BỘ VĂN HÓA,
THẾ THAO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4452/QĐ-BVHTTDL |
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020 |
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TU ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” (sau đây gọi tắt là Chương trình văn hóa, nghệ thuật) với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế;
- Tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật;
- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch;
- Đổi mới phương thức tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương;
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đa dạng, phong phú, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao mức hưởng thụ và đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021 - 2025
- Tổ chức hiệu quả các hoạt động Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
- Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Mỗi thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp hoặc liên kết 02 đến 03 thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp thành lập 01 đến 02 Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả; duy trì hàng năm tổ chức liên hoan, giao lưu các Câu lạc bộ 01 đến 02 lần phù hợp với điều kiện địa phương.
- Tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, chuyên mục phát thanh, phóng sự truyền hình, tác phẩm báo chí về đề tài dân tộc thiểu số.
- Tăng cường phát triển văn hóa đọc; tiếp tục trang bị sách, báo cho các thư viện tỉnh, huyện; phấn đấu chỉ tiêu 03 bản sách/người.
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn qua các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hỗ trợ kinh phí, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
b) Giai đoạn 2025 - 2030
- Nâng cao chất lượng, đổi mới hình thức, nội dung các Chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
- Tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp và khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả. Duy trì hàng năm tổ chức liên hoan, giao lưu các Câu lạc bộ, đội văn nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương.
- Ứng dụng công nghệ số xây dựng các sản phẩm phim, ảnh, sách, báo về văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện
Đề án được triển khai ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
2. Đối tượng thực hiện
Đối tượng hưởng lợi là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
3. Thời gian thực hiện
Từ năm 2021 đến năm 2030, chia làm 02 giai đoạn:
- Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025.
- Giai đoạn II: Từ năm 2026 đến 2030.
Sơ kết đánh giá thực hiện Đề án vào Quý IV năm 2025 để xem xét, điều chỉnh cho giai đoạn sau.
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào quý IV năm 2030.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
a) Khảo sát, điều tra thống kê về thực trạng hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp và khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số
- Khảo sát, điều tra thống kê về thực trạng hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Căn cứ kết quả khảo sát, điều tra, đề xuất mô hình Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ phù hợp với thực tế.
- Xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp và khu dân cư vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở nghiên cứu, nhân rộng.
b) Tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn (biểu diễn nghệ thuật quần chúng và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp)
- Tổ chức đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Ưu tiên biểu diễn loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
- Duy trì liên hoan các đội tuyên truyền văn hoá của Bộ đội Biên phòng 01 lần/năm luân phiên theo khu vực. Liên hoan cấp toàn quốc được tổ chức định kỳ 04 năm/lần. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động “Điểm sáng văn hóa biên giới”.
c) Tổ chức các ngày hội, giao lưu liên hoan, hội diễn văn hóa, nghệ thuật
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
- Cấp tỉnh, huyện chỉ đạo tổ chức các ngày hội, lễ hội, liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, nghệ thuật quần chúng, chợ phiên đặc sắc của các dân tộc, gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch.
- Tổ chức các hoạt động liên hoan, giao lưu, hội thi văn hóa nghệ thuật quần chúng ở cơ sở, đặc biệt ưu tiên tổ chức tại các thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp xa trung tâm xã, huyện; định hướng sưu tầm, bảo tồn các bài hát, điệu múa truyền thống, nghi thức diễn xướng dân gian, các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn để truyền dạy cho lớp trẻ.
d) Tổ chức hoạt động điện ảnh ở cơ sở
- Lựa chọn và cấp nguồn phim có nội dung phù hợp cho các Đội Chiếu bóng lưu động cấp tỉnh đảm bảo từ 02 đến 04 buổi chiếu/xã/năm.
- Xây dựng chuyên mục văn hóa, nghệ thuật dân tộc thiểu số và tổ chức truyền thanh, truyền hình trên kênh sóng của Đài phát thanh, truyền hình các địa phương.
e) Tổ chức các cuộc thi, sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số
- Tổ chức các chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số (cấp Bộ: 02 cuộc/05 năm, các Hội chuyên ngành: 01 cuộc/năm).
- Tổ chức các cuộc thi, liên hoan, các cuộc vận động sáng tác văn học, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, nhạc, thơ, ảnh, mỹ thuật, ca khúc, phát thanh, báo chí, truyền hình... về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số (cấp Bộ 02 cuộc/05 năm; các Hội chuyên ngành: 01 cuộc/năm). Lựa chọn các tác phẩm có chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt để phổ biến, tuyên truyền trong cộng đồng.
g) Tổ chức hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc
- Đẩy mạnh hoạt động hệ thống thư viện, hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng tủ sách thư viện cấp xã và tại các đồn Biên phòng. Hàng năm trang bị, bổ sung sách, báo và ấn phẩm văn hóa cho tủ sách thôn, bản, làng, buôn, phum, sóc, xóm, ấp. Đặc biệt chú ý tăng cường các loại sách song ngữ tiếng dân tộc. Thư viện các cấp phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức phục vụ và luân chuyển sách đến với bạn đọc tại các điểm trường phổ thông, các xã, bản vào các dịp thích hợp.
- Tổ chức các đợt thi đọc sách, các buổi bình thơ, nói chuyện về sách, các hội thi, giới thiệu, tuyên truyền sách, kể chuyện sách tại các điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
h) Tổ chức hoạt động triễn lãm, trưng bày
Tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật (bản chính hoặc phiên bản), hiện vật, tư liệu, sách, báo, sản phẩm văn hóa vào dịp lễ, tết tại các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương nhằm tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo cơ hội để nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.
i) Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, phát triển du lịch
- Xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp với văn hóa truyền thống vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; tạo nguồn thu từ du lịch góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa cho đồng bào trên địa bàn.
- Vận động các tổ chức, cá nhân hợp tác và đầu tư cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; nghiên cứu tổ chức đoàn diễn viên, nghệ nhân các dân tộc thiểu số đi giao lưu, biểu diễn giới thiệu văn hóa truyền thống ở nước ngoài,
- Tổ chức tuyên truyền hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chuyên mục phù hợp với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thông tin, tuyên truyền.
k) Tổ chức ghi hình, thu âm, sản xuất đĩa DVD các hoạt động Chương trình văn hóa, nghệ thuật để phát sóng hoặc chuyển cho các trung tâm văn hóa và các thôn, bản làm tư liệu hoặc phát lại vào những ngày lễ, hội. Sản xuất ấn phẩm văn hóa, sách nghiệp vụ, các loại băng, đĩa có nội dung, hình thức phù hợp cấp cho các xã đặc biệt khó khăn, xã còn khó khăn.
l) Trang bị âm-ly, loa đài, máy chiếu, micro, máy phát điện để hỗ trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin để lưu trữ, khai thác nội dung các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát triển du lịch.
m) Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; giới thiệu các mô hình tốt, cách làm hay phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
n) Nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để bảo tồn và phát huy.
o) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật.
p) Tôn vinh, khen thưởng
Tổ chức tôn vinh, khen thưởng (vào dịp sơ kết và tổng kết Đề án) đối với tác giả có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số đạt giá trị nghệ thuật, nhân văn cao. Tôn vinh các nghệ nhân có công truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc. Có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích cao, có nhiều đóng góp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
a) Về chỉ đạo, điều hành
Tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các bộ, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đối với công tác gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao, du lịch kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.
b) Về xây dựng cơ chế, chính sách
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chính sách đặc thù hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sỹ, già làng, trưởng thôn, bản, người uy tín trong việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho lớp trẻ; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và kinh doanh các dịch vụ văn hóa, các điểm vui chơi giải trí tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
c) Về thông tin, tuyên truyền
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của nhân dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên cả nước; đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
d) Về phát triển nguồn nhân lực
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; phát hiện, bồi dưỡng các hạt nhân văn hóa, văn nghệ tham gia vào các hoạt động phong trào, Câu lạc bộ văn hóa; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch cho cán bộ của Đội tuyên truyền lưu động, tổ, đội chiếu phim.
e) Về ứng dụng khoa học, công nghệ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật; đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; phát huy hiệu quả mạng lưới phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng sóng và nội dung chương trình.
g) Về huy động nguồn lực xã hội hoá
Huy động và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức đa dạng các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật tại các địa bàn khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc;
2. Kinh phí sự nghiệp của các ban, bộ, ngành Trung ương;
3. Ngân sách nhà nước của các địa phương triển khai thực hiện Đề án;
4. Kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Vụ Văn hóa dân tộc:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án theo từng năm.
- Tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Đề án.
- Đề xuất Lãnh đạo Bộ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.
b) Vụ Kế hoạch, Tài chính
- Tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách về tài chính liên quan đến tổ chức các hoạt động của Chương trình văn hóa, nghệ thuật.
c) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc Đề án này.
2. Đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương
a) Ủy ban Dân tộc
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan và triển khai thực hiện các chính sách dân tộc liên quan đến các nội dung Đề án này.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến Đề án phù hợp với tình hình thực tế.
c) Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng)
Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; xây dựng địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số thành các điểm sáng văn hóa. Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế, du lịch.
3. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phân bố kinh phí, bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số;
- Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch) và các quan, đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án phù hợp với điều kiện của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.