ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 425/QĐ-UBND |
Bình Phước, ngày 29 tháng 02 năm 2016 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định số 1231/2012/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015;
- Căn cứ Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
Căn cứ Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Dự án “nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 199/TTr-SCT ngày 02/02/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025”, với các nội dung cụ thể như sau:
1. Tên Đề án: Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025.
2. Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương tỉnh Bình Phước.
3.1. Mục tiêu chung:
- Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và phát triển bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; kết hợp phát triển mô hình tăng trưởng xanh, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Đẩy nhanh tốc độ phát triển Doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là DNCNNVV) về số lượng và chất lượng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thành lập nhiều DNCNNVV, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
- Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng cường hỗ trợ các DNCNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thu hút vốn đầu tư cho phát triển, giải quyết việc làm và đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các DNCNNVV tiếp cận các nguồn lực sản xuất bao gồm: Mặt bằng sản xuất, vay vốn tín dụng, nguồn lao động chất lượng cao, hỗ trợ đổi mới công nghệ và kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin các dịch vụ phát triển kinh doanh khác,...
3.2. Mục tiêu cụ thể: Mục tiêu cụ thể phát triển DNCNNVV trong giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 như sau:
a) Các chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp và đóng góp của DNCNNVV:
- Tốc độ phát triển của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2010 - 2015 là 13,82% và giai đoạn 2015-2020 là 15%/năm.
- Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân khoảng 20%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 85%.
- Đến năm 2025: 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn và chất thải nguy hại được xử lý, thu gom.
b) Các chỉ tiêu hỗ trợ của Nhà nước đối với DNCNNVV:
- Hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng và đầu tư hoàn chỉnh các cụm công nghiệp, cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn.
- Hỗ trợ trên 40% DNCNNVV tiếp cận mặt bằng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, cụm ngành nghề công nghiệp nông thôn.
- Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm.
- Đào tạo nâng cao trình độ quản trị kinh doanh cho khoảng 400 chủ doanh nghiệp và nhân sự quản lý doanh nghiệp (80 lớp).
- Đến năm 2020: Lao động trong các DNCNNVV đã qua đào tạo đạt trên 65%.
- Trên 30% số DNCNNVV được hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và 100% số DNCNNVV được hỗ trợ cung cấp thông tin.
- Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 700 DNCNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, dệt may - da giầy.
4. Giải pháp phát triển DNCNNVV giai đoạn 2015 -2020 và định hướng đến năm 2025:
4.1 Giải pháp phát triển DNCNNVV thuộc nhóm ngành công nghiệp chủ lực:
* Phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: Công nghiệp chế biến; vật liệu xây dựng cao cấp; xi măng và linker; điện tử; may mặc, da, dệt nhuộm; cơ khí chế tạo, thiết bị, phụ tùng và sửa chữa:
a) Công nghiệp chế biến sản phẩm điều:
- Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước như khuyến khích doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP. Thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất như: Công nghệ bảo quản, công nghệ hấp, cơ giới hóa khâu bóc vỏ lụa, phân loại... Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đẩy nhanh chế biến các sản phẩm từ dầu vỏ hạt điều, bánh kẹo điều, các sản phẩm từ gỗ điều, chất đốt... nhằm nâng cao giá trị cho cây điều.
- Tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hoàn thiện hệ thống kênh tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi, kết nối chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi và hạn chế các tác nhân trung gian trong chuỗi; khuyến khích các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng để từ đó doanh nghiệp thể hiện được vai trò chủ đạo trong việc định hướng sản phẩm và nhu cầu thị trường, điều phối và dẫn dắt các tác nhân tham gia chuỗi nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và của thị trường.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu, gắn các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu, hình thành mạng lưới thu mua trực tiếp tại các vùng nguyên liệu tập trung, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
- Thực hiện các cơ chế chính sách tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, kết nối liên kết ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra các giải pháp tài chính an toàn cho doanh nghiệp,...
b) Công nghiệp chế biến sản phẩm cao su:
Tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu chế biến, đặc biệt là công nghệ xử lý môi trường trong chế biến mủ cao su; những nghiên cứu, ứng dụng sản xuất chế biến các sản phẩm cao su sau mủ thô thành phẩm, các sản phẩm phụ để nâng cao giá trị của ngành cao su; khuyến khích phát triển và xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng giải pháp xử lý, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và mặt bằng sản xuất; tổ chức xây dựng kênh thu mua thông qua liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến với thương lái hoặc doanh nghiệp hoạt động thu mua, giảm chi phí trung gian...
c) Công nghiệp sản xuất sản phẩm xi măng, clinker và vật liệu xây dựng:
Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phải đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở sản xuất VLXD như nhà máy xi măng, các nhà máy sản xuất gạch xây, gạch men, gốm sứ... trên địa bàn và một phần đáp ứng nhu cầu của các địa phương khác. Ưu tiên phát triển theo hướng lựa chọn quy mô công suất thích hợp, công nghệ tiên tiến; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất thủ công, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
d) Công nghiệp chế biến gỗ:
Định hướng sản phẩm khuyến khích đầu tư phát triển các nhà máy chế biến với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu tại chỗ để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
* Giải pháp chủ yếu hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực:
- Các sở, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới.
- Định kỳ tổ chức giao ban, nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền, tổng hợp báo cáo kiến nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
- Tăng cường việc tổ chức cho doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, tham gia hội chợ triển lãm, giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường. Mặt khác nhằm phân phối, trao đổi về nhu cầu thị trường, gắn sản xuất với phục vụ tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Hỗ trợ phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp.
- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá nhằm tôn vinh, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh cho các doanh nghiệp tham gia.
- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử thông qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao trình độ và nhận thức về ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giao dịch trực tuyến trên sàn thương mại điện tử nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, xuất khẩu và quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
4.2. Giải pháp phát triển DNCNNVV thuộc nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ:
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho mỗi chuyên ngành phải phù hợp với những đặc thù riêng của từng chuyên ngành và đặc thù của địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, có sự liên kết trong sản xuất với các doanh nghiệp lớn, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước, khu vực và quốc tế. Ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Bình Phước theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, điện - điện tử, dệt may - giày da cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành công nghiệp cơ khí, điện - điện tử, dệt may - giày da trên toàn tỉnh.
- Tạo điều kiện cho các DNCNNVV có cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ; hợp tác triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện công tác cung cấp, trao đổi thông tin về tình hình đầu tư, cơ chế chính sách, các hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển công nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc quy hoạch công nghiệp địa phương, xây dựng cơ chế chính sách mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.
5. Chính sách hỗ trợ DNCNNVV giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025:
5.1. Tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các DNCNNVV:
Để tháo gỡ khó khăn mặt bằng sản xuất cho các DNCNNVV, cần tập trung vào tháo gỡ vướng mắc khó khăn về chính sách, thủ tục giao đất sản xuất cho chủ đầu tư hạ tầng để triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp dành cho các DNCNNVV. Đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng cụm công nghiệp đối với các DNCNNVV.
Cụ thể:
- Giá đất dùng cho sản xuất kinh doanh được tính bằng 50% giá đất ở cùng loại.
- Miễn giảm tiền thuê đất: 03 (ba) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư; 07 (bảy) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; 11 (mười một) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 15 (mười lăm) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Được giảm 70% tiền sử dụng đất trong trường hợp: Nhà đầu tư có dự án đầu tư nông nghiệp ưu đãi đầu tư.
5.2. Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính cho DNCNNVV:
Nhà nước có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn này gặp nhiều trở ngại do giá trị thế chấp nhỏ, không có khả năng bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trước hết các DNCNNVV cần phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để nắm và hiểu rõ tính năng, tiện ích của các sản phẩm dịch vụ cũng như cách thức tiếp cận và sử dụng các dịch vụ mà các ngân hàng cung ứng. Để trợ giúp các DNCNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tập trung một số giải pháp sau:
- Đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNCNNVV vay vốn tại các ngân hàng thương mại thông qua bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các chi nhánh tại các địa phương theo Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường đào tạo hỗ trợ các DNCNNVV nâng cao năng lực lập dự án đầu tư, phương án kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp.
- Liên kết các doanh nghiệp để tăng khả năng về vốn bằng nhiều hình thức như: Cổ phần, công ty nhiều thành viên, phát hành trái phiếu, tín phiếu,... từ đó có thể thực hiện các đơn đặt hàng lớn và tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng dễ dàng hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động trong việc xây dựng dự án, phương án đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ và con người.
5.3. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNCNNVV:
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp về đổi mới khoa học và công nghệ, cụ thể:
- Tổ chức đào tạo tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nhất là lao động có tay nghề cao, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thiết kế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực lãnh đạo cho chủ doanh nghiệp.
- Phổ biến, thông tin kịp thời cơ chế chính sách hiện hành của nhà nước nhằm tạo điều kiện doanh nghiệp sớm tiếp cận các chính sách, cơ chế hỗ trợ.
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
- Tăng cường việc sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị mới tiên tiến trước khi ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp với các sản phẩm công nghiệp chủ lực; sản xuất thử nghiệm nhằm sản xuất ra các nguyên liệu, phụ liệu thay thế hàng nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.
- Tạo môi trường gắn kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức và cá nhân nhà khoa học, các tổ chức khoa học, Viện, Trường, cơ quan nghiên cứu nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: Thường xuyên rà soát đề xuất loại bỏ những thủ tục hành chính còn rườm rà, công khai, minh bạch trên website của các sở, ngành và trang tin điện tử của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp.
- Hàng năm các sở, ngành căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và ngân sách tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
5.4. Đẩy mạnh trợ giúp DNCNNVV đổi mới nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật:
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DNCNNVV ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực công nghệ và chuyển giao công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Trong giai đoạn 2015-2020, tập trung hỗ trợ khoa học và công nghệ cho DNCNNVV theo Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, bao gồm các hoạt động hỗ trợ sau:
- Hỗ trợ xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa, cải tiến chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm với chất lượng tốt hơn.
- Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, cải tiến và phát triển máy móc, kỹ thuật trong sản xuất; tổ chức liên kết, hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, khai thác, chế biến...
Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể cho các DNCNNVV được áp dụng theo Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Dự án “nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015”
Nguồn kinh phí hỗ trợ khoa học công nghệ cho các DNCNNVV được lồng ghép vào chương trình hỗ trợ khoa học công nghệ của tỉnh, bao gồm nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh; nguồn hỗ trợ của Trung ương từ các chương trình quốc gia.
5.5. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho các DNCNNVV:
Hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNCNNVV trong giai đoạn 2015-2020 sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:
- Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp đào tạo các chủ doanh nghiệp và nhân sự quản lý DNCNNVV theo Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNCNNVV. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về kỹ năng quản trị công nghệ, kỹ năng quản lý điều hành doanh nghiệp; khởi sự doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng trong quy trình sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước, quốc tế ...
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động, truyền nghề mới về địa phương cho đối tượng lao động ở nông thôn để bổ sung nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động trong công nghiệp.
- Tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động theo các đề án, chương trình phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là lao động kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp, nhất là đáp ứng nhu cầu của các DNCNNVV, đây là đối tượng khó thu hút được nguồn lao động trình độ cao.
- Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Bình Phước và các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo: Trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các tổ chức dịch vụ có chức năng đào tạo hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho các DNCNNVV.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy. Đầu tư xây dựng, nâng cấp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DNCNNVV.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu lao động của các DNCNNVV; thu thập, xử lý, phân tích dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề, lĩnh vực; kết nối cung cầu lao động thông qua các hệ thống giao dịch việc làm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
- Nguồn kinh phí trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNCNNVV được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của tỉnh trong giai đoạn 2015-2020, cụ thể như sau:
+ Kinh phí trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNCNNVV; Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNCNNVV. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và các DNCNNVV, cá nhân tham gia đào tạo đóng góp một phần kinh phí.
+ Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Mức hỗ trợ được quy định tại Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 27/5/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập kế hoạch.
5.6. Hỗ trợ các DNCNNVV xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:
- Trên cơ sở chương trình xúc tiến thương mại chung, quy định tỷ lệ tối thiểu số lượng các DNCNNVV tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường phù hợp với từng đối tượng DNCNNVV.
- Phát huy vai trò của các cơ quan xúc tiến thương mại, các cơ quan làm công tác đối ngoại, các Hiệp hội ngành nghề trong việc phối hợp hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DNCNNVV tham gia các đoàn công tác xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh để nghiên cứu thị trường, tìm bạn hàng và các hoạt động quảng bá nhãn hiệu, sản phẩm,...
- Tăng cường kinh phí hỗ trợ các DNCNNVV trong hoạt động xúc tiến thương mại như sau: Hỗ trợ giới thiệu và sản phẩm miễn phí trên cổng thương mại điện tử; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; các hội nghị, hội thảo, tạo điều kiện cho DNCNNVV liên kết với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn kinh phí hỗ trợ các DNCNNVV xúc tiến thương mại mở rộng thị trường được lồng ghép trong chương trình xúc tiến thương mại của kế hoạch hàng năm, 5 năm của tỉnh.
5.7. Hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho các DNCNNVV:
Trong giai đoạn 2015-2020, tập trung xây dựng hệ thống thu thập và xử lý thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNCNNVV nói riêng, cụ thể:
- Đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn bản pháp luật của nhà nước, thông tin thị trường, khoa học công nghệ và các thông tin chuyên ngành khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tạp chí chuyên ngành, các trang thông tin điện tử của tỉnh và của trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNCNNVV dễ dàng tiếp cận thông tin phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đầu tư nâng cao chất lượng cung cấp thông tin của các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ đăng tải thông tin doanh nghiệp, các sản phẩm, chào bán, giao tiếp với các cơ quan nhà nước, tìm kiếm việc làm và các chức năng hữu ích khác... Đồng thời, là nơi chia sẻ dữ liệu sẵn có của địa phương, giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có khả năng tiếp cận, giao thương trong nước và quốc tế. Hình thành chuyên mục “Doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa“ trên các trang thông tin điện tử của địa phương nhằm trợ giúp thông tin sát với nhu cầu của các DNCNNVV.
- Xây dựng chương trình, chính sách, định hướng phát triển DNCNNVV, văn bản hướng dẫn thực hiện quy định của Nhà nước về trợ giúp phát triển DNCNNVV, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Thực hiện các hoạt động trợ giúp DNCNNVV: Tài chính, mặt bằng sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; cung ứng dịch vụ công.
- Cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp; các chương trình hỗ trợ quốc gia và của địa phương; thông tin dự báo về thị trường trong và ngoài nước để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tham gia tích cực chủ động vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Tư vấn hồ sơ, thủ tục về việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký dự án đầu tư; tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu để phát triển các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; tổ chức xuất bản, in ấn, phát hành các ấn phẩm phục vụ cho hoạt động trợ giúp doanh nghiệp.
Nguồn kinh phí hỗ trợ thông tin cho các DNCNNVV được lồng ghép trong các chương trình hỗ trợ thông tin của các kế hoạch hàng năm, 5 năm của tỉnh.
5.8. Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng cường liên kết DNCNNVV với các doanh nghiệp lớn:
- Khuyến khích các doanh nghiệp lớn hình thành hệ thống vệ tinh bao gồm các mối liên kết dọc hay ngang trong quá trình sản xuất, hay trong bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư, máy móc thiết bị... Mối quan hệ đó thể hiện sự phân công chuyên môn hóa giữa DNCNNVV và doanh nghiệp lớn sao cho hiệu quả, đó là các DNCNNVV vừa góp phần tạo đầu vào vừa góp phần tiêu thụ đầu ra của doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp lớn hỗ trợ DNCNNVV đào tạo tay nghề, trao đổi thông tin, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
- Phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị, hình thành các cụm liên kết doanh nghiệp theo ngành nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm. Thông qua phát triển cụm liên kết, các thông tin được lan tỏa nhanh hơn, tạo sự chuyên môn hóa và phân công lao động giữa các doanh nghiệp đồng thời thị trường lao động ngành nghề được phát triển.
- Tăng cường sự hợp tác liên kết trong sản xuất - kinh doanh giữa các DNCNNVV với các doanh nghiệp lớn để hợp tác sản xuất linh kiện, phụ tùng,... nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNCNNVV.
- Nâng cao tính hợp tác, liên kết giữa các DNCNNVV thông qua hình thành các hiệp hội ngành nghề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế. Nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi thành lập các hiệp hội ngành nghề của các DNCNNVV và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức nghề nghiệp này để bảo vệ quyền lợi của chính các doanh nghiệp. Đồng thời, để các DNCNNVV có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, và cung cấp thông tin.
- Hỗ trợ các DNCNNVV đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục theo quy định của Chính phủ sẽ được hưởng các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Thông tư số 96/2011/TT-BTC ngày 7/4/2011 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN ngày 31/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 17/5/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
5.9. Tăng cường hỗ trợ cho các DNCNNVV công nghiệp nông thôn:
- Các DNCNNVV nông thôn thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công quy định các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
- Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT ngày 18/2/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Công Thương về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
5.10. Hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNCNNVV:
Tập trung tháo gỡ các khó khăn hạn chế sự gia nhập thị trường của DNCNNVV, xây dựng môi trường thể chế minh bạch và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thông qua một số giải pháp như sau:
- Tiếp tục thực hiện tốt và rà soát, cải tiến thủ tục hành chính theo hướng chủ động phục vụ doanh nghiệp, đảm bảo nhanh gọn và thuận lợi cho các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và đăng ký kinh doanh cũng như các thủ tục khác về đăng ký kê khai, thủ tục thuế, thủ tục hải quan ...
- Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
- Xây dựng nền hành chính minh bạch, trong sạch, công khai, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng thân thiện hơn với doanh nghiệp, tổ chức và thường xuyên duy trì đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp qua đó có thể nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp có thể nhận được các tham vấn về các thủ tục một cách nhanh nhất.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân là cốt lõi để thực hiện cải cách thủ tục hành chính thành công, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế.
6. Kế hoạch và kinh phí thực hiện:
Nội dung các hoạt động chủ yếu của đề án |
Cơ quan chủ trì triển khai thực hiện |
Kinh phí thực hiện đến năm 2025 (triệu đồng) |
Thời gian thực hiện |
||
Ngân sách |
Doanh nghiệp |
Tổng số |
|||
Hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. |
Sở Công Thương, các huyện thị, đơn vị đầu tư |
20.000 |
40.000 |
60.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ khoa học và - công nghệ; bảo hộ sở hữu trí tuệ và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến |
Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương |
20.000 |
|
20.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho DNCNNVV theo Thông tư số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 |
Sở KH&ĐT (TT trợ giúp phát triển DNNVV) |
2,000 |
2.000 |
4.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ DNCNNVV xúc tiến thương mại mở rộng thị trường |
Sở Công Thương, TTXTĐT, TM&DL |
20.000 |
|
20.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn cho các DNCNNVV |
Sở Công Thương và các sở, ngành |
4.000 |
|
4.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ phát triển DNCNNVV theo chính sách khuyến công |
Sở Công Thương (TTKC) |
40.000 |
40.000 |
80.000 |
2016-2020 |
Điều tra khảo sát đánh giá tác động của các chính sách đối với DNCNNVV, những khó khăn vướng mắc; kiến nghị nhà nước điều chỉnh chính sách cho phù hợp |
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan |
2.000 |
|
2.000 |
2016-2020 |
Hỗ trợ các DNCNNVV phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. |
Sở Công Thương và các sở, ngành |
20.000 |
|
20.000 |
2016-2020 |
Điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại các DNCNNVV và quy hoạch cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu DN. |
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
2.000 |
|
2.000 |
2016-2017 |
Tổng cộng: |
|
130.000 |
82.000 |
212.000 |
|
Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, đồng thời đưa vào kế hoạch ngân sách hàng năm để trình duyệt.
7.1. Sở Công Thương:
- Sở Công Thương là đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án; báo cáo UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án cho UBND tỉnh.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp, từ đó thông tin rộng rãi cho doanh nghiệp để có cơ sở đầu tư, di dời, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho DNCNNVV.
- Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại hàng năm, trong đó ưu tiên cân đối kinh phí hỗ trợ cho các DNCNNVV; tích cực quảng bá sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ và hướng dẫn các DNCNNVV áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.
7.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNCNNVV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính về hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNCNNVV.
7.3. Sở Nội vụ, Sở Tư pháp:
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNCNNVV phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
7.4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Theo dõi, kiểm tra, đề xuất các biện pháp để quản lý có hiệu quả các hoạt động của doanh nghiệp đảm bảo các quy định về môi trường.
7.5. Sở Tài chính:
Căn cứ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tình hình thực tế của địa phương, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ các DNCNNVV.
7.6. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát các quy định pháp lý về các chính sách hỗ trợ DNCNNVV trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ DNCNNVV trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề truyền thống, thay thế dần công nghệ lạc hậu sang ứng dụng công nghệ tiên tiến.
7.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án ngành nông nghiệp, quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại.
7.8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đặc biệt là nhu cầu lao động của các DNCNNVV; thu thập, xử lý phân tích dự báo, quản lý và cung cấp thông tin thị trường lao động theo các cấp trình độ, các ngành nghề, lĩnh vực; chủ động hợp tác trong cung ứng lao động với các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có nhu cầu; thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm, góp phần kết nối cung cầu lao động.
- Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động đã qua đào tạo nói chung và cho doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
7.9. Ban quản lý Khu kinh tế:
- Thực hiện hiệu quả Quyết định số 23/2013/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ theo cơ chế “Một cửa liên thông” trong các KCN, KKTCK; công khai bộ thủ tục hành chính, ngành nghề thu hút đầu tư, chính sách thu hút đầu tư kêu gọi doanh nghiệp.
- Phối hợp Sở Công Thương tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn vướng mắc của các doanh công nghiệp nhỏ và vừa trong các khu công nghiệp trình UBND tỉnh để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp.
7.10. Cục Thuế tỉnh:
- Thực hiện công khai thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện “Một cửa liên thông” trong việc đăng ký mã số thuế với thành lập doanh nghiệp và phối hợp cùng Cục hải quan tỉnh về áp dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động gọi tắt là Hệ thống VNACCS và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ gọi tắt là Hệ thống VCIS).
- Kịp thời triển khai các văn bản có liên quan đến các chính sách thuế hiện hành và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.
7.11. Cục Thống kê:
- Phối hợp Sở Công Thương tiến hành phân loại DNCNNVV theo quy mô và ngành nghề hoạt động chính theo Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và tiến hành công bố thông tin khác có liên quan.
- Hàng quý báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa nhằm phục vụ cho công tác tổng kết đánh giá tình hình phát triển DNCNNVV, những khó khăn vướng mắc để đề xuất kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết.
7.12. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước:
Hướng dẫn các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai cơ chế bảo lãnh cho DNCNNVV vay vốn theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011; tư vấn, hướng dẫn lập dự án cho doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu vay vốn tín dụng.
7.13. Các Hiệp hội, ngành nghề:
Phát huy vai trò của Hiệp hội, ngành nghề nhằm hỗ trợ tích cực cho các hội viên liên kết nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh cho các DNCNNVV trong hiệp hội.
7.14. UBND các huyện, thị xã:
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan trong việc triển khai thực hiện các đề án trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm phù hợp với địa phương.
- Phối hợp triển khai phát triển các cụm công nghiệp và chính sách để tạo điều kiện cho các DNCNNVV vào hoạt động sản xuất.
Điều 2. Sau khi Đề án “Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành và tổ chức thực hiện theo các nội dung tại Điều 1 Quyết định này.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.