ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4839/QĐ-UBND |
Quảng Ninh, ngày 15 tháng 12 năm 2017 |
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH CHI TIẾT THỦY LỢI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050;
Căn cứ Quyết định số 4206/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4358/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Văn bản số 2191/TCTL-QLNN ngày 14/12/2016 của Tổng cục Thủy lợi về việc tham gia ý kiến góp ý Quy hoạch chi tiết Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Ý kiến tham gia của các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức;
Căn cứ Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND ngày 27/10/2017 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2008/TTr-KHĐT ngày 28/7/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính sau:
Quy hoạch chi tiết Thủy lợi là một trong những mục tiêu nhằm phục vụ Tái cơ cấu lĩnh vực Thủy lợi là một hợp phần của Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phù hợp với Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi và Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Từng bước đưa quan điểm “nước là hàng hóa quan trọng” vào cuộc sống. Trước mắt, chuyển dần dịch vụ tưới, tiêu cho nông nghiệp sang cấp nước, tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thủy sản, nông trại, trang trại theo hướng sát với thị trường; Chủ quản lý công trình, được chủ động khai thác đa mục tiêu hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo nguồn thu để giảm dần sự bao cấp của ngân sách.
Đầu tư phát triển thủy lợi để hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, phòng chống thiên tai, nhưng cũng phải coi trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, các giải pháp phi công trình, các giải pháp thân thiện với môi trường. Đảm bảo nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng các thành quả khoa học công nghệ tiên tiến đồng thời phát huy những kinh nghiệm truyền thống vào công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi do bão lũ, hạn hán có thể xảy ra; tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Xác định những thách thức với hệ thống công trình thủy lợi do biến đổi khí hậu, với tầm nhìn dài hạn để đề xuất các giải pháp, bước đi phù hợp.
Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế vào đầu tư, quản lý khai thác công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn; Phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia của người dân; nâng cao năng lực quản lý dựa vào cộng đồng.
1. Mục tiêu tổng quát
- Đảm bảo sự phát triển bền vững sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn Tỉnh, đáp ứng nhu cầu cấp nước, thoát nước cho phát triển nông nghiệp, kết hợp phát triển các ngành kinh tế xã hội; phòng chống lũ cho các khu dân cư, các khu canh tác nông nghiệp giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu.
- Phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố an ninh chính trị xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.
- Làm cơ sở cho công tác xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thủy lợi hàng năm và trung hạn trên địa bàn Tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
2. Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu đến năm 2020: Phấn đấu đến năm 2020 có 85% diện tích gieo trồng được tưới và tiêu nước chủ động; xây dựng hệ thống kè bảo vệ bờ sông biên giới, kênh mương hóa nội đồng và thực hiện kiên cố hóa kênh mương, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành kiên cố hóa kênh mương nội đồng; có 98-100% hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
- Mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu đến năm 2030 có 100% diện tích gieo trồng được tưới và tiêu nước chủ động; xây dựng thêm một số hồ đập quy mô lớn và cải tạo, nâng cấp một số hồ chứa, đập dâng để tăng khả năng giữ, cấp nước tưới cho cây trồng; cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt... nâng cấp đê biển, đê sông cho toàn tỉnh; tăng khả năng chống bão của hệ thống đê biển lên cấp 10-11 và đê sông chống lũ tần suất 10%.
III. QUY HOẠCH CHI TIẾT THỦY LỢI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
1. Công trình cấp nước tưới: Quy hoạch đề xuất đến năm 2030 tu sửa nâng cấp 215 công trình (bao gồm: 82 hồ chứa, 104 đập dâng, 29 trạm bơm) và xây dựng mới 28 công trình (bao gồm: 21 hồ chứa và 07 đập dâng), kiên cố 766 km kênh các loại đảm bảo tưới được 19.198 ha lúa đông xuân, 25.247 ha lúa mùa, 8.683 ha màu đông xuân, 6.266 ha màu mùa, 1.260 ha màu đông và tạo nguồn tưới 357 ha cây ăn quả, 4.113 ha nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, đánh giá bồi lắng một số hồ chứa có tốc độ bồi lắng lớn để nạo vét đảm bảo khả năng cấp nước của các hồ, đặc biệt là các hồ chứa khu vực thị xã Đông Triều.
2. Công trình cấp nước sinh hoạt đô thị và công nghiệp: Dự kiến đến năm 2030 khai thác thêm nguồn nước cấp cho đô thị và công nghiệp từ 12 công trình hồ chứa cấp 416.000 m3/ngày.đêm, cùng với các nguồn nước từ các công trình cấp nước hiện có được đề xuất nâng cấp, tăng công suất đảm bảo cấp nước lên 1.100.650 m3/ngày.đêm. Tương lai sau năm 2030 để cung cấp đủ nước cho KCN - đô thị Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên) và các khu vực phụ cận, đề xuất nghiên cứu phương án lấy nước từ sông Thái Bình tại Phả Lại với nhu cầu dự báo 70.000 m3/ngày.đêm.
3. Công trình tiêu úng: Quy hoạch đề xuất cải tạo, tu sửa nâng cấp 12 công trình trạm bơm tiêu úng cho 5.105 ha; cùng với tiêu tự chảy bằng các cống tiêu đảm bảo tiêu bằng công trình cho 72.319 ha. Đề xuất xây dựng mới 10 trạm bơm tiêu cho 12.558 ha các vùng úng trũng cục bộ và các khu đô thị, công nghiệp.
4. Công trình đê điều phòng chống lũ
- Quy hoạch đề xuất cải tạo nâng cấp 5 tuyến đê biển với tổng chiều dài 22,592 km chưa thực hiện theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
- Nâng cấp 03 tuyến đê sông thực hiện theo Chương trình Nâng cấp đê sông của Chính phủ (Theo Quyết định số 2968/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình Nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020) với tổng chiều dài 21.373 km, bao gồm: Nâng cấp các tuyến đê thuộc các xã Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hồng Phong thị xã Đông Triều.
- Cải tạo nâng cấp 22 tuyến đê địa phương với tổng chiều dài 88,620 km.
- Xây dựng mới 04 tuyến đê tại thị xã Quảng Yên và huyện Đầm Hà với tổng chiều dài 47,763 km.
- Cải tạo nâng cấp 27 cống tiêu dưới đê, xây mới 02 cống tiêu: cống tiêu dưới đê Hà An (thị xã Quảng Yên) và cống tiêu dưới đê Hang Son (thành phố Uông Bí để tiêu nước cho khu Cửa Đền và Láng Cà).
- Nạo vét 9 sông trục tiêu với tổng chiều dài 47,06 km.
- Nâng cấp 11 tuyến đê từ cấp IV lên cấp III, bao gồm 3 tuyến đê sông dài 13,462 km (khu vực thị xã Đông Triều), 4 tuyến đê cửa sông dài 27,657 km (thành phố Uông Bí), 4 tuyến đê biển dài 31,875 km (thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, thị xã Quảng Yên).
- Xây dựng 28 tuyến kè bảo vệ các khu vực sông biên giới và khu dân cư với tổng chiều dài 49,58 km.
IV. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
- Dự án đầu tư xây dựng mới 13 hồ chứa: Hồ Khe Mười (Ba Chẽ); hồ Đồng Dọng (Vân Đồn); hồ Khe Giữa (Cẩm Phả); hồ Nà Mo (Bình Liêu); hồ Tài Chi (Hải Hà); hồ 12 khe, hồ Đá Cổng (Uông Bí); hồ Đầm Ván, hồ Khe Xoan (Móng Cái); hồ Bình Sơn (Tiên Yên); hồ Khe Lừa, hồ Khe Hương, hồ Khe Tâm (Ba Chẽ).
- Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, sửa chữa 31 hồ chứa: Hồ Khe Chè, hồ Đồng Đò 1, hồ Rộc Chày, hồ Đá Trắng (Đông Triều); hồ Rộc Cùng (Hoành Bồ); hồ Sau Làng (Hạ Long); hồ Khe Táu (Tiên Yên); hồ Chúc Bài Sơn (Hải Hà); hồ Quất Đông (Móng Cái); hồ Cao Vân (Cẩm Phả); hồ Tràng Vinh, hồ Dân Tiến (Móng Cái); hồ Tân Bình (Đầm Hà); Khe Lởi, hồ Khe Cá (Hạ Long); hồ Yên Lập (Quảng Yên); hồ C4, hồ Vàn Chảy, hồ Ông Lý, hồ Ông Mẫn (huyện Cô Tô); hồ Đầm Tròn, hồ Tống Hôn, hồ Chương Sam, hồ Ngọc Thủy, hồ Cẩu Lẩu (Vân Đồn); hồ số 1, hồ số 2 và hồ số 3 (đảo Trần - huyện Cô Tô); hồ Tân Lập (Uông Bí); hồ Đá Lạn (Tiên Yên); hồ Đầm Đá (Cẩm Phả).
- Dự án đầu tư xây dựng công trình phòng chống lũ: Đầu tư các dự án cải tạo nâng cấp đê sông, đê biển.
+ Đê sông: Đê Bình Dương, đê Nguyễn Huệ, đê Hồng Phong (Đông Triều).
+ Đê biển: Đê Hà Nam (Quảng Yên), đê Quan Lạn (Vân Đồn), đê Quảng Thành (Hải Hà), đê Thôn 2 mới (Móng Cái), đê Yên Giang (Quảng Yên), đê Đồng Rui (Tiên Yên), đê Tân Bình (Đầm Hà).
(Có Phụ biểu kèm theo)
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về cơ chế chính sách.
- Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách đã được Tỉnh ban hành, xem xét điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế cho phù hợp với tình hình đầu tư, thu hút và quản lý vốn hiệu quả.
- Chính sách đầu tư: Cho xây dựng, nâng cấp công trình bằng các nguồn vốn trong, ngoài nước và sự đóng góp của nhân dân trong vùng hưởng lợi.
- Chính sách ưu tiên cộng đồng: Gắn công tác thủy lợi với các chính sách xã hội có liên quan trong việc giải quyết nước tưới, nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, hạn chế nạn phá rừng.
- Chính sách xã hội hóa về thủy lợi: Để khuyến khích sự tham gia của người dùng nước từ khâu quy hoạch, xây dựng và quản lý để nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng.
- Các văn bản về xử phạt hành chính: Quy định việc thưởng, phạt khi có hành vi xâm hại và phá hoại công trình, gây ô nhiễm nguồn nước, lãng phí nước nhằm nâng cao trách nhiệm của người quản lý và hưởng lợi.
2. Giải pháp về tổ chức quản lý khai thác hiệu quả công trình thủy lợi.
Củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý thủy lợi từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, các xã phường thị trấn. Nâng cao hiệu quả quản lý các hệ thống thủy lợi ở Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi, các Trung tâm và các tổ chức hợp tác dùng nước, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi.
3. Giải pháp về quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi theo quy hoạch.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đảm bảo đúng các quy định về đầu tư xây dựng của Nhà nước, đúng quy hoạch, kế hoạch. Thống nhất quản lý từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý khai thác đối với tất cả các công trình thủy lợi được xây dựng bằng bất cứ nguồn vốn nào.
4. Giải pháp về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi.
- Ứng dụng công nghệ mới, các phần mềm tin học vào tính toán thủy văn, thủy lực, cân bằng nước, điều tiết nước, ổn định, kết cấu, lập bản vẽ, quản lý dữ liệu, tài liệu, bản đồ... trong khâu quy hoạch, khảo sát thiết kế và quản lý khai thác. Sử dụng trang thiết bị và công nghệ mới, hiện đại, vật liệu mới trong thi công xây dựng.
- Bổ sung mạng lưới quan trắc, đo đạc, dự báo, ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hệ thống, chỉ huy phòng tránh thiên tai phù hợp với các cấp các ngành.
5. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng, quản lý và vận hành khai thác công trình.
Có kế hoạch đào tạo hàng năm để nâng cao trình độ chuyên môn cho các lực lượng tham gia công tác quản lý, nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và khai thác công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến huyện, xã, hợp tác xã, chú trọng đến công tác tổ chức và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ thủy lợi cơ sở để làm tốt công tác thủy lợi nội đồng; Đào tạo nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác công trình thủy lợi và phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai gây ra.
6. Giải pháp về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.
Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất đối với tất cả các khâu trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và khai thác công trình thủy lợi để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý.
7. Công tác tuyên truyền và sự tham gia của cộng đồng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tất cả những người tham gia công tác thủy lợi và mọi người dân về các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thủy lợi, những hiệu quả, tác động của công tác thủy lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, những giải pháp công trình và phi công trình đã đề cập trong Quy hoạch thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như hội họp, đào tạo, truyền hình, truyền thanh, báo chí...
Từng bước tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong công tác thủy lợi theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chú trọng phát huy nội lực và sức mạnh của toàn xã hội, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Thực hiện dân chủ, công bằng xã hội trong hưởng lợi từ công trình thủy lợi.
8. Giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư.
8.1. Dự kiến nhu cầu nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch.
Tổng nhu cầu khoảng 9.129 tỷ đồng, trong đó:
- Công trình cấp nước: 4.574 tỷ đồng;
- Công trình tiêu úng: 629 tỷ đồng;
- Công trình đê điều, phòng chống lũ: 3.926 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư theo giai đoạn:
- Giai đoạn 2017 - 2020: 2.807 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021 - 2025: 3.220 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2026 - 2030: 3.102 tỷ đồng.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư:
- Vốn ngân sách Trung ương và vốn nước ngoài: 2.588 tỷ đồng;
- Vốn ngân sách tỉnh: 2.169 tỷ đồng;
- Vốn ngân sách huyện, thị xã, thành phố: 3.202 tỷ đồng;
- Vốn Doanh nghiệp: 1.170 tỷ đồng.
(Có Phụ biểu kèm theo)
8.2. Các giải pháp chủ yếu huy động nguồn vốn thực hiện quy hoạch.
Thu hút mọi nguồn vốn để thực hiện quy hoạch, bao gồm vốn đầu tư trong nước (ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, của nhân dân...); vốn nước ngoài (ODA, các tổ chức phi Chính phủ...)
- Về nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn nước ngoài: Chủ động tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu Chương trình Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; sửa chữa, nâng cao an toàn đập; vốn TPCP; vốn vay...
- Về nguồn vốn ngân sách Tỉnh: Cân đối từ nguồn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; vốn tín dụng hỗ trợ đầu tư...; Thực hiện đầu tư theo phân cấp nhiệm vụ chi quy định của từng giai đoạn.
- Về nguồn vốn ngân sách huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, nâng cấp công trình; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác do cấp huyện quản lý phù hợp với khả năng cân đối của địa phương.
- Vốn doanh nghiệp: Lựa chọn các công trình để kêu gọi đầu tư và có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đầu tư.
Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch để các tổ chức, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, để căn cứ triển khai thực hiện theo quan điểm, mục tiêu quy hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch; theo dõi tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch hàng năm; tham mưu điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả quy hoạch.
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm lĩnh vực thủy lợi; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, dự án ưu tiên; tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hàng năm, 5 năm và các chương trình dự án ưu tiên theo quy hoạch phê duyệt.
- Phối hợp với các Sở, Ngành và địa phương xúc tiến đầu tư để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm hoặc kêu gọi các nhà đầu tư để sớm triển khai các chương trình, dự án trọng điểm.
- Trong quá trình thực hiện Quy hoạch nếu phát sinh công trình có tính cấp bách đảm bảo an toàn, an sinh cần báo cáo kịp thời UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch được duyệt.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi.
- Phối hợp với các Sở, ngành và địa phương xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi.
3. Sở Tài chính.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi.
4. Các Sở, ngành liên quan khác.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh những cơ chế, chính sách, nội dung, giải quyết các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực của Sở, Ngành mình quản lý để thực hiện quy hoạch có hiệu quả.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch.
- Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, nâng cấp công trình theo quy hoạch; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác do cấp huyện quản lý phù hợp với khả năng cân đối của địa phương.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan xúc tiến đầu tư để triển khai các chương trình, dự án trọng điểm hoặc kêu gọi các nhà đầu tư để sớm triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông (Bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.