ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 503/QĐ-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 02 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Căn cứ Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ;
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Kết luận số 791-KL/TU ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án “Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Xét đề nghị của Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố tại Tờ trình số 75/TTr-VNCPT ngày 27 tháng 01 năm 2021 về phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
PHÁT
TRIỂN KINH TẾ SỐ, KINH TẾ CHIA SẺ VÀ KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2020-2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm
theo Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm
2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1.1. Bối cảnh và xu hướng phát triển
Tình hình quốc tế với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong ngắn và trung hạn. Bốn xu hướng phát triển trên thế giới bao gồm:
(1) Xung đột giữa các nước lớn dẫn tới sự phân hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thể chế đa phương như WTO, WHO và một số cơ quan của Liên Hiệp quốc (UN). Sau 70 năm làm bệ đỡ cho các quan hệ toàn cầu, đến nay các tổ chức quốc tế, từ UN, NATO, WTO,... đang đứng trước thử thách rất lớn và buộc phải cải tổ sâu rộng. Đồng thời với xu hướng toàn cầu hóa đang thoái trào, không chỉ trong ngắn hạn, do xu thế gia tăng bảo hộ mậu dịch hoặc chú trọng quan hệ song phương với lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết;
(2) Biến đổi khí hậu với việc trái đất ấm lên, băng tan, nước biển dâng và khí hậu thất thường đã và đang tác động cực đoan đến nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất. Các hoạt động phát triển kinh tế mang tính khai thác, phát thải quá mức là một trong những tác nhân quan trọng dẫn đến hậu quả này, nhưng hành động nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường lại có tính phối hợp rất cao, mà không phải quốc gia nào cũng đồng thuận;
(3) Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, gây đứt gãy và gián đoạn cả cung lẫn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 đạt ở mức 6% và ở mức 4,9% năm 2022 dưới ảnh hưởng của Covid-19. IMF cũng cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới; tình trạng lạm phát gia tăng do tình hình dịch bệnh tái bùng phát và việc giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang có thể còn kéo dài. Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath cảnh báo, biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị GDP toàn cầu vào năm 2025. Ngân hàng Thế giới cho rằng chương trình tiêm phòng Covid-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hậu quả mà nó gây ra.[1]
(4) Trong thời đại của internet và Cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo, giúp tăng năng suất và tạo ra các phương thức kinh doanh mới đa dạng. Đây chính là những động lực không giới hạn, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn, lao động phổ thông - là những yếu tố đầu vào truyền thống có tính hữu hạn. Những quốc gia đang phát triển nếu nhanh nhạy nắm bắt được những xu hướng mới, chủ động thiết kế bước đi thích hợp, đầu tư thích đáng cho khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển. Nhưng cũng có những bài học đắt giá để khuyến nghị cần có bước đi chắc chắn, không theo phong trào.
Trong thời gian qua, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát huy hết tiềm năng, đồng thời bộc lộ tính kém bền vững. Chủ trương thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ từ năm 2005 đến nay, nếu vẫn triển khai theo cách truyền thống sẽ không còn nhiều động lực và thiếu tính đột phá để tăng trưởng. Do đó, cần tìm hướng đi mới cho Thành phố, nhằm đảm bảo kinh tế phát triển nhanh chóng, ngày càng hiện đại nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững.
Bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ tin học, viễn thông, internet trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã dẫn đến xu hướng phát triển rất nhanh các mô hình kinh tế mới trên nền tảng công nghệ số. Xu hướng này còn được đẩy mạnh hơn dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2020 được xem như là năm chuyển đổi số của Việt Nam. Theo định hướng của Chính phủ, Thành phố đã và đang triển khai các chương trình lớn như “Đô thị thông minh”, “Kiến trúc chính quyền điện tử”, đặc biệt là chương trình “Chuyển đổi số”, với rất nhiều nội dung và giải pháp từ phía chính quyền Thành phố. Tuy nhiên, các chương trình mới có tính định hướng chung hay xây dựng nền tảng. Quá trình tiếp cận và triển khai từ các doanh nghiệp cần có các giải pháp và chính sách cụ thể, nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số, từ đó nắm bắt, khai thác hiệu quả các cơ hội kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, Thành phố đang triển khai các chương trình phát triển bền vững theo chỉ đạo chung từ Chính phủ như sản xuất và tiêu dùng bền vững; tăng trưởng xanh với việc sử dụng ít cac-bon và tài nguyên thô, giảm phát thải, góp phần giảm biến đổi khí hậu; các chương trình tái chế chất thải rắn (nhựa, giấy),... hướng tới thực thi các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hiệp quốc. Tuy nhiên, các chương trình tập trung nhiều hơn vào mục tiêu bảo vệ môi trường mà chưa tính đầy đủ các yếu tố kinh tế hay phát triển thành mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững.
Với truyền thống năng động, sáng tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận và phát triển các hình thức kinh tế mới như kinh tế tri thức, kinh tế/tăng trưởng xanh, đến kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng, thậm chí một số hình thức kinh tế lao động tự do/tạm thời (gig economy) hay “chiến lược đại dương xanh” (tìm kiếm khoảng trống thị trường chưa được khai phá, luật chơi chưa thiết lập, rất ít cạnh tranh,...), đa dạng về nội dung, lĩnh vực và hình thức. Các mô hình kinh tế này còn gọi là kinh tế đổi mới sáng tạo, rất cần được khuyến khích phát triển, nhưng đồng thời cũng chịu sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường. Trong khi đó, quản lý nhà nước đang trở nên lạc hậu đối với các loại hình kinh doanh mới, từ nhận thức của các cấp chính quyền đến khung khổ pháp luật chính sách có liên quan; Nhà nước không những chưa thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, thậm chí có lúc có nơi tạo ra các rào cản không cần thiết cho sự phát triển các sản phẩm và mô hình kinh tế mới.
Các vấn đề thực trạng nêu trên đặt ra nhu cầu cần có chủ trương và chính sách nhất quán nhằm hiểu rõ, ủng hộ, có biện pháp quản lý để phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp với thực tế và đáp ứng tính đa dạng của thị trường. Các mô hình kinh tế dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo cần được xem là “mũi nhọn kinh tế mới” của Thành phố, cần được tập trung đầu tư công tác chuẩn bị và hỗ trợ phát triển, đảm bảo kinh tế Thành phố phát triển “nhanh và bền vững” trong giai đoạn 2020-2025 và những thập niên tiếp theo.
Đại hội Đảng bộ lần thứ XI của Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công tốt đẹp, với định hướng 03 Chương trình đột phá và 01 Chương trình trọng điểm, cùng 49 đề án hoặc nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai thực hiện các chủ trương phát triển lớn của Đại hội. Trong đó, nhiệm vụ xây dựng “Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020-2025 ” là một chương trình nhánh thuộc Chương trình trọng điểm của thành phố về Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố Hồ Chí Minh. Nhằm xây dựng luận cứ cho chủ trương chính sách phát triển trong giai đoạn tới, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố được giao chủ trì xây dựng đề án “Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch thực hiện hàng năm.
Sau đây là một số văn bản quan trọng về chủ trương và khung pháp lý ban đầu cho việc xây dựng đề án phát triển 3 mô hình kinh tế:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021;
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ;
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030;
- Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;
- Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;
- Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;
- Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 01 năm 2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Chương trình hành động số 09-CTrHĐ/TU ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Chương trình hành động số 02-CTrHĐ/TU ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh;
- Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030;
- Kết luận số 791-KL/TU ngày 22 tháng 9 năm 2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án “Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
- Thông báo số 451/TB-VP của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố ngày 05 tháng 6 năm 2020 về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Lê Thanh Liêm về chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Khái niệm
Kinh tế số hay còn gọi Kinh tế kỹ thuật số (Digital economy) là một phần của nền kinh tế. Đây là một chủ đề có nhiều góc nhìn khác nhau, thậm chí thay đổi theo thời gian, phản ánh sự vận động phát triển rất nhanh của các nền kinh tế đang chuyển đổi dưới ảnh hưởng từ CMCN 4.0. Các nước phát triển với ưu thế về kỹ thuật đã có nền kinh tế số khá phát triển. Các tổ chức kinh tế quốc tế như World Bank, IMF, UNCTAD,... đều đưa ra các định nghĩa về kinh tế số.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đề xuất khái niệm rộng về kinh tế số: “Nền kinh tế kỹ thuật số là kết hợp tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bởi sử dụng kỹ thuật số, bao gồm công nghệ số, cơ sở hạ tầng số, dịch vụ số và dữ liệu. Kinh tế số bao gồm tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng, bao gồm cả chính phủ, đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số này trong các hoạt động kinh tế của họ.” [2]. Nhóm cộng tác kinh tế số Oxford đưa ra khái niệm khái quát “Kinh tế số là một phần của nền kinh tế, vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet ”[3]. R. Bukht và R. Heeks[4] còn tổng hợp 21 định nghĩa điển hình về kinh tế số (và còn tiếp tục bổ sung); còn IGI Global cũng đưa ra 16 khái niệm về kinh tế số[5], cho thấy tính phức tạp, đa dạng và vận động phát triển liên tục của kinh tế số.
Đặc điểm
Trong kinh tế số, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá nhất của các doanh nghiệp, nhưng dữ liệu này chỉ có giá trị khi được chuyển đổi, xử lý và khai thác hợp lý, hiệu quả. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp, với sự hội tụ và tích hợp hàng loạt công nghệ mới (Dữ liệu lớn - Big data, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo - AI, Internet vạn vật - IoT, Chuỗi khối - Block chain...) từ CMCN 4.0. Để chuyển đổi sang nền kinh tế số, các doanh nghiệp không chỉ số hóa, mà còn đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng, ứng dụng các công nghệ mới, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, kéo theo thay đổi tương tác trong đời sống kinh tế - xã hội.
Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030 và 2045”[6] xác định kinh tế số mang những đặc điểm cơ bản sau đây: (i) Thông tin và dữ liệu trở thành nguồn lực quan trọng, có giá trị cao trong nền kinh tế; (ii) Kết cấu hạ tầng của kinh tế số cũng có những biến đổi mang tính cách mạng với sự ra đời của hạ tầng thông tin, hạ tầng số; (iii) Xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh mới, cách thức tương tác và vận hành mới, thông minh, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí giao dịch; và (iv) Người tiêu dùng trở thành trung tâm, đối tượng phục vụ và cung cấp thông tin cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội.
Phạm vi
Kinh tế số còn có nhiều cách hiểu tùy theo bao gồm nội dung gì và mức độ ứng dụng công nghệ số hay công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT). Về cơ bản, nhiều tổ chức và tác giả khi xác định phạm vi kinh tế số thường trích dẫn dựa trên cách tiếp cận của R. Bukht and R. Heeks năm 2017.[7] Trong đó, có 3 mức độ:
(i) Phạm vi lõi: chỉ gồm công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT);
(ii) Phạm vi hẹp: kinh tế số, bao gồm dịch vụ số, kinh tế nền tảng;
(iii) Phạm vi rộng: kinh tế số hóa, bao gồm kinh doanh điện tử, thương mại điện tử, các ứng dụng CMCN 4.0, nông nghiệp chính xác/thông minh....
Theo cách tiếp cận này, mô hình Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) và Kinh tế tạm thời/lao động tự do (Gig economy) nằm ở ranh giới kinh tế số và kinh tế số hóa. (Hình 1).
Hình 1: Phạm vi kinh tế số
Tùy theo cách hiểu và theo phạm vi nào, kinh tế số có thể chiếm từ khoảng 4,5% (lõi CNTT) hay 15,5% (kinh tế số) GDP toàn cầu[8], thậm chí có thể chiếm đến 87% doanh thu và 86% lao động (IMF, 2018). Theo phạm vi rộng, kinh tế số có thể hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,...)[9], các ngành mà dữ liệu được số hóa và công nghệ số được áp dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra quan điểm về kinh tế số với 3 thành phần:[10]
- Kinh tế số ICT: Đây là lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, bao gồm các hoạt động như sản xuất sản phẩm điện tử và phần cứng, phát triển phần mềm và nội dung số, cung cấp dịch vụ CNTT và viễn thông;
- Kinh tế số Internet: các hoạt động kinh tế hoàn toàn dựa trên Internet như dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, kinh tế thuật toán, kinh tế chia sẻ, kinh tế biểu diễn, và các hình thức kinh doanh dựa trên Internet khác;
- Kinh tế số của các ngành: Là phân khúc kinh tế được tạo ra từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số và nền tảng số trong các ngành truyền thống bao gồm các hoạt động như: quản trị điện tử, thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, du lịch thông minh.
Thành phần tham gia
Các thành phần và vai trò của các bên tham gia vào nền kinh tế số được xác định[11] gồm: (i) các doanh nghiệp (doanh nhân và nhà đầu tư): đầu tư vào R&D và các công nghệ số, ứng dụng các sản phẩm và dịch vụ số vào hoạt động của doanh nghiệp, sử dụng các mô hình kinh doanh mới để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa và tích hợp; (ii) các cá nhân: người tiêu dùng/người tiêu thụ cuối cùng của các sản phẩm và dịch vụ, chủ sở hữu/người sáng tạo nội dung, người tham gia tích cực thông qua mạng ngang hàng, nhân viên/người cung cấp lao động; (iii) đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo (các trường đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp, các cá nhân): tạo ra các đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo; và (iv) các nhà hoạch định, ảnh hưởng chính sách (Chính phủ, Hiệp hội, nghiệp đoàn, tổ chức phi Chính phủ): phát triển và điều tiết nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, thu thập dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở cho cộng đồng, tăng cường quản lý rủi ro và đảm bảo an ninh mạng, cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ.
Cũng theo các chuyên gia, việc xây dựng nền kinh tế số cần triển khai xung quanh 3 trụ cột chính[12], bao gồm: (i) Hạ tầng và dịch vụ số với hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm là dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế; (ii) Tài nguyên số gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở có ích cho việc dự đoán kịp thời và ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao, các cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, tài chính, dân cư, quản lý đất đai... và dữ liệu các dịch vụ công trực tuyến; và (iii) Chính sách chuyển đổi số gồm các dịch vụ, chính sách chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ.
1.2. Tiềm năng và khung khổ phát triển kinh tế số
Tiềm năng
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Theo Báo cáo DEI (xếp hạng Chỉ số phát triển số) năm 2020 của Viện IBGC của Đại học Tufts (Hoa Kỳ) khảo sát 90 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng 60 và xếp thứ 5 về động lực phát triển[13], có tiềm năng đi tắt đón đầu trong chuyển đổi nền kinh tế số và kinh tế số là đòn bẩy trong phát triển[14]. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là “bùng nổ”, thường đạt 2 chữ số. Dự kiến đến năm 2025, tổng giá trị khu vực kinh tế số của Việt Nam sẽ vào khoảng 33 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan[15]. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain, nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 trị giá 14 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2019), cao gấp 4,67 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 52 tỷ USD vào năm 2025 (tăng 28% so với năm 2020), với các lĩnh vực: thương mại điện tử, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính số[16].
Trong đó phần lõi nền kinh tế số Việt Nam (CNTT-TT) có 30.000 doanh nghiệp ngành CNTT-TT với 955.000 lao động, doanh thu ngành CNTT đạt 98,8 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành CNTT đạt 83,3 tỷ USD, doanh thu kế hoạch ngành viễn thông đạt 19,74 tỷ USD, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT là khoảng 80.000 sinh viên (số liệu năm 2018)[17]. Khả năng sáng tạo của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Theo Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021, giữ vị trí số một trong nhóm 3 quốc gia đổi mới theo nhóm thu nhập, xếp trước Ấn Độ và Ukraine. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel..., điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho làm việc từ xa và tiếp cận khách hàng trong thời gian giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng các nền tảng số, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội trực tuyến và các ứng dụng chuyên biệt tăng mạnh, đạt mức 73% doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho các giải pháp số tăng nhanh, đạt mức 21%[18]. Cũng theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030 và 2045”, xu hướng kinh tế số của Việt Nam phát triển mạnh trong các lĩnh vực thương mại điện tử; y tế thông minh, kinh tế nền tảng (bao gồm kinh tế chia sẻ) và công nghệ tài chính.
Bên cạnh các nền tảng của thế giới, Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng nền tảng số riêng như Be, Tiki, Vatgia, Zalo, Lotus, Edumall, Học mãi, Vietnamwork, Ahamove...[19]. Tuy nhiên, do quy mô thị trường và nhiều nền tảng có tính thử nghiệm nên mức độ thành công khác nhau. Sản phẩm số cũng là một trong các nhóm sản phẩm được khuyến khích phát triển sáng tạo, thiết kế, thực hiện tại Việt Nam trong Chương trình “Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng từ năm 2019.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong xây dựng chính quyền điện tử với kho dữ liệu dùng chung và phát triển đô thị thông minh - nền tảng cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Kinh tế số của Thành phố có nhiều thuận lợi do chủ trương phát triển rõ ràng và nhất quán từ Trung ương. Thành phố là địa phương đầu tiên sớm công bố triển khai chương trình chuyển đổi số, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đợt dịch Covid-19 trong năm 2020 và tiếp diễn trong năm 2021 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển nhanh thương mại từ mô hình truyền thống offline (trực tiếp) sang online (trực tuyến), cùng các hoạt động giáo dục đào tạo, y tế... Tuy nhiên các nền tảng số riêng của Việt Nam còn khiêm tốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về khả năng tài chính và thông tin để tiếp cận các đơn vị tư vấn có uy tín và rất cần hỗ trợ, định hướng của Chính quyền để chuyển đổi số thành công. Doanh nghiệp cũng mong muốn nhanh chóng tiếp cận kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố với các thông tin thực sự hữu ích để khai thác phục vụ hoạt động kinh doanh. Các chính sách cũng cần bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhằm theo dõi, đánh giá khách quan kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và thực hiện Bộ Chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính đánh giá về chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng, đào tạo và phát triển nhân lực. Theo kết quả DTI 2020, thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 5 về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với 0,3897 điểm (DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026 điểm). Trong đó, Chỉ số chính quyền số đạt 0,4446 điểm (xếp thứ 9); Chỉ số kinh tế số đạt 0,3136 điểm (xếp thứ 6); và Chỉ số xã hội số đạt 0,3764 điểm (xếp thứ 7).[20] Việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế được thực hiện khá tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngày càng thuận tiện.
Nhìn chung, với sự nhạy bén sáng tạo của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo nhanh chóng trong Chương trình chuyển đổi số, đồng thời việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đang được đẩy mạnh, thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng tốt để phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, nhận thức về kinh tế số chưa đầy đủ, các chính sách phát triển còn thiếu và không đồng bộ, nguy cơ phát triển theo phong trào là những điểm yếu cần phải khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt bài toán về nhân lực cho kinh tế số, từ quản lý các cấp cho đến các chuyên gia cần phải tính và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Khung khổ pháp lý phát triển kinh tế số
Kinh tế số là một vấn đề mới, do đó khung khổ thể chế phát triển kinh tế số vẫn đang trong quá trình xây dựng và hình thành. Để các doanh nghiệp phát triển trong môi trường internet với cơ sở dữ liệu hay tài nguyên số, đòi hỏi hạ tầng kết nối và dịch vụ số, đồng bộ với năng lực và thể chế. Tuy chưa có văn bản chính thức về kinh tế số, nhưng nền tảng pháp lý về các yếu tố của kinh tế số đang được thiết lập. Hiện có một số văn bản pháp quy về các yếu tố là thành phần của kinh tế số như về giao dịch điện tử; công nghệ thông tin; ngân hàng điện tử và tài chính điện tử; thương mại điện tử; luật an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân... Việc định dạng kinh tế số cần chính thức bằng văn bản pháp luật, theo thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với Việt Nam. Việt Nam hiện có các chủ trương khá nhất quán về phát triển các mô hình kinh tế mới trên cơ sở tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, trong đó có kinh tế số, cụ thể:
- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát là “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao...”;
- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội. Đảm bảo cho doanh nghiệp tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mô hình, hoạt động kinh tế mới và kinh tế truyền thông”.
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, và đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP.
- Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời đề ra 12 giải pháp đột phá. Trong đó, yêu cầu nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam của từng ngành, từng địa phương theo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030”.
- Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Trong đó, đưa ra Danh mục chỉ tiêu và nội dung chỉ tiêu thống kê kinh tế số.
Ở cấp độ địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiên phong trong xây dựng Chính quyền điện tử với kho dữ liệu dùng chung và đô thị thông minh, tập trung các giải pháp kỹ thuật đồng bộ về nền tảng số. Đặc biệt Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố mới ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất mục tiêu cụ thể đến năm 2025 kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP Thành phố. 10 ngành được ưu tiên chuyển đổi số là y tế; giáo dục; giao thông vận tải; tài chính - ngân hàng; du lịch; nông nghiệp; logistics; môi trường; năng lượng và đào tạo nhân lực. Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 681/KH-UB ngày 10 tháng 3 năm 2021 để triển khai Chương trình, riêng kinh tế số với 6 nhóm nhiệm vụ triển khai cụ thể.
2.1. Khái quát về kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) thuộc kinh tế số và một phần kinh tế số hóa, là một hình thức kinh doanh ngang hàng[21], trong đó tài sản hoặc dịch vụ (nhàn rỗi) được chia sẻ cho nhiều người sử dụng trên thị trường thông qua việc ứng dụng nền tảng số. Kinh tế chia sẻ còn gọi là kinh tế lao động tự do (freelance economy), kinh tế cộng tác (collaborating economy hoặc collaborative consumption), kinh tế ngang hàng (peer economy), làm việc đám đông (crowdworking), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế theo nhu cầu (on-demand economy)... phản ánh các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ kinh doanh.
Các lĩnh vực điển hình của kinh tế chia sẻ là vận tải (Uber, Grab, Zipcar, GoViet/GoJeck); du lịch/khách sạn (Airbnb, Luxstay); cho vay trong cộng đồng (Peer lending), gọi vốn kinh doanh (KickStarter), dịch vụ gia đình (Rada) và cả chia sẻ mặt bằng văn phòng (Co-working - không sử dụng trực tuyến)... Kinh tế chia sẻ còn tiếp tục phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau tùy theo nhu cầu, tính sáng tạo và hiệu quả thực tế.
Bản chất kinh tế chia sẻ là tạo lập một thị trường, được cung ứng từ các tài sản chưa được sử dụng hết công suất, làm cho tài sản đó được truy nhập trực tuyến thông qua công cụ nền tảng số để cung cấp tới cộng đồng người sử dụng, từ đó giảm thiểu nhu cầu sở hữu tài sản đó. Xét theo khía cạnh này, kinh tế chia sẻ là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tiêu dùng quá mức và dư thừa, hướng tới một nền kinh tế tối ưu và bền vững (tương đồng với mục tiêu của kinh tế tuần hoàn). Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh có nhiều biến tướng, nhắm tới giành giật thị trường (ví dụ Didi, Ofo ở Trung Quốc, hay giữa Grab và Vinasun ở Việt Nam), hoặc đơn giản là được thổi phồng giá trị quá mức, đặc biệt với mục tiêu thu hút vốn trên thị trường chứng khoán, nên nhiều mô hình hoạt động kinh tế chia sẻ không còn giữ được mục đích ban đầu.
Mối quan hệ kinh tế trong mô hình kinh tế chia sẻ là quan hệ ngang hàng giữa bên người dùng và bên cung cấp dịch vụ, thông qua nền tảng số (digital platform) giúp các bên gia nhập/tiếp cận thị trường, thường có trả phí (Hình 2). Từ đó phát sinh các quan hệ mới, phương thức giao dịch và nhiều hình thức hoạt động kinh tế chưa thuộc phạm vi quản lý thông thường/hiện hành từ phía Nhà nước.
Hình 2: Mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ[22]
2.2. Tiềm năng và khung khổ phát triển kinh tế chia sẻ
Tiềm năng
Việt Nam được coi là thị trường có tiềm năng về kinh tế chia sẻ, tuy nhiên cần được nhận diện rõ ràng để khắc phục những vấn đề bất cập và thúc đẩy phát triển. Theo khảo sát của Công ty Nielsen, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích mô hình kinh tế chia sẻ[23]. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, một số mô hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện, tập trung ba loại dịch vụ: (i) Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông (như Grab, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be...); (ii) Dịch vụ lưu trú (như Airbnb, Travelmob, Luxstay); (iii) Dịch vụ cho vay ngang hàng (chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp Fintech). Ngoài ra, nhiều dịch vụ khác cũng đã được hình thành như dịch vụ du lịch, chia sẻ không gian làm việc (Coworking space), gửi xe, chia sẻ lao động và việc làm...
Kinh tế chia sẻ giúp huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển; đồng thời, thu hút thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cạnh tranh giữa mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống đã tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh, dịch chuyển từ kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ, chất lượng dịch vụ được nâng cao và giá dịch vụ cũng ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Sự phát triển của kinh tế chia sẻ đã góp phần vào mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới. Thông qua công nghệ, khách hàng và người cung cấp dịch vụ dễ dàng kết nối với nhau, qua đó tăng các giao dịch trên thị trường, giúp đa dạng hóa và tăng chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quy mô (số lượng, khối lượng, giá trị) các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, mua bán trên thị trường tăng lên nhanh chóng. Quy mô doanh thu của thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 5 lần từ 0,2 tỷ USD năm 2015 lên 1,1 tỷ USD vào năm 2019 và dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó cho thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này ở Việt Nam còn rất lớn (PCWorld, 2017)[24].
Kinh tế chia sẻ góp phần mang lại thu nhập cho các chủ thể kinh tế tham gia kinh doanh và các chủ thể kinh tế có liên quan. Quy mô việc làm trong các ngành dịch vụ không ngừng tăng trưởng, đặc biệt là các ngành vận tải, kho bãi và lao động giản đơn trong khu vực dịch vụ lưu trú và ăn uống[25]. Người lao động có thể có thời gian làm việc linh hoạt hơn, có thể cùng lúc làm việc bán thời gian cho nhiều chủ sử dụng lao động và tối đa hóa thu nhập cho bản thân. Đồng thời, các đối tượng lao động trình độ thấp, hoặc đang gặp khó khăn trong tìm việc làm sẽ có thêm cơ hội công việc thông qua các loại hình kinh tế chia sẻ.
Dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông là điển hình cho phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Năm 2015, Bộ Giao thông và Vận tải cho phép thí điểm Đề án “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”[26]. Đến năm 2017, cả nước có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 506 đơn vị vận tải, 03 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm[27]. Theo báo cáo 5 năm kể từ khi thành lập, Grab công bố đã giúp khách hàng tiết kiệm rất nhiều thời gian dành cho việc di chuyển, tại Việt Nam trung bình các hành khách của Grab đến nơi với thời gian ít hơn một nửa. Ngoài ra, Grab còn giúp khách hàng giảm 20-30% chi phí đi lại, giảm 40% những lỗi giấy tờ khi quyết toán chi phí đi lại, minh bạch thông tin cho người dùng. So với các nước Đông Nam Á, thu nhập của đối tác tài xế tại Việt Nam là cao nhất (cao hơn 55% so với mức thu nhập trung bình)[28]. Theo đà phát triển mạnh mẽ của Grab, đã có khoảng 10 hãng taxi khác đã tham gia cung cấp ứng dụng đặt xe qua mạng, trong đó có cả các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh,... để cạnh tranh với Grab đang ngày càng mở rộng thị phần.
Như vậy, mô hình kinh tế chia sẻ đã đáp ứng việc cung cấp các nguồn lực/dịch vụ trong nước đến người có nhu cầu một cách nhanh chóng thông qua công nghệ; tận dụng hiệu quả về cả thời gian và tiết kiệm chi phí; góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh sáng tạo trong kinh doanh.
Bên cạnh những lợi ích đem lại, mô hình kinh tế chia sẻ cũng bộc lộ những rủi ro và khó khăn, nhất là quản lý nhà nước đối với mô hình này. Các tập đoàn lớn của nước ngoài với ưu thế về vốn và công nghệ giữ vai trò dẫn dắt và chi phối các chủ thể tham gia mô hình kinh doanh chia sẻ ở trong nước và kết nối với mạng lưới các chi nhánh khác ở nước ngoài. Từ đó, dẫn tới nguy cơ cạnh tranh không công bằng, không lành mạnh giữa mô hình kinh doanh truyền thống với kinh tế chia sẻ do chưa xác định được ngành nghề kinh doanh của loại hình này. Sự cạnh tranh không công bằng giữa mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống sẽ tạo ra các xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp liên quan. Đỉnh điểm là vụ kiện tụng gay gắt giữa Grab và Vinasun cho thấy những rắc rối phát sinh về chính sách quản lý các mô hình kinh tế mới, thể hiện sự cạnh tranh và loại trừ giữa cái cũ và cái mới[29].
Sự tương tác diễn ra trên môi trường mạng tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh mạng, gia tăng các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân... Đối với các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ có trụ sở ở nước ngoài nhưng đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, có doanh thu tại Việt Nam chỉ nộp được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được chi phí đầu vào ở nước ngoài hay các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh ở Việt Nam; dẫn đến nguy cơ thất thu thuế đối với Nhà nước.
Ngoài việc giải quyết việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong kinh tế truyền thống khi khu vực này càng thu hẹp, cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lao động còn phải đối mặt với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro trong quản lý, dự báo thị trường lao động khi mức độ biến động về quy mô, phạm vi, loại việc làm, hình thức làm việc, kỹ năng nghề nghiệp diễn ra liên tục. Nhiều vấn đề trong quan hệ lao động mới phát sinh khi xuất hiện kinh tế chia sẻ, do quan hệ hợp đồng mới trong kinh tế chia sẻ là quan hệ ba bên hoặc thậm chí là nhiều bên, nên các chính sách kèm theo cần xử lý được mối quan hệ này thay vì xử lý quan hệ giữa hai đối tác trong hợp đồng kinh tế như trước đây.
Khung khổ pháp lý phát triển kinh tế chia sẻ
Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ” là văn bản quan trọng nhất về kinh tế chia sẻ. Trong đó, xác định quan điểm ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới, nhấn mạnh không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt do kinh tế chia sẻ không là một bộ phận kinh tế tách rời. Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ gồm: (i) nhóm các giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; (ii) nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ; (iii) nhóm giải pháp thực hiện quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ; (iv) nhóm giải pháp đối với Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, Quyết định 999/QĐ-TTg chưa phải là khung pháp lý thực sự, mà thể hiện quan điểm chủ trương, các giải pháp có tính chất khung về kinh tế chia sẻ và cần có hướng dẫn triển khai chi tiết.
Bên cạnh đó, Quyết định số 999/QĐ-TTg giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tính chất linh hoạt: (i) Rà soát các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ trên địa bàn, thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý đã được quy định; (ii) Tùy thuộc vào địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành các quy định về kinh doanh theo hình thức kinh tế chia sẻ tại địa phương nhưng không được trái với các quy định của pháp luật. Trong khi khung khổ pháp lý chưa đầy đủ và rõ ràng, việc ban hành quy định cấp địa phương về kinh tế chia sẻ có thể sẽ gặp khó khăn. Khoảng trống pháp lý cũng tiềm ẩn các xung đột giữa mô hình kinh doanh mới và mô hình truyền thống, tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Đối với một số loại hình kinh tế chia sẻ cụ thể cũng đã có một số quy định, hướng dẫn để thực thi. Ngày 17 tháng 01 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Qua những quy định đổi mới trong Nghị định 10 (xe phải dán phù hiệu, giá chở khách không do ứng dụng kết nối quyết định, xe đang thí điểm phải xin phải cấp lại phù hiệu), nhận thấy Chính phủ đã từng bước điều chỉnh các loại hình kinh tế mới phù hợp với thị trường và pháp luật Việt Nam, trước tiên trong lĩnh vực vận tải, thể hiện mục tiêu quản lý các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ là ủng hộ phát triển mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số phải đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong kinh doanh, chất lượng phục vụ hành khách phải rõ ràng, minh bạch, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Tuy nhiên, một số lĩnh vực khác, nhất là hình thức cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending) ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng môi trường pháp lý còn chưa hoàn thiện.
Mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh tế mới không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với cả các nước khác trên thế giới, với nhiều loại hình kinh tế chia sẻ đa dạng, liên tục biến đổi và cả biến tướng so với kinh tế chia sẻ truyền thống. Sự phát triển nhanh của các loại hình kinh tế chia sẻ đang đòi hỏi và tạo áp lực rất lớn đối với Nhà nước trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế với nhiều mô hình kinh doanh đa dạng, trong đó có kinh tế chia sẻ.
3.1. Khái quát về kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn tiếp cận và xuất phát từ khía cạnh phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là mô hình đối lập với kinh tế tuyến tính (Linear Economy). Trong thời gian qua, có thể nhận thấy việc phát triển kinh tế truyền thống của Việt Nam cũng như thành phố Hồ Chí Minh cơ bản theo mô hình kinh tế tuyến tính - đó là cách thức phát triển kinh tế theo mô hình đường thẳng, từ Khai thác tài nguyên làm đầu vào cho Sản xuất, đến Phân phối, Tiêu dùng và cuối cùng là Thải loại (Hình 3); phát triển kinh tế tuyến tính đẩy mạnh hoạt động khai thác tài nguyên và tạo ra chất thải, tất yếu sẽ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngược lại, kinh tế tuần hoàn hướng tới việc kết nối điểm cuối của đường thẳng ấy trở lại với điểm đầu, trở thành một vòng tuần hoàn của vật chất trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn tạo ra vòng tuần hoàn lớn và các vòng tuần hoàn nhỏ trong mỗi khâu khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể (Nguyễn Hoàng Nam, 2019).
Hình 3: Kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn
Có nhiều khái niệm khác nhau về kinh tế tuần hoàn nhưng được thừa nhận rộng rãi nhất là khái niệm do tổ chức Ellen Mac Arthur Foundation trình bày tại Hội nghị Kinh tế toàn cầu năm 2012. Theo đó, “Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động”[30]. Kinh tế tuần hoàn thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Tại Việt Nam, khái niệm chính thức về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện tại Điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Kinh tế tuần hoàn có tác động trực tiếp ở các mức độ khác nhau tới ít nhất 10/17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đang triển khai thực hiện đến 2030. Kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ chặt chẽ với tăng trưởng xanh, nhưng không đồng nhất với các loại hình kinh tế này, mặc dù cùng hướng tới phát triển bền vững (Hình 4). Mặt khác, giữa các mô hình kinh tế có tính gắn kết như việc áp dụng số hóa trong kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phục vụ chia sẻ nguồn lực giữa các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hình 4: Mối quan hệ kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững[31]
Thông qua kinh nghiệm của các nước, các hình thức phát triển kinh tế tuần hoàn được thực hiện như sau:
- Thành phố áp dụng kinh tế tuần hoàn: với mô hình các thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái tại 10 địa phương[32], chiến lược “Zero waste” với mục tiêu không còn chất thải ra ngoài môi trường, mô hình Circular Economy in Cities[33], Circular Cities[34]...;
- Khu công nghiệp/kinh tế sử dụng kinh tế tuần hoàn: mô hình được thực hiện dựa trên quan điểm “cộng sinh công nghiệp - industrial symbiosis”, tức là chia sẻ tài nguyên và tuần hoàn chất thải giữa các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số mô hình khu công nghiệp tuần hoàn tiêu biểu như mô hình cộng sinh của Kalundborg (Đan Mạch), khu công nghiệp Bumside (Canada), mạng lưới các khu công nghiệp sinh thái tại Naroda (Ấn Độ), khu công nghiệp Laem Chabang (Thái Lan)...;
- Doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn: tại doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn ở cấp độ thấp tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường; chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.
3.2. Tiềm năng và khung khổ phát triển kinh tế tuần hoàn
Tiềm năng
Nền kinh tế tuyến tính đang tạo nên áp lực lớn cho môi trường khi tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Nhiều quốc gia trên thế giới đang thay đổi phát triển để hướng đến giải pháp tối ưu hơn, nền kinh tế xanh và sạch và phát triển bền vững. Trong những năm qua, Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, tuy đã đạt được nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu[35]. Với tình trạng phát triển trên, Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ tuyến tính sang tuần hoàn, với những bước đi chắc chắn nhưng không chậm trễ.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã có một số mô hình bước đầu tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC) trong ngành nông nghiệp, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ và mô hình tái chế chất thải rắn. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn tại TPHCM.
Mô hình 3R[36] được khởi động tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 và tái khởi động năm 2018[37] thông qua việc thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn một số quận của Thành phố và tổ chức ngày hội Tái chế chất thải[38] đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về khái niệm 3R, tạo dấu ấn nhất định trong phong trào cộng đồng bảo vệ môi trường của thành phố.
Quỹ Tái chế chất thải thành phố (HCMC Waste Recycling Fund-REFU) được thành lập năm 2006[39] là cơ sở cho hoạt động 3R phát triển. Quỹ là một tổ chức tài chính, phi lợi nhuận, có chức năng hỗ trợ và cho vay ưu đãi thực hiện các dự án 3R, nâng cao nhận thức cộng đồng về 3R, đề xuất chính sách 3R, điều phối và phát triển dự án DMC; hỗ trợ và cho vay ưu đãi thực hiện các dự án tái chế chất thải tại Thành phố. Do chưa có luật, quy chế về tái chế nên REFU chưa thu hút được sự đóng góp của các doanh nghiệp, mà chủ yếu là nguồn vốn ban đầu do ngân sách của thành phố cấp; đồng thời, việc hỗ trợ cho vay còn có những khó khăn về mặt thủ tục. Đến năm 2013, Quỹ Tái chế chất thải thành phố đã được hợp nhất vào Quỹ Bảo vệ môi trường thành phố Hồ Chí Minh[40].
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường[41] được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”[42] được thực hiện đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường, lượng túi thân thiện môi trường sử dụng tại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại chiếm 92,25% và tại chợ chiếm 20-30%. Tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập tại địa phương, vận động 2.366/2.674 tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân[43]. Thu gom và tái chế 54% khối lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện và tận dụng giá trị tái sử dụng của rác thải[44].
Khu công nghiệp sinh thái: Trong khuôn khổ dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) triển khai trong giai đoạn 2020-2023, khu công nghiệp Hiệp Phước được lựa chọn thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Việc chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái nhằm hướng tới bền vững về môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng, góp phần phát triển công nghiệp bền vững.
Doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn: Trên cơ sở các sáng kiến được áp dụng và triển khai thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố đã bước đầu khép kín chu trình sản xuất, hướng tới kinh tế tuần hoàn. Gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được Heineken tái sử dụng hoặc tái chế; 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các- bon... Hay Mondelez Kinh Đô Việt Nam đã xây dựng những chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển các loại bao bì không rác thải...
Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature) được khởi động triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh từ 2018 cũng là một hoạt động nhằm hướng tới xây dựng kinh tế tuần hoàn. Trong đó, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, hoạt động cốt lõi của sáng kiến này là phân loại rác tại nguồn, diễn ra trên địa bàn quận Tân Phú do Unilever Việt Nam phối hợp với công ty Môi trường Đô thị CITENCO thực hiện. Đây là hoạt động được khởi xướng và triển khai từ cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển bền vững.
Có thể thấy các hoạt động kinh tế tuần hoàn tại Thành phố khởi xướng từ các hoạt động về bảo vệ môi trường, chứ chưa chuyển thành các hoạt động kinh tế với lợi ích rõ ràng. Ngay cả một số sáng kiến, như Quỹ Tái chế chất thải rất đáng khích lệ, nhưng nếu không có các chính sách đồng bộ sẽ khó thành công. Tuy vậy, Thành phố có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn nhờ tư duy nhanh nhạy và chấp nhận đổi mới của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp; có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, quản trị và liên kết quốc tế; các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mạnh... Thách thức đặt ra cho Thành phố là cần có chính sách và giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức chung của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đảm bảo phát triển bền vững của kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là cần theo kịp các xu hướng chung trên thế giới.
Khung khổ phát triển kinh tế tuần hoàn
Trước khi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được thông qua, mặc dù thuật ngữ kinh tế tuần hoàn chưa chính thức được sử dụng nhưng đã có nhiều văn bản pháp luật được xây dựng với mục tiêu hướng dẫn sản xuất sạch hơn, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải. Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020, Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP , Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg , Quyết định số 491/QĐ-TTg về điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn năm 2018, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững là những chính sách tiêu biểu, thể hiện những bước chuyển dịch về chính sách theo hướng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.[45]
Về khái niệm “kinh tế tuần hoàn”, lần đầu tiên trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, Bộ Chính trị yêu cầu tích hợp mô hình kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển các doanh nghiệp năng lượng.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã chính thức đưa ra khái niệm kinh tế tuần hoàn trong Điều 142: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, đồng thời giao “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải”. Riêng chính sách, Luật giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đã thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế và hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn.
Gần đây nhất, tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã làm rõ tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Khoản 1, Điều 138 đã đưa ra tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn, bao gồm: giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, gồm giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.
Điều 140 Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng đưa ra các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm các hoạt động: nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, giải pháp kỹ thuật và sản xuất thiết bị; tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn, đào tạo nhân lực; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu; phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp và khu kinh tế; phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn, các địa phương cần xây dựng kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về kinh tế tuần hoàn; lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện kinh tế tuần hoàn ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; và tổ chức áp dụng thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải.
4. Mối quan hệ giữa các mô hình kinh tế và với các chương trình, đề án
4.1. Mối quan hệ giữa kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn
Với mục tiêu hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0, nhiều mô hình kinh tế mới đã hình thành và phát triển trên thế giới. Giữa các mô hình kinh tế có tính gắn kết trên cơ sở nền tảng số, công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn - big data, block chain, internet vạn vật... Ví dụ như trong báo cáo của dự án CE-IoT[46] đã xác định rõ sự kết hợp giữa kinh tế tuần hoàn với internet vạn vật nhằm tạo ra các giá trị kinh tế mới, từ đó phát triển các mô hình kinh doanh.
- Kinh tế số và kinh tế chia sẻ: Theo cách tiếp cận kinh tế số với 03 mức độ - phạm vi lõi, phạm vi hẹp và phạm vi rộng - kinh tế chia sẻ nằm ở ranh giới kinh tế số (phạm vi hẹp) và kinh tế số hóa (phạm vi rộng) (Hình 1), được xem như một phần của kinh tế số. Đồng thời, doanh nghiệp cung cấp nền tảng cho hoạt động kinh tế chia sẻ cũng thuộc nhóm doanh nghiệp công nghệ số đang được tập trung phát triển. Chính môi trường kinh tế không tiếp xúc đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, góp phần phát triển hoạt động kinh tế số.
- Kinh tế số và kinh tế tuần hoàn: Trong thời gian qua, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng tích hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển bền vững và chủ động phát triển trong cuộc CMCN 4.0. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, việc ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã mang lại những tác động tích cực với thị trường, phục hồi nhanh nền kinh tế. Trong đó, đổi mới công nghệ là yếu tố quan trọng, cốt lõi quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình này hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới. Kinh tế số và kinh tế tuần hoàn cùng đóng góp để thực hiện kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững.
- Kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn: Xuất phát từ việc khan hiếm các nguồn tài nguyên trong xã hội và yêu cầu của sự phát triển bền vững, nhiều ý tưởng, giải pháp về việc chia sẻ quyền sở hữu các dạng tài nguyên này đã được vận dụng với nhiều mô hình đơn giản và phổ biến; đặc biệt, trên nền tảng kết nối internet và xuất hiện thêm các giao dịch kinh tế từ các mô hình chia sẻ này đã hình thành nên một phạm trù mới là kinh tế chia sẻ. Trong khi đó, đặc trưng của kinh tế tuần hoàn là tạo thành một vòng tuần hoàn của vật chất trong nền kinh tế và các vòng tuần hoàn nhỏ trong mỗi khâu khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể. Phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ là thúc đẩy các hoạt động hợp tác chia sẻ, trao đổi các nguồn lực chưa được sử dụng hoặc không sử dụng hết nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất và tiêu dùng trong mỗi ngành, lĩnh vực hướng đến mở rộng quy mô áp dụng liên ngành, liên lĩnh vực góp phần thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
4.2. Mối quan hệ với các chương trình, đề án của Thành phố
Với mục tiêu chung phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững, Đề án phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nằm trong Chương trình trọng điểm của Thành phố về Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, có mối quan hệ mật thiết 03 Chương trình đột phá của Thành phố. Cụ thể như sau:
- Chương trình đột phá về đổi mới quản lý thành phố Hồ Chí Minh: Đề án có mối liên hệ mật thiết với Chương trình đột phá về đổi mới quản lý của Thành phố, nhất là kinh tế số. Phát triển kinh tế số là một trong số các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố được ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố; đồng thời, nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái kinh tế số được góp ý và thông qua Hội đồng phát triển ngành Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông. Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế số và kinh tế tuần hoàn cũng được tính tới và đồng bộ;
- Chương trình đột phá về phát triển hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh: Đề án có mối quan hệ gần với các chương trình phát triển hạ tầng, đặc biệt là nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn như Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; chống ngập và xử lý nước thải (liên quan đến nước thải công nghiệp); quy hoạch xử lý chất thải rắn và phát triển hạ tầng công nghiệp (liên quan đến khu công nghiệp sinh thái/cộng sinh công nghiệp);
- Chương trình đột phá về phát triển nhân lực và văn hóa thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi có nguồn nhân lực phù hợp để phục vụ. Do đó, Đề án gắn chặt với nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và quản lý đô thị. Đồng thời, việc ứng dụng, phát triển các mô hình kinh tế trong các ngành cũng gắn chặt với các chương trình, đề án liên quan như đại học chia sẻ, giáo dục thông minh và học tập suốt đời, y tế thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo;
- Chương trình trọng điểm về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển các mô hình kinh tế mới gắn chặt với các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đặc biệt tập trung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong triển khai các mô hình kinh tế. Do đó, Đề án cũng gắn chặt với các chương trình, đề án liên quan đến phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông (phần lõi của kinh tế số); phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và các triển lãm công nghiệp, dịch vụ 4.0 (Chủ đề năm 2022: Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai”) và du lịch thông minh.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Trong sự phát triển của kinh tế thị trường cùng với cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện và phát triển, trong đó có kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. Nhằm phát triển và quản lý các mô hình kinh tế mới, một số quan điểm phát triển được đặt ra như sau:
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế mới khác; khẳng định đây là hướng phát triển kinh tế trong tương lai của Thành phố;
- Các doanh nghiệp đóng vai trò chủ động sáng tạo tích cực tham gia tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong các mô hình kinh tế mới, nhưng đảm bảo phải minh bạch trong hoạt động và tuân thủ các điều kiện kinh doanh; nghiêm túc đóng góp các nghĩa vụ thuế và tài chính; tham gia vào các hoạt động đào tạo và nâng cao trình độ lao động và các bên tham gia;
- Nhà nước cần nâng cao năng lực, thay đổi tư duy và phương thức quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0, đảm bảo doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm trong các loại hình kinh tế mới dựa trên sáng tạo; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp công nghệ trong các mô hình kinh tế mới với doanh nghiệp truyền thống; tập trung đầu tư nền tảng và hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số; xây dựng các chương trình phát triển phù hợp điều kiện kinh tế xã hội; chuẩn bị nguồn nhân lực cho các nền kinh tế mới;
- Ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước xây dựng nền tảng số; lựa chọn nhóm doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên chuyển đổi và phát triển với các tiêu chí rõ ràng để tập trung hỗ trợ hiệu quả, tránh tràn lan. Các chương trình hỗ trợ/phát triển nhắm tới kết quả đầu ra, đảm bảo tính hệ thống với các bước đi phù hợp điều kiện kinh tế xã hội. Thử nghiệm các chính sách quản lý phát triển mô hình kinh doanh mới theo cơ chế sandbox, từ đó phối hợp Bộ ngành liên quan để xây dựng chính sách mới. Các chính sách mới có tính đột phá nhưng cần đảm bảo tính đồng bộ với các chương trình phát triển của Thành phố đang xây dựng và hoàn thiện;
- Cân bằng giữa quản lý và phát triển trên môi trường số; nắm chắc bản chất các giao dịch để thiết lập quản lý theo phương thức hậu kiểm; đảm bảo hạn chế thấp nhất về thất thu thuế và đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc gia, nhưng không tìm cách đặt ra các rào cản mới; đồng thời xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm trong kinh doanh;
- Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo sâu rộng trong doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân với các chương trình thực chất, chuyên nghiệp và hiệu quả, chú trọng tính ứng dụng và coi đây là động lực chính phát triển các mô hình kinh tế mới.
1. Mục tiêu tổng quát
Thống nhất và nâng cao nhận thức trong hệ thống chính quyền và xã hội; nắm bắt xu hướng, xác định và lựa chọn ưu tiên về loại hình, nhóm ngành nghề, giai đoạn phát triển thích hợp, đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố, góp phần chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
Từ mục tiêu tổng quát, Đề án hướng tới giải quyết một số mục tiêu chung sau:
- Góp phần tạo nhận thức thống nhất về các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và CMCN 4.0;
- Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra hàng hóa dịch vụ đa dạng, chất lượng, hiệu quả và bền vững; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với doanh nghiệp truyền thống;
- Định hướng các giải pháp xây dựng nền tảng cho phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có nền tảng số; nâng cao trình độ và năng lực đổi mới sáng tạo cho đội ngũ nhân sự để sẵn sàng ứng dụng triển khai các mô hình kinh doanh mới;
- Hình thành nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển các mô hình kinh tế mới. Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu được chia sẻ rộng rãi (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước) phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội;
- Kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và chiếm 40% GRDP vào năm 2030;
- Cải thiện các chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm của ngành và Thành phố (như hệ số sử dụng năng lượng, hệ số sử dụng nước...);
- Thành phố thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về Chỉ số Kinh tế số (thuộc Bộ Chỉ số Chuyển đổi số - DTI).
1. Nhiệm vụ và giải pháp chung trong phát triển các mô hình kinh tế mới
1.1. Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về các mô hình kinh tế mới
- Tuyên truyền, phổ biến về các mô hình kinh tế mới đến các tầng lớp nhân dân để tạo sự thống nhất và đồng thuận trong quá trình thực hiện;
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các mô hình kinh tế mới nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của các bên có liên quan;
- Tổ chức các khóa tập huấn do doanh nghiệp, Hội ngành hàng nhằm nắm bắt cơ hội, quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia các phương thức kinh doanh mới; các khóa tập huấn các kiến thức và kỹ năng tiếp cận các mô hình kinh tế mới trong kỷ nguyên số và CMCN 4.0;
- Tổ chức tập huấn về các mô hình kinh tế mới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm ủng hộ và đề xuất phương pháp quản lý thích hợp;
- Tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế mới.
1.2. Rà soát, bổ sung các chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp với các mô hình kinh tế mới
- Tích hợp các nội dung kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2020-2025 và các giai đoạn tiếp theo;
- Khảo sát nhu cầu, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh mới phù hợp với nhu cầu và định hướng ưu tiên phát triển;
- Rà soát các thủ tục có liên quan đến đầu tư trong các ngành nghề theo hướng lược bỏ các điều kiện kinh doanh không thật sự cần thiết đang trở thành rào cản của các doanh nghiệp phát triển theo mô hình mới;
- Rà soát các chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.
1.3. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các mô hình kinh tế mới
- Xây dựng chương trình đào tạo bài bản, kết hợp các dự án hợp tác quốc tế để chuẩn bị đội ngũ doanh nhân, cán bộ viên chức, nghiên cứu viên, giảng viên về các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn;
- Bổ sung nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng về đổi mới sáng tạo và các kiến thức cơ bản về CMCN 4.0, chuyển đổi số, phát triển bền vững cho các trường cao đẳng, đại học để chuẩn bị nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu;
- Xây dựng chương trình đào tạo về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp; phát triển các chương trình tập huấn thực hành về kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.
2. Nhiệm vụ và giải pháp đối với từng mô hình kinh tế
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về xu thế phát triển CMCN 4.0, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số; về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, chủ thể tham gia hoạt động kinh tế số; tăng cường ý thức về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân, kỹ năng số cho người dân thông qua sử dụng nền tảng số nhằm nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội;
- Phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và ứng dụng phục vụ kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng nền tảng số trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ ưu tiên. Bổ sung và hoàn thiện kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu chuyên ngành trong đề án Đô thị thông minh của Thành phố. Nghiên cứu và triển khai các mô hình, nền tảng liên kết, kết hợp giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong phát triển, thử nghiệm công nghệ mới, hệ sinh thái số, sản phẩm, dịch vụ số, thương mại số;
- Khảo sát nhu cầu và xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số. Thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với triển khai công nghệ số, mô hình kinh doanh mới, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ trên nền tảng số. Tăng cường hoạt động R&D của doanh nghiệp cung cấp nền tảng, tiến tới thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông trên địa bàn; tập trung phát triển R&D, công nghệ nền tảng, công nghệ lõi. Đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm cải tiến năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Thiết lập mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số, kinh doanh số trên địa bàn Thành phố; xây dựng hệ sinh thái số cho các ngành với sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông vận tải, logistics, tài chính - ngân hàng, môi trường, năng lượng;
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công; công khai minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, cơ sở dữ liệu, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số. Thực hiện đo lường, thống kê hoạt động kinh tế số và đóng góp, tỷ trọng của kinh tế số vào GRDP của Thành phố. Nâng cao điểm số và xếp hạng của Thành phố về Chỉ số kinh tế số thuộc Bộ Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, chủ thể tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch trong mô hình kinh tế chia sẻ, hướng tới tiêu dùng bền vững;
- Tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư đảm bảo cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững. Rà soát, kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật và đảm bảo thực thi trong lĩnh vực quản lý phù hợp với các hoạt động kinh doanh truyền thống và kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống; bao quát được những mô hình hoạt động mới phát sinh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ. Đánh giá tác động của hoạt động kinh tế chia sẻ trên các lĩnh vực và định hướng phát triển trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên;
- Thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát, phối hợp giữa các chủ thể tham gia trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ưu tiên, khuyến khích triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ. Phát triển hoạt động R&D, ứng dụng các công nghệ nền tảng phục vụ phát triển kinh tế chia sẻ;
- Thí điểm việc triển khai mô hình kinh tế chia sẻ trong các ngành công nghiệp, khu công nghiệp, kết hợp với mô hình cộng sinh công nghiệp[47], phát triển các khu công nghiệp sinh thái; quản lý và tái chế chất thải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...;
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ; đặc biệt là các hành vi liên quan đến bảo vệ thông tin và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ, bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng. Thực hiện phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, hộ kinh doanh và tổ chức có liên quan trong thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
2.3. Đối với kinh tế tuần hoàn
- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế tuần hoàn và lợi ích từ kinh tế tuần hoàn; hình thành ý thức của người dân về giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải, rác thải. Truyền thông và triển khai nhân rộng áp dụng mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại chất thải, rác thải từ hộ gia đình, mô hình kinh doanh bền vững; huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, phân loại rác thải.
- Thống nhất và hoàn thiện khung khổ phát triển kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục triển khai Chương trình xử lý rác thải sinh hoạt, tiến tới triển khai các hoạt động áp dụng mô hình 9R[48] trong hoạt động sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt thường ngày để giảm thiểu, hạn chế rác thải, làm cơ sở cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn tại Thành phố; xây dựng mô hình, trong đó xác định cách tiếp cận, cấp độ thực hiện và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với tình hình và định hướng phát triển của Thành phố. Rà soát, nghiên cứu xây dựng và bổ sung các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với nhu cầu và định hướng ưu tiên phát triển.
Nâng cao năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, thảo luận chuyên đề về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ mới, từ thực tiễn và kinh nghiệm trong và ngoài nước. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và mạng lưới tư vấn viên về tiêu chuẩn liên quan trong các ngành, lĩnh vực. Tổ chức diễn đàn kết nối, hợp tác, chia sẻ cho doanh nghiệp phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo trong nền kinh tế tuần hoàn nhằm phổ biến những mô hình/thông lệ tốt về kinh tế tuần hoàn và các bài học kinh nghiệm, các giải pháp hữu hiệu được thử nghiệm trong khu vực và quốc tế, kết hợp trưng bày, triển lãm sản phẩm công nghệ mới của doanh nghiệp;
- Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Nâng cao vai trò, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR[49]), nhà nhập khẩu như phân loại và thu phí dựa trên khối lượng chất thải; trách nhiệm tái chế chất thải, xử lý chất thải. Khuyến khích thực hiện các biện pháp thiết kế tuần hoàn, áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, chia sẻ tài nguyên; chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; đổi mới quản lý; sử dụng nguyên liệu, năng lượng tái tạo; năng lượng sạch. Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ phát triển thị trường, chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.
- Nghiên cứu và thực hiện thí điểm các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố. Nghiên cứu, xây dựng mô hình thử nghiệm áp dụng kinh tế tuần hoàn với các cấp độ quy mô từ thấp đến cao cho các ngành và lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, và tiêu dùng quan trọng của Thành phố. Nghiên cứu xây dựng và triển khai thí điểm mô hình dịch vụ đô thị tích hợp với hệ thống tích hợp cung cấp năng lượng - thực phẩm - nước trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh mua sắm công xanh, đầu tư công xanh; kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp bền vững; mô hình cộng sinh công nghiệp; kinh doanh dịch vụ;
- Huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát chất thải, rác thải; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải, rác thải và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố. Trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong nghiên cứu, phát triển các mô hình, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh doanh bền vững;
- Hoàn chỉnh và duy trì cập nhật bộ dữ liệu phát sinh rác thải, nước thải, năng lượng phát sinh hàng năm của Thành phố; xây dựng bản đồ dữ liệu (mapping) về nguồn và xử lý chất thải rắn. Giám sát hiệu quả việc khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các hành vi gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, nhất là nước thải và rác thải làng nghề, rác thải sinh hoạt nông thôn và việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nghiên cứu các biện pháp xử phạt nhà sản xuất, nhập khẩu theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
I. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH CỤ THỂ
1. Kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- Mục tiêu: Thúc đẩy hoạt động kinh tế số thông qua phát triển hạ tầng số, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu trong bối cảnh CMCN 4.0; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số; đề xuất chính sách hỗ trợ và giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế số.
- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.
- Đơn vị phối hợp: Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thống kê, các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2021-2025.
- Một số nhiệm vụ chủ yếu:
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế số;
+ Phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và ứng dụng, dịch vụ phục vụ kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp;
+ Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo;
+ Phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực;
+ Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế số;
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số.
- Mục tiêu: Nắm bắt xu hướng phát triển nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ số, xác định và lựa chọn ưu tiên về loại hình, ngành nghề kinh doanh và giai đoạn phát triển thích hợp; đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống trên địa bàn Thành phố, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ, góp phần chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng hiện đại và phát triển bền vững.
- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Đơn vị phối hợp: Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2021 - 2025.
- Một số nhiệm vụ chủ yếu:
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế chia sẻ;
+ Tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư đảm bảo cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững;
+ Hỗ trợ các chủ thể trong mô hình kinh tế chia sẻ;
+ Nghiên cứu, triển khai mô hình kinh tế chia sẻ trong một số ngành, lĩnh vực;
+ Tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế chia sẻ.
- Mục tiêu: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố, góp phần chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.
- Đơn vị chủ trì: Viện Nghiên cứu phát triển thành phố.
- Đơn vị phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - HEPZA, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Thời gian thực hiện: 2021-2025.
- Một số nhiệm vụ chủ yếu:
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn;
+ Đề xuất hoàn thiện khung khổ pháp lý phát triển kinh tế tuần hoàn;
+ Nâng cao năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn;
+ Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tuần hoàn;
+ Nghiên cứu, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong một số ngành, lĩnh vực và một số cấp độ;
+ Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong kinh tế tuần hoàn.
+ Tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; quản lý tích hợp các hoạt động kinh tế theo hướng tuần hoàn.
1. Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố; ngân sách từ các bộ ngành trung ương thuộc lĩnh vực; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
2. Khuyến khích đa dạng hóa và xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
3. Thu hút các nguồn vốn quốc tế (Ngân hàng Thế giới - WB; Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC; Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc - UNIDO,...) trong các dự án hạ tầng và dự án phát triển 3 mô hình kinh tế.
1. Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố
a) Phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể theo danh mục chương trình, kế hoạch triển khai Đề án;
b) Theo dõi việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo định kỳ và đột xuất. Kịp thời báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch để đáp ứng nhu cầu thực tế, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực phục vụ triển khai Đề án;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tại kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn;
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan triển khai nghiên cứu đánh giá kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố.
a) Chủ trì kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động kinh doanh mô hình kinh tế mới trên địa bàn;
b) Rà soát các quy định pháp luật; tham mưu, đề xuất chính sách, cơ chế phù hợp đối với việc quản lý các mô hình kinh tế mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
c) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phát triển kinh tế chia sẻ;
d) Đầu mối đề xuất chính sách và theo dõi phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xem xét các thủ tục và điều kiện kinh doanh để có kiến nghị kịp thời, tạo điều kiện các doanh nghiệp tự do kinh doanh các ngành nghề không bị cấm và tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế mới và kinh tế truyền thống.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phát triển kinh tế số;
b) Tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số; xây dựng và thống nhất các tiêu chí về kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ;
c) Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, các bên có liên quan về các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn;
d) Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực quản lý.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
a) Phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn;
b) Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực quản lý.
a) Phối hợp các đơn vị chủ trì và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm sandbox một số ngành/lĩnh vực phục vụ quản lý và phát triển các mô hình kinh tế mới;
b) Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động các mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực quản lý.
a) Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển và các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, kế hoạch theo phân công;
b) Xây dựng tiêu chí và cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý các mô hình kinh tế mới trên địa bàn.
Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
8. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan
a) Tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, bố trí nguồn lực triển khai các nội dung được phân công;
b) Chủ động bố trí ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp để phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo quy định.
9. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển và các Sở ngành Thành phố triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ phân công.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.