ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6279/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 12 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế;
Căn cứ Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 2020;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 10051/TTr-STNMT-CTR ngày 29 tháng 9 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế nguy hại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh".
Điều 2. Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch này để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.ỦY BAN
NHÂN DÂN |
THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI, CHẤT THẢI Y
TẾ NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 6279/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12
năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sau đây gọi tắt là Nghị định 38).
Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020.
Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là Thông tư 36).
Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch 58).
Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.
1. Đối với chất thải nguy hại (viết tắt là CTNH)
1.1. Nguồn phát sinh CTNH
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước là đầu mối giao lưu quốc tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á. Hoạt động công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh khá đa dạng về các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ chỉ tính riêng ngành sản xuất thành phố hiện có khoảng 10.000 - 12.000 cơ sở công nghiệp sản xuất (trong đó: 2.000 - 2.200 cơ sở lớn và 9.000 - 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ), nếu tính trên tổng thể thành phố có trên 31.000 cơ sở hoạt động mang tính chất thương mại, dịch vụ và sản xuất. Các cơ sở sản xuất công nghiệp được phân bổ trong và ngoài 15 Khu công nghiệp tập trung, 03 Khu chế xuất, 01 Khu công nghệ cao và 33 Cụm công nghiệp.
Thống kê từ năm 2011 đến năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 4.262 Sổ đăng ký Chủ nguồn thải CTNH. Như vậy, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh số lượng CTNH thấp hơn 600 kg/năm chiếm tỷ lệ cao. Đây là các Chủ nguồn thải không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ đăng ký, để được cấp sổ đăng ký Chủ nguồn thải CTNH mà chỉ đăng ký bằng báo cáo quản lý CTNH định kỳ.
Bảng 1. Số lượng Sổ đăng ký Chủ nguồn thải CTNH cấp từ năm 2011 - 2015
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
Tổng số |
Số lượng Sổ Chủ nguồn thải CTNH |
906 |
1.161 |
1.292 |
1.067 |
742 |
4.262 |
Với tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 12 - 14% năm, khối lượng chất thải rắn công nghiệp, CTNH phát sinh khoảng 1.500 đến 2.000 tấn/ngày, trong đó CTNH thống kê từ năm 2011 đến năm 2015 như sau:
Bảng 2. Khối lượng CTNH phát sinh năm 2011 - 2015
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
Khối lượng CTNH (tấn/ngày) |
250 |
300 |
320 |
350 |
400 |
Ngoài ra, CTNH còn phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của Hộ gia đình như: bóng đèn huỳnh quang, pin, ắc quy, đồ dùng điện tử, chai xịt côn trùng,.. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý hiện hành chưa quy định bắt buộc Hộ gia đình phải thực hiện phân loại, chuyển CTNH xử lý đúng theo quy định. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai Chương trình "Tuần lễ thu gom CTNH hộ gia đình" nhằm tạo nhận thức cho người dân trong việc phân loại, chuyển CTNH xử lý đúng theo quy định. Tuy nhiên, tần suất thực hiện trong năm chưa nhiều và quận-huyện chưa bố trí điểm thu gom CTNH phát sinh từ hộ gia đình.
Dự báo khối lượng CTNH phát sinh: Theo tính toán dựa trên tốc độ phát triển kinh tế và công nghiệp, dự báo đến năm 2020 có khoảng 700 tấn/ngày CTNH phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 2025 phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày.
1.2. Thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH được xã hội hóa hoàn toàn, hầu hết là Công ty tư nhân thực hiện. Thành phố hiện có hơn 30 đại lý thu gom, vận chuyển CTNH và 12 cơ sở được cấp phép xử lý CTNH, tổng công suất tiếp nhận xử lý CTNH của các cơ sở xử lý CTNH là 251 tấn/ngày. Các cơ sở xử lý CTNH này hoạt động riêng lẻ, có quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động trong khu dân cư, Khu công nghiệp.
Công suất của các Nhà máy này không chỉ phục vụ nhu cầu xử lý CTNH cho các Chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố mà còn tiếp nhận xử lý CTNH của các chủ nguồn thải của các tỉnh khác, để xử lý như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh,....
Ngoài ra, một phần CTNH phát sinh trên địa bàn thành phố còn được các Công ty hành nghề vận chuyển, xử lý CTNH của các tỉnh thành khác đến thu gom về tỉnh để xử lý.
1.3. Nhận xét - Đánh giá
Trong thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH trên địa bàn thành phố đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại như sau:
- Chưa tạo mối liên kết giữa Chủ nguồn thải CTNH với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH đặc biệt đối với Chủ nguồn thải có phát sinh khối lượng CTNH thấp hơn 600kg/năm. Các Chủ nguồn thải CTNH này thường gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng chuyển giao CTNH với đơn vị có chức năng, để thu gom, xử lý CTNH do đơn giá thu gom, vận chuyển xử lý CTNH quá cao chưa phù hợp với khối lượng CTNH phát sinh thấp. Thành phố chưa tạo hệ thống thu gom CTNH, để kết nối giữa chủ nguồn thải CTNH với đơn vị hành nghề quản lý CTNH hoặc chủ xử lý CTNH, nhằm đảm bảo toàn bộ CTNH phát sinh được thu gom, xử lý đúng quy định.
- Tỷ lệ báo cáo quản lý CTNH của Chủ nguồn thải CTNH còn thấp, dao động khoảng 2.000 chủ nguồn thải so với hơn 100.000 chủ nguồn thải đang hoạt động hiện nay, dẫn đến khó khăn trong công tác thống kê đầy đủ số liệu về CTNH phát sinh, chuyển giao, xử lý theo quy định.
- Chưa có cơ chế phối hợp, để quản lý toàn bộ các đối tượng có phát sinh CTNH giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Ban Quản lý Các khu chê xuất và công nghiệp thành phố.
- Nhân sự trực tiếp quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường còn mỏng và thiếu.
Do đó, căn cứ Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, ngân sách thành phố và chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2016 và Khoản 1, Điều 24 Thông tư 36, cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Đối với chất thải y tế nguy hại (viết tắt CTYTNH)
2.1. Nguồn phát sinh CTYTNH
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 32 bệnh viện đa khoa thuộc ngành y tế thành phố; 12 bệnh viện thuộc bộ, ngành; 23 bệnh viện quận-huyện; 47 bệnh viện tư nhân; 196 phòng khám đa khoa tư nhân; 319 trạm y tế; 219 phòng khám bác sĩ gia đình và 5.663 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân đã được cấp phép (Nguồn: Sở Y tế, 2016).
Theo thống kê từ năm 2011 đến năm 2016, khối lượng CTYTNH trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý như sau:
Bảng 3. Khối lượng CTYTNH được thu gom, xử lý từ năm 2011 - 2016
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
Khối lượng CTYTNH (tấn/ngày) |
12,37 |
14,15 |
15,16 |
15,09 |
17,81 |
22,2 |
(Nguồn: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị, 2011-2016)
Dự báo khối lượng CTYTNH phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 khoảng 30 tấn/ngày và đến năm 2025 phát sinh khoảng 50 tấn/ngày.
2.2. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH
a) Công tác thu gom, vận chuyển CTYTNH trên địa bàn thành phố hiện nay do 02 nhóm đơn vị thực hiện:
Trước đây, khi triển khai thực hiện quy định về quản lý CTNH của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT (nay được thay thế bằng Thông tư 36), thành phố gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại. Vấn đề này, đã được Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1687/UBND-ĐTMT ngày 22 tháng 4 năm 2014. Phản hồi kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 3623/VPCP-KGVX ngày 21 tháng 5 năm 2014, về quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố, trong đó "Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố phù hợp với quy định của luật và nghị định để tạo thuận lợi trong hoạt động thu gom, vận chuyển, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho cộng đồng". Do đó, từ trước đến nay, công tác thu gom, vận chuyển CTYTNH của thành phố được thực hiện một cách chủ động, cụ thể như sau:
Các Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện (trừ Công ty TNHH MTV DVCI huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh không triển khai thực hiện; quận Bình Tân và Tân Phú không có Công ty TNHH MTV DVCI): tổ chức mạng lưới thu gom CTYTNH từ các cơ sở y tế nhỏ lẻ, chủ yếu là các cơ sở y tế tư nhân và đưa về trạm trung chuyển của Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện hoặc khu vực lưu giữ CTYTNH của các bệnh viện quận - huyện. Đối với địa bàn huyện Cần Giờ, bệnh viện huyện Cần Giờ thực hiện công tác vận chuyển CTYTNH phát sinh trên địa bàn huyện, tập trung về khu vực lưu giữ CTYTNH của Trạm y tế xã Phú Xuân - huyện Nhà Bè.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thực hiện thu gom tại các cơ sở y tế có quy mô lớn (các bệnh viện, cơ sở y tế có nhà lưu giữ...) và chịu trách nhiệm thu gom tại các điểm tập trung CTYTNH do các Công ty TNHH MTV DVCI quận-huyện đưa đến và vận chuyển về nhà máy xử lý CTYTNH của Công ty.
b) Phương tiện thu gom, vận chuyển, phân chia theo 02 nhóm thực hiện như sau:
Các Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện: sử dụng phương tiện thu gom chủ yếu là xe mô tô 02 bánh (trừ Công ty TNHH MTV DVCI huyện Củ Chi sử dụng xe ô tô tải), với phương tiện mô tô 02 bánh có thể đi sâu vào các con hẻm nhỏ, để lấy CTYTNH. Tùy vào số lượng cơ sở y tế trên địa bàn quận-huyện mà mỗi Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện trang bị từ 01 đến 06 xe mô tô để thu gom CTYTNH. Trên mỗi xe có trang bị thùng kín bằng nhựa composit hoặc inox có sức chứa từ 30-50kg, có khóa an toàn, nhằm đảm bảo CTYTNH không rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Riêng đối với huyện Cần Giờ thì Bệnh viện huyện Cần Giờ sử dụng phương tiện là xe cứu thương của bệnh viện, để vận chuyển CTYTNH.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố: sử dụng phương tiện thu gom là xe tải chuyên dụng cho việc thu gom, vận chuyển CTYTNH.
c) Điểm tập kết CTYTNH: được lựa chọn tại các trạm trung chuyển của Công ty TNHH MTV DVCI quận - huyện hoặc khu vực lưu giữ CTNH của các bệnh viện quận-huyện. Riêng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố không có điểm tập kết CTYTNH và vận chuyển thẳng từ chủ nguồn thải hoặc điểm tập kết của quận - huyện về nhà máy xử lý.
Trên địa bàn thành phố hiện có 11 điểm tập kết CTYTNH nằm ngoài cơ sở y tế công lập (quận 1, 2, 3, 5, 6, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận) và 09 điểm tập kết CTYTNH, nằm trong cơ sở y tế công lập (quận 4, 7, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ).
d) Công tác xử lý
Công tác xử lý CTYTNH phát sinh trên địa bàn thành phố do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thực hiện bằng công nghệ đốt tiêu hủy tại Nhà máy xử lý CTYTNH 07 tấn/ngày hoạt động tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa - quận Bình Tân và Nhà máy xử lý CTYTNH 21 tấn/ngày tại Công trường Đông Thạnh - huyện Hóc Môn, tro phát sinh sau khi đốt được chôn lấp an toàn, đảm bảo về môi trường.
2.3. Nhận xét - Đánh giá
Như vậy, hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH trên địa bàn thành phố được thực hiện từ trước đến nay theo mô hình tập trung. Hệ thống thu gom, vận chuyển CTYTNH đã đi vào ổn định, tương đối thuận lợi và có thể đi sâu trong các con hẻm nhỏ, để lấy CTYTNH mà vẫn đảm bảo được an toàn và vệ sinh môi trường. Khối lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua được thu gom, xử lý triệt để, an toàn về môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, các đơn vị thu gom, vận chuyển hiện chưa có đầy đủ pháp lý (giấy phép hành nghề quản lý CTNH) thực hiện. Do đó, căn cứ Khoản 2 Điều 23 Thông tư 36 và Khoản 1 Điều 22 Thông tư liên tịch 58, để chủ động thực hiện có hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển chất thải y tế trên địa bàn thành phố, đảm bảo toàn bộ lượng CTYTNH phát sinh được thu gom, xử lý triệt để, cần thiết phải xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH trên địa bàn thành phố.
III. Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố
1. Mục tiêu
- Tăng cường quản lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố phù hợp với quy định pháp luật, để tạo thuận lợi trong hoạt động thu gom, vận chuyển đặc thù của thành phố, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho cộng đồng.
- Kiểm soát thu gom, vận chuyển CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố đảm bảo 100% CTNH, CTYTNH phát sinh được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
2. Yêu cầu
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý CTNH, CTYTNH và phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.
- CTNH, CTYTNH phải được thu gom, phân loại, lưu giữ và chuyển giao theo quy định.
3. Quản lý CTNH
3.1. Rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải CTNH phát sinh trên địa bàn quận - huyện
a) Tổ chức, cập nhật số liệu hàng năm.
b) Thực hiện điều tra, khảo sát, cơ sở dữ liệu về chủ nguồn thải CTNH, số lượng CTNH phát sinh, số lượng CTNH chuyển giao, lưu giữ tại các chủ nguồn thải có khối lượng CTNH phát sinh trên địa bàn thành phố.
3.2. Tổ chức hệ thống thu gom, vận chuyển CTNH trên địa bàn quận - huyện
a) Chủ nguồn thải CTNH phải có trách nhiệm ký hợp đồng chuyển giao CTNH với đơn vị hành nghề quản lý CTNH có giấy phép phù hợp theo Nghị định 38 và Thông tư 36.
b) Đối với chủ nguồn thải CTNH có phát sinh số lượng CTNH thấp (dưới 600kg/năm)chưa chuyển giao CTNH do chưa tìm được Chủ xử lý CTNH phù hợp, Chủ nguồn thải đăng ký với cơ quan quản lý tại địa phương là Ủy ban nhân dân quận huyện hoặc Ban quản lý Khu,để được tổ chức thu gom, vận chuyển CTNH ít nhất 02 lần/năm. Kinh phí do chủ nguồn thải chi trả trên nguyên tắc tự thỏa thuận giữa chủ nguồn thải và chủ vận chuyển hoặc chủ xử lý CTNH.
3.3. Tăng cường xử phạt các hành vi quản lý CTNH không đúng quy định
Cập nhật danh sách và tiến hành xử phạt các chủ nguồn thải vi phạm hành vi không thực hiện quản lý CTNH không đúng quy định của chủ nguồn thải bao gồm: không thực hiện đăng ký chủ nguồn thải CTNH (đối với các chủ nguồn thải phát sinh số lượng CTNH trên 600 kg/năm), không thực hiện báo cáo quản lý CTNH định kỳ hàng năm, không ký Hợp đồng thu gom vận chuyển và xử lý CTNH đúng quy định...
3.4. Tuyên truyền, hướng dẫn quản lý CTNH
a) Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình, đài phát thanh,..), hỗ trợ báo cáo viên cho các quận-huyện (khi quận huyện có yêu cầu).
b) Tổ chức các buổi tập huấn để triển khai, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, về tác hại của CTNH đến môi trường, quy định về quản lý, chuyển giao, xử lý CTNH và chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến CTNH.
4. Quản lý CTYTNH
4.1. Chủ nguồn thải CTYTNH
a) Thực hiện quản lý CTYTNH theo quy định tại Thông tư liên tịch 58 và các văn bản pháp luật liên quan khác.
b) Thực hiện Sổ giao nhận CTYTNH theo mẫu tại Phụ lục số 8 của Thông tư liên tịch 58, cụ thể cho các nhóm đối tượng thực hiện như sau:
- Các chủ nguồn thải là bệnh viện, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu có thực hiện các xét nghiệm về y học: không phải thực hiện chứng từ CTNH mỗi lần chuyển giao nhưng phải thực hiện trách nhiệm sau:
+ Sử dụng Sổ giao nhận CTYTNH trong mỗi lần chuyển giao CTYTNH.
+ Định kỳ 01 tháng, xuất 01 bộ chứng từ CTNH cho lượng CTYTNH đã chuyển giao trong tháng theo quy định tại Phụ lục số 3 ban hành kèm Thông tư 36.
- Các chủ nguồn thải CTYTNH còn lại: sử dụng Sổ giao nhận CTYTNH trong mỗi lần chuyển giao thay thế cho chứng từ CTYTNH.
4.2. Tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH
a) Tổ chức xử lý CTYTNH theo mô hình tập trung của thành phố.
b) Các đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH với mã CTYTNH phù hợp được phép thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH trên địa bàn thành phố.
c) Thời gian thực hiện mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH này, kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2018.
4.3. Xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH
a) Đối với cơ sở y tế tư nhân: các cơ sở y tế tư nhân có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ từ ngày 01 tháng 6 năm 2018 trở đi.
b) Đối với cơ sở y tế công lập:
- Từ ngày 01 tháng 6 năm 2018: thực hiện xã hội hóa công đoạn vận chuyển, xử lý CTYTNH chiếm 30% tổng chi phí vận chuyển, xử lý CTYTNH, thành phố bao cấp công đoạn vận chuyển, xử lý CTYTNH chiếm 70% tổng chi phí vận chuyển, xử lý CTYTNH.
- Từ ngày 01 tháng 6 năm 2019: thực hiện xã hội hóa công đoạn vận chuyển, xử lý CTYTNH chiếm 60% tổng chi phí vận chuyển, xử lý CTYTNH, thành phố bao cấp công đoạn vận chuyển, xử lý CTYTNH chiếm 40% tổng chi phí vận chuyển, xử lý CTYTNH.
- Từ ngày 01 tháng 6 năm 2020 trở đi: thực hiện xã hội hóa toàn bộ đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH công lập nghĩa là các cơ sở y tế công lập có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
5. Trách nhiệm các bên liên quan
5.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn chung việc thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện, Ban Quản lý Khu xây dựng quy định, về quản lý CTNH phát sinh trên địa bàn quận-huyện, Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ cao.
c) Thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu về quản lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố bằng nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm.
d) Theo dõi và kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trên toàn địa bàn thành phố. Hỗ trợ giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.
e) Xây dựng các biểu mẫu liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố, để hướng dẫn các đơn vị thực hiện và báo cáo.
g) Thống kê danh sách các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố và công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
h) Tiếp nhận các báo cáo của các tổ chức và đơn vị liên quan để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trước ngày 31 tháng 3 hàng năm và báo cáo đột xuất về quản lý CTNH theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường.
b) Định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình quản lý CTNH và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5.3. Sở Công Thương
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong công tác thu gom, xử lý CTNH.
b) Định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình quản lý CTNH và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5.4. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, triển khai Kế hoạch cho các chủ nguồn thải là cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện theo quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, về hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTYTNH trên địa bàn thành phố.
c) Thường xuyên cập nhật biên động về các cơ sở y tế và cung cấp danh sách quản lý định kỳ hàng quý về Sở Tài nguyên và Môi trường; công khai thông tin, về các cơ sở y tế trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
d) Định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình quản lý CTYTNH và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTYTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5.5. Công an thành phố
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH trên địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện và xử phạt các vi phạm hành chính hoặc điều tra khởi tố nêu có dấu hiệu tội phạm về môi trường.
5.6. Ủy ban nhân dân quận - huyện
a) Phối hợp và tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương và phạm vi quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về CTNH, CTYTNH.
b) Chủ trì phối hợp với đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH với mã CTNH, CTYTNH phù hợp tổ chức triển khai mạng lưới thu gom, vận chuyển CTNH, CTYTNH phát sinh từ các chủ nguồn thải gặp khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và chuyển giao xử lý CTNH, CTYTNH (bao gồm các cơ sở nhỏ lẻ có phát sinh CTNH, CTYTNH dưới 600 kg/năm) phù hợp với năng lực của từng đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH theo quy định.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định về quản lý CTNH phát sinh trên địa bàn quận-huyện, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu Công nghệ Cao.
d) Tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh "Tuần lễ thu gom CTNH hộ gia đình" nhằm đảm bảo CTNH phát sinh từ hộ gia đình được thu gom, xử lý triệt để.
e) Tổ chức kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH tại địa phương theo quy định.
g) Định kỳ hàng năm, cập nhật cơ sở dữ liệu, báo cáo tình hình quản lý CTNH, CTYTNH tại địa phương gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTNH, CTYTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5.7. Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao
a) Xây dựng và triển khai Kế hoạch đối với các chủ nguồn thải trong Khu thuộc phạm vi quản lý.
b) Phối hợp với các chủ vận chuyển CTNH hoặc chủ xử lý CTNH tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH phát sinh dưới 600 kg/năm từ các chủ nguồn thải có nhu cầu.
c) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định về quản lý CTNH phát sinh trên địa bàn quận-huyện, Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu Công nghệ Cao.
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát CTNH phát sinh của chủ nguồn thải, chủ vận chuyển hoặc chủ xử lý CTNH hoạt động trong Khu.
e) Định kỳ hàng năm, cập nhật cơ sở dữ liệu, báo cáo tình hình quản lý CTNH tại Khu gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo; hoặc báo cáo đột xuất các vấn đề liên quan đến quản lý CTNH theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5.8. Chủ nguồn thải CTNH, CTYTNH
a) Thực hiện quản lý CTNH, CTYTNH theo Kế hoạch này và theo Nghị định 38, Thông tư 36, Thông tư liên tịch 58.
b) Thực hiện trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH, CTYTNH; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.
5.9. Chủ thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH, CTYTNH
a) Tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH, CTYTNH theo Kế hoạch này, Nghị định 38, Thông tư 36 và Thông tư liên tịch 58.
b) Định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý CTNH, CTYTNH và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo.
6. Tổ chức thực hiện
a) Các nội dung không được nêu trong Kế hoạch này, các đơn vị liên quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 38, Thông tư liên tịch 58 và Thông tư 36.
b) Kế hoạch này được tổ chức thực hiện hàng năm, nếu có phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần có sự thay đổi, cần điều chỉnh cho phù hợp, các Sở-ban-ngành, Ủy ban nhân dân quận-huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố, để giải quyết kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.