ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4586/QĐ-UBND |
Bình Định, ngày 09 tháng 12 năm 2019 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt trong vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 369/TTr-SNN ngày 09/12/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
VỀ QUẢN LÝ NUÔI CHIM YẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4586/QĐ-UBND ngày 09/12/2019 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Định)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này nhằm thực hiện việc quản lý các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nuôi chim yến là hoạt động dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.
2. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng thiết bị âm thanh hoặc sóng siêu âm hoặc các biện pháp khác để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến.
3. Gây nuôi chim yến bao gồm các hoạt động nuôi dưỡng chim yến, nhân giống và di đàn chim yến.
4. Nhân giống nhân tạo chim yến là hoạt động ấp nở và nuôi dưỡng nhân tạo chim yến.
5. Sản phẩm chim yến là tổ yến, trứng chim yến và con giống.
6. Nhà yến là công trình xây dựng mới hoặc được cải tạo để nuôi chim yến.
7. Dự án nuôi chim yến là công trình được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Điều 3. Các vùng tạm thời không được phép xây dựng mới nhà yến
Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bình Định chấp hành tạm thời ngừng xây mới, mở rộng, nâng cấp nhà nuôi yến cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định vùng nuôi chim yến tại các vùng cụ thể như sau:
1. Thành phố, thị xã, huyện:
a) Thành phố Quy Nhơn: Toàn bộ diện tích các phường nội thành bao gồm: Đống Đa, Hải Cảng, Ghềnh Ráng, Lê Hồng Phong, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Quang Trung, Thị Nại, Trần Hưng Đạo, Trần Phú; Khu vực 1 và Khu vực 2 phường Nhơn Bình.
b) Thị xã và các huyện: Toàn bộ diện tích các phường Bình Định, Đập Đá (thị xã An Nhơn) và Khu vực thị trấn của các huyện.
2. Các khu dân cư tập trung đô thị; Các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết;
Điều 4. Quy định về xây dựng, hoạt động
1. Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực phải tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng và các quy định liên quan.
2. Không được cơi nới, mở rộng, nâng tầng nhà ở để làm nhà yến, khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
3. Việc xây dựng, hoạt động của cơ sở nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1, khoản 2 Điều 55 Luật Chăn nuôi;
Điều 5. Quy định về môi trường trong việc nuôi chim yến
1. Thủ tục môi trường
Hồ sơ thủ tục về môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường và các quy định liên quan đối với việc xây dựng nhà yến của các tổ chức, cá nhân liên quan, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Âm thanh dẫn dụ
Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến sử dụng âm thanh với các thiết bị hiện đại để việc dẫn dụ cường độ không vượt quá 70 dBA (Đề xi ben A) trong thời gian từ 5 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 20 giờ; không được sử dụng âm thanh dẫn dụ trong thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 20 giờ đến 05 giờ ngày hôm sau.
Không phát âm thanh thiết bị dẫn dụ chim yến phục vụ mục đích khác. Khuyến khích sử dụng loa âm thanh dẫn dụ hướng lên trên không để giảm thiểu tác động đến cộng đồng dân cư.
3. Cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường theo quy định.
Điều 6. Công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm
1. Công tác phòng chống dịch bệnh: Chủ cơ sở nuôi chim yến phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có triệu chứng chim yến chết hàng loạt và xử lý tiêu hủy chim yến bệnh chết cũng như tiêu độc sát trùng nhà yến có yến bị dịch bệnh.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Khu vực, nhà sơ chế, bảo quản tổ yến tách biệt nhà nuôi yến, cách xa nguồn gây ô nhiễm, để đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm;
b) Có biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp để bảo đảm sinh vật gây hại không xâm nhập vào khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến;
c) Có nguồn nước sử dụng trong sơ chế tổ yến đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước sinh hoạt;
d) Ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến đảm bảo an toàn thực phẩm;
đ) Có hồ sơ ghi chép, lưu trữ thông tin về việc khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm tổ yến, lưu hồ sơ tối thiểu 01 năm từ sau mỗi đợt khai thác tổ yến.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chim yến
1. Tạm thời không xây dựng mới, mở rộng nhà nuôi chim yến quy định tại Điều 3 của quy định này.
2. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về xây dựng, môi trường, đất đai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
3. Chấp hành thực hiện việc khai báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi có hoạt động nuôi chim yến theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp và PTNT và Chính quyền địa phương.
4. Chấp hành phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc lấy mẫu định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
5. Chịu trách nhiệm chi trả phí, lệ phí xét nghiệm dịch bệnh trên đàn chim yến theo quy định hiện hành.
6. Tuân thủ các quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Quy định này.
Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho cơ sở nuôi, sơ chế sản phẩm từ tổ yến theo quy định.
b) Cung cấp thông tin thuộc chuyên ngành cho công tác tuyên truyền trên thông tin đại chúng.
c) Chỉ đạo và tổ chức lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đối với chim yến theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các địa phương trong hoạt động nuôi chim yến.
đ) Hàng năm, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này. Đồng thời, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Hướng dẫn việc thực hiện các quy định về môi trường và kỹ thuật xử lý chất thải, giảm thiểu tác động của tiếng ồn trong hoạt động nuôi chim yến.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi chim yến thuộc phạm vi quản lý của ngành.
3. Sở Xây dựng:
a) Hướng dẫn các quy định về cấp phép xây dựng đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến thuộc thẩm quyền.
b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng thuộc phạm vi quản lý của ngành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương đầu tư về các dự án nuôi chim yến tuân thủ theo các quy định tại Quyết định này.
5. Sở Y tế:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người.
b) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân địa phương để quản lý, kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở có sơ chế, bảo quản và chế biến tổ yến theo quy định của pháp luật.
6. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Phối hợp với các đơn vị có liên quan đặt hàng các chương trình, đề tài, dự án về lĩnh vực nuôi, thu hoạch và chế biến tổ yến.
b) Cập nhật, giới thiệu các trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phù hợp trong dẫn dụ, khai thác tổ của chim yến.
7. Sở Tài chính:
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến công tác triển khai và tổ chức thực hiện Quy định này.
8. Cục Thống kê:
Hàng năm tổ chức điều tra, thống kê tình hình biến động về số lượng và sản lượng ngành hàng yến để bổ sung vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Quy định này trên địa bàn quản lý.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Tiếp nhận hồ sơ khai báo nuôi chim yến; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký, lập hồ sơ về đất đai, xây dựng, môi trường theo quy định pháp luật.
3. Hướng dẫn và cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà nuôi chim yến theo thẩm quyền quản lý.
4. Kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm.
5. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Quy định này cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
6. Chịu trách nhiệm tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở, nhà nuôi chim yến không đảm bảo các điều kiện theo Quy định này theo thẩm quyền.
7. Trường hợp địa phương nào để phát sinh mới nhà nuôi chim yến quy định tại Điều 3 của Quy định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các sở, ngành và địa phương phản ánh, đề xuất, báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được chỉ đạo giải quyết kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.