THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 526/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA TAM CHÚC, TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam (sau đây viết tắt là Khu DLQG Tam Chúc) đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
a) Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 03 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
b) Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu DLQG Tam Chúc là 4.000 ha.
a) Phát triển Khu DLQG Tam Chúc bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với các Chiến lược, Quy hoạch liên quan đã được các cấp phê duyệt;
b) Phát triển Khu DLQG Tam Chúc trên cơ sở khai thác và bảo tồn các giá trị đặc trưng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, đồng thời gắn với việc bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;
c) Phát triển Khu DLQG Tam Chúc gắn với bảo đảm sinh kế của người dân địa phương, chuyển dịch cơ cấu việc làm và tăng thu nhập, tận dụng tối đa nguồn lao động địa phương để phục vụ cho du lịch;
d) Phát triển Khu DLQG Tam Chúc gắn kết chặt chẽ với các khu du lịch, điểm du lịch trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các vùng du lịch phía Nam tỉnh Hà Nam;
đ) Phát triển Khu DLQG Tam Chúc bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế và an sinh xã hội.
a) Mục tiêu chung: Đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Tam Chúc trở thành Khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc và cả nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 3.700 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 6.000 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 750 nghìn lượt,
- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Năm 2025 đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 1.700 tỷ đồng.
- Chỉ tiêu việc làm: Năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có khoảng 900 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động trực tiếp.
4. Các định hướng phát triển chủ yếu
a) Phát triển thị trường khách du lịch
Thị trường khách du lịch nội địa: Tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc (Hưng Yên, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Từng bước mở rộng khai thác thị trường khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
- Thị trường khách du lịch quốc tế: Chú trọng thu hút thị trường khách du lịch đến từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc...); các nước trong khu vực ASEAN; Tây Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức); Bắc Mỹ (Mỹ, Canada); Úc và Ấn Độ.
b) Phát triển sản phẩm du lịch
- Sản phẩm du lịch chính:
+ Du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội: tham quan các công trình kiến trúc Phật giáo; nghiên cứu Phật học; các biểu tượng điêu khắc; tham dự các lễ hội, tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương...;
+ Du lịch tham quan nghỉ dưỡng sinh thái hồ Tam Chúc: tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên, du lịch nghỉ dưỡng trong lòng hồ...;
+ Du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nông nghiệp: tìm hiểu nền văn minh lúa nước, nghỉ dưỡng và trải nghiệm đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương (homestay)...;
+ Du lịch golf: tham quan, tập luyện và tham dự các giải thi đấu golf...
- Sản phẩm du lịch bổ trợ:
+ Du lịch ẩm thực, mua sắm: thưởng thức những món ăn truyền thống của địa phương; mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống...;
+ Du lịch tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo (MICE): tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm...;
+ Du lịch thể thao: tổ chức các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí ngoài trời và các hoạt động tập luyện, vui chơi giải trí trong nhà...
c) Tổ chức không gian phát triển du lịch
- Nguyên tắc tổ chức không gian phát triển du lịch: Khai thác hợp lý giá trị và sự phân bố của hệ thống di tích, các điểm cảnh quan; hình thành các mối liên hệ giữa các phân khu chức năng, giữa các điểm du lịch trong không gian quy hoạch nhằm hình thành không gian kiến trúc, cảnh quan hài hòa, bảo đảm mối liên kết với các điểm du lịch lân cận; hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất nông nghiệp và di chuyển dân cư trong khu vực; giảm thiểu tác động đến cảnh quan môi trường và đời sống của người dân trong khu vực quy hoạch.
- Tập trung phát triển 06 khu chức năng du lịch chính bao gồm:
+ Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc): Là nơi đón tiếp và cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về dịch vụ nghỉ dưỡng mua sắm, thưởng thức ẩm thực; tham quan, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội chợ, hoạt động vui chơi giải trí hiện đại.
+ Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc): Tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng và chiêm bái các công trình tôn giáo; tham quan Bảo tàng văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tìm hiểu về đạo Phật; tổ chức sự kiện văn hóa văn nghệ, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn.
+ Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (Phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh): Tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật đặc hữu; tham quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo; tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tham dự các lễ hội, các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe.
+ Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc (phía Tây Nam của hồ Tam Chúc): Nghỉ dưỡng cuối tuần, điều dưỡng dài ngày phục hồi thể lực, tham gia các liệu trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của cư dân địa phương, nghỉ dưỡng và sinh hoạt cộng đồng (homestay).
+ Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang: Tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và khu vực; tổ chức hội nghị hội thảo; nghỉ dưỡng, chơi golf, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời.
+ Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch (tại Thị trấn Ba Sao): Cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp.
d) Tổ chức tuyến du lịch
- Tuyến du lịch liên vùng:
+ Tuyến du lịch đường bộ: Tuyến Hà Nội - Tam Chúc - Ninh Bình; tuyến Thái Bình - Nam Định - Tam Chúc; tuyến Thanh Hóa - Ninh Bình - Tam Chúc; tuyến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc - Hà Nội - Tam Chúc; tuyến Quảng Ninh, Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên - Tam Chúc.
+ Tuyến du lịch đường thủy: Phát triển tuyến du lịch văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng kết nối Khu DLQG Tam Chúc với chùa Hương (theo sông Đáy)
- Tuyến du lịch nội tỉnh:
+ Tuyến du lịch đường bộ: Tuyến Tam Chúc - Phủ Lý - Duy Tiên; tuyến Tam Chúc - Phủ Lý - Lý Nhân; tuyến Tam Chúc - Phủ Lý - Thanh Liêm.
+ Tuyến du lịch đường thủy: Tuyến Tam Chúc - Phủ Lý - Thanh Liêm.
- Tuyến du lịch nội khu: Tuyến Trung tâm đón tiếp - Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc; tuyến Trung tâm đón tiếp - Khu Bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc; tuyến Trung tâm đón tiếp - Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc; tuyến Trung tâm đón tiếp - Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động Khu du lịch Thị trấn Ba Sao - Khu sân golf Kim Bảng - Khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, thể thao hồ Ba Hang.
đ) Định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
- Về cơ sở lưu trú:
+ Nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp với các khu nghỉ dưỡng biệt lập, biệt thự du lịch cao cấp được bố trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc phong cách truyền thống, sử dụng vật liệu tự nhiên, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cao cấp, trang thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường.
+ Khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú tại nhà dân với các công trình quy mô nhỏ, bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn, an ninh phục vụ khách du lịch.
- Cơ sở phục vụ ăn uống: Tập trung phát triển tại Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động du lịch gồm mô hình nhà hàng, chợ ẩm thực, các quán bar được bố trí xen kẽ các khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, tổ hợp khách sạn du lịch - thương mại.
- Cơ sở vui chơi giải trí: Hệ thống cơ sở vui chơi giải trí bao gồm vui chơi giải trí ngoài trời với các hoạt động giải trí trên cạn và dưới nước (công viên, sân golf, khu đua xe, du thuyền;..) và vui chơi giải trí trong nhà (câu lạc bộ thể thao, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ, nhà văn hóa cộng đồng...).
- Hệ thống chợ, trung tâm thương mại:
+ Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị gắn với các tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng; chợ truyền thống tại Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch; hệ thống các siêu thị mini trong Khu vực du lịch cộng đồng Tam Chúc.
+ Xây dựng các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm tại Khu trung tâm đón tiếp; Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch.
e) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch
- Về giao thông
+ Tuyến giao thông đối ngoại: Nâng cấp quốc lộ 21A đoạn từ Tam Chúc đi thành phố Phủ Lý; nâng cấp tuyến tỉnh lộ 74 đoạn đi qua Khu DLQG Tam Chúc tới địa phận Hà Nội; xây dựng tuyến đường T3 từ Tam Chúc kết nối với quốc lộ 1A; xây dựng tuyến đường từ Tam Chúc - Chùa Hương; xây dựng, cải tạo các đoạn của tuyến đường từ quốc lộ 21A (khu vực gần dốc Ba Chồm đến cầu Khả Phong). Nghiên cứu kết nối giao thông với các tuyến đường bộ cao tốc như đường vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh (giai đoạn sau 2030); nghiên cứu đầu tư tuyến Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính tạo nên hành lang du lịch văn hóa - tâm linh, kết hợp với các điểm danh lam thắng cảnh trong khu vực.
+ Tuyến giao thông đối nội: Hoàn chỉnh các tuyến giao thông nội bộ (đường bộ và đường thủy) kết nối các phân khu chức năng trong Khu DLQG Tam Chúc.
- Đầu tư xây dựng hệ thống bãi đỗ xe; xây dựng cổng chính Khu DLQG Tam Chúc; cảng đường thủy, bến thuyền đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại khu vực ven sông Đáy đoạn gần cầu Khả Phong.
- Về cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường: Theo định hướng phát triển chung của ngành và của địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch qua từng thời kỳ.
g) Định hướng đầu tư
- Giai đoạn trước 2025 tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật Khu DLQG Tam Chúc và các dự án thành phần theo các khu chức năng nhằm tìm bước nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Khu DLQG Tam Chúc.
- Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Tam Chúc, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn ODA, vốn FDI, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó, ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
- Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách Nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
5. Giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Đề xuất mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia Tam Chúc theo quy định của Luật du lịch và các quy định pháp luật liên quan để thống nhất quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động khai thác, phát triển và vận hành khu du lịch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thắng cảnh Tam Chúc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; ban hành Quy chế quản lý Khu DLQG Tam Chúc theo Quy hoạch đã được phê duyệt.
- Nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu DLQG; giám sát các dự án được duyệt trong Khu du lịch quốc gia bảo đảm theo đúng định hướng quy hoạch.
- Việc đầu tư xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng trong phạm vi Khu DLQG gia Tam Chúc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch xây dựng được duyệt, quy chế quản lý Khu du lịch và các quy định pháp luật khác có liên quan. Chấp hành đúng các quy định về tổ chức hoạt động du lịch tại những khu vực nhạy cảm liên quan tới an ninh quốc phòng.
- Việc chuyển đổi các loại đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang đất phục vụ mục tiêu phát triển du lịch trong phạm vi Khu du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.
- Bảo đảm hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định pháp luật liên quan khác trong phạm vi quy hoạch.
b) Giải pháp về cơ chế chính sách
- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế đặc thù của địa phương có thể áp dụng được đối với du lịch Hà Nam nói chung và Khu du lịch quốc gia Tam Chúc nói riêng như miễn giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu tư liệu sản xuất...
- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác thẩm định và phê duyệt đối với các dự án đầu tư du lịch có quan tâm tới bảo tồn cảnh quan môi trường tự nhiên và gắn kết phát triển du lịch với lợi ích của cộng đồng dân cư.
- Có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng như: giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan tự nhiên trong Khu du lịch quốc gia.
- Có cơ chế hỗ trợ người dân địa phương trong chuyển đổi nghề nghiệp liên quan tới công tác đào tạo nghề du lịch; hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại nhà dân (Homestay) đạt chuẩn.
c) Giải pháp về đầu tư và thu hút vốn đầu tư
- Nghiên cứu và đề xuất ban hành cơ chế th hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư theo hướng khuyến khích các dự án đầu tư đa năng kết hợp dịch vụ du lịch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác đảm bảo hiệu quả đầu tư.
- Đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài; các nguồn vốn tài trợ, thúc đẩy phát triển mô hình liên doanh, liên kết phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch và bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.
d) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Nhà nước hỗ trợ một phần ngân sách để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực, đặc biệt tập trung vào đội ngũ quản lý, lao động nghiệp vụ bậc cao.
- Khai thác nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút lực lượng lao động trẻ là người địa phương để đào tạo nghề thông qua việc đào tạo trực tiếp, hợp tác đào tạo với các Trung tâm đào tạo nghề uy tín hoặc các khóa đào tạo nghề do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tổ chức và tài trợ để cung cấp nguồn nhân lực về lữ hành, hướng dẫn và nghiệp vụ khách sạn phục vụ trong Khu du lịch Tam Chúc.
- Chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về du lịch - dịch vụ cho đội ngũ lao động gián tiếp, người dân trong khu vực tham gia các hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ.
- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch nhằm gắn lý thuyết với thực hành, đào tạo theo yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp sử dụng lao động.
- Sử dụng một phần nguồn nhân lực có chuyên môn từ các địa phương khác để hỗ trợ vận hành và chia sẻ kinh nghiệm cho các lao động địa phương. Trong giai đoạn tiếp theo cần hướng đến mục tiêu chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để tối ưu hóa nguồn nhân lực địa phương.
đ) Giải pháp phát triển thị trường và sản phẩm du lịch
- Về phát triển thị trường
+ Ưu tiên thị trường khách quốc tế truyền thống; chú trọng thu hút khách nội địa; mở rộng các thị trường khách du lịch mới như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
+ Có chính sách kích cầu vào các mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ, tập trung thu hút phân đoạn thị trường khách du lịch gắn với mục đích văn hóa - tâm linh, lễ hội; khách du lịch trẻ yêu thích khám phá; thể thao vui chơi giải trí; khách du lịch có nhu cầu trải nghiệm sinh thái nông nghiệp thưởng thức và mua các sản vật địa phương; khách chơi golf.
- Về phát triển sản phẩm
+ Phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, lễ hội;
+ Phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, các điểm vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú hướng tới các phân đoạn thị trường khác nhau. Việc đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí phải phù hợp với tính chất hoạt động của khu chức năng;
+ Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh thái nông nghiệp đáp ứng nhu cầu khách du lịch có sở thích tìm hiểu và trải nghiệm đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương;
+ Phát triển sản phẩm du lịch thể thao cao cấp gắn với các hoạt động rèn luyện thể chất và các giải thi đấu thể thao lớn.
e) Giải pháp liên kết phát triển
- Hợp tác, liên kết quảng bá xúc tiến du lịch: Liên kết, hợp tác trong công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh Khu DLQG Tam Chúc trong Chương trình Xúc tiến du lịch của tỉnh Hà Nam và của vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc.
- Hợp tác, liên kết khai thác và phát triển thị trường: Liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để qua đó tìm kiếm và kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn đến Khu DLQG Tam Chúc.
- Hợp tác liên kết trong phát triển sản phẩm: Kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng như Bái Đính, Tràng An, chùa Hương để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “Chùa Hương - Tam Chúc”; tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, cùng khai thác, phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của khách tại Khu DLQG Tam Chúc.
g) Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
- Thực hiện nghiêm công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích, cảnh quan tự nhiên trong phạm vi Khu DLQG Tam Chúc; xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong hoạt động bảo tồn môi trường cảnh quan tự nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững.
- Xây dựng kế hoạch quản lý môi trường đối với Khu DLQG Tam Chúc và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định về thu gom và xử lý nước thải và chất thải rắn; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường; khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ tái tạo năng lượng, công nghệ tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở kinh doanh du lịch trong phạm vi Khu du lịch.
- Các Dự án đầu tư cụ thể trong khuôn khổ quy hoạch phải tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Ưu tiên các dự án đầu tư du lịch có các giải pháp cụ thể về giảm và xử lý ô nhiễm môi trường, mang lại các hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội.
- Tập trung triển khai giải pháp thu gom, xử lý nước thải đáp ứng quy chuẩn loại B trước khi xả thải vào môi trường để phòng, chống ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và ứng phó với ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu.
- Xây dựng và lựa chọn các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó và khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về biến đổi khí hậu.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong phạm vi Khu DLQG Tam Chúc về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển du lịch và trong vấn đề cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân địa phương, qua đó cùng phối hợp bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
- Tăng cường quản lý giám sát, bảo vệ rừng và phát hiện các diễn biến xấu có ảnh hưởng tới diện tích rừng trong Khu DLQG Tam Chúc. Khuyến khích các nhà đầu tư du lịch chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng và sạt lở đất rừng, hạn chế thiệt hại do cháy rừng.
- Tăng cường trồng rừng, phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ giống loài động thực vật đặc hữu, nâng cao giá trị đa dạng sinh học. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác gỗ rừng tự nhiên, khai thác cây làm thuốc trong phạm vi Khu DLQG Tam Chúc.
- Giám sát các Dự án đầu tư phát triển du lịch trong Khu DLQG Tam Chúc, bảo đảm đúng định hướng quy hoạch; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng.
- Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác đá, đất sét, khai thác vật liệu xây dựng, chặt phá rừng làm tổn hại hệ sinh thái tự nhiên trong Khu DLQG Tam Chúc.
h) Giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ
- Ứng dụng các giải pháp công nghệ năng lượng sạch và thân thiện với môi trường; công nghệ khoa học hiện đại trong công tác bảo tồn tu bổ các công trình di tích lịch sử có giá trị cốt lõi trên địa bàn.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế các sản phẩm tiện ích thuận tiện hỗ trợ nhu cầu đa dạng về thanh toán của du lịch thông qua hệ thống ngân hàng điện tử.
- Ứng dụng các phần mềm quản lý và thống kê làm cơ sở theo dõi các biến động về thị trường và thị hiếu của khách du lịch để kịp thời có biện pháp điều chỉnh.
- Tận dụng thế mạnh của các hình thức truyền thông theo công nghệ mới đang được đại bộ phận giới trẻ và tầng lớp trung niên có thu nhập sử dụng như: facebook, instagram, twitter...
- Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thông minh, du lịch trực tuyến.
i) Giải pháp về xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu điểm đến
- Tăng cường phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, xây dựng chính sách và chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch theo đúng với định hướng của ngành và bảo đảm tính bền vững lâu dài.
- Liên kết chặt chẽ với thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc.
- Tích cực tham dự hoặc đăng cai tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội chợ về xúc tiến quảng bá du lịch góp phần đưa hình ảnh về Khu DLQG Tam Chúc đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
- Mời các đài truyền hình địa phương và trung ương tới thực hiện các chương trình phóng sự, phim tài liệu giới thiệu về Khu DLQG Tam Chúc tới đồng bào cả nước và kiều bào trên thế giới.
k) Giải pháp bảo tồn di tích lịch sử và văn hóa địa phương
- Nâng cao nhận thức của người dân cũng như khách du lịch trong vấn đề bảo tồn di tích văn hóa lịch sử trong phạm vi Khu DLQG Tam Chúc.
- Tranh thủ các nguồn kinh phí tài trợ trong và ngoài nước dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử gắn với văn hóa địa phương.
- Thiết lập quy chế quản lý, giám sát hoạt động du lịch trên địa bàn trên cơ sở bảo tồn văn hóa địa phương để xây dựng chế tài xử phạt đối với các hành vi hủy hoại di tích lịch sử; xâm phạm các giá trị văn hóa truyền thống và phải được phổ biến tới người dân cũng như khách du lịch.
l) Giải pháp bảo đảm an sinh xã hội
- Tổ chức, hướng dẫn cộng đồng tham gia các dịch vụ du lịch phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể.
- Ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng chuyển đổi ngành nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần cho người dân. Chú trọng hỗ trợ đào tạo nghề, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân khi chuyển đổi ngành nghề lao động.
- Bảo đảm công bằng xã hội và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương; đồng thời ổn định cuộc sống cho người lao động thời vụ, hạn chế và quản lý xung đột xã hội có thể xảy ra.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ tài nguyên, giá trị của thương hiệu điểm đến để bảo đảm hiệu quả bền vững từ hoạt động du lịch; thực hiện đúng nguyên tắc tham vấn cộng đồng với các kế hoạch phát triển du lịch và dịch vụ trong khu vực.
m) Giải pháp đảm bảo an ninh, quốc phòng
- Không sử dụng phần diện tích đất đã xác định là đất quốc phòng trong phạm vi quy hoạch và khu vực địa hình có giá trị ưu tiên sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng được quy định tại Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011 -2020” để phục vụ phát triển du lịch.
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh - quốc phòng cũng như những phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
- Quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng để có phương án xử lý kịp thời với các tình huống.
- Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định cụ thể về các hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư để bảo đảm an ninh, quốc phòng và tăng cường quản lý, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định.
- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, Ban quản lý Khu DLQG Tam Chúc, chính quyền địa phương với các đơn vị an ninh, quốc phòng có liên quan trong quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động du lịch.
- Quá trình lập các Đồ án Quy hoạch chi tiết và triển khai các dự án đầu tư cụ thể tại Khu DLQG Tam Chúc cần thực hiện đúng các quy định tại Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với Quốc phòng trong khu vực phòng thủ và phải có ý kiến đồng thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu III để bảo đảm không chồng lấn hoặc gây ảnh hưởng đến vị trí đóng quân, các công trình quốc phòng trên địa bàn và loại trừ nguy cơ phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các Bộ, ngành liên quan để xác định các cơ chế, chính sách ưu tiên; thẩm định các dự án đầu tư thuộc Quy hoạch Khu DLQG Tam Chúc hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Tam Chúc.
Các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư kèm theo Quyết định này phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tùy theo quy mô, tính chất và quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển du lịch Khu DLQG Tam Chúc.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường cho Khu DLQG Tam Chúc theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
3. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam
a) Tổ chức công bố Quy hoạch theo quy định; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
b) Đề xuất mô hình quản lý Khu DLQG Tam Chúc đáp ứng vai trò, nhiệm vụ quản lý Khu du lịch quốc gia theo Luật Du lịch. Xây dựng và phê duyệt Quy chế quản lý Khu du lịch, trong đó có các quy định đối với đầu tư phát triển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và phù hợp với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực.
c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; trong đó ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển Khu DLQG Tam Chúc.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu DLQG, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong Khu DLQG Tam Chúc theo đúng quy định của pháp luật.
đ) Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích; bảo đảm trật tự, an toàn và an ninh quốc phòng trong các hoạt động đầu tư và khai thác phát triển du lịch. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, quốc phòng trong phạm vi Khu DLQG Tam Chúc.
e) Chỉ đạo các Sở, ngành hỗ trợ ngành du lịch của Hà Nam triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch.
g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Tam Chúc. Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.
h) Chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn hợp pháp khác cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng môi trường cho Khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác; xúc tiến đầu tư phát triển các khu du lịch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC
GIA TAM CHÚC, TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng
Chính phủ)
TT |
Chương trình/Dự án đầu tư |
Phân kỳ thực hiện |
|
Đến 2025 |
Đến 2030 |
||
A |
Nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng khung Khu du lịch |
||
1 |
Tuyến đường du lịch từ Thung Vạc đến hồ Ba Hang |
Hoàn thành dự án |
|
2 |
Đầu tư bến tàu du lịch từ Khu du lịch Tam Chúc đi thành phố Phủ Lý và đi chùa Hương |
Hoàn thành dự án |
|
B |
Nhóm dự án phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch |
||
1 |
Đầu tư cảnh quan du lịch Khu du lịch cộng đồng Tam Chúc |
Hoàn thành giai đoạn 1 |
Hoàn thành dự án |
2 |
Đầu tư các khu resort nghỉ dưỡng sinh thái có quy mô nhỏ |
Hoàn thành giai đoạn 1 |
Hoàn thành dự án |
3 |
Khu Công viên văn hóa - tâm linh Thung Vạc |
Hoàn thành dự án |
|
4 |
Phát triển cảnh quan xung quanh hồ Tam Chúc |
Hoàn thành dự án |
|
5 |
Đầu tư phát triển Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động Khu du lịch - Thị trấn Ba Sao |
Hoàn thành giai đoạn 1 |
Hoàn thành dự án |
6 |
Đầu tư phát triển nông nghiệp sạch tại Khu Tam Chúc |
Hoàn thành giai đoạn 1 |
Hoàn thành dự án |
C |
Nhóm kế hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch |
||
1 |
Đề án phát triển Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động Khu du lịch - Thị trấn Ba Sao |
Hoàn thành dự án |
|
2 |
Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc |
Hoàn thành dự án |
|
3 |
Đề án bảo tồn và phát triển cảnh quan du lịch Khu du lịch quốc gia Tam Chúc |
Hoàn thành dự án |
|
4 |
Đề án đào tạo hướng nghiệp về du lịch cho đội ngũ lao động địa phương |
Hoàn thành dự án |
|
5 |
Đề án xúc tiến quảng bá du lịch cho Khu du lịch quốc gia Tam Chúc |
Hoàn thành dự án |
|
Ghi chú: Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng của các khu, điểm du lịch và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.