ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2006/QĐ-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 16 tháng 02 năm 2006 |
ỦY BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004;
Căn cứ Quyết định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 09/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 191/2006/TTLT-TTCP-BNV-BTC ngày 19/01/2006 của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 202/2005/QĐ-TTg ngày 09/08/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên và Thông tư liên tịch số 105/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 03/10/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 36/TTr-SNV ngày 20/01/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương (có Quy định kèm theo).
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM THEO NGHỀ ĐỐI VỚI THANH TRA
VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 44/2006/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2006
của Uỷ ban nhân dân tỉnh)
Để triển khai thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định tạm thời như sau:
I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi áp dụng
Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên được áp dụng đối với cán bộ, công chức thuộc chỉ tiêu biên chế (Trung ương, địa phương) được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc tại các cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính và cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Thanh tra, bao gồm:
- Thanh tra tỉnh;
- Thanh tra các huyện, thị xã Thủ Dầu Một;
- Thanh tra các Sở, Ban, Ngành.
2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan thanh tra quy định tại điểm 1 nêu trên được hưởng phụ cấp này bao gồm:
- Cán bộ, công chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra gồm: thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp.
- Cán bộ, công chức chưa được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra nhưng được bố trí làm các công tác sau:
+ Trực tiếp làm công tác thanh tra tại các cơ quan, đơn vị.
+ Người được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng để bố trí làm công tác thanh tra đang trong thời gian tập sự, thử việc, kể cả công chức dự bị.
3. Đối tượng không áp dụng
Phụ cấp trách nhiệm Thanh tra viên theo hướng dẫn tại văn bản này không áp dụng đối với:
- Những người được giao nhiệm vụ làm công tác thanh tra trong các Ban thanh tra nhân dân ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
- Cộng tác viên thanh tra theo qui định của Luật Thanh tra.
- Nhân viên văn thư, lưu trữ, lái xe, thủ quỹ, kế toán, tạp vụ...làm việc trong các cơ quan thanh tra.
II. MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH TRẢ PHỤ CẤP
1. Mức phụ cấp được hưởng
Cán bộ, công chức thuộc phạm vi và đối tượng quy định tại điểm 1 và 2 của Phần I nêu trên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra như sau:
a) Đối với cán bộ, công chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra
Cán bộ, công chức xếp lương theo các ngạch Thanh tra viên được áp dụng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra theo các mức qui định như sau:
- Thanh tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Thanh tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Thanh tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 25% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
b) Đối với cán bộ, công chức chưa được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra
- Cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thanh tra:
+ Ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 10% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
+ Ngạch chuyên viên chính và tương đương được hưởng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
+ Ngạch chuyên viên và tương đương được hưởng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
+ Ngạch cán sự và tương đương trở xuống được hưởng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Người được cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng để bố trí làm công tác thanh tra đang trong thời gian tập sự, thử việc, kể cả công chức dự bị được hưởng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng.
Các mức phụ cấp áp dụng đối với cán bộ, công chức chưa được bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra nêu trên sẽ được xem xét điều chỉnh khi đủ điều kiện bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên.
2. Cách tính trả phụ cấp
Phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra được tính theo công thức sau:
Mức phụ cấp Mức lương Mức phụ cấp Mức phụ cấp Tỉ lệ %
trách nhiệm = cơ bản + chức vụ lãnh đạo + thâm niên vượt x phụ cấp
Thanh tra viên hiện hưởng (nếu có) khung (nếu có) được hưởng
- Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao hơn (nâng ngạch) mà tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra ở ngạch mới được bổ nhiệm thấp hơn tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đã hưởng ở ngạch cũ thì được bảo lưu phần chênh lệch giữa tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đã hưởng ở ngạch cũ so với tổng mức tiền lương cộng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra ở ngạch mới cho đến khi được nâng bậc lương liền kề ở ngạch mới được bổ nhiệm.
- Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hôi.
- Đối tượng nêu tại điểm 2, phần I của Quy định này không được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra trong các trường hợp sau:
+ Miễn nhiệm, nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ việc hoặc được thuyên chuyển, điều động sang cơ quan khác không thuộc cơ quan Thanh tra;
+ Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo qui định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
+ Thời gian đi học trong nước từ 03 tháng liên tục trở lên;
+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 01 tháng liên tục trở lên;
+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo qui định tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội hiện hành của Nhà nước;
+ Thời gian bị đình chỉ công tác.
- Phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên được hưởng từ tháng 09/2005.
- Nguồn kinh phí chi trả:
+ Từ tháng 9/2005 đến tháng 12/2006: Phụ cấp Thanh tra viên được chi trả từ nguồn chi cải cách tiền lương.
+ Từ năm 2007: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra đối với Thanh tra viên được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo qui định của Luật Ngân sách nhà nước.
- Mẫu biểu xét duyệt:
Danh sách cán bộ, công chức được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên được lập theo mẫu hiện hành đang áp dụng để đăng ký như các chế độ phụ cấp khác.
- Danh sách cán bộ, công chức được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên của các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, các cơ quan, đơn vị đề nghị gửi về Sở Nội vụ để xét duyệt trước khi gửi đến cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước cấp phát. Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một cần phải có xác nhận của cơ quan chủ quản trước khi gửi về Sở Nội vụ. Trường hợp cán bộ, công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra nhưng được cấp có thẩm quyền bố trí trực tiếp làm công tác thanh tra chuyên trách tại các cơ quan, đơn vị, khi xét duyệt cần gửi đính kèm Quyết định bổ nhiệm chức vụ (Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra) hoặc Quyết định phân công, bố trí công việc của cấp có thẩm quyền để làm căn cứ xét duyệt.
Căn cứ hướng dẫn tại văn bản này, Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo giải quyết đúng đối tượng, đúng chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một phản ảnh về Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh để nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.