THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 611/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2024 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QHH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 -2030;
Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 44/TTr-BTNMT ngày 03 tháng 5 năm 2024 về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 113/BC-HĐTĐQH ngày 04 tháng 12 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
- Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia phải phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam tham gia, ký kết; đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kịch bản biến đổi khí hậu. Quy hoạch bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn cả nước.
- Quy hoạch bảo vệ môi trường là định hướng bảo vệ môi trường cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, yếu tố môi trường phải được tính đến trong từng hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chuyển dịch năng lượng công bằng, góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2021 - 2030.
- Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia bảo đảm tính mở và linh hoạt để tích hợp, lồng ghép vào các quy hoạch khác có liên quan, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; thúc đẩy phương thức quản lý tổng hợp, tiếp cận tổng thể dựa vào hệ sinh thái tự nhiên.
- Quy hoạch bảo vệ môi trường nhằm tăng cường kết nối hài hòa trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường giữa các vùng kinh tế - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường; tập trung xử lý các vấn đề môi trường xuyên biên giới, liên vùng, liên tỉnh; kết hợp với bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.
- Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư để thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; huy động tối đa nguồn lực xã hội, kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại về môi trường, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền; sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế kết hợp với nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động trong bảo vệ môi trường của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân.
a) Mục tiêu tổng quát
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đối với phân vùng môi trường: Định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
- Đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn để lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, mẫu giống cây trồng và vật nuôi.
Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.
Chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xác định trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Đối với khu xử lý chất thải tập trung: Định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải. Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:
+ Định hướng hình thành tối thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia;
+ Định hướng hình thành tối thiểu 07 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại các vùng kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch;
+ Định hướng hình thành tối thiểu 01 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường: Định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh thống nhất và đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết trên phạm vi cả nước để chủ động theo dõi hiện trạng và bước đầu xây dựng năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường. Cụ thể:
(1) Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia: định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia phải có tính đồng bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.
(2) Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa phương, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải và các khu vực quan trọng về cảnh quan, sinh thái và môi trường trên địa bàn quản lý của các địa phương, hài hòa và có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên cả nước.
c) Tầm nhìn đến năm 2050:
Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho Nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
3. Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường
a) Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội
- Thực hiện phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường thích hợp theo phân vùng môi trường nhằm kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
- Xây dựng lộ trình nâng cấp, cải tạo công nghệ xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo phân vùng môi trường; xây dựng lộ trình kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của phân vùng môi trường và khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư.
- Quan trắc, theo dõi, chủ động phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước biển, lưu vực sông liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.
b) Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại
- Điều tra, đánh giá và xác định các khu vực phù hợp để thành lập các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
- Đầu tư trang thiết bị thu gom, xây dựng trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, mở rộng mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn; khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
- Tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường và yêu cầu kỹ thuật; giảm thiểu chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương.
- Xây dựng, thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu và năng lượng.
- Thực hiện quy định về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì, chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (EPR).
- Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp tái chế, thu hồi tài nguyên và năng lượng từ chất thải; chuyển đổi và xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp tái chế; khuyến khích đầu tư, xây dựng các cơ sở tái chế hiện đại; từng bước hạn chế các cơ sở tái chế thủ công, quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.
- Đầu tư xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh.
- Đa dạng hóa các công nghệ xử lý chất thải, khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tiếp tục tăng cường đồng xử lý, xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng; hạn chế và có lộ trình tiến tới chấm dứt việc đầu tư mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp.
c) Quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường
- Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ. Chủ động kiểm soát, cảnh báo ô nhiễm môi trường nước mặt lưu vực sông liên quốc gia; phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước các lưu vực sông. Tập trung xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại một số lưu vực sông.
- Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước dưới đất trong hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất. Kiểm soát tác động từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường nước dưới đất.
- Phòng ngừa và kiểm soát các sự cố gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các nước liên quan để xử lý các vấn đề môi trường biển.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp quốc gia và cấp tỉnh, đặc biệt chú trọng các đô thị lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường không khí. Kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện việc di dời các cơ sở không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường của phân vùng môi trường.
- Tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các cơ sở công nghiệp có nguồn khí thải lớn, như nhiệt điện, xi măng, thép, hóa chất...
- Điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất và xây dựng, triển khai kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi các khu vực đất bị ô nhiễm, các điểm tồn lưu dioxin, xăng dầu do chiến tranh để lại và hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.
d) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Thành lập mới, củng cố, mở rộng và quản lý hiệu quả hệ thống di sản thiên nhiên, các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong thành lập, quản lý và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn đa dạng sinh học tự nguyện.
- Điều tra, đánh giá, xác định các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng; hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả tại các khu vực này.
- Xây dựng các quy định, hướng dẫn bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bồi hoàn đa dạng sinh học, chính sách đầu tư cho các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên.
- Đánh giá, lượng giá giá trị đa dạng sinh học; tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; mở rộng chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với rừng ngập mặn, đất ngập nước, núi đá, hang động, công viên địa chất.
- Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phục hồi, sử dụng bền vững giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái. Phát triển các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học, không gian xanh, các hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên trong các đô thị.
- Quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; tiếp tục dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; tăng cường năng lực phòng, chống cháy rừng, giảm số vụ và diện tích rừng bị cháy. Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen; ngăn chặn nạn khai thác động vật, thực vật hoang dã và phá rừng trái pháp luật.
- Lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, mặt nước, mặt biển.
- Kiểm kê, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học, đồng bộ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.
đ) Thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững
- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế, đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường và giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
- Phát triển công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường; thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái.
- Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; hạn chế, sử dụng có kiểm soát phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
- Thực hiện đô thị hóa bền vững, phát triển đô thị gắn với phát triển hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình khu dân cư, tuyến đường... kiểu mẫu; xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; duy trì và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.
- Xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp. Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
4. Định hướng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
a) Định hướng phân vùng môi trường:
Việc phân vùng môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
b) Định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:
- Vườn quốc gia: Chuyển tiếp, chuyển hạng và thành lập mới hệ thống vườn quốc gia đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan để bảo tồn hiệu quả các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học trên đất liền, ven biển và vùng biển, duy trì độ che phủ rừng đạt tối thiểu 42 - 43%, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch sinh thái.
- Khu dự trữ thiên nhiên: Chuyển tiếp và thành lập mới hệ thống khu dự trữ thiên nhiên đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác có liên quan nhằm bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái tự nhiên và các loài hoang dã đặc hữu hoặc đang bị đe dọa, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; các giá trị độc đáo của tự nhiên hoặc văn hóa phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
- Khu bảo tồn loài và sinh cảnh: Chuyển tiếp và thành lập mới các khu bảo tồn loài và sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo tồn các loài hoang dã, hệ sinh thái tự nhiên là nơi sinh sống, cư trú của các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
- Khu bảo vệ cảnh quan: Chuyển tiếp và thành lập mới các khu bảo vệ cảnh quan đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, thủy sản và pháp luật khác để bảo vệ nguyên vẹn các cảnh quan tự nhiên có giá trị thẩm mỹ, khoa học, văn hóa và giáo dục môi trường.
- Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học: Chuyển tiếp và thành lập mới các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoạt động theo pháp luật về đa dạng sinh học để lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen hoang dã, giống cây trồng, vật nuôi, loài nguy cấp, quý, hiếm. Nâng cấp, phát triển và cấp giấy chứng nhận là cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đối với các vườn thực vật, vườn động vật, trung tâm cứu hộ động vật, vườn cây thuốc, ngân hàng gen, bảo tàng thiên nhiên.
- Hành lang đa dạng sinh học: Chuyển tiếp và thành lập mới các hành lang đa dạng sinh học đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để tăng cường chức năng kết nối các vùng sinh thái tự nhiên, tăng tính kết nối các hệ sinh thái tự nhiên và mở rộng sinh cảnh sống của các loài sinh vật hoang dã.
- Khu vực đa dạng sinh học cao: Hình thành các khu vực đa dạng sinh học cao đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo vệ nơi cư trú tự nhiên của các loài động vật, thực vật hoang dã.
- Cảnh quan thiên nhiên quan trọng: Thành lập các cảnh quan thiên nhiên quan trọng đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, sinh cảnh sống tự nhiên của các loài sinh vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, bị đe dọa được ưu tiên bảo vệ.
- Vùng đất ngập nước quan trọng: Hình thành các vùng đất ngập nước quan trọng đối với những khu vực đất ngập nước ven biển, ven đảo và đất ngập nước nội địa đáp ứng các tiêu chí theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và pháp luật khác có liên quan để bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, tài nguyên động vật, thực vật hoang dã; bảo vệ môi trường và duy trì dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
- Quản lý hiệu quả và phát triển bền vững hệ thống rừng tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và các khu vực khác để nâng cao năng lực hấp thu và lưu trữ các-bon hướng tới trung hòa phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050 và tham gia thị trường các-bon.
c) Định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh:
- Định hướng về quy mô, loại hình chất thải, phạm vi phục vụ của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh bao gồm:
+ Khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia có công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, tái chế chất thải, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; quy mô, công suất xử lý chất thải lớn, phù hợp theo từng dự án đầu tư; xử lý được nhiều chủng loại chất thải nguy hại khó xử lý, có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý trên toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường, trên địa bàn tỉnh (nơi đặt khu xử lý cấp quốc gia) đối với chất thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
+ Khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng có công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, tái chế chất thải, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; quy mô, công suất xử lý phù hợp theo từng dự án đầu tư; xử lý được một số chủng loại chất thải nguy hại khó xử lý; có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý chất thải như sau:
. Trên địa bàn toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích tái chế;
. Trong vùng kinh tế - xã hội hoặc vùng giáp ranh đối với chất thải nguy hại không phục vụ cho mục đích tái chế, chất thải rắn công nghiệp thông thường;
. Trên địa bàn tỉnh (nơi đặt khu xử lý cấp vùng) đối với chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
+ Khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh có công suất xử lý phù hợp theo từng dự án đầu tư; có phạm vi thu gom, tiếp nhận, xử lý chất thải như sau:
. Trên địa bàn toàn quốc đối với chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích tái chế;
. Trên địa bàn tỉnh đối với các loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn; khuyến khích thu gom, tiếp nhận, xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt từ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh.
+ Các địa phương có quy hoạch khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng trên địa bàn quản lý chủ động huy động nguồn lực xã hội theo hình thức xã hội hóa hoặc đối tác công tư để triển khai Quy hoạch.
+ Ưu tiên tiếp nhận các dự án, cơ sở xử lý chất thải phải di dời, chuyển đổi vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.
- Định hướng về vị trí đối với các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh:
+ Lựa chọn vị trí xây dựng khu xử lý chất thải tập trung phải bảo đảm khi xây dựng và vận hành đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường, không ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên, mục đích sử dụng đất.
+ Vị trí xây dựng khu xử lý chất thải tập trung phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch khác có liên quan đến quản lý chất thải đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên bố trí tại vị trí có khu xử lý chất thải tập trung hiện hữu nhằm hạn chế tối đa việc xây dựng mới.
+ Vị trí xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung bảo đảm thuận lợi cho công tác thu gom và vận chuyển chất thải, gần các khu vực phát sinh lượng chất thải lớn, bảo đảm tăng cường kết nối vùng tập trung nguồn thải lớn và hình thành các khu công nghiệp tái chế; thuận lợi cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý hiện đại, giảm nhu cầu chiếm dụng đất và giảm ô nhiễm môi trường.
+ Vị trí xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung phải bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định của pháp luật.
+ Không đầu tư xây dựng mới khu xử lý chất thải tập trung ở khu vực thường xuyên bị ngập nước hoặc có nguy cơ bị ngập nước do nước biển dâng, khu vực địa hình karst, khu vực có hoạt động đứt gẫy kiến tạo, khu vực sử dụng nước mặt của sông, hồ cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
+ Đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định trước đây còn hiệu lực trước thời điểm Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được ban hành mà cơ sở đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ so với giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được cấp và văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch.
+ Đối với dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà dự án đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục triển khai theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch.
+ Phấn đấu đến năm 2030 di dời các khu xử lý chất thải tập trung, cơ sở xử lý chất thải không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn về môi trường, xả nước thải trực tiếp vào nguồn nước mặt sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, không đáp ứng yêu cầu về lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương về chất thải vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh đã được quy hoạch.
- Định hướng về công nghệ cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh:
+ Đối với công nghệ xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp.
+ Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Đa dạng hóa các công nghệ xử lý để giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp trực tiếp. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất, tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả...) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ.
+ Tiếp tục tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ.
- Đối với các khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định, đưa vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
d) Định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh:
- Về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia: mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia phải đảm bảo triển khai thực hiện đối với các thành phần môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm có: nước mặt, không khí xung quanh, đất, đa dạng sinh học và một số thành phần khác.
+ Mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt:
. Định hướng vị trí quan trắc môi trường nước mặt trên các dòng chính, các hồ của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông lớn đã được quy định trong danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia và trên các sông là nguồn tiếp nhận nước thải của các đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều nguồn nước thải, các điểm quan trắc tại ranh giới giữa các tỉnh.
. Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; đảm bảo tần suất quan trắc tối thiểu 10 đợt/năm.
+ Mạng lưới quan trắc môi trường không khí:
. Định hướng vị trí quan trắc môi trường nền (quan trắc tự động) đặt tại các khu vực ít tác động từ các nguồn khí thải đại diện cho các vùng phát triển kinh tế - xã hội.
. Định hướng vị trí quan trắc môi trường tác động (quan trắc định kỳ hoặc tự động) đặt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn tác động (đô thị, giao thông, xây dựng, công nghiệp, dân sinh...); khu vực chịu tác động có tính chất liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới.
. Định hướng vị trí quan trắc mưa axít lồng ghép với trạm quan trắc khí tượng thủy văn.
. Định hướng thông số quan trắc tự động, liên tục: Tối thiểu đối với các thông số SO2, NO2, CO, O3, bụi PM2,5, bụi PM10.
. Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; đảm bảo tần suất quan trắc tối thiểu 08 đợt/năm.
+ Mạng lưới quan trắc chất lượng đất: Chương trình quan trắc chất lượng đất quốc gia được xây dựng và thiết kế chi tiết theo các chương trình điều tra, đánh giá chất lượng môi trường đất theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
+ Định hướng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường khác: thiết lập các mạng lưới các điểm quan trắc các thành phần môi trường khác (nước dưới đất, nước biển, mưa axit,...) bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu cho hoạt động bảo vệ môi trường.
- Về mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh cần được thiết lập có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc môi trường cấp quốc gia, tập trung quan trắc đối với các thành phần môi trường chính gồm: nước mặt, không khí xung quanh, đất và một số thành phần môi trường khác.
+ Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước sông:
. Định hướng vị trí điểm quan trắc trên các sông liên quốc gia, sông liên tỉnh chảy qua địa bàn và trên các sông nội tỉnh. Trong đó, thiết lập tại khu vực đầu nguồn của sông nội tỉnh; khu vực tiếp nhận dòng chảy vào địa bàn; khu vực hợp lưu dòng chảy chính; khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, làng nghề, khai thác khoáng sản, đô thị, du lịch); khu vực nuôi trồng thủy sản; khu vực khai thác nước cấp cho mục đích sinh hoạt và tưới tiêu; các ao, hồ (bao gồm hồ chứa thủy lợi phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động dịch vụ khác), đầm trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, cảnh quan và môi trường.
. Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước mặt.
. Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 06 đợt/năm.
+ Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước dưới đất:
. Định hướng vị trí điểm quan trắc tại các khu vực chịu tác động của hoạt động công nghiệp và nông nghiệp; khu vực chịu ảnh hưởng của bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý chất thải tập trung; khu vực khai thác khoáng sản; khu vực chịu ảnh hưởng do tồn lưu hoá chất độc hại, chất phóng xạ (từ các kho vật tư hoá chất nông nghiệp hoặc do chiến tranh để lại); khu vực lưu giữ nguyên liệu, nhiên liệu, hóa chất; khu vực đông dân cư, khu vực tập trung nhiều hoạt động khai thác nước dưới đất; khu vực chịu tác động của các nghĩa trang.
. Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước dưới đất.
. Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 01 đợt/03 tháng (04 đợt/năm).
+ Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường nước biển:
. Định hướng vị trí điểm quan trắc tại các khu vực ven biển; khu vực chịu tác động của nước thải công nghiệp, đô thị, khu du lịch, cảng cá; khu vui chơi, giải trí dưới nước; khu nuôi trồng thủy sản ven biển; khu bảo tồn thiên nhiên ven biển và trên biển, khu Ramsar ven biển, vùng đất ngập nước quan trọng ven biển; khu vực tuyến giao thông biển.
. Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước biển.
. Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 01 đợt/02 tháng (06 đợt/năm).
+ Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường không khí:
. Định hướng vị trí điểm quan trắc môi trường nền tại các khu vực ít chịu tác động của nguồn khí thải; vị trí quan trắc môi trường tác động tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các nguồn thải công nghiệp, đô thị, giao thông, xây dựng, bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý chất thải tập trung, dân sinh, làng nghề, khu vực giáp ranh địa giới hành chính với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biên giới với các quốc gia khác.
. Định hướng thông số quan trắc định kỳ theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng không khí.
. Định hướng tần suất quan trắc: tối thiểu 06 đợt/năm (01 đợt/02 tháng).
+ Đối với mạng lưới quan trắc môi trường đất:
. Định hướng vị trí điểm quan trắc: (i) tại các khu vực đất ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do địa phương điều tra chi tiết, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm, chưa được bổ sung vào Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (ii) tại các khu vực đất ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng sau khi được xử lý, nằm trong kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng do Thủ tướng Chính phủ ban hành; (iii) khu vực đất có nguy cơ ô nhiễm.
. Định hướng thông số quan trắc theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng đất.
- Số lượng vị trí quan trắc, thông số quan trắc, tần suất quan trắc của mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia được quy định chi tiết trong Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Căn cứ các định hướng về quan trắc môi trường trong Quy hoạch này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh.
5. Giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch
a) Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng
- Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành về vai trò bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Phổ biến, tuyên truyền các nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Lồng ghép tiêu chí bảo vệ môi trường vào việc đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu hằng năm. Tiếp tục tổ chức thực hiện đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường các địa phương hằng năm.
- Đưa nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo chuyên ngành về môi trường trong hệ thống giáo dục đại học.
- Phát huy ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của doanh nghiệp, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường. Thực hiện đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững hằng năm.
- Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng bảo đảm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả; tăng cường và phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... Hình thành và phát triển lối sống xanh, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa về bảo vệ môi trường.
- Tuyên truyền, vận động thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt hành chính theo hướng tăng mức phạt.
- Xây dựng và ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường.
- Rà soát, xây dựng và ban hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, như di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng, di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng theo quy định, nguồn nước mặt dùng cho cấp nước sinh hoạt.
- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho việc xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cải tạo các bãi chôn lấp chất thải gây ô nhiễm.
- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ môi trường, các công cụ kinh tế áp dụng trong bảo vệ môi trường.
- Rà soát, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn.
c) Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương về bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường năng lực cho chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; tăng cường liên kết và phối hợp giữa các vùng kinh tế - xã hội và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về môi trường theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng giảm “tiền kiểm”, tăng “hậu kiểm”, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
d) Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
- Tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; áp dụng cơ chế kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan thanh tra và đơn vị công an nhân dân có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về môi trường.
- Tăng cường cung cấp, công khai, minh bạch thông tin trong quản lý môi trường đến cộng đồng, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ quản lý môi trường các cấp.
- Tăng cường sự giám sát của cộng đồng cư, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức, cá nhân và cơ quan truyền thông đối với bảo vệ môi trường; phát triển và ứng dụng các nền tảng số, mạng xã hội, đường dây nóng... để đẩy mạnh giám sát về môi trường.
- Xây dựng và thực hiện cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về môi trường, cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
- Tăng cường năng lực quản trị môi trường trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.
đ) Tăng cường đầu tư tài chính
- Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường. Triển khai các hình thức đối tác công tư (PPP) trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt.
- Huy động đầu tư từ xã hội hóa trong nước và quốc tế, bố trí ngân sách nhà nước hợp lý, nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường; ưu tiên tăng cường năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách. Bố trí ngân sách nhà nước tăng dần trong từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và khả năng ngân sách; rà soát, nghiên cứu cơ cấu lại các nhiệm vụ chi ngân sách cho bảo vệ môi trường theo hướng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng.
- Đối với việc đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia và cấp vùng, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trung ương, địa phương để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối bên ngoài khu, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải trong khu.
- Hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường. Chú trọng phát triển năng lực cung ứng dịch vụ môi trường, đặc biệt là tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường.
- Tích cực, chủ động đề xuất các dự án về bảo vệ môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới.
e) Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường
- Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.
- Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
- Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám và công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.
- Thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp.
- Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ và được kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường.
- Thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
g) Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường
- Chủ động tham gia đàm phán, định hình các cam kết quốc tế trong các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chất thải nhựa; tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế và cam kết quốc tế trong lĩnh vực môi trường mà Việt Nam là thành viên; thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ và các dự án quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Tăng cường, vận động thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các định chế tài chính quốc tế, tổ chức quốc tế... để hỗ trợ nguồn lực (tài chính, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng lực) thực hiện COP26, các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi xanh.
6. Tổ chức thực hiện quy hoạch
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện nội dung Quy hoạch, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Rà soát, tổng hợp đề xuất điều chỉnh, bổ sung các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đáp ứng các tiêu chí định hướng hình thành khu xử lý chất thải tập trung nêu tại điểm c khoản 4 Điều 1 Quyết định này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch, tổng hợp để báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh quy hoạch.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương xác định vị trí các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật các khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng vào quy hoạch vùng.
- Rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
c) Bộ Tài chính tổng hợp từ đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường theo định hướng và các nội dung của Quy hoạch; thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu công nghệ cũ, lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải, tiêu hao nhiều nguyên liệu, vật liệu và năng lượng.
đ) Bộ Công an chỉ đạo, tổ chức hoạt động phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
e) Các bộ, ngành khác chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan, các địa phương bố trí nguồn lực, đề xuất, xây dựng, triển khai các chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện các nội dung của Quy hoạch.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng, cập nhật phương án phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý; phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện.
- Thực hiện các nội dung Quy hoạch trên địa bàn quản lý, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc trách nhiệm của địa phương; đánh giá việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
- Ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý đã được xác định trong quy hoạch tỉnh.
- Bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; thực hiện việc giao đất để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn; bố trí kinh phí hoặc chủ động tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành, hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.
- Rà soát các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn:
+ Khu xử lý chất thải tập trung phải nâng cấp, cải tạo: Khu xử lý chất thải tập trung phù hợp với các tiêu chí của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt, nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: (i) Không có công nghệ xử lý phù hợp; (ii) Không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
+ Khu xử lý chất thải tập trung phải có lộ trình dừng hoạt động và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi không phù hợp với định hướng về quy mô, loại hình và phạm vi phục vụ của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Đã đóng cửa không còn khả năng tiếp nhận; (ii) Không phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt; (iii) Không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường; (iv) Vị trí ở khu vực thường xuyên bị ngập nước, hoặc có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng.
- Rà soát, thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia; triển khai thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn quản lý.
- Rà soát, cập nhật dữ liệu hiện trạng và định hướng phân vùng môi trường; xác lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường vào hệ thống thông tin môi trường theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
ĐỊNH HƯỚNG HÌNH THÀNH CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI TẬP
TRUNG CẤP QUỐC GIA, CẤP VÙNG
(Kèm theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày
08 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Vị trí/địa chỉ |
Quy mô diện tích tối thiểu (ha) |
Quy mô công suất tối thiểu (tấn/ngày) |
Đối tượng phục vụ |
Công nghệ dự kiến |
Ghi chú |
I |
Cấp quốc gia |
|
|
|
|
|
1 |
Khu xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất, tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và xã Bình Thanh, Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi |
82 (đến 2030); 150 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Thành lập mới |
2 |
Khu công nghệ môi trường xanh, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An |
200 (đến 2030); 500 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí, nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp |
II |
Cấp vùng |
|
|
|
|
|
Vùng đồng bằng sông Hồng |
||||||
1 |
Khu xử lý Sóc Sơn, tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội |
257 (đến 2030); 280 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp |
Vùng trung du và miền núi phía Bắc |
||||||
1 |
Khu xử lý chất thải Sông Công, tại xã Tân Quang và xã Bá Xuyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên |
42,3 (đến 2030); 48 (2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp và bổ sung |
Vùng Tây Nguyên |
||||||
1 |
Khu xử lý chất thải tập trung tại xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông |
60 (đến 2030); 80 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Thành lập mới |
Vùng Đông Nam Bộ |
||||||
1 |
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh |
614 (hiện tại và đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Chất thải rắn xây dựng; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp |
2 |
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh |
80 (đến 2030); 100 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp |
3 |
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương |
70 (đến 2030); 100 (đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp |
Vùng đồng bằng sông Cửu Long |
||||||
1 |
Khu xử lý chất thải nguy hại, tỉnh Cà Mau |
20 (đến 2030); 30(đến 2050) |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Thành lập mới |
III |
Khu xử lý chất thải không thuộc Mục I và II của Phụ lục này mà đáp ứng các tiêu chí định hướng hình thành khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng nêu tại điểm c khoản 4 Điều 1 Quyết định này được Thủ tướng Chính phủ quyết định. |
Theo dự án đầu tư |
Theo từng dự án đầu tư |
- Chất thải rắn công nghiệp thông thường; - Chất thải nguy hại; - Chất thải rắn sinh hoạt; - Bùn thải và các loại chất thải rắn khác. |
- Ưu tiên công nghệ tái chế, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; - Công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải khí nhà kính và chất ô nhiễm; - Tái chế chất thải; - Đốt hoặc đốt kết hợp thu hồi năng lượng; - Xử lý kết hợp thu hồi năng lượng; - Đối với chất thải thực phẩm, ưu tiên công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, làm phân hữu cơ; - Chôn lấp hợp vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt; - Chôn lấp, hoá rắn, cô lập, đóng kén đối với chất thải công nghiệp; - Áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có. |
Chuyển tiếp hoặc thành lập mới |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, ƯU
TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7
năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Chương trình/dự án |
Thời gian thực hiện |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
1 |
Tăng cường năng lực quản lý môi trường theo phân vùng môi trường |
2024 -2030 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có liên quan |
2 |
Phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đã bị suy thoái |
2024 - 2030 |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có liên quan |
3 |
Tăng cường năng lực phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt |
2024 -2030 |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan |
4 |
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh |
2024 -2030 |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan |
5 |
Tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường |
2024 - 2030 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh liên quan |
6 |
Xây dựng và nâng cấp trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II |
2024 - 2030 |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan |
7 |
Xây dựng và thực hiện các đề án thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, sông Ngũ Huyện Khê |
2024 - 2030 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có liên quan |
8 |
Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng |
2024 -2030 |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan |
9 |
Cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa |
2024 - 2030 |
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương |
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.