THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 757/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2025 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 2 năm 2025;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 67/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 51/TTr-BVHTTDL ngày 25 tháng 02 năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
I. PHẠM VI, QUY MÔ VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Phạm vi, quy mô và ranh giới lập quy hoạch
a) Phạm vi, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích là 33,66 ha, gồm:
- Khu vực bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, gồm: Khu vực bảo vệ I có diện tích 1,23 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích 0,78 ha.
- Khu vực mở rộng phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nằm liền kề di tích, diện tích 31,65 ha; gồm: (i) Khu vực phía Bắc di tích, là toàn bộ núi Phật Tích và (ii) Khu vực phía Nam di tích từ khu dân cư hiện trạng đến giáp sông Cầu Chàm, được xác định là đất du lịch sinh thái, vui chơi giải trí theo Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 (Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2000 (Phân khu số 11) khu vực Liên Bão - Hoàn Sơn - Hiên Vân - Việt Đoàn - Phật Tích - Cảnh Hưng - Minh Đạo (Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh - gọi tắt Quy hoạch phân khu số 11).
b) Ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau: Phía Bắc giáp khu dân cư thôn Ngô Xá, xã Phật Tích; phía Nam giáp sông Cầu Chàm; phía Đông giáp khu dân cư thôn Phật Tích, xã Phật Tích và phía Tây giáp khu dân cư thôn Vĩnh Phú và thôn Phật Tích, xã Phật Tích.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, các di vật, bảo vật quốc gia và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
b) Hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan sinh thái của tỉnh Bắc Ninh và toàn vùng châu thổ sông Hồng; kết nối Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích với các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
c) Xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc giới bảo vệ và quản lý di tích. Hình thành các phân khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
d) Làm căn cứ pháp lý để lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gốc và các hạng mục công trình xây dựng mới tại chùa Phật Tích; xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khuôn viên di tích, các công trình phục vụ du khách.
đ) Định hướng, xây dựng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
1. Điều chỉnh quy mô khu di tích
Điều chỉnh tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, nhằm khắc phục những hạn chế hiện có, bảo vệ toàn diện yếu tố gốc, mở rộng không gian cảnh quan, văn hóa truyền thống và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ di tích; cụ thể:
a) Điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ I thành 1,28 ha (tăng 0,05 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), cụ thể:
- Bổ sung khu Vườn tháp và Ao rồng (là các yếu tố di tích gốc, quan trọng, hiện thuộc Khu vực bảo vệ II) vào Khu vực bảo vệ I, với diện tích 0,2 ha.
- Chuyển khu vực có các công trình phụ trợ (gồm: Nhà trưng bày di tích, nhà tăng, nhà bếp, khu vệ sinh, hiện thuộc Khu vực bảo vệ I) sang Khu vực bảo vệ II, với diện tích 0,15 ha.
b) Điều chỉnh tăng diện tích Khu vực bảo vệ II thành 15,24 ha (tăng khoảng 14,46 ha so với diện tích được xác định trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích), gồm:
- Bổ sung khu vực núi Phật Tích (là khu vực có giá trị về lịch sử, văn hóa và cảnh quan, hiện chưa nằm trong Khu vực bảo vệ của di tích) vào Khu vực bảo vệ II, với diện tích 13,96 ha.
- Bổ sung khu dân cư hai bên đường vào Chùa Phật Tích với diện tích 0,55 ha vào Khu vực bảo vệ II và thực hiện phương án tái định cư các hộ dân hiện tại theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và Đồ án Quy hoạch phân khu số 11 để tạo quỹ đất mở rộng sân di tích và phục dựng đình làng Phật Tích (khi có đủ cơ sở khoa học).
- Chuyển khu vực có các công trình phụ trợ (hiện thuộc Khu vực bảo vệ I) sang Khu vực bảo vệ II, với diện tích 0,15 ha.
- Chuyển khu Vườn tháp và Ao rồng (hiện thuộc Khu vực bảo vệ II) sang Khu vực bảo vệ I, với diện tích 0,2 ha.
2. Quy hoạch phân khu chức năng
a) Vùng bảo vệ di tích: Diện tích 16,52 ha, gồm:
- Khu vực bảo vệ I, diện tích 1,28 ha: Là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc của di tích; gồm các công trình hiện hữu: Gác chuông, tam bảo (tiền đường, thiêu hương, chân tháp cổ, thượng điện), hậu đường, hai dãy hành lang, phủ chúa, nhà tổ, nhà mẫu, giảng đường và trai đường, ao rồng, vườn tháp, nhà soạn lễ, quan âm viện, nhà khách.
- Khu vực bảo vệ II, diện tích 15,24 ha: Là khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị tích; gồm: núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở lên), tứ trụ, hồ nước (hồ Đông, hồ Tây), các công trình hiện hữu (gồm: giếng rồng, nhà trưng bày di tích, nhà tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân di tích); công trình đình làng Phật Tích (phục dựng).
b) Vùng phát huy giá trị di tích, diện tích 8,43 ha: Bố trí các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng phục vụ khách du lịch và người dân địa phương, bảo đảm phù hợp Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và Quy hoạch phân khu số 11.
c) Vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích, diện tích 8,71 ha: Là các khu vực còn lại thuộc núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở xuống đến ranh giới quy hoạch); có biện pháp bảo vệ, tôn tạo để hình thành vùng đệm cảnh quan sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.
3. Quy hoạch tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích
a) Nguyên tắc
- Bảo vệ nguyên trạng các di tích gốc, các di vật, cổ vật, bảo vật thuộc di tích. Giữ gìn cảnh quan tự nhiên, cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái của di tích gắn với bảo vệ núi Phật Tích.
- Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích trên cơ sở tài liệu, tư liệu lịch sử, hồ sơ khoa học của di tích, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích.
- Các công trình xây dựng mới nhằm phát huy giá trị di tích phải bảo đảm quy mô phù hợp với tổng thể không gian của di tích, không ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan chung, không tác động xấu đến di tích và các hoạt động, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích.
b) Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan
- Vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành 02 không gian chính: Khu vực chùa Phật Tích ở trung tâm; khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị di tích ở hai phía Bắc và Nam. Hướng tiếp cận vùng bảo vệ di tích từ các tuyến đường: Đường tỉnh 287, đường từ sông Cầu Chàm và tuyến đường liên thôn Ngô Xá - Vĩnh Phú, sau đó qua tứ trụ và đến chùa Phật Tích. Cụ thể:
+ Khu vực chùa Phật Tích: Giữ nguyên hiện trạng các công trình hiện có của chùa, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến công trình. Phục hồi đình làng Phật Tích và hồ nước khi có cơ sở, tư liệu khoa học;
+ Khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị di tích: Sắp xếp, tổ chức lại không gian dịch vụ hỗ trợ phục vụ du khách, hình thành không gian văn hóa gắn kết cộng đồng và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống; tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, bổ sung các tuyến đường dạo, không gian cây xanh, vườn hoa để tạo điểm nhấn, tăng tính thẩm mỹ cho khu vực.
- Vùng phát huy giá trị di tích: Hình thành không gian hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Tổ chức các công trình phụ trợ cho di tích (bãi đỗ xe, nhà dịch vụ của chùa Phật Tích); công trình vui chơi giải trí, nghỉ ngơi, tổ chức sự kiện văn hóa, quảng trường lễ hội, sân đa năng...
- Vùng đệm của di tích: Bảo tồn cảnh quan cây trồng lâu năm, bảo vệ địa hình tự nhiên, tôn tạo không gian trên núi Phật Tích để hình thành công viên cảnh quan sinh thái thu hút du khách, kết hợp phát triển các hoạt động du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
c) Giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- Khu vực bảo vệ I:
+ Bảo tồn nguyên trạng các công trình di tích gốc, bảo đảm không làm thay đổi các yếu tố gốc cấu thành di tích;
+ Bảo quản bảo vật quốc gia trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng và sử dụng phương pháp khoa học tiên tiến, hiện đại để hạn chế hư hại;
+ Bổ sung hệ thống giám sát an ninh, bảng nội quy và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và du khách trong việc bảo vệ hiện vật thuộc di tích. Đầu tư đồng bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, thiết bị an ninh, bảo đảm an toàn cho di tích.
- Khu vực bảo vệ II:
+ Tu bổ, tôn tạo và phục dựng các hạng mục di tích và các công trình phụ trợ trong khuôn viên chùa Phật Tích:
. Tôn tạo, mở rộng sân di tích, diện tích khoảng 900 m2 và di dời bãi đỗ xe hiện trạng trong khuôn viên chùa về khu đất phía Nam khu vực lập quy hoạch;
. Phục dựng đình làng Phật Tích khi có cơ sở và tư liệu khoa học, có mặt bằng xây dựng và các điều kiện xây dựng khác;
. Tu bổ, tôn tạo hồ Đông, hồ Tây ở giai đoạn đầu và phục dựng khi đủ cơ sở;
. Bảo tồn hiện trạng giếng rồng, đề xuất giải pháp bảo vệ, ngăn chặn các yếu tố xấu tác động tới di tích; bổ sung biển giới thiệu công trình;
. Giữ nguyên hiện trạng tứ trụ, nhà tăng, nhà vệ sinh; bổ sung không gian thư viện Lạn Kha kết hợp với nhà trưng bày di tích hiện có nhằm bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của thời Trần liên quan đến chùa Phật Tích và phục vụ du khách tham quan.
+ Tôn tạo không gian trên núi Phật Tích:
. Khu vực tượng Phật A-di-đà: Bổ sung sân hội để tổ chức sự kiện văn hóa - tín ngưỡng; cải tạo cảnh quan, bổ sung các tuyến đường đi bộ, ngắm cảnh;
. Khu dịch vụ và công trình công cộng: Quy hoạch khu dịch vụ và trạm dừng chân trên tuyến đường lên núi; bố trí khu nhà vệ sinh gần sân hội (bảo đảm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch);
. Khu vườn cảnh quan: Trồng các loại hoa mẫu đơn, xây dựng lầu vọng cảnh, tổ chức biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ du khách;
. Khu tháp chuông: Bảo vệ di tích Bàn cờ đá; bổ sung các tuyến đường đi bộ, trồng cây tạo cảnh quan;
. Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, di dời các khu mộ về nghĩa trang tập trung của địa phương theo lộ trình phù hợp với thời kỳ quy hoạch và điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Khu công viên cảnh quan sinh thái núi Phật Tích: Bảo vệ các cây trồng lâu năm, tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên.
- Khu vực phát huy giá trị di tích: Xây dựng bãi đỗ xe, khu dịch vụ chùa Phật Tích, khu vui chơi tại khu vực phía Nam đường tỉnh 287. Triển khai xây dựng quảng trường lễ hội, sân đa năng, điểm nghỉ chân và ngắm cảnh phục vụ du khách tại khu đất thu hồi từ khu dân cư hiện trạng (theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045).
4. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
a) Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến di tích, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị. Sưu tầm, biên soạn và xuất bản các tác phẩm văn học dân gian về vùng đất Phật Tích.
b) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, kết hợp với lồng ghép vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại di tích; có giải pháp bảo quản tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể phù hợp.
c) Tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, trình diễn nghệ thuật truyền thống (hát quan họ, tuồng, chèo), trò chơi dân gian; giao lưu văn hóa, giới thiệu và phát triển các sản phẩm truyền thống do cư dân địa phương sản xuất.
d) Bảo tồn và phát huy lễ hội Khán hoa Mẫu đơn; đa dạng hóa các hoạt động hội (tái hiện các truyền thuyết lịch sử về câu chuyện tình của Từ Thức và Giáng Tiên; Vương Chất gặp tiên chơi cờ; chuyện trâu vàng hay tướng Cao Biền đúc tháp trấn yểm...) bằng hình thức diễn kịch, hát chèo, múa rối nước... kết hợp phục dựng cảnh quan gắn với loài cây biểu tượng (hoa Mẫu Đơn).
đ) Ứng dụng công nghệ số và công nghệ thực tế ảo để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể (tái hiện không gian văn hóa, lễ hội tại chùa Phật Tích) và nâng cao trải nghiệm cho du khách.
5. Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch
a) Thị trường khách du lịch: Tập trung thu hút thị trường khách gần như khách nội tỉnh, khách từ thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận. Chú trọng khách du lịch lễ hội, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và khách du lịch cuối tuần.
b) Sản phẩm du lịch chủ yếu:
- Du lịch tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và thiên nhiên vùng núi Phật Tích; du lịch chuyên đề gắn với hoạt động trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân gian.
- Du lịch lễ hội: Đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội truyền thống chùa Phật Tích. Phát triển các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống địa phương.
- Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
c) Tuyến du lịch: Hình thành tuyến du lịch chuyên đề chùa cổ Việt Nam kết nối chùa Phật Tích với chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành); chùa Tiêu (Từ Sơn),...; tuyến du lịch lễ hội, du xuân; tuyến du lịch sông Đuống.
Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo đảm tuân thủ các đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và Quy hoạch phân khu số 11 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch bền vững.
a) Quy hoạch giao thông
- Giao thông nội bộ: Cải tạo hệ thống đường nội bộ trong khu vực lập quy hoạch với mặt cắt từ 3,5 m đến 17,0 m, bảo đảm kết nối thuận tiện giữa các phân khu chức năng. Cải tạo các tuyến đường đi bộ trong khu vực chùa Phật Tích và trên núi Phật Tích, bổ sung các tuyến đường dạo trên núi, với tổng chiều dài khoảng 2 km, phục vụ nhu cầu hành hương, tham quan và trải nghiệm cảnh quan di tích.
- Giao thông tĩnh: Xây dựng mới bãi đỗ xe tại phía Nam khu vực quy hoạch, tiếp giáp đường tỉnh 287, diện tích 1,73 ha.
- Trong thời điểm lễ hội, tổ chức phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho du khách và giao thông trên tuyến đường ĐT287.
b) San nền và thoát nước mưa
- San nền: Khu vực phía Nam đường tỉnh 287 (bãi đỗ xe và dịch vụ du lịch) được san lấp mặt bằng với độ dốc từ 0,4% đến 1%. Khu vực phía Bắc đường tỉnh 287 chỉ san lấp cục bộ, bảo đảm khả năng thoát nước hiệu quả.
- Thoát nước mưa: Khu vực chân núi Phật Tích sử dụng mương hở B600 và cống tròn D600 để thu gom nước, đấu nối vào cống 2D1000 theo Quy hoạch phân khu số 11. Khu vực chùa Phật Tích và các khu vực khác được thu gom bằng rãnh nắp đan B600 và các tuyến cống D300 đến D600, sau đó đấu nối vào tuyến cống 2D1250 theo quy hoạch phân khu và thoát nước ra sông Cầu Chàm.
c) Quy hoạch cấp nước
- Cấp nước sinh hoạt: Sử dụng nước sạch từ nhà máy nước Tri Phương, thông qua đường ống cấp trên trục đường tỉnh 287 (theo Quy hoạch phân khu số 11). Xây dựng bể nước sạch và bố trí trạm bơm trong nội khu di tích, bảo đảm cấp nước ổn định. Mạng lưới phân phối sử dụng đường ống HDPE, đường kính từ D32 đến D110.
- Cấp nước chữa cháy: Bố trí các trụ cứu hỏa trên đường ống D110 với khoảng cách từ 100m đến 150m.
d) Quy hoạch hệ thống cấp điện, chiếu sáng
- Nguồn điện lấy từ đường dây trung áp theo Quy hoạch phân khu số 11. Bố trí đường dây trung áp đi ngầm trên hè đường. Các trạm biến áp hiện có được nâng cấp và cải tạo bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong khu vực quy hoạch.
- Lưới điện hạ thế và hệ thống chiếu sáng được ngầm hóa trên vỉa hè và dưới lòng đường, bảo đảm an toàn, mỹ quan và hiệu quả sử dụng.
đ) Quy hoạch hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường
- Thoát nước thải: Thiết kế hệ thống thoát nước thải riêng. Sử dụng mạng lưới đường ống D200-D400 thu gom nước thải đưa về trạm xử lý (công suất 130 m3/ngày đêm trong giai đoạn đầu) và đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung trên đường tỉnh 287 trong giai đoạn sau (theo Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045).
- Vệ sinh môi trường: Chất thải rắn được thu gom hàng ngày và vận chuyển đến khu xử lý tập trung của thị xã Thuận Thành theo Quy hoạch phân khu số 11. Có lộ trình phù hợp để đóng cửa nghĩa trang trên núi Phật Tích, di chuyển các ngôi mộ về nghĩa trang tập trung nhằm hoàn trả không gian cảnh quan núi Phật Tích và bảo đảm vệ sinh môi trường.
e) Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc
- Nguồn cấp lấy từ trạm Tiên Du đến di tích thông qua hệ thống đường ống trên đường tỉnh 287 theo Quy hoạch phân khu số 11. Bố trí tủ trung tâm tại bãi đỗ xe để phân phối mạng cáp thông tin trong di tích. Hệ thống hào cáp được ngầm hóa trên vỉa hè.
- Bảo đảm đáp ứng nhu cầu về sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân và các cơ quan, đơn vị trong khu vực quy hoạch.
7. Nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần
- Nhóm dự án số 1 (DA-01): Nhóm dự án nghiên cứu di tích và các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với di tích, gồm: Tiếp tục nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ, các di vật, bảo vật thuộc di tích; Nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích và cộng đồng xung quanh di tích.
- Nhóm dự án số 2 (DA-02): Nhóm dự án đền bù, giải tỏa mặt bằng (gồm: đất nông nghiệp nằm phía Nam đường tỉnh 287, các hộ dân trong khu vực Chùa Phật Tích để mở rộng khu vực bảo vệ II và khu dân cư hiện trạng phục vụ xây dựng quảng trường lễ hội, sân đa năng và điểm nghỉ chân, ngắm cảnh); Khoanh vùng và cắm mốc bảo vệ di tích đối với các khu vực bảo vệ sau điều chỉnh; Bảo quản, tu bổ, phục hồi các công trình, hạng mục công trình:
+ Phục hồi đình làng Phật Tích;
+ Tôn tạo và phục dựng hồ Chùa Phật Tích;
+ Tôn tạo sân di tích;
+ Bảo quản di tích khảo cổ móng tháp, vườn tháp, bảo vật quốc gia và các di vật, hiện vật có giá trị;
+ Cải tạo cảnh quan khu vực bảo vệ I, bảo tồn và tôn tạo cảnh quan sinh thái núi Phật Tích;
+ Bổ sung hệ thống bia, biển giới thiệu di tích và bảng nội quy tại di tích.
- Nhóm dự án số 3 (DA-03): Nhóm dự án phát huy giá trị di tích:
+ Dự án nâng cấp và đầu tư xây dựng các hạng mục bổ trợ, dịch vụ du lịch phục vụ du khách và cộng đồng địa phương tại khu vực bảo vệ II và khu vực phía Nam di tích; gồm: Nâng cấp nhà trưng bày di tích; vườn, công trình dịch vụ và phụ trợ trên núi Phật Tích; khu dịch vụ Chùa Phật Tích và vui chơi giải trí phía Nam đường tỉnh 287; quảng trường lễ hội, sân đa năng và điểm nghỉ chân, ngắm cảnh tại khu vực thu hồi khu dân cư hiện trạng theo Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045;
+ Các dự án về tuyên truyền quảng bá du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch và các tuyến kết nối với di tích Chùa Phật Tích; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng hệ thống hướng dẫn và thuyết minh số về di tích Chùa Phật Tích.
- Nhóm dự án số 4 (DA-04): Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật: Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông nội bộ, đường dạo, bãi đỗ xe, cấp điện, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc).
Trên cơ sở các nhóm dự án thành phần, xác định các dự án để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư. Kinh phí thực hiện được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng dự án, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng cân đối và huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, xây dựng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đất đai và pháp luật có liên quan.
Việc triển khai thực hiện đầu tư theo các nhóm dự án thành phần thuộc quy hoạch được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan; bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định (từ việc trình phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư và tổ chức, triển khai thực hiện dự án).
b) Phân kỳ đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư
- Thời kỳ thực hiện quy hoạch: Từ năm 2026 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó:
+ Giai đoạn từ 2026 đến năm 2030: Triển khai các nhóm dự án DA-01, DA-02, DA-03 và DA-04;
+ Giai đoạn 2031 - 2035: Hoàn thiện DA-01 và DA-04; tiếp tục thực các nhóm dự án DA-02, DA-03;
+ Giai đoạn sau năm 2035: Hoàn thiện các dự án còn lại.
- Thứ tự, mức độ ưu tiên đầu tư hằng năm được điều chỉnh, bổ sung căn cứ theo yêu cầu thực tế, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối vốn và nguồn vốn cấp theo kế hoạch của Trung ương, địa phương.
Người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình, trong đó có việc xác định cụ thể vị trí, diện tích, quy mô, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, tiến độ, tình hình thực tiễn và thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.
c) Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch: Nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện đúng phân cấp về quản lý dự án và phân cấp ngân sách nhà nước, trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành về đầu tư công, ngân sách nhà nước; ưu tiên các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi các hạng mục công trình di tích.
- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã), phục vụ cho việc thực hiện các dự án, nhiệm vụ về: đền bù và giải tỏa mặt bằng, nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc).
- Vốn sự nghiệp dành cho công tác nghiên cứu di tích và các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với di tích.
- Vốn xã hội hóa đầu tư các công trình dịch vụ, vui chơi giải trí gắn với chức năng phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch.
8. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp quản lý quy hoạch
- Quản lý theo phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch); nâng cao công tác kiểm tra, giám sát triển khai quy hoạch sử dụng đất trong khu vực quy hoạch.
- Quản lý xây dựng, sử dụng công trình theo đúng phân vùng quy hoạch và Quy hoạch được duyệt (chi tiết trong hồ sơ quy hoạch). Các quy hoạch khác liên quan được lập sau khi Quy hoạch này được phê duyệt cần phù hợp với Quy hoạch này.
- Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có) theo quy hoạch và tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về đất đai.
- Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thực hiện việc lập Quy chế quản lý xây dựng, kiến trúc, đánh giá, phân loại, lập danh mục để quản lý công trình kiến trúc, khu vực cảnh quan có giá trị.
- Tăng cường phối hợp liên ngành để khai thác có hiệu quả giá trị của di tích gắn với phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương. Tăng cường giám sát, quản lý, bảo vệ ngăn chặn các hành vi xâm hại đối với khu vực di tích.
b) Giải pháp về đầu tư
- Huy động các nguồn vốn xã hội hóa để bảo tồn, tôn tạo di tích và phát triển du lịch. Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch ở khu vực di tích.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư tôn tạo công trình, hạng mục công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích theo quy định của pháp luật.
c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý và bảo vệ di tích
- Đẩy mạnh hợp tác với cơ sở giáo dục về bảo tồn di tích. Xây dựng chương trình và tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di sản.
- Bổ sung, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại khu di tích. Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho cộng đồng và doanh nghiệp.
d) Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư nhằm làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.
- Xây dựng cơ chế chính sách về kinh tế, tài chính để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho công tác bảo tồn và đầu tư xây dựng.
đ) Giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng
- Kết nối, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư trong khu vực di tích và vùng lân cận phát huy, nâng cao vai trò và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tạo điều kiện và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác lập kế hoạch, quản lý và bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch.
- Tăng cường truyền thông, giáo dục về việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức, vận động nhân dân địa phương tham gia vào thông tin tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của di tích.
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh
a) Chịu trách nhiệm toàn diện đối với phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của nguồn gốc tài liệu, cơ sở dữ liệu (số liệu, bản đồ) để nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có); tuyệt đối không để xảy ra các chồng chéo, tranh chấp, khiếu kiện cũng như xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện các hoạt động, dự án đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.
b) Rà soát, hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ Quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
c) Công bố công khai Quy hoạch; tiến hành cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch. Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh phù hợp với từng thời kỳ.
d) Xây dựng lộ trình thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu vực quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về đất đai (trong đó việc chuyển đổi đất lúa phải được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua bằng Nghị quyết và cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương) trước khi bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ và thực hiện các dự án thành phần về bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hoặc xây dựng mới theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn về kinh tế - xã hội của địa phương và tuân thủ quy định của pháp luật.
đ) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư trên cơ sở đồ án Quy hoạch được phê duyệt. Thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư, xây dựng theo Quy hoạch và Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt.
e) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân để thực hiện Quy hoạch.
g) Chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường di tích và các khu vực phụ cận bên ngoài di tích; giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quy hoạch và quản lý quy hoạch, về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên.
h) Thực hiện đầu tư xây dựng trong phạm vi bảo vệ của di tích trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch được phê duyệt tại quyết định này và các quy hoạch có liên quan được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất, kiến nghị tại Tờ trình số 51/TTr-BVHTTDL ngày 25 tháng 02 năm 2025; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích bảo đảm đúng quy định pháp luật. Thực hiện lưu giữ và lưu trữ hồ sơ Quy hoạch được duyệt theo quy định.
b) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo tồn, tôn tạo di tích và các dự án thành phần thuộc di tích Chùa Phật Tích thuộc nội dung Quy hoạch được duyệt.
c) Theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch, bảo đảm đúng mục tiêu, đúng nội dung và đúng kế hoạch được phê duyệt; tuân thủ trình tự, quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định của pháp luật có liên quan
3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các nội dung Quy hoạch phù hợp với kế hoạch thực hiện được duyệt và khả năng huy động nguồn lực, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan; kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.
4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đất đai; hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào phương án sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, phù hợp với thời kỳ quy hoạch.
5. Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Quy hoạch theo lĩnh vực, ngành quản lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.