ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 460/QĐ-UBND |
Ninh Thuận, ngày 30 tháng 12 năm 2020 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững;
Căn cứ Quyết định số 244/QĐ-UBND ngày 02/10/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025;
Căn cứ Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Phước Bình đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1685/QĐ-UBND ngày 17/10/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình;
Theo Thông báo số 340/TB-VPUB ngày 22/12/2020 340/TB-VPUB ngày 22/12/2020 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam tại cuộc họp nghe báo cáo Phương án quản lý rừng bền vững, Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Phước Bình;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 327/TTr-SNNPTNT ngày 28/12/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Phước Bình với một số nội dung chính như sau:
1. Tên Đề án: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Phước Bình.
2. Tên chủ rừng: Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình.
3. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2020 - 2030.
- Khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, nhân văn, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái.
- Thông qua phát triển du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của vùng dự án, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc bản địa.
- Phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm, văn hóa bản địa...
- Nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái theo các tiêu chuẩn của ngành du lịch.
- Tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững.
- Sản phẩm 1: Du lịch khám phá thiên nhiên (sinh cảnh rừng, các loài động vật đặc hữu, phân bố hẹp, thác nước...).
- Sản phẩm 2: Du lịch trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tập quán canh tác nông nghiệp, đánh bắt cá... của đồng bào dân tộc Raglai.
- Sản phẩm 3: Du lịch về nguồn, tham quan di tích lịch sử trận địa đá Pi Năng Tắc.
- Sản phẩm 4: Du lịch trải nghiệm tham quan trang trại nuôi và nhân giống bò tót lai F1 (loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và thế giới).
- Sản phẩm 5: Du lịch giải trí, thể thao như: Tắm suối, câu cá, các trò chơi thể thao (chèo xuồng, bè trên sông quan sát các hệ sinh thái rừng, tập quán canh tác nông nghiệp của cộng đồng Raglai; đi bộ, đạp xe theo các tuyến đường mòn trong rừng) chụp ảnh với thiên nhiên, thác nước hùng vĩ.
- Sản phẩm 6: Du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ liên kết và biệt lập mang kiến trúc truyền thống địa phương kết hợp với hiện đại.
- Sản phẩm 7: Du lịch tĩnh dưỡng, chữa bệnh bằng các loài thảo dược tự nhiên có tại Vườn quốc gia Phước Bình, thiền, yoga.
- Sản phẩm 8: Du lịch thực nghiệm hiện trường, nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo.
6. Các tuyến, điểm du lịch sinh thái:
- Các tuyến du lịch sinh thái:
+ Tuyến 1: Trụ sở Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng đi Vườn thực vật - Đập Gia Nhông - Thác Đuôi Rồng - Thác Đá Bàn - Thác Ba Tầng.
+ Tuyến 2: Trụ sở Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng đi thôn Bố Lang cũ - ngã ba Suối Đa Cốt - Thác Đá Đen - Thác Hầm xe lửa - ngã ba Suối Đa Cốt - Trạm Kiểm lâm Klong, Klanh (Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà).
+ Tuyến 3: Trụ sở Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng đi Đập Gia Nhông - Hòn Chan - Trạm Kiểm lâm Bidoup (Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà).
+ Tuyến 4: Trụ sở Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ môi trường rừng đi Trận địa đá Pi Năng Tắc - Làng văn hóa Raglai - Thác Cha Pót.
Ngoài ra, có thể tổ chức thêm những tuyến kết nối ngoại vùng khác như: Vườn quốc gia Phước Bình đi các điểm, khu du lịch khác trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, biển Ninh Chữ, làng nho Thái An, Vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Tiên, Tháp Pô Klông Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, đối cát Nam Cương, Cà Ná...) hoặc từ Vườn quốc gia Phước Bình đi các điểm, khu du lịch thuộc tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận và ngược lại.
- Các tuyến du lịch sinh thái kết nối ngoại vùng:
Các tuyến từ Vườn quốc gia Phước Bình đi các khu vực khác như: Thác Tà Gụ, Vườn quốc gia Núi Chúa... và các tuyến liên kết Vườn quốc gia với các vùng khác như: Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang...
- Các điểm phát triển du lịch sinh thái:
+ Điểm số 1: Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng.
+ Điểm số 2: Điểm du lịch Vườn thực vật.
+ Điểm số 3: Điểm du lịch Đập Gia Nhông.
+ Điểm số 4: Điểm du lịch Thác Đuôi Rồng.
+ Điểm số 5: Điểm du lịch Thác Đá Bàn.
+ Điểm số 6: Điểm du lịch Thác Ba tầng.
+ Điểm số 7: Di tích Trận địa đá Pinăng Tắc.
+ Điểm số 8: Làng sinh hái, văn hóa Bố Lang.
+ Điểm số 9: Làng sinh hái, văn hóa Raglai, Hành Rạc II.
+ Điểm số 10: Thôn Bố Lang cũ.
+ Điểm số 11: Ngã ba Suối Đa Cốt.
+ Điểm số 12: Thác Đá đen và thác Hầm xe lửa.
+ Điểm số 13: Thác Cha Pót.
+ Điểm số 14: Hòn Chan.
+ Điểm số 15: Rừng Pơ mu.
7. Các điểm cho thuê môi trường rừng:
- Khu vực cho thuê môi trường rừng số 1:
+ Vị trí: Nằm một phần trong khoảnh 1, 3, 5 tiểu khu 29a.
+ Diện tích: 143,6 ha.
+ Sản phẩm du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch đi bộ dã ngoại, tắm suối, quan sát động, thực vật, kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo.
- Khu vực cho thuê môi trường rừng số 2:
+ Vị trí: Nằm một phần trong khoảnh 4, 6, 9, 11, tiểu khu 11 và một phần trong khoảnh 4, 5, 6, 8, 9 tiểu khu 15.
+ Diện tích: 477,7 ha.
+ Sản phẩm du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch thể thao, bơi thuyền trên hồ.
- Khu vực cho thuê môi trường rừng số 3:
+ Vị trí: Nằm một phần trong các khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 30 và khoảnh 2, 3 tiểu khu 31.
+ Diện tích: 302,62 ha.
+ Sản phẩm du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch thể thao.
Ngoài ra, trong khu vực thuộc phân khu dịch vụ hành chính của Vườn quốc gia Phước Bình và khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình chưa nêu ở trên, có thể cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
8. Phương thức tổ chức thực hiện:
- Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo phương thức: (1) Tự tổ chức, (2) Liên kết hoặc (3), Cho thuê môi trường rừng phù hợp với Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt.
- Việc lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác liên quan (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ...). Kinh phí lập đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm theo quy định hiện hành của Nhà nước. Trường hợp liên kết với tổ chức, cá nhân khác thì kinh phí lập dự án du lịch sinh thái do hai bên thỏa thuận. Kinh phí lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm.
- Việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải được thông báo rộng rãi. Giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng; trường hợp có hai tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị được thuê môi trường rừng thì tổ chức đấu giá với mức giá khởi điểm không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê môi trường rừng trong phạm vi diện tích thuê môi trường rừng theo quy định tại khoản 6 Điều 14, khoản 6 Điều 23, khoản 3 Điều 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
a) Nguyên tắc xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, cụ thể:
- Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
- Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
- Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước.
- Trong phân khu dịch vụ hành chính của vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m.
+ Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất.
+ Chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.
+ Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng.
+ Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa.
b) Nguyên tắc xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng phòng hộ tại Vườn quốc gia Phước Bình thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, cụ thể:
- Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
- Khi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc sau:
+ Không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường; bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
+ Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất.
+ Chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.
+ Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng.
+ Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa.
Trường hợp pháp luật có thay đổi hoặc quy định khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.
10. Tổng mức đầu tư, nguồn vốn:
Khái toán vốn đầu tư cho một số hạng mục đầu tư chủ yếu là 998 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn đầu tư du lịch sinh thái do Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình tự thực hiện: 98 tỷ đồng (nguồn vốn cấp từ ngân sách). Ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của Vườn quốc gia Phước Bình.
+ Giai đoạn 2021-2025: 50 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2026-2030: 48 tỷ đồng.
- Vốn đầu tư du lịch sinh thái từ các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng: 900 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2021-2025: 300 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2026-2030: 600 tỷ đồng.
- Giải pháp về tổ chức.
- Giải pháp về đào tạo.
- Giải pháp về vốn đầu tư.
- Giải pháp về hợp tác, quảng cáo các sản phẩm du lịch.
- Giải pháp về bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.
- Giải pháp về sự phối hợp giữa Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình với các Sở ban ngành trong phát triển du lịch sinh thái.
1. Trách nhiệm của Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức công bố công khai Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Phước Bình; thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ rừng để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo yêu cầu về thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện xúc tiến, kêu gọi đầu tư để triển khai các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí nhằm thực hiện đạt các mục tiêu đề ra của Đề án và phù hợp với Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Phước Bình đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đồng thời chủ động làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh trong phạm vi Đề án để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Bộ Quốc phòng (nếu có) trước khi triển khai thực hiện đối với dự án cụ thể theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định, làm cơ sở để Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình tổ chức thực hiện, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá phân thuê môi trường rừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng và ban hành Bộ tiêu chí xét chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức thẩm định dự án của nhà đầu tư được xét chọn thuê môi trường rừng ở Vườn quốc gia Phước Bình; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; giám sát, kiểm soát chặt chẽ các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng và hướng dẫn, tham mưu việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; hỗ trợ, hướng dẫn chủ rừng, các nhà đầu tư về hoạt động du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Vườn quốc gia Phước Bình với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu phát triển của Vườn quốc gia Phước Bình nói riêng và nhu cầu toàn tỉnh nói chung.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch và bố trí các nguồn vốn khác để ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư phát triển du lịch theo quy định; đồng thời tham mưu lồng ghép việc thực hiện các nội dung của Đề án với các chương trình, dự án khác có liên quan trên địa bàn tỉnh và cập nhật nội dung của Đề án vào trong Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư; trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược để đầu tư, triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Phước Bình.
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ tình hình ngân sách, hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp để Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đạt hiệu quả, đúng quy định; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá, phí trong quá trình thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý tài chính.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, thẩm định nội dung cập nhật kế hoạch sử dụng đất của Đề án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai dự án đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường... và bảo tồn đa dạng sinh học.
7. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng trong việc thẩm định quy hoạch chi tiết và hồ sơ thiết kế xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thuộc phạm vi Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, cảnh quan... tại Vườn quốc gia Phước Bình và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình triển khai các hoạt động du lịch sinh thái để góp phần xây dựng Phước Bình trở thành một thương hiệu du lịch sinh thái.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch tại Vườn quốc gia Phước Bình nói riêng và tỉnh Ninh Thuận nói chung để thu hút các nhà đầu tư và truyền tải thông tin đến khách du lịch.
9. Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các quy định khác có liên quan để giáo dục nâng cao nhận thức nhằm góp phần bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng hợp lý, bền vững các loại tài nguyên thiên nhiên trong khu vực để xây dựng môi trường du lịch trong Vườn quốc gia theo phương châm hiện đại, gắn kết giữa mục tiêu bảo tồn thiên nhiên với bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, cũng như tăng cường triển khai phát triển loại hình du lịch sinh thái có trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ được giá trị hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán của cộng đồng địa phương một cách hiệu quả và bền vững; tổ chức cập nhật nội dung sử dụng đất của Đề án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; huy động lực lượng, chỉ đạo các phòng chuyên môn và cơ quan, đơn vị có liên quan (công an, quân đội, kiểm lâm...) trên địa bàn để phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái; đồng thời phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình triển khai các hoạt động du lịch sinh thái để góp phần xây dựng Phước Bình trở thành một thương hiệu du lịch sinh thái.
10. Trách nhiệm của nhà đầu tư thuê môi trường rừng ở Vườn quốc gia Phước Bình: Thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của bên thuê môi trường rừng và sử dụng diện tích được thuê đúng mục đích, tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp với Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái và quảng bá, xúc tiến phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia và quốc tế; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc liên kết các sản phẩm du lịch và thu hút lao động của địa phương thực hiện hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công thương, Nội vụ, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.