ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2015/QĐ-UBND |
Cà Mau, ngày 16 tháng 12 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 341/TTr-SVHTTDL ngày 30/11/2015 và Báo cáo thẩm định số 69/BC-STP ngày 23/3/2015 của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
Quy định này quy định việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đô thị: bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập.
2. Đường: là lối đi lại được xác định trong quy hoạch đô thị có quy mô lớn về chiều dài, chiều rộng, gồm các trục chính trên địa bàn đô thị, các tuyến vành đai, các tuyến liên phường, thị trấn.
3. Công trình công cộng: bao gồm quảng trường, công viên, vườn hoa, cầu, bến xe, công trình văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí.
4. Giao lộ: là nơi cắt nhau của các tuyến đường.
5. Vòng xoay: khu vực vòng tròn được thiết kế tại các giao lộ để các phương tiện giao thông phải xoay vòng khi muốn đi vào hướng mình đã chọn.
6. Ngân hàng tên đường: là danh mục tên của các danh nhân, nhân vật, sự kiện tiêu biểu, lịch sử, danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội đã được chọn, xác lập dùng để đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
Điều 4. Nguyên tắc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng
1. Áp dụng theo nguyên tắc chung quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.
2. Chỉ sử dụng tên những người đã mất (đã chết) để đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
3. Việc đặt mới tên đường, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh phải gắn với quy hoạch phát triển đô thị, mang tính khoa học, lịch sử, văn hóa, ổn định lâu dài, thuận lợi. Tên nhân vật, sự kiện, địa danh được chọn lựa đặt tên đường, công trình công cộng phải thực sự tiêu biểu, rõ ràng.
4. Tên để đặt cho đường và công trình công cộng được lựa chọn trong danh mục ngân hàng tên đường và công trình công cộng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
5. Hạn chế tối đa việc xáo trộn, thay đổi tên đường, công trình công cộng đã đặt trước đây.
6. Dựa vào tầm cỡ, công lao và sự nghiệp của các danh nhân và quy mô, cấp độ, vị trí của đường và công trình công cộng để đặt tên gọi cho phù hợp, tương xứng theo phân nhóm đường, phân nhóm công trình công cộng trong Quy định này.
ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 5. Đặt tên đường và công trình công cộng
Thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 13, 14 và 15 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 6. Cách chọn đặt tên đường và công trình công cộng
1. Tên các danh nhân, nhân vật lịch sử cùng thời kỳ hoặc cùng lĩnh vực hoạt động được nghiên cứu ưu tiên đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường có liên quan.
2. Đường trong các khu công nghiệp, khu dân cư không phải là đường trục chính, chiều dài dưới 50m và chiều rộng dưới 3,50m, thì có thể chọn số hiệu hoặc số thứ tự để đặt tên. Các số phải sắp đặt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn; theo hướng từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây.
3. Chỉ đặt một tên đối với đường dài và thông suốt. Đường quá dài, đường liên phường, thị trấn căn cứ vào điều kiện cụ thể, có thể phân ra từng đoạn để đặt tên. Khi đường bị ngắt khúc bởi các giao lộ hoặc vòng, xoay thì đoạn kế tiếp được đặt tên khác.
4. Các tuyến đường liên phường, thị trấn khi đặt tên, đổi tên thì phường, thị trấn có chiều dài nhất của tuyến đường chủ trì thực hiện quy trình đặt tên, đổi tên.
5. Nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi, danh xưng, tước hiệu, bút hiệu thì chỉ chọn một tên phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân biết đến để đặt tên đường, công trình công cộng.
6. Các địa danh lịch sử gắn với các sự kiện lịch sử, tên các địa danh là đơn vị hành chính xưa, tên các nhân vật lịch sử gắn liền với các sự kiện lịch sử hoặc địa danh diễn ra sự kiện lịch sử được nghiên cứu thì ưu tiên chọn để đặt tên cho đường đi qua địa danh, công trình công cộng trên địa bàn đó.
7. Ưu tiên chọn tên các nhân vật, sự kiện lịch sử - văn hóa có gắn bó với địa phương, khu vực Nam bộ để đặt tên đường, công trình công cộng.
Điều 7. Đổi tên đường và công trình công cộng
Đường và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không phù hợp nhóm đường, không có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, không tương xứng với công lao đóng góp của nhân vật cho xã hội, gây ảnh hưởng tác động xấu trong xã hội thì đổi tên nhưng cần xem xét thận trọng và phải thực hiện theo đúng quy trình đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
Điều 8. Xác định điểm đầu, điểm cuối của tuyến đường và phân nhóm đường, công trình công cộng
1. Xác định điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường: Việc xác định để chọn điểm đầu, điểm cuối căn cứ tính ổn định của tuyến đường theo quy hoạch phát triển đô thị trên từng địa bàn, dựa vào chiều dài tuyến đường theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây hoặc điểm giới hạn không thể phát triển của tuyến đường (bị khống chế bởi sông, rạch, đê đập, cầu, cống, vòng xoay, giao lộ...) hoặc mốc vị trí cố định để định vị (nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học...).
2. Phân nhóm đường:
a) Nhóm 1: Gồm các tuyến đường có tối thiểu 4 làn xe, mỗi làn xe có chiều rộng tối thiểu 3,50m.
b) Nhóm 2: Gồm các tuyến đường có tối thiểu 2 làn xe, mỗi làn xe có chiều rộng tối thiểu 3,50m.
c) Nhóm 3: Gồm các tuyến đường có tối thiểu 1 làn xe, mỗi làn xe có chiều rộng tối thiểu 3,50m.
3. Phân nhóm công trình công cộng:
a) Nhóm 1: Gồm các công trình công cộng có vị trí quan trọng, quy mô về diện tích, không gian, kiến trúc lớn như quảng trường; công viên; các di tích lịch sử - văn hóa; khu tưởng niệm Bác Hồ; các bến xe, tàu, phà liên tỉnh...; các công trình văn hóa thể thao, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thương mại cấp tỉnh; cầu giao thông tại trung tâm đô thị của tỉnh, nối liền các trục đường chính đô thị, quốc lộ, đường liên tỉnh.
b) Nhóm 2: Gồm các công trình công cộng có quy mô về diện tích, không gian, kiến trúc tương đối như công viên; các bến xe, tàu, phà liên huyện, liên xã...; các công trình văn hóa thể thao, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thương mại được xây dựng theo quy mô cấp huyện; cầu giao thông nối liền các trục đường chính đô thị cấp huyện, đường khu vực, tuyến giao thông liên xã, liên huyện.
c) Nhóm 3: Gồm các công trình công cộng có quy mô về diện tích, không gian, kiến trúc nhỏ, như các tiểu cảnh công viên; các bến xe, tàu, phà...; các công trình văn hóa thể thao, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thương mại được xây dựng theo quy mô nhỏ hơn nhóm 2; cầu giao thông nông thôn.
XÂY DỰNG VÀ PHÂN NHÓM NGÂN HÀNG TÊN ĐƯỜNG, CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 9. Xây dựng ngân hàng tên đường và công trình công cộng
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện chọn và lập danh mục, tiểu sử, ý nghĩa tên dùng để đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn, gửi về Hội đồng tư vấn tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trên cơ sở đã lấy ý kiến các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các nhà khoa học, chuyên môn.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Hội đồng tư vấn tỉnh để thẩm định danh mục đề nghị đưa vào ngân hàng tên đường, nghiên cứu xác lập ngân hàng tên (danh mục tên được lựa chọn xếp theo vần A, B, C...; phân nhóm) sau khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để lưu trữ, sử dụng phục vụ lâu dài cho công tác đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
3. Vào tháng 3 hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, lập danh mục bổ sung ngân hàng tên đường gửi về cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tiến hành các bước thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 10. Phân nhóm ngân hàng tên đường và công trình công cộng
1. Tên nhóm 1: Bao gồm danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội, địa danh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiêu biểu có tầm ảnh hưởng quốc tế, quốc gia.
2. Tên nhóm 2: Bao gồm danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội, địa danh có ý nghĩa quan trọng, tiêu biểu có tầm ảnh hưởng vùng, miền, khu vực.
3. Tên nhóm 3: Bao gồm danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, địa danh có ý nghĩa quan trọng, tiêu biểu có tầm ảnh hưởng đối với toàn tỉnh.
4. Tên nhóm 4: Bao gồm danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa, xã hội, địa danh có ý nghĩa quan trọng, tiêu biểu có tầm ảnh hưởng đối với từng huyện, thành phố trong tỉnh.
HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 11. Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của tỉnh
Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn) của tỉnh và Tổ Thư ký giúp việc do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
1. Thành phần Hội đồng tư vấn của tỉnh có từ 13 đến 15 thành viên, gồm có: Chủ tịch Hội đồng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Phó Chủ tịch Thường trực; đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng làm Phó Chủ tịch; đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải làm Phó Chủ tịch; mời lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Phó Chủ tịch; các ủy viên của Hội đồng gồm một số nhà khoa học và đại diện lãnh đạo của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
2. Thành phần Tổ Thư ký giúp việc từ 03 đến 05 thành viên, trong đó: Tổ trưởng do đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm và các thành viên là những chuyên viên có kinh nghiệm thuộc các cơ quan có đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng tư vấn.
Điều 12. Hoạt động của Hội đồng tư vấn tỉnh
1. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn thực hiện theo khoản 2, mục V, Thông tư số 36/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ.
2. Phương pháp làm việc của Hội đồng tư vấn:
a) Hội đồng tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số. Khi có ý kiến khác nhau giữa các thành viên Hội đồng, ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng là quyết định cuối cùng; trường hợp Chủ tịch Hội đồng tư vấn vắng mặt thì tiến hành bỏ phiếu và biểu quyết theo đa số;
b) Cuộc họp của Hội đồng tư vấn tỉnh do Chủ tịch Hội đồng triệu tập, chủ trì; Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch thường trực. Cơ quan Thường trực của Hội đồng tư vấn là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị nội dung.
c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan tiếp nhận các hồ sơ đề nghị đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của các đơn vị, địa phương để báo cáo, thông qua Hội đồng tư vấn.
Điều 13. Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng cấp huyện
1. Hội đồng tư vấn cấp huyện và Tổ thư ký giúp việc do Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thành lập theo đề nghị của Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin. Thành phần tương tự như Hội đồng tư vấn của tỉnh; số lượng thành viên của Hội đồng tư vấn có từ 11 đến 13 thành viên, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện là Phó Chủ tịch Thường trực của Hội đồng tư vấn cùng cấp. Tổ Thư ký giúp việc gồm 03 thành viên.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn cấp huyện:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, thị trấn thống kê tên các đường và công trình công cộng đã được đặt tên; khảo sát, phân loại các tuyến đường và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; hướng dẫn các phường, thị trấn thực hiện quy trình đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn cho phù hợp.
b) Nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục ngân hàng tên đường và công trình công cộng, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét.
c) Tổ chức công bố công khai dự kiến đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.
d) Phát hiện những tên đường và công trình công cộng trùng nhau, chưa đúng hoặc chưa hợp lý để tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.
3. Phương pháp làm việc của thành viên Hội đồng tư vấn cấp huyện tương tự như Hội đồng tư vấn của tỉnh.
Điều 14. Bộ máy giúp việc và kinh phí hoạt động
1. Hội đồng tư vấn tỉnh và Hội đồng tư vấn cấp huyện không có bộ máy giúp việc riêng, mỗi thành viên Hội đồng phân công chuyên viên thuộc cơ quan mình tham mưu giúp việc.
2. Kinh phí hoạt động của Hội đồng tư vấn tỉnh và Hội đồng tư vấn cấp huyện được sử dụng trong kinh phí hoạt động của các ngành có nhiệm vụ liên quan đến việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
3. Hàng năm, cơ quan, đơn vị có liên quan lập dự toán kinh phí cho hoạt động này thông qua cơ quan Tài chính để trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
THẨM QUYỀN, QUY TRÌNH, THỦ TỤC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
Điều 15. Thẩm quyền đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng
1. Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đặt tên, đổi tên đường; công trình công cộng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đặt tên, đổi tên đường; công trình công cộng có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng tại khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 7 Quy định này.
b) Quyết định đặt tên, đổi tên các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình công cộng quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đặt tên, đổi tên các công trình công cộng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền về việc đặt tên, đổi tên đường, công trình công cộng và thực hiện gắn biển tên đường, công trình công cộng. Kiểm tra, đôn đốc việc đặt tên các công trình công cộng đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức hữu quan có chức năng trong việc triển khai khảo sát, lập kế hoạch, Đề án đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng ở địa phương.
c) Tổ chức lấy ý kiến của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp, ở xã, phường, thị trấn, nhân dân trên địa bàn và công bố công khai về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của địa phương.
d) Lập hồ sơ đặt tên công trình công cộng và phối hợp với Hội đồng tư vấn tỉnh đối với việc đặt tên công trình công cộng khi được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền quyết định đặt tên.
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện gắn bảng tên đường và công trình công cộng theo quy định.
Điều 16. Quy trình đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy trình:
a) Căn cứ vào quy hoạch phát triển giao thông đô thị trên địa bàn và căn cứ ngân hàng tên đường của tỉnh đã được ban hành để xây dựng kế hoạch hoặc đề án giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến những tuyến đường, công trình công cộng dự định xây dựng, phát triển và các tên gọi sẽ đặt cho các tuyến đường, công trình công cộng đó, đảm bảo phù hợp, tương xứng với quy mô, vị trí.
b) Kế hoạch hoặc đề án dự kiến những tuyến đường, công trình công cộng trên địa bàn sẽ đặt tên phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định (lấy ý kiến nhân dân và các ngành chức năng; xem xét yếu tố phù hợp với quy mô, vị trí, công trạng, tầm ảnh hưởng, ý nghĩa, công bố công khai tại địa phương...) và gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp chung.
c) Lập danh mục đường và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên. Công bố công khai và tổ chức lấy ý kiến về những nội dung đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng ở địa phương theo quy định.
d) Hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng.
đ) Tổ chức thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đối với đường, công trình công cộng thuộc thẩm quyền đặt tên, đổi tên của Hội đồng nhân dân tỉnh:
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp kế hoạch hoặc đề án dự kiến những tuyến đường, công trình công cộng trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ đặt tên để hoàn chỉnh thành kế hoạch đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt và những tuyến đường, công trình công cộng dự định xây dựng, phát triển đã hoàn thành mới triển khai việc đặt tên đường, công trình công cộng theo trình tự, thủ tục quy định.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào kế hoạch đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt, theo phân nhóm đường và công trình công cộng tại Quy định này; căn cứ theo quy mô, cấp độ đường, công trình công cộng để tiến hành thực hiện theo quy trình, đồng thời gửi hồ sơ, thủ tục đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thông qua Hội đồng tư vấn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
3. Việc đặt tên các tuyến đường trong các khu dân cư, khu công nghiệp do chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện theo quy trình; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập hồ sơ, gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
4. Đối với công trình công cộng đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đặt tên:
Hội đồng tư vấn cấp huyện lập quy trình, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tập hợp hồ sơ để trao đổi thống nhất với Hội đồng tư vấn tỉnh trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Điều 17. Hồ sơ đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân mỗi loại 02 bản; thành phần hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng;
b) Báo cáo tổng hợp quy trình, kết quả thực hiện;
c) Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp (kèm theo báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp;
d) Biên bản họp Hội đồng tư vấn tỉnh;
đ) Danh sách tên đường, công trình công cộng đề nghị đặt, đổi tên có tóm tắt tiểu sử, ý nghĩa (thuyết minh) của tên dự kiến đặt cho đường, công trình công cộng;
e) Sơ đồ xác định vị trí cụ thể đường, phố và công trình công cộng dự kiến đặt tên;
g) Dự thảo Tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh (kèm theo file văn bản);
h) Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (kèm theo file văn bản);
i) Các hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
2. Hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mỗi loại 02 bản chính; thành phần hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị đặt tên, đổi tên đường, công trình công cộng;
b) Danh sách đường, công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên có tóm tắt tiểu sử, ý nghĩa (thuyết minh) của tên dự kiến đặt cho đường, công trình công cộng (kèm theo file văn bản);
c) Sơ đồ vị trí tổng thể các tuyến đường, công trình công cộng đề nghị đặt tên, đổi tên (khổ giấy A3);
d) Đề án hoặc Kế hoạch đặt tên, đổi tên đường, công trình công cộng;
đ) Biên bản họp Hội đồng tư vấn của huyện, thành phố;
e) Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan và nhân dân vào những nội dung được lấy ý kiến;
g) Biên bản họp dân nơi các tuyến đường, công trình công cộng đề nghị đặt tên, đổi tên;
h) Các tài liệu khác có liên quan đến yêu cầu về đặt tên, đổi tên đường, công trình công cộng (nếu có).
3. Hồ sơ của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định gồm:
a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn về đặt tên, đổi tên đường, công trình công cộng;
b) Danh sách đường, công trình công cộng cần đặt tên, đổi tên có tóm tắt tiểu sử, ý nghĩa (thuyết minh) của tên dự kiến đặt cho đường, công trình công cộng.
c) Sơ đồ vị trí các tuyến đường, công trình công cộng đề nghị đặt tên, đổi tên có xác định điểm đầu, điểm cuối.
d) Biên bản họp dân nơi các tuyến đường, công trình công cộng đề nghị đặt tên, đổi tên (có sự tham gia của đại diện chính quyền, cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, cán bộ hưu trí).
Điều 18. Gắn biển tên đường và công trình công cộng
1. Căn cứ quyết định đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng của cấp có thẩm quyền có hiệu lực; trong thời hạn 30 ngày, Ủy ban nhân dân cấp huyện và chủ đầu tư công trình công cộng thực hiện việc gắn biển tên, đồng thời phải công bố và phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết.
2. Quy cách biển tên đường: Thực hiện theo quy định tại mục VII Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.
Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan
1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức liên quan triển khai và hướng dẫn tổ chức thực hiện Quy định này và những quy định khác của pháp luật có liên quan về đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.
2. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các nhà khoa học, chuyên môn có quyền gửi văn bản đề xuất việc đặt mới và sửa đổi tên đường, công trình công cộng đến cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn tỉnh, huyện, đồng thời có trách nhiệm phối hợp cung cấp tư liệu về các nhân vật, sự kiện, địa danh.
Trong quá trình triển khai và thực hiện Quy định, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.