ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 576/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 12 năm 2017 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Hiệp định số 5113-VN được ký ngày 09/8/2012 giữa Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB);
Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 02/11/2017 của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” vay vốn WB;
Căn cứ Quyết định số 698/QĐ-BNN-HTQT ngày 30/3/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững”; Quyết định số 5264/QĐ-BNN-HTQT ngày 18/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nội dung Quyết định số 698/QĐ-BNN-HTQT ngày 30/3/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Quyết định số 2252/QĐ-BNN-KH ngày 18/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD)”;
Căn cứ Quyết định số 3221/QĐ-UBND ngày 29/10/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh;
Căn cứ Quyết định số 1910/QĐ-UBND ngày 05/07/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2012- 2015, định hướng 2020; Quyết định số 3927/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2012- 2015, định hướng 2020; Quyết định số 1373/QĐ-UBND, ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 16/07/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày 04/02/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Văn bản số 501/DANN-CRSD ngày 22/3/2017 của Ban Quản lý dự án CRSD Trung ương về việc hướng dẫn phê duyệt Báo cáo kế hoạch quản lý không gian ven bờ;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 677/TTr-SNN ngay 25/12/2017 và Tờ trình số 37/TTr-SNN ngày 01/02/2018 (sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương liên quan),
QUYẾT ĐỊNH:
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ KẾ HOẠCH
1. Tên Kế hoạch: Kế hoạch quản lý không gian ven bờ (ISP) nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.
2. Phạm vi và đối tượng
2.1. Phạm vi xây dựng kế hoạch
- Phạm vi không gian xây dựng ISP:
+ Vùng đất ven bờ (khu vực không gian chịu tác động của nước biển) thuộc 41 xã, phường nằm trên địa bàn 6 huyện, thị xã ven biển.
+ Vùng nước biển ven bờ, nằm trong phạm vi 6 hải lý tính từ đường bờ, thuộc 6 huyện, thị xã ven biển.
- Phạm vi thời gian: Đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2.2. Đối tượng xây dựng kế hoạch
Mục đích chính của dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững là hướng tới ngành thủy sản, vì vậy, bản kế hoạch chỉ tập trung vào đánh giá sự chồng lấn và đề xuất vùng không gian cho các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá tại các địa phương có liên quan tại 6 huyện, thị xã ven biển của tỉnh.
3. Cơ quan chuyên quản: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Cơ quan lập kế hoạch: Ban Quản lý các dự án ODA ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh.
II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH
1. Đặc điểm tự nhiên, thực trạng kinh tế xã hội của tỉnh
1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên tỉnh Hà Tĩnh
Hà Tĩnh nằm trong khu vực phát triển kinh tế Bắc Trung Bộ; phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp 2 tỉnh Polykhămxay và tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ, với tổng chiều dài bờ biển 137km bờ biển với 4 cửa sông lớn đổ ra biển.
Địa hình Hà Tĩnh có đồi núi chiếm gần 80% diện tích tự nhiên, đồng bằng có diện tích nhỏ, bị chia cắt bởi các dãy núi, sông suối. Hà Tĩnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng, ẩm, phân thành 4 mùa rõ rệt, tạo nên đặc trưng riêng cho vùng.
1.2. Thực trạng kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh
1.2.1. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2017 đạt 10,71%, trong đó: Khu vực nông nghiệp giảm 3,47% (nông nghiệp giảm 6,19%, lâm nghiệp tăng 7,05%, thủy sản tăng 16,36%), công nghiệp và xây dựng tăng 27,76% (công nghiệp tăng 76,92%, xây dựng giảm 16,93%), dịch vụ tăng 5,33%.
1.2.2. Dân số, lao động, việc làm
Theo số liệu thống kê, dân số năm 2015 của Hà Tĩnh ước đạt 1.280.782 người, Tổng số lao động khoảng 718,4 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 khoảng 2,71%.
Tập trung các giải pháp giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, ưu tiên cho người dân vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, giải quyết việc làm mới cho trên 21.860 lao động
1.3. Tiềm năng nguồn lợi và đa dạng sinh học tỉnh Hà Tĩnh
Tỉnh Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên phong phú bao gồm tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên phục vụ nuôi trồng thủy sản và làm muối, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên du lịch và nhân văn.
2. Xác định vùng chồng lấn và mâu thuẫn xung đột trong sử dụng không gian ven biển
2.1. Bánh giá sự chồng chéo các quy hoạch trên cơ sở tính bền vững và môi trường sinh thái
Qua rà soát, nghiên cứu các báo cáo quy hoạch liên quan có những địa điểm có thể xảy ra chồng lấn trong quy hoạch như sau:
2.1.1. Huyện Nghi Xuân
Vùng dọc ven bờ của các xã: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ có sự chồng lấn quy hoạch vùng không gian cho hoạt động trồng rừng ngập mặn, rừng phi lao ven biển với NTTS.
2.1.2. Huyện Lộc Hà
Tại các xã: Thạch Kim, Thạch Bằng, Thịnh Lộc có sự chồng lấn quy hoạch vùng không gian cho các hoạt động: Du lịch, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, dịch vụ hậu cần nghề cá.
2.1.3. Huyện Thạch Hà
a) Vùng bãi cát dọc biển xã Thạch Hải có sự chống lấn quy hoạch vùng không gian giữa hoạt động trồng rau củ quả trên cát và du lịch của bãi tắm Thạch Hải;
b) Vùng bãi cát dọc biển các xã: Thạch Trị, Thạch Hội có sự chồng lấn quy hoạch giữa hoạt động trồng rau củ quả trên cát và nuôi tôm trên cát;
c) Thôn Phú Hải, xã Kỳ Phú có chồng lấn quy hoạch khu du lịch (Phú Hải - Phú Lợi 1,5 km) và quy hoạch khu chế biến thủy sản.
2.1.4. Huyện Cẩm Xuyên
a) Vùng bãi cát dọc biển các xã: Cẩm Hòa, Cẩm Dương có sự chồng lấn quy hoạch cho hoạt động nuôi tôm trên cát và trồng rau củ quả trên cát, khai thác khoáng sản;
b) Vùng bãi cát dọc biển thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Nhượng có sự chồng lấn quy hoạch cho các hoạt động: Trồng rau củ quả trên cát, du lịch và rừng phòng hộ.
2.1.5. Thị xã Kỳ Anh
a) Tại phường Kỳ Trinh, xã Kỳ Hưng: Có sự chồng lấn quy hoạch giữa NTTS mặn lợ và quy hoạch công nghiệp của khu kinh tế Vũng Áng;
b) Tại xã Kỳ Nam: Có sự chồng lấn quy hoạch NTTS mặn lợ và quy hoạch khu du lịch sinh thái Đèo Con trong quy hoạch chung khu kinh tế Vũng Áng.
2.2. Xung đột, chồng lấn trong sử dụng không gian ven bờ
Các hoạt động kinh tế vùng ven bờ tỉnh Hà Tĩnh đã xuất hiện 14 nhóm xung đột, chồng lấn chính trong vùng xây dựng kế hoạch dựa trên việc xét những trụ cột chính của lĩnh vực thủy sản: KTTS, NTTS và sản xuất giống, CBTS và vùng đệm là các hệ sinh thái vùng ven bờ. Bao gồm:
- Mâu thuẫn nội ngành khai thác thủy sản;
- Mâu thuẫn khai thác thủy sản với nuôi trồng thủy sản;
- Mâu thuẫn khai thác thủy sản với du lịch;
- Mâu thuẫn nội ngành nuôi trồng thủy sản;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với dịch vụ hậu cần nghề cá - giao thông thủy;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với sản xuất nông nghiệp;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với diêm nghiệp;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với công nghiệp;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với du lịch;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với khu dân cư tập trung;
- Mâu thuẫn nuôi trồng thủy sản với rừng phòng hộ;
- Mâu thuẫn chế biến thủy sản với du lịch;
- Mâu thuẫn chế biến thủy sản với khu dân cư tập trung;
- Mâu thuẫn các hệ sinh thái vùng ven bờ với các ngành nghề khác.
3. Kế hoạch quản lý không gian ven bờ tỉnh Hà Tĩnh
3.1. Mục tiêu kế hoạch quản lý không gian ven bờ
3.1.1. Mục tiêu
3.1.1.1. Mục tiêu chung
Kế hoạch quản lý không gian ven bờ tỉnh Hà Tĩnh nhằm đảm bảo sự phát triển hiệu quả, ổn định, bền vững lĩnh vực thủy sản, hài hòa giữa bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven bờ với khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả nguồn lao động và an sinh xã hội.
3.1.1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phục hồi bảo vệ tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ;
b) Là công cụ quản lý mang tính định hướng cho các quy hoạch đơn ngành, tổng hợp quy hoạch, giải quyết mâu thuẫn khi nảy sinh trong quá trình sử dụng không gian ven bờ;
c) Nâng cao mức sống, ổn định sinh kế, tăng cường khả năng tham gia quản lý giám sát của cộng đồng dân cư vùng ven bờ;
d) Góp phần tăng tỷ trọng đóng góp kinh tế biển với sự phát triển ổn định, bền vững đồng bộ cho cơ cấu kinh tế của địa phương 6 huyện, thị và 41 xã phường ven biển;
e) Kế hoạch quản lý không gian ven bờ tham gia góp phần thúc đẩy đạt được mục tiêu phát triển thủy sản toàn tỉnh.
3.1.2. Kịch bản quản lý không gian ven bờ: Phát triển bền vững, cân đối giữa tăng trưởng tổng sản phẩm sản xuất trong năm với các mục tiêu về xã hội và môi trường.
3.2. Phân vùng kế hoạch quản lý không gian ven bờ (ISP)
Vùng bờ 06 huyện, thị xã được chia theo hướng từ Đông sang Tây, từ vùng nước biển 6 hải lý trở vào đất liền ven bờ làm 3 vùng chức năng quản lý thủy sản như sau:
- Vùng 1: Vùng biển ven bờ từ 6 hải lý trở vào mép nước biển phục vụ tiểu vùng khai thác thủy sản;
- Vùng 2: Vùng các cửa sông, lạch: Tiểu vùng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; tiểu vùng chế biến thủy sản; tiểu vùng bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái vùng ven bờ; tiểu vùng đa mục tiêu;
- Vùng 3: Vùng bờ ven biển phục vụ tiểu vùng nuôi trồng thủy sản.
Kế hoạch quản lý không gian ven bờ (ISP) tỉnh Hà Tĩnh đã định hướng 06 vùng không gian, cụ thể:
3.2.1. Khai thác thủy sản ven bờ: Vùng biển ven bờ của 06 huyện, thị xã ven biển từ 0-6 hải lý.
3.2.2. Không gian phát triển nuôi trồng thủy:
a) Huyện Nghi Xuân
- NTTS mặn lợ:
+ Vùng Cửa Hội: Bao gồm diện tích vùng đang nuôi, lúa 1 vụ và đất hoang hóa của các xã từ Xuân Phổ đến Xuân Hội và đất bãi triều xã Xuân Hội;
+ Vùng Cửa lạch Đồng Kèn: Khai thác tối đa diện tích ao đầm hiện có mở rộng thêm diện tích đất hoang hóa, đất lúa 1 vụ, đất bãi triều xã Cương Gián;
- Nuôi tôm trên cát: Các xã: Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Hải, Cổ Đạm.
b) Huyện Thạch Hà
- NTTS mặn, lợ:
+ Vùng ven sông Rào Cái: gồm vùng nuôi của các xã Tượng Sơn, xã Thạch Lạc;
+ Vùng ven sông Cày: Gồm các xã: Thạch Khê, Thạch Đỉnh, vùng Đập Bình - thị trấn Thạch Hà;
+ Vùng ven sông Hộ Độ: Thuộc các xã Thạch Sơn, Thạch Long, một phần diện tích nuôi tôm thị trấn Thạch Hà;
+ Vùng ven Cửa Sót: Xã Thạch Bàn bao gồm đồng muối, bãi triều.
- Nuôi tôm trên cát: Các xã: Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Hải (11,8ha), Thạch Hội.
c) Huyện Lộc Hà
- NTTS mặn lợ: Các xã: Hộ Độ, Thạch Bằng, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thịnh Lộc.
d) Huyện Cẩm Xuyên:
- Nuôi trồng thủy sản mặn lợ:
+ Vùng ven Cửa Nhượng: Gồm các vùng phía Nam xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc chủ yếu nuôi nhuyễn thể (Bãi triều);
+ Vùng tiếp giáp cửa sông Gia Hội, sông Rác và sông Quèn thuộc xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc. Loại hình gồm các diện tích ven sông, đất hoang hóa ngoài đê, lúa một vụ;
+ Vùng ven sông Gia Hội và sông Cầu Nậy gồm các xã: Cẩm Lộc, Cẩm Hà, Cẩm Phúc, thị trấn Thiên Cầm. Loại hình đất lúa nhiễm mặn.
- Nuôi trên cát: Xã Cẩm Dương.
e) Huyện Kỳ Anh
- Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ:
+ Các xã: Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Hải: Nuôi bán thâm canh, thâm canh;
+ Xã Kỳ Xuân: Nuôi tôm hùm;
+ Xã Kỳ Hải: Nuôi quảng canh cải tiến.
f) Thị xã Kỳ Anh
Nuôi trồng thủy sản mặn lợ:
+ Các xã: Kỳ Ninh, Kỳ Nam: nuôi bán thâm canh, thâm canh;
+ Các xã: Kỳ Trinh, Kỳ Hưng, Kỳ Hà, Kỳ Ninh: Nuôi quảng canh cải tiến.
3.2.3. Không gian phát triển chế biến thủy sản:
- Huyện Nghi Xuân: 1 khu chế biến bảo quản thủy sản tại khu Công nghiệp Gia Lách, quy mô 7 ha; 01 khu chế biến tại cảng cá Xuân Hội;
- Huyện Cẩm Xuyên: 1 khu chế biến bảo quản thủy sản tại xã Cẩm Nhượng có quy mô 7ha (gần cảng Cẩm Nhượng);
- Huyện Lộc Hà - Xã Thạch Kim: 1 khu chế biến bảo quản thủy sản quy mô 4 ha;
- Huyện Kỳ Anh: thôn Trung Tiến (1ha) xã Kỳ Khang, thôn Phú Hải (1ha) - xã Kỳ Phú, 1 khu chế biến bảo quản thủy sản quy mô 1,5 ha tại thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân;
- Thị xã Kỳ Anh- Xã Kỳ Ninh: 1 khu chế biến bảo quản thủy sản quy mô 7ha.
3.2.4. Không gian phát triển cảng, bến cá, neo đậu tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá:
- Huyện Nghi Xuân: Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội- Cửa Hội (cảng cá Xuân Hội);
- Huyện Lộc Hà: Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Thạch Kim;
- Huyện Cẩm Xuyên: Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, thị trấn Thiên Cầm);
- Thị xã Kỳ Anh: Cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Kỳ Ninh, khu neo đậu tàu thuyền tại xã Kỳ Hà thuộc khu kinh tế Vũng Áng; bến neo đậu xã Kỳ Phương.
3.2.5. Không gian bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái vùng ven bờ:
Khu vực 1: Vùng không gian phát triển rừng ngập mặn ven sông
(1) Các cửa sông: (1.1) cửa Hội (huyện Nghi Xuân), (1.2) cửa Sót (huyện Thạch Hà, huyện Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh), (1.3) cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), (1.4) cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh);
Khu vực 2 - Bãi đẻ thủy sản: (2) Các cửa sông: (2.1) cửa Hội, (2.2) cửa Sót, (2.3) cửa Nhượng, (2.4) cửa Khẩu; (3) các đảo, hòn: (3.1) hòn Lạp, (3.2) hòn Nồm, (3.3) đảo Én, (3.4) đảo Booc, (3.5) hòn Sơn Dương (4) xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh);
Khu vực 3: (1) xã Xuân Liên, (2) xã Xuân Thành, (3) xã Cường Gián (huyện Nghi Xuân); (4) vùng sông Hạ Vàng chạy ra Cửa Sót chạy qua các xã: Thạch Kim, Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); (5) xã Thạch Lạc, (6) xã Thạch Hải, (7) xã Thạch Hội, (8) xã Thạch Trị, (9) xã Thạch Long, (10) xã Thạch Đỉnh, (11) xã Thạch Bàn (huyện Thạch Hà); (12) xã Kỳ Nam, (13) phường Kỳ Phương, (14) vùng ven bờ xã: Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Nam, phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh).
3.2.6. Không gian sử dụng đa mục tiêu:
(1) Khu vực cửa Hội: bao gồm các hoạt động diễn ra cùng lúc như: Cảng cá, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ,...;
(2) Khu vực cửa Sót: Bao gồm các hoạt động diễn ra cùng lúc như: Hoạt động nông nghiệp, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, du lịch, bảo vệ hệ sinh thái ven bờ,...;
(3) Khu vực vùng cửa Nhượng: Bao gồm vùng biển ven bờ thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Nhượng, Cẩm Lộc, Cẩm Lĩnh và Cửa Nhượng bao gồm các hoạt động diễn ra cùng lúc như: KTTS, NTTS, DL, DVHCNC, rừng ngập mặn, bảo vệ hệ sinh thái;
(4) Khu vực cửa Khẩu - cảng Vũng Áng: Bao gồm các hoạt động diễn ra cùng lúc như khai thác thủy sản, du lịch, chế biến thủy sản, âu thuyền Kỳ Hà, sản xuất diêm nghiệp tại xã Kỳ Hà, cảng vận tải Vũng Áng, NTTS tại xã Kỳ Ninh, rừng.
4.1. Tiến độ thực hiện
4.1.1. Giai đoạn 2017-2020
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án sản xuất thủy sản hàng năm; rà soát, bổ sung các cơ chế chính sách, quy hoạch về phát triển thủy sản; xây dựng chỉ tiêu kế hoạch triển khai cụ thể cho các huyện, thành, thị theo từng năm.
- Hàng năm rà soát lại các chỉ tiêu, lập kế hoạch điều chỉnh về giải pháp, cơ chế chính sách, phương thức tổ chức thực hiện,... nhằm đạt các mục tiêu của đề án.
- UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai xây dựng và phê duyệt các chương trình hành động về phát triển thủy sản phục vụ cho Kế hoạch quản lý không gian ven bờ, giao chỉ tiêu và nhiệm vụ cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện (quý I/2018).
4.1.2. Giai đoạn 2021-2030
- Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn từ năm 2017-2020
- Căn cứ vào thực trạng phát triển qua các năm, rà soát điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch quản lý không gian ven bờ và đưa ra các mục tiêu, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
4.2. Phân công tổ chức thực hiện
4.2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển và các đơn vị liên quan công bố kế hoạch quản lý không gian ven bờ.
- Xây dựng và triển khai chương trình hành động, đề án khai thác thủy sản ven bờ bền vững, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại các vùng cửa lạch (cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Hội, Cửa khẩu). Tăng cường công tác trồng rừng ngập mặn tại các vùng cửa sông, rừng phi lao ven biển; chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với Kế hoạch quản lý không gian ven bờ.
- Rà soát cập nhật các quy hoạch, chính sách về khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, chợ thủy sản vùng cửa sông,...
- Xây dựng đề án trình UBND tỉnh cho chủ trương thí điểm khoanh vùng các khu vực bảo vệ, phục hồi, khai thác nguồn lợi thủy sản (các cửa sông, các rạn, hòn, đảo,...) giao cho các Tổ đồng quản lý dưới sự giám sát của UBND các xã, phường; tổng hợp, đánh giá hàng năm để nâng cao hiệu quả quản lý và nhân rộng mô hình.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhận thức về tài nguyên môi trường, hệ sinh thái cho các đối tượng có liên quan trực tiếp và gián tiếp.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra định kỳ hàng năm tiểu vùng đa mục tiêu, tập trung ở các khu vực cửa sông, đảo, rạn san hô.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính sau khi áp dụng Kế hoạch quản lý không gian ven bờ trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ.
4.2.2. Các sở, ban ngành, tổ chức khác liên quan
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Trên cơ sở Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện lồng ghép các nội dung vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh hằng năm;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành và các địa phương liên quan thẩm định các dự án đầu tư (nếu có) theo quy định; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện kế hoạch;
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực thủy sản.
b) Sở Tài chính: Trên cơ sở Kế hoạch quản lý không gian ven bờ đã được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn hằng năm để thực hiện chính sách hỗ trợ trong xây dựng mô hình, các vùng nuôi thủy sản tập trung; các khu chế biến; chuyển đổi tàu thuyền khai thác xa bờ đúng quy hoạch. Hàng năm tổ chức kiểm tra phần vốn ngân sách hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng chính sách, pháp luật Nhà nước.
c) Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các đề tài, dự án về giống, công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thủy sản hiệu quả và bền vững.
d) Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chính sách đổi mới công nghệ chế biến thủy sản, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước; phối hợp và hỗ trợ các địa phương quy hoạch, phát triển các khu, cụm chế biến, đóng sửa tàu thuyền, làng nghề chế biến thủy sản, quản lý chặt chẽ hơn về quy hoạch các cây xăng dầu tại các vùng cửa sông.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển hướng dẫn chính sách đất đai cho các tổ chức, cá nhân thuê đất phát triển sản xuất thủy sản và kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường trong sản xuất thủy sản; bổ sung nhu cầu sử dụng đất các công trình, dự án phát triển thủy sản vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.
Xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động tại các vùng cửa sông, đánh giá chất lượng, trữ lượng của nguồn nước ngầm, nước bề mặt trên địa bàn toàn tỉnh để có kế hoạch sử dụng phù hợp.
f) Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị ven biển hướng dẫn triển khai các chính sách liên quan về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm nhân dân ven biển.
g) Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã ven biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động thủy sản bất hợp pháp, đặc biệt tại 04 vùng cửa sông (cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Khẩu), các đảo, rạn san hô vùng ven bờ.
h) Các sở, ban ngành liên quan
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện kế hoạch, quy hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh về những vấn đề liên quan chuyên ngành của mình, giải quyết các vướng mắc để thực hiện kế hoạch, quy hoạch có hiệu quả.
4.2.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân đầu tư, mở rộng phát triển thủy sản đảm bảo theo đúng Kế hoạch quản lý không gian ven bờ đã được phê duyệt.
- Tổ chức quản lý kế hoạch, quy hoạch chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ hằng năm tại hiện trường vùng chồng lấn giữa NTTS và rừng phòng hộ, các tiểu vùng đa mục tiêu, tiểu vùng bảo vệ hệ sinh thái tại vùng cửa sông (cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng, cửa Khẩu).
- Lồng ghép nội dung Kế hoạch quản lý không gian ven bờ, quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã hằng năm. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển thủy sản trên địa bàn đảm bảo có hiệu quả, đúng quy định.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch quản lý không gian ven bờ, quy hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn; trực tiếp tổ chức quản lý phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản trên địa bàn quản lý theo phân cấp quản lý.
- Chủ động phối hợp tổ chức triển khai các đề án, các dự án đầu tư trên phương mình đảm bảo đúng nội dung, tiến độ có hiệu quả. Hằng năm có sơ kết, tổng kết đánh giá để xử lý kịp thời các vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai.
- Tạo thuận lợi cho các hộ nuôi trồng, khai thác, và chế biến thủy sản trong việc vay vốn sản xuất và cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển thủy sản trên địa bàn. UBND các xã, phường ven biển tham gia sinh hoạt định kỳ hằng quý với tổ đồng quản lý tại mỗi địa phương để tăng cường công tác phối hợp quản lý phát triển thủy sản bền vững.
- Bổ sung nhu cầu sử dụng đất thủy sản theo quy hoạch trên địa bàn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển sản xuất thủy sản tại cơ sở, xử lý nghiêm minh, đúng quy định các vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (khai thác trái tuyến, sử dụng ngư lưới cụ hủy diệt, khai thác tại các khu vực cấm khai thác theo mùa sinh sản của thủy sản,...). Xử lý vi phạm về môi trường sinh thái (xả thải gây ô nhiễm môi trường, xâm lấn rừng phòng hộ, phá hủy rạn san hô,...) theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa phương.
4.2.4. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và khai thác thủy sản
- Tăng cường sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân thông qua hợp đồng kinh tế.
- Làm tốt công tác dịch vụ kỹ thuật, cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản; các loại ngư lưới cụ, dầu,... đảm bảo chất lượng cho người tham gia hoạt động thủy sản.
- Tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
- Quan tâm đầu tư xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các trại sản xuất giống; các nhà máy chế biến hải sản đông lạnh, hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất trong thời gian tới.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển; Giám đốc Ban Quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Hà Tĩnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.