THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 588/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030 với những nội dung chính sau:
1. Phạm vi, quy mô và giai đoạn lập quy hoạch
a) Phạm vi nghiên cứu quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn 02 huyện Mộc Châu và Vân Hô, tỉnh Sơn La có tổng diện tích tự nhiên là 206.150 ha, được giới hạn như sau:
- Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Hòa Bình;
- Phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La;
- Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào;
- Phía Bắc Giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
b) Phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm 03 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu; quy mô khoảng 1.500 ha. Lập quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 gắn kết tổng thể 03 trung tâm với quy mô khoảng 2.000 ha (trong đó có các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500 ha), được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp thị trấn Mộc Châu và thị trấn nông trường Mộc Châu;
- Phía Nam giáp xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ;
- Phía Đông giáp xã Chiềng Khoa và xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ;
- Phía Tây giáp thị trấn Mộc Châu.
c) Quy mô dân số: Dân số hiện trạng năm 2015 là 169.925 người, dự kiến đến năm 2020 dân số khoảng 190.000 - 210.000 người, đến năm 2030 dân số khoảng 250.000 - 300.000 người. Khách du lịch dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 1,2 triệu lượt khách/năm, đến năm 2030 đạt khoảng 3 triệu lượt khách/năm (Các dự báo sẽ được nghiên cứu cụ thể trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch).
d) Giai đoạn quy hoạch: Đến năm 2030.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có những tính chất sau:
- Là khu du lịch cấp quốc gia có tích chất sinh thái, văn hóa với các loại hình du lịch đa dạng.
- Là vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh Sơn La.
- Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Sơn La.
- Là vùng bảo tồn rừng sinh thái quốc gia.
- Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
Quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
a) Mục tiêu tổng quát:
Cụ thể hóa Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Quy hoạch xây dựng nhằm phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước.
- Định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ ,tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
- Làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo quy hoạch, tạo điều kiện triển khai các bước dự án và đầu tư xây dựng tiếp theo.
5. Các yêu cầu nội dung quy hoạch
a) Đánh giá hiện trạng và các dự án
- Phân tích, đánh giá vị trí, điều kiện tự nhiên cảnh quan môi trường, hiện trạng kinh tế - xã hội, dân số, lao động, các đô thị và điểm dân cư nông thôn, bản làng dân tộc, tình trạng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, công tác quy hoạch, đầu tư và quản lý xây dựng trong khu vực. Phân tích các đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán các cộng đồng dân cư, lễ hội truyền thống dân tộc, chợ truyền thống liên quan phát triển du lịch.
- Phân tích đánh giá hiện trạng phát triển dịch vụ du lịch, đánh giá tiềm năng và khả năng khai thác quỹ đất xây dựng du lịch đảm bảo hiệu quả. Đánh giá các yếu tố hạn chế, tác động, thách thức, động lực phát triển du lịch, nguyên nhân và các vấn đề tồn tại của vùng du lịch Mộc Châu - Vân Hồ.
- Kết hợp đồng bộ các quy hoạch ngành khác liên quan. Đánh giá, tổng hợp và cập nhật hợp lý các chương trình dự án có liên quan.
b) Phân tích mối quan hệ liên kết vùng:
- Phân tích mối liên hệ giữa các trung tâm du lịch và các đô thị huyện Mộc Châu và Vân Hồ, mối liên hệ của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với các trung tâm, điểm du lịch khác trong tỉnh Sơn La, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Như hồ thủy điện Sơn la, tỉnh Sơn La, hồ thủy điện Hòa Bình, thung lũng Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, hệ thống du lịch tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái...
- Luận chứng sự cần thiết, vai trò, vị trí, quy mô diện tích, đặc điểm tính chất chức năng cụ thể của các khu trung tâm du lịch trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn, kinh tế xã hội, tiềm năng phát triển du lịch và bảo vệ môi trường cảnh quan của khu vực.
c) Dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật: Dự báo quy mô dân số, đất đai, phát triển kinh tế. Dự báo nhu cầu phát triển du lịch: Khách du lịch, loại hình du lịch, đất xây dựng phục vụ du lịch. Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp.
d) Định hướng phát triển không gian
- Tổng thể khu du lịch:
+ Định hướng phát triển không gian vùng du lịch: Mối liên kết hệ thống trung tâm, các điểm du lịch quan trọng trong huyện Mộc Châu và Vân Hồ, đặc biệt các bản làng có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, home stay, có bản sắc văn hóa, kiến trúc đặc trưng.
+ Định hướng phát triển không gian các cơ sở kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là cơ sở phục vụ phát triển dịch vụ, thương mại, các vùng nguyên liệu nông, lâm sản, dược liệu, các khu vực khác phục vụ khai thác phát triển du lịch.
- Khu trung tâm du lịch trọng điểm:
Xác định cấu trúc phát triển không gian toàn khu trung tâm, mối liên hệ kết nối đồng bộ với bên ngoài. Định hướng phát triển không gian khu trung tâm du lịch trọng điểm: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu, Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu. Tổ chức các khu chức năng với hệ thống hạ tầng và dịch vụ đảm bảo tính liên kết đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với quá trình đầu tư phát triển, đảm bảo môi trường bền vững.
đ) Quy hoạch sử dụng đất: Định hướng quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng theo các giai đoạn, các quỹ đất dự trữ phát triển, quỹ đất xây dựng phát triển du lịch, các đầu mối cơ sở hạ tầng và phục vụ du lịch, đảm bảo hiệu quả, linh hoạt và đồng bộ, không gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường tự nhiên. Xác định các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đối với các khu chức năng: Các khu trung tâm, du lịch, khu dân dụng,...
e) Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường
Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông: Giao thông kết nối giữa trung tâm đô thị, trung tâm du lịch và các điểm du lịch trong vùng; giao thông kết nối khu du lịch với bên ngoài, bến bãi đỗ xe...
Định hướng giải pháp về cao độ nền xây dựng, thoát nước mưa: Các công trình đầu mối cấp nước, cấp điện, thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang, thông tin liên lạc, đáp ứng các hoạt động du lịch bền vững, dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo môi trường cảnh quan.
g) Đánh giá môi trường chiến lược: Đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực từ các hoạt động xây dựng đến môi trường cảnh quan, đặc biệt tại các khu vực có giá trị cảnh quan, đa dạng sinh học và bản sắc văn hóa các cộng đồng dân cư.
h) Thiết kế đô thị: Giữ gìn, phát huy các giá trị đặc trưng về không gian, cảnh quan môi trường tự nhiên và văn hóa kiến trúc truyền thống, thiết kế đô thị phù hợp với đặc thù của du lịch miền núi, khí hậu, địa hình... Kiến trúc cảnh quan đô thị phải mang đậm bản sắc, văn hóa vùng Tây Bắc (cụ thể là huyện Mộc Châu, Vân Hồ) phù hợp với phong tục tập quán văn hóa - xã hội, ứng dụng kỹ thuật, vật liệu, công nghệ mới phù hợp.
i) Lập quy định quản lý xây dựng khu du lịch theo quy hoạch. Đề xuất các quy chế kiểm soát phát triển khu du lịch.
k) Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển khu du lịch. Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phát triển khu du lịch, xác định nguồn lực, lộ trình thực hiện đảm bảo khả thi.
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về Quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
- Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
Điều 2. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chỉ đạo tổ chức việc lập, thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2030 và bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí quy hoạch theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.