ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 47/2017/QĐ-UBND |
Hải Phòng, ngày 29 tháng 12 năm 2017 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản số 86/TTr-SXD ngày 23/12/2015, Văn bản số 4235/TTr-SXD ngày 13/12/2017 và Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 72/BCTĐ-STP ngày 16/12/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định, thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 47/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban
nhân dân thành phố)
Quy định này quy định về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các khu vực đô thị, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (sau đây gọi tắt là khu công nghiệp), khu dân cư nông thôn tập trung trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Quy định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thoát nước đô thị, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ngoài việc áp dụng các quy định trong văn bản này, còn phải áp dụng các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo Điều 2 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/2014/NĐ-CP); Ngoài ra, một số từ ngữ, khái niệm khác được hiểu như sau:
1. Giếng kiểm tra là một thành phần của hệ thống thoát nước, xây dựng ở cuối hệ thống mạng lưới thoát nước của hộ gia đình hoặc cơ quan, tổ chức trước khi đổ vào hệ thống cống chung của thành phố đặt ở trong chỉ giới xây dựng.
2. Xử lý nước thải phi tập trung là một trong các giải pháp xử lý nước thải cho các khu vực chưa được kết nối hoặc điều kiện thực tế không cho phép kết nối với hệ thống xử lý tập trung. Nước thải sau khi xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.
Điều 4. Thành phần, chức năng, phân loại và lựa chọn hệ thống thoát nước
1. Hệ thống thoát nước đô thị bao gồm: Hệ thống thoát nước thải và hệ thống thoát nước mưa.
2. Hệ thống thoát nước đô thị phải có đầy đủ các bộ phận hay công trình, thiết bị phù hợp sau đây:
a) Mạng lưới đường ống, cống hay kênh mương thu gom, dẫn và vận chuyển nước mưa.
b) Mạng lưới đường ống, cống hay kênh mương thu gom, dẫn và vận chuyển nước thải.
c) Giếng kiểm tra, giếng thăm, cửa thu nước lề đường, cửa tràn tách nước.
d) Trạm bơm nước thải, nước mưa; cống liên quan đến trạm bơm.
e) Hồ điều hoà và kênh mương.
f) Cửa xả nước mưa hoặc nước thải đã xử lý vào môi trường.
g) Nhà máy xử lý nước thải, phòng thí nghiệm.
h) Công trình xử lý bùn cặn.
i) Cánh phai ngăn triều.
3. Hệ thống thoát nước đô thị phải đảm bảo các chức năng:
a) Thu gom nước mưa trên toàn diện tích đô thị.
b) Thu gom nước thải từ nơi phát sinh.
c) Dẫn, chuyển tải nước thải đến các công trình xử lý, khử trùng.
d) Xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả nước thải ra nguồn tiếp nhận.
e) Xử lý, tái sử dụng cặn, các chất chứa trong nước thải và cặn.
f) Đảm bảo thoát nước một cách nhanh chóng tất cả các loại nước thải, nước mưa khỏi phạm vi đô thị, khu dân cư để tránh ngập úng.
4. Phân loại hệ thống thoát nước đô thị:
Hệ thống thoát nước được chia làm hệ thống thoát nước chung, hệ thống thoát nước riêng và hệ thống thoát nước nửa riêng theo quy định tại khoản 10, Điều 2 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
5. Lựa chọn loại hệ thống thoát nước
Lựa chọn hệ thống thoát nước đô thị (chung, riêng, nửa riêng) phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường cụ thể của từng địa bàn, đảm bảo các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và môi trường:
a) Đối với các khu quy hoạch và xây dựng mới, khu công nghiệp và khu kinh tế bắt buộc đầu tư hệ thống thoát nước riêng.
b) Đối với các khu vực cũ đã được đầu tư hệ thống thoát nước chung nhưng chưa hoàn chỉnh, khi tiến hành nâng cấp thì ưu tiên lựa chọn hệ thống thoát nước nửa riêng.
c) Đối với các khu vực còn lại thì tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương tổ chức lựa chọn loại hệ thống thoát nước phù hợp.
Điều 5. Chủ sở hữu hệ thống thoát nước
Ủy ban nhân dân thành phố là chủ sở hữu các công trình thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và phân cấp như sau:
1. Phân cấp cho Sở Xây dựng là chủ sở hữu hệ thống thoát nước đô thị khu vực các quận trên địa bàn thành phố và các khu đô thị trên địa bàn các huyện theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện là chủ sở hữu hệ thống thoát nước trên địa bàn các huyện trên địa bàn thành phố trừ các hệ thống thoát nước được quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 6. Quy định về đấu nối và miễn trừ đấu nối hệ thống thoát nước
1. Tất cả các hộ thoát nước nằm trong phạm vi có mạng lưới đường ống, cống thu gom nước mưa, nước thải hoặc tại những khu vực đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thoát nước là đối tượng bắt buộc phải đấu nối vào hệ thống thoát nước trừ những trường hợp được quy định về miễn trừ đấu nối. Các trường hợp được miễn trừ đấu nối thực hiện theo Khoản 2 Điều 35 - Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
2. Trường hợp hệ thống thoát nước của khu dân cư nông thôn tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp và khu công nghiệp đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị thì được coi như một hộ sử dụng dịch vụ thoát nước đô thị và phải tuân theo các quy định đấu nối của hệ thống thoát nước đô thị.
3. Các hộ thoát nước (trừ hộ thoát nước gia đình) chỉ được phép thực hiện đấu nối vào hệ thống thoát nước sau khi đã có văn bản thỏa thuận đấu nối vào hệ thống thoát nước với đơn vị thoát nước. Sau khi đơn vị thoát nước có văn bản thỏa thuận đấu nối theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP , hộ thoát nước ký kết hợp đồng dịch vụ thoát nước với đơn vị thoát nước theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và Phụ lục 2 của Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Các văn bản thỏa thuận đấu nối và hợp đồng dịch vụ thoát nước phải được gửi về Sở Xây dựng để theo dõi và quản lý.
4. Cao độ của điểm đấu nối phải thấp hơn cao độ các công trình của các hộ thoát nước nhằm đảm bảo nước từ hệ thống thoát nước chung không chảy ngược lại.
5. Vị trí hộp đấu nối được thực hiện theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP , nhằm đảm bảo ổn định, an toàn cho điểm đấu nối; đồng thời thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, bảo trì khi cần thiết, tránh rò rỉ nước thải. Đơn vị thoát nước tổ chức thực hiện thiết kế, xây dựng, sửa chữa hộp đấu nối.
6. Hộ thoát nước tự lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, tự chịu chi phí để tổ chức thi công cải tạo và đấu nối hệ thống thoát nước trong chỉ giới đất được giao quản lý đến điểm đấu nối, hoàn trả nguyên trạng mặt bằng công cộng đã sử dụng, sau khi thi công (nếu có).
7. Các hộ thoát nước đều được cung cấp:
a) Một vị trí đấu nối chung cho cả nước thải và nước mưa nếu thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước chung.
b) Một vị trí đấu nối vào cống thoát nước thải và một vị trí đấu nối vào cống thoát nước mưa nếu thuộc lưu vực của hệ thống thoát nước riêng.
Điều 7. Quy định về điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật về xả nước thải
Về điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật về xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP , Điều 37 và Điều 38 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
Điều 8. Quản lý bùn thải của hệ thống thoát nước, bùn thải từ bể tự hoại các hộ thoát nước
Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quy định sau:
1. Các hộ thoát nước trong quá trình sử dụng bể tự hoại, tùy theo các thông số thiết kế của bể, định kỳ phải làm sạch và hút cặn bể tự hoại.
2. Chi phí thông hút, vận chuyển và xử lý bùn thải bể tự hoại do các chủ hộ gia đình, cơ quan hành chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ chi trả theo hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.
3. Các phương tiện, trang thiết bị thông hút, thu gom và vận chuyển bùn bể tự hoại phải là các phương tiện chuyên dụng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về giao thông.
Điều 9. Quy định về xử lý nước thải tập trung và phi tập trung
1. Nước thải tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp phải được thu gom vào hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung.
2. Quản lý, xử lý nước thải phi tập trung được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và Điều 1 Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03/4/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
QUY HOẠCH, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, VẬN HÀNH, BẢO TRÌ VÀ BẢO VỆ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC
Điều 10. Quy hoạch về chuyên ngành thoát nước
Thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và quy định như sau: Quy hoạch thoát nước là quy hoạch chuyên ngành, việc lập quy hoạch về chuyên ngành thoát nước trên địa bàn thành phố phải phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch thoát nước vùng, thoát nước đô thị, quy hoạch cao độ nền trên địa bàn thành phố.
Điều 11. Quản lý hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố
Thực hiện theo quy định từ Điều 17 đến Điều 26 của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP và các quy định như sau:
1. Đối với các dự án, công trình xây dựng mới hệ thống thoát nước phải đấu nối vào hệ thống thoát nước đô thị:
a) Hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công trước khi thực hiện phải có văn bản thỏa thuận của đơn vị thoát nước về điểm đấu nối vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố. Đơn vị thoát nước phải báo cáo về Sở Xây dựng các điểm đấu nối này.
b) Trước khi thi công, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về đấu nối vào hệ thống thoát nước. Việc thi công điểm đấu nối phải do đơn vị thoát nước thực hiện hoặc do nhà thầu thực hiện dưới sự giám sát của đơn vị thoát nước và các đơn vị có liên quan. Việc thi công đấu nối phải bảo đảm đúng quy định và văn bản thỏa thuận đấu nối thoát nước. Sau khi đấu nối xong phải có biên bản nghiệm thu thi công đấu nối. Sau khi thi công xong hệ thống thoát nước của dự án trên địa bàn các quận, chủ đầu tư phải bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố để Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổ chức quản lý. Đối với địa bàn các huyện, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho chính quyền địa phương hoặc tự tổ chức quản lý.
2. Đối với hệ thống thoát nước đang sử dụng:
a) Định kỳ kiểm tra độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống để lập kế hoạch nạo vét, sửa chữa, bảo trì cống và công trình trên mạng lưới; Kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa mạng lưới thoát nước và các công trình trên mạng lưới; Thực hiện quan trắc chất lượng nước thải trong hệ thống phù hợp với pháp luật về bảo vệ môi trường.
b) Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định.
c) Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực.
3. Quản lý cao độ hệ thống thoát nước.
a) Đơn vị thoát nước có trách nhiệm xác định và lập quy trình quản lý cao độ mực nước các hồ điều hoà, kênh mương thoát nước nhằm bảo đảm tối đa khả năng tiêu thoát, điều hoà nước mưa, chống ngập úng, bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan đô thị.
b) Quản lý cao độ các tuyến cống chính và cống thu gom nước thải, nước mưa.
c) Cung cấp cao độ của hệ thống thoát nước cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu hợp pháp.
d) Các cơ quan; đơn vị được giao quản lý các sông, hồ, kênh, mương, rãnh có liên quan đến việc thoát nước đô thị có trách nhiệm phối hợp với đơn vị thoát nước trong việc đảm bảo yêu cầu về cao độ nhằm thoát nước, chống ngập úng đô thị.
e) Việc điều tiết mực nước của các công trình thoát nước trên địa bàn các huyện nhằm mục đích phục vụ thủy lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
f) Vận hành các công trình thoát nước qua đê (cống qua đê, đường ống, trạm bơm ...) phải tuân theo quy định luật pháp về đê điều và các quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
g) Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến các hệ thống thoát nước thành phố theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải thống nhất với Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân huyện theo địa bàn quản lý tại Điều 5 của Quy định này trong công tác điều tiết mực nước của hệ thống thoát nước thành phố.
4. Quản lý hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa
a) Các cơ quan được phân cấp theo Điều 5 của Quy định này chỉ đạo đơn vị thoát nước được giao vận hành, bảo trì, bảo vệ đối với các tuyến mương, cống, giếng trên địa bàn được giao quản lý.
b) Đơn vị thoát nước được giao vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước có trách nhiệm:
- Kiểm soát các hành vi xả nước thải sinh hoạt và nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các công trình thuộc mạng lưới, đề xuất phương án bổ sung, thay thế, sửa chữa.
- Xây dựng quy trình vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước mưa và tái sử dụng nước mưa.
5. Quản lý, khai thác hồ điều hòa:
a) Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị thoát nước được giao vận hành, bảo trì, bảo vệ đối với các hồ điều hòa nằm trong các khu đô thị, công viên công cộng của thành phố. Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ đối với các hồ điều hòa nằm trên địa bàn huyện.
b) Đơn vị thoát nước được giao vận hành, bảo trì, bảo vệ hồ điều hòa có trách nhiệm:
- Kiểm soát các hành vi xả nước thải sinh hoạt và nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trực tiếp vào hồ điều hòa.
- Kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hồ điều hoà của các hộ thoát nước tuân thủ theo các quy định để đảm bảo chức năng điều hoà nước mưa và môi trường; Duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, đảm bảo tốt nhiệm vụ tiêu thoát nước khi có mưa và các yêu cầu khác.
- Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh bờ kè hồ.
- Xây dựng quy trình vận hành, bảo trì, bảo vệ, sử dụng hồ điều hòa.
c) Các Sở, Ngành chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động liên quan đến hồ điều hòa và mương tiêu thoát nước mưa, phối hợp với đơn vị thoát nước trong việc bảo đảm yêu cầu về cao độ mực nước nhằm thoát nước chống ngập úng đô thị.
6. Bảo trì hệ thống thoát nước thành phố
Đơn vị thoát nước có trách nhiệm: Thực hiện công tác vận hành thường xuyên, cải tạo, sửa chữa, vét bùn hệ thống thoát nước theo các quy định hiện hành của nhà nước và theo hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan được phân cấp theo Điều 5 của Quy định này.
Điều 12. Phạm vi bảo vệ hệ thống thoát nước
Phạm vi bảo vệ các công trình thoát nước trên địa bàn thành phố được xác định bởi mốc giới bảo vệ. Việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa được thực hiện theo Chương II Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng.
Điều 13. Chống phá hoại, lấn chiếm, xả rác, đất đá, phế thải vào hệ thống thoát nước
Đơn vị thoát nước được giao vận hành, bảo trì, bảo vệ các công trình thoát nước thuộc hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, phát hiện và phối hợp với các quận, huyện, chính quyền địa phương, Thanh tra xây dựng, các ngành, các cấp có liên quan, xử lý các hành vi phá hoại, lấn chiếm, xây dựng trái phép, xả rác, đất đá, phế thải vào hệ thống thoát nước.
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG HOẠT ĐỘNG THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ NƯỚC THẢI
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị thoát nước
1. Đơn vị thoát nước có các quyền sau:
a) Ký hợp đồng dịch vụ với hộ thoát nước (trừ các hộ gia đình) và thực hiện mọi hoạt động theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết.
b) Đề nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
c) Đề xuất các quy hoạch; kế hoạch thực hiện quy hoạch; cải tạo, mở rộng và đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải.
d) Từ chối nhận bàn giao công trình thoát nước và xử lý nước thải nếu chất lượng công trình không đảm bảo theo quy định hoặc xây dựng không đúng theo quy hoạch chung về thoát nước.
e) Báo cáo với chủ sở hữu, các cơ quan hữu quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; được bồi thường thiệt hại do các bên liên quan gây ra theo quy định của pháp luật.
f) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị thoát nước có các nghĩa vụ sau:
a) Cung cấp, duy trì ổn định dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải cho các hộ thoát nước đảm bảo về chất lượng và số lượng theo hợp đồng dịch vụ đã ký.
b) Quản lý tài sản, hồ sơ tài sản, thiết lập và lưu trữ cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng; quản lý các hộ thoát nước đấu nối vào hệ thống trong phạm vi mình cung cấp dịch vụ thoát nước.
c) Kiểm tra, đánh giá tình trạng hoạt động của hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, đảm bảo việc thu gom, xử lý và xả nước vào môi trường theo quy định; sửa chữa kịp thời các sự cố, hư hỏng.
d) Bồi thường thiệt hại gây ra cho hộ thoát nước theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
e) Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh có liên quan đến dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, bảo đảm sự hài lòng cao nhất của hộ thoát nước.
f) Bảo vệ an toàn, đảm bảo vận hành tiết kiệm, hiệu quả trong công tác vận hành, bảo trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo quy định.
g) Chỉ định rõ vị trí đấu nối trong trường hợp giải quyết miễn trừ đấu nối hoặc cho phép hai hộ thoát nước hoặc nhiều hơn được đấu nối vào cùng một vị trí đấu nối.
h) Kiểm soát việc xây dựng đúng quy cách đường ống nối từ giếng kiểm tra của hộ thoát nước ra tới hộp đấu nối kể cả chất lượng vật liệu và kỹ thuật thi công công trình.
i) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Hướng dẫn, quản lý và kiểm tra hoạt động thoát nước trên địa bàn đô thị trên địa bàn thành phố; tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước tại đô thị trên địa bàn thành phố.
2. Tổ chức lập, thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng, thoát nước đô thị trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
3. Ký hợp đồng quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước, các nội dung bổ sung, điều chỉnh của hợp đồng quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước trên địa bàn được giao quản lý theo Khoản 1 Điều 5 của Quy định này.
4. Tổ chức lập kế hoạch đầu tư dài hạn, ngắn hạn, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước thành phố.
5. Có trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn kinh phí đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao để thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch trong lĩnh vực thoát nước.
6. Chủ trì, phối hợp xây dựng định mức, đơn giá cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì và bảo vệ hệ thống thoát nước thành phố.
7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn lập, thẩm tra phương án giá dịch vụ thoát nước đối với hệ thống thoát nước được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; Đối với nguồn vốn khác thực hiện theo Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
8. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các nhiệm vụ tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định số: 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/3015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
9. Hướng dẫn thực hiện theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành liên quan đến việc quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thoát nước thành phố.
10. Chỉ đạo các đơn vị thoát nước tổ chức thực hiện các công tác:
a) Tiếp nhận vận hành, bảo trì, bảo vệ các công trình thuộc hệ thống thoát nước thành phố.
b) Tổ chức lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ hệ thống thoát nước thành phố.
c) Tổ chức lập kế hoạch, số lượng, khối lượng, dự toán thu chi hàng năm về vận hành, bảo trì, cải tạo sửa chữa và bảo vệ hệ thống thoát nước thành phố.
11. Quản lý chất lượng xây dựng công trình của các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố theo quy định.
12. Trong công tác quản lý, vận hành, bảo trì, cải tạo, sửa chữa công trình thoát nước do mình quản lý có tác động đến các công trình giao thông (như nền, mặt đường, vỉa hè...) thì phối hợp với Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị có liên quan sửa chữa cải tạo các công trình thoát nước đồng thời hoàn trả hiện trạng nền mặt đường, vỉa hè và các công trình khác của kết cấu công trình giao thông.
13. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở xây dựng thực hiện:
a) Kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đến hệ thống thoát nước của thành phố theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, công an thành phố, thanh tra chuyên ngành về tài nguyên môi trường trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hệ thống thoát nước thành phố.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương liên quan đến thực hiện quản lý nguồn xả thải, kiểm soát ô nhiễm, thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
2. Lập, đề xuất các dự án nghiên cứu, các biện pháp duy trì, bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường của các dự án liên quan đến hệ thống thoát nước thành phố.
3. Chủ trì thực hiện theo Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 44 của Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
4. Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường phối hợp với các ngành, các cấp kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
1. Thẩm định hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; điều tiết mực nước của các công trình thoát nước trên địa bàn các huyện nhằm mục đích phục vụ thủy lợi và tiêu thoát nước thuộc địa bàn quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác chỉ đạo thực hiện các quy định của nhà nước về lĩnh vực bảo vệ đê điều, phòng chống bão lụt nhằm đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước của toàn bộ hệ thống thoát nước thành phố.
3. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về thoát nước nông thôn trên địa bàn thành phố.
Điều 18. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Cân đối nguồn vốn và khả năng bố trí vốn thực hiện các dự án thoát nước trên địa bàn thành phố. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
2. Hàng năm tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch bố trí vốn cho công tác quy hoạch, xây dựng các dự án công hình thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
3. Là đầu mối đăng ký với các Bộ, ngành Trung ương kêu gọi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho đầu tư phát triển thoát nước và xử lý nước thải.
4. Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục các dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu công nghiệp, làng nghề để kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Điều 19. Trách nhiệm của Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định dự toán thu chi dịch vụ công cộng đô thị về thoát nước hàng năm và bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo phương thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định và theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
Điều 20. Trách nhiệm của Công an thành phố
Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về thoát nước theo quy định.
Điều 21. Trách nhiệm của Ban quản lý Khu kinh tế
1. Tổ chức, chỉ đạo lập quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trong các khu công nghiệp thuộc địa bàn quản lý.
2. Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thoát nước và xử lý nước thải do mình quản lý: Lựa chọn đơn vị thoát nước, ký kết và thực hiện hợp đồng với đơn vị được lựa chọn; chỉ đạo đơn vị thoát nước tổ chức lập phương án giá dịch vụ thoát nước, gửi Sở Xây dựng và Sở Tài chính lấy ý kiến theo quy định tại khoản 3, Điều 41 Nghị định số 80/2014/NĐ-CP .
3. Kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch của các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng; xử lý hoặc phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm về môi trường đối với các hộ thoát nước trên địa bàn thuộc quyền quản lý.
4. Chịu trách nhiệm lập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trong các khu công nghiệp.
5. Phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quản lý chất lượng xây dựng công trình của các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét vị trí phù hợp quy hoạch đối với hồ sơ xin cấp Giấy phép xả nước thải của hệ thống thoát nước thải trong khu kinh tế, các khu công nghiệp do mình quản lý theo quy định.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện
1. Ủy ban nhân dân các huyện có trách nhiệm: Tổ chức quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ, khai thác hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn được giao quản lý: lựa chọn đơn vị thoát nước, lập giá dự toán hợp đồng quản lý, vận hành gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ký kết và thực hiện hợp đồng với đơn vị được lựa chọn.
2. Ủy ban nhân dân các quận phối hợp với Sở Xây dựng và đơn vị thoát nước quản lý, bảo vệ các công trình thoát nước đô thị trên địa bàn quận.
3. Phòng có chức năng quản lý xây dựng là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thoát nước trên địa bàn:
a) Cung cấp thông tin về cao độ nền đô thị cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thoát nước.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, giám sát nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng theo quy hoạch và thực hiện các quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải.
c) Phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải; báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp huyện khi phát hiện các hành vi vi phạm về hoạt động thoát nước trên địa bàn để xử lý theo quy định.
4. Giám sát, quan trắc, định kỳ phân tích chất lượng nước thải sau xử lý, phối hợp cùng với Công an thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra chuyên ngành để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý.
5. Tổ chức quản lý việc sử dụng đất xây dựng công trình hệ thống thoát nước trên địa bàn quản lý.
Điều 23. Trách nhiệm của Sở Công thương
Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố có trách nhiệm tổ chức, quản lý, vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Điều 24. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn
1. Tổ chức thực hiện các công tác quản lý trật tự, vệ sinh, môi trường liên quan đến các công trình thoát nước trên địa bàn theo thẩm quyền; tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến quy định này và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nghiêm túc thực hiện.
2. Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong phạm vi thẩm quyền và địa bàn quản lý.
3. Chỉ đạo các lực lượng thuộc Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra phát hiện và đình chỉ kịp thời các vi phạm, lập hồ sơ vi phạm chuyển đơn vị thoát nước và cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Điều 25. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông
Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thoát nước trên địa bàn thành phố.
Điều 26. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Phối hợp với Sở Xây dựng hoặc Ủy ban nhân dân huyện và các đơn vị liên quan trong công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống thoát nước trên địa bàn theo Điều 5 của Quy định này.
2. Phối hợp với chủ đầu tư hệ thống thoát nước và các đơn vị liên quan để có phương án thi công, có phương án vận hành, bảo trì, bảo vệ hệ thống thoát nước dọc theo đường giao thông do mình quản lý.
3. Trong công tác quản lý, vận hành, bảo trì, cải tạo, sửa chữa công trình đường bộ do mình quản lý có tác động đến các công trình của hệ thống thoát nước (như giếng thu, thăm) Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân quận, huyện yêu cầu các đơn vị có liên quan cải tạo, sửa chữa các công trình thoát nước như: xây cổ giếng thu, giếng thăm, sửa chữa các giếng hỏng, cống sập để đảm bảo tính đồng bộ với kết cấu công trình giao thông.
Điều 27. Trách nhiệm của các Sở, ngành có liên quan
Chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động thoát nước.
1. Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị thoát nước soạn thảo và ký hợp đồng quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, bảo vệ hệ thống thoát nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Điều 5 Quy định này.
2. Giám đốc các Ban, Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị thoát nước có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các vấn đề vướng mắc hoặc chưa phù hợp, các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến tới Sở Xây dựng để xem xét, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.