ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 789/QĐ-UBND |
Phú Nhuận, ngày 25 tháng 7 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN PHÚ NHUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 2264/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 40/TTr-LĐTBXH ngày 20 tháng 7 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn quận Phú Nhuận giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các phòng, ban, ngành liên quan thuộc quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ
TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN PHÚ NHUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân quận)
Cùng với sự quan tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội luôn được quận tập trung chỉ đạo thực hiện theo định hướng của Thành phố như: Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu; Chương trình phổ cập giáo dục các bậc học; Chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; Chương trình đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn quận; Chương trình bảo vệ trẻ em; Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; Chương trình xây dựng phường phù hợp trẻ em,... được thực hiện thường xuyên liên tục, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho trẻ em được phát triển toàn diện.
Trên cơ sở đó, các hoạt động phát huy quyền được tham gia của trẻ em được quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hơn. Tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn các cấp là 3.914/100.000 trẻ em (chỉ tiêu: 2.700/100.000), Các ý kiến của trẻ em đều được lãnh đạo các cấp ghi nhận, phản hồi và giải quyết, góp phần giải quyết tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em.
Từ những kết quả đã đạt được, thực hiện Quyết định số 2264/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân quận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn quận Phú Nhuận giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
1. Mục tiêu tổng quát: Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) 100% các dự thảo mới về pháp luật, chính sách về trẻ em được tham vấn ý kiến trẻ em.
b) 100% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường, trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em.
c) Quận và 15/15 phường triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
1. Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quyền của trẻ em.
2. Phạm vi thực hiện: Chương trình được triển khai thực hiện trên địa bàn quận Phú Nhuận.
1. Dự án 1: Truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em
a) Chỉ tiêu: 100% giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Thành phố Hồ Chí Minh tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội (nếu có) và 50% trẻ em từ 06 tuổi trở lên có kiến thức cơ bản và tiếp cận với các kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
b) Thời gian thực hiện: từ năm 2016 đến 2018.
c) Nội dung hoạt động:
- Nghiên cứu biên soạn, phát hành tài liệu truyền thông, các sản phẩm truyền thông về quyền tham gia của trẻ em.
- Lồng ghép nội dung truyền thông vào các Chương trình chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các cấp, các ngành; Diễn đàn trẻ em và Tháng hành động vì trẻ em hàng năm, nhằm thay đổi nhận thức và vận động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
- Tổ chức truyền thông, tập huấn và đánh giá kết quả được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện Quyền tham gia của trẻ em của các đối tượng nêu tại Điểm a Khoản 1 Mục III Kế hoạch này.
d) Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, Ủy ban nhân dân 15 phường.
2. Dự án 2: Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em
a) Chỉ tiêu: 100% cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp quận, phường; ít nhất 50% cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở khu phố được nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 100% thành viên câu lạc bộ quyền tham gia trẻ em quận được tập huấn kiến thức và năng lực (cơ bản và nâng cao).
b) Thời gian thực hiện: từ năm 2018 đến 2020.
c) Nội dung hoạt động:
- Tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, phường.
- Triển khai bộ chỉ số theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em, trong đó có các chỉ số theo dõi, đánh giá Chương trình; giám sát, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; tổ chức khảo sát, đánh giá việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em, việc xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
- Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em thông qua thực hành như: tổ chức Diễn đàn, đối thoại, gặp gỡ trẻ em; củng cố và duy trì câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để thực hiện quyền tham gia của trẻ em; tập huấn nâng cao năng lực (cơ bản, nâng cao), định kỳ tham gia giao ban với Thành phố để cập nhật kiến thức kỹ năng cho thành viên nòng cốt và cán bộ phụ trách câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em quận.
d) Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Ủy ban nhân dân 15 phường.
3. Dự án 3: Xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
3.1 Mô hình 1: Diễn đàn trẻ em
a) Mục tiêu: Tổ chức Diễn đàn gặp gỡ, đối thoại với trẻ em cấp quận và 15 phường định kỳ hàng năm; 100% các ý kiến, nguyện vọng phù hợp với quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em được ghi nhận, phản hồi và có giải pháp thực hiện.
b) Nội dung hoạt động
- Tiếp nhận và phát hành tài liệu tập huấn do Thành phố cung cấp; tổ chức tập huấn cho trẻ em và người phụ trách trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em.
- Hướng dẫn tổ chức Diễn đàn trẻ em: thực hiện theo Thông tư hướng dẫn số 33/2014/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Báo cáo kết quả, theo dõi việc thực hiện các đề xuất, khuyến nghị, nhu cầu và nguyện vọng của trẻ em.
c) Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Ủy ban nhân dân 15 phường.
3.2 Mô hình 2: Tham vấn ý kiến trẻ em
a) Mục tiêu: các dự thảo về pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em đều được tham vấn ý kiến trẻ em; các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường, cộng đồng và xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em.
b) Nội dung hoạt động
- Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện, hướng dẫn quy trình và triển khai các mô hình tham vấn, thăm dò, khảo sát ý kiến trẻ em theo hướng dẫn của Thành phố.
- Triển khai bộ công cụ tham vấn, thăm dò, khảo sát ý kiến trẻ em vào năm 2017, 2020 theo hướng dẫn của Thành phố.
- Báo cáo đánh giá kết quả, đề xuất kiến nghị khi thực hiện mô hình; tổ chức theo dõi, giám sát mô hình; đề xuất nhân rộng mô hình.
c) Phân công thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Y tế, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Ủy ban nhân dân 15 phường.
3.3 Mô hình 3: Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em
a) Mục tiêu: thành lập, tổ chức duy trì hoạt động có hiệu quả Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em quận trên cơ sở củng cố, kiện toàn câu lạc bộ trẻ em nòng cốt của 15 phường.
b) Nội dung hoạt động:
- Thực hiện thành lập, kiện toàn, lập kế hoạch tổ chức sinh hoạt và duy trì hoạt động Câu lạc bộ trẻ em theo hướng dẫn của Thành phố; tham dự các lớp tập huấn kỹ năng tổ chức điều hành hoạt động, tổ chức sinh hoạt, ghi nhật ký và lập báo cáo sinh hoạt câu lạc bộ do Thành phố tổ chức.
- Báo cáo kết quả triển khai mô hình về Thành phố theo quy định.
c) Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân 15 phường.
3.5 Mô hình 4: Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện
a) Mục tiêu: ngoài những hoạt động định kỳ, Câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em quận xây dựng và thực hiện ít nhất 01 chương trình/năm có liên quan đến quyền tham gia của trẻ em, do trẻ em tự khởi xướng thực hiện, mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em tại địa phương.
b) Nội dung hoạt động:
- Trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Thành phố, xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng.
- Báo cáo kết quả triển khai mô hình về Thành phố theo quy định.
c) Phân công thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Các cơ quan phối hợp: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hóa và Thông tin, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, Ủy ban nhân dân 15 phường.
1. Nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.
2. Các cơ quan nhà nước khi xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em; nhà trường, cộng đồng, xã hội khi xây dựng và thực hiện quyết định, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em phải tổ chức các hình thức tham vấn, lấy ý kiến của trẻ em phù hợp.
3. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp để thực hiện Chương trình; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động, các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
4. Tổ chức và tham gia các sự kiện về quyền tham gia của trẻ em như Diễn đàn trẻ em, liên hoan gặp mặt trẻ em khi có yêu cầu.
Kinh phí thực hiện Chương trình gồm: ngân sách cấp trên hỗ trợ, ngân sách địa phương, huy động từ các nguồn lực hỗ trợ khác.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch này, các ban ngành, đoàn thể quận liên quan dự trù kinh phí hoạt động gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định trình Ủy ban nhân dân quận phê duyệt.
1. Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể quận; Ủy ban nhân dân 15 phường và các tổ chức có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện, dự trù kinh phí hàng năm và điều phối các hoạt động của Chương trình; chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện các dự án được phân công; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân quận và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định; tham mưu, đề xuất tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ (năm 2018) và tổng kết thực hiện Chương trình (năm 2020) theo hướng dẫn của Thành phố.
2. Giao Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy các hoạt động tham gia của trẻ em trong gia đình; hướng dẫn Bản tin quận và 15 phường thực việc truyền thông, tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.
3. Giao Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thành niên cộng sản Hồ Chí Minh quận triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong trường học, áp dụng phương pháp giáo dục gắn liền với sự tham gia của trẻ em; lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học và năng lực, sự phát triển của trẻ em; chỉ đạo trường học và các cơ sở giáo dục tổ chức các hình thức phù hợp tham vấn ý kiến của trẻ em đối với các dự thảo chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch có liên quan đến trẻ em.
4. Giao Phòng Tư pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến quyền tham gia của trẻ em; phối hợp tổ chức thực hiện mô hình đã được phân công trong Chương trình theo quy định hiện hành.
5. Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch bố trí kinh phí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.
6. Giao các Phòng, ban ngành, đoàn thể quận trong quá trình đề xuất xây dựng pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em, nghiên cứu cách thức và nội dung tham vấn ý kiến trẻ em phù hợp và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng được phân công.
7. Giao Ủy ban nhân dân 15 phường căn cứ Chương trình này, chủ động xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực để thực hiện Chương trình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 10/11) gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh quận và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội: trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia phối hợp tổ chức triển khai Chương trình hàng năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em; phối hợp tham gia xây dựng, kiến nghị bổ sung, điều chỉnh chính sách, pháp luật; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tham gia của trẻ em trên địa bàn quận./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.