ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2017/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 26 tháng 12 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về Quy định chi tiết về thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi;
Căn cứ Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh;
Căn cứ Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 86/Tr-SNN ngày 08/6/2017 và Công văn số 2102/SNNKL ngày 07/11/2017.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc giao khoán đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi tỉnh Bình Phước để trồng rừng và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia trồng rừng trên đất nhận khoán.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2018./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 59/2017/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Bình Phước)
Quy định này quy định về việc giao khoán đất vùng bán ngập hồ thủy điện, thủy lợi tỉnh Bình Phước (sau đây gọi chung là đất vùng bán ngập) để trồng rừng và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia trồng rừng trên đất nhận khoán vùng bán ngập.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện trồng rừng trên đất nhận khoán vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi tỉnh Bình Phước.
1. Chủ đập là tổ chức, cá nhân sở hữu đập để khai thác lợi ích của hồ chứa nước hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao quản lý, vận hành khai thác hồ chứa nước.
2. Đất vùng bán ngập là phần diện tích đất thuộc vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi nhưng không bị ngập nước thường xuyên, thời gian bị ngập nước trong năm tùy thuộc vào quy trình vận hành của từng hồ nhưng không quá sáu (06) tháng, thời điểm ngập xác định được.
GIAO KHOÁN ĐẤT VÙNG BÁN NGẬP ĐỂ TRỒNG RỪNG
Điều 4. Đối tượng giao, nhận khoán đất vùng bán ngập để trồng rừng
1. Việc giao khoán đất vùng bán ngập để trồng rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất vùng bán ngập (sau đây gọi là bên giao khoán).
2. Đối tượng nhận khoán đất vùng bán ngập để trồng rừng là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (sau đây gọi là bên nhận khoán), bao gồm:
a) Chủ đập.
b) Các tổ chức sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế đối với các công trình công cộng, như: công trình an ninh quốc phòng, công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng trường học, trạm y tế, tái định cư.
c) Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, phường, thị trấn có đất vùng bán ngập.
Điều 5. Hình thức giao khoán đất trồng rừng
Giao khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ kinh doanh đối với rừng trồng, tổng thời gian giao khoán tối đa là 50 năm.
Điều 6. Biện pháp kỹ thuật trồng rừng vùng bán ngập
1. Loài cây trồng rừng trên đất vùng bán ngập: Là những cây lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm đất đai vùng bán ngập và có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trên đất bán ngập, các loài cây tiêu biểu như tràm nước, cây gáo vàng, keo lai, tràm bông vàng.
2. Biện pháp lâm sinh được áp dụng trong trồng rừng vùng bán ngập, gồm: Trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, phòng chống cháy, phòng trừ sâu bệnh hại, các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi đất.
Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán kinh phí trồng rừng vùng bán ngập
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế kỹ thuật trồng rừng đối với các trường hợp:
a) Tổ chức đầu tư trồng rừng trên đất vùng bán ngập;
b) Hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng rừng trên đất vùng bán ngập bằng vốn ngân sách Nhà nước hoặc vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
2. Trường hợp bên nhận khoán là hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng rừng trên đất vùng bán ngập bằng vốn không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, bên nhận khoán tự lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng, báo cáo bên giao khoán kiểm tra, đối chiếu với Phương án sử dụng đất vùng bán ngập đồng thời làm cơ sở để kiểm tra, theo dõi công tác chăm sóc rừng trồng và xác nhận nguồn gốc lâm sản sau này.
3. Hồ sơ trình phê duyệt thiết kế, dự toán trồng rừng được xây dựng sau khi ký hợp đồng giao nhận khoán và do bên nhận khoán xây dựng phù hợp với Phương án sử dụng đất vùng bán ngập.
Điều 8. Hồ sơ và trình tự thủ tục giao, nhận khoán đất vùng bán ngập
Thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện, thủy lợi (viết tắt là Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT).
QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN GIAO, NHẬN KHOÁN TRỒNG RỪNG VÙNG BÁN NGẬP
1. Rừng trồng vùng bán ngập hình thành bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước do Nhà nước thống nhất quản lý và không thu tiền nhận khoán đối với các trường hợp này.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước từ các Chương trình, Dự án của Trung ương để trồng rừng vùng bán ngập thì áp dụng các chế độ, chính sách quy định từ các Chương trình, Dự án đó và Quy định này. Trường hợp Quy định này không phù hợp với quy định của các Chương trình, Dự án thì áp dụng quy định của các Chương trình, Dự án đó.
3. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng vốn ngoài ngân sách thì quyền lợi và nghĩa vụ được xác định theo Điều 11 Quy định này.
Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của bên giao khoán
1. Trách nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và sử dụng đất vùng bán ngập theo phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt.
b) Xác định đúng diện tích, vị trí ranh giới đất vùng bán ngập giao khoán trên bản đồ và thực địa.
c) Xây dựng và công bố công khai, dân chủ phương án giao khoán trước khi tiến hành giao khoán.
d) Xem xét miễn giảm các khoản phải nộp cho bên nhận khoán theo hợp đồng khi có rủi ro xảy ra thiệt hại.
đ) Bồi thường thiệt hại cho bên nhận khoán theo quy định của pháp luật nếu vi phạm hợp đồng.
2. Quyền hạn:
a) Hủy bỏ hợp đồng giao khoán khi bên nhận khoán vi phạm hợp đồng và yêu cầu bên nhận khoán bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
b) Tiến hành các biện pháp và thủ tục thu hồi diện tích đất giao khoán khi phát hiện đất giao khoán bị chuyển nhượng trái phép theo đúng quy định.
c) Thu nộp và quản lý, sử dụng tiền giao khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
d) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giao khoán, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 11. Nghĩa vụ và quyền lợi của bên nhận khoán trồng rừng vùng bán ngập
1. Nghĩa vụ:
a) Sử dụng đất vùng bán ngập theo đúng phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, theo Quy định này và các quy định của pháp luật.
b) Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng; phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; bảo vệ nguồn lợi của đất, nước theo quy định của pháp luật; cải tạo, bồi dưỡng đất, không làm thoái hóa và biến dạng cấu trúc, địa hình diện tích đất được nhận khoán.
c) Thanh toán tiền nhận khoán cho bên giao khoán theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết.
d) Trả lại đất vùng bán ngập nhận khoán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật.
đ) Không được tự ý chuyển nhượng hợp đồng giao - nhận khoán dưới bất kỳ hình thức nào nếu không được sự chấp thuận bằng văn bản của bên giao khoán. Khi bị phát hiện đã tự ý chuyển nhượng hợp đồng phải chấp hành việc hủy hợp đồng, trả lại đất.
e) Chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước trong việc sử dụng đất vùng bán ngập. Bồi thường thiệt hại cho bên giao khoán nếu vi phạm hợp đồng; bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm pháp luật trong việc sử dụng đất vùng bán ngập.
2. Quyền lợi:
a) Chủ động thực hiện công tác trồng rừng trên diện tích đất nhận khoán, được hưởng thành quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng giao khoán đất vùng bán ngập.
b) Được bồi thường thiệt hại nếu bên giao khoán vi phạm hợp đồng.
c) Được bồi thường, hỗ trợ về tài sản là rừng trồng trên đất vùng bán ngập theo quy định của pháp luật khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất đã nhận khoán để sử dụng vào mục đích khác.
d) Được giảm các khoản phải nộp cho bên giao khoán theo quy định của pháp luật trong trường hợp bị thiên tai hoặc rủi ro do quá trình vận hành hồ chứa gây ra.
Điều 12. Thanh toán tiền nhận khoán trồng rừng vùng bán ngập
Đơn giá giao khoán đất vùng bán ngập do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định trên cơ sở giá đất nông nghiệp của địa phương. Bên nhận khoán phải nộp tiền nhận khoán theo Quy định này và được xác định trên cơ sở các căn cứ sau:
1. Diện tích đất giao khoán.
2. Thời hạn giao khoán.
3. Hình thức nộp tiền: Bên nhận khoán nộp tiền hàng năm hoặc nộp tiền một lần cho cả thời gian nhận khoán.
Điều 13. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất vùng bán ngập theo Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định này và các quy định hiện hành có liên quan đến sử dụng đất vùng bán ngập.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các bên có liên quan tổ chức thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế của các dự án có sử dụng đất vùng bán ngập để thực hiện trồng rừng thay thế.
b) Là cơ quan đầu mối thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình lâm sinh trên đất vùng bán ngập thuộc đối tượng phải thẩm định dự án đầu tư quy định tại Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh.
c) Phê duyệt thiết kế kỹ thuật trồng rừng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định này.
d) Chịu trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ biện pháp lâm sinh của bên nhận khoán.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan trong công tác thẩm định Phương án trồng rừng thay thế của các dự án có sử dụng đất vùng bán ngập để thực hiện trồng rừng thay thế.
b) Phê duyệt Phương án sử dụng đất vùng bán ngập và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.
c) Khi xây dựng đơn giá giao khoán đất vùng bán ngập, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tham khảo đơn giá giao khoán đất vùng bán ngập ở các huyện lân cận, làm cơ sở điều chỉnh, tránh chênh lệch lớn về đơn giá giao khoán giữa các địa phương và có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Chủ trì phối hợp với Chủ đập xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt Phương án sử dụng đất vùng bán ngập.
b) Tổ chức triển khai và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Quy định này của bên nhận khoán và các quy định khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng diện tích đất vùng bán ngập.
c) Niêm yết công khai Quy định này và Hồ sơ, trình tự thủ tục giao, nhận khoán đất vùng bán ngập quy định tại Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân biết và thực hiện các thủ tục hành chính về giao khoán đất vùng bán ngập theo đúng quy định.
5. Chủ đập có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã để quản lý, sử dụng đất vùng bán ngập theo Thông tư số 03/2012/TT-BTNMT ngày 12/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tham mưu UBND tỉnh quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.