ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 573/QĐ-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 18 tháng 3 năm 2020 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 106/2019/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố (vỉa hè) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
Căn cứ Văn bản số 6792-CV/TU ngày 17/2/2019 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về việc lập lại trật tự an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải Công văn số 414/SGTVT-KHTC ngày 03/3/2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm lập lại an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THU PHÍ SỬ DỤNG TẠM THỜI LÒNG ĐƯỜNG, HÈ PHỐ
NHẰM LẬP LẠI AN TOÀN VỈA HÈ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Căn cứ Văn bản số 6792-CV/TU ngày 17 tháng 2 năm 2019 của Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về việc lập lại trật tự an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 1086-CV/BCS ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc lập lại trật tự an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020,
Nhằm lập lại trật tự an toàn vỉa hè, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm lập lại an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với nội dung cụ thể như sau:
- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của lòng lề đường vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông và góp phần xây dựng văn minh đô thị, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu thiết thực của các tổ chức và người dân thành phố.
- Tuyên truyền, phổ biến những quy định liên quan đến hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè, công tác quản lý, xây dựng vỉa hè và thực hiện nếp sống văn minh đô thị đến mọi người dân, gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp lập lại trật tự an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý không để phát sinh thêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh; đảm bảo và duy trì “đường thông - hè thoáng” trên tất cả các tuyến đường.
- Tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông gắn với chỉnh trang đô thị, đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật.
- Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, chú trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân sử dụng vỉa hè; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, phương tiện tham gia giải tỏa; không để xảy ra sai sót và phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
- Gắn trách nhiệm của người đứng đầu của các địa phương với kết quả thực hiện nhiệm vụ lập lại an toàn vỉa hè trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị.
- Các cá nhân, tổ chức, dân cư sinh sống ven các trục đường phố phải chấp hành những quy định về trật tự an toàn vỉa hè, tự tháo dỡ các công trình vi phạm, tái vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trả lại mặt bằng đường, vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
1. Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông, an toàn vỉa hè đô thị, trọng tâm là tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ để không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật giao thông vận tải và trật tự an toàn đô thị.
Nghiêm cấm các hành vi để vật liệu xây dựng, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; trông giữ xe trái phép; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi đất của đường bộ; đào khoan, xẻ đường trái phép; dựng lều quán, mái vẩy trên lề đường, vỉa hè; xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; phá hủy hệ thống rãnh dọc, lấn chiếm cửa cống, san lấp hạ lưu thoát nước; đấu nối trái phép vào đường bộ; xây dựng công trình nhà ở, lều, lán trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ; Đổ rác thải, nước thải, xả nước thải xây dựng ra đường đô thị.
2. Tổ chức thực hiện công tác quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè tại các địa phương theo quy định pháp luật; xây dựng đề án công bố danh sách các tuyến đường có tổ chức thu phí xe ô tô đậu trên lòng đường, danh sách các hè phố tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố. Việc sử dụng lòng đường, hè phố đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến khả năng lưu thông và an toàn giao thông trên tuyến; không chắn ngang các lối ra vào hẻm, không nằm trước các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở, đảm bảo phần diện tích cho người đi bộ được dễ dàng thuận lợi.
3. Tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; tổ chức xây dựng công bố các bãi xe trên các khu vực đô thị; cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang vỉa hè đô thị; thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
4. Hướng dẫn sắp xếp chấn chỉnh lại tình trạng đậu đỗ xe trên lòng đường, hè phố trong khu đô thị; tổ chức thiết lập các khu vực đỗ xe ô tô, các khu vực hè phố có tổ chức thu phí và triển khai công tác thu phí các khu vực có tổ chức thu phí theo quy định.
5. Tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, tổ chức và cá nhân vi phạm lòng lề đường, vỉa hè hành lang an toàn đường bộ tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, lều quán,… vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua bán hàng hóa, các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc theo các tuyến đường đô thị có nhu cầu sử dụng hè phố để đậu đỗ xe phải thuê lòng đường, hè phố theo quy định của nhà nước.
6. Tổ chức xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và trật tự đô thị, hành vi lấn chiếm sử dụng long đường, hè phố trái quy định.
7. Tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, lều quán,... vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ theo quy định đối với các trường hợp các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dung long đường, hè phố trái quy định.
8. Tổ chức duy trì công tác quản lý và bảo vệ tốt phần lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ đã thực hiện giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới đã giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định.
1. Ban An toàn giao thông tỉnh
Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, an toàn vỉa hè đô thị, trọng tâm là tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ để không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật giao thông vận tải và trật tự an toàn đô thị. Sau đợt thực hiện cao điểm, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề án công bố danh sách các tuyến đường có tổ chức thu phí xe ô tô đậu trên lòng đường, danh sách các hè phố tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố.
b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra xử lý chấn chỉnh tình trạng đấu nối của các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại chỉ đấu nối vào đường bộ.
c) Tổ chức thực hiện duy tu bảo trì đường bộ theo phân cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông,
d) Phối hợp các địa phương rà soát, làm gờ giảm tốc và cắm biển báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ; tổ chức hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo chớp vàng cảnh báo, sơn gồ giảm tốc, lắp gờ giảm tốc và các hạng mục công trình đảm bảo ATGT trên đường bộ, đặc biệt đối với đường đô thị.
e) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ được phân cấp quản lý nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ.
a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đường đô thị; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị tại địa phương mình quản lý.
b) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng sai quy hoạch, vi phạm pháp luật về xây dựng trên địa bàn.
Thực hiện thanh quyết toán nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.
Chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn thực hiện Đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời giai đoạn 2019 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1459/QĐ-UBND ngày 11/6/2019 và Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại Quyết định số 11/2019/QĐ-UBND ngày 12/6/2019.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về quy định sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền an toàn giao thông phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bà Rịa – Vũng Tàu
Dành thời lượng và nâng cao chất lượng các chuyên mục, chương trình để tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị và thông tin kịp thời nội dung này đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính, xã hội, đoàn thể cấp tỉnh
a) Tích cực hưởng ứng, tham gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ theo quy định.
b) Phối hợp vận động các cơ quan, đơn vị, hội viên, đoàn viên, sinh viên, học sinh, cán bộ công nhân viên, người lao động và nhân dân gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; lồng ghép tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng hè phố, lòng đường, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm hè phố, lòng đường bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
b) Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự đô thị, quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông theo quy định; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh bằng cách lồng ghép vào trong các buổi họp, sơ kết, tổng kết, trên hệ thống loa truyền thanh địa phương.
c) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiên quyết không để phát sinh các trường hợp xây dựng các công trình trái phép, họp chợ, mua bán trên hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức quản lý chặt chẽ địa bàn sau giải tỏa, bàn giao, kiên quyết không để tái lấn chiếm.
d) Tổ chức thực hiện công tác quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè tại các địa phương theo quy định pháp luật; xây dựng đề án công bố danh sách các tuyến đường có tổ chức thu phí xe ô tô đậu trên lòng đường, danh sách các hè phố tổ chức thu phí sử dụng tạm thời hè phố.
e) Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giải tỏa triệt để các trường hợp lắp đặt mái che, biển quảng cáo, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, các điểm trông giữ phương tiện không phép, trái phép, để phương tiện không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, làm mất mỹ quan đô thị. Bố trí các khu vực kinh doanh buôn bán, khu vực dừng đỗ xe, bãi đỗ xe, nhất là tại các cổng trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, các chợ, trung tâm thương mại,... bảo đảm thông thoáng, tránh ùn tắc, mất mỹ quan đô thị. Vận động nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh đô thị; sắp xếp cửa hàng, cửa hiệu, xe máy, xe đạp gọn gàng, đúng nơi quy định.
g) Hướng dẫn sắp xếp chấn chỉnh lại tình trạng đậu đỗ xe trên lòng đường, hè phố trong khu đô thị; tổ chức thiết lập các khu vực đỗ xe ô tô, các khu vực hè phố có tổ chức thu phí và triển khai công tác thu phí các khu vực có tổ chức thu phí theo quy định.
h) Tổ chức thực hiện duy tu bảo trì đường bộ, vỉa hè theo phân cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu công trình.
i) Xây dựng quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự đô thị và an toàn giao thông tại địa phương.
a) Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
b) Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ.
c) Chủ trì phối hợp với các lực lượng, các địa phương liên quan tổ chức xử lý vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ trật tự an toàn đối với hoạt động cưỡng chế các hộ không tự di dời ra khỏi lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ; có giải pháp quản lý hiệu quả địa bàn sau giải tỏa, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ.
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trường các đơn vị liên quan có trách nhiệm:
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý trình UBND tỉnh quyết định.
- Báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Giao Giám đốc Sở Tài chính theo dõi, tổng hợp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.