư Khu nhà phố Đông Thuận tại phường Đông Thuận, TX. Bình Minh với diện tích 10,11 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng tương đương 38,19 triệu USD.
- Dự án đầu tư Nhà ở xã hội phường 9 tại phường 9, TP. Vĩnh Long với diện tích 0,58 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng tương đương 7,64 triệu USD.
- Dự án đầu tư Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ với diện tích 0,62 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng tương đương 7,64 triệu USD.
c) Lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ
- Dự án đầu tư xây dựng Khách sạn Vĩnh Long tại phường 9, TP. Vĩnh Long với diện tích 0,36 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng tương đương 3,82 triệu USD.
- Dự án đầu tư Trung tâm thương mại phường 8 tại phường 8, TP. Vĩnh Long với diện tích 4,22 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ tương đương 22,92 triệu USD.
- Dự án đầu tư Mở rộng chợ Cái Vồn tại phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh với diện tích 0,36 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 110 tỷ tương đương 4,20 triệu USD.
d) Lĩnh vực Văn hóa - Du lịch
Dự án đầu tư Khu lò gạch, gốm Mang Thít huyện Mang Thít tại các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít với diện tích 3.060 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng tương đương 1.145,83 triệu USD.
đ) Lĩnh vực Nông nghiệp - Nông thôn
- Dự án đầu tư Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái Chánh An tại Ấp Mỹ Long, Vàm lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít với diện tích 130 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng tương đương 19,09 triệu USD.
- Dự án Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung tại xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm với diện tích 2,29 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng tương đương 1,91 triệu USD.
e) Lĩnh vực Môi trường
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tỉnh Vĩnh Long tại xã Hòa Phú, huyện Long Hồ với diện tích 7,15 ha; ước tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng tương đương 53,47 triệu USD.
2.3. Định hướng Xúc tiến Đầu tư theo đối tác
a) Nguyên tắc lựa chọn đối tác đầu tư
- Lựa chọn đối tác xúc tiến đầu tư có chiến lược, định hướng mở rộng đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long đồng thời có tâm huyết đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo thêm giá trị gia tăng, tận dụng lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Sản phẩm cung cấp cho thị trường phải đảm bảo sức cạnh tranh, ổn định thị trường tiêu thụ nội địa và thay thế hàng nhập khẩu. Dự án đi vào hoạt động mang tính động lực, giải quyết tốt việc làm, thu hút lao động và không gây ô nhiễm môi trường.
- Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; các khu đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; hạ tầng thích ứng và chịu đựng được trong điều kiện biến đổi khí hậu.
b) Đối tác lựa chọn để xúc tiến mời gọi đầu tư
Trên cơ sở các nguyên tắc lựa chọn đối tác xúc tiến mời gọi đầu tư, Chương trình Xúc tiến Đầu tư năm 2025 của tỉnh Vĩnh Long chú trọng mời gọi đầu tư tập trung vào một số đối tác như:
- Hàn Quốc
+ Lũy kế đến 31/12/2024, Hàn Quốc có 10.102 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 92 tỷ USD, xếp thứ nhất trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
+ Về ngành nghề đầu tư, FDI của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đồng thời, mở rộng sang các lĩnh vực mới như xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, bảo hiểm,…
+ Tại tỉnh Vĩnh Long, Hàn Quốc hiện có 21 dự án đầu tư đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả với tổng vốn đăng ký 107,99 triệu USD. Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
- Nhật Bản
+ Lũy kế đến 31/12/2024, Nhật Bản có 5.489 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 77,66 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore). Các dự án đầu tư của Nhật Bản chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
+ Tại Vĩnh Long, Nhật Bản hiện có 11 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 213,77 triệu USD. Đây sẽ là kênh thông tin, quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nắm bắt được các thông tin cụ thể về môi trường đầu tư tại Vĩnh Long.
- Đài Loan
+ Đài Loan luôn thuộc nhóm dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2024, Đài Loan xếp thứ 4 với số vốn đầu tư lũy kế khoảng 40,92 tỷ USD với 3.262 dự án còn hiệu lực. Các dự án đầu tư tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là lĩnh vực xây dựng; tiếp theo là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản.
+ Tại Vĩnh Long, Đài Loan hiện có 06 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 106,81 triệu USD. Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Đài Loan nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
- Ấn Độ
+ Tính đến ngày 31/12/2024, Ấn Độ có 432 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,09 tỷ USD, xếp thứ 24 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ấn Độ tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; tiếp theo là lĩnh vực khai khoáng.
+ Tại Vĩnh Long, Ấn Độ chưa có dự án đầu tư. Tuy nhiên, trong năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu các dự án trọng điểm của tỉnh cần mời gọi đầu tư đến với các nhà đầu tư, các tổ chức, các Hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Thúc đẩy hợp tác những lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long mong muốn hợp tác với đối tác Ấn Độ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh; đồng thời, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp Ấn Độ nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
- Singapore
+ Singapore là quốc gia Đông Nam Á có đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến ngày 31/12/2024, Singapore có 3.914 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 83,13 tỷ USD, xếp thứ 2 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (sau Hàn Quốc). Tại Việt Nam các dự án của Singapore tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; kinh doanh bất động sản và sản xuất điện.
+ Tại Vĩnh Long, Singapore hiện có 07 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 94,44 triệu USD. Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Singapore nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
- EU
+ Tính đến ngày 31/12/2024, EU có 2.630 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,97 tỷ USD.
+ Về ngành nghề đầu tư của EU vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản.
+ Trong nền kinh tế của liên minh Châu Âu, vương quốc Hà Lan là một quốc gia phát triển lâu đời và có một vị trí quan trọng, với các ngành kinh tế mũi nhọn: dịch vụ; công nghiệp và nông nghiệp.
+ Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Tài chính, lũy kế đến ngày 31/12/2024, Hà Lan là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, tổng số dự án còn hiệu lực của Hà Lan là 456 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 14,98 tỷ USD, Pháp đứng thứ 2 với 700 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,95 tỷ USD, kế đến là CHLB Đức với 482 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD.
+ Tại Vĩnh Long, EU hiện có 06 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 94,35 triệu USD (bao gồm Hà Lan 05 dự án và Tây Ban Nha 01 dự án). Riêng, Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) đã đầu tư vào tỉnh với 04 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 85,31 triệu USD về lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, thủy sản và trại thực nghiệm thủy sản.
3. Mục tiêu
- Thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh; tận dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững dựa trên việc bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và tiết kiệm, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Đảm bảo cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần vào sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và duy trì an ninh - quốc phòng.
- Đổi mới phương thức thực hiện trong hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, thực chất, hiệu quả, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và tầm nhìn dài hạn. Tăng cường việc xúc tiến đầu tư tại địa phương, hỗ trợ các nhà đầu tư, coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của việc xúc tiến đầu tư.
III. DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2025
1. Tổ chức đoàn Xúc tiến Đầu tư ra nước ngoài
1.1. Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (chuyển từ năm 2024 sang, do trong năm 2024 không liên hệ được đầu mối hỗ trợ tỉnh trong việc thiết lập mối quan hệ hợp tác phát triển với 01 địa phương tại Hàn Quốc và tổ chức Hội nghị XTĐT)
Thiết lập mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế, hữu nghị, bình đẳng và cùng có lợi giữa tỉnh Vĩnh Long với 01 địa phương tại Hàn Quốc. Đồng thời, tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc.
- Thời gian: Dự kiến tổ chức vào quý II năm 2025
- Đối tượng Xúc tiến Đầu tư là các tổ chức xúc tiến quốc tế, các Tập đoàn, các Công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các doanh nghiệp, các hiệp hội có liên quan tại nước sở tại.
- Lĩnh vực Xúc tiến Đầu tư: Nông nghiệp; Công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Thương mại - Dịch vụ và Du lịch; Đô thị - Môi trường; Nông nghiệp nông thôn; logistics, công nghiệp phụ trợ và các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Tổ chức thực hiện:
+ Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
+ Đơn vị tham mưu, thực hiện: Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính tỉnh Vĩnh Long.
+ Đơn vị phối hợp: Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Ngoại giao; Đại Sứ quán, Lãnh sứ quán Việt Nam tại nước sở tại; các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.
- Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 1.200 triệu đồng. Trong đó:
+ Nguồn ngân sách tỉnh phân bổ năm 2025: 1.000 triệu đồng.
+ Vận động các nguồn tài trợ khác (Doanh nghiệp; Hiệp hội Doanh nghiệp) dự kiến: 200 triệu đồng.
1.2. Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Pháp, các nước Châu Âu
Để tăng cường công tác Xúc tiến Đầu tư ở nước ngoài nhằm mời gọi đầu tư trực tiếp vào tỉnh. Thông qua việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Pháp, các nước Châu Âu.
- Thời gian: Dự kiến tổ chức vào quý IV năm 2025.
- Đối tượng Xúc tiến Đầu tư là các tổ chức xúc tiến quốc tế, các Hội, Hiệp hội, các Tập đoàn, các Công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các doanh nghiệp có liên quan tại nước sở tại.
- Lĩnh vực Xúc tiến Đầu tư: Nông nghiệp; Công nghiệp chế biến; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Thương mại - Dịch vụ và Du lịch; Đô thị - Nhà ở; logistics, công nghiệp phụ trợ, biến đổi khí hậu, chống xâm nhập mặn và các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
- Tổ chức thực hiện:
+ Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
+ Đơn vị thực hiện: Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính tỉnh Vĩnh Long.
+ Đơn vị phối hợp: Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Ngoại giao; Đại Sứ quán Việt Nam tại nước sở tại; các doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.
- Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 2,7 tỷ đồng. Trong đó:
+ Nguồn ngân sách tỉnh phân bổ năm 2025 (dự kiến): 2,5 tỷ đồng.
+ Vận động các nguồn tài trợ khác (Doanh nghiệp; Hiệp hội Doanh nghiệp): 200 triệu đồng.
2. Tổ chức diễn đàn; hội nghị, hội thảo, tọa đàm Xúc tiến Đầu tư; tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc dự kiến tổ chức khảo sát, nghiên cứu trong và ngoài nước; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể
Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 820 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó:
- Tổ chức diễn đàn; hội nghị, hội thảo, tọa đàm Xúc tiến Đầu tư; tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước: 470 triệu đồng.
- Phối hợp tổ chức khảo sát, nghiên cứu trong và ngoài nước; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể: 350 triệu đồng.
3. Xây dựng ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước
- Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 390 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó:
+ Xây dựng mới ấn phẩm Vĩnh Long: 200 triệu đồng.
+ Chi biên dịch tài liệu: 20 triệu đồng
+ Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, pháp luật về đầu tư, tiềm năng cơ hội và kết nối đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước: 170 triệu đồng.
4. Công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và kỹ năng về xúc tiến đầu tư
Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 140 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư như:
- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi chấp thuận CTĐT/GCNĐT.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút, mời gọi đầu tư.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện
1.1. Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
1.2. Đơn vị tham mưu: Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long.
1.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Dịch vụ tài chính tỉnh Vĩnh Long.
1.4. Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.
2. Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện (dự kiến): 5,25 tỷ đồng. Trong đó:
- Từ nguồn ngân sách tỉnh: 4,85 tỷ đồng.
- Vận động các nguồn tài trợ khác (Doanh nghiệp; Hiệp hội Doanh nghiệp): 0,4 tỷ đồng.
(Đính kèm Mẫu C.II.2 - Biểu tổng hợp dự kiến chương trình Xúc tiến Đầu tư năm 2025)./.
[1] Trong năm 2024, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 38 lượt nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài.
[2] Hội nghị xúc tiến đầu tư với đoàn doanh nghiệp và đầu tư Ấn Độ; Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long; Hội nghị kết nối Doanh nghiệp giữa tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Niigata - Nhật Bản tại tỉnh Vĩnh Long.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.