BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 792/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2022 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH “KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI HIV TỪ XA”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật số 71/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP)”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị liên quan tại các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm đề án chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI
HIV TỪ XA (TELE PrEP)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 792/QĐ-BYT ngày 30 tháng 03 năm 2022 của Bộ
Y tế)
PHẦN I: SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH
I. SỰ CẦN THIẾT
II. CÁC MÔ HÌNH TRIỂN KHAI TƯ VẤN, ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI HIV TỪ XA TRÊN THẾ GIỚI
III. CƠ SỞ PHÁP LÝ
PHẦN II: NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI HIV TỪ XA (Tele PrEP)
I. MỤC TIÊU
II. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
1. Thời gian
2. Địa bàn triển khai
III. HƯỚNG DẪN CUNG CẤP DỊCH VỤ Tele PrEP
1. Gói dịch vụ Tele PrEP
2. Nguyên tắc cung cấp dịch vụ Tele PrEP
3. Tiêu chuẩn khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP
4. Các nội dung cần chuẩn bị triển khai cung cấp dịch vụ Tele PrEP
4.1. Chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự tại cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP
4.2. Xây dựng các hướng dẫn, quy trình chuẩn cung cấp dịch vụ Tele PrEP
4.3. Truyền thông, quảng bá dịch vụ Tele PrEP
4.4. Tập huấn cho nhân viên y tế, nhân viên cộng đồng (CBOs) về dịch vụ Tele PrEP
5. Quy trình cung cấp điều trị Tele PrEP tại cơ sở y tế
5.1. Khách hàng PrEP đăng ký lần đầu (khách hàng mới)
5.2. Khách hàng đang sử dụng PrEP
6. Cung ứng thuốc PrEP khi sử dụng dịch vụ Tele PrEP
IV. QUẢN LÝ HỒ SƠ BỆNH ÁN VÀ BÁO CÁO
V. KINH PHÍ
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS
2. Sở Y tế tỉnh/thành phố
3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố
4. Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ Tele PrEP
5. Các tổ chức, dự án hỗ trợ triển khai cung cấp dịch vụ Tele PrEP
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP) là biện pháp dự phòng hiệu quả trên 90% cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và tuân thủ điều trị. PrEP là một trong số các dịch vụ y tế thiết yếu cần được duy trì liên tục trong mọi tình huống để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dự phòng và điều trị HIV.
Tại Việt Nam, điều trị PrEP được triển khai từ năm 2017 ngay sau khuyến cáo của WHO. Đến 31/12/2021, có 28/63 tỉnh, thành phố với gần 200 cơ sở điều trị PrEP cho gần 38.000 người. Mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đã đặt chỉ tiêu đến 2025 có 70% người có hành vi nguy cơ cao ở Việt Nam (khoảng 72.000 người) được sử dụng PrEP và đạt 80% (khoảng 83.000 người) vào năm 2030.
Nhằm đạt được mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 thì số người nhiễm HIV mới được phát hiện hằng năm cần dưới 1000 người. Năm 2021, Việt Nam phát hiện được gần 13.000 người nhiễm HIV, trong đó số người nhiễm HIV mới là khoảng 6.000 người. Điều này đặt ra vấn đề là các biện pháp dự phòng nhiễm HIV, bao gồm PrEP cần phải được triển khai mạnh mẽ, tăng số người được tiếp cận và đảm bảo chất lượng của các dịch vụ được cung cấp.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) đã khuyến nghị các quốc gia cần đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu bao gồm cả dịch vụ PrEP để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe liên tục của người dân thông qua hình thức khám chữa bệnh từ xa. Hiện các quốc gia trên thế giới cũng đang thúc đẩy đa dạng mô hình cung cấp dịch vụ PrEP nhằm tối đa số người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận với biện pháp dự phòng hiệu quả này. Trong hướng dẫn của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ về PrEP ban hành cuối tháng 12/2021, đã khuyến cáo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ PrEP. Một số quốc gia như Braxil, Thái Lan đã thực hiện cung cấp dịch vụ PrEP từ xa (TelePrEP), PrEP tại nhà. Nhằm duy trì các dịch vụ PrEP, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cung cấp TelePrEP cho các trường hợp điều trị PrEP ổn định và có các vấn đề không thể đến cơ sở y tế để trực tiếp nhận dịch vụ.
Thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều người bệnh HIV, người đang sử dụng dịch vụ PrEP đã không đến được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Thực trạng này đặt ra việc cần có các mô hình hỗ trợ từ xa để duy trì việc sử dụng dịch vụ PrEP, góp phần giảm số nhiễm HIV mới. Tại Việt Nam, một số bệnh viện đã triển khai khám chữa bệnh từ xa như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai….. Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt “Đề án khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.
Nhằm tăng số người sử dụng dịch vụ PrEP và khắc phục các vấn đề vướng mắc trong việc tiếp cận trực tiếp với cơ sở cung cấp dịch vụ, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch thí điểm triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (TelePrEP). Việc triển khai thí điểm này sẽ góp phần mở rộng phạm vi cung cấp PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, dự phòng HIV kịp thời. Mô hình Tele-PrEP cũng phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam1 trong việc tăng cường tiếp cận với các can thiệp dự phòng nhiễm HIV.
II. CÁC MÔ HÌNH TRIỂN KHAI TƯ VẤN, ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI HIV TỪ XA TRÊN THẾ GIỚI
Khám chữa bệnh từ xa được TTYTTG khuyến cáo là một giải pháp phù hợp để các quốc gia thành viên áp dụng nhằm góp phần đạt được mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả về chi phí, cho dù họ ở bất cứ đâu, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng hệ thống công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe ngày càng cao trong cộng đồng. TCYTTG cũng đã đưa ra hướng dẫn giúp các quốc gia thành viên triển khai hiệu quả công tác khám chữa bệnh từ xa2. Trên thực tế, một số quốc gia (Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Mỹ, Brazil, …) đã áp dụng công nghệ để triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa3 (như các bệnh viện internet của nhóm Evergrande, WeDoctor ở Triết Giang (Wuzhen), Ali Health và Bệnh viện
Trung ương Vũ Hán..) để trao đổi thông tin giữa thầy thuốc và người bệnh, chẩn đoán, thực hiện kê đơn từ xa và theo dõi việc điều trị tại nhà đối với các bệnh mạn tính không yêu cầu cần thăm khám lâm sàng trực tiếp để chẩn đoán, ví dụ như sức khỏe tâm trí, phục hồi chức năng, thần kinh, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, lao, HIV/AIDS và dự phòng bệnh… Quy định về đảm bảo chất lượng chăm sóc, cấp phép và cách thức triển khai khám chữa bệnh từ xa cũng đã được văn bản hóa tại một số quốc gia. Trong đó danh mục thuốc không được phép kê đơn từ xa cũng được quy định cụ thể và thuốc kháng vi rút HIV (ARV) không bao gồm trong danh mục các thuốc này4.
Mô hình cung cấp dịch vụ từ xa để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV, được triển khai ở một số nước trên thế giới (như Mỹ5,6,7, Brazil8, Anh, Úc, Nhật Bản9, …). Mô hình này cung cấp dịch vụ PrEP và kê đơn từ xa cho các nhóm đích ngay từ lần khám đầu tiên và những lần tái khám định kỳ thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin. Việc này đã giúp đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng nguy cơ cao, thu hẹp khoảng cách và các rào cản về địa lý và xã hội của khách hàng trong chăm sóc và điều trị dự phòng HIV, tăng cường tiếp cận dịch vụ và tuân thủ điều trị PrEP ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt với những người sống ở xa hoặc khó khăn trong việc tiếp cận trực tiếp với các cơ sở cung cấp dịch vụ hiện có.
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 64/2006/QH11 ngày 29/06/2006;
Luật số 71/2020/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 16/11/2020;
Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;
Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
Thông tư 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định cung cấp dịch vụ y tế từ xa đã mở rộng 05 hình thức tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và hình thức đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa;
Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử;
Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế Quy định Kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử;
Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS;
Quyết định 5154/QĐ-BYT ngày 11/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) giai đoạn 2021 - 2025;
Quyết định số 2673/QĐ-BYT ngày 27/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng;
Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt “Đề án khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.
NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM VỚI HIV TỪ XA (Tele PrEP)
Thí điểm cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa.
II. THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM
1. Thời gian
Từ tháng 1/5/2022 đến tháng 30/4/2023.
2. Địa bàn triển khai
Địa bàn triển khai thí điểm Tele PrEP bao gồm Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Nghệ An (7 tỉnh, thành phố).
Các cơ sở tham gia triển khai thí điểm Tele PrEP sẽ được Sở Y tế hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố lựa chọn và thông báo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
Tiêu chí lựa chọn tỉnh:
- Các tỉnh, thành phố có cơ sở đang cung cấp dịch vụ PrEP, có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao trong quần thể có nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và có ước tính số MSM cao.
- Có văn bản đồng thuận tham gia của Sở Y tế tỉnh, thành phố.
Tiêu chí lựa chọn cơ sở triển khai thí điểm Tele PrEP:
- Đang cung cấp dịch vụ PrEP và có nhiều khách hàng sống ở nơi xa phòng khám.
- Có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ PrEP.
- Đồng ý tham gia và tuân thủ các quy định khi trong triển khai thí điểm PrEP.
III. HƯỚNG DẪN CUNG CẤP DỊCH VỤ Tele PrEP
Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) là việc sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Các dịch vụ được cung cấp từ xa bao gồm:
- Đặt lịch khám;
- Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV;
- Tư vấn về lợi ích PrEP;
- Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP;
- Hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP.
- Tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt;
- Cung cấp thuốc PrEP miễn phí (nếu có Dự án tài trợ) cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.
2. Nguyên tắc cung cấp dịch vụ Tele PrEP
- Bảo mật thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Cung cấp dựa trên sự tự nguyện tham gia của khách hàng.
- Quản lý hồ sơ bệnh án theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các quy định đối với bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Khi sử dụng bệnh án điện tử đối với cung cấp dịch vụ PrEP từ xa, cơ sở y tế thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án điện tử PrEP theo các quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư số 46/2018/TT- BYT);
- Có cơ chế thông tin, phản hồi giữa cơ sở y tế cung cấp dịch vụ PrEP, cơ sở xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan với người sử dụng PrEP trong quá trình cung cấp dịch vụ.
3. Tiêu chuẩn khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP
Khách hàng sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần đáp ứng các tiêu chuẩn dưới đây:
- Đủ các điều kiện để sử dụng dịch vụ PrEP theo quy định của Bộ Y tế.
- Có đủ phương tiện và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin để kết nối và tương tác trực tuyến với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP.
- Tự nguyện, đồng thuận và cam kết sử dụng dịch vụ Tele PrEP theo các quy định và quy trình chuyên môn do cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP thông báo.
4. Các nội dung cần chuẩn bị triển khai cung cấp dịch vụ Tele PrEP
4.1. Chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự tại cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP
Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật công nghệ thông tin đối với hoạt động y tế từ xa theo quy định tại Điều 4 của Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2017 Quy định về hoạt động y tế từ xa.
Có các thiết bị công nghệ phù hợp để thực hiện cung cấp dịch vụ TelePrEP như máy vi tính hoặc điện thoại thông minh có khả năng cài đặt các phần mềm và ứng dụng phục vụ cho Tele PrEP. Chuẩn bị các phần mềm sử dụng để cung cấp thông tin cho khách hàng, khách hàng đặt lịch hẹn, khai mẫu phiếu sàng lọc và thực hiện tư vấn, khám trực tuyến.
Có đủ nhân sự để bố trí, phân công nhân viên y tế tham gia từng khâu cụ thể trong quy trình cung cấp dịch vụ Tele PrEP.
Bác sĩ điều trị PrEP đăng ký chữ ký số theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT.
4.2. Xây dựng các hướng dẫn, quy trình chuẩn cung cấp dịch vụ Tele PrEP
- Xây dựng mạng lưới kết nối giữa cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP với các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ xét nghiệm liên quan đến điều trị PrEP, cung cấp thuốc PrEP.
- Xây dựng các quy trình hướng dẫn khách hàng đăng ký tài khoản cá nhân trên các ứng dụng di động hoặc website của cơ sở y tế, quy trình sàng lọc và nhận dịch vụ Tele PrEP đối với những nhóm khách hàng khác nhau, bao gồm:
+ Khách hàng PrEP mới.
+ Khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP trực tiếp tại cơ sở cần chuyển sang nhận dịch vụ Tele PrEP ở lần khám tiếp theo.
+ Khách hàng đang sử dụng dịch vụ Tele PrEP cần chuyển sang nhận dịch vụ PrEP trực tiếp tại cơ sở hoặc chuyển gửi đến các cơ sở y tế chuyên khoa khác theo chỉ định của bác sĩ.
- Xây dựng quy trình thực hành cho các nhân viên tham gia cung cấp dịch vụ Tele PrEP, quy trình cung ứng, vận chuyển thuốc, chăm sóc, hỗ trợ khách hàng và xử trí các tình huống phát sinh liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ Tele PrEP.
- Quy trình báo cáo dịch vụ Tele PrEP.
4.3 Truyền thông, quảng bá dịch vụ Tele PrEP
Giới thiệu dịch vụ Tele PrEP thông qua các hoạt động truyền thông quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội phù hợp với các nhóm khách hàng đích và website của cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP:
- Các thông tin về lợi ích, sự cần thiết, hiệu quả của điều trị PrEP.
- Tiêu chuẩn khách hàng nhận dịch vụ Tele PrEP, quy định và các quy trình chuyên môn khách hàng cần thực hiện để nhận dịch vụ Tele PrEP.
- Thực hiện các hoạt động tiếp cận khách hàng, giới thiệu dịch vụ Tele PrEP và tuyển khách hàng tham gia dịch vụ Tele PrEP.
4.4. Tập huấn cho nhân viên y tế, nhân viên cộng đồng (CBOs) về dịch vụ Tele PrEP
Các cán bộ quản lý, nhân viên y tế tham gia cung cấp dịch vụ Tele PrEP và CBOs cần tham gia đầy đủ các khoá tập huấn về triển khai cung cấp dịch vụ Tele PrEP do Cục Phòng, chống HIV/AIDS hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
5. Quy trình cung cấp điều trị Tele PrEP tại cơ sở y tế
Việc cung cấp dịch vụ Tele PrEP cần đảm bảo các bước cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tại cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế tại Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021.
5.1. Khách hàng PrEP đăng ký lần đầu (khách hàng mới)
Cơ sở y tế sàng lọc đánh giá hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cho khách hàng hoặc khách hàng tự sàng lọc trước khi đến cơ sở y tế bằng phiếu sàng lọc hoặc sàng lọc trực tuyến và gửi cho cơ sở y tế.
Sau khi sàng lọc đánh giá hành vi nguy cơ, nếu khách hàng đủ tiêu chuẩn điều trị PrEP, cơ sở y tế thực hiện:
- Khám, thực hiện các xét nghiệm có liên quan và kê đơn điều trị PrEP nếu đủ tiêu chuẩn theo Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021.
- Tạo hồ sơ bệnh án cho khách hàng điều trị PrEP và thực hiện quản lý, ghi chép hồ sơ bệnh án theo quy định chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở y tế xác định nhu cầu tự nguyện nhận dịch vụ Tele PrEP của khách hàng. Cán bộ y tế tư vấn, thảo luận và thống nhất với khách hàng về lựa chọn dịch vụ PrEP trực tiếp hoặc Tele PrEP. Nếu khách hàng lựa chọn và đăng ký nhận dịch vụ Tele PrEP trong lần khám tiếp theo, cơ sở y tế cần thực hiện:
+ Tư vấn và giải thích chi tiết về các lựa chọn xét nghiệm, kết nối khám, tư vấn và kê đơn từ xa.
+ Hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng đăng ký, tạo tài khoản trực tuyến trên các ứng dụng di động hoặc website của cơ sở y tế và hoàn thành phiếu đồng thuận tham gia thí điểm nhận dịch vụ Tele PrEP.
+ Đặt lịch hẹn cho khách hàng cho lần tư vấn, khám và nhận dịch vụ Tele PrEP lần tiếp theo.
5.2. Khách hàng đang sử dụng PrEP
Trường hợp khách hàng không đến tái khám trực tiếp được các cơ sở y tế và đề nghị nhận dịch vụ Tele PrEP, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ PrEP thực hiện các nội dung dưới đây:
- Chỉ định xét nghiệm cần thiết cho lần tái khám theo quy định tại Quyết định số 5968/QĐ-BYT; Hướng dẫn khách hàng đến cơ sở cung cấp PrEP để xét nghiệm hoặc chủ động thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở xét nghiệm. Hướng dẫn khách hàng gửi kết quả xét nghiệm cho cơ sở điều trị bằng một trong các cách sau:
- Cách 1: Cung cấp mã xét nghiệm do cơ sở xét nghiệm gửi cho khách hàng để cơ sở PrEP tự tra cứu kết quả trên hệ thống.
- Cách 2: Khách hàng chụp ảnh kết quả xét nghiệm và tải kết quả xét nghiệm lên ứng dụng Tele PrEP vào tài khoản của khách hàng.
- Cách 3: Cơ sở xét nghiệm đã có liên kết với cơ sở PrEP có thể chủ động chia sẻ kết quả xét nghiệm của khách hàng với cơ sở PrEP trên cơ sở sự đồng thuận của khách hàng.
Gửi phiếu kết quả xét nghiệm bản gốc cho cơ sở Tele PrEP để thực hiện lưu bệnh án theo quy định.
- Tại ngày hẹn khám lại: Khách hàng sử dụng thiết bị cho phép kết nối, tương tác trực tuyến thông qua video với nhân viên y tế trong quá trình nhận dịch vụ Tele PrEP. Nội dung khám, hỏi bệnh cho khách hàng khi tái khám trực tuyến thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5698/QĐ-BYT. Căn cứ triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm của khách hàng, bác sĩ điều trị quyết định kê đơn trực tuyến hoặc yêu cầu khách hàng đến cơ sở y tế để được khám và kê đơn trực tiếp.
Trường hợp bác sĩ quyết định kê đơn trực tuyến, việc kê đơn thuốc thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế Quy định Kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Số lượng thuốc kê đơn, cấp phát theo Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 5968/QĐ-BYT ngày 31/12/2021.
6. Cung ứng thuốc PrEP khi sử dụng dịch vụ TelePrEP
Khách hàng có thể đến các nhà thuốc để mua thuốc ARV sử dụng cho PrEP. Trường hợp thuốc PrEP được các chương trình, dự án hỗ trợ trong thời gian thí điểm, thuốc PrEP sẽ được cơ sở cung cấp TelePrEP chuyển thuốc về nhà cho khách hàng thông qua nhân viên y tế hoặc đơn vị vận chuyển. Việc lựa chọn hình thức giao thuốc do người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh TelePrEP quyết định. Chi phí vận chuyển thuốc do khách hàng tự chi trả hoặc từ nguồn ngân sách hợp pháp khác chi trả. Khách hàng nhận thuốc: Ký xác nhận vào đơn thuốc và Phiếu giao nhận hàng (thuốc) khi nhận thuốc. Khách hàng sử dụng 01 chữ ký thống nhất trong toàn bộ quá trình nhận dịch vụ điều trị PrEP. Cơ sở cung cấp dịch vụ Tele PrEP có trách nhiệm tổng hợp đơn thuốc, phiếu xác nhận giao thuốc đã được khách hàng ký làm chứng từ quyết toán thuốc theo quy định.
IV. QUẢN LÝ HỒ SƠ BỆNH ÁN VÀ BÁO CÁO
Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ Tele PrEP có trách nhiệm quản lý bệnh án và sổ sách ghi nhận các thông tin của khách hàng tại phòng khám điều trị PrEP. Việc quản lý hồ sơ, bệnh án của khách hàng theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế Quy định về quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế. Trường hợp sử dụng bệnh án và kê đơn thuốc điện tử, việc quản lý hồ sơ bệnh án thực hiện theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử; Việc kê đơn thuốc điện tử thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế Quy định Kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử;
Việc báo cáo khách hàng nhận dịch vụ Tele PrEP được thực hiện tương tự như khách hàng nhận dịch vụ điều trị PrEP tại cơ sở y tế. Quy trình, tần suất, thời gian báo cáo được thực hiện hằng quý theo quy định.
Kinh phí thực hiện đề án thí điểm cung cấp dịch vụ Tele PrEP do các tổ chức quốc tế hỗ trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS
a) Chủ trì phối hợp với Cục Khám bệnh, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo các nội dung tại Quyết định này;
b) Phối hợp với các tỉnh lựa chọn một số cơ sở điều trị phù hợp để triển khai điều trị PrEP từ xa.
c) Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật việc triển khai thực hiện Kế hoạch;
d) Huy động các chương trình, dự án bố trí kinh phí, hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch;
đ) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị dự án hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch;
e) Quản lý sử dụng thuốc ARV điều trị PrEP do các chương trình dự án viện trợ; hướng dẫn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, các cơ sở cung cấp dịch vụ TelePrEP và các đơn vị liên quan thực hiện quyết toán thuốc ARV nguồn viện trợ sử dụng trong điều trị PrEP từ xa.
f) Tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch khi kết thúc.
2. Sở Y tế tỉnh/thành phố
a) Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch theo nội dung tại Quyết định này;
b) Kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh;
c) Phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS đánh giá kết quả Kế hoạch thí điểm này.
3. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố
a) Lựa chọn các cơ sở y tế cung cấp dịch TelePrEP từ xa, báo cáo Sở Y tế và thông báo về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
b) Hướng dẫn các cơ sở y tế được lựa chọn cung cấp dịch vụ TelePrEP theo các nội dung tại Quyết định này.
c) Quản lý sử dụng thuốc ARV điều trị PrEP do các chương trình dự án viện trợ; hướng dẫn các cơ sở cung cấp dịch vụ TelePrEP và các đơn vị liên quan thực hiện quyết toán thuốc ARV cho điều trị PrEP từ xa đối với các thuốc ARV do Dự án viện trợ theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
d) Giám sát, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện TelePrEP.
e) Báo cáo việc triển khai thực hiện Kế hoạch cho Sở Y tế tỉnh/thành phố và Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS).
4. Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ Tele PrEP
a) Cung cấp dịch vụ TelePrEP theo hướng dẫn tại Quyết định này;
c) Bảo đảm bảo mật thông tin các đối tượng tham gia thí điểm theo quy định của pháp luật.
c) Báo cáo định kỳ, tổng kết.
5. Các tổ chức, dự án hỗ trợ triển khai cung cấp dịch vụ Tele PrEP
Hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thuốc ARV điều trị PrEP (trong phạm vi của tổ chức, dự án) cho các cơ sở y tế thực hiện thí điểm điều trị PrEP từ xa.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) để cùng tháo gỡ và giải quyết.
1 Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó Y tế là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu với hoạt động chính như: “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.
2 WHO, Implementing telemedicine services during COVID-19: guiding principles and considerations for a stepwise approach (2020)
3 https://healthadvancesblog.com/2020/05/08/how-covid-19-is-accelerating-telemedicine-adoption-in-asia-pacific/
4 Indian Medical Council, https://www.mohfw.gov.in/pdf/Telemedicine.pdf (2002)
5 Angela B Hoth, Cody Shafer1, Dena Behm Dillon, Randy Mayer, George Walton et all.(2019). Iowa TelePrEP: A Public-Health-Partnered Telehealth Model for Human Immunodeficiency Virus Preexposure Prophylaxis Delivery in a Rural State. 2019 Aug; 46(8): 507-512. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31295217/
6 Am J Prev Med.(2021) Georgia LeveragesTelehealth to Expand HIV Care Management in Underserved Areas.2021 Nov; 61(5 suppl 1): S55-S59. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34686291/
7 Keith Yiu Kei Wong, Chrysovalantis Stafylis, Jeffrey D. Klausne et al. (2020). Telemedicine: a solution to disparities in human immunodeficiency virus prevention and pre-exposure prophylaxis uptake, and a framework to scalability and equity, Vol 6, April 2020. http://dx.doi.org/10.21037/mhealth.2019.12.06
8 Braz J Infect Dis.(2021). High acceptability of PrEP teleconsultation and HIV self-testing among PrEP users during the COVID-19 pandemic in Brazil. Jan-Feb 2021; 25(1): 101037. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33285137/
9 Shiojiri Daisuke. (2021). A high retention rate among TelePrEP users, with TelePrEP implementation model for HIV Pre-exposure Prophylaxis in Japan. APACC 2021. https://academicmedicaleducation.com/meeting/apacc-2021/video/high-retention-rate-among-teleprep-users-hiv-pre-exposure-prophylaxis
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.