ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/2008/QĐ-UBND |
Đà Lạt, ngày 07 tháng 11 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 66/2006/NĐ-CP ;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 137/TTr-SNN ngày 07/10/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./-
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN
THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2008/QĐ-UBND ngày 07/11/2008 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng:
Quy định này quy định nội dung công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn (sau đây gọi chung là cơ sở ngành nghề nông thôn) bao gồm:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
- Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
- Hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
b) Các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.
3. Các hoạt động ngành nghề nông thôn tại địa bàn nông thôn quy định trong Quy định này bao gồm:
a) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản;
b) Sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ;
c) Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn;
d) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ;
e) Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh;
g) Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn;
h) Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
2. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.
3. Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.
Điều 3. Mục đích cấp giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đồng thời tạo điều kiện cho nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống quan hệ giao dịch với các tổ chức có liên quan để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định.
Điều 4. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
1. Tiêu chí công nhận nghề truyền thống:
Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt 3 tiêu chí sau:
a) Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
b) Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hoá dân tộc;
c) Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
2.Tiêu chí công nhận làng nghề:
Làng nghề được công nhận phải đạt 3 tiêu chí sau:
a) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn;
b) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
c) Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
3. Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống:
Làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đối với những làng chưa đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm a, b khoản 2 điều này nhưng có ít nhất một nghề truyền thống được công nhận theo quy định tại khoản 1 Điều này thì cũng được công nhận là làng nghề truyền thống.
Chương II
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, TRÌNH TỰ CẤP VÀ THU HỒI GIẤY CÔNG NHẬN NGHỀ TRUYỀN THỐNG, LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Điều 5. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
UBND tỉnh quyết định cấp và thu hồi Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Điều 6. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Cơ sở ngành nghề nông thôn, các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn nộp hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (theo mẫu thống nhất) tại UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã).
Chủ thể đứng tên hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống là người đại diện cơ sở ngành nghề nông thôn, các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn.
1. Hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống:
a) Tờ khai đề nghị công nhận nghề truyền thống (Mẫu số 01-NNNT);
b) Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống, có xác nhận của UBND cấp xã (Mẫu số 02-NNNT);
c) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao được cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có);
Đối với tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc của nghề truyền thống.
d) Bản sao hợp lệ giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
2. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề:
a) Tờ khai đề nghị công nhận làng nghề (Mẫu số 01-NNNT);
b) Danh sách các hộ tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (Mẫu số 03-NNNT);
c) Bản tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn trong 02 năm gần nhất (Mẫu số 04-NNNT);
d) Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, có xác nhận của UBND cấp xã (Mẫu số 05-NNNT).
3. Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống:
a) Tờ khai đề nghị công nhận làng nghề truyền thống (Mẫu số 01-NNNT);
b) Hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống bao gồm các văn bản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
c) Trường hợp đã được công nhận làng nghề, hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều này. Nếu chưa được công nhận làng nghề nhưng có nghề truyền thống đã được công nhận, hồ sơ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;
d) Những làng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều 4 Quy định này, hồ sơ gồm:
- Bản tóm tắt quá trình hình thành, phát triển của nghề truyền thống có xác nhận của UBND cấp xã (Mẫu số 02-NNNT);
- Bản sao hợp lệ các giấy chứng nhận huy chương đã đạt được trong các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc có tác phẩm đạt nghệ thuật cao cấp tỉnh, thành phố trở lên trao tặng (nếu có);
Đối với những tổ chức, cá nhân không có điều kiện tham dự các cuộc thi, triển lãm hoặc không có tác phẩm đạt giải thưởng thì phải có bản mô tả đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc của nghề truyền thống;
- Bản sao hợp lệ giấy công nhận Nghệ nhân của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
- Bản xác nhận thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước có xác nhận của UBND cấp xã (Mẫu số 05-NNNT).
Điều 7. Trình tự xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
1. UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận, đồng thời lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, xem xét và gửi văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) lên UBND huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện).
2. UBND cấp huyện tập hợp hồ sơ do UBND cấp xã gửi lên, lập danh sách (kèm theo hồ sơ) trình UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng là cơ quan tiếp nhận, quản lý và lưu trữ hồ sơ do UBND cấp huyện gửi lên; tham mưu trình UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
4. UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ tịch, lãnh đạo Sở Công thương làm Phó Chủ tịch, các thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
a) Hội đồng xét duyệt có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày thành lập Hội đồng;
b) Trên cơ sở thẩm định của Hội đồng xét duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập hợp hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh quyết định và cấp Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành công tác thẩm định của Hội đồng xét duyệt.
Điều 8. Thu hồi Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
1. Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận sau 05 năm không đạt các tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi Giấy công nhận.
2. UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện danh sách nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không đảm bảo các tiêu chí quy định. UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp danh sách, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, thu hồi Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Điều 9. Chính sách khuyến khích nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận
Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được hưởng các chính sách khuyến khích theo Chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề, về mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực theo quy định tại Chương II Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi tình hình cấp Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và tình hình hoạt động; tham mưu đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo hàng năm.
2. UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tuyên truyền chủ trương cấp Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua việc niêm yết các văn bản liên quan tại UBND cấp xã để cơ sở ngành nghề nông thôn, các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn biết và thực hiện./-
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.