UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7218/QĐ-UBND-ĐT |
Nghệ An, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 113/2013/NĐ.CP ngày 02/10/2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật; Thông tư số 18/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/ 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2014 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 631/QĐ-UBND ngày 22/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương Đề án Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014-2030;
Xét Tờ trình số 2537/SVHTTDL-NVVH ngày 25/9/2014 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Về việc xin thẩm định đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2030”; đề nghị của Sở Xây dựng tại báo cáo thẩm định số 2308/SXD.QHKT ngày 19/11/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2030".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
QUY HOẠCH HỆ THỐNG TƯỢNG ĐÀI VÀ TRANH HOÀNH TRÁNG TỈNH NGHỆ
AN, GIAI ĐOẠN 2014 – 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7218/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2014 của
UBND tỉnh Nghệ An)
Phần mở đầu:
Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình nghệ thuật có tính biểu tượng cao, được khắc hoạ một cách cô đọng bằng những đường nét, mảng khối, bố cục… được thể hiện bằng chất liệu bền vững, kích thước lớn, đặt cố định ở không gian ngoài trời, nơi công cộng. Tượng đài, tranh hoành tráng đóng vai trò quan trọng như một bảo tàng lịch sử ngoài trời mang tính thẩm mỹ, tính giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá cho cộng đồng dân cư.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó quan tâm đến việc đầu tư xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng. Đây là một hình thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân
Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đầu tư có định hướng trong việc xây dựng, nâng cấp hoặc chuyển đổi chất liệu các công trình tượng đài, tranh hoành tráng; đặc biệt quy hoạch được quỹ đất ở vị trí thuận lợi trong khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn.
Việc quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng sẽ xác định một cách khoa học về mối quan hệ hai chiều giữa điêu khắc ngoài trời với cảnh quan môi trường xung quanh để nâng cao giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ, tạo ra một không gian điêu khắc giàu tính nghệ thuật, phát triển hài hòa cảnh quan đô thị.
Đối với Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, một tỉnh có truyền thống văn hoá lâu đời, với nhiều mốc son lịch sử dựng nước và giữ nước, với bao lớp người đi trước đã đóng góp công sức, trí tuệ và kể cả xương máu để ngày nay quê hương được mạnh giàu, đổi mới và phát triển đi lên. Nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng công trình tượng đài theo nhu cầu của cuộc sống đặt ra. Chính vì vậy, việc quy hoạch xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng là để ghi lại những chiến tích của những con người và những sự kiện lịch sử vẻ vang đó, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vừa giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau là một điều hết sức quan trọng và cần thiết.
II. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG QUY HOẠCH
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khoá VIII) của Ban chấp hành trung ương Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH10 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
- Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quyết định số 197/2007/QĐ-TTG ngày 28/12/2007 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2020;
- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa đến năm 2020;
- Nghị định số 113/ 2013/NĐ.CP ngày 02 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật
- Thông tư số 18/2013/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 02/10/ 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật;
- Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu
- Quyết định số 4566/QĐ.UBND.CN ngày 12/11/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị Nghệ An
- Quyết định số 6247/QĐ.UBND.VX ngày 22/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành văn hoá – thể thao Nghệ An đến năm 2020.
- Quyết định số 631/QĐ-UBND-ĐTXD ngày 22/2/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương Đề án Quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2030.
I. TÌNH HÌNH ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ- XÃ HỘI CỦA TỈNH NGHỆ AN
1. Về đặc điểm tự nhiên
Nghệ An nằm trên toạ độ 1833’- 2021’vĩ độ Bắc và 10352’ - 10548’ kinh độ Đông. Có chiều dài lớn nhất từ Bắc xuống Nam khoảng 132km, chiều rộng lớn nhất từ Đông sang Tây khoảng 200 km với tổng diện tích 16.480 km2
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có ranh giới phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hoá, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Với 21 đơn vị hành chính (1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện) trong đó có 11 đơn vị thuộc miền núi là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà. Thị xã Cửa Lò là đô thị du lịch biển. Thành phố vinh là đô thị loại 1, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh, và của Bắc miền Trung
Nghệ An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ trung bình 23 độ C - 24 độ C, tháng 6 nóng nhất và nhiệt độ cao trên 42 độ C, có mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ bình quân 19 độ C tháng lạnh nhất có khi xuống 7độ C, Lượng mưa hằng năm của tỉnh đạt mức trung bình từ 1200 - 2000 mm/năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, tháng 9 có lượng mưa từ 220 - 540 mm/tháng, mưa thường kèm theo gió bão. Là tỉnh thường hứng chịu nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có từ 2-4 cơn bão, sức gió mạnh nhất có lúc giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn, gây ra lũ lụt và sụt lở nhiều nơi.
Các tài nguyên khoáng sản của Nghệ An có đặc điểm là tập trung thành từng quần thể, nguyên liệu chính và nguyên liệu phụ ở gần nhau, có chất lượng cao, gần đường giao thông nên rất thuận lợi cho sản xuất xi măng, gốm sứ, bột đá siêu mịn, gạch lát, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gạch ngói… Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường thì việc khai thác chế biến khoáng sản cùng phát triển cả về quy mô, chủng loại.
2. Về đặc điểm kinh tế:
Nghệ An là một trong những tỉnh đông dân, có diện tích lớn so với cả nước, nằm trên tuyến giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, có sân bay, cảng biển, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, Thông thụ thông qua các tuyến Quốc lộ 7, 46, 48. Đó là lợi thế rất quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế và phát triển du lịch với các nước trong khu vực.
Lĩnh vực công nghiệp đã hình thành cơ cấu đa ngành như cơ khí, luyện kim (thiếc), hoá chất, dệt may, thuộc da, khai thác khoáng sản, chế biến, vật liệu xây dựng… góp phần vào khai thác các lợi thế tài nguyên thiên nhiên và phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đời sống ở địa phương và xuất khẩu ra ngoài.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Nghệ An liên tục phát triển, năm sau cao hơn năm trước.
3. Đặc điểm về văn hoá – xã hội:
Nghệ An có 6 dân tộc anh em là Kinh, Thái, Thổ, H. Mông, Ơ Đu, Khơ Mú với dân số trên 3 triệu người. Trong đó người kinh có số dân đông nhất, chủ yếu ở đồng bằng, đô thị và sống xen với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử, cách mạng và văn hoá. Các di tích khảo cổ học như Thẩm Ồm, Làng Vạc, Đồng Trương, Quỳnh Văn đã chứng minh mảnh đất này từng xuất hiện người nguyên thuỷ cư trú, sinh sống, sự tồn tại của nền văn hoá Sơn Vi (hậu kỳ đá cũ), văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn. Nghệ An cũng là nơi địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra cũng như nơi dừng chân của nhiều bậc hiền tài, nhiều anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá nổi tiếng của cả nước như Mai Hắc Đế, Lý Nhật Quang, Đoàn Nhữ Hài, Lê Lợi, Nguyễn Xí, Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Trường Tộ, Cao Xuân Dục, Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Đặng Thai Mai, Phan Đăng Lưu, Đốc Thiết… đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Và nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công hiển hách và nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc nói chung, của tỉnh Nghệ An nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
So với cả nước thì Nghệ An là một trong những tỉnh có nhiều di tích lịch sử và danh thắng. Theo thống kê đến năm 2014, toàn tỉnh có 1395 di tích, trong đó có 292 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia nổi tiếng như đền Cuông, đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã, đền Vua Mai, đền Nguyễn Xí, đền Hoàng Mười, đình Võ Liệt, Truông Bồn, Làng Đỏ… Đặc biệt, Nghệ An có nhiều danh thắng đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Thác Sao Va, vườn quốc gia Pù Mát… thu hút khách du lịch ngày càng đông.
Về di sản văn hoá phi vật thể, Nghệ An có hàng trăm lễ hội gắn liền với di tích, danh thắng và tôn giáo tín ngưỡng, nhiều loại hình dân ca độc đáo như hát ví, giặm, hò của người kinh ở miền xuôi, hát nhuôn - xuối - lăm - khắp của dân tộc Thái, hát tập tình tập tang và đu đu điềng điềng của dân tộc Thổ, hát cự xia - lù tẩu của dân tộc Mông, hát tơm - re ré của người Khơ Mú. Mỗi dân tộc ở đây đều có ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng và nghề nghiệp sinh tồn riêng, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo.
Nghệ An có truyền thống khoa bảng, hiếu học, đỗ đạt, với tên gọi “Ông đồ Nghệ” đã được cả nước biết đến như sự ngợi ca tinh thần và ý chí vượt nghèo khó vươn lên của người dân xứ Nghệ.
II. THỰC TRẠNG VỀ TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Dấu ấn về tượng đài và điêu khắc ngoài trời ở tỉnh Nghệ An xuất hiện đầu tiên ở nơi tâm linh thờ tự, ở các lăng tẩm, đền, chùa… Đến đầu thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện các hình mẫu tượng đài do thực dân Pháp đưa vào nhưng hầu hết đều mang dấu ấn thực dân ca ngợi chính quốc của họ. Các tượng đài này sau năm 1945 không còn nữa nhưng đó cũng là một dấu mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử tượng đài. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, do nhu cầu về văn hoá tượng đài gắn liền với cảnh quan thiên nhiên, với các sự tích, di tích, bảo tàng và các công trình xây dựng khác như trường học, trạm xá, nhà văn hoá, công viên, nghĩa trang, vườn hoa, khu vui chơi công cộng, nhà ga, sân bay… mà đã lần lượt xuất hiện các hình thức tượng đài và tranh phù điêu với quy mô nhỏ, đơn giản, dựng đặt rải rác ở khắp mọi nơi. Tượng chủ yếu bán thân với độ cao chưa quá 4m kể cả bệ với chất liệu xi măng hoặc giả đồng. Đó là phải kể đến tượng ở các trường học mang tên danh nhân như tượng Phan Bội Châu (trường Phổ thông năng khiếu Phan Bội Châu), tượng Phan Đăng Lưu (trường PTTH Phan Đăng Lưu ở Yên Thành), tượng Nguyễn Xuân Ôn (trường PHTT Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu), tượng Hà Huy Tập (trường PTTH Hà Huy Tập, TP Vinh), tượng Nguyễn Trường Tộ (trường PHTH Nguyễn Trường Tộ - TP Vinh)… hoặc tượng Lê Hữu Trác (bệnh viện y học dân tộc Nghệ An), tượng Lê Mao (ở Thành uỷ Vinh)…
Bên cạnh tượng bán thân kể trên, ở Nghệ An cũng xuất hiện khá nhiều về tượng chân dung toàn thân, cụm tượng đài từ năm 1975 cho đến cuối thế kỷ XX như tượng Bác Hồ với công nhân ở nông trường Đông Hiếu (Thị xã Thái Hoà), Bác Hồ với tuổi trẻ ở công viên Nguyễn Tất Thành (TP Vinh), Bác Hồ với lực lượng vũ trang ở Bảo tàng Quân khu IV; cụm tượng đài công nông binh Bến Thuỷ, tượng Hồ Quý Ly, Hồ Thơm, nữ sỹ Hồ Xuân Hương ở khuôn viên nhà thờ họ Hồ xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tượng đài kỷ niệm 72 chiến sỹ cộng sản hy sinh năm 1930 - 1931 ở xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành; hai tranh phù điêu các chiến sỹ trên mặt trận giao thông ở Tràng Kè, Yên Thành; tranh gốm Di tích lịch sử kênh nhà Lê…
Bước sang đầu thế kỷ XXI ở Nghệ An tiếp tục xuất hiện khá nhiều tượng đài và tranh hoành tráng có chất lượng nghệ thuật cao hơn như tượng đài Khởi nghĩa Đô Lương, tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh, tượng đài Xô Viết - Nghệ Tĩnh Trường Thi – Bến Thủy (TP Vinh), Cụm tượng đài ở Quảng trường Bình Minh (TX Cửa Lò); đài tưởng niệm chiến sĩ cách mạng hy sinh ở nhà lao Vinh (Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh), tượng đài Truông Bồn chiến thắng (Đô Lương), tượng đài Phan Đăng Lưu ở Yên Thành, tượng đài Nguyễn Thị Minh Khai…
Qua khảo sát, điều tra, thống kê hiện tại, toàn tỉnh Nghệ An có 25 tượng đài, tranh hoành tráng, trong đó có 10 tượng danh nhân, 07 cụm tượng đài, 08 tranh hoành tráng , nhìn chung có những ưu điểm và hạn chế như sau :
1. Những ưu điểm
Tượng đài và tranh hoành tráng được xây dựng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An thấy được khá phong phú và đa dạng, phản ánh được các chân dung anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và các sự kiện lịch sử trọng đại. Đặc biệt bước sang những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ thứ XXI xuất hiện nhiều tượng đài đẹp, hoành tráng có ý nghĩa đã phát huy tác dụng tích cực trong đời sống tinh thần của nhân dân. Có những tượng đài được đầu tư công phu về quy trình sáng tạo nghệ thuật, về quy hoạch mặt bằng, về chọn chất liệu quý, về đặt đúng vị trí, tầm nhìn và quy mô, độ cao tương xứng nên đã làm cho tượng đài có ý nghĩa quan trọng và trở thành một công trình văn hóa có giá trị muôn đời. Đó là tượng đài khởi nghĩa Đô Lương đã tạo thành một không gian cảnh quan đẹp, là nơi vừa để tưởng niệm, vừa tổ chức các hoạt động văn hoá của quần chúng nhân dân; Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh tại thành phố Vinh, thực sự là công trình văn hoá nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia, là địa chỉ quen thuộc của du khách, bạn bè quốc tế đến tham quan; Tượng đài các Chiến sỹ Cộng sản bị giam trong nhà lao Vinh kết hợp với tranh phù điêu hoành tráng tại khuôn viên Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh là một công trình văn hoá nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và căm thù giặc sâu sắc của nhân dân ta; Tượng đài công nông Xô Viết Trường Thi - Bến Thuỷ kết hợp với không gian núi Quyết, sông Lam và cầu Bến Thuỷ tạo thành một cảnh quan đẹp, tôn vinh thêm ý nghĩa của tượng đài; Cụm tượng đài chiến thắng Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương thể hiện không khí sôi động của thanh niên xung phong sản xuất, chiến đấu, xây dựng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Khối các biểu tượng ở Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò có không gian cảnh quan đẹp, là nơi tổ chức các sự kiện văn hoá và để du khách tham quan, thưởng ngoạn; Tượng đài Nguyễn Thị Minh Khai trong khuôn viên Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh gắn liền với nhà tưởng niệm và sân vườn tạo nên cảnh đẹp uy linh…
Tóm lại, tượng đài và tranh hoành tráng được xây dựng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An thấy được khá phong phú và đa dạng, phản ánh được các chân dung anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá và các sự kiện lịch sử trọng đại. Những công trình tượng đài này thể hiện được nội dung tư tưởng sâu sắc và giá trị thẩm mỹ tốt, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, lịch sử, tạo cảnh quan môi trường văn hoá nghệ thuật, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
2. Những hạn chế:
- Một số công trình tượng đài, tranh hoành tráng do thiếu điều kiện về kinh tế, khả năng sáng tạo nghệ thuật nên thường có quy mô nhỏ, không gian hẹp, đơn giản về ngôn ngữ điêu khắc và chất liệu xây dựng. Trình độ tay nghề của một số tác giả còn hạn chế nên chưa thể hiện được ngôn ngữ bố cục, đường nét, mảng khối dẫn đến chất lượng nghệ thuật chưa cao.
- Xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng còn mang tính tự do, tự phát, không có kế hoạch và quy hoạch tổng thể nên khi triển khai thường bị động, lúng túng trong việc chọn địa điểm và giải phóng mặt bằng; hoặc do thiếu tầm nhìn nên xây dựng tượng đài ở nơi không gian hẹp, không phù hợp với kiến trúc, cảnh quan làm cho công trình không phát huy tác dụng.
- Nhiều công trình tượng đài, tranh hoành tráng thường mang tính tưởng niệm nên đơn điệu, nặng nề; nội dung và hình tượng nghệ thuật thường na ná giống nhau; thiếu các công trình tượng đài nghệ thuật để tạo không gian văn hóa, kiến trúc đa phong cách.
- Công tác quản lý Nhà nước về tượng đài, tranh hoành tráng còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đặt ra; việc bảo quản, trùng tu, nâng cấp tượng đài, tranh hoành tráng ít quan tâm, nhiều công trình tượng đài bị xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật.
3. Những nguyên nhân hạn chế.
- Nhận thức, hiểu biết của một số cấp uỷ, chính quyền, nhà quản lý chuyên môn của một số địa phương, các cấp, ngành chưa thực sự quan tâm đến quy hoạch tượng đài và tranh hoành tráng, nhất là trước khi có nghị quyết Trung ương V (khoá VIII). Khi quy hoạch đô thị chỉ chú ý đến đường sá, nhà cửa, khu dân cư, khu thương mại…
- Việc đầu tư kinh phí xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng chưa thực sự quan tâm đúng mức, kể cả cơ chế chính sách huy động vốn theo phương thức xã hội hóa
- Việc sáng tác, thi công nhiều công trình tượng đài và tranh hoành tráng chưa đồng bộ, trình độ nghề nghiệp còn có nhiều hạn chế,thiếu tính chuyên nghiệp do đó chất lượng và hiệu quả nghệ thuật chưa cao.
- Một số công trình tượng đài, tranh hoành tráng khi xây dựng chưa thực hiện đúng quy trình từ khâu sáng tác mẫu, xét duyệt, tổ chức thi công …
- Nguồn vốn đầu tư cho các công trình tượng đài, tranh hoành tráng còn hạn hẹp, đặc biệt là công tác tu bổ, bảo quản, chỉnh trang chưa được quan tâm làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật của công trình.
III. DỰ BÁO YẾU TỐ TÁC ĐỘNG VÀ NHU CẦU PHÁT TRIỂN TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG (2014 - 2030).
1. Dự báo về tình hình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội :
Đặc điểm lớn nhất của thời kỳ 2014 - 2030 là Việt Nam tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu sắc, dẫn tới sự điều chỉnh cơ cấu, cải cách kinh tế và hành chính ở trong nước. Kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, có sự chuyển biến mạnh mẽ. Sự biến động kinh tế của thế giới tác động mạnh thị trường trong nước, đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, có năng lực dự báo và phân tích tình hình, cơ chế quản lý kinh tế và văn hoá tốt mới có thể ứng phó được với các cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt về thương mại, và nguồn lợi kinh tế giữa các nước đã kéo theo những vấn đề bất ổn về an ninh quốc tế và khu vực. Tình hình biển đông, vùng Trung đông và một số quốc gia khác ở Châu Á, Châu Phi tiếp tục căng thẳng. Tuy nhiên, xu hướng hoà bình trên toàn cầu đang được các nước quan tâm và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang nắm giữ và tăng cường đẩy mạnh trào lưu này.
- Trước tình hình đó, Việt Nam đang tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá toàn diện với các nước láng giềng, là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tham gia Hiệp hội Mậu dịch tự do ASEAN; Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), là sáng lập viên diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) cùng các nước ASEAN, Việt Nam tham gia hiệp định thành lập khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Úc và New Zealand, Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA). Quan hệ quốc tế được đẩy mạnh để tạo ra cơ hội phát triển giao lưu quốc tế về văn hoá, thể thao du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.
-Với lợi thế là một tỉnh có biên giới cửa khẩu quốc tế, có hải cảng Cửa Lò, có sân bay Vinh, có đường sắt và đường bộ Bắc - Nam đi qua, có nhiều tài nguyên khoáng sản quý, Nghệ An có điều kiện giao lưu không những với trong nước mà cả khu vực ASEAN và các nước trên thế giới để phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng, phấn đấu đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp (theo như Nghị quyết 26/NQ-BCT ngày 30 tháng 7/2013 của Bộ chính trị).
Đặc biệt phát triển các khu kinh tế, các đô thị lớn làm trung tâm phát triển của vùng, xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ, xây dựng các khu kinh tế, trong đó Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành các khu kinh tế tổng hợp đa ngành. Hành lang phát triển kinh tế và đô thị dọc hai bên quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển có chức năng là trục phát triển kinh tế chủ đạo của vùng, bao gồm phát triển đô thị, các khu công nghiệp lớn, khu kinh tế tổng hợp (trong đó có Khu công nghiệp Đông Nam Nghệ An), cảng biển (trong đó có Cửa Lò), sân bay quốc tế và nội địa (trong đó có sân bay Vinh). Hành lang phát triển kinh tế và đô thị hoá dọc theo đường cao tốc mới và đường Hồ Chí Minh có chức năng chủ yếu là phát triển kinh tế vùng phía Tây, vùng biên giới Việt - Lào, hỗ trợ và chuyển dịch đầu tư công nghiệp và đô thị từ vùng đồng bằng ven biển. Trên tuyến bố trí các đô thị động lực của vùng trung du và miền núi, các khu công nghiệp quy mô vừa.
2. Dự báo nhu cầu phát triển tượng đài và tranh hoành tráng:
Khi kinh tế Nghệ An phát triển thì nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao hơn. Trong đó, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể càng được quan tâm. Tượng đài và tranh hoành tráng là những công trình văn hoá công cộng ngoài trời, là nơi giáo dục truyền thống, thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho các du khách và trở thành nhu cầu thiết thực. Đến năm 2030, trình độ học vấn của người dân Nghệ An sẽ cao hơn, sự giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới nhiều hơn. Khi đó nhu cầu của con người sẽ tìm đến những nét đẹp chung của nhân loại và cái đẹp riêng của từng dân tộc. Nghệ thuật tượng đài lúc đó cũng có thể tả thực về con người của lịch sử, nhưng cũng có thể họ đi tìm hình tượng của nhân vật đó qua những nét chạm khắc bằng nghệ thuật ấn tượng, trừu tượng…
1. Quan điểm phát triển:
1.1. Xây dựng quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An đến năm 2030.
1.2. Quy hoạch phải đảm bảo tính khoa học, có giá trị về nghệ thuật, không gian kiến trúc để phát huy được các giá trị văn hóa, tôn vinh được bản sắc văn hóa và con người xứ Nghệ
1.3. Quy hoạch phải gắn với việc tuyên truyền quảng bá, phát triển du lịch và phương thức xã hội hoá.
2. Mục tiêu Đề án
Đến năm 2030, tỉnh Nghệ An có một hệ thống tượng đài và tranh hoành tráng từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã có chất lượng nghệ thuật cao, có không gian phù hợp với kiến trúc cảnh quan, môi trường và phát huy được các giá trị về chính trị, kinh tế và văn hoá - xã hội.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
2.2.1. Xây dựng quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn làm căn cứ pháp lý để quản lý xây dựng, nâng cấp, chuyển chất liệu, sử dụng, duy tu bảo dưỡng những công trình tượng đài theo định hướng thống nhất, đảm bảo tính bản sắc, khoa học từ năm 2014 đến 2030.
2.2.2. Xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn là để cụ thể hoá các hình thức tôn vinh, tưởng niệm, lưu niệm nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hoá của quê hương; giáo dục cho các thế hệ mai sau noi theo gương ông cha để góp phần xây dựng quê hương Nghệ An giàu mạnh, văn minh.
2.2.3. Góp phần làm giàu di sản văn hoá dân tộc, tạo ra không gian điêu khắc và môi trường văn hoá nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mang bản sắc văn hoá xứ Nghệ, phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân và khách du lịch trong và ngoài nước.
II. NGUYÊN TẮC CHUNG CỦA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH
1. Xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể và cảnh quan, kiến trúc đô thị của địa phương.
2. Phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bản sắc vùng miền, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
3. Phải làm rõ nội dung để ưu tiên và phân kỳ đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương; thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của Nhà nước và vai trò xã hội hóa
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI CỦA QUY HOẠCH
1. Đối tượng quy hoạch
1.1. Đối tượng quy hoạch là những công trình tượng đài, tranh hoành tráng được xây dựng ngoài trời nơi công cộng, bao gồm quảng trường, công viên, khuôn viên cảnh quan, trung tâm chính trị - văn hoá, xã hội… có mặt bằng và không gian phù hợp.
1.2. Đối với những công trình tượng đài, tranh hoành tráng có quy mô nhỏ đặt trong các công trình công cộng khác hoặc đặt trong khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… không quy hoạch cho từng công trình cụ thể mà chỉ đưa ra tiêu chí chung về nội dung, điều kiện để triển khai xây dựng; Chưa quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng về tôn giáo và tượng đài cấp xã.
2. Phạm vi quy hoạch
Quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh Nghệ An
IV. TIÊU CHÍ CỦA ĐỀ ÁN QUY HOẠCH
Tượng đài, tranh hoành tráng là những công trình văn hoá nghệ thuật có giá trị nhân văn và mang nhiều nội dung chính trị, xã hội sâu sắc, đòi hỏi những yêu cầu khoa học chặt chẽ về lịch sử, truyền thống, kiến trúc cảnh quan, môi trường và đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ. Bởi vậy, việc quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng phải đảm bảo các tiêu chí sau:
1. Tiêu chí về nội dung:
1.1. Tượng đài nhân vật, sự kiện phải được lịch sử ghi nhận, được nhân dân tôn sùng, đã được xếp hạng di tích, gắn bó mật thiết với cuộc sống phát triển của từng địa phương, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, có ảnh hưởng đến trong nước và quốc tế
1.2. Tượng đài trang trí nghệ thuật: Là công trình tượng đài nghệ thuật, khối biểu tượng thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương trong quá trình xây dựng, hội nhập và phát triển; vườn tượng.
2. Tiêu chí về địa điểm xây dựng:
2.1. Địa điểm xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng ở nơi công cộng nằm trong khu vực trung tâm văn hoá, chính trị, xã hội tại các địa phương gắn liền với không gian kiến trúc, cảnh quan (công viên, vườn hoa, quảng trường ...)
2.2. Trường hợp xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng tại nơi diễn ra sự kiện lịch sử phải xây dựng quy hoạch gắn với phát triển du lịch, không xâm phạm khu vực bảo vệ di tích.
3. Tiêu chí về nghệ thuật:
Phải đạt giá trị thẩm mỹ cao, phải tạo ra được ngôn ngữ điêu khắc hoành tráng, kết hợp dân tộc và hiện đại, khắc hoạ được tâm hồn, tính cách, tư tưởng của từng nhân vật, sự kiện và gợi được sức sống luôn luôn sáng tạo đổi mới, đa phong cách.
4. Tiêu chí về kỹ thuật:
Phải sử dụng chất liệu tốt để đảm bảo tính bền vững. Đội ngũ thi công phải có trình độ chuyên môn giỏi, tay nghề cao.
5. Tiêu chí về kiến trúc:
Quy mô, kiểu dáng phải hài hòa với không gian, cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn, gây ấn tượng đẹp.
6. Tiêu chí xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng có quy mô nhỏ đặt, gắn trong các công trình công cộng khác hoặc đặt trong khuôn viên các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện …
6.1. Về nội dung: không vi phạm các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phải có sự liên quan đến danh nhân, sự kiện với đơn vị, địa điểm nơi dựng tượng đài, tranh hoành tráng.
6.2. Về chủ trương: phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản hoặc của chính quyền địa phương cấp huyện nơi dựng tượng.
6.3. Về diện tích mặt bằng: khuôn viên phải phù hợp với quy mô, kích thước của tượng đài.
6.4. Mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải được Hội đồng nghệ thuật thông qua do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập và cấp giấy phép theo quy định.
V. NỘI DUNG QUY HOẠCH HỆ THỐNG TƯỢNG ĐÀI, TRANH HOÀNH TRÁNG
Trong giai đoạn 2014 - 2030, tỉnh Nghệ An sẽ phát triển tượng đài, tranh hoành tráng theo hướng dân tộc và hiện đại, xây dựng mới và nâng cấp một số công trình tượng đài danh nhân, tượng đài sự kiện lịch sử, tượng đài nghệ thuật, tranh hoành tráng theo tiêu chí đã chọn trên khắp 21 huyện, thành phố, thị xã, cụ thể:
1. Thành phố Vinh
Thành phố Vinh là đô thị loại I, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Miền Trung, có nhiều truyền thống lịch sử và cách mạng, có 75 di tích lịch sử, danh thắng, trong đó có 16 di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời cũng có nhiều tiềm năng di sản văn hóa phi vật thể khác để phục vụ du lịch. Hiện tại thành phố đã có 07 công trình tượng đài, tranh hoành tráng. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch và nâng cấp các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
1.1. Quy hoạch mới:
1.1.1. Biểu tượng “Nghệ An hội nhập và phát triển”:
- Địa điểm: Vòng xuyến giao thông ở ngã ba đường Lê Duẩn - đường Trường Thi - đường Trần Phú.
- Diện tích mặt bằng: 1.000 m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh
1.1.2. Biểu tượng “Làng Đỏ ”:
- Địa điểm: Đảo giao thông ngã tư đường Nguyễn Phong Sắc và đường Nguyễn Duy Trinh
- Diện tích: 600m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh
1.1.3. Biểu tượng “Vinh - Thành phố bình minh” :
- Địa điểm: Vòng xuyến giao thông, ngã tư giao nhau giữa đường 72m và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh
- Diện tích: 1.500m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh.
1.1.4. Vườn tượng số 1:
- Nội dung: Tượng nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt
- Địa điểm: Công viên Hồ Cửa Nam
- Diện tích: 30.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND Thành phố Vinh.
1.1.5. Vườn tượng số 2
- Nội dung: Tượng nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt
- Địa điểm: Công viên Nguyễn Tất Thành
- Diện tích mặt bằng: 5.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh
1.1.6. Tượng đài Ông đồ Nghệ - biểu tượng Nghệ An đất học
- Địa điểm: Khuôn viên Văn miếu Vinh
- Diện tích : 200m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh
1.2. Đầu tư nâng cấp:
1.2.1. Tượng đài Bác Hồ với tuổi trẻ:
- Địa điểm: Trong khuôn viên công viên Nguyễn Tất Thành
- Diện tích : 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND thành phố Vinh
2. Thị xã Cửa Lò
Thị xã Cửa Lò là đô thị du lịch biển hấp dẫn của du khách, là mảnh đất có truyền thống lịch sử, có 20 di tích lịch sử và danh thắng,trong đó có 10 di tích đã xếp hạng quốc gia và của tỉnh. Hiện nay đã có 01 quần thể biểu tượng tranh hoành tráng và cụm tượng đài ở Quảng trường Bình Minh. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
2.1. Quy hoạch mới:
2.1.1. Cụm tượng đài “Cửa Lò xây dựng, hội nhập và phát trển”:
- Địa điểm: Khuôn viên phía Nam cuối đường 72m và đầu chân cầu Cáp treo ra đảo Ngư
- Diện tích khuôn viên: 20.000m2
- Diện tích mặt bằng: 1000m2
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Cửa Lò.
2.1.2. Vườn tượng:
- Địa điểm: Dọc theo bờ biển phía Đông đường Bình Minh
- Nội dung: Đa dạng các tượng đài nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt.
- Đơn vị quản lý: UBND Thị xã Cửa Lò.
2.1.3. Khối biểu tượng, tranh hoành tráng Du lịch Cửa Lò:
- Địa điểm: Phía Đông Nam, ngã ba Quốc lộ 1A với đường từ khu công nghiệp Nam Cấm đi Cửa Lò
- Diện tích mặt bằng: 300m2
- Đơn vị quản lý: UBND tỉnh Nghệ An.
3. Huyện Hưng Nguyên
Hưng Nguyên là huyện có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, có nhiều danh nhân nổi tiếng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Trường Tộ… đặc biệt nơi đây nổ ra sự kiện đàn áp phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Núi Thành, sông Lam vừa là cảnh đẹp vừa là nơi ghi dấu chiến tích Lê Lợi đánh quân Minh. Hiện nay Hưng Nguyên có 111 di tích, trong đó có 28 di tích đã xếp hạng quốc gia và của tỉnh. Trong giai đoạn 2014-2030, quy hoạch các công trình sau:
3.1. Quy hoạch mới:
3.1.1. Cụm tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931:
- Địa điểm: Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thị trấn Thái Lão
- Diện tích quảng trường và tượng đài: 12,9 ha
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Hưng Nguyên.
3.1.2. Tượng đài Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
- Địa điểm: Công viên thanh thiếu nhi Lê Hồng Phong, thị trấn Thái Lão
- Diện tích công viên và tượng đài: 52.200m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Hưng Nguyên
4. Huyện Nam Đàn
Nam Đàn là huyện có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa ; có nhiều cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”; là mảnh đất hiếu học, có nhiều vĩ nhân, danh nhân nổi tiếng như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, đặc biệt có Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Nam Đàn có 170 di tích, trong đó đã được xếp hạng 01 di tích đặc biệt, 26 di tích quốc gia và tỉnh. Hiện nay Nam Đàn đã có tượng đài Phan Bội Châu bằng chất liệu đá cao 5m cả bệ đặt ở khu di tích Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch và nâng cấp các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
4.1. Quy hoạch mới
4.1.1. Tượng đài Mai Hắc Đế:
- Địa điểm: Chân núi Đụn giáp Sân tổ chức lễ hội đền Vua Mai, xã Vân Diên
- Diện tích khuôn viên và tượng đài: 52.500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Nam Đàn
4.1.2. Khối biểu tượng “Làng Sen - Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”
- Địa điểm: Phía Tây Nam ngã ba Quốc lộ 46 rẽ vào quê ngoại Bác Hồ
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: Sở VHTTDL
4.2. Đầu tư nâng cấp:
4.2.1 Tượng đài Phan Bội Châu:
- Địa điểm: Khu di tích cụ Phan Bội Châu, thị trấn huyện Nam Đàn
- Diện tích mặt bằng: 3.500m2
5. Huyện Thanh Chương
Thanh Chương là huyện giáp biên giới nước bạn Lào, đất rộng người đông, có Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, đặc biệt có phong trào Xô Viết năm 1930 - 1931 nổ ra đầu tiên ở xã Võ Liệt. Hiện nay Thanh Chương có 201 di tích, trong đó có 38 di tích đã được xếp hạng quốc gia và của tỉnh. Trong giai đoạn 2014 - 2030, huyện Thanh Chương quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
5.1. Quy hoạch mới
5.1.1 Cụm tượng đài Xô Viết công nông Thanh Chương
- Địa điểm: Sân vận động xã Võ Liệt (theo quy hoạch mới)
- Diện tích khuôn viên: 5.000m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Thanh Chương
5.1.2. Tranh hoành tráng “Tình hữu nghị Việt - Lào”
- Địa điểm: Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ
- Diện tích mặt bằng và khuôn viên: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Thanh Chương
6. Huyện Đô Lương
Đô Lương có 177 di tích, trong đó có 25 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh đã chứng minh mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa. Cách đây gần 1000 năm, Uy minh vương Lý Nhật Quang đã có công khai phá mảnh đất này. Đặc biệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mảnh đất này xuất hiện nhiều phong trào, địa danh nổi tiếng như Khởi nghĩa Đô Lương, Ba ra Đô Lương, Truông Bồn… Hiện nay Đô Lương đã có cụm tượng đài Khởi nghĩa Đô Lương tại vườn hoa thị trấn, tượng đài Truông Bồn chiến thắng ở xã Mỹ Sơn. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
6.1. Quy hoạch mới
6.1.1. Tượng đài Lý Nhật Quang
- Địa điểm: Núi Quả, xã Bồi Sơn, phía sau đền Quả Sơn
- Diện tích khuôn viên: 60.000m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Đô Lương
6.1.2. Cụm tượng đài Ba ra Đô Lương
- Địa điểm: Khu vực phía Đông Bắc Ba ra Đô Lương, xã Tràng Sơn
- Diện tích khuôn viên: 50.000m2 (nằm trong quy hoạch công viên)
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Chất liệu: đá hoặc xi măng cốt thép
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Đô Lương
6.1.3. Đài tưởng niệm TNXP tại Truông Bồn
- Địa điểm: Trong khuôn viên di tích gắn với du lịch văn hóa Truông Bồn
- Đã có quy hoạch, đang triển khai xây dựng
- Chất liệu: đá
- Đơn vị quản lý: Tỉnh đoàn Nghệ An
7. Huyện Tân Kỳ
Tân Kỳ là một huyện miền núi được thành lập từ năm 1963, có 3 dân tộc anh em là Thái, Thổ, Kinh; nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua và có di tích quốc gia Cột mốc số 0. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
7.1 Quy hoạch mới
7.1.1. Cụm tượng đài và tranh hoành tráng “Hậu phương hướng về tiền tuyến”:
(đã được phê duyệt quy hoạch từ năm 2012)
- Địa điểm: Nằm trong khuôn viên Quảng trường thị trấn huyện
- Diện tích khuôn viên: 20.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tân Kỳ
7.1.2. Vườn tượng nghệ thuật:
- Địa điểm: Trong khuôn viên phía sau tượng đài Hậu phương hướng về tiền tuyến
- Diện tích: 20.000m2
- Nội dung: tượng đài trang trí nghệ thuật
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tân Kỳ
8. Huyện Nghi Lộc
Là huyện đồng bằng ven biển nối giáp với thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò, có 88 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 15 di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh thể hiện mảnh đất có truyền thống lịch sử lâu đời. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có biểu tượng và tranh hoành tráng Kênh Nhà Lê ở Nghi Yên, tượng đài Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp. Trong giai đoạn 2014-2030, huyện Nghi Lộc quy hoạch các công trình sau:
8.1. Quy hoạch mới:
8.1.1. Tượng đài Chiến thắng máy bay Mỹ:
- Địa điểm: phía Tây Nam Cầu Cấm, thuộc địa phận xã Nghi Quang (nằm giữa QL1A và sông Cấm)
- Diện tích mặt bằng: 800m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Nghi Lộc
8.2 Nâng cấp tượng đài
8.2.1 Tượng đài, tranh hoành tráng Kênh Nhà Lê
- Địa điểm: Khu vực di tích Kênh Nhà Lê, xã Nghi Yên
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: Sở Giao thông vận tải Nghệ An
9. Huyện Diễn Châu
Diễn Châu là huyện có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, trên 1.300 năm có tên gọi Diễn Châu, nơi Thục An Dương Vương và con gái Mỹ Châu đã tuẫn tiết ở đây. Diễn Châu có 138 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 35 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Nơi đây ghi dấu chiến tích lịch sử bắn rơi máy bay giặc Mỹ đầu tiên của dân quân miền Bắc. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
9.1. Quy hoạch mới
9.1.1. Tượng đài Thục An Dương Vương
- Địa điểm: Sân lễ hội đền Cuông
- Diện tích khuôn viên: 5.000m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Diễn Châu
9.1.2 Tượng đài Diễn Châu - Truyền thống và phát triển
- Địa điểm: Công viên cây xanh Thị trấn Diễn Châu (đã quy hoạch)
- Diện tích khuôn viên: 30.000m2
- Diện tích mặt bằng 400m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Diễn Châu
10. Huyện Yên Thành
Là vùng quê lúa, Yên Thành có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng,văn hóa, đặc biệt còn là mảnh đất hiếu học, có trạng nguyên Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc.. có 195 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 53 di tích đã xếp hạng quốc gia và của tỉnh. Hiện nay Yên Thành đã có tượng đài tưởng niệm 72 chiến sĩ hy sinh ở xã Mỹ Thành và 2 tranh hoành tráng ở nghĩa trang Truông Kè; đang xây dựng tượng đài Phan Đăng Lưu ở thị trấn huyện. Trong giai đoạn 2014-2030, huyện Yên Thành quy hoạch các công trình sau:
10.1. Quy hoạch mới
10.1.1. Tượng đài Phan Đăng Lưu
- Địa điểm và diện tích: đã quy hoạch và đang xây dựng
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Yên Thành
10.1.2. Biểu tượng Yên Thành
- Địa điểm: Khu văn hoá du lịch sông Dinh, thị trấn Yên Thành
- Diện tích khuôn viên: 50.000m2
- Diện tích mặt bằng: 200m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Yên Thành
10.1.3. Tranh hoành tráng “Yên Thành truyền thống và phát triển” (theo hình thức đoạn đường gốm sứ)
- Địa điểm: Cạnh cầu sông Dinh
- Chất liệu: gốm màu, xi măng
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Yên Thành
10.1.4. Vườn tượng:
- Địa điểm: Công viên văn hoá du lịch sông Dinh, thị trấn Yên Thành
- Diện tích công viên: 50.000m2
- Chiều cao tượng: đa dạng
- Chất liệu: đá, xi măng, chất liệu tổng hợp
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Yên Thành
10.2 Nâng cấp:
- Chuyển chất liệu tượng đài 72 chiến sĩ cộng sản hy sinh 1930 - 1931 tại Khu nghĩa trang xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành
11. Huyện Quỳnh Lưu
Quỳnh Lưu là một huyện đồng bằng ven biển, có truyền thống lịch sử lâu đời, có di chỉ đồ đá mới Quỳnh Văn 5000 năm, là vùng đất học, có nhiều danh nhân nổi tiếng như: Hồ Sĩ Dương, Dương Cát Phủ, Phạm Đình Toái, Hồ Tùng Mậu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương… Quỳnh Lưu có 47 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 23 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hiện nay đã có tượng đài Hồ Quý Ly, Hồ Thơm, Hồ Xuân Hương ở di tích nhà thờ họ Hồ xã Quỳnh Đôi. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
11.1. Quy hoạch mới
11.1.1. Tượng đài Hồ Tùng Mậu
- Địa điểm: Khuôn viên khu truyền thống văn hóa xã Quỳnh Đôi
- Diện tích mặt bằng: 200m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quỳnh Lưu
11.1.2 Khối biểu tượng “Quỳnh Lưu - Truyền thống và Phát triển”
- Địa điểm: Phía Tây Nam, ngã tư Thị trấn Cầu Giát
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quỳnh Lưu
12. Thị xã Hoàng Mai
Thị xã Hoàng Mai là một đơn vị hành chính mới thành lập năm 2013, giáp tỉnh Thanh Hóa. Hoàng Mai có 08 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong tương lai, đây là một thị xã công nghiệp gắn liền với kinh tế biển. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
12.1. Quy hoạch mới
12.1.1. Khối tượng đài và tranh hoành tráng “Hoàng Mai xây dựng và phát triển”
- Địa điểm: khu vực Trung tâm thị xã Hoàng Mai
- Diện tích khuôn viên: 3.500m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Hoàng Mai
12.1.2. Biểu tượng “Nghệ An kính chào quý khách”
- Địa điểm: giáp khe Nước Lạnh, xã Quỳnh Vinh
- Diện tích mặt bằng: 200m2
- Đơn vị quản lý: UBND tỉnh Nghệ An
13. Huyện Nghĩa Đàn
Nghĩa Đàn là một huyện miền núi nằm phía Tây bắc tỉnh Nghệ An, có 3 dân tộc anh em là Kinh, Thái, Thổ. Nghĩa Đàn có 02 di tích đã xếp hạng cấp tỉnh. Kinh tế Nghĩa Đàn chủ yếu trồng cây công nghiệp và chăn nuôi bò sữa. Hiện nay đã có một cụm tượng đài nhỏ ở nông trường 1 - 5 cũ. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
13.1. Quy hoạch mới
13.1.1. Cụm tượng đài nghệ thuật “Đoàn kết các dân tộc huyện Nghĩa Đàn”
- Địa điểm: Khu vực quy hoạch Quảng trường huyện Nghĩa Đàn
- Diện tích quảng trường và mặt bằng tượng đài: 5000m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Nghĩa Đàn
14. Thị xã Thái Hoà
Là một thị xã miền núi, Thái Hòa tách ra từ huyện Nghĩa Đàn từ năm 2010; có 2 di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Nơi đây có di chỉ văn hóa Làng Vạc và được tổ chức lễ hội hàng năm. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
14.1. Quy hoạch mới
14.1.1. Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc”
- Địa điểm: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm nông trường Đông Hiếu năm 1961và bia dẫn tích gắn với quy hoạch quảng trường TX Thái Hòa
- Diện tích khuôn viên: 97.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND Thị xã Thái Hòa
14.1.2. Vườn tượng nghệ thuật:
- Địa điểm: tại Khu lâm viên Bàu Sen - Phường Hòa Hiếu
- Diện tích khu lâm viên: 75.000m2
- Nội dung: tượng trang trí nghệ thuật, nghệ thuật sắp đặt
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Thái Hòa
14.1.3. Khối biểu tượng văn hóa Làng Vạc:
- Địa điểm: tại xã Nghĩa Hòa, TX Thái Hòa
- Diện tích sân lễ hội Làng Vạc: 5.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Thái Hòa
15. Huyện Quỳ Hợp
Quỳ Hợp là huyện miền núi cao, được thành lập từ năm 1963, có 3 dân tộc anh em là Thái, Thổ, Kinh, được chọn xây dựng huyện điểm văn hóa từ năm 2001, có 19 di tích trong đó có di tích Bãi Tập nơi nghĩa quân Lê Lợi dừng chân tập trận, có cảnh đẹp hồ Thung Mây huyền thoại. Trong giai đoạn 2014- 2030, quy hoạch các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
15.1. Quy hoạch mới
15.1.1. Cụm tượng đài nghệ thuật “Quỳ Hợp - Truyền thống và Đổi mới”
- Địa điểm: Công viên hồ Thung Mây, thị trấn Quỳ Hợp
- Diện tích khuôn viên: 80.000m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quỳ Hợp
16. Huyện Quỳ Châu:
Quỳ Châu là huyện miền núi cao nằm trong vùng đất cổ Phủ Quỳ, có truyền thống lịch sử lâu đời, có hang Thẳm Ồm di chỉ đồ đá cách đây 2,5 vạn năm, có danh thắng Hang Bua tổ chức lễ hội hàng năm; có Đốc Binh Lang Văn Thiết tướng tài của triều đình Nhà Lê. Quỳ Châu có 14 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích đã xếp hạng quốc gia. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
16.1. Quy hoạch mới
16.1.1 Khối tượng đài “Đốc Binh Lang Văn Thiết”
- Địa điểm: Phía Nam, Sân vận động thị trấn huyện Quỳ Châu
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quỳ Châu
16.1.2. Khối biểu tượng di chỉ văn hóa Thẳm Ồm:
- Địa điểm: Trong khuôn viên sân lễ hội Hang Bua
- Diện tích khuôn viên: 10.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quỳ Châu
17. Huyện Quế Phong
Quế phong là huyện miền núi cao nằm phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, giáp nước bạn Lào, gồm có các dân tộc Thái, Mông, Kinh; có cảnh đẹp thác Sao va, cửa khẩu quốc tế Thông Thụ và Đền Chín gian tổ chức lễ hội hàng năm. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch và nâng cấp các tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
17.1. Quy hoạch mới:
17.1.1: Tranh hoành tráng “Tình hữu nghị Việt Lào”
- Địa điểm: Cửa khẩu Thông Thụ
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quế Phong
17.2. Nâng cấp:
17.2.1. Nâng cấp hai tranh phù điêu hoành tráng (đã có) và xây dựng mới cụm tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc
- Địa điểm: Khối 8, Thị trấn Kim Sơn
- Diện tích mặt bằng: 1000m2
- Diện tích khuôn viên: mở rộng thêm 3.500m2
- Chuyển chất liệu: từ xi măng sang đá
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Quế Phong
18. Huyện Anh Sơn
Anh Sơn là môt huyện miền núi nằm phía Tây nam Nghệ An, có 2 dân tộc Kinh và Thái sinh sống. Huyện Anh Sơn có truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời, có 63 di tích, trong đó có 3 di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, Nơi đây có nghĩa trang hữu nghị Việt - Lào, hàng năm tổ chức Lễ hội Uống nước nhớ nguồn vào dịp 27/7. Trong giai đoạn 2014 - 2030, huyện Anh Sơn quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng sau:
18.1. Quy hoạch mới
18.1.1. Cụm tượng đài “Anh Sơn đoàn kết xây dựng và phát triển”
- Địa điểm: Sân vận động huyện Anh Sơn
- Diện tích khuôn viên: 15.871 m2
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Anh Sơn
18.1.2 Vườn tượng nghệ thuật
- Địa điểm: trong công viên Thanh thiếu nhi huyện Anh Sơn
- Diện tích mặt bằng: 22.517 m2
- Chất liệu: đá, đồng, xi măng, chất liệu tổng hợp
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Anh Sơn
18.2. Nâng cấp
18.2.1. Đài tưởng niệm và phù điêu ở Nghĩa trang Việt Lào
- Địa điểm: trong khuôn viên Nghĩa trang Việt Lào, Thị trấn huyện Anh Sơn
- Diện tích khuôn viên: 80.000 m2
- Đơn vị quản lý: Sở Lao động Thương binh và Xã hội
19. Huyện Con Cuông
Là một huyện miền núi cao ở Con Cuông chủ yếu là người Thái, Kinh, có rừng nguyên sinh Pù Mát, thác Khe Kèm và đặc biệt có di tích bia Ma Nhai một di sản văn hóa độc đáo đời nhà Trần. Con Cuông có 13 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 02 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia. Tại di tích Cây đa Cồn chùa ở xã Môn Sơn thường tổ chức lễ hội hàng năm. Trong giai đoạn 2014 - 2030, huyện Con Cuông quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng sau:
19.1. Quy hoạch mới
19.1.1. Khối biểu tượng “Vườn Quốc gia Pù Mát”
- Địa điểm: Trước nhà hát nhân dân, thị trấn Con Cuông
- Diện tích mặt bằng: 600m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Con Cuông
19.1.2. Tượng đài Đồng bào các dân tộc Con Cuông đấu tranh giành chính quyền
- Địa điểm: xã Môn Sơn
- Diện tích khuôn viên: 5.000m2
- Diện tích mặt bằng tượng đài: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Con Cuông
20. Huyện Tương Dương
Tương Dương là huyện miền núi cao, có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, có 5 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Kinh, Khơ mú, Ơ Đu và người Mông; có 23 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong giai đoạn 2014- 2030, quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
20.1. Quy hoạch mới
20.1.1. Cụm tượng đài nghệ thuật:
- Nội dung: “Đồng bào các dân tộc Tương Dương đoàn kết, xây dựng và phát triển”
- Địa điểm: Trong khuôn viên UBND thị trấn (theo quy hoạch UBND Thị trấn sẽ dời nơi khác)
- Diện tích khuôn viên: 3.500m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Tương Dương
21. Huyện Kỳ Sơn
Kỳ Sơn là huyện biên giới miền núi nằm phía Tây của tỉnh, có 5 dân tộc chung sống là Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh; có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, có 5 di tích, trong đó di tích Pu Nhạ Thầu ở xã Hữu Kiệm tổ chức lễ hội hàng năm. Trong giai đoạn 2014 - 2030, quy hoạch các công trình tượng đài, tranh hoành tráng như sau:
21.1. Quy hoạch mới
21.1.1. Tranh hoành tráng “Tình Việt Lào anh em”
- Địa điểm: phía Đông Bắc Cửa Khẩu Nậm Cắn
- Diện tích mặt bằng: 500m2
- Đơn vị quản lý: UBND tỉnh Nghệ An
21.1.2 Khối tượng bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kỳ Sơn
- Địa điểm: Trong khu vực sân vận động huyện
- Diện tích khuôn viên: 3.000m2
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Kỳ Sơn
CÁC GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giải pháp về cơ chế quản lý
1.1.1. Giải pháp về tăng cường quản lý Nhà nước
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật, đảm bảo thực hiện đúng quy trình về cấp phép, phê duyệt dự án và quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng. Tổ chức giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng tượng đài đảm bảo đúng chất lượng mỹ thuật và phản ánh đúng giá trị, ý nghĩa lịch sử và nội dung tượng đài, tranh hoành tráng, không phá vỡ cảnh quan chung.
1.1.2 .Giải pháp về cơ chế chính sách
Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây mới tượng đài, tranh hoành tráng; Cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí; xã hội hóa đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng.
1.2.3. Tổ chức tuyên truyền, xây dựng ý thức văn minh, văn hoá của cộng đồng gắn với trách nhiệm gìn giữ công trình của nhân dân…
2. Giải pháp về quản lý xây dựng
1.2.1 Quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng
- Thực hiện theo Luật xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện theo Luật xây dựng.
- Thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước về xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng về vấn đề chủ đầu tư công trình, dự án đầu tư, lập dự toán công trình, chỉ định thầu, giám sát chỉ đạo nghệ thuật, thi công và nghiệm thu công trình.
1.2.2. Quản lý về quy hoạch đất đai, xây dựng phương án bảo quản, tu bổ, nâng cấp, chuyển chất liệu, khai thác sử dụng hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng sau khi được phê duyệt.
1.2.3. Xây dựng cơ chế, quy định, phân công, phân cấp quản lý, chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất về tình hình sử dụng công trình tại địa phương để kịp thời sửa chữa, khắc phục các hư hỏng.
3. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư:
1.3.1. Đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng được đầu tư xây dựng mới, bảo quản, tu bổ, nâng cấp, chuyển chất liệu sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, các ngành, các địa phương căn cứ vào quy hoạch lập dự án và giải pháp về nguồn vốn trình UBND tỉnh phê duyệt, từ các nguồn vốn sau:
- Nguồn vốn xin hỗ trợ ngân sách Nhà nước Trung ương
- Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh
- Nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện
- Nguồn vốn huy động xã hội hoá từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong, ngoài nước và của nhân dân đóng góp.
Căn cứ vào từng công trình cụ thể và khả năng cân đối ngân sách hàng năm, UBND tỉnh cấp nguồn vốn triển khai xây dựng.
1.3.2. Đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng được đầu tư xây dựng không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: UBND tỉnh quản lý về nội dung, quy hoạch, quy trình thực hiện và chất lượng nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
1.3..3. Đối với những tượng đài, tranh hoành tráng có nội dung chính trị đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tỉnh sẽ đầu tư về kinh phí trên cơ sở lập dự án triển khai cụ thể.
1.3.4. Đối với các công trình tượng đài, tranh hoành tráng khác thì các địa phương đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách cấp huyện và các nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ tùy theo trường hợp đặc biệt.
II. PHÂN KỲ ĐẦU TƯ VÀ KHÁI TOÁN KINH PHÍ
1. Phân kỳ đầu tư
1.1. Các nguyên tắc về phân kỳ đầu tư:
1.1.1. Căn cứ vào nhiệm kỳ Đại hội của Đảng các cấp và kế hoạch Nhà nước 5 năm, Đề án quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng được phân chia 3 giai đoạn cụ thể:
+ Giai đoạn I: từ 2014 – 2020
+ Giai đoạn II: từ 2021 – 2025
+ Giai đoạn III: từ 2026 – 2030
1.1.2. Đảm bảo tính khả thi về vốn dựa trên nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm phân bổ cho các ngành, các địa phương.
1.1.3. Đảm bảo tính dàn trải trên diện rộng, ưu tiên những địa phương chưa có hoặc có ít, các công trình tượng đài được làm trước. Đối với các tượng đài đã có, ưu tiên nguồn vốn trong giai đoạn đầu để nâng cấp, sửa chữa, nhằm phát huy giá trị công trình, chống xuống cấp, đem lại hiệu quả ngay, số vốn đầu tư không cao. Trong quá trình thực hiện dự án quy hoạch, có thể bổ sung đầu tư nâng cấp, sửa chữa đối với các công trình còn lại.
1.1.4. Các dự án có quy mô không nhiều, nên được xem xét bố trí thực hiện trong các giai đoạn khác nhau nhằm giảm áp lực về nguồn vốn. Trong phân kỳ đầu tư, đối với các công trình có quy mô nhỏ được sắp xếp xây dựng trong các giai đoạn một cách tương đối. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể đối với các địa phương có khả năng huy động vốn, có thể bố trí, sắp xếp, điều chỉnh nhằm tránh việc lãng phí nguồn vốn này để đi đến hiệu quả.
1.1.5 Đối với tượng đài danh nhân là lãnh tụ Đảng và Nhà nước và cụm tượng đài sự kiện lịch sử quan trọng, là loại hình tượng đài đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư về ngân sách, đảm bảo thời gian, chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng.
1.2. Phân kỳ đầu tư cho những công trình cụ thể sau:
1.2.1 Tượng đài, tranh hoành tráng quy hoạch mới:
* Giai đoạn I (2014-2020):
- Các công trình đang triển khai: Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh (huyện Hưng Nguyên); Tượng đài Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành); Tượng đài Hậu phương hướng về tiền tuyến (huyện Tân Kỳ); Đài tưởng niệm TNXP Truông Bồn (huyện Đô Lương)
- Các công trình quy hoạch mới: Biểu tượng Nghệ An hội nhập và phát triển (TP Vinh); Tượng đài Mai Hắc Đế; Biểu tượng “ Làng Sen - Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh” (huyện Nam Đàn); Biểu tượng Nghệ An kính chào quý khách (T.X. Hoàng Mai); Phù điêu Tình Việt - Lào (huyện Kỳ Sơn); Biểu tượng Yên Thành (huyện Yên Thành); Tượng đài Ba ra Đô Lương (huyện Đô Lương); Biểu tượng, tranh hoành tráng Du lịch Cửa Lò.
- Vườn tượng nghệ thuật số 1 (TP. Vinh); Vườn tượng nghệ thuật (TX. Cửa Lò)
* Giai đoạn II (2021 - 2025): Tượng đài Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên); Tượng đài Xô Viết công nông (huyện Thanh Chương); Tượng đài Ông đồ Nghệ - Nghệ An đất học; Biểu tượng Vinh - Thành phố bình minh (TP. Vinh); Biểu tượng “ Cửa Lò xây dựng hội nhập và phát triển” (TX. Cửa Lò); Tượng đài Thục An Dương Vương (huyện Diễn Châu); Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc (TX. Thái Hòa); Tượng đài các dân tộc Tương Dương đoàn kết, xây dựng, phát triển (huyện Tương Dương); Tượng đài chiến thắng máy bay Mỹ (huyện Nghi Lộc); Tranh hoành tráng Tình hữu nghị Việt - Lào (huyện Thanh Chương); Biểu tượng “Rừng quốc gia Phù Mát “(huyện Con Cuông); Khối biểu tượng “Quỳnh Lưu - Truyền thống và Phát triển” (huyện Quỳnh Lưu); Tượng đài “Quỳ Hợp truyền thống và đổi mới” (huyện Quỳ Hợp); Tranh hoành tráng Yên Thành truyền thống và phát triển (huyện Yên Thành);
- Vườn tượng nghệ thuật số 2 (TP. Vinh); Vườn tượng nghệ thuật (Yên Thành);
* Giai đoạn III (2026 - 2030): Tượng đài Hồ Tùng Mậu (huyện Quỳnh Lưu); Tượng đài “Đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn đoàn kết xây dựng phát triển” (huyện Kỳ Sơn); Tranh hoành tráng “Tình hữu nghị Việt - Lào” (huyện Quế Phong); Biểu tượng di chỉ văn hóa Thẳm Ôm (huyện Quỳ Châu); Tượng đài Anh Sơn truyền thống và đổi mới (huyện Anh Sơn); Tượng đài đồng bào các dân tộc Con Cuông đoàn kết xây dựng và phát triển (huyện Con Cuông); Biểu tượng di chỉ văn hóa Làng Vạc (TX. Thái Hòa); Tượng đài Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương); Tượng đài Diễn Châu truyền thống và phát triển (huyện Diễn Châu); Khối biểu tượng Hoàng Mai xây dựng, phát triển (TX. Hoàng Mai); Đốc binh Lang Văn Thiết (huyện Quỳ Châu); Tượng đài các dân tộc Nghĩa Đàn đoàn kết, xây dựng, phát triển (huyện Nghĩa Đàn); Biểu tượng Làng Đỏ (T.P. Vinh);
- Vườn tượng nghệ thuật (huyện Tân Kỳ); Vườn tượng nghệ thuật (huyện Anh Sơn); Vườn tượng nghệ thuật (Thị xã Thái Hòa)
1.2.2. Nâng cấp tượng đài, tranh hoành tráng:
* Giai đoạn 2014 - 2020: Nâng cấp biểu tượng Kênh Nhà Lê (huyện Nghi Lộc); Nâng cấp Đài tượng niệm và phù điêu ở Nghĩa trang Việt Lào (huyện Anh Sơn); Nâng cấp tượng đài Bác Hồ với tuổi trẻ ở công viên Nguyễn Tất Thành (TP Vinh).
*Giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cấp chuyển chất liệu đá Tranh hoành tráng (huyện Quế Phong); Nâng cấp chuyển chất liệu Đài tưởng niệm 72 chiến sĩ cộng sản hy sinh 1930 - 1931 (huyện Yên Thành);
*Giai đoạn 2026 - 2030: Nâng cấp tượng đài Phan Bội Châu (Nam Đàn);
2. Khái toán kinh phí quy hoạch mới và nâng cấp tượng đài, tranh hoành tráng:
2.1 Kinh phí quy hoạch mới hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 – 2030, dự kiến 460 tỷ đồng, trong đó:
+ Giai đoạn 1: 140 tỷ đồng
+ Giai đoạn 2: 160 tỷ đồng
+ Giai đoạn 3: 160 tỷ đồng
2.2 Kinh phí nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng đã có trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030, dự kiến 30 tỷ đồng, trong đó:
+ Giai đoạn 1: 15 tỷ đồng
+ Giai đoạn 2: 10 tỷ đồng
+ Giai đoạn 3: 05 tỷ đồng
Nguồn vốn đầu tư bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn xã hội hóa trong và ngoài nước.
1. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
1.1. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho việc bảo quản, tu bổ, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng đã được xây dựng.
1.2. Tuyên truyền phổ biến quy hoạch, kiểm tra đôn đốc UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện quy hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
1.3. Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng nghệ thuật thẩm định chất lượng mỹ thuật việc xây dựng, tu bổ, chuyển chất liệu các công trình tượng đài, tranh hoành tráng trên địa bàn tỉnh.
1.4. Tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép xây dựng phần mỹ thuật các công trình tượng đài, tranh hoành tráng thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Bố trí phân bổ nguồn lực bảo đảm để thực hiện Quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn xây dựng cơ bản để thực hiện quy hoạch.
3. Sở Tài chính:
Cân đối ngân sách bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện quy hoạch, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp và xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng.
4. Sở Xây dựng:
Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện quy hoạch; thẩm định quy hoạch xây dựng, bảo quản, tu bổ, chuyển chất liệu các công trình tượng đài, tranh hoành tráng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp xây dựng quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, xác định rõ ràng và cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất giành cho xây dựng công trình tượng đài, tranh hoành tráng.
6. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
6.1. Phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đơn vị tư vấn khảo sát, lập quy hoạch cụ thể và thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch tượng đài, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
6.2. Bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng các công trình tượng đài, tranh hoành tráng theo đúng tiêu chí của quy hoạch này.
6.3. Xây dựng kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương và huy động xã hội hoá cho các dự án xây dựng, bảo quản, tu bổ, chuyển chất liệu tượng đài, tranh hoành tráng tại địa phương phù hợp với quy hoạch.
UBND TỈNH NGHỆ AN
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.