UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 803/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 08 tháng 4 năm 2016 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc công bố thiên tai, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-QBVMT ngày 30/3/2016 của Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục sự cố môi trường do hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Vĩnh Long;
Xét Tờ trình số 843/TTr-STNMT ngày 07/4/2016 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch khắc phục sự cố môi trường do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch khắc phục sự cố môi trường do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này đúng quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG DO HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 08/4/2016 của Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
I. TÌNH HÌNH HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG:
1. Diễn biến hạn, mặn:
Từ đầu mùa khô năm 2015 đến nay, tình hình hạn mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, cụ thể:
- Không có mưa, mực nước sông, rạch giảm nhanh; trong tháng 1, 2 năm 2016 vào những đợt triều kém, đỉnh triều tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) cao nhất là 1,25m (thấp hơn cùng kỳ 11cm), phổ biến ở mức từ 0,8-1,2m, chân triều có lúc xuống mức thấp nhất -1,26m (thấp hơn cùng kỳ là 7cm) gây khó khăn cho nhiều vùng đất cao ven sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên không tưới tự chảy được.
- Mặn xuất hiện sớm, ngay từ trung tuần tháng 12/2015 đã có một đợt mặn lên cao. Độ mặn cao nhất xuất hiện ngày 22/12/2015, tại cống Cái Hóp (xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, Trà Vinh) đạt 6‰, tại cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm) lên mức 3‰, xuất hiện trễ hơn mùa khô năm ngoái khoảng 1 tuần.
- Trong tháng 1, 2 có 2 đợt mặn lên cao; nhất là đợt từ ngày 5 đến 13/02/2016 (trùng với kỳ triều cao 30/12 âl, Tết Nguyên đán), độ mặn trên sông Cổ Chiên, sông Hậu đã đạt mức kỷ lục; sông Cổ Chiên, huyện Vũng Liêm độ mặn từ 8 đến xấp xỉ 10‰, đặc biệt tại vàm Măng Thít (giáp huyện Vũng Liêm và Mang Thít) đã lên mức xấp xỉ 5,5‰ (chưa có từ trước đến nay); trên sông Hậu tại vàm Tân Dinh (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) xấp xỉ 4,5‰; trong nội đồng, tại trạm Ngã Tư (xã Hựu Thành, Trà Ôn) đạt xấp xỉ 2‰. Trước đây, tỉnh chỉ có hai huyện bị ảnh hưởng xâm nhập mặn là Vũng Liêm và Trà Ôn (hơn 50.000ha) nay có thêm 2/3 diện tích huyện Mang Thít bị ảnh hưởng (khoảng hơn 10.000 ha).
- Từ giữa tháng 02 đến hết tháng 02/2016 (kỳ triều cao rằm tháng giêng âm lịch), độ mặn tại các sông, rạch trên địa bàn tỉnh giảm so với những ngày đầu tháng 02 (những ngày Tết Nguyên đán), các điểm đo trên sông Cổ Chiên xấp xỉ 1‰. Vào tuần đầu tháng 3 (kỳ triều cao 30 tháng Giêng âm lịch), độ mặn tăng cao, cụ thể: Vàm Vũng Liêm 7,3‰, cống Nàng Âm 6,8‰, vàm Quới An 4,4‰, Vàm Tích Thiện 4,9‰, Ngã Tư 4,5‰, cống Cái Hóp 11,5‰.
2. Thiệt hại do ảnh hưởng hạn, mặn:
Ước thiệt hại do hạn, mặn từ đầu năm đến nay là: 122,4 tỷ đồng, cụ thể: Huyện Vũng Liêm 119 tỷ đồng, Mang Thít 2,4 tỷ đồng, Trà Ôn 1 tỷ đồng; bao gồm:
- Diện tích lúa bị hạn: 1.734ha (thiệt hại khoảng 30%); chủ yếu ở huyện Vũng Liêm, 1.434 ha lúa Đông Xuân giai đoạn sinh trưởng và 300ha lúa Hè Thu trong giai đoạn mạ.
- Diện tích bị nhiễm mặn: 2.187,78ha (Cây lúa: Bị nhiễm mặn 1.664 ha; hoa màu bị nhiễm mặn: 502,2 ha; cây ăn quả bị nhiễm mặn là 21,58 ha, tại các huyện: Trà Ôn, Mang Thít, Vũng Liêm, tỉ lệ thiệt hại khoảng 50%).
- Nước sinh hoạt: Nguồn nước ngoài vùng đê bao huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít đều bị nhiễm mặn vượt 2‰. Các nhà máy nước, trạm cấp nước sử dụng nước mặt tại các huyện này buộc phải bơm nước cấp cho người dân sử dụng trong những ngày mặn lên cao. Toàn tỉnh có 12 nhà máy, trạm cấp nước bị nhiễm mặn (Vũng Liêm 8 trạm, Trà Ôn 2 trạm; Mang Thít 2 trạm) với trên 18.000 hộ dân (Nguồn: Báo cáo số 49/BC-UBND ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long về tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 tỉnh Vĩnh Long).
Khắc phục sự cố môi trường do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đảm bảo nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là dân cư ở các khu vực bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, góp phần ổn định đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ tình hình, ảnh hưởng của hạn, mặn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại 3 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít. UBND tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch hỗ trợ cho các khu vực dân cư đang bị thiếu nước ngọt do ảnh hưởng hạn và xâm nhập mặn, cụ thể như sau:
1. Huyện Vũng Liêm:
Hỗ trợ 49 bồn nhựa chứa nước có dung tích 3.000-5.000 lít bố trí cho các trường học, trạm y tế, bệnh viện chưa có bể chứa nước để dự trữ trong thời gian khô hạn, nước mặn xâm nhập tại địa bàn các xã bị ảnh hưởng nặng do hạn, xâm nhập mặn (có danh sách các đơn vị nhận hỗ trợ kèm theo).
Hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Vũng Liêm: 245.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi lăm triệu đồng).
2. Huyện Trà Ôn:
- Tổ chức cấp phát bột xử lý nước cho các hộ dân gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt: Các hộ dân ở trong nội đồng xa kênh rạch lớn, các hộ dân phải sử dụng trực tiếp nguồn nước bị ô nhiễm và nhiễm mặn (dự kiến cấp phát cho 80% số hộ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt: tương đương 3.520 hộ).
- Cấp phát dụng cụ trữ nước sinh hoạt cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, những hộ dân phải trực tiếp sử dụng nước mặn trong sinh hoạt nhưng không có điều kiện mua dụng cụ trữ nước ngọt trong những đợt xâm nhập mặn diễn ra (dự kiến cấp phát cho 14,5% số hộ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt: tương đương 640 hộ).
Ưu tiên hỗ trợ, cấp phát bột xử lý nước và dụng cụ trữ nước cho 06 xã có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn gồm: Tích Thiện, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, thị trấn Trà Ôn, Lục Sĩ Thành, Phú Thành.
Hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Trà Ôn: 155.100.000 đồng (một trăm năm mươi lăm triệu một trăm ngàn đồng).
3. Huyện Mang Thít:
Hỗ trợ dụng cụ trữ nước ngọt (bồn nhựa dung tích 300 lít) và bột xử lý nước cho các hộ dân ở khu vực vùng sâu nội đồng chưa có nước máy sử dụng, hộ ở khu vực xa kênh, rạch, sông lớn dự báo gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị thiếu hụt và ô nhiễm, nhiễm mặn.
Ưu tiên hỗ trợ, cấp phát bột xử lý nước và dụng cụ trữ nước cho 06 xã gồm: Chánh Hội, An Phước, Chánh An, Nhơn Phú, Tân An Hội, Tân Long Hội.
Hỗ trợ kinh phí cho UBND huyện Mang Thít: 99.770.000 đồng (chín mươi chín triệu bảy trăm bảy mươi ngàn đồng).
Kinh phí dự phòng: 130.000 đồng (Một trăm ba mươi ngàn đồng).
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch tại địa bàn 3 huyện là 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng). Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiện kế hoạch này đúng quy định.
Đơn vị nhận hỗ trợ kinh phí khắc phục sự cố môi trường do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ Quỹ Bảo về Môi trường Việt Nam là Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Long, tài khoản: 7111.2.1025036 tại Kho bạc nhà nước Vĩnh Long.
Giao UBND huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít có trách nhiệm mua dụng cụ trữ nước, bột xử lý nước và cấp phát đúng đối tượng theo Kế hoạch khắc phục sự cố môi trường do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; quyết toán theo quy định, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Thời gian thực hiện: Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nhận được hỗ trợ kinh phí của Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp thực hiện; trường hợp vượt quá thẩm quyền cho phép, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.