UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2014/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 24 tháng 12 năm 2014 |
BAN HÀNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 124/NQ-HĐND NGÀY 11/7/2014 CỦA HĐND TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2012;
Căn cứ Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
Căn cứ Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 113/2008/NQ-HĐND ngày 20/7/2008 của HĐND tỉnh (khóa VII) về “đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn từ nay đến năm 2015”;
Theo đề nghị của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 185/TT-LM HTX ngày 06/10/2014 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 737/TTr-SKHĐT ngày 02/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về thành lập hợp tác xã, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tài chính, tín dụng, đất đai, xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
2. Đối tượng áp dụng:
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế đăng ký và hoạt động theo Luật Hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã), tổ hợp tác đăng ký và hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hợp tác xã. Đối với chính sách hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng được mở rộng đến quần chúng nhân dân và các cơ quan nhà nước.
Điều 2: Một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:
1. Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân, tạo tâm lý xã hội ủng hộ mạnh mẽ đối với kinh tế hợp tác, hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác; phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Hằng năm, ngân sách các cấp bố trí kinh phí cho công tác này.
2. Chính sách phát triển nguồn nhân lực:
a) Về đào tạo dài hạn:
Ngoài chính sách hỗ trợ quy định tại Chương 4 của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ, các đối tượng là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng, những người làm chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và các thành viên của hợp tác xã (hiện vẫn còn đang công tác tại hợp tác xã) khi được hợp tác xã cử đi học đại học mà có cam kết tiếp tục làm việc tại hợp tác xã trong thời gian ít nhất 05 năm sau khi tốt nghiệp thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ hằng năm tiền ăn, ở với mức 07 triệu đồng/người/năm (khi bảo đảm các tiêu chí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền). Thời gian hỗ trợ tiền ăn, ở theo thực tế thời gian tham gia khóa đào tạo nhưng tối đa không quá 5 năm đối với đào tạo dài hạn, không quá 02 năm đối với đào tạo liên thông lên đại học hoặc học đại học văn bằng II.
b) Về đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn:
Ngân sách tỉnh hằng năm bố trí kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng:
- Tập huấn về luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và các quy định mới có liên quan cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể;
- Đào tạo, tập huấn kỹ năng quản trị, điều hành hợp tác xã cho các chức danh là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, ban kiểm soát và kế toán trưởng.
3. Về thu hút người về làm việc tại hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp:
Ngoài khoản tiền chi trả theo thỏa thuận của hợp tác xã (nếu có), ngân sách tỉnh hỗ trợ 01 lần theo mức: 50% mức lương tối thiểu của công chức tại thời điểm thực hiện chính sách nhân với hệ số lương khởi điểm ở trình độ đại học nhân với 60 tháng (05 năm) cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có nhu cầu cần người có trình độ đại học với ngành học phù hợp, có năng lực thực sự, có đạo đức tốt, được Hội đồng quản trị hoặc Đại hội hay Hội nghị thành viên tín nhiệm về làm việc tại hợp tác xã đảm nhận 01 trong 02 chức danh giám đốc hoặc phó giám đốc hợp tác xã. Có cam kết thời gian làm việc tại hợp tác xã tối thiểu 05 năm.
4. Khuyến khích các hợp tác xã có chính sách riêng thu hút người có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học và người có tay nghề cao về làm việc trong hợp tác xã.
5. Khuyến khích cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật đang công tác tại các cơ quan Nhà nước về làm việc tại các hợp tác xã theo yêu cầu của cơ sở; trong thời gian làm việc tại hợp tác xã giữ nguyên lương, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ khác do ngân sách Nhà nước cấp. Ngoài ra, tùy theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác xã chi trả thêm phần phụ cấp hợp lý cho đối tượng nói trên. Sau thời gian công tác 03 đến 05 năm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở cơ sở, cơ quan quản lý cán bộ cân nhắc đề bạt cán bộ đó ở vị trí công tác cao hơn.
6. Chính sách đối với đội ngũ quản lý chủ chốt làm việc lâu năm trong hợp tác xã khi nghỉ việc:
Người đảm nhận các chức danh chủ chốt tại hợp tác xã bao gồm: giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán (nơi chỉ có 01 kế toán), trưởng ban kiểm soát hoặc phụ trách kiểm soát (nơi chỉ có 01 kiểm soát) và thành viên hội đồng quản trị làm việc liên tục từ ngày 01/7/1997 trở về trước và cho đến nay nhưng thời gian làm việc tại hợp tác xã chưa được tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (có quá trình công tác tốt, không vi phạm pháp luật hoặc chịu hình thức kỷ luật nào), khi nghỉ việc được ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi năm làm việc tại hợp tác xã bằng ½ (nửa) tháng lương, theo mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ công chức do Chính phủ quy định tại thời điểm thực hiện chính sách (trừ đối tượng đã được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 250/2013/QĐ-TTg ngày 29/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 113/2008/NQ-HĐND ngày 30/7/2008 của HĐND tỉnh).
7. Chính sách về tín dụng:
a) Thực hiện tốt các chính sách tín dụng của Nhà nước đối với hợp tác xã.
b) Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất sau đầu tư phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế cho vay trong hạn của ngân hàng thương mại (do ngân hàng Nhà nước quy định) với mức lãi suất cho vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (tỉnh hoặc trung ương); thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa là 04 năm đối với các dự án vay đầu tư sản xuất và 02 năm đối với dự án vay đầu tư kinh doanh dịch vụ; mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 01 tỷ đồng/01 dự án.
8. Chính sách hỗ trợ khi hợp tác xã đã nộp ngân sách Nhà nước thuế thu nhập doanh nghiệp
Nguyên tắc hỗ trợ: Mức thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp ngân sách của năm trước liền kề là cơ sở để xác định mức hỗ trợ lại thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã. Tổng mức hỗ trợ hằng năm từ ngân sách không vượt quá tổng mức thuế thu nhập doanh nghiệp mà các hợp tác xã đã nộp năm trước liền kề.
Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Việc hỗ trợ được thực hiện hằng năm, cụ thể như sau:
a) Đối với những hợp tác xã thành lập mới: Ngân sách tỉnh bố trí nguồn kinh phí với mức bằng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hằng năm mà hợp tác xã đã nộp trong 5 năm đầu kể từ khi hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế để hỗ trợ lại cho hợp tác xã.
b) Đối với những hợp tác xã đang hoạt động: Ngân sách tỉnh bố trí nguồn kinh phí với mức bằng khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà hợp tác xã nộp trong 05 năm, trong đó dành 50% hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã có dự án đầu tư ứng dụng đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, 50% còn lại bổ sung Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh.
c) Đối với những hợp tác xã có mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh: Ngân sách tỉnh bố trí nguồn kinh phí với mức bằng với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp mà hợp tác xã đã nộp trong 03 năm đầu kể từ khi dự án hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế để hỗ trợ lại cho hợp tác xã.
9. Chính sách hỗ trợ thành lập mới:
a) Giai đoạn 2014-2015, tiếp tục hỗ trợ thành lập mới cho tổ hợp tác và hợp tác xã với mức: 05 triệu đồng/tổ hợp tác; 10 triệu đồng/hợp tác xã.
b) Giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh hỗ trợ thành lập mới với mức 15 triệu đồng/hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã (kể cả đơn vị mới sáp nhập hoặc hợp nhất) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khi đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã và các văn bản pháp luật liên quan.
10. Chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật:
Ngoài những đơn vị đã được Trung ương hỗ trợ, hằng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần với mức tối đa là 50% tổng mức đầu tư nhưng không quá 200 triệu đồng/đơn vị cho ít nhất là 05 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có phương án đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả mà có nhu cầu cần thiết phải đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình như: trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, cửa hàng vật tư nông nghiệp… khi có đủ các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định hiện hành của Nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
11. Chính sách về đất đai:
Tiếp tục thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã nông nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ thành viên sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.
Các hợp tác xã phi nông nghiệp (không thuộc diện miễn tiền thuê đất) được thuê đất dài hạn theo quy định ưu đãi của Nhà nước.
12. Chính sách về khoa học - công nghệ và xúc tiến thương mại:
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, hằng năm ngân sách tỉnh bố trí nguồn kinh phí thông qua các hệ thống khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tham quan, học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong và ngoài tỉnh.
13. Xây dựng chương trình trợ giúp hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh:
Hằng năm ngân sách tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ chương trình trợ giúp hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đào tạo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, hỗ trợ vốn, xây dựng nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Đối với các hợp tác xã có dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đóng góp trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới và các hợp tác xã thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ góp phần phát triển các nhãn hiệu nông sản, thực phẩm mang tính đặc thù của tỉnh như: tiêu Tiên Phước, quế Trà My được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thực hiện dự án nhưng không quá 200 triệu đồng/hợp tác xã.
1. Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hàng năm;
- Hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này theo Kế hoạch dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm;
- Quy định cụ thể các hồ sơ, thủ tục và quy trình thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo theo đúng quy định hiện hành;
- Định kỳ tháng 6 hằng năm, tổng hợp nhu cầu kinh phí, xây dựng kế hoạch năm sau gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán kinh phí ngân sách hằng năm theo quy định;
- Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Quyết định này, báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vào tháng 12 hàng năm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện thành phố tổng hợp, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ tại Quyết định này.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí ngân sách tỉnh hàng năm để thực hiện các nội dung hỗ trợ tại Quyết định này.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các hợp tác xã nông nghiệp.
5. UBND các huyện, thành phố phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trên địa bàn đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể địa phương, gắn với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đánh giá tình hình thực hiện Quyết định này tại địa phương và báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã tỉnh vào tháng 11 hàng năm.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ảnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Thời hiệu thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh kể từ ngày Nghị quyết số 124/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành đến hết năm 2020. Trường hợp quy định mới của Chính phủ có những ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn so với những ưu đãi mà các hợp tác xã đang được hưởng theo các quy định của Quyết định này thì được hưởng theo quy định của cấp trên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 03/6/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.