ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2011/QĐ-UBND |
Đồng Nai, ngày 01 tháng 9 năm 2011 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 188/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015;
Căn cứ Nghị quyết 195/2010/NQ-HĐND ngày 19/12/2010 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 526/TTr- TNMT ngày 22 tháng 8 năm 2011 về việc ban hành Chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Giao trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện; phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi chung việc triển khai Chương trình này, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm
theo Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Đồng Nai)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ IX Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết số 188/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 05 năm 2011 - 2015; Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND và Nghị quyết số 195/2010/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về điều chỉnh, bổ sung một số điều Nghị quyết số 125/2008/NQ-HĐND về Đề án bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 với nội dung như sau:
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VÀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
Những năm qua, trong bối cảnh chịu sự tác động khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường; nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường đã triển khai thực hiện có hiệu quả, ô nhiễm môi trường đã từng bước kiểm soát và ngăn chặn, bảo vệ được môi trường sinh thái, hạn chế tác động xấu của môi trường đối với con người, tạo nền tảng và tiền đề quan trọng cho sự phát triển tiếp theo. Song, trong quá trình phát triển cũng đã phát sinh những tác động ảnh hưởng đến môi trường, ở một số nơi môi trường còn bị ô nhiễm đã trở thành vấn đề bức xúc và còn nhiều thách thức.
Chất lượng các thành phần môi trường qua kết quả quan trắc, theo dõi diễn biến trong giai đoạn 2006 - 2010 nhìn chung đạt quy chuẩn môi trường nhưng chưa ổn định, bền vững, còn nhiều nguy cơ phát sinh ô nhiễm cục bộ.
- Chất lượng nước mặt ở đa số các sông, suối, hồ trong tỉnh như: Sông Đồng Nai, các hồ Trị An, Đa Tôn, Suối Tre, Cầu Mới, Núi Le, Gia Ui,... Nhìn chung đạt quy chuẩn môi trường về chất lượng nước dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt. Một số sông, hồ trước đây ô nhiễm nặng nay đã phục hồi như sông Thị Vải, hồ Sông Mây. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực có biểu hiện nguồn nước bị ô nhiễm như:
Tại khu vực gần chân cầu La Ngà thuộc hồ Trị An, sông Cái, sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa; tại một số suối, kênh rạch thoát nước trong đô thị, nhất là trong thành phố Biên Hòa (như suối Linh, suối Săn Máu, suối Siệp và suối Bà Lúa). Những nguồn nước này thường bị ô nhiễm hữu cơ, vi khuẩn gây bệnh, chất lượng nước chưa được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhất là các kênh rạch thoát nước nội ô.
- Chất lượng nước dưới đất tương đối ổn định, qua kết quả quan trắc hầu hết các thông số hóa lý đều đạt tiêu chuẩn cho phép, ngoại trừ chỉ tiêu vi sinh (coliform) còn vượt quy chuẩn môi trường ở một vài trường hợp; cá biệt có phát hiện ô nhiễm pH, amoni, sắt, coliform tại một số điểm quan trắc.
- Chất lượng môi trường không khí tại hầu hết các khu công nghiệp, khu đô thị, khu vực nông thôn nhìn chung đạt quy chuẩn môi trường. Tuy nhiên, ô nhiễm bụi trong không khí xung quanh còn phổ biến ở các trục giao thông lớn, với mức ô nhiễm nhẹ (hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép trong khoảng từ 01 đến 03 lần). Ngoài ra, tại các nút giao thông lớn còn có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ về monoxit cacbon (CO), nhưng tần suất phát hiện ô nhiễm còn thấp và không thường xuyên.
- Chất lượng môi trường đất các khu vực đô thị, khu công nghiệp và nông thôn nhìn chung đạt quy chuẩn môi trường.
II. Tình hình quản lý về môi trường:
Thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 theo Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp và cộng đồng quan tâm thực hiện. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và đạt một số kết quả như sau:
a) Thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về bảo vệ môi trường:
- Đến cuối năm 2010, có 19/21 khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 90,5%, tăng 52,5% so với năm 2006, vượt 20,5% so với mục tiêu Chương trình đề ra (70%), cao hơn 32,2% so với cả nước (cả nước đạt 58,3%).
- Tỷ lệ thu gom các loại chất thải rắn thông thường đạt 85,2% tăng 25,2% so với năm 2006, vượt 5% so với chỉ tiêu Chương trình đề ra; thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 61% tăng 36% so với năm 2006, vượt 01% so chỉ tiêu Chương trình và tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế công lập đạt 100% tăng 25% so với năm 2006, đạt chỉ tiêu Chương trình.
- Tỷ lệ che phủ cây xanh đến năm 2010 đạt 54,3%, trong đó độ che phủ của rừng đạt 29,76% (tính cả diện tích nghiệm thu thành rừng theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BNN ngày 28/5/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng) tăng 3,48% so với năm 2006, gần đạt chỉ tiêu Chương trình đề ra là 30%.
- Tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung chưa đạt mục tiêu Chương trình đề ra (30 - 40%). Tuy nhiên, diện tích đô thị có hệ thống thoát nước hiện hữu đạt trên 30%.
- Tỷ lệ số hộ đô thị được cấp nước sạch đến năm 2010 đạt 98%, tăng 20% so với năm 2006; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2010 đạt 90%, chưa đạt chỉ tiêu Chương trình đề ra (trên 95% dân số sử dụng nước sạch cho sinh hoạt).
b) Thực hiện các dự án tổng thể về bảo vệ môi trường:
Các dự án tổng thể về bảo vệ môi trường đã được triển khai, thực hiện; kết quả đã đề xuất được nhiều giải pháp góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, như các dự án: Thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải đô thị; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp, kể cả chất thải nguy hại; nâng cao năng lực quan trắc trên địa bàn tỉnh.
c) Công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường:
Việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng; hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được nhân rộng với sự tham gia, hưởng ứng của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Chương trình liên tịch về bảo vệ môi trường được ký kết giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh và huyện đã và đang được triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả.
Thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường, các thông tin, dữ liệu về môi trường (như kết quả quan trắc, hiện trạng chất lượng môi trường; các văn bản, quy định, các hoạt động về bảo vệ môi trường của địa phương,…) Được thông tin công khai qua các cơ quan thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của tỉnh, của Sở Tài nguyên và Môi trường, chương trình phát thanh cấp huyện, xã, qua tiếp xúc cử tri, qua các buổi sinh hoạt của đoàn thể… Qua đó, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên.
d) Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường:
- Tổ chức, bộ máy quản lý môi trường từng bước được kiện toàn, vai trò của lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường được phát huy; cán bộ chuyên trách môi trường cấp huyện, cán bộ địa chính - môi trường cấp xã được bổ sung. Các ngành xây dựng, nông nghiệp, công thương, y tế,... Các tổ chức chính trị - xã hội và các tổng công ty, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều bố trí nhân sự phụ trách về công tác bảo vệ môi trường.
- Công tác thẩm định, phê duyệt thủ tục môi trường tuân thủ đúng quy định pháp luật, ngày càng chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Từ 2006 đến 2010, có 267 dự án đã được phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1.459 dự án được xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; 111 cơ sở được phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường; 747 cơ sở được cấp Sổ đăng ký quản lý chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải; 03 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động quản lý chất thải nguy hại. Các hệ thống xử lý chất thải đã được kiểm tra, xác nhận đạt yêu cầu mới đưa vào hoạt động, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Trong 05 năm qua, đã kiểm tra 1.655 đơn vị, thanh tra 1.282 đơn vị; giải quyết 667 đơn thư khiếu kiện về môi trường. Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1.458 trường hợp với tổng số tiền xử phạt, nộp ngân sách trên 12 tỷ đồng.
- Chú trọng giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải, sông Đồng Nai. Hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức kiểm tra, phân loại về môi trường theo Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với 423 cơ sở, công bố danh mục 123 cơ sở gồm 45 cơ sở ô nhiễm môi trường và 78 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kết quả, đã có 32/123 cơ sở được chứng nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm.
- Hoạt động quan trắc môi trường được tăng cường cả về khối lượng và tần suất, kịp thời nắm bắt, dự báo được diễn biến môi trường trên địa bàn. Mạng lưới quan trắc, phân tích môi trường được mở rộng, quan trắc môi trường nước từ 06 sông, 06 hồ và 04 suối năm 2005 đến nay đã mở rộng 11 sông, 12 hồ và 07 suối; quan trắc không khí mở rộng thêm khu vực nông thôn, miền núi (năm 2005 chỉ quan trắc tại khu công nghiệp, đô thị và giao thông). Về vị trí, tần suất và số mẫu quan trắc tăng từ 2 - 3 lần so với năm 2005, nhất là tại các khu vực quan trọng như: Sông Đồng Nai, La Ngà, Thị Vải, các khu công nghiệp, đô thị…
- Công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn được triển khai thực hiện tốt, từ năm 2006 đến 2010 đã thu được 61,71 tỷ đồng đối với nước thải (nước thải công nghiệp: 26,74 tỷ, nước thải sinh hoạt: 34,97 tỷ), 376 triệu đồng đối với chất thải rắn (năm 2010).
- Tổ chức hoạt động quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh đi vào nền nếp; đến nay nguồn vốn quỹ có 35,24 tỷ đồng, đã hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ môi trường, các doanh nghiệp thuộc cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện 13 dự án đầu tư cho việc thu gom vận chuyển chất thải và các công trình xử lý môi trường với tổng vốn duyệt cho vay là 26,37 tỷ đồng, chiếm 74,8% tổng vốn hiện có của quỹ.
e) Công tác bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn:
- Tiếp tục được quan tâm đầu tư, công tác quy hoạch về thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho các đô thị; quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn các huyện, thị xã Long Khánh đã được xây dựng và từng bước được tổ chức triển khai thực hiện. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện chặt chẽ, ngày càng có hiệu quả, tình hình phá rừng, cháy rừng được hạn chế.
f) Về nguồn lực kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường:
Trong giai đoạn 2006 - 2010, tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường là 1.347 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 828 tỷ đồng (chiếm 61,5%), vốn xã hóa là 519 tỷ đồng (chiếm 38,5%), trong đó vốn đầu tư của các Công ty Kinh doanh hạ tầng KCN đối với công trình xử lý nước thải tập trung là 517 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2005 (149 tỷ đồng).
Như vậy, thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đồng Nai đã luôn ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Mức vốn đầu tư tăng lên hàng năm, năm 2010, vốn sự nghiệp môi trường đạt 105,6 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng chi ngân sách và tăng gấp 11 lần so với năm 2006 (9,6 tỷ đồng). Tổng chi sự nghiệp bảo vệ môi trường giai đoạn 2006 - 2010 là 212,4 tỷ đồng, tăng 19 lần so với 2001 - 2005 (10,95 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quản lý bảo vệ môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Môi trường công nghiệp, đô thị vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Còn 02 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở các đô thị chưa được xây dựng; tiến độ triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh còn chậm.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại, mặc dù đạt chỉ tiêu nhưng chưa xử lý đạt yêu cầu (chất thải thông thường xử lý đạt quy chuẩn khoảng 25%, chất thải y tế tư nhân chưa xử lý triệt để), đang gây ra áp lực lớn trong việc xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn.
- Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù được tăng cường, nhưng việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường dẫn đến tồn tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc xử lý một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm và chưa triệt để.
3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên như sau:
- Về khách quan: Hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, hoàn chỉnh, các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật về môi trường và các hạng mục công trình xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Về chủ quan: Chủ yếu là do các ngành, các cấp nhận thức chưa sâu sắc và đầy đủ về tầm quan trọng của quan điểm phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ, đồng bộ; năng lực cán bộ quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao; nhận thức về lợi ích bảo vệ môi trường, về vệ sinh môi trường của cộng đồng còn hạn chế; ngoài ra, do việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường yêu cầu kinh phí lớn, công nghệ và tính chất phức tạp nên thủ tục, thời gian thực hiện kéo dài.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Xây dựng Đồng Nai thành tỉnh phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với bảo vệ môi trường, tập trung ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường.
2. Các chỉ tiêu môi trường đến năm 2015 như sau:
- Tỷ lệ số cơ sở sản xuất xây dựng mới phải có công nghệ tiên tiến, xử lý các loại chất thải đạt quy chuẩn môi trường là 90 - 95%.
- Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường là 50 - 60%; khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường là 100%.
- Tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh là 80%, số hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh là 80%; số hộ nông dân ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và dịch bệnh là 85%; số cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường là 80%.
- Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế, chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại; thu gom 100% và xử lý trên 80% chất thải nguy hại.
- Thu gom và xử lý 50% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn.
- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99%.
- Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 56%; trong đó giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 29,76%.
- Cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng.
II. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể giai đoạn 2011 - 2015:
Để đáp ứng mục tiêu của chương trình đến 2015 cần tập trung thực hiện nhiệm vụ đột phá như sau:
Một là, huy động và tập trung các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh.
Hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025; tập trung kinh phí từ ngân sách Nhà nước và triển khai các chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch, trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về: Đất đai, thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào công trình, lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; công bố rộng rãi về quy hoạch, dự án và các cơ chế, chính sách thực hiện để kêu gọi đầu tư. Ưu tiên ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ mới, thân thiện với môi trường để xử lý chất thải rắn có thu hồi được năng lượng, sản phẩm có ích, tránh phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn đạt quy chuẩn môi trường theo các chỉ tiêu đã đề ra; tiến hành đóng cửa và thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường 100% lượng chất thải rắn tại các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Hai là, theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng môi trường để có giải pháp ngăn chặn ô nhiễm, khắc phục suy thoái, phục hồi và nâng cao chất lượng môi trường.
Tập trung hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường (đất, nước, không khí và chất độc hóa học Dioxin); đào tạo nâng cao năng lực quan trắc; đầu tư thiết bị quan trắc, chú trọng trang thiết bị quan trắc tự động; hoàn thành đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại các khu công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích; có giải pháp yêu cầu các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường và xây dựng cơ chế chia sẻ, trao đổi dữ liệu, thông tin về môi trường trong tỉnh, với Trung ương và các tỉnh, thành lân cận.
Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2015 như sau:
1. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng để bảo vệ môi trường.
Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Thực hiện dự án tổng thể về tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến 2020.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của doanh nghiệp, cộng đồng về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, đa dạng hóa nội dung, hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể như: Thông qua chương trình liên tịch với các đoàn thể, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát động và duy trì thường xuyên các hoạt động hưởng ứng các tuần lễ bảo vệ môi trường… Nội dung tập trung vào tuyên truyền, phổ biến về hậu quả của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm và tái sử dụng nước, tài nguyên; công khai thông tin về diễn biến chất lượng môi trường, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; các vấn đề bức xúc về môi trường được xã hội, dư luận quan tâm.
- Cập nhật và công bố công khai các thủ tục hành chính rộng rãi ở các cấp; tập huấn các văn bản pháp luật về môi trường; tăng cường công tác giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh.
2. Phòng ngừa, khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng môi trường:
Tăng cường đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao năng lực quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường, có giải pháp ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.
Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Thực hiện dự án tổng thể về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến 2020, gắn kết với Dự án Ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 và kế hoạch 05 năm (2011 - 2015) thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tăng cường giám sát, quan trắc các nguồn thải; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động cộng hưởng của xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đối với vùng bảo hộ vệ sinh cấp nước sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai (trước mắt là đoạn từ cầu Đồng Nai đến đập thủy điện Trị An và hồ Trị An).
- Tăng cường đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về môi trường theo quy hoạch; tập trung xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị và hệ thống khu xử lý chất thải rắn.
- Thực hiện dự án tổng thể ứng cứu sự cố môi trường về tràn dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, gồm: Đầu tư trang thiết bị; xây dựng, cập nhật và phát triển bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ - ESI; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; tập huấn diễn tập về ứng phó sự cố tràn dầu.
- Thực hiện phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường ngành công thương, đặc biệt sự cố môi trường do hóa chất gây ra.
- Triển khai kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai đến 2015, định hướng đến năm 2020, gồm: Quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tồn lưu và hậu quả lâu dài của chất độc hóa học đối với con người và môi trường; xác định và triển khai các giải pháp nhằm khắc phục một cách cơ bản ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và chăm sóc các nạn nhân chất độc hóa học; xây dựng Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tại thành phố Biên Hòa; nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng, của Quốc tế và năng lực khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
- Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch và thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ năng lượng mới; kiên quyết không cho phép đưa vào hoạt động, vận hành các cơ sở không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng diện tích đất lớn, tiêu hao nhiều năng lượng.
- Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định công tác thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, các dự án về xử lý chất thải. Tăng cường việc quản lý, cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn thông thường và nguy hại, chất thải y tế).
- Tiếp tục thực hiện Thông tư 07/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn và tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và chứng nhận khắc phục ô nhiễm đồng thời xử lý nghiêm minh các cơ sở cố tình không khắc phục theo qui định pháp luật.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về bảo vệ môi trường hàng năm, tập trung vào các khu vực trọng điểm (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nguồn thải lớn), hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
- Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm, tạo sự nghiêm minh trong thi hành pháp luật, công khai thông tin kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và cùng tham gia giám sát.
- Nâng cao năng lực quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường. Đẩy mạnh công tác điều tra, nắm chắc các nguồn gây ô nhiễm, nhất là các khu vực trọng điểm. Hoàn thiện mạng lưới quan trắc trên địa bàn tỉnh và nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Đầu tư trang thiết bị công nghệ, chú trọng đầu tư thiết bị quan trắc tự động về môi trường nước, không khí.
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường và xây dựng cơ chế chia sẻ, trao đổi dữ liệu thông tin về môi trường trong tỉnh, với Trung ương và các tỉnh, thành lân cận.
- Triển khai thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường; tiếp tục triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP , Nghị định 04/2007/NĐ-CP và chất thải rắn theo Nghị định 174/2007/NĐ-CP và nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định.
- Chủ động thực hiện, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường do thiên tai, sự cố môi trường xảy ra trên địa bàn, chú trọng tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực.
3. Bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên:
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản.
Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh; hoàn thành lập và triển khai thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thành lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác nước dưới đất, bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững nguồn tài nguyên nước.
- Thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020; quy hoạch cát, sỏi xây dựng đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục điều tra, đánh giá đúng thực trạng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, bảo vệ các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
- Tăng cường kiểm soát việc thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản, tài nguyên nước; thẩm định cấp phép xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước. Thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kiên quyết bắt buộc các cơ sở khai thác khoáng sản phải khôi phục môi trường sau khi kết thúc quá trình khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt.
4. Bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học:
Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái, các loài sinh vật và tài nguyên di truyền; kiểm soát và quản lý đa dạng sinh học trong bối cảnh tỉnh Đồng Nai phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
- Thực hiện dự án tổng thể về bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tăng cường năng lực quản lý Nhà nước, kiện toàn hệ thống tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật về bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và quản lý an toàn sinh học.
- Tổ chức điều tra, đánh giá, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát hạn chế sự phát triển các loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường.
- Bảo vệ phát triển rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, phân tán; kiểm soát chặt chẽ việc săn bắt, khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm. Lập và triển khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.
- Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống cháy rừng, nhất là rừng đầu nguồn xung yếu và rừng phòng hộ; tăng cường công tác bảo vệ Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên.
5. Bảo vệ môi trường tại các khu vực trọng điểm:
Tập trung bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm như khu vực đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khu vực nông thôn để nâng cao chất lượng môi trường góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Để thực hiện nhiệm vụ trên cần tập trung thực hiện những giải pháp sau:
a) Bảo vệ môi trường khu đô thị:
- Triển khai thực hiện các dự án khắc phục và cải tạo môi trường khu vực đô thị gồm:
+ Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 01;
+ Dự án thoát nước và xử lý nước thải huyện Nhơn Trạch: Thoát nước dãy cây xanh huyện Nhơn Trạch, tuyến thoát nước đường số 02 huyện Nhơn Trạch, nạo vét kênh thoát nước cuối đường số 02 Nhơn Trạch, đường vào trạm xử lý nước thải số 01 huyện Nhơn Trạch, trạm xử lý nước thải giai đoạn 01 công suất 16.000 m3/ngày đêm huyện Nhơn Trạch;
+ Các dự án hệ thống thoát nước: Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm xã Thạnh Phú (Vĩnh Cửu), tuyến thoát nước từ suối Cạn ra rạch Cái Sình huyện Nhơn Trạch, tuyến thoát nước từ khu phố 4 tới suối Đá thị trấn Trảng Bom, tuyến thoát nước cho lưu vực tại phường Hố Nai, hệ thống thoát nước suối Nước Trong (Biên Hòa);
+ Dự án chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan; dự án nạo vét suối Săn Máu (Biên Hòa);
+ Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị: Long Khánh, Long Thành, Dầu Giây, Long Giao, Trảng Bom, Gia Ray, Định Quán, Vĩnh An, thị tứ Túc Trưng.
- Lập, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, bao gồm: Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại liên huyện tại xã Quang Trung (Thống Nhất), xã Bàu Cạn (Long Thành), xã Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu); khu xử lý chất thải thông thường và chất thải nguy hại tại xã Tây Hòa (Trảng Bom), xã Xuân Mỹ (Cẩm Mỹ); các khu xử lý chất thải rắn thông thường tại xã Phước An (Nhơn Trạch), xã Túc Trưng (Định Quán), xã Xuân Tâm (Xuân Lộc), xã Phú Thanh (Tân Phú). Xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý các bãi rác đến thời hạn đóng cửa và bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về môi trường theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015.
- Đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn y tế của các bệnh viện huyện và bệnh viện khu vực; riêng thành phố Biên Hòa xây dựng và vận hành công trình xử lý chất thải rắn tập trung tại nghĩa trang thành phố. Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải hiện có tại 17 bệnh viện, 03 Trung tâm Y tế các huyện Định Quán, Long Thành, thị xã Long Khánh, 04 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm và thực phẩm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe và môi trường và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
- Ban hành tiêu chí xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; lập và công bố danh sách các cơ sở thuộc diện phải di dời và thực hiện kế hoạch di dời, đảm bảo đúng tiêu chí, lộ trình và các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 86/2010/QĐ- TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi vào các vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi.
- Triển khai đề án chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại - dịch vụ nhằm bảo vệ môi trường thành phố Biên Hòa và sông Đồng Nai.
b) Bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu công nghiệp, đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các cụm công nghiệp, đảm bảo 100% khu công nghiệp và trên 30% cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại các khu công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích.
- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đúng quy chế quản lý cụm công nghiệp theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
c) Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn:
- Tiếp tục thực hiện Chương trình Quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 97-KH/TU của Tỉnh ủy về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; tập trung thực hiện quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt; xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020; dự án khí sinh học (biogas) cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam.
- Đẩy mạnh phổ biến, tập huấn về kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, về quản lý dịch hại tổng hợp, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xử lý chất thải triệt để trong nông nghiệp; kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực hiện phòng chống dịch hại vật nuôi (như dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch heo tai xanh); quy hoạch và xây dựng các điểm chôn lấp, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
(Danh mục, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ môi trường theo Phụ lục 01).
- Ban hành kịp thời các văn bản cụ thể hóa các quy định pháp luật về môi trường để áp dụng trên địa bàn tỉnh. Chú trọng ban hành các quy định quy chế phối hợp trong quản lý; quy định về tổ chức, hoạt động; quy định về cơ chế chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
- Kịp thời triển khai thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường đến các ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để biết và chấp hành. Tập trung rà soát các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học đã ban hành để đề xuất bãi bỏ những văn bản không phù hợp; kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh các quy định còn thiếu, chưa phù hợp.
- Thực hiện chủ trương kinh tế hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn của tỉnh; xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, phí theo quy định đối với các dự án về: Xử lý chất thải, ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường và sản xuất sạch; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc diện phải di dời ra khỏi khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Rà soát, hướng dẫn, bổ sung, ban hành một số cơ chế chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án và phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường.
2. Về nguồn lực để thực hiện chương trình:
a) Về nhân lực:
- Tiếp tục kiện toàn bộ máy và tăng cường nhân lực quản lý môi trường nhất là cấp huyện, xã; chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực về lĩnh vực môi trường theo hướng kết hợp quản lý hành chính từ tỉnh đến xã và phối hợp giữa các ngành, đơn vị cùng cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
- Đẩy mạnh phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu chuyển giao ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải.
- Ban hành và thực hiện quy chế phối hợp quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phối hợp giữa các ngành, các cấp trong các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo trách nhiệm quản lý đã được phân công, phân cấp.
- Thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo về bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh.
b) Về kinh phí:
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 theo dự toán là 6.344 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015), trong đó: Sự nghiệp 882 tỷ đồng (chiếm 13,9%), xây dựng cơ bản 2.228 tỷ đồng (chiếm 35,1%), xã hội hóa 3.234 tỷ đồng (chiếm 51%). (Chi tiết tại Phụ lục 02).
c) Về huy động đầu tư:
- Tiếp tục tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường; phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí sự nghiệp, xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế và các nguồn kinh phí khác để thực hiện các nhiệm vụ, dự án, công trình đầu tư về bảo vệ môi trường.
- Thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các công trình hạ tầng về môi trường và phát triển các dịch vụ bảo vệ môi trường.
- Tăng tỷ lệ đầu tư cho môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục vay vốn ODA đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, thị trấn.
- Tiếp tục hỗ trợ vốn từ quỹ bảo vệ môi trường tỉnh cho các dự án bảo vệ môi trường thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên gồm: Nhóm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục do UBND tỉnh phê duyệt; nhóm các hợp tác xã và nông thôn; nhóm thuộc diện ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP ; nhóm các doanh nghiệp thuộc Chương trình chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
- Tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định pháp luật về thuế và phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; buộc bồi thường thiệt hại về môi trường do những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái để tăng nguồn thu, tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
3. Về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường:
- Tăng cường truyền thông về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích và hỗ trợ thành lập, đưa vào hoạt động các mô hình cộng đồng tự quản về bảo vệ môi trường; xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
- Huy động và phát huy sức mạnh các nguồn lực đầu tư từ cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác bảo vệ môi trường nhất là các hoạt động xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm.
4. Hợp tác về bảo vệ môi trường:
- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hợp tác trong nước về bảo vệ môi trường với các Bộ, ngành Trung ương về các chương trình bảo vệ môi trường trong chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia; với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai về đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai; kế hoạch hành động Quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng và an toàn sinh học.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để được hỗ trợ các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng Quốc tế hạn chế tác động biến đổi khí hậu. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng trong các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đốt và composting đối với chất thải rắn thông thường để thu hồi được năng lượng (phát điện), sản phẩm có ích (phân bón), cũng như giảm diện tích chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất. Đối với chất thải rắn y tế cần hạn chế biện pháp đốt để tránh phát sinh ô nhiễm không khí thứ cấp và nhanh chóng chuyển sang các công nghệ thân thiện với môi trường như khử khuẩn các chất thải lây nhiễm, sau đó chôn lấp theo đúng xu hướng Quốc tế hiện nay. Đối với chất thải nguy hại nghiên cứu theo hướng xử lý tập trung quy mô lớn, có thu hồi năng lượng và cần lựa chọn công nghệ xử lý chất thải phù hợp điều kiện của Đồng Nai theo hướng ưu tiên tái chế.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường gồm: Chất lượng nước mặt, nước ngầm, không khí, đất. Ứng dụng các công cụ tiên tiến trong giám sát chất lượng môi trường như: Hệ thống quan trắc tự động, thiết lập mạng quan trắc, thành lập Trung tâm Lưu trữ, phân tích cảnh báo môi trường tỉnh Đồng Nai.
- Khuyến khích và hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên hiệp Quốc về biến đổi khí hậu; hướng đến việc bán quota khí thải.
I. Cơ quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
1. Chỉ đạo thực hiện Chương trình: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu triển khai thực hiện Chương trình: Sở Tài nguyên và Môi trường.
II. Phân công thực hiện Chương trình:
Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời phát huy vai trò trong việc giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này.
b) Chủ trì triển khai thực hiện các dự án tổng thể gồm: Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh; ứng cứu sự cố môi trường về tràn dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh; truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh.
c) Xây dựng kế hoạch, xác định cụ thể từng dự án, nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở, tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; phối hợp thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị; khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Đồng Nai.
d) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải nguy hại, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:
a) Trực tiếp theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tạm ngưng thu hút dự án đầu tư tại các KCN chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
b) Phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện chịu trách nhiệm các chỉ tiêu về thu gom, xử lý các loại chất thải, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN; tăng cường quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy định BVMT theo quy định trong khu công nghiệp.
4. Công an tỉnh: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08/7/2010 của Chính phủ quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường trên địa bàn tỉnh.
a) Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải đô thị.
b) Đẩy nhanh tiến độ lập, trình duyệt và phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống thoát nước và thu gom xử lý nước thải đô thị; quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch xử lý các bãi rác đến thời hạn đóng cửa và bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
c) Theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu trên địa bàn tỉnh gồm: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn; tỷ lệ đô thị được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình đô thị được cung cấp nước sạch và các chỉ tiêu môi trường khác trong lĩnh vực xây dựng.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì tổ chức thực hiện: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Kế hoạch 97-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn"; quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi trên địa bàn các huyện; lập dự án tổng thể phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện bảo tồn đa dạng và an toàn sinh học.
c) Theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có chuồng trại hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ có hố xí hợp vệ sinh và các chỉ tiêu môi trường khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
8. Sở Y tế: Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý chất thải y tế; công tác BVMT trong các cơ sở y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và hoạt động mai táng. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 31/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải rắn y tế; kiểm tra, hướng dẫn công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh; theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế.
a) Chủ trì tổ chức việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương; tổ chức thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường, chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
b) Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (trừ hoạt động nhập khẩu phế liệu) của các doanh nghiệp ngành công thương, cụm công nghiệp, các loại hình phân phối theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp và Thông tư Liên tịch số 31/2009/TTLT-BCT-BTNMT ngày 04/11/2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương. Trường hợp phát hiện vi phạm Sở Công Thương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
c) Chủ trì triển khai thực hiện các dự án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất trên địa bàn tỉnh.
d) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 09/2010/TT-BGTVT ngày 06/4/2010 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về bảo vệ môi trường trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường kiểm tra chất lượng khí thải của các loại phương tiện tham gia lưu thông; phối hợp với Công an tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm soát giao thông trên các tuyến đường bộ và đường thủy nội địa, các khu cảng, nhằm phòng ngừa và ứng phó kịp thời sự cố môi trường khi xảy ra sự cố tràn dầu và hóa chất độc hại.
a) Chủ trì hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ áp dụng các hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001; theo dõi, giám sát việc thực hiện, báo cáo chỉ tiêu về tỷ lệ các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.
b) Chủ trì tham mưu UBND tỉnh cơ chế ưu tiên xét duyệt đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường; thẩm định công nghệ về môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vào thực tiễn; triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển môi trường bền vững.
a) Chủ trì triển khai thực hiện Quyết định số 6621/QĐ-BGD&ĐT-KHCN ngày 30/12/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt chính sách và chương trình hành động giáo dục môi trường trong trường phổ thông giai đoạn 2001 - 2010, dạy học tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học cấp trung học cơ sở, phổ thông trung học theo Công văn số 7120/BGDĐT-GDTrH ngày 08/8/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giáo dục cấp tiểu học, thực hiện “Nhà trường xanh - sạch - đẹp”.
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện dự án tổng thể về truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đến 2010, định hướng đến 2020.
13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Chủ trì tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường, các hành vi xâm phạm môi trường du lịch, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
b) Chủ trì tổ chức triển khai dự án xây dựng Khu chứng tích chiến tranh hóa học ở Việt Nam tại Đồng Nai.
19. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:
a) Hàng năm, căn cứ nội dung chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn; trình HĐND cùng cấp phân bố chi ngân sách đảm bảo cho hoạt động bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế của địa phương.
b) Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường tổ chức bộ máy, bố trí đủ biên chế làm công tác bảo vệ môi trường;
c) Chủ trì và phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch xử lý các bãi rác đến thời hạn đóng cửa và bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; triển khai nhanh quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn.
d) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn huyện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
e) Chủ trì giải quyết các trường hợp khiếu kiện, phản ánh của nhân dân về việc ô nhiễm môi trường liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quản lý có quy mô hoạt động theo thẩm quyền phân cấp, nhất là cơ sở chăn nuôi tự phát trên địa bàn và gây ô nhiễm môi trường.
f) Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn huyện. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành có liên quan để thực hiện các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn huyện.
III. Tổ chức thực hiện Chương trình
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý được phân công tại Chương trình này có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị.
2. Hàng năm, căn cứ Chương trình, Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường để thực hiện trên địa bàn và chủ động xây dựng các đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phân công.
3. Định kỳ vào tháng 10 hàng năm, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình với Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân tỉnh làm đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình này và tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý.
(Đính kèm:
- Phụ lục 01: Danh mục, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án về bảo vệ môi trường.
- Phụ lục 02: Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015)./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.