BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 646/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2015 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động về chuẩn bị, ứng phó với thiên tai của ngành y tế giai đoạn 2015 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế; Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng các Cục, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
VỀ CHUẨN BỊ, ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI CỦA NGÀNH Y TẾ GIAI ĐOẠN 2015 – 2020
(Ban hành theo Quyết định số: 646/QĐ-BYT ngày 13/2/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
MỤC LỤC
MỤC LỤC
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Bối cảnh chung
2. Thiên tai ở Việt Nam
PHẦN II. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
PHẦN III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG 2015 - 2020
1. Mục tiêu chung
2. Mục tiêu cụ thể
PHẦN IV. NỘI DUNG
1. Tăng cường năng lực hệ thống điều hành, quản lý và đáp ứng thiên tai của ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương
2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, qui trình hướng dẫn, quản lý của ngành Y tế trong phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai
3. Tăng cường năng lực của các cơ sở y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai
4. Huy động mọi nguồn lực và tăng cường sự tham gia phối hợp của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, tôn giáo, quốc tế vào chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống giám sát của Ngành Y tế về thiên tai để làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó và đáp ứng hậu quả thiên tai
6. Phát triển chuyên ngành Quản lý thiên tai/Y học thiên tai tại Việt Nam thông qua dự án nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý thiên tai với ba cấu phần chính bao gồm cơ sở vật chất trang thiết bị, phát triển năng lực cán bộ giảng dạy, xây dựng chương trình theo hai giai đoạn
PHẦN V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung
2. Giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai trong ngành Y tế đặc thù cho từng vùng
PHẦN VI: CÁC CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG CHÍNH (Phụ lục 1)
PHẦN VII. DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN ƯU TIÊN (Phụ lục 2)
PHẦN VIII. KINH PHÍ DỰ KIẾN
PHẦN IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Phụ lục 1. Các chỉ số đo lường chính
Phụ lục 2: Danh mục hoạt động, dự án giai đoạn 2015-2020
CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BYT |
Bộ Y tế |
CNTT |
Công nghệ thông tin |
KTXH |
Kinh tế xã hội |
NN&PTNT |
Nông nghiệp và phát triển nông thôn |
Nt |
Như trên |
PCLB |
Phòng chống lụt bão |
PCTT |
Phòng chống thiên tai |
QLTT |
Quản lý thiên tai |
TKCN |
Tìm kiếm cứu nạn |
TTYT |
Trung tâm y tế |
TƯ |
Trung ương |
YHTT |
Y học thiên tai |
YTDP |
Y tế dự phòng |
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
- Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
- Rủi ro thiên tai là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội.
- Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo.
- Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.
- Quản lý thiên tai là một thuật ngữ tổng hợp bao hàm mọi khía cạnh của xây dựng kế hoạch và ứng phó thiên tai, bao gồm các hoạt động trước, trong và sau thiên tai.
- Ứng phó là các hoạt động thực hiện ngay sau khi thiên tai xảy ra. Các hoạt động này nhằm cứu tính mạng và cuộc sống của con người. Các hoạt động ứng phó bao gồm hỗ trợ khẩn cấp cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sơ tán người dân trong cộng đồng, cung cấp nhà ở, chăm sóc y tế và các hành động giảm bớt khả năng hoặc phạm vi của những thiệt hại phát sinh như tổ chức các nhóm dân phòng hoặc dùng bao cát để chặn nước lũ.
- Trường hợp khẩn cấp là tình huống bất thường trong đó có những mối đe dọa tức thời và nghiêm trọng đến sinh mạng của con người do hậu quả của thiên tai, của mối đe dọa sắp xảy ra, của quá trình tích tụ các yếu tố bất lợi bị lãng quên, của xung đột dân sự, của sự suy thoái môi trường và các điều kiện kinh tế-xã hội. Trường hợp khẩn cấp có thể bao gồm cả tình huống trong đó khả năng đối phó của một nhóm dân cư hay một cộng đồng bị suy giảm rõ rệt.
- Chuẩn bị sẵn sàng là các hoạt động và biện pháp tiến hành từ trước khi sự kiện xảy ra nhằm đảm bảo đáp ứng một cách có hiệu quả đối với nguy cơ hiểm họa bao gồm cả việc đưa ra cảnh báo kịp thời và có hiệu quả.
- Dự phòng và giảm nhẹ bao gồm các hoạt động triển khai nhằm tránh (hay giảm nhẹ) một cách triệt để tác động có hại của thiên tai và các biện pháp nhằm giảm thiểu sự thiệt hại và mất mát của các chức năng liên quan đến môi trường, công nghệ và sinh học.
1. Bối cảnh chung
Thiên tai xảy ra phổ biến trên phạm vi toàn thế giới và gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội và sức khỏe của những cộng đồng, quốc gia bị ảnh hưởng. Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thảm họa thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Các thiên tai này hàng năm đã làm hàng trăm người chết, thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỉ đồng và làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Hậu quả của thiên tai cũng làm ảnh hưởng lớn tới cơ sở vật chất của ngành Y tế và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (tử vong, chấn thương, mắc bệnh, ảnh hưởng về mặt tâm lí).
2. Thiên tai ở Việt Nam
2.1. Tác động của thiên tai lên sức khoẻ
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương, trong 5 năm cuối của thế kỷ 20, bão lụt đã làm chết 12.000 người, nhấn chìm 15.000 tàu thuyền, cuốn trôi và đổ gần 8 triệu ngôi nhà. Điển hình như thảm họa do cơn bão Linda, năm 2007 trên vùng biển Kiên Giang - Cà Mau, làm chết 1.029 người. Lũ đặc biệt lớn ở Nam Trung Bộ xảy ra vào năm 1999 làm chết 780 người.
Cho tới những năm đầu của thế kỷ 21, tính từ năm 2002 đến 2010, tần suất và mức độ trầm trọng của thiên tai ở Việt Nam ngày càng gia tăng, qui mô thiên tai lan rộng khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam với đủ các loại hình từ lũ quét, bão, lụt và sạt lở đất. Số đợt bão lũ và cường độ ngày càng gia tăng. Cùng với sự gia tăng của thiên tai, số các trường hợp tử vong và thương tích do bão lũ gây nên cũng càng ngày càng gia tăng. Căn cứ theo kết quả của Báo cáo điều tra tác động thiên tai, tại 19 tỉnh thành, trong một thập kỷ từ 1996 đến 2006, 6.353 người chết; 2.753 người mất tích (coi như đã chết) và 7.647 người bị thương do các nguyên nhân trực tiếp của thiên tai. Năm 1996, 1997, 1998, 1999, 2005, 2006 và 2007 là những năm có số các trường hợp tử vong, mất tích, bị thương trên 1000, là các năm có bão và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra. Năm 1997 có số thiệt hại cao nhất là 4.700 người (chủ yếu do cơn bão Linda) tiếp theo là năm 2006 với 2.678 người (do bão ChanChu và XangXan). Nếu thống kê đầy đủ tại cộng đồng, số người bị thương đến các cơ sở y tế còn cao hơn con số thống kê này. Năm 2008 là năm có “6 kỷ lục về mưa, bão và lũ”, làm 550 người chết và mất tích và liên tục xảy ra dịch tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu. Tháng 10/2010, các tỉnh miền Trung cũng đối mặt với trận lũ lụt lịch sử, làm ít nhất 76 người tử vong trong 1 tuần.
Đối với các thiên tai thường gặp trên thế giới, mỗi loại thiên tai sẽ để lại những mức độ nguy cơ khác nhau trong bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Trong bối cảnh thiên tai của Việt Nam, số liệu cho thấy một số nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết v.v… đã xuất hiện trong và sau thiên tai như bão, lũ lụt.
2.2. Tác động của thiên tai đối với cơ sở vật chất ngành Y tế
Số liệu về tác động của thiên tai đối với các cơ sở y tế cho thấy, từ năm 1996 đến 2008 đã có 745 cơ sở y tế bị đổ trôi và 8.954 cơ sở bị hư hại do thiên tai. Số lượng cơ sở y tế thiệt hại nhiều vào những năm có nhiều thiên tai xảy ra như năm 1996, 1999, 2000 và 2007. Nguyên nhân thiệt hại của các cơ sở y tế chủ yếu là do bão, lốc tố nhiều hơn là do lũ lụt. Tổng cộng có 135 bệnh viện, bệnh xá bị trôi, sập đổ hoàn toàn do lũ lụt (20%) và 552 bệnh viện, bệnh xá bị sập đổ do bão, lốc tố và áp thấp nhiệt đới (80%). Việc chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho việc đảm bảo các dịch vụ y tế và việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác này cần đặc biệt chú trọng trong tình huống thiên tai.
PHẦN II. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Kế hoạch hành động này được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý của các văn bản luật pháp bao gồm các Quyết định, Nghị Quyết của Chính Phủ, Bộ Y tế Việt Nam được liệt kê dưới đây:
1. Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
2. Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới;
3. Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
4. Nghị định số188/2007/NĐ-CP ngày 27-12-2007. Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
5. Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
6. Quyết định số 2557/QĐ-BYT, ngày 27 tháng 4 năm 2010 về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế giai đoạn 2010-2015;
7. Luật phòng, chống thiên tai (số 33/2013/QH13), được Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16 tháng 9/2013;
8. Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.
PHẦN III. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG 2015 - 2020
1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành Y tế, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ y tế trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật và thương tích do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương;
2.2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách của ngành Y tế trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai;
2.3. Tăng cường năng lực của các cơ sở y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thảm họa;
2.4. Thiết lập hệ thống thông tin và giám sát quốc gia của ngành Y tế về thiên tai để đánh giá tác động và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai;
2.5. Xây dựng và đưa vào triển khai các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ứng phó với thiên tai và làm tiền đề cho xây dựng chính sách và phát triển mô hình và chuyên ngành Quản lý thiên tai / Y học thiên tai tại Việt Nam.
1. Tăng cường năng lực hệ thống điều hành, quản lý và đáp ứng thiên tai của ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương
- Kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lí và đáp ứng thiên tai ngành Y tế từ trung ương đến địa phương.
- Rà soát chức năng và hoạt động của Ban Chỉ huy, các tiểu ban ở cấp Bộ, cấp tỉnh/thành làm cơ sở thông tin cho xây dựng chính sách nhân sự, cải tiến hệ thống điều hành/quản lý phòng chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương.
- Xây dựng Qui chế cụ thể hoạt động của Ban Chỉ huy, sự phối kết hợp trong chuẩn bị và ứng phó với thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
- Chương trình nâng cao năng lực quản lý thiên tai: tuyển chọn, đào tạo và duy trì đội ngũ cán bộ quản lý y tế trong thiên tai.
2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, qui trình hướng dẫn, quản lý của ngành Y tế trong phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai
- Rà soát các qui định, chính sách hiện hành có thể ứng dụng trong việc chuẩn bị và ứng phó với thiên tai.
- Hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản qui phạm pháp luật nhằm hỗ trợ triển khai kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của ngành y tế.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch, kỹ thuật và qui trình chuẩn quản lý thiên tai của ngành Y tế theo ba giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.
3. Tăng cường năng lực của các cơ sở y tế nhằm cung cấp dịch vụ y tế một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai
- Xây dựng và triển khai mô hình thí điểm bệnh viện an toàn tại các vùng trọng điểm.
- Nâng cao năng lực cấp cứu và quản lý thương vong hàng loạt trước và trong bệnh viện Trung ương, khu vực, tuyến Tỉnh/huyện có nguy cơ cao trong việc đối mặt với tình huống khẩn cấp trong thiên tai.
- Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hình thức cung cấp dịch vụ y tế theo đội cơ động trong sơ cấp cứu và phòng chống dịch bệnh.
- Xây dựng mô hình ứng phó với thiên tai tại cộng đồng: lồng ghép các chương trình y tế, mô hình cộng đồng an toàn/làng an toàn/làng văn hoá sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, quân dân y kết hợp thành một mô hình toàn diện ứng phó với thiên tai tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm.
- Đảm bảo hậu cần đầy đủ cho việc chuẩn bị và đáp ứng với thiên tai và tình huống khẩn cấp (lồng ghép với các chương trình, hoạt động cụ thể trong công tác chuẩn bị và đáp ứng y tế trong thiên tai).
4. Huy động mọi nguồn lực và tăng cường sự tham gia phối hợp của cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, tư nhân, tôn giáo, quốc tế vào chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tăng cường vai trò chủ đạo, điều phối nguồn lực của Bộ Y tế trong các hoạt động liên quan đến khía cạnh y tế trong thiên tai.
- Nâng cao nhận thức, vai trò và sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai trong ngành Y tế qua các kênh truyền thông và hình thức truyền thông, biện hộ khác nhau.
- Xây dựng các mô hình quản lý và đáp ứng thiên tai có sự tham gia của các tổ chức, ban ngành liên quan (bao gồm quân đội và công an) và cộng đồng.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin và thiết lập hệ thống giám sát của Ngành Y tế về thiên tai để làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó và đáp ứng hậu quả thiên tai
- Xây dựng hệ thống quản lí thông tin y tế trong thiên tai trên cơ sở hệ thống thông tin sẵn có của ngành Y tế.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia về thiên tai, bao gồm các thông tin cơ bản về cơ sở hạ tầng hệ thống y tế, bệnh viện, các yếu tố nguy cơ, bản đồ nguy cơ thiên tai.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành công tác chuẩn bị và ứng phó với thiên tai.
- Phát triển dự án nâng cao năng lực thu thập, quản lý và sử dụng thông tin tác động của thiên tai trong ngành y tế nhằm xây dựng hệ thống giám sát điểm/hệ thống ghi nhận thông tin tác động của thiên tai tới sức khoẻ người dân tại một số tỉnh trọng điểm.
- Lồng ghép các chỉ số về tác động y tế do thiên tai và nguy cơ thiên tai trong hệ thống thống kê y tế định kỳ và hệ thống giám sát điểm thiên tai.
6. Phát triển chuyên ngành Quản lý thiên tai/Y học thiên tai tại Việt Nam thông qua dự án nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý thiên tai với ba cấu phần chính bao gồm cơ sở vật chất trang thiết bị, phát triển năng lực cán bộ giảng dạy, xây dựng chương trình theo hai giai đoạn
Giai đoạn 1 từ 2015-2017
- Đánh giá năng lực và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực thiên tai làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo. Xây dựng và lồng ghép các chương trình đào tạo ngắn hạn về thiên tai với chương trình đào tạo về Y tế công cộng, Y học lâm sàng.
- Đào tạo giảng viên tại các nước có chương trình đào tạo tiên tiến về QLTH và YHTH.
Giai đoạn 2 từ 2018-2020
- Phát triển chương trình đào tạo dài hạn về lĩnh vực quản lý thiên tai và y học thiên tai (lồng ghép với chấn thương và môi trường/BĐKH).
- Thành lập Đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu (ở phía Bắc).
- Thành lập Đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu (ở khu vực miền Trung và phía Nam).
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung
1.1. Giải pháp về hoàn thiện tổ chức, quản lý
Hoàn thiện tổ chức của Ngành Y tế, bắt đầu từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ Y tế, nhằm nâng cao vai trò của Y tế trong phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Tăng cường năng lực điều phối, cơ chế phối kết hợp liên ngành trong phòng chống thiên tai của ngành y tế (cấp Trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã).
Xây dựng lộ trình và tiến tới thành lập bộ phận thường trực, chuyên trách về quản lý thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thảm thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Xác định chức danh và cán bộ chuyên trách trong các đơn vị, tổ chức làm công tác phòng chống thiên tai các cấp. (Mỗi cơ sở y tế cần có cán bộ chịu trách nhiệm điều phối trong tình huống thiên tai).
Các cơ sở y tế ở tuyến tỉnh và tuyến huyện cần xây dựng kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với tình huống khẩn cấp cùng với kế hoạch y tế năm.
1.2. Giải pháp về pháp luật, cơ chế chính sách
Rà soát và vận dụng các văn bản chính sách hiện có, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách của ngành Y tế trong phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Vận dụng và hoàn thiện cơ chế chính sách đãi ngộ, khuyến khích cán Bộ Y tế tham gia vào công tác đáp ứng với tình huống khẩn cấp, thiên tai.
Xây dựng qui định chức danh và định hướng nghề nghiệp của cán Bộ Y tế trong lĩnh vực thiên tai.
Xây dựng cơ chế chính sách phối kết hợp quân dân y trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đưa ra và áp dụng các qui đinh về bệnh viện an toàn như là một trong những tiêu chí trong việc phê duyệt nâng cấp và xây mới cơ sở y tế.
1.3. Giải pháp về tài chính
Đảm bảo kinh phí để thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực và chuẩn bị ứng phó với các tình huống thiên tai bằng nguồn kinh phí riêng.
Xây dựng cơ chế, qui định thanh quyết toán đặc thù trong các trường hợp khẩn cấp, thiên tai.
Xây dựng qui chế tiếp nhận và chi tiêu viện trợ của các tổ chức tư nhân và quốc tế trong tình huống thiên tai.
Tăng cường hợp tác quốc tế và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho việc xây dựng năng lực đáp ứng với thiên tai.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, đầu mối của Bộ Y tế trong việc lồng ghép và kết hợp các nguồn tài chính khác nhau (từ ngân sách nhà nước, của các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc) phục vụ trong phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
1.4. Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực
Xác định các năng lực cần thiết của cán Bộ Y tế ở các cấp khác nhau làm công tác đáp ứng với tình huống khẩn cấp/ thiên tai để từ đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các tuyến trực tiếp đối mặt với thiên tai.
Đào tạo cơ bản, đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho các cán Bộ Y tế tham gia vào công tác đáp ứng y tế trong tình huống khẩn cấp.
Tăng cường năng lực quản lý, đáp ứng với thiên tai của ngành Y tế thông qua việc phát triển các cơ sở đào tạo và cán bộ giảng dạy chuyên ngành Quản lý/Y học thiên tai.
1.5. Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ
Phát triển khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị về phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai.
Nâng cao năng lực cấp cứu, sơ cấp cứu, chuyển tuyến của các đơn vị y tế các tuyến để ứng phó với thiên tai.
Thành lập, nâng cao năng lực và duy trì hoạt động của đội cấp cứu cơ động ở cấp Tỉnh và Huyện.
Bổ sung tiêu chí về hạ tầng cơ sở, trang thiết bị nhằm đảm bảo việc ứng phó hiệu quả với thiên tai của cơ sở y tế (tiêu chí bệnh viện an toàn) nhằm xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế có khả năng tồn tại bền vững trước tác động của thiên tai.
Tăng cường cung cấp dịch vụ y tế cho các đối tượng có nguy cơ chịu tác động nhiều nhất của thiên tai như người tàn tật, người già, phụ nữ có thai, phụ nữ có con nhỏ, trẻ em, bệnh nhân hiện mắc các bệnh mãn tính v.v. thông qua việc xây dựng và cung cấp các gói dịch vụ y tế tối thiểu trong thiên tai, phòng chống các bệnh dịch do hậu quả của thiên tai, bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV.
Đánh giá và cập nhật danh mục thuốc thiết yếu dùng trong các tình huống thiên tai.
Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch, kỹ thuật và qui trình quản lý thiên tai toàn diện của ngành Y tế theo ba giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.
1.6. Giải pháp về huy động cộng đồng, xã hội hoá các nguồn lực ứng phó với thiên tai
Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả của thiên tai.
Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác lập kế hoạch, diễn tập ứng phó với thiên tai, thành lập các đội tình nguyện cùng y tế tham gia công tác cứu nạn, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.
Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các nhóm cộng đồng tham gia vào công tác chuẩn bị, ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
1.7. Giải pháp về tăng cường phối hợp trong và ngoài ngành y tế
a) Trong ngành y tế
Xác định rõ chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong việc phối kết hợp một cách có hiệu quả trong chuẩn bị, ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, đầu mối của Ban Chỉ huy trong việc lồng ghép và kết hợp các nguồn lực khác nhau từ lĩnh vực của Ngành và từ các chương trình y tế phục vụ trong phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
b) Ngoài ngành y tế
Xác định rõ chức năng, quyền hạn của các Bộ, Ngành trong công tác chuẩn bị và ứng phó với thiên tai nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và nguồn lực.
Tăng cường kết hợp quân dân y và các lực lượng quân đội, an ninh trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
c) Hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiêm, chuyện gia trong đào tạo, nghiên cứu, xây dựng các mô hình phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai trong ngành y tế.
Khuyến khích tiếp nhận viện trợ không hoàn lại cho công tác xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực thiên tai và cho nghiên cứu khoa học.
Xây dựng một số đề án trọng điểm để kêu gọi sự đầu tư của quốc tế cho việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của ngành y tế.
Xác định các nguồn lực tài chính quốc tế tiềm năng thông qua việc tổ chức hội thảo các nhà tài trợ trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai trong ngành Y tế.
1.8. Giải pháp về tăng cường công tác hậu cần
Xây dựng cơ chế cung cấp, điều phối nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của người dân trong vùng chịu tác động của thiên tai như nước sạch, thuốc thiết yếu và thực phẩm thiết yếu, hoá chất, phương tiện thanh khiết môi trường và kiểm soát véc tơ truyền bệnh sau thiên tai.
Xây dựng qui trình đáp ứng hậu cần trong ngành Y tế (từ khâu dự phòng, cung ứng đến thanh quyết toán) từ Trung ương đến địa phương đối với từng tình huống thiên tai cụ thể.
Tăng cường lồng ghép phối hợp đa ngành, liên ngành và sự tham gia của cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hậu cần.
2. Giải pháp phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai trong ngành Y tế đặc thù cho từng vùng
Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Tăng cường năng lực hệ thống y tế nhằm chủ động ứng phó với bão, lũ lụt, nước biển dâng.
Vùng duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và Hải đảo: Tăng cường năng lực chủ động đối phó với hạn hán, bão, lũ, nước biển dâng và nguy cơ sóng thần.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường năng lực cơ sở y tế để đảm bảo người dân có thể “sống chung với lũ” và chủ động ứng phó với bão, giông, lốc, nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Đảm bảo dịch vụ y tế đến được với người dân tại các cụm dân cư tránh lũ cũng như công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cụm dân cư này.
Khu vực miền núi và Tây Nguyên: Tăng cường năng lực chủ động phòng tránh tác động xấu của lũ quét, sạt lở đất và nguy cơ thiên tai do khai khoáng gây nên cũng như nguy cơ động đất ở khu vực miền núi phía Bắc.
PHẦN VI: CÁC CHỈ SỐ ĐO LƯỜNG CHÍNH (Phụ lục 1)
PHẦN VII. DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG DỰ ÁN ƯU TIÊN (Phụ lục 2)
1. Căn cứ tính toán kinh phí
- Ngân sách Nhà nước từ kinh phí thường xuyên hàng năm.
- Ngân sách từ các chương trình dự án Y tế đang triển khai có khả năng lồng ghép.
- Hỗ trợ tài chính của các tổ chức trong và ngoài nước, các nhà tài trợ.
Tổng dự toán kinh phí
Năm |
Đầu tư mức trung bình |
Mức thấp |
2015 |
80.000 |
60.000 |
2016 |
80.000 |
60.000 |
2017 |
80.000 |
40.000 |
2018 |
80.000 |
40.000 |
2019 |
40.000 |
20.000 |
2020 |
20.000 |
10.000 |
Tổng cộng |
380.000 |
230.000 |
Tổng bằng chữ |
Ba trăm tám mươi tỷ VNĐ |
Hai trăm ba mươi tỷ VNĐ |
Đơn vị: 1.000.000 đồng
2. Nguyên tắc sử dụng kinh phí
- Những hoạt động, dự án đã có kinh phí tài trợ từ nguồn là các tổ chức quốc tế thì sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để triển khai hoạt động.
- Các địa phương, dựa trên các hoạt động theo kế hoạch thường nhật, tham khảo kế hoạch này để lồng ghép hoặc chủ động xây dựng kế hoạch đặc thù cho địa phương, báo cáo với cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai theo kế hoạch.
- Kinh phí đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hoạt động đã đề ra trong kế hoạch hành động và tuân thủ theo các qui định của Nhà nước và tổ chức quốc tế đề ra.
3. Các giải pháp đảm bảo tài chính cho thực hiện kế hoạch
- Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho phòng chống thiên tai của ngành y tế
- Xây dựng và thực hiện cấu phần y tế trong Chương trình quốc gia về phòng chống thiên tai
- Xây dựng và thực hiện các văn bản kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ thông qua các cuộc hội nghị kêu gọi trợ giúp mỗi khi có thiên tai
- Kết nối cấu phần thiên tai trong các chương trình mục tiêu quốc gia về VS-NS-MT, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, y tế dự phòng, các dự án xây dựng hạ tầng cơ bản v.v…
1. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế và Đơn vị Phòng chống Thảm họa và Tìm kiếm Cứu nạn theo chức năng và nhiệm vụ
- Chủ trì việc thông qua Kế hoạch hành động ở cấp có thẩm quyền và điều hành việc thực thi các hoạt động của Kế hoạch hành động.
- Chỉ đạo xây dựng và ban hành các hướng dẫn thực hiện, điều phối việc thực hiện các chương trình và các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hành động.
- Phối hợp với các Ban ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế chính sách, phối kết hợp thực thi các hoạt động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai.
- Chỉ đạo các bộ phận chức năng và điều phối các hoạt động tăng cường vận động hỗ trợ quốc tế cho việc triển khai Kế hoạch hành động.
- Chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các Bộ Ngành khác và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đi sâu vào việc phòng chống thiên tai để xây dựng mô hình những tỉnh, thành, quận, huyện, thị xã, phường, trường học… thành những cộng đồng an toàn bền vững trước thiên tai.
2. Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục y tế dự phòng, Cục quản lý môi trường y tế, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ kế hoạch tài chính:
Căn cứ vào nội dung của Chương trình hành động, theo chức năng nhiệm vụ của Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ kế hoạch tài chính v.v… chỉ đạo việc cứu chữa nạn nhân, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người bị tai nạn; hướng dẫn rộng rãi toàn dân bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, theo dõi, tổng hợp, phân loại các loại bệnh tật do thiên tai gây nên; tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân và cán bộ ngành về tầm quan trọng của việc chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai cũng như những hiểu biết trong ứng phó với thiên tai.
3. Các Viện Trung ương và khu vực thuộc hệ y tế dự phòng, các bệnh viện và viện có giường bệnh, các trường đại học thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:
Tham gia vào việc triển khai Kế hoạch hành động theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.
- Hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan y tế địa phương tổ chức đánh giá tình hình thiên tai, năng lực và việc triển khai các hoạt động phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai để các địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động.
- Tiến hành nghiên cứu liên ngành về các yếu tố nguy cơ dẫn đến/làm gia tăng thiên tai do con người gây nên, nghiên cứu đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp và phòng chống thiên tai để có thể phổ biến áp dụng rộng rãi trong cả nước.
- Hướng dẫn chuyên môn và xây dựng các tài liệu tập huấn, tuyên truyền về chuẩn bị và đáp ứng với các tình huống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn, các tài liệu về xử trí, sơ cấp cứu, vận chuyển cấp cứu các nạn nhân, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thường gặp trong các tình huống thiên tai.
- Chủ động xây dựng năng lực đơn vị trong việc chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai. Đưa các tiêu chí bệnh viện an toàn vào kế hoạch xây mới, sửa chữa và nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh.
- Các trường Đại học thuộc ngành Y tế xây dựng tài liệu đào tạo và giảng dạy cho sinh viên và học viên y khoa, y tế công cộng, y học dự phòng về công tác phòng, chống và đáp ứng, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
4. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch ngân sách hàng năm cho công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
- Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng chống thiên tai của ngành Y tế trong kế hoạch ngân sách chung của y tế địa phương.
- Củng cố hệ thống thu thập, báo cáo, giám sát tình hình diễn biến bệnh tật, tử vong có liên quan đến thiên tai tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương triển khai thực hiện các công tác tuyên truyền, huấn luyện/đào tạo, giám sát, đánh giá ... các hoạt động về chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn nhằm nâng cao kiến thức phòng chống tai nạn, thương tích, kỹ năng tư vấn, thực hành cấp cứu của cán Bộ Y tế tuyến dưới.
- Tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường nguồn lực cho hệ thống cấp cứu cơ động, giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra. Tổ chức hệ thống cấp cứu, vận chuyển cấp cứu để đưa người bị nạn vào các cơ sở cấp cứu nhanh nhất, an toàn nhất.
- Tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động của địa phương và báo cáo kết quả về Bộ Y tế. Tổ chức sơ kết hàng năm và khen thưởng, khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động.
5. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm Y tế dự phòng tuyến quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm
- Tổ chức thu thập số liệu, thông tin về tác động sức khỏe của thiên tai, nguy cơ sức khỏe trong thiên tai, nhu cầu về an toàn, các hoạt động, nguồn nhân lực, tài chính và chính sách có liên quan đến công tác chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước nguy cơ thiên tai tại địa phương.
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn trong các tình huống cụ thể và tiến hành các hoạt động truyền thông, giáo dục cộng đồng về chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn. Nâng cao năng lực cho cán Bộ Y tế các cấp về quản lý thiên tai và cung cấp dịch vụ y tế trong thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững.
- Xây dựng và phối hợp với các Ban, Ngành và các tổ chức có liên quan, nhất là các chương trình y tế đang triển khai nhằm lồng ghép thực hiện và triển khai các mô hình chuẩn bị và ứng với thiên tai tại cộng đồng.
Phụ lục 1. Các chỉ số đo lường chính
Chỉ số đo lường
- Trong năm 2015, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế được bổ sung đơn vị thành viên hoặc phối hợp như Truyền thông, quân y. Các Tiểu Ban của Ban được qui trách nhiệm rõ ràng và đã tham gia vào các hoạt động định kì của Ban trong lập kế hoạch, chuẩn bị ứng phó với tình huống thiên tai.
- Đến 2017, nhân sự chuyên trách (và có nguồn kinh phí riêng) cho hoạt động điều hành quản lý từ Trung ương đến địa phương được tuyển dụng, đào tạo và sử dụng (dựa trên Chính sách nhân sự và tài chính phục vụ nâng cao năng lực PCTH của Ngành Y tế).
- Đến 2017, 100% cán bộ chuyên trách công tác quản lý công tác thiên tai được tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước về quản lý thiên tai
- Đến 2017, vấn đề chuẩn bị, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai được đưa vào trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Thành lập bộ phận thường trực, chuyên trách để điều phối Quản lý thiên tai ngành y tế vào năm 2015.
2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách của ngành Y tế trong phòng và giảm nhẹ hậu quả thiên tai
Chỉ số đo lường
- Số văn bản chính sách (tài chính, đãi ngộ,v.v.) được rà soát và đưa vào vận dụng trong công tác thiên tai.
- Đến 2016, Ban hành qui định về nhân sự chuyên trách trong công tác phòng chống thiên tai cùng với cơ chế khuyến khích, Qui định về cơ cấu tổ chức trong công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Đến 2016, cơ chế, qui trình của các hoạt động trong công tác hậu cần được xây dựng, thử nghiệm và đi vào hoạt động.
- Đến 2016, cơ chế phối kết hợp trong Ngành và liên ngành, điều phối các hoạt động ứng phó với thiên tai/thảm họa được xác định rõ ở cấp Trung ương và địa phương.
- Đến 2017, các nguồn kinh phí và cơ chế tài chính hiệu quả cho công tác chuẩn bị và ứng phó với thiên tai và khắc phục hậu quả do thiên tai gây nên ở cấp điều hành (Bộ, Sở Y tế) cấp triển khai (tỉnh, huyện, xã) được xác định và ứng dụng trong thực tế.
- Đến 2016, khung chính sách cho công tác chuẩn bị, ứng phó với thiên tai được xây dựng và cập nhật theo thời gian.
- Đến 2017, chính sách, văn bản hướng dẫn (ví dụ như Hướng dẫn quản lý thi thể nạn nhân, Xử lý môi trường, quản lý thương vong hàng loạt,v.v.) được soạn thảo, thử nghiệm và áp dụng thực tế.
- Đến 2016, hoàn thành và đưa vào sử dụng bộ tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch y tế ứng phó với thiên tai.
- Đến 2018, hoàn thành và đưa vào sử dụng bộ tài liệu hướng dẫn về qui trình kỹ thuật quản lý thiên tai trong lĩnh vực Y tế theo 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai.
Chỉ số đo lường
- Đến 2017, 80% cơ sở y tế tại các tỉnh trọng điểm có cơ sở vật chất đạt được tiêu chí cần thiết bền vững trong thiên tai.
- Đến 2017, 100% các cơ sở y tế có trang thiết bị, hoá chất, thuốc thiết yếu, ngân hàng máu (cấp khu vực, tỉnh) dự trù cho các tình huống thiên tai và khống chế dịch bệnh bùng phát.
- Đến 2017, 90% số cơ sở y tế (từ tỉnh đến huyện) có kế hoạch quản lý thiên tai và diễn tập định kì đáp ứng với các tình huống thiên tai khác nhau.
- Đến 2017, 60% cán bộ chuyên môn ở các tỉnh trọng điểm được tập huấn về cung cấp dịch vụ y tế trong tình huống thiên tai. Ví dụ như các dịch vụ CSSKSS, cấp cứu ngoại khoa, ngộ độc, bỏng. Đến 2020, tăng tỉ lệ này lên 100% tại tất cả các tỉnh, thành phố có nguy cơ.
- Đến 2020, 100% các cơ sở y tế có phương tiện liên lạc, thiết bị vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, cơ chế phối hợp chuyển viện, tuyến trong tình huống thiên tai.
- Đến 2017, 100% các cơ sở y tế có cơ chế phối hợp giữa bệnh viện, Y tế dự phòng và cộng đồng trong việc xử lý các tình huống trước, trong và sau thiên tai (đặc biệt vấn đề vệ sinh môi trường, ngăn ngừa bệnh dịch bùng phát).
- Đến 2020, 90% số đội cấp cứu cơ động được đào tạo và diễn tập định kỳ và chủ động tham gia cung cấp dịch vụ y tế phù hợp trong các tình huống thiên tai và khẩn cấp.
Chỉ số đo lường
- Vai trò của đơn vị chuyên trách công tác phòng chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương được tăng cường (cơ sở pháp lý, số lượng và chất lượng nhân sự) và cơ chế phối hợp giữa các bên theo cách tiếp cận liên ngành được xác định và vận hành theo cơ chế đã định.
- Các nhóm tình nguyện của cộng đồng được hình thành và được tập huấn nâng cao năng lực đáp ứng với thiên tai và tình huống khẩn cấp.
- Số các dự án nâng cao năng lực và can thiệp cộng đồng được tài trợ và/hoặc có sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế và cộng đồng.
- Số các hội thảo quốc tế theo các chuyên đề trong lĩnh vực thiên tai được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm trong chuẩn bị và ứng phó với thiên tai.
- Số chuyên gia quốc tế tham gia vào các hoạt động tư vấn nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và đáp ứng trong tình huống thiên tai tới làm việc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thiên tai.
- Số các kênh truyền thông, hình thức vận động và thông điệp nâng cao nhận thức tầm quan trọng về chuẩn bị đáp ứng với thiên tai nói chung và tình huống thiên tai cụ thể nói riêng được triển khai.
Chỉ số đo lường
- Đến 2015, Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế đăng các hoạt động chuẩn bị ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngành y tế.
- Đến 2016, hoàn thành xây dựng bản đồ hiểm họa kèm theo thông tin về dân số và tình hình sức khoẻ qui mô cấp huyện tại các tỉnh thường hay xảy ra thiên tai.
- Giai đoạn 1 từ 2016-2018: Xây dựng hệ thống giám sát điểm tại một số tỉnh trọng điểm.
● Mô hình của hệ thống giám sát/ghi nhận thông tin thiên tai của ngành y tế được xác định dựa trên kết quả về đánh giá sơ bộ hệ thống giám sát thiên tai Bộ NN&PTNT và các hệ thống giám sát bệnh dịch khác trong ngành y tế.
● Các chỉ số thông tin và cách thức thu thập, chuyển tải và ứng dụng trong ứng phó khẩn cấp và kế hoạch dài hạn.
- Giai đoạn 2 từ 2019-2020: Mở rộng hệ thống giám sát điểm (hoặc lồng ghép với hệ thống báo cáo dịch/chấn thương) của ngành Y tế.
- Từ 2015-2017, danh mục các chỉ số đánh giá tác động và nguy cơ của thiên tai được xây dựng và đưa vào sử dụng trong các hệ thống giám sát và thu thập thông tin y tế.
6. Phát triển chuyên ngành Quản lý/Y học thiên tai tại Việt Nam
Chỉ số đo lường
- Đến 2017, các Khoa/Bộ môn Y học/Quản lý thiên tai tại một số trường Y tại ba miền được thành lập và đi vào hoạt động.
- Đến 2020, ít nhất 2 giảng viên được đào tạo ở trình độ tiến sỹ và 9 giảng viên được đào tạo trình độ Thạc sỹ tại các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới về lĩnh vực quản lý thiên tai và Y học thiên tai.
- Đến 2020, các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn về Quản lý thiên tai, Y học thiên tai và cung cấp dịch vụ y tế trong tình huống khẩn cấp cấp quốc gia được xây dựng và triển khai.
- Đến 2020, Danh mục các ưu tiên nghiên cứu và chiến lược nghiên cứu trong thiên tai cấp quốc gia được xây dựng và triển khai tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu tại các trường đại học được lựa chọn.
- Đến 2018, Đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu (của ngành Y tế) được thành lập.
Phụ lục 2: Danh mục hoạt động, dự án giai đoạn 2015-2020
TT |
Nội dung đề tài, dự án |
Đơn vị chịu trách nhiệm |
Thời gian thực hiện |
Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý thiên tai |
|
2015-2020 |
|
1 |
Chương trình kiện toàn bộ máy tổ chức, điều hành công tác chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngành y tế. |
- Vụ Tổ chức cán Bộ, - Vụ Pháp chế - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015-2020 |
2 |
Rà soát chức năng và hoạt động của Ban chỉ huy từ Trung ương đến địa phương làm cơ sở thông tin cho xây dựng chính sách nhân sự, cải tiến hệ thống điều hành/quản lý phòng chống thiên tai. |
Thường trực - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015-2017 |
3 |
Ban hành Quy chế hoạt động Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế. |
- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015 |
4 |
Chương trình nâng cao năng lực quản lý thiên tai: tuyển chọn, đào tạo và duy trì đội ngũ cán bộ quản lý y tế trong thiên tai. |
- Vụ Tổ chức cán Bộ - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015-2020 |
|
2015-2017 |
||
1 |
Rà soát các qui định, chính sách hiện hành có thể ứng dụng trong việc chuẩn bị và ứng phó với thiên tai. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015 |
2 |
Chương trình hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ chế chính sách |
- Vụ Tổ chức cán Bộ - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015-2017 |
3 |
Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lập kế hoạch, kỹ thuật và qui trình quản lý thiên tai toàn diện của ngành Y tế theo ba giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế |
2015 -2017 |
|
2015-2020 |
||
1 |
Xây dựng và triển khai chương trình/mô hình bệnh viện an toàn tại các vùng trọng điểm |
- Cục Quản lý khám chữa bệnh - Vụ trang thiết bị & Công trình y tế - Vụ Kế hoạch tài chính - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2017 |
2 |
Nâng cao năng lực cấp cứu và quản lý thương vong hàng loạt tại bệnh viện Trung ương, khu vực, tuyến Tỉnh/huyện có nguy cơ cao trong việc đối mặt với tình huống khẩn cấp, thiên tai. |
- Cục Quản lý khám chữa bệnh - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2017 |
3 |
Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hình thức cung cấp dịch vụ y tế theo đội cơ động trong sơ cấp cứu và phòng chống dịch bệnh. |
- Cục Quản lý khám chữa bệnh - Cục Y tế Dự phòng - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2020 |
4 |
Xây dựng mô hình ứng phó với thiên tai tại cộng đồng: lồng ghép các chương trình y tế, mô hình cộng đồng an toàn/làng an toàn/làng văn hoá sức khoẻ, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, mô hình quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, quân dân y kết hợp thành một mô hình toàn diện ứng phó với thiên tai tại cộng đồng ở các vùng trọng điểm. |
- Cục Y tế dự Phòng - Cục Quản lý Môi trường Y tế - Cục Quản lý khám chữa bệnh - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2020 |
5 |
Chương trình nâng cao năng lực hậu cần nhằm đáp ứng kịp thời với các thiên tai và tình huống khẩn cấp. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Vụ Kế hoạch tài chính |
2015-2020 |
Huy động mọi nguồn lực và tăng cường sự tham gia phối hợp của cộng đồng, các tổ chức |
|
2015-2020 |
|
1 |
Tăng cường vai trò chủ đạo, điều phối nguồn lực của Bộ Y tế trong các hoạt động liên quan đến khía cạnh y tế trong thiên tai |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Vụ Tổ chức cán bộ |
2015-2017 |
2 |
Xây dựng các mô hình quản lý và đáp ứng thiên tai có sự tham gia của các tổ chức, ban ngành liên quan (bao gồm quân đội và công an) và cộng đồng. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2017 |
3 |
Nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng và sự tham gia các tổ chức trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai trong ngành Y tế. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế |
2015-2020 |
|
2015-2020 |
||
1 |
Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành công tác chuẩn bị và ứng phó với thiên tai. |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế |
2015-2017 |
2 |
Phát triển dự án nâng cao năng lực thu thập, quản lý và sử dụng thông tin tác động của thiên tai trong ngành y tế nhằm xây dựng hệ thống giám sát điểm/hệ thống ghi nhận thông tin tác động của thiên tai tới sức khoẻ người dân tại một số tỉnh trọng điểm |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Cục Y tế Dự phòng |
2015-2020 |
3 |
Lồng ghép các chỉ số về tác động y tế và nguy cơ thiên tai trong hệ thống thống kê y tế định kỳ |
- Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế -Vụ Kế hoạch tài chính |
2015-2017 |
|
2015-2020 |
||
1 |
Giai đoạn 1 - Đánh giá năng lực và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực thiên tai làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo. Xây dựng và lồng ghép các chương trình đào tạo về thiên tai với chương trình đào tạo về Y tế công cộng, Y học lâm sàng. - Đào tạo giảng viên tại các nước có chương trình đào tạo tiên tiến về Quản lý thiên tai. |
- Trường Đại học Y tế Công cộng - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Cục khoa học công nghệ và đào tạo |
2015-2017 |
2 |
Giai đoạn 2 - Phát triển chương trình đào tạo dài hạn về lĩnh vực quản lý thiên tai và y học thiên tai (lồng ghép với chấn thương và môi trường/BĐKH). - Thành lập Đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu (ở phía Bắc). - Thành lập Đơn vị nghiên cứu và tư vấn chính sách trong phòng, đáp ứng và khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu (ở khu vực miền Trung và phía Nam). |
- Trường Đại học Y tế Công cộng - Đơn vị Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Bộ Y tế - Cục khoa học công nghệ và đào tạo |
2017-2020 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.