ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 721/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 05 tháng 05 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TÁI CẤU TRÚC TRƯỜNG CAO ĐẲNG BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2045”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014; Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, Phiên họp thứ 7/2023 tại Thông báo số 1190-TB/TU ngày 08 tháng 3 năm 2023;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 78/TTr-SLĐTBXH ngày 13 tháng 4 năm 2023 về việc phê duyệt Đề án tái cấu trúc Trường Cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2045; theo thống nhất của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Phiếu trình ngày 26/4/2023 của Văn phòng UBND tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án tái cấu trúc Trường Cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2045.
Điều 2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bình Phước; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành, kể từ ngày ký./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
TÁI CẤU TRÚC
TRƯỜNG CAO ĐẲNG BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2045
(Kèm theo Quyết định số: 721/QĐ-UBND ngày 05 tháng 05 năm 2023 của
UBND tỉnh)
Phần 1
SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT
1. Đặc điểm tình hình
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối hết sức thuận lợi và giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Vương quốc Campuchia. Với vị trí địa lý, đặc điểm về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên sức hút để các đối tác trong và ngoài nước chọn Bình Phước là điểm đến đầu tư và phát triển.
Toàn tỉnh Bình Phước có tổng số 13 khu Công nghiệp và Khu kinh tế cửa khẩu, nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng rất lớn nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường công nghiệp và dịch vụ, gắn đào tạo với sử dụng, với thị trường lao động.
2. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Bình Phước với định hướng phát triển là tỉnh công nghiệp, đang đón đầu các làn sóng đầu tư để phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực đang là một điểm nghẽn lớn cả về số lượng và chất lượng. Trong kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh, doanh nghiệp đánh giá rất thấp đối với nguồn nhân lực của tỉnh, vấn đề khát lao động có trình độ là một vấn đề nóng, bức xúc hiện nay của các doanh nghiệp cần được tháo gỡ ngay để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động hiện nay và xu hướng phát triển tất yếu của tỉnh trong thời gian tới. Do vậy “Đề án tái cấu trúc Trường Cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2045” là rất cần thiết.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014.
2. Luật Giáo dục ngày 16/6/2019.
3. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
4. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
5. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
7. Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
8. Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ Quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
9. Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
10. Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.
11. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
12. Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ ban hành quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
13. Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến 2030.
14. Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
15. Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
16. Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ.
17. Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
18. Thông tư số 27/2019/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.
19. Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
20. Thông tư số 15/2021/TT-BLĐTBXH ngày 21/10/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ trường cao đẳng.
18. Thông tư số 05/2022/TT-BLĐTBXH ngày 05/4/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
21. Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 và Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
22. Quyết định số 1685/QĐ-LĐTBXH ngày 11/11/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Trường Cao đẳng Y tế Bình Phước vào Trường Cao đẳng Nghề Bình Phước và đổi tên thành Trường Cao đẳng Bình Phước.
Phần 2
THỰC TRẠNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG BÌNH PHƯỚC
I. THỰC TRẠNG
1. Ngành nghề, chương trình đào tạo
1.1 Ngành nghề: Trường Cao đẳng Bình Phước tổ chức đào tạo 26 ngành/nghề sau:
- Bậc cao đẳng (09 ngành/nghề): Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Công nghệ ôtô; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Kế toán doanh nghiệp; Giáo dục mầm non; Dược; Hộ sinh và Điều dưỡng.
- Bậc trung cấp (11 ngành/nghề): Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp; Công nghệ ôtô; Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm); Kế toán doanh nghiệp; Cơ khí chế tạo (Cắt gọt kim loại); Y sỹ; Điều dưỡng; Hộ sinh; Dược; Kỹ thuật xét nghiệm Y học.
- Bậc sơ cấp (06 ngành/nghề): Lắp đặt điện cho cơ sở sản xuất nhỏ; Sửa chữa xe máy; Sửa chữa máy tính phần cứng; Hàn điện; Tiện; Lái xe ô tô các hạng B1, B2, C.
Đối với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013 đến nay Trường không thực hiện do không đủ biên chế; Trường tập trung đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng.
1.2 Chương trình đào tạo:
- Chương trình đào tạo được xây dựng theo Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH ngày 01/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
- Trường thực hiện công tác tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các ngành/nghề đào tạo, thời gian 03 năm thực hiện kiểm định một lần, đặc biệt là các ngành trọng điểm tại Trường.
- Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Trường tổ chức xây dựng chương trình đào tạo đúng quy trình, có sự tham gia của nhà giáo, cán bộ quản lý, được tham khảo từ trường đại học, cao đẳng các uy tín và phản hồi từ các phiếu tham khảo ý kiến và phiếu khảo sát năng lực của các cơ quan, doanh nghiệp.
2. Kết quả tuyển sinh và đào tạo
2.1. Về kết quả tuyển sinh:
- Giai đoạn 2015-2021, kết quả tuyển sinh cao đẳng và trung cấp là 4.298 HSSV trong đó khối nghề 1.826 HSSV, khối y dược 2.016 HSSV và khối sư phạm là 456 SV. Đối với khối nghề, tuyển sinh chủ yếu hệ trung cấp (mỗi năm trung bình khoảng 230 HSSV), tuyển sinh hệ cao đẳng còn rất thấp, bình quân mỗi năm khoảng 20-40 em, từ 2020 đến nay không tuyển được (Phụ lục 1).
- Tuyển sinh đào tạo liên kết trình độ từ cao đẳng lên đại học. Tổng số 478 SV thuộc các ngành Điều dưỡng, Y tế công cộng, Sư phạm mầm non.
2.2. Về kết quả đào tạo:
- Kết quả đào tạo từ 2015-2020, số lượng HSSV tốt nghiệp đạt kết quả chưa cao so với số lượng đầu vào.
- HSSV khối nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm, chiếm tỉ lệ cao; SV khối Sư phạm và khối Sức khỏe có việc làm đạt khoảng 50%, còn lại sinh viên làm việc không đúng với chuyên ngành và công việc không ổn định.
3. Về tổ chức bộ máy
- Tổng số biên chế được giao là 158 viên chức và 05 hợp đồng theo Nghị định 68. Trường đã thực hiện 132 biên chế là viên chức và 03 hợp đồng theo Nghị định 68.
- Về trình độ chuyên môn: 02 tiến sĩ, 67 thạc sĩ và tương đương, 59 đại học, 02 cao đẳng, 02 trung cấp, 03 khác (Phụ lục 2).
Bộ máy của Trường được tổ chức, phân cấp như sau:
3.1. Hội đồng trường:
Hội đồng trường gồm Chủ tịch, Thư ký và 13 thành viên, là đại diện cho cơ quan chủ quản của Trường, Ban Giám hiệu và Trưởng một số đơn vị trực thuộc Trường. Tuy nhiên, hiện nay Hội đồng trường chỉ còn lại 08/15 thành viên (do một số thành viên nghỉ hưu, nghỉ việc và chuyển công tác).
3.2. Ban Giám hiệu: 01 Hiệu trưởng, 03 Phó Hiệu trưởng.
3.3. Các phòng chức năng: 04 phòng với 41 viên chức, 03 HĐ68
- Phòng Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch (15 viên chức và 03 HĐ68).
- Phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (12 viên chức).
- Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (06 viên chức).
- Phòng Công tác học sinh - sinh viên (08 viên chức).
3.4. Các khoa chuyên môn: 05 khoa với 87 biên chế
- Khoa Sư phạm (21 viên chức).
- Khoa Khoa học cơ bản (23 viên chức).
- Khoa Y - Dược (16 viên chức).
- Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (22 viên chức).
- Khoa Kinh tế và Nông lâm (05 viên chức).
3.5. Đơn vị trực thuộc Trường:
Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và lái máy chuyên dùng: Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc trường. Bộ máy với 100% là hợp đồng lao động, trong đó: 01 Phó Giám đốc phụ trách, 03 nhân viên và 37 giáo viên. Hiện nay, Trung tâm hoạt động, điều hành giao thẩm quyền cho Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (có phân cấp cho giám đốc trung tâm), lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản theo quy định, thì chia cổ tức cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn (tỷ lệ góp vốn của Trường là 41,5 %, cổ đông còn lại là 58,5%). Trung tâm đã tự chủ tài chính 100% kể từ năm 2011.
3.6. Các hội đồng tư vấn gồm:
- Hội đồng Đào tạo.
- Hội đồng xây dựng và thẩm định chương trình, giáo trình.
- Hội đồng thi đua, khen thưởng.
- Các hội đồng khác.
3.7. Các tổ chức Đảng, đoàn thể:
- Đảng bộ Trường: Trường có 07 chi bộ với 111 đảng viên (tỷ lệ 83,4% trên tổng số cán bộ, viên chức).
- Công đoàn Trường: Với 07 tổ công đoàn, 135 công đoàn viên.
- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: 07 đoàn viên thanh niên, tỷ lệ 5,3% trong tổng số cán bộ, viên chức trong tuổi đoàn.
- Hội Chữ thập đỏ: 01 Chi hội, với 135 hội viên, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
4. Về trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất
4.1. Trụ sở và cơ sở vật chất (Phụ lục 03):
Trường có 03 trụ sở đào tạo (Tổng diện tích đất của 3 cơ sở: 266.996,6 m2).
- Trụ sở chính: Quốc lộ 14, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Trường Cao đẳng Sư phạm cũ), với diện tích đất là 186.128 m2, hiện đang sử dụng là nơi làm việc của Ban Giám hiệu, các phòng, khoa Sư phạm, khoa Y - Dược và khoa Khoa học cơ bản.
- Cơ sở 2: Xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (Trường Cao đẳng Nghề cũ), với diện tích đất là: 43.577,8 m2. Hiện đang sử dụng phục vụ cho đào tạo nghề của khoa Kỹ thuật và Công nghệ, khoa Kinh tế và Nông lâm.
- Cơ sở 3: Phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (Trường Cao đẳng Y tế cũ), với diện tích đất là 37.288,8m2. Tạm thời không hoạt động từ tháng 01/2022.
4.2. Trang thiết bị:
Đối với trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo nhóm ngành kỹ thuật: Trang thiết bị, phôi vật tư thực hành được bổ sung nhưng vẫn còn ít so với các quy định của BLĐTBXH về danh mục thiết bị tối thiểu trong đào tạo nghề. Đa phần trang thiết bị máy móc hiện có đối với nhóm nghề kỹ thuật chưa đồng bộ, kém chất lượng, lạc hậu, chỉ mới đáp ứng khoảng 50% so với yêu cầu của BLĐTBXH, trong khi các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế đòi hỏi cần phải có sự đầu tư đồng bộ, hiện đại về cơ sở vật chất.
Đối với trang thiết bị, máy móc phục vụ đào tạo nhóm ngành sức khỏe: Trường được đầu tư đảm bảo tương đối đủ và hiện đại theo định mức trang thiết bị dành cho các đối tượng đào tạo như: Cao đẳng Điều dưỡng, Cao đẳng Hộ sinh, Cao đẳng Dược, Kỹ thuật xét nghiệm, Y sỹ.
4.3. Về tài chính: Đến thời điểm hiện nay, Trường là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
5. Đánh giá chung
5.1. Kết quả:
- Về chất lượng đào tạo: chất lượng HSSV được đánh giá tương đối tốt về kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và thái độ tốt trong lao động.
- Chương trình đào tạo: Thực hiện theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Cơ hội việc làm của HSSV: Đa số HSSV khối Nghề sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và thu nhập ổn định; được các Doanh nghiệp đánh giá cao về kỹ năng nghề nghiệp của HSSV Nhà trường đào tạo.
5.2. Tồn tại, hạn chế:
- Quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo của Trường còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Quy mô đào tạo được cấp phép từ năm 2011, đến nay chưa đề xuất mở rộng phù hợp thực tiễn. Hoạt động của Trường nhiều năm không hiệu quả so với nguồn lực được giao.
- Công tác tuyển sinh: Kết quả tuyển sinh không đạt chỉ tiêu được giao, có xu hướng giữ mức hoặc giảm, riêng năm 2021-2022 kết quả tuyển sinh giảm sâu (giảm 40% so với năm trước liền kề). Đối với hệ cao đẳng khối nghề, số lượng tuyển sinh toàn trường chỉ đạt khoảng 20-40 học viên/năm; năm 2020-2021 không tuyển sinh được trong khi xã hội vẫn có nhu cầu rất lớn; Trường chỉ tuyển sinh và đào tạo được 2 ngành Cao đẳng Giáo dục Mầm non và Cao đẳng Dược.
- Chương trình đào tạo: Chủ yếu theo khung tiêu chuẩn, chưa chủ động, tích cực hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo.
- Máy móc thiết bị: Trang thiết bị lạc hậu chưa đáp ứng yêu cầu học tập và sản xuất.
- Cơ sở vật chất, hạ tầng: Đã sử dụng nhiều năm, hiện nay đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu đào tạo. Về cơ sở hạ tầng Trường Cao đẳng Bình Phước đang xây dựng tại Khu Công nghiệp Becamex - Chơn Thành, được đầu tư giai đoạn 1 là tòa nhà gồm 12 tầng dùng để làm việc văn phòng và giảng dạy lý thuyết. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục, các cơ quan liên quan đang tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Sau khi các thủ tục được tháo gỡ, tỉnh sẽ tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
- Về nhân lực: Số lượng giảng viên đào tạo khối Nghề còn thiếu, giảng viên đào tạo khối Sư phạm thừa, nhiều giảng viên không đủ giờ giảng chuẩn được giao hằng năm.
- Trường chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường đào tạo nghề của cả nước, uy tín của Trường bị suy giảm nghiêm trọng do những yếu tố lịch sử, những tồn tại của Trường Cao đẳng Nghề cũ.
5.3. Nguyên nhân:
5.3.1. Nguyên nhân khách quan:
- Tình hình dịch Covid -19 kéo dài nhiều đợt ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tuyển sinh và đào tạo.
- Tâm lý, tư tưởng của phụ huynh và học sinh còn nặng về bằng cấp, đa phần học sinh nếu đã tốt nghiệp THPT đều chọn vào học các trường đại học, một phần rất nhỏ mới chọn học hệ cao đẳng.
- Tuyển sinh Khối Y - Dược khó khăn vì SV tốt nghiệp đi làm với mức lương cơ bản thấp so với các ngành khác.
- Sau sáp nhập 3 trường, việc nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật đối với 3 nhóm ngành nghề đào tạo còn gặp khó khăn do một số hướng dẫn, quy định của cấp trên về công tác chuyên môn còn chồng chéo. Vị trí địa lý 3 cơ sở cách xa nhau gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành.
5.3.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Sự sáp nhập mang tính cơ học, tỉnh chưa có sự hướng dẫn và Trường cũng chưa chủ động đề xuất, báo cáo kịp thời giải pháp tháo gỡ về cơ chế quản lý, cơ chế phối hợp, cơ chế kiểm soát trong bộ máy của 3 Trường: Sư phạm, Y tế và Nghề.
- Phương pháp tuyển sinh của Trường còn hạn chế, toàn Trường chưa chủ động sáng tạo, chưa tích cực trong công tác tuyên truyền.
- Quy mô ngành nghề đào tạo: Công tác quy hoạch ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế nên việc xác định nhu cầu đào tạo gặp khó khăn, Trường chưa quyết tâm, chủ động trong đề xuất cấp có thẩm quyền tăng chỉ tiêu đào tạo (chỉ tiêu được giao từ năm 2017 đến nay không thay đổi, mỗi ngành đào tạo chỉ được giao từ 20-30 HSSV khối nghề, 70 HSSV đối với Dược và Sư phạm) gây cản trở về cơ chế trong công tác tuyển sinh.
- Công tác quản lý còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, đôi khi tùy tiện dẫn đến nhiều sai phạm về giờ giảng và tài chính.
- Việc phối hợp để xây dựng cơ sở mới tại KCN Becamex - Chơn Thành chưa chặt chẽ. Tại thời điểm thực hiện dự án, chiến lược phát triển của Trường chưa được định hướng như hiện tại, nên việc thiết kế chưa phù hợp cho hoạt động của Trường trong giai đoạn tới.
II. BỐI CẢNH, XU THẾ PHÁT TRIỂN, THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Bối cảnh, xu thế phát triển
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục nói chung và GDNN nói riêng; nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ. GDNN là lĩnh vực có quan hệ mật thiết và trực tiếp nhất với thị trường lao động.
2. Tình hình thị trường lao động
Giai đoạn 2019 - 2021, thị trường lao động cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch, tình trạng người lao động từ thành phố lớn để trở về quê với số lượng lớn (hơn 1,3 triệu người), gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp. Đội ngũ cán bộ y tế nghỉ việc do áp lực công việc rất lớn, quá tải trong công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh Covid-19 tại cơ sở y tế và tại nhà; do sức khỏe không đảm bảo dẫn đến thiếu nguồn nhân lực.
Tại Bình Phước, ngoài sự thiếu hụt lao động do tác động của đại dịch, thị trường lao động của tỉnh còn thiếu hụt do sự chuyển dịch kinh tế của tỉnh. Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025; đến năm 2025, cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp với sự mở rộng các KCN tập trung và mỗi huyện có từ 01 đến 03 cụm công nghiệp. Trong giai đoạn này, mỗi năm tỉnh cần bổ sung mới từ 15.000 đến 17.000 lao động nội tỉnh, bổ sung thêm 5.000 lao động ngoại tỉnh để đạt khoảng 20.000 lao động mới/năm, trong đó yêu cầu có trình độ từ trung cấp, cao đẳng trở lên bình quân mỗi năm từ 1.000 - 2.000 người/năm.
Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng, lao động giai đoạn 2022-2025 cần là gần 25.000 lao động đã qua đào tạo, chia theo trình độ khác nhau (Phụ lục 4).
Theo khảo sát của Sở Y tế về dự báo nhu cầu bác sĩ và nhân lực chuyên môn y tế; đến năm 2030, nhu cầu cần thêm 400 bác sĩ đa khoa, các chức danh chuyên môn y tế khác như điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, y sĩ… dự kiến cần bổ sung thêm 700 người.
Về nhu cầu giáo viên sư phạm, giáo viên mầm non: Theo quy định của BGD&ĐT tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở phải có bằng Cử nhân trở lên kể từ ngày 20/3/2021, do vậy xã hội không còn nhu cầu đào tạo trình độ cao đẳng sư phạm. Đối với giáo viên mầm non, với xu thế phát triển công nghiệp, yêu cầu tăng cường thiết chế phục vụ cho người lao động đặc biệt là các trường mầm non, nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non là rất cần thiết. Theo số liệu khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh cần bổ sung khoảng 300 giáo viên mầm non để đáp ứng nhu cầu hiện tại, chưa kể đến nhu cầu khá lớn ở các tỉnh lân cận.
3. Cơ hội và thách thức đối với chiến lược phát triển của Trường
3.1. Cơ hội:
- Đào tạo GDNN được sự tập trung chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đặt ở vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tại tỉnh, GDNN được xác định là lĩnh vực trọng tâm, cốt lõi trong đào tạo tạo nguồn nhân lực, do vậy được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, được bố trí nguồn lực kịp thời để đầu tư phát triển.
- Nhu cầu về công nhân kỹ thuật, lao động qua đào tạo hiện đang rất lớn; tỷ lệ học sinh phân luồng tăng dần hàng năm, dư địa để đầu tư GDNN của tỉnh còn rất lớn.
3.2 Thách thức:
- Xuất phát điểm của Trường còn khá thấp (quy mô, ngành nghề, số lượng, chất lượng nguồn giảng viên…), nếu Trường không có sự đột phá thì sẽ bị tụt hậu ngay cả trong địa bàn tỉnh.
- Tái cấu trúc liên quan đến tổ chức, bộ máy, con người, Trường phải đối mặt với nhiều vấn đề vừa giải quyết thỏa đáng nguyện vọng cán bộ, viên chức, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển.
- Tỉnh Bình Phước nằm rất gần với khu vực phát triển mạnh về giáo dục (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương), áp lực cạnh tranh rất lớn trong công tác tuyển sinh.
Phần 3
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG ÁN TÁI CẤU TRÚC
I. QUAN ĐIỂM
Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, không chủ quan, nóng vội nhưng khẩn trương và quyết tâm cao, bám sát các chủ trương, quyết sách phát triển của tỉnh Bình Phước làm cơ sở cho chiến lược, kế hoạch và mục tiêu, tạo sự đồng thuận của tập thể Nhà trường và xã hội.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đổi mới toàn diện, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, cơ sở vật chất của Nhà trường, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu và uy tín của Trường, tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được giao.
2. Mục tiêu cụ thể
- Năm 2023
+ Về quy mô tuyển sinh dự kiến đạt 2.840 HSSV (Cao đẳng: 350 HSSV, trung cấp: 490 HSSV, Sơ cấp 1.700 HV, TX 300 HV), trong đó tập trung tuyển sinh các ngành nghề trọng điểm mà hiện nay nhu cầu của các Doanh nghiệp đang cần như: Cơ khí, Điện công nghiệp, Công nghệ ôtô, Điện tử công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp....
+ Mở 02 ngành mới: Tiếng Anh thương mại và tiếng Trung.
+ Ký kết hợp tác đào tạo với ít nhất 04 doanh nghiệp.
+ Dự kiến tuyển mới 16 GV cho các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, nâng tổng biên chế của Trường lên: 126 VC.
+ 100% giảng viên 5 nghề trọng điểm đạt chuẩn về trình độ tin học, chứng chỉ kỹ năng nghề theo Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Mức tự chủ chi thường xuyên của Trường đạt từ 36% trở lên.
+ Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các ngành mới theo lộ trình.
- Năm 2024
+ Về quy mô tuyển sinh dự kiến đạt 4.440 HSSV (Cao đẳng: 595 HSSV, trung cấp: 770 HSSV, sơ cấp 2.725 HV, TX 350 HV).
+ Mở 03 ngành mới: Cơ điện tử, Cơ khí chế tạo, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không kh.
+ Ký kết hợp tác đào tạo với ít nhất 07 doanh nghiệp.
+ Dự kiến tuyển mới 25 GV cho các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, nâng tổng biên chế của Trường lên: 151 VC.
+ 03 chương trình đào tạo ngành, nghề trọng điểm đạt chuẩn kiểm định cấp độ quốc gia;
+ Mức tự chủ chi thường xuyên của Trường đạt từ 74% trở lên.
+ Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhóm ngành mới theo lộ trình.
- Năm 2025
+ Về quy mô tuyển sinh dự kiến đạt 6.295 HSSV (Cao đẳng: 875 HSSV, trung cấp: 1.225 HSSV, sơ cấp 3.785 HV, TX 410 HV).
+ Mở 02 ngành mới: Chế tạo khuôn mẫu, Tự động hóa công nghiệp.
+ Dự kiến tuyển mới 37 GV cho các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, nâng tổng biên chế của Trường lên: 188 VC.
+ Ký kết hợp tác đào tạo với ít nhất 12 doanh nghiệp.
+ Dự kiến đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các ngành mới theo lộ trình.
+ Trang bị hoàn thiện các phòng thực hành, đưa vào phục vụ giảng dạy, 100% các nghề trọng điểm đủ năng lực tổ chức sản xuất tại trường theo đơn đặt hàng.
+ Mức tự chủ chi thường xuyên của Trường bảo đảm 100%.
- Năm 2026 - 2030
+ Về quy mô tuyển sinh dự kiến đạt 12.900 HSSV, sơ cấp, ngắn hạn và thường xuyên dự kiến đạt 20.975; trong đó tập trung tuyển sinh các ngành nghề trọng điểm theo nhu cầu của các Doanh nghiệp đang cần như: Cơ khí, Điện công nghiệp, Công nghệ ôtô, Điện tử công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp và các ngành mới.
+ Bổ sung một số ngành thuộc các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, dịch vụ.
+ Tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp.
- Định hướng 2030, tầm nhìn đến 2045
+ Duy trì phát triển quy mô tuyển sinh đạt từ 2.000 HSSV đến 6.000 HSSV hàng năm, trong đó tăng tỷ lệ đào tạo cao đẳng, trung cấp, giảm tỷ lệ đào tạo sơ cấp.
+ Phấn đấu đưa chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt chuẩn kiểm định cấp quốc gia và khu vực Asean, phấn đấu Trường đạt chuẩn khu vực Asean.
+ Nâng cao uy tín, thương hiệu của Trường; trở thành Trường nòng cốt trong đào tạo nghề của tỉnh, mở rộng quy mô đầu tư (điểm đào tạo hoặc phân hiệu) các địa bàn trọng yếu trong tỉnh và tiến đến khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
+ Đến năm 2045: 100% số lượng các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định cấp quốc gia và khu vực Asean.
(Số liệu mục tiêu theo từng ngành cụ thể từ phụ lục 05 đến phụ lục 12, mức tự chủ tài chính tại phụ lục 14).
III. PHƯƠNG ÁN TÁI CẤU TRÚC
1. Loại hình, tên gọi
1.1. Loại hình:
Trường Cao đẳng Bình Phước là trường Cao đẳng đào tạo đa ngành.
1.2. Tên gọi:
Tên tiếng Việt: Trường Cao đẳng Bình Phước.
Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Binh Phuoc College.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Trường
Trường Cao đẳng Bình Phước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước. Trường chịu sự lãnh đạo và quản lý toàn diện, trực tiếp của UBND tỉnh Bình Phước; chịu sự quản lý nhà nước về đào tạo thuộc lĩnh vực GDNN của BLĐTBXH; chịu sự quản lý nhà nước về đào tạo thuộc lĩnh vực Giáo dục mầm non của BGD&ĐT.
Trường có tư cách pháp nhân, con dấu và trụ sở làm việc riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Trường Cao đẳng Bình Phước có chức năng: Đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giáo dục và y tế. Nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương theo các lĩnh vực hoạt động của Nhà trường.
3. Ngành nghề, chương trình đào tạo
Sau tái cấu trúc, lĩnh vực hoạt động chính của Trường là đào tạo Khối nghề, với các ngành chủ lực: Cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô, Tin học, Kế toán doanh nghiệp.
Đối với khối ngành sư phạm: Tiếp tục đào tạo ngành Giáo dục mầm non.
Đối với khối Y - Dược tập trung đào tạo các ngành phối hợp, hỗ trợ cho bác sĩ. Kết thúc năm 2025, cần tổng kết, đánh giá nhu cầu xã hội, hiệu quả đào tạo đối với ngành y dược để xem xét, quyết định ngành nghề đào tạo của Trường trong giai đoạn 2025 - 2030.
4. Các cơ sở hoạt động của Trường
4.1. Cơ sở 1 (Trường Cao đẳng Sư phạm cũ) Quốc lộ 14, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước với diện tích đất là 186.128 m2: Sử dụng là nơi đào tạo khối sư phạm và hoạt động liên kết đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho đến khi có chủ trương, quyết sách khác của tỉnh. Việc liên kết đào tạo đảm bảo theo đúng quy định, phát huy công suất và hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công.
4.2. Cơ sở 2 (Trường Cao đẳng nghề cũ) Khu CN Chơn Thành, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước (diện tích 4,3ha): Là điểm đào tạo các ngành nghề nặng nhọc như: Cơ khí, Ôtô; các ngành nghề sơ cấp, ngắn hạn và thường xuyên như: Đào tạo và sát hạch lái xe, các dịch vụ kỹ thuật.
4.3. Cơ sở 3 (Trường Cao đẳng Y tế cũ) Phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (diện tích 3,7ha): Là điểm đào tạo các ngành khối sức khỏe (các ngành phối hợp, hỗ trợ cho bác sĩ); đồng thời là điểm liên kết đào tạo với trường cao đẳng, đại học có uy tín trong công tác đào tạo các ngành khối sức khỏe và các ngành khác phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Việc liên kết đào tạo đảm bảo theo đúng quy định, phát huy công suất và hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công.
4.4. Cơ sở Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước: Đã được đầu tư giai đoạn 1 là tòa nhà gồm 12 tầng dùng để làm việc văn phòng và giảng dạy lý thuyết. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục, các cơ quan liên quan đang tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định. Sau khi các thủ tục được tháo gỡ, tỉnh sẽ xem xét, tiến hành đầu tư xây dựng giai đoạn 2.
5. Cơ cấu tổ chức bộ máy và lộ trình sắp xếp
5.1. Hội đồng trường: Sau tái cấu trúc, thực hiện điều chỉnh bổ sung Hội đồng trường cho phù hợp với tổ chức bộ máy và đúng quy định của Luật GDNN.
5.2. Ban Giám hiệu: Gồm 01 Hiệu trưởng, tối đa 03 Phó Hiệu trưởng.
5.3. Các phòng chức năng: Được sắp xếp, tinh gọn 03 phòng như sau:
- Phòng Đào tạo: Thực hiện công tác quản lý đào tạo, công tác quản lý HSSV, công tác tuyển sinh, công tác hướng nghiệp, công tác khảo thí, công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
- Phòng Hành chính - Tổ chức: Thực hiện công tác tổ chức; công tác hành chính, quản trị; công tác tài chính, kế toán.
- Phòng Thanh tra và Đảm bảo chất lượng: Thực hiện công tác Thanh tra, pháp chế, đảm bảo chất lượng.
5.4. Các khoa chuyên môn: Số lượng các khoa chuyên môn vẫn giữ như hiện nay, song được sắp xếp, bố trí lại phù hợp với định hướng ngành nghề đào tạo trong giai đoạn tới, bao gồm:
- Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản: Đào tạo ngành Giáo dục mầm non; các môn khoa học cơ bản của các ngành nghề.
- Khoa Điện - Điện tử.
- Khoa Kinh tế - Kĩ thuật và dịch vụ.
- Khoa Cơ khí - Ôtô.
- Khoa Y - Dược: (Đào tạo chủ yếu các chức danh phối hợp, hỗ trợ cho bác sĩ như điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, dược...).
5.5. Các trung tâm trực thuộc:
- Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ:
+ Là đơn vị đề nghị thành lập mới, loại hình là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Trường Cao đẳng Bình Phước; có chức năng, nhiệm vụ giúp Trường tổ chức thực hiện các hoạt động thực hành, thực tập cho người học, chuyển giao, đào tạo, dịch vụ, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, là đơn vị triển khai thực hiện việc tận dụng các nguồn lực sẵn có của Trường để tăng nguồn thu hợp pháp, giúp Trường tự chủ và phát triển.
+ Sản phẩm dịch vụ của Trung tâm là: Triển khai dịch vụ lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ bảo trì, sửa chữa các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ phần mềm, công nghệ, dịch vụ …. các ngành nghề xã hội có nhu cầu; chủ trì hoặc phối hợp tổ chức đào tạo, chuyển giao, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công nghệ cho cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài nhà trường theo đúng các quy định.
+ Việc thành lập Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ đảm bảo theo đúng quy định, không làm tăng biên chế. Trung tâm phải tự chủ 100% về kinh phí hoạt động, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí để thành lập và duy trì hoạt động. Trường căn cứ sự cần thiết, các quy định hiện hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
- Trung tâm Đào tạo lái xe cơ giới đường bộ và lái máy chuyên dùng: Thực hiện rà soát và xử lý các vấn đề liên quan trên cơ sở quy định của pháp luật và các quy định liên quan theo thẩm quyền, báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy theo Kết luận tại Thông báo số 1190/TB-TU ngày 08/3/2023 của Tỉnh ủy.
5.6. Các hội đồng tư vấn:
Hội đồng Đào tạo; Hội đồng xây dựng và thẩm định chương trình, giáo trình; Hội đồng thi đua, khen thưởng; các hội đồng khác.
Thành viên của Hội đồng tùy theo chức năng nhiệm vụ và yêu cầu thực tiễn công tác, tổ chức gồm: Cán bộ, viên chức nhà trường, cán bộ quản lý nhà nước, các chuyên gia… phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.
5.7. Tổ chức Đảng, đoàn thể:
Sắp xếp, kiện toàn trong quý II năm 2023, gồm các tổ chức:
- Đảng bộ Trường.
- Công đoàn Trường.
- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Hội Chữ thập đỏ.
6. Về phương án nhân sự
Sau tái cấu trúc, Trường có 22 vị trí việc làm không phù hợp với cơ cấu tổ chức mới; đồng thời cần bổ sung mới 78 giảng viên khối nghề1. Việc sắp xếp các vị trí này sẽ thực hiện theo Đề án vị trí việc làm (xây dựng và ban hành ngay sau khi Đề án này được phê duyệt), đảm bảo các định hướng như sau:
- Phương án nhân sự cấp phòng: Bố trí 01 Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng. Số lượng viên chức tùy thuộc vào vị trí việc làm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Hoàn thành việc sắp xếp trong quý II năm 2023.
- Phương án nhân sự cấp Khoa: Bố trí 01 Trưởng khoa, không quá 02 Phó Trưởng khoa, và các Trưởng bộ môn, riêng khoa Y dược chỉ bố trí 01 Phó Trưởng khoa. Hoàn thành việc sắp xếp bộ máy quản lý trong quý II năm 2023. Đối với giảng viên, căn cứ vào dự kiến số lượng tuyển sinh để bố trí theo lộ trình từng năm, mục tiêu của Đề án.
- Phương án nhân sự các trung tâm: Việc thành lập các trung tâm đảm bảo không làm tăng biên chế. Các trung tâm phải tự chủ về kinh phí hoạt động, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí để thành lập và duy trì hoạt động đối với các trung tâm.
- Phương án giải quyết nhân sự sau tái cấu trúc: Tạo điều kiện để cán bộ, viên chức sau tái cấu trúc được bồi dưỡng, bổ sung văn bằng chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện vị trí mới; rà soát nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các địa phương, cơ quan, ban ngành trong tỉnh để điều động ở vị trí phù hợp; giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
7. Trang thiết bị
Sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện có và bổ sung đầu tư mới cho các ngành nghề dự kiến bổ sung mới theo theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2019/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu trình độ trung cấp, cao đẳng nghề (Phụ lục 13).
- Lộ trình đầu tư, mua sắm trang thiết bị bổ sung cho các ngành dự kiến mở mới theo lộ trình.
Năm 2023, dự kiến đầu tư đối với các ngành:
+ Nghề Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm).
+ Đầu tư bổ sung ngành Công nghệ ô tô.
+ Đầu tư bổ sung nghề Điện công nghiệp.
+ Đầu tư bổ sung nghề Điện tử công nghiệp.
+ Cơ khí chế tạo (Phần 1).
+ Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.
- Năm 2024, dự kiến đầu tư đối với các ngành:
+ Cơ khí chế tạo (Phần 2).
+ Đầu tư thiết bị Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe (nếu hoàn thành các thủ tục theo quy định).
+ Đầu tư thiết bị Trung tâm kỹ thuật và dịch vụ (nếu hoàn thành các thủ tục theo quy định).
+ Thực hiện các mô hình thiết bị tự chế.
+ Di dời, lắp đặt trang thiết bị sang trụ sở mới.
+ Phần mềm mô phỏng tương ứng cho từng chuyên ngành.
- Năm 2025, dự kiến đầu tư đối với các ngành:
+ Chế tạo khuôn mẫu.
+ Tự động hóa công nghiệp.
+ Phần mềm mô phỏng tương ứng cho từng chuyên ngành.
8. Cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động
Trường Cao đẳng Bình Phước là đơn vị sự nghiệp công lập, được UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 và Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; theo đó sẽ chuyển hỗ trợ của Nhà nước từ cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng và số lượng đầu ra. Ngoài ra, Trường xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đào tạo, dịch vụ đúng chức năng để tạo nguồn thu cho Trường.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Xây dựng cơ chế đặc thù nhằm phát triển đội ngũ giảng viên
- Xây dựng cơ chế về các khoản hỗ trợ đặc thù của tỉnh để giữ chân, thu hút giảng viên nghề; đề xuất mức hỗ trợ đặc thù cho công tác mời giảng, hợp đồng giảng viên nghề, đào tạo chuyển đổi, đào tạo nâng cao đối với đội ngũ giảng viên của Trường.
- Ban hành chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong giảng dạy; có cơ chế tài chính phù hợp, tạo sức thu hút và động lực làm việc đối với viên chức, người lao động.
- Xây dựng cơ chế sử dụng hiệu quả tài sản công, tạo nguồn thu hợp pháp để cải thiện thu nhập và đời sống cán bộ giảng viên.
2. Tập trung công tác tuyển sinh, tăng quy mô đào tạo
- Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Trường qua nhiều hình thức (kênh truyền thông đại chúng, tổ chức sự kiện, hội thảo….), trong và ngoài tỉnh.
- Tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các trường THCS, THPT trong việc rà soát nhu cầu học nghề, tư vấn, hướng nghiệp sau phân luồng, xây dựng kế hoạch bảo đảm tính thực tiễn nhằm thu hút tuyển sinh.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ sở vật chất, nguồn lực giảng viên đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện để tăng chỉ tiêu đào tạo nghề do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
3. Củng cố, nâng cao chất lượng, thu hút nguồn giảng viên
- Xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo.
- Hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất chính trị, tâm huyết với nghề.
- Thực hiện mô hình liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp, nâng cao năng lực thực tiễn cho giảng viên tại doanh nghiệp, đồng thời thu hút các nhân viên có trình độ tay nghề cao của doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo.
- Triển khai hiệu quả mạng lưới kết nối sinh viên tốt nghiệp loại khá từ các trường kỹ thuật, từ các học sinh phổ thông đạt loại khá của tỉnh tiếp tục theo học các Trường nghề để thu hút, tuyển chọn, bổ sung đội ngũ nhà giáo.
4. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của các doanh nghiệp
Ưu tiên bố trí, tranh thủ mọi nguồn lực hợp pháp trong đó đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển củng cố cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phù hợp đáp ứng nhu cầu đào tạo trong từng giai đoạn phát triển.
5. Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm
- Xây dựng lại toàn bộ nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế. Cập nhật, chuyển giao các chương trình đào tạo chất lượng cao của các nước phát triển để thực hiện trong Nhà trường. Xây dựng và thực hiện lộ trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo quy định. Biên soạn, chỉnh sửa chương trình đào tạo thực hiện theo đúng quy định của BLĐTBXH và BGD&ĐT.
- Đa dạng, linh hoạt các loại hình đào tạo (ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng, chính quy, liên thông, vừa làm vừa học, ...), tạo điều kiện để người học có nhiều cơ hội học tập ở mọi ngành nghề, mọi cấp trình độ, học tập suốt đời.
- Đào tạo nghề theo địa chỉ, đặt hàng, kết hợp việc mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết.
- Tăng cường liên kết với các học viện, đại học, cao đẳng có uy tín, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn để hợp tác trong đào tạo.
- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến để phục vụ tốt cho các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập, ... đáp ứng mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử cấp trường.
- Tổ chức các hội thảo, diễn đàn về học sinh với đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội nhằm nâng cao nhận thức và ý thức kỷ luật của HSSV định kỳ 1 lần/năm. Tổ chức tốt các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho HSSV, góp phần giải quyết tốt đầu ra đồng thời chính là giải pháp thu hút đầu vào.
6. Tăng cường phát triển hợp tác trong nước và quốc tế
- Đẩy mạnh hợp tác với các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu, trường cao đẳng, các tổ chức, cá nhân,... trong cả nước để học tập kinh nghiệm, liên kết đào tạo và hợp tác các hoạt động khác.
- Tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (Chính phủ và phi Chính phủ, doanh nghiệp) về nguồn vốn, công nghệ và quản lý.
7. Phát triển nâng cao năng lực tài chính
- Hoàn thiện văn bản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, chuyển từ cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; ban hành mức thu học phí đảm bảo đúng quy định.
- Rà soát, tăng cường quản lý nguồn thu hiện có đồng thời mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu: Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo, các trung tâm thực hành và khai thác cơ sở vật chất đảm bảo đúng quy định. Chú trọng khai thác các nguồn tài trợ, đặc biệt linh hoạt và sáng tạo để kêu gọi nguồn đầu tư ngoài nhà nước về trường trên tinh thần trong sáng, cùng có lợi, vì sự phát triển chung.
- Thực hiện cải cách tiền lương và các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức, người lao động tại Trường phải có thu nhập cao trong tương quan so sánh với các cơ sở giáo dục khác ở trong tỉnh.
- Áp dụng các biện pháp quản lý để đảm bảo chi tiêu có hiệu quả và sự bền vững về tài chính của Trường.
Phần 4
NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
2. Nguồn vốn ngân sách nhà nước của tỉnh.
3. Nguồn thu học phí.
4. Nguồn thu hợp pháp khác và nguồn tài trợ (nếu có).
Phần 5
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trường Cao đẳng Bình Phước
- Trường xây dựng các Đề án thành lập Trung tâm, Đề án vị trí việc làm và phương án sắp xếp, bố trí nhân sự, quy chế tổ chức hoạt động trình UBND tỉnh phê duyệt chậm nhất quý II, năm 2023.
- Xây dựng phương án sắp xếp nhà đất, tài sản công trong quý II năm 2023, đề xuất cơ chế sử dụng tài sản công sau tái cấu trúc trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
- Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định hiện hành; Xây dựng các cơ chế tài chính phù hợp, có tính chất hỗ trợ, khuyến khích để phát triển đội ngũ giảng viên.
- Xây dựng và thực hiện quy mô đào tạo ngành nghề và ngành trọng điểm theo mục tiêu Đề án; hoàn thiện chương trình giáo trình cho các ngành nghề; đảm bảo cơ sở vật chất đủ điều kiện trang bị cho công tác dạy và học.
- Xây dựng đề án tự chủ về tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; đề xuất danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực GDNN; quy định mức thu học phí theo Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí nhằm mục đích tăng cường đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập và nghiên cứu của HSSV cũng như của viên chức, giảng viên.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực theo dõi tiến độ, đôn đốc Trường Cao đẳng Bình Phước xây dựng và thực hiện Đề án; phối hợp các Sở, ngành, định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Đề án đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo tính khả thi của Đề án.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp với Trường Cao đẳng Bình Phước trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non; đồng thời bố trí, sắp xếp việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp.
- Chỉ đạo các Trường THCS,THPT trong tỉnh tích cực hỗ trợ Trường Cao đẳng Bình Phước trong công tác tuyển sinh hằng năm.
4. Sở Y tế
- Phối hợp với Trường Cao đẳng Bình Phước trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng khối ngành sức khỏe theo nhu cầu của tỉnh; đồng thời bố trí, sắp xếp việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp.
- Chỉ đạo các đơn vị cơ sở y tế trong tỉnh, hỗ trợ Trường trong công tác tuyển sinh khối ngành sức khỏe, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, chuẩn hóa viên chức ngành y tế hằng năm.
5. Sở Tài chính
- Căn cứ vào khả năng ngân sách hằng năm, Sở Tài chính thẩm định theo quy định và tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ nhiệm vụ chi hợp lý để các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án.
- Phối hợp cùng các đơn vị tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung kinh phí theo đúng quy định để triển khai thực hiện Đề án: Đầu tư xây dựng; mua sắm trang thiết bị; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và nhân viên Nhà trường; tinh giản biên chế; hỗ trợ kinh phí khi Trường chuyển trụ sở mới đến KCN Becamex Chơn Thành.
- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu hợp pháp cho Trường. Phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng các chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp với điều kiện và tình hình chung của tỉnh nhằm thực hiện tốt Đề án.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học theo quy định.
- Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đối với việc xây dựng Trường Cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2 (sau khi hoàn thành các thủ tục có liên quan).
7. Sở Xây dựng
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của Trường.
- Chủ trì thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư theo đúng quy định.
8. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Trường, Sở, ngành tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giao biên chế và cơ chế hợp đồng chuyên môn cho Trường theo lộ trình thực hiện Đề án, đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chuyển viên chức không phù hợp vị trí việc làm của Trường sau tái cấu trúc. Thẩm định danh sách tinh giản biên chế sự nghiệp sau sắp xếp của Trường báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao và các văn bản pháp luật có liên quan, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các chính sách theo quy định; trong đó ưu tiên chính sách đãi ngộ, thu hút đối với giảng viên nghề về công tác tại Trường, cơ chế mời giảng và hỗ trợ đào tạo lại cho giảng viên...
09. Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư thực hiện xây dựng Trường Cao đẳng Bình Phước giai đoạn 2 (sau khi hoàn thành các thủ tục có liên quan), đẩy nhanh tiến độ sửa chữa và bổ sung kết cấu mới tại cơ sở 2 (Trường nghề cũ) để vận hành, khai thác đồng bộ các phân khu trong năm 2024. Cân đối các nguồn đầu tư đã được duyệt, phối hợp với Trường mua sắm trang thiết bị dạy nghề, thiết bị văn phòng theo đúng quy định và nhu cầu thực tiễn.
10. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh
- Phối hợp với Trường Cao đẳng Bình Phước thực hiện tốt sự kết nối hình thành mối quan hệ giữa Doanh nghiệp - Nhà trường trong các KCN, xác định nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp qua đó là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà trường trong việc hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng.
- Dự báo nhu cầu sử dụng lao động có trình độ chuyên môn nghề tại KCN, phối hợp với Trường trong việc cung ứng lao động có chất lượng cho các KCN.
11. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước: Phối hợp truyền thông đưa tin, giới thiệu về Trường Cao đẳng Bình Phước, thông tin tuyển sinh, đào tạo, việc làm, … đến được với phụ huynh, học sinh trong tỉnh nhà và cả nước.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện quản lý nhà nước về GDNN theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đề xuất ngành nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu lao động của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.