ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 724/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 08 tháng 04 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 09/01/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em thành phố giai đoạn 2013 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 22/TTr-LĐTBXH-BVCSTE&BĐG ngày 19/3/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em thành phố giai đoạn 2013-2020.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; các thành viên Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em của thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
CỦA BAN CHỈ ĐẠO VÀ NHÓM CÔNG TÁC LIÊN NGÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH
ĐỘNG VÌ TRẺ EM THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 724/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành thực hiện Chương trình hành động Vì trẻ em thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) quy định cụ thể về nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các Ủy viên, Cơ quan thường trực và Nhóm công tác liên ngành giúp việc cho Ban chỉ đạo.
Đối tượng áp dụng Quy chế này là các Sở, ban, ngành có các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành theo Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 09/01/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ sở dịch vụ, trợ giúp trẻ em thuộc thành phố quản lý.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc và cơ chế hoạt động.
1. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ tập thể thông qua các phiên họp thường kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban (khi được ủy quyền).
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ do Trưởng ban phân công.
3. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Lao động Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm đảm bảo các hoạt động của Ban Chỉ đạo và sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
4. Trưởng ban Ban Chỉ đạo được phép sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân thành phố, các Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo được phép sử dụng con dấu của cơ quan chủ quản khi ký ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Điều 3. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước cấp và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
1. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hỗ trợ các Sở, ban, ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng năm.
2. Chỉ đạo, điều phối và huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của thành phố; chỉ đạo các ngành thành viên thực hiện cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy trình thống nhất và liên tục.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, các chương trình, dự án, mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố.
4. Hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em, Chương trình Bảo vệ trẻ em và các chương trình, kế hoạch khác liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cấp huyện, cấp xã thực hiện chức năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định của pháp luật; cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em ở 03 cấp độ: Phòng ngừa, can thiệp sớm và can thiệp khẩn cấp; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gây tổn hại đối với trẻ em hoặc hành vi để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; thực hiện quy trình quản lý trường hợp đối với trẻ em bị tổn hại theo Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH ngày 16/8/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định Quy trình trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục và các văn bản khác sửa đổi bổ sung Thông tư này (nếu có).
5. Trao đổi thông tin, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và hợp tác với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nước và các tổ chức nước ngoài tài trợ hợp pháp cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (viết tắt là BVCSTE).
6. Tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trong Chương trình hành động BVCSTE các cấp.
7. Thiết lập Chương trình hành động thông tin, dữ liệu về trẻ em và các nhóm trẻ em cần sự bảo vệ, chăm sóc trên địa bàn quản lý.
8. Báo cáo định kỳ (hàng quý, 6 tháng, một năm) và đột xuất về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Nhiệm vụ của Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung về công tác BVCSTE của thành phố.
2. Quyết định các Chương trình, kế hoạch công tác, các biện pháp thực hiện nhiệm vụ BVCSTE của thành phố; điều phối nguồn lực và hoạt động BVCSTE đối với các ngành, địa phương trong thành phố; quyết định giải pháp hỗ trợ đối với trường hợp đặc biệt của trẻ em.
3. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, điều phối và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo theo các chương trình, kế hoạch và mục tiêu đã được duyệt.
Điều 6. Nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
1. Nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Thường trực.
- Giúp Trưởng ban Ban Chỉ đạo tổ chức, điều hành thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.
- Thay mặt Trưởng ban Ban Chỉ đạo, điều hành các công việc do Trưởng ban Ban Chỉ đạo phân công hoặc được ủy quyền. Trực tiếp chỉ đạo các bộ phận giúp việc thuộc ngành mình phụ trách; chịu trách nhiệm và đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất và báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
- Chủ trì xây dựng, đề xuất các chương trình, kế hoạch và các hoạt động của Ban Chỉ đạo, các hoạt động BVCSTE. Phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ BVCSTE trên địa bàn thành phố.
2. Nhiệm vụ của Phó Trưởng ban.
- Giúp việc cho Trưởng ban Ban Chỉ đạo và thực hiện những nhiệm vụ do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực phân công.
- Tham mưu, đề xuất, triển khai nội dung hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em thành phố; theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em ở cơ sở.
- Trực tiếp phụ trách và chỉ đạo hoạt động của Nhóm công tác liên ngành; đề xuất việc điều phối các dịch vụ trợ giúp trẻ em; phối hợp với các thành viên liên quan trong điều phối dịch vụ trợ giúp trẻ em.
- Tiếp nhận và giải quyết đối với các trường hợp trẻ em cần hỗ trợ thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp giải quyết đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền.
- Hàng tháng, hàng quý báo cáo với Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình và kết quả hoạt động BVCSTE thành phố và cơ sở.
Điều 7. Nhiệm vụ của thành viên Ban Chỉ đạo
1. Tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc chức năng nhiệm vụ của ngành được phân công trong Chương trình hành động Vì trẻ em thành phố giai đoạn 2013 - 2020 và các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án... về trẻ em khác;
2. Trực tiếp tổ chức các hoạt động và cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị; xử lý thông tin thuộc thẩm quyền, chuyển thông tin không thuộc thẩm quyền tới các ngành chức năng liên quan đề nghị trả lời, hỗ trợ, xử lý.
3. Thông báo cho Phó Trưởng ban Thường trực hoặc Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo những thông tin về trường hợp trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng để kịp thời có biện pháp xử lý, giải quyết.
4. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các thành viên khác trong Ban Chỉ đạo để giải quyết các vấn đề của trẻ em có liên quan; phối hợp tham mưu, đề xuất cho Trưởng ban Ban Chỉ đạo các cơ chế, chính sách của thành phố và giải quyết các vấn đề tồn tại, bức xúc thuộc lĩnh vực BVCSTE;
5. Tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác BVCSTE. Tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác BVCSTE.
6. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVCSTE, tham gia các hoạt động BVCSTE: Phát hiện, tố giác hành vi vi phạm quyền trẻ em, trợ giúp trẻ em và gia đình của trẻ...
7. Báo cáo định kỳ (hàng quý, 6 tháng, một năm), đột xuất về kết quả công tác BVCSTE của ngành. Báo cáo kịp thời với Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đối với các trường hợp khẩn cấp của trẻ em (trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong, tai nạn thương tích nghiêm trọng).
Điều 8. Cơ quan thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là Cơ quan thường trực, giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố, có nhiệm vụ:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành trong việc xây dựng kế hoạch, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình, dịch vụ BVCSTE; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em ở cấp huyện, cấp xã; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp của thành phố.
- Là cơ quan đầu mối tiếp nhận thông tin về các vấn đề của trẻ em, kết nối với các ngành, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề của trẻ em. Tổng hợp, báo cáo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
1. Chủ động liên hệ với Cơ quan thường trực trong quá trình thực hiện công tác BVCSTE. Trong công tác tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, báo cáo đánh giá về BVCSTE phải có sự thống nhất của Cơ quan thường trực và các thành viên trong Ban Chỉ đạo.
2. Hàng năm xây dựng kế hoạch công tác BVCSTE của ngành, đơn vị gửi Cơ quan thường trực (trước ngày 15/7) để tổng hợp vào kế hoạch BVCSTE chung của thành phố để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
3. Thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu về đối tượng trẻ em và kết quả thực hiện công tác BVCSTE thuộc nhiệm vụ của ngành, đơn vị và thông báo cho Cơ quan thường trực theo định kỳ (6 tháng, một năm) để tổng hợp chung vào hệ thống dữ liệu trẻ em của thành phố. Cung cấp thông tin kịp thời khi tiếp nhận, phát hiện về các vấn đề, vụ việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, lạm dụng, buôn bán trẻ em cho Thường trực Ban Chỉ đạo hoặc Công an thành phố để kịp thời phối hợp, giải quyết.
4. Báo cáo định kỳ kết quả hoạt động BVCSTE của ngành, đơn vị hàng quý (trước ngày 15/3), 6 tháng (trước ngày 15/6), hàng năm (trước ngày 15/12) gửi Thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Cung cấp kịp thời cho đối tượng những dịch vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị, cụ thể như sau:
5.1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện quy trình cung cấp dịch vụ can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em; giải quyết chính sách trợ cấp xã hội cho trẻ em ở cộng đồng (trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em tàn tật nặng, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học); giải quyết chính sách hỗ trợ cho trẻ em mắc bệnh có chi phí khám chữa bệnh ở mức cao; hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị bạo lực hoặc tai nạn thương tích mức thương tật từ 21% trở lên.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Ban Chỉ đạo, nhóm công tác liên ngành và đội ngũ cộng tác viên về tổ chức và thực hiện các hoạt động trong Chương trình. Tổ chức các hoạt động truyền thông lớn tại thành phố, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động triển khai mô hình tại cấp xã.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp nhận, tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS... tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em theo chức năng nhiệm vụ; hỗ trợ khẩn cấp đối với trường hợp trẻ em bị buôn bán, bỏ rơi, bị xâm hại, bạo lực và sống trong điều kiện nguy hiểm, mất an toàn.Tư vấn và trợ giúp kiến thức về BVCSTE cho trẻ em và gia đình ở cộng đồng; tham gia giám hộ cho các nạn nhân là trẻ em trong các vụ việc buôn bán, xâm hại, bạo lực khi có yêu cầu.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm về BVCSTE; chú trọng Mô hình BVCSTE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Chủ trì phối hợp với các ngành trong việc xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; chương trình hành động phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em; chương trình BVCSTE...
- Sử dụng hiệu quả nguồn vận động, trợ giúp trẻ em theo các chương trình: Đỡ đầu, cấp học bổng và đồ dùng học tập, trao xe đạp, xe lăn, áo ấm, chăn ấm, hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh; phẫu thuật phục hồi các chức năng cho trẻ em khuyết tật...
5.2. Công an thành phố:
- Điều tra và xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em bao gồm: Các vụ xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Trong quá trình thực hiện cần áp dụng kỹ năng điều tra và xử lý thân thiện với trẻ em.
- Chỉ đạo công an địa phương phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức xã hội trên địa bàn tham vấn, hỗ trợ cho trẻ em bị buôn bán, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật, tạo điều kiện để họ phục hồi hòa nhập cộng đồng; phối hợp với cán bộ BVCSTE, cán bộ xã hội và cộng tác viên xã hội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em; bảo vệ người tố cáo hành vi xâm hại trẻ em.
5.3. Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Y tế:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em của các hộ gia đình nghèo; phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật; cấp dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em khuyết tật hộ nghèo; tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, cấp thuốc điều trị ARV cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng; thí điểm các loại hình dịch vụ y tế đặc thù cho trẻ em.
- Giám định và chăm sóc sức khỏe các trường hợp trẻ em bị tàn tật, trẻ bị tổn thương do tai nạn thương tích, bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực. Cung cấp kết quả giám định cho lực lượng công an để làm chứng cứ xử lý đối với các trường hợp ngược đãi, xâm hại, bạo lực đối với trẻ em và phối hợp với các Ban, ngành khác để thực hiện quy trình cung cấp dịch vụ hoặc chuyển tuyến phù hợp cho trẻ.
5.4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo thực hiện các nội dung Chương trình giáo dục phổ thông trong thành phố:
- Tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong trường học; phòng chống bạo lực học đường; giáo dục bổ trợ kiến thức cho trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị xâm hại, bạo lực do bị ảnh hưởng về tâm lý và thời gian gián đoạn trong học tập; tổ chức dạy học miễn phí tại nhà cho trẻ em khuyết tật có khả năng tiếp thu nhưng không có khả năng đến trường.
- Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập; tổ chức vận động trong các cơ sở giáo dục ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập.... để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện các chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ.
- Xây dựng các mô hình tư vấn, tham vấn trong trường học nhằm giúp trẻ giải quyết những băn khoăn, thắc mắc, đồng thời phát hiện và giải quyết các vấn đề của trẻ em trong trường học.
5.5. Sở Tư pháp:
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về pháp luật, chính sách liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trợ giúp pháp lý cho trẻ em thuộc đối tượng theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, quốc tịch, về nuôi con nuôi và khai sinh cho trẻ em đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.
5.6. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch:
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn các sản phẩm văn hóa, dịch vụ giải trí thiếu lành mạnh đối với trẻ em, nhất là dịch vụ internet; Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng và triển khai hoạt động dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình nhằm tăng cường năng lực bảo vệ trẻ em cho các thành viên trong gia đình, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa và phòng chống bạo lực gia đình; đề xuất quy hoạch, xây dựng, quản lý điểm vui chơi trẻ em ở cộng đồng, chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn về quản lý và tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em.
5.7. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng: Dành ít nhất 15% thời lượng, chuyên mục, chuyên trang để tuyên truyền về việc thực hiện các quyền của trẻ em, nêu gương điển hình trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đổi mới các hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; kiểm tra, thanh tra các hoạt động, sản phẩm, phương tiện thông tin, truyền thông dành cho trẻ em và có liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
5.8. Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố:
Điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án liên quan đến xâm hại, lạm dụng, bóc lột trẻ em; hạn chế áp dụng các chế tài xử phạt tù giam với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, tăng cường hình thức xử kín đối với các vụ án có bị cáo là trẻ em, xem xét giảm thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn với người chưa thành niên phạm tội có nhiều tiến bộ.
Tăng cường kiểm tra việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật để giám sát, giáo dục tại cộng đồng. Rà soát lại các trình tự đang thực hiện để xem xét giảm án, ân xá, tha tù trước thời hạn cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
5.9. Thành đoàn Hải Phòng:
- Truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về bảo vệ trẻ em, chống xâm hại, bóc lột và sao nhãng trẻ em. Vận động các cơ sở Đoàn và cộng đồng đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng công trình nhân ái cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Xây dựng các mô hình tư vấn, cung cấp kiến thức tiền hôn nhân và kỹ năng làm cha mẹ cho thanh niên; trang bị cho thanh niên kỹ năng điều hành và tổ chức hoạt động cho thiếu nhi; chủ trì, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của nhóm trẻ em nòng cốt, câu lạc bộ trẻ em, câu lạc bộ phóng viên nhỏ và các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
5.10. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Hội:
- Truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ và gia đình về kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chống xâm hại, bóc lột và sao nhãng trẻ em. Vận động các cơ sở Hội Phụ nữ và cộng đồng nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu, trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng công trình nhân ái cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phát triển mô hình câu lạc bộ phụ nữ với các vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Tư vấn, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị buôn bán, trẻ em là nạn nhân hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình; giúp trẻ em và người nuôi dưỡng trẻ tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần cách ly tạm thời với gia đình.
5.11. Các cơ sở, dịch vụ trợ giúp trẻ em thuộc cấp thành phố quản lý:
- Trên cơ sở thực tiễn, kiến nghị với Ban Chỉ đạo Chương trình hành động BVCSTE Thành phố ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ trẻ em; đề xuất xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em; thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Trao đổi thông tin về trường hợp trẻ em cần sự trợ giúp và đề nghị các vấn đề liên quan đến nâng cao năng lực nghiệp vụ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc đề nghị giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các ngành, địa phương.
- Chủ động cung cấp dịch vụ và kết nối với mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng, trường học, bệnh viện để trợ giúp cho gia đình và trẻ em. Thực hiện quản lý trường hợp trẻ em, lưu giữ hồ sơ, số liệu liên quan đến các hoạt động BVCSTE của đơn vị.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình BVCSTE thành phố lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Tham gia các cuộc họp giao ban định kỳ với Ban Chỉ đạo Chương trình hành động BVCSTE Thành phố, báo cáo kết quả hoạt động của đơn vị theo quy định.
Điều 10. Nhiệm vụ của Nhóm công tác liên ngành
1. Tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thành phố. Phối hợp với Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em;
2. Tham dự đầy đủ các hoạt động giao ban, hoạt động nâng cao năng lực về BVCSTE khi được triệu tập.
Điều 11. Trưởng Nhóm công tác liên ngành
1. Trực tiếp giúp Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo trong việc tham mưu đề xuất, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các hoạt động BVCSTE.
2. Là đầu mối tiếp nhận thông tin từ các ngành, địa phương về công tác BVCSTE và vấn đề của trẻ em cần sự bảo vệ, chăm sóc đặc biệt.
3. Phối hợp với các thành viên trong Nhóm công tác liên ngành và các đơn vị chức năng có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất và thực hiện các hoạt động BVCSTE và các hoạt động của Chương trình BVCSTE cấp thành phố.
4. Giúp Phó Trưởng ban theo dõi, đôn đốc hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em cấp huyện, cập nhật thường xuyên thông tin, số liệu, theo dõi và quản lý đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
5. Tổng hợp báo cáo định kỳ (quý, 6 tháng, một năm) và đột xuất cho Ban Chỉ đạo cùng cấp về tình hình trẻ em và công tác BVCSTE. Chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo thành phố.
Điều 12. Nhiệm vụ của thành viên Nhóm công tác liên ngành
1. Trực tiếp giúp việc cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý, triển khai các hoạt động BVCSTE thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị.
2. Là đầu mối tiếp nhận và đề xuất xử lý, giải quyết các thông tin, vấn đề về trẻ em thuộc thẩm quyền của ngành, đơn vị; chuyển những thông tin không thuộc thẩm quyền tới ngành chức năng liên quan đề nghị trả lời, xử lý, giúp đỡ đối tượng, đồng thời thông báo cho Trưởng nhóm biết để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và cùng phối hợp; thông báo kết quả xử lý; giải quyết cho đối tượng và cho nơi cung cấp thông tin.
3. Chủ động phối hợp với các thành viên trong Nhóm công tác liên ngành cùng cấp và các đơn vị liên quan để nắm thông tin, tình hình trẻ em thuộc lĩnh vực ngành quản lý để kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo có giải pháp hỗ trợ trẻ em, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách, mô hình, dịch vụ bảo vệ trẻ em.
4. Thực hiện chế độ báo cáo công việc theo quy định với lãnh đạo cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo về tình hình và kết quả hoạt động BVCSTE của ngành, đơn vị, báo cáo đột xuất các vụ việc, vấn đề liên quan của trẻ em cần giải quyết.
Điều 13. Chế độ hội họp và thông tin báo cáo
1. Ban Chỉ đạo và Nhóm công tác liên ngành của thành phố tổ chức họp định kỳ 6 tháng, một năm để sơ kết đánh giá tình hình hoạt động BVCSTE, dự kiến các hoạt động phối hợp, bàn biện pháp giải quyết một số vấn đề trong công tác BVCSTE.
2. Ban Chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, dự giao ban hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em ở cơ sở theo kế hoạch.
3. Hàng năm tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em và công tác BVCSTE trong toàn thành phố, báo cáo định kỳ kết quả hoạt động của Chương trình hành động vì trẻ em hàng quý, 6 tháng, một năm (trước ngày 15 tháng cuối của kỳ báo cáo) gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 14. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thực hiện Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật về BVCSTE. Cơ quan thường trực có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi và đôn đốc thực hiện Quy chế này và các lĩnh vực được phân công.
Điều 15. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các thành viên Ban Chỉ đạo phản ánh về Cơ quan thường trực để tổng hợp chung, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định điều chỉnh đảm bảo phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.