ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4802/QĐ-UBND |
Thanh Hóa, ngày 03 tháng 12 năm 2018 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 17/62015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tài liệu rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn đến năm 2020, quy hoạch giai đoạn 2021 - 2020, tầm nhìn đến năm 2040;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;
Căn cứ Quyết định số 225/QĐ-TCDL ngày 08/5/2012 của Tổng cục Du lịch ban hành Quy định về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch và kế hoạch triển khai thực hiện;
Căn cứ Quyết định số 1554/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị Quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 05/9/2018 về việc Công nhận khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 3526/TTr- SVHTTDL ngày 20/11/2018 về việc phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 với những nội dung chính sau:
1. Tên Đề án: Xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
2. Cơ quan chỉ đạo thực hiện: UBND tỉnh Thanh Hóa.
3. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Đơn vị phối hợp thực hiện: Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
5. Phạm vi thực hiện: Các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
1. Quan điểm, mục tiêu
1.1. Quan điểm
- Đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch phù hợp với các tiêu chuẩn đã được Tổng cục Du lịch quy định; phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phát triển du lịch; các quy hoạch và đề án có liên quan. Đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của từng khu, điểm du lịch và điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực.
- Thiết kế nhà vệ sinh tiện ích, hiện đại, có tính thẩm mỹ cao, tạo sự thoải mái, tiện lợi khi sử dụng; phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và mỗi địa phương.
1.2. Mục tiêu
- Đến năm 2020, toàn bộ các khu du lịch trọng điểm có ít nhất một nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Đến năm 2025, cơ bản các khu, điểm du lịch trọng điểm, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh trở lên có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- 100% các nhà vệ sinh có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải và thu gom chất rắn đạt tiêu chuẩn.
2. Nội dung cụ thể
2.1. Tiêu chí thiết kế nhà vệ sinh đạt chuẩn
Nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 được thiết kế đáp ứng được các tiêu chí về nhà vệ sinh công cộng theo
Quyết định 225/QĐ-TCDL ngày 08/5/2012 của Tổng cục Du lịch và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan; cụ thể:
2.1.1. Yêu cầu chung
- Nhà vệ sinh được bố trí tại vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; có hướng bố trí phù hợp với cảnh quan khu vực xung quanh, đảm bảo tính thẩm mỹ; có quy mô nhà căn cứ theo quỹ đất; có hình thức kiến trúc phù hợp với từng loại hình du lịch, văn hóa, thuần phong, mỹ tục truyền thống tại khu vực đầu tư xây dựng.
- Các nhà vệ sinh được thiết kế phân khu chức năng rõ ràng giữa nam và nữ, có không gian đủ rộng để đảm bảo sử dụng thuận tiện. Ở những nơi có điều kiện, mỗi khu vệ sinh cần bố trí ít nhất một phòng vệ sinh cho người tàn tật. Có công năng sử dụng hợp lý, trang thiết bị vệ sinh hiện đại, đầy đủ theo yêu cầu, ưu tiên các loại thiết bị tự động và tiết kiệm nước, phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng (nam, nữ, người khuyết tật).
- Thiết kế đảm bảo số lượng phòng vệ sinh, quy mô bể xử lý đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại các khu, điểm du lịch. Phòng vệ sinh được thiết kế có chốt cài bên trong, đảm bảo sự riêng tư. Khu vực rửa tay bố trí các trang thiết bị dành cho việc lau, rửa tay, sấy khô. Đáp ứng điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh theo quy định. Vật liệu sử dụng phù hợp với từng khu vực.
- Có biển báo nhà vệ sinh công cộng rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, được lắp đặt tại nơi dễ quan sát.
2.1.2. Yêu cầu kỹ thuật
- Nhà vệ sinh có chiều cao thông thủy tối thiểu 3,0m; tường được ốp gạch men cao tối thiểu 2,0m; sàn lát bằng vật liệu chống trơn trượt; có hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thông gió tốt.
- Diện tích tối thiểu cho một lượt sử dụng nhà vệ sinh cho một người bình thường tối thiểu 2,5m2.
2.1.3. Yêu cầu về công tác phục vụ
- Đảm bảo cung cấp nước 24/24h trong ngày, khuyến khích cung cấp nước nóng vào mùa đông cho khu vực rửa tay, rửa mặt.
- Có nhân viên phục vụ để vận hành nhà vệ sinh, lau dọn, cung cấp các đồ dùng hết hoặc thiếu, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị.
- Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ ở tất cả các khu vực, không có mùi hôi; sàn nhà luôn được giữ khô ráo, không có nước ứ động; chất thải được thu gom, xử lý thường xuyên theo quy định.
2.2. Nguyên tắc lựa chọn xây dựng nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch
- Ưu tiên bố trí nhà vệ sinh cho các khu du lịch trọng điểm, các khu vực có lượng du khách lớn, các di tích tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận di sản thế giới, cấp quốc gia đặc biệt, quốc gia, khu vực trung tâm các thành phố lớn như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn.
- Ưu tiên bố trí tại các khu vực chưa có nhà đầu tư hoặc khó thu hút nhà đầu tư. Đối với các khu du lịch đã có nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn đảm bảo theo quy định.
- Phù hợp với điều kiện địa hình, vị trí và quy hoạch sử dụng đất của từng khu, điểm du lịch.
2.3. Phương án Quy hoạch nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch
Tổng số nhà vệ sinh đạt chuẩn đến năm 2020 là 122 nhà (trong đó xây dựng mới giai đoạn 2018 – 2020 là 57 nhà vệ sinh); đến năm 2025 là 181 (trong đó xây dựng mới giai đoạn 2021 – 2025 là 59 nhà vệ sinh), cụ thể:
2.3.1. Tại các khu, điểm du lịch trọng điểm
- Đến năm 2020: Có 73 nhà vệ sinh, trong đó 47 nhà vệ sinh hiện trạng giữ lại, 26 nhà vệ sinh đầu tư xây mới.
- Đến năm 2025: Có 108 nhà vệ sinh, trong đó có 47 nhà vệ sinh hiện trạng giữ lại, 26 nhà vệ sinh đầu tư xây dựng giai đoạn 2018-2020 và 35 nhà vệ sinh đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.
2.3.2. Tại các địa bàn khác (di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh)
- Đến năm 2020: Có 49 nhà vệ sinh, trong đó 18 nhà vệ sinh được giữ lại nguyên trạng, 31 nhà vệ sinh đầu tư xây mới.
- Đến năm 2025: Có 73 nhà vệ sinh, trong đó có 18 nhà vệ sinh được giữ lại nguyên trạng, 31 nhà vệ sinh đầu tư xây dựng giai đoạn 2018 - 2020 và 24 nhà vệ sinh đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.
(Chi tiết tại Phụ lục 01, 02).
2.4. Xác định hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đi kèm
2.4.1 Hệ thống cấp điện
- Tổng nhu cầu phụ tải điện cho các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đến năm 2020 là 135KVA, đến năm 2025 là 235KVA.
- Nguồn điện cung cấp cho các thiết bị nhà vệ sinh đạt chuẩn là nguồn điện lưới 0,4KV, được lấy từ nguồn điện đang sử dụng cho các khu, điểm du lịch.
2.4.2. Hệ thống cấp nước
- Tổng nhu cầu cấp nước cho các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020 là 103,5m3/ngày đêm, đến năm 2025 dự kiến là 180,5m3/ngày đêm.
- Nguồn cấp nước:
Các khu, điểm du lịch sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước: Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, khu du lịch Lam Kinh, khu du lịch thành Nhà Hồ, khu du lịch sinh thái Bến En, khu du lịch Hải Hòa - Nghi Sơn - Đảo Mê, khu du lịch Hải Tiến, khu du lịch ven biển Quảng Xương, khu du lịch Sầm Sơn, trung tâm thành phố Thanh Hóa.
Các khu, điểm du lịch sử dụng nguồn giếng khoan hoặc nguồn nước thiên nhiên tại chỗ: Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, khu du lịch Pù Luông, khu du lịch Pù Hu, khu du lịch Cửa Đặt - Xuân Liên, khu du lịch thác Ma Hao, khu du lịch động Bo Cúng, khu du lịch Am Tiên, khu du lịch thác Mây, khu du lịch thác Voi, khu du lịch hang Con Moong, khu du lịch thác Muốn; các điểm du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các huyện, thị xã, thành phố.
2.4.3. Hệ thống thoát nước thải
Tại mỗi nhà vệ sinh có xây dựng bể tự hoại để lắng lọc sơ bộ nước thải trước khi thoát vào hệ thống thoát nước chung hoặc xả ra môi trường. Công tác thu gom và xử lý nước thải cho các nhà vệ sinh đạt chuẩn như sau:
- Thu gom vào hệ thống thoát nước chung và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường đối với: Khu du lịch Sầm Sơn, trung tâm thành phố Thanh Hóa, Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, Khu du lịch Lam Kinh, Khu du lịch thành Nhà Hồ, Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, Khu du lịch sinh thái Bến En, Khu du lịch Nghi Sơn – Tĩnh Gia, Khu du lịch Hải Tiến, Khu du lịch biển Hải Hòa, Khu du lịch ven biển Quảng Xương.
- Xử lý lắng lọc bằng bể tự hoại cải tiến sau đó thải ra môi trường đối với các khu, điểm du lịch còn lại.
Đến năm 2025, khuyến khích các khu, điểm du lịch đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ hoặc kết hợp với các cơ sở sản xuất, hộ dân cư lân cận đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, đảm bảo nước thải thu gom từ hệ thống nhà vệ sinh được xử lý đảm bảo theo quy định trước khi thải ra môi trường.
2.4.4. Thu gom chất thải rắn
Tại mỗi nhà vệ sinh được bố trí thùng đựng thu gom rác thải của du khách và vận chuyển vào cuối ngày về điểm tập kết rác thải của mỗi khu, điểm du lịch trước khi được chuyển về khu xử lý chung của khu vực. Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tuân thủ theo Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 09/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan.
2.5. Thiết kế mẫu nhà vệ sinh
Đề án xây dựng 05 phương án kiến trúc mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn dự kiến áp dụng trên địa bàn tỉnh; trong đó, quy định cụ thể về hình thức, phương án kiến trúc và quy mô đầu tư xây dựng từng loại mẫu.
(Chi tiết tại Phụ lục 03).
3. Giải pháp thực hiện
3.1. Giải pháp về quy hoạch, đầu tư
- Bố trí quỹ đất để xây dựng nhà vệ sinh được quy hoạch mới theo Đề án ược duyệt; thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất cho phù hợp đối với các khu vực đã có quy hoạch hoặc đã đầu tư xây dựng.
- Tiến hành rà soát, bổ sung hạng mục công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn tương ứng với quy mô phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch đang triển khai đầu tư ; việc cải tạo, đầu tư mới phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, thiết kế…mà Đề án đã đề ra.
3.2. Giải pháp về nguồn vốn
- Ưu tiên lồng ghép, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và huy động từ nhiều nguồn hợp pháp khác nhau để xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Khuyến khích, vận động, yêu cầu các nhà quản lý, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã được giao, chấp thuận đầu tư các khu, điểm du lịch có trách nhiệm bố trí kinh phí xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
3.3. Giải pháp về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa
- Xây dựng, ban hành, công khai cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch.
- Công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển, mở rộng khu, điểm du lịch và danh mục các công trình, dự án khuyến khích, kêu gọi đầu tư.
- Tạo điều kiện bố trí quỹ đất đối với dự án đầu tư nhà vệ sinh kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ như bán đồ lưu niệm, ngân hàng, quảng cáo...
3.4. Giải pháp về quản lý và sử dụng, vận hành
- Xây dựng và ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư có phương án vận hành, khai thác hiệu quả các công trình vệ sinh đạt chuẩn.
- Các cơ quan có chức năng tăng cường giám sát, đôn đốc việc xây mới, nâng cấp cải tạo vận hành và sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.5. Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ
- Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc thiết kế và thi công hệ thống các công trình vệ sinh.
- Sử dụng các thiết bị tự động hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, công nghệ xử lý nước thải, rác thải đồng bộ, hiện đại.
3.6. Giải pháp tuyên truyền, vận động
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của nhà nước, của tỉnh tới chính quyền địa phương, Ban quản lý các khu, điểm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhân dân về sự cần thiết đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn và việc bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch.
- Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì các nhà vệ sinh đạt chuẩn.
1. Tổng dự toán kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 42.900 triệu đồng; trong đó:
- Vốn ngân sách cấp tỉnh (Từ nguồn Chương trình phát triển du lịch và vốn sự nghiệp môi trường hàng năm) : 26.700 triệu đồng.
- Vốn khác (Nguồn vốn ngân sách huyện, xã kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa): 16.200 triệu đồng.
2. Phân kỳ đầu tư
- Giai đoạn 2018 - 2020: Tổng mức đầu tư là 20.100 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 14.100 triệu đồng; vốn khác 6.000 triệu đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Tổng mức đầu tư 22.800 triệu đồng; trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 12.600 triệu đồng; vốn khác 10.200 triệu đồng.
(Chi tiết tại Phụ lục 01)
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án; định kỳ kiểm tra, đôn đốc, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện theo quy định.
- Hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành và theo mẫu thiết kế tại Đề án đã được phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan lập thiết kế kỹ thuật các mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để các địa phương và đơn vị có liên quan áp dụng, thực hiện.
- Hàng năm, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ các địa phương, đơn vị xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách theo nội dung phê duyệt tại Đề án.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh khi chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư các khu, điểm du lịch phải yêu cầu nhà đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định.
3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thiết kế kỹ thuật các mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và hỗ trợ đầu tư xây mới nhà vệ sinh đạt chuẩn theo mục tiêu của Đề án đề ra và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về giá dịch vụ sử dụng nhà vệ sinh (nếu có).
4. Sở Xây dựng
- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung hạng mục công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch vào các quy hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thiết kế kỹ thuật các mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư các nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định.
5. Sở Y tế: Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn, thẩm định thiết kế mẫu nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt Quy chế Phối hợp bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành tại Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của UBND tỉnh.
- Tham mưu UBND tỉnh lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; đồng thời hướng dẫn chủ dự án xây dựng các công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Có trách nhiệm xác định vị trí, dành quỹ đất đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn theo nội dung tại Đề án; đồng thời, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đảm bảo các tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch di theo Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 05/9/2018 của UBND tỉnh về việc Công nhận khu du lịch cấp tỉnh và điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn quản lý.
- Thỏa thuận vị trí và kiến trúc với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa đối với các nhà vệ sinh xây dựng tại các khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.
- Xây dựng quy chế, phương án quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn hiệu quả; bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho việc vận hành, sử dụng, bảo trì công trình nhà vệ sinh trên địa bàn do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.
8. Ban quản lý khu, điểm du lịch, ban quản lý di tích, chủ thể quản lý di tích: Có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị, phương tiện đảm bảo vận hành, sử dụng nhà vệ sinh đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư hiệu quả.
9. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý các khu, điểm du lịch
- Dành quỹ đất xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn trong việc lập quy hoạch và dự án đầu tư.
- Xây dựng quy chế, phương án quản lý, vận hành và sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn hiệu quả; bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho việc vận hành, sử dụng, bảo trì công trình nhà vệ sinh trên địa bàn do mình làm chủ đầu tư.
- Thỏa thuận vị trí và kiến trúc với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa đối với các nhà vệ sinh xây dựng tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng do mình làm chủ đầu tư.
Điều 2. Căn cứ nội dung phê duyệt tại Điều 1 Quyết định này, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện và phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế số Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 25/01/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.