ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4242/QĐ-UBND |
Đà Nẵng, ngày 10 tháng 6 năm 2015 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Hiệp định vay phụ ngày 07 tháng 6 năm 2011 giữa Bộ Tài chính và UBND thành phố Đà Nẵng về việc sử dụng khoản tín dụng số 4402-VN của Hiệp hội phát triển Quốc tế;
Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 342/TTr-STC ngày 23/4/2015 và ý kiến của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tại Công văn số 140/BTV-KT ngày 04/5/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Điều 2. Hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Điều lệ này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2011 và Quyết định số 5187/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2013 của UBND thành phố về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2138/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2011 của UBND thành phố Đà Nẵng về phê duyệt Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ HỖ
TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4242 /QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của UBND
thành phố Đà Nẵng)
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (sau đây gọi tắt là Quỹ) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mục tiêu và hoạt động của Quỹ.
Điều 2. Tên gọi, trụ sở làm việc và địa vị pháp lý của Quỹ
1. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (sau đây gọi tắt là Quỹ) là tổ chức tài chính, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng được thành lập theo Quyết định số 2137/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2011 của UBND thành phố Đà Nẵng.
2. Trụ sở của Quỹ đặt tại trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, số 01 đường Pasteur, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
3. Quỹ có tên giao dịch quốc tế: Capital Aid Fund for Women in Development
4. Quỹ được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng (đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp), ngân hàng thương mại thành lập, hoạt động tại Việt Nam để giao dịch và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định pháp luật.
5. Quỹ chịu sự chỉ đạo của UBND thành phố, chịu sự quản lý trực tiếp của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát của Sở Tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 3. Mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ
1. Quỹ hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần đẩy mạnh phong trào của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và thực hiện chủ trương giảm nghèo của UBND thành phố Đà Nẵng.
2. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; bảo toàn, phát triển vốn; tuân thủ các quy định về nghiệp vụ tài chính, tín dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ
1. Tổ chức vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ, nguồn vốn góp ưu đãi, nguồn
vốn ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ hợp pháp cho Quỹ bằng hình thức không hoàn lại hoặc hoàn lại một phần nhằm phát triển nguồn vốn của Quỹ. Quỹ không được huy động vốn và vay vốn dưới hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, vay thương mại của các tổ chức, cá nhân như hoạt động của các tổ chức tín dụng.
2. Hỗ trợ vốn cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thu nhập thấp có điều kiện cải tạo nhà ở và công trình vệ sinh, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo, giảm tình trạng thất nghiệp do thiếu vốn. Quỹ được thu phí trên số vốn vay trợ giúp phụ nữ nhưng không được sử dụng nguồn vốn hoạt động để thực hiện các mục đích kinh doanh tiền tệ.
3. Quản lý, bảo toàn và phát triển nguồn vốn đúng theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ.
4. Thực hiện chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước, pháp luật về tài chính.
5. Lưu trữ và công khai hồ sơ, chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của Quỹ, Nghị quyết, Quyết định, biên bản về hoạt động của Quỹ theo quy định pháp luật.
6. Định kỳ hàng năm, hàng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, Quỹ nộp báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động và báo cáo tài chính cho UBND thành phố, Sở Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
7. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quỹ hoạt động trong phạm vi thành phố Đà Nẵng theo mạng lưới phù hợp với điều kiện hoạt động của Quỹ và hệ thống tổ chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
Điều 6. Đối tượng, điều kiện vay vốn tại Quỹ
1. Đối tượng được hỗ trợ vay vốn tại Quỹ gồm:
- Phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ gặp rủi ro, bất trắc trong cuộc sống, phụ nữ kinh doanh tại hộ gia đình.
- Nữ chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ đang sinh sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình.
2. Các đối tượng được vay vốn tại Quỹ phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Trên 18 tuổi;
- Có đầy đủ năng lực pháp lý; có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương liên tục trong 24 tháng vừa qua;
- Có khả năng lao động, tạo việc làm nhưng thiếu vốn;
- Có phương án sử dụng vốn vay khả thi, có điều kiện hoàn trả vốn vay và cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả;
- Mỗi hộ gia đình chỉ được một người tham gia vay vốn và được Hội phụ nữ xã, phường giới thiệu và bảo lãnh;
- Không có tệ nạn xã hội hay buôn bán các loại hàng hoá phi pháp; không bị truy tố, khởi tố do vi phạm các quy định của pháp luật;
- Không nợ nần dây dưa các nguồn vốn khác do Hội và địa phương tín chấp; không có lịch sử hoàn trả nợ xấu;
- Tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm do Quỹ thành lập; cam kết thực hiện các quy chế, quy định của nhóm và Điều lệ của Quỹ, tích cực tham gia hoạt động Hội hoặc sinh hoạt cộng đồng ở địa phương.
Điều 7. Mức vốn và thời hạn cho vay
1. Áp dụng mức vốn cho vay hỗ trợ linh hoạt, tối đa đối với mỗi đối tượng phụ nữ xin vay vốn, đại diện một hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).
2. Thời hạn vay vốn: Tùy theo quy mô khoản vay và khả năng tạo thu nhập, thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng.
Điều 8. Mục đích, phương thức hỗ trợ cho vay vốn
1. Mục đích vay vốn:
- Phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập;
- Sửa chữa nhà ở
- Xây dựng, sửa chữa công trình vệ sinh.
2. Phương thức hỗ trợ cho vay vốn:
- Hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ vay tín chấp thông qua Hội phụ nữ xã, phường và nhóm tín dụng tiết kiệm bảo lãnh;
- Người vay vốn được thông tin về vốn vay, mục tiêu, nội dung hoạt động, các nguyên tắc hoạt động tín dụng trước khi tự quyết định lập hồ sơ vay vốn;
- Người vay vốn tự xác định nhu cầu tín dụng, mục đích sử dụng vốn, tự nguyện tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm;
- Nhóm tín dụng tiết kiệm được thành lập để quản lý hoạt động tín dụng tiết kiệm và được Hội Phụ nữ xã, phường công nhận;
- Phương pháp cho vay linh hoạt; giải ngân trực tiếp cho hộ vay, đối tượng vay vốn với sự phối hợp của Hội phụ nữ xã, phường.
1. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển được thu phí trên số vốn cho vay trợ giúp phụ nữ. Mức thu phí sử dụng vốn vay được xác định trên nguyên tắc bảo đảm trang trải các chi phí cần thiết cho hoạt động của quỹ (gồm lãi phải trả cho các tổ chức, cá nhân tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi (nếu có), chi lương, phụ cấp trách nhiệm, công tác phí, văn phòng phẩm và các chi phí cần thiết khác cho hoạt động của Quỹ).
2. Mức phí cho vay do UBND thành phố quy định từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và ý kiến tham mưu của Sở Tài chính.
1. Gửi tiết kiệm là một trong những biện pháp để đảm bảo tiền vay, chỉ áp dụng
đối với người được hỗ trợ vay vốn. Khoản tiền tiết kiệm của người vay vốn được xem như là khoản ký quỹ, được sử dụng để đối phó với những rủi ro không thu hồi được nợ vay. Các thành viên vay vốn sẽ gửi tiền tiết kiệm bắt buộc ngay từ tháng thứ nhất của chu kỳ vay.
2. Mức tiết kiệm bắt buộc hàng tháng từ 0,2 - 0,4% số vốn vay.
3. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tương đương với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng tại các ngân hàng thương mại.
4. Người gửi tiết kiệm không được rút tiền tiết kiệm khi đang trong chu kỳ vay. Cuối chu kỳ vay, người gửi tiết kiệm sẽ được rút toàn bộ tiền tiết kiệm đã gửi và lãi tiết kiệm. Trường hợp người vay vốn gặp khó khăn không thể tiếp tục trả nợ và có số tiền tiết kiệm đã gửi cao hơn hoặc bằng dư nợ vốn vay còn lại, Quỹ có thể chuyển số tiền tiết kiệm đã gửi sang trả nợ (bù trừ) vốn gốc còn lại của người vay vốn, người vay vốn sẽ được rút số tiền tiết kiệm còn lại (nếu có).
Điều 11. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Quỹ
1. Hội đồng quản lý Quỹ
a) Cơ cấu tổ chức
Hội đồng quản lý Quỹ có tối đa 3 thành viên do Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm với các thành phần như sau:
- Chủ tịch Hội đồng quản lý: Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố;
- Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý: đại diện lãnh đạo Sở Tài chính thành phố;
- Thành viên Hội đồng quản lý là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ, đồng thời là Giám đốc Quỹ.
b) Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ
- Các thành viên Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
- Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể; chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Hội đồng, trách nhiệm cá nhân về phần việc được phân công trước Chủ tịch UBND thành phố và phát luật.
- Hội đồng Quản lý Quỹ họp định kỳ tối thiểu một quý một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Khi cần thiết, Hội đồng quản lý Quỹ có thể họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách của Quỹ theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; hoặc theo đề nghị của Giám đốc Quỹ hoặc Trưởng Ban kiểm soát, sau khi được Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ chấp thuận. Trong một số trường hợp cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có quyền yêu cầu các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có ý kiến bằng văn bản.
- Hội đồng Quản lý Quỹ quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số, phiếu biểu quyết của các thành viên Hội đồng có giá trị ngang nhau. Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ có hiệu lực khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên của Hội đồng quản lý tán thành. Thành viên Hội đồng quản lý có quyền bảo lưu ý kiến của mình.
c) Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ
- Quyết định các vấn đề trong tổ chức hoạt động của Quỹ:
+ Đề xuất điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ trình UBND thành phố phê duyệt;
+ Ban hành theo thẩm quyền các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ;
+ Tổ chức nhận, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn lực do Nhà nước giao cho Quỹ;
+ Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật các thành viên của Ban điều hành Quỹ và Ban kiểm soát Quỹ theo đề nghị của Giám đốc Quỹ;
+ Quyết định kế hoạch phát triển, định hướng các hoạt động của Quỹ; Phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ theo đề nghị của Giám đốc Quỹ;
+ Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ; định kỳ báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện của Quỹ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện thu, chi của Quỹ báo cáo UBND thành phố, đồng thời gửi Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Sở Tài chính.
- Đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định việc thay đổi nhân sự của Hội đồng quản lý Quỹ khi cần thiết.
- Được sử dụng con dấu của Quỹ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ.
- Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác theo ủy quyền của UBND thành phố nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
d) Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ
- Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ, cùng Giám đốc Quỹ ký nhận vốn và các nguồn lực khác do Nhà nước giao cho Quỹ;
- Chỉ đạo các hoạt động của Quỹ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và các cấp có thẩm quyền trong việc điều hành các hoạt động của Quỹ;
- Triệu tập và chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ và tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý đối với các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản lý. Thực hiện phân công trách nhiệm cho thành viên Hội đồng quản lý Quỹ;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
- Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý ký quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ. Ủy quyền bằng văn bản cho một trong những thành viên của Hội đồng quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý khi vắng mặt;
- Trường hợp cần thiết, thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố sửa đổi, bổ sung quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của
Hội đồng quản lý Quỹ; bổ sung, thay đổi hoặc bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản lý.
- Quản lý vốn, quản lý tài chính và tài sản của Quỹ theo quy định;
- Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Ban điều hành nghiệp vụ của Quỹ có trách nhiệm tổ chức, triển khai hoạt động của Quỹ, khảo sát, thẩm định đối tượng có nhu cầu vay vốn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động tín dụng, tiết kiệm của Quỹ.
a) Ban điều hành nghiệp vụ của Quỹ bao gồm Giám đốc Quỹ, kế toán và bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có chuyên môn phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quỹ để thực hiện công tác tổng hợp, thẩm định và đề xuất hỗ trợ cho vay; trong đó:
- Giám đốc Quỹ là đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch UBND thành phố quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.
- Kế toán và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập, cơ cấu, số lượng, trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ, đảm bảo phù hợp với điều kiện hoạt động của Quỹ, nguyên tắc tự chủ tài chính, cân đối chi phí trả lương, thù lao và trang trải các chi phí cho hoạt động của Quỹ theo quy định.
b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc Quỹ
- Giám đốc Quỹ là người đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ, UBND thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ;
- Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ trước pháp luật trong việc tố tụng, tranh chấp, thanh lý, giải thể; trong những vấn đề thuộc phạm vi điều hành tác nghiệp và trong quan hệ quốc tế liên quan đến hoạt động của Quỹ;
- Tổ chức, điều hành hoạt động của Ban điều hành Quỹ; quyết định các vấn đề có liên quan đến các hoạt động của Quỹ theo Điều lệ, Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ và theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức, kiểm tra việc thẩm định, tái thẩm định hồ sơ đề nghị cho vay vốn của người vay và thực hiện cho vay, thu nợ theo quy định.
- Theo dõi, thu hồi tiền lãi, nợ gốc cho vay và thay mặt UBND thành phố định kỳ chuyển trả trực tiếp nợ gốc, lãi vay cho Bộ Tài chính đối với nguồn vốn Quỹ Tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2014-2029 theo đúng cam kết giữa UBND thành phố và Bộ Tài chính (theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 Quyết định số 6602/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2014 của UBND thành phố).
- Báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ các vấn đề liên quan đến hoạt động Quỹ;
- Ban hành các văn bản quy định sau khi Hội đồng quản lý Quỹ thông qua:
+ Quy chế hoạt động của Quỹ;
+ Tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động nội bộ theo quy định của pháp luật;
+ Chế độ phụ cấp, thưởng và phúc lợi xã hội đối với người lao động phù hợp với các quy định của pháp luật;
+ Các văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện các quy định của Nhà nước theo thẩm quyền và các văn bản khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Trình Hội đồng quản lý Quỹ:
+ Phê duyệt kế hoạch hoạt động dài hạn và hàng năm; kế hoạch huy động vốn;
kế hoạch tài chính của Quỹ;
+ Thông qua báo cáo tài chính gửi UBND thành phố và Sở Tài chính;
+ Các văn bản khác theo quy định.
- Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đã được duyệt và các hoạt động khác của Quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.
- Đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với thành viên Ban điều hành Quỹ.
- Thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác của Quỹ do Chủ tịch UBND thành phố hoặc Hội đồng quản lý Quỹ ủy nhiệm nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
c) Nhiệm vụ và quyền hạn của Kế toán
- Kế toán là người giúp việc cho Giám đốc Quỹ, có trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của Luật Kế toán; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Quỹ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, UBND thành phố và pháp luật về phần việc được giao;
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm kế toán được thực hiện theo quy định pháp luật.
- Không được bổ nhiệm người có tiền án, tiền sự, bị kỷ luật vì tham ô, xâm phạm tài sản nhà nước và vi phạm các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính mà chưa được xóa án tích làm phụ trách kế toán của Quỹ.
d) Nhiệm vụ và quyền hạn của bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ
- Bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập, tổ chức lại và giải thể theo đề nghị của Giám đốc Quỹ, có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ giao, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ, UBND thành phố và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.
- Nhân sự bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ do Giám đốc Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật.
3. Ban kiểm soát Quỹ
a) Cơ cấu tổ chức
Gồm 03 thành viên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, giúp Hội đồng quản lý Quỹ giám sát hoạt động của Ban điều hành Quỹ, bao gồm thành phần như sau:
- Trưởng Ban kiểm soát do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm.
- 02 thành viên do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban kiểm soát; trong đó có 01 thành viên là cán bộ đại diện Sở Tài chính
b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát Quỹ
Ban kiểm soát Quỹ hoạt động theo quy chế do Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Ban kiểm soát còn có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
- Kịp thời phát hiện và báo cáo ngay với Hội đồng quản lý Quỹ và trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về những hoạt động không bình thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc các vi phạm trong việc quản lý tài chính của Ban điều hành Quỹ;
- Không được tiết lộ kết quả kiểm tra, kiểm soát khi chưa được Hội đồng quản lý Quỹ chấp thuận;
- Trưởng Ban kiểm soát Quỹ phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố, Hội đồng quản lý Quỹ và pháp luật về những tiêu cực hoặc bỏ qua các hành vi vi phạm đã phát hiện; về các thiệt hại của Quỹ nếu tiết lộ kết quả kiểm tra, kiểm soát khi chưa có sự chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ;
- Trường hợp đột xuất, vì lợi ích của Quỹ và trách nhiệm của Ban kiểm soát Quỹ, Trưởng ban kiểm soát Quỹ có quyền báo cáo trực tiếp với Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ hoặc Chủ tịch UBND thành phố.
NGUỒN VỐN, TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA QUỸ
Điều 12. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ
1. Nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm:
a) Vốn điều lệ: Ngân sách thành phố cấp vốn điều lệ ban đầu để hình thành Quỹ từ nguồn kinh phí đã cấp cho Quỹ quay vòng vốn vệ sinh và cải thiện nhà ở khi kết thúc chu kỳ II được thu hồi, hoàn trả lại ngân sách với số tiền là 10.239.200.000 đồng (Mười tỷ hai trăm ba mươi chín triệu hai trăm nghìn đồng);
b) Vốn ngân sách thành phố cấp cho Quỹ để hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn với số tiền 3.799.000.000 đồng (Ba tỷ bảy trăm chín mươi chín triệu đồng);
c) Vốn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho Quỹ;
d) Vốn từ các dự án tín dụng (các tổ chức phi Chính phủ thống nhất không hoàn lại) cho Hội Liên hiệp phụ nữ sau khi đã kết thúc dự án; trong đó có nguồn vốn của tổ chức Enda Việt Nam hỗ trợ sau khi kết thúc dự án là 1.781.474.881 đồng (Một tỷ bảy trăm tám mươi mốt triệu bốn trăm bảy mươi bốn nghìn tám trăm tám mươi mốt đồng).
đ) Vốn nhận ủy thác:
- Nguồn vốn UBND thành phố đại diện vay lại của Bộ Tài chính từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới giải ngân cho hạng mục Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở là 19.620.000.000 đồng (Mười chín tỷ sáu trăm hai mươi triệu đồng);
- Tiếp nhận vốn uỷ thác khác theo các chương trình, dự án của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
e) Vốn tích lũy, bổ sung trong quá trình hoạt động, gồm:
- Lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ vốn gốc chưa được giải ngân thuộc Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2009 - 2014.
- Chênh lệch thu, chi Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2009-2014;
- Nguồn dự phòng rủi ro, khấu hao tài sản cố định đã trích nhưng chưa sử dụng hết khi kết thúc hoạt động Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2009 - 2014 (nếu có);
- Bổ sung vốn hoạt động từ phí cho vay thu được;
- Các nguồn tích lũy khác để bổ sung vốn của Quỹ.
2. Về sử dụng vốn:
a) Nguồn vốn hoạt động của Quỹ được sử dụng để hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn thành phố nhất là đối với các phụ nữ nghèo có điều kiện tạo việc làm, phát triển sản xuất, cải thiện và ổn định cuộc sống. Vốn hỗ trợ phụ nữ dưới hình thức cho vay trợ giúp có hoàn trả (có hạn mức, có kỳ hạn), không thu lãi mà chỉ thu phí.
b) Quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả, thu hồi kịp thời, đầy đủ các khoản vốn cho vay hỗ trợ phụ nữ để bảo toàn vốn và hoàn trả đầy đủ, kịp thời cho các tổ chức, cá nhân tài trợ vốn cho Quỹ dưới hình thức phải hoàn trả.
Điều 13. Thu, chi và quản lý tài chính của Quỹ
1. Thu nhập của Quỹ bao gồm các khoản:
a) Thu phí cho vay;
b) Thu lãi tiền gửi trên tài khoản của Quỹ gửi tại Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, các đơn vị trực thuộc và các ngân hàng thương mại nơi Quỹ mở tài khoản;
c) Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
2. Chi phí hoạt động của Quỹ:
a) Chi phí nghiệp vụ gồm:
- Chi trả lãi cho các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước tài trợ vốn cho Quỹ có thu lãi (nếu có);
- Chi trả lãi cho các khoản vốn nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước phải trả lãi (nếu có);
- Chi trả tiền lãi huy động nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (UBND thành phố Đà Nẵng đại diện vay lại của Bộ Tài chính để hỗ trợ thực hiện hạng mục Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2009-2029) với mức lãi suất 4%/năm và lãi phạt do nộp trễ hạn (nếu có);
- Chi trả lãi tiền gửi tiết kiệm cho các thành viên, hộ gia đình tham gia đóng tiết kiệm trong quá trình vay vốn của Quỹ.
- Chi phí nghiệp vụ khác.
b) Chi phí quản lý gồm:
- Chi lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản phải nộp theo lương, theo chế độ nhà nước quy định cho cán bộ của Quỹ không thuộc biên chế của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp theo quy định hiện hành của nhà nước;
- Chi phụ cấp trách nhiệm cho các cán bộ kiêm nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ và các cơ quan được phân công tham gia quản lý, điều hành Quỹ;
- Chi công tác phí theo quy định của Nhà nước;
- Chi sửa chữa và mua sắm tài sản cố định, công cụ dụng cụ phục vụ cho hoạt động của Quỹ;
- Chi cho hoạt động quản lý và công vụ: thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo cán bộ Quỹ theo quy định;
- Chi cho công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán đối với hoạt động Quỹ;
- Chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ quá hạn;
- Chi nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật (nếu có);
- Các khoản chi khác đảm bảo hoạt động của cơ quan điều hành Quỹ theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
c) Chi phí của Quỹ được chi từ nguồn thu nhập của Quỹ, trên nguyên tắc lấy thu bù chi. Do đó mức chi, đối tượng chi được thực hiện căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế, khả năng tài chính của Quỹ và theo Quy chế hoạt động của Quỹ.
3. Nguyên tắc hoạt động tài chính:
a) Quỹ thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí cho hoạt động của Quỹ.
b) Quỹ hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; vốn được sử dụng đúng mục đích theo Điều lệ Quỹ.
c) Quỹ hoạt động ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
d) Các hoạt động của Quỹ được thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam, nếu Quỹ nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài bằng ngoại tệ thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
4. Cơ chế quản lý tài chính Quỹ:
a) Quỹ tổ chức và thực hiện công tác kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của Luật Kế toán, Luật Thống kê, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật hiện hành và Điều lệ Quỹ được UBND thành phố phê duyệt ban hành.
b) Năm tài chính của Quỹ bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 năm dương lịch. Quỹ thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của chế độ kế toán hiện hành.
c. Quỹ hoạt động trong thời gian 20 năm kể từ ngày có Quyết định thành lập, thời hạn này có thể rút ngắn hay gia hạn theo Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
5. Phân phối sử dụng phí cho vay thu được:
a) Tổng số tiền phí cho vay thu được (xem như 100%) được sử dụng tối đa 80% để chi cho công tác nghiệp vụ, quản lý điều hành Quỹ và khen thưởng; 10% trích lập quỹ dự phòng rủi ro; bổ sung vốn hoạt động tối thiểu 10%.
Riêng đối với Quỹ tín dụng nhỏ cải tạo nhà ở giai đoạn 2014-2029 thì sau khi trích 10% lập quỹ dự phòng rủi ro, bổ sung vốn hoạt động tối thiểu 10% thì 80% còn lại được sử dụng để chi trả tiền lãi huy động vốn của Ngân hàng Thế giới (UBND thành phố đại diện vay lại của Bộ Tài chính) với lãi suất 4%/năm, lãi quá hạn 150% (nếu có phát sinh) và chi công tác nghiệp vụ, quản lý điều hành Quỹ, khen thưởng.
Trường hợp số tiền phí thu được còn lại sau khi đã trích lập quỹ dự phòng rủi ro và bổ sung vốn hoạt động trong năm không sử dụng hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
b) Quỹ dự phòng rủi ro được trích hàng tháng vào ngày cuối cùng của tháng. Quỹ dự phòng rủi ro bằng 10%/tổng số phí cho vay thu được, nhưng không vượt quá 3%/tổng dư nợ tại thời điểm 31/12 hằng năm. Quỹ dự phòng rủi ro được sử dụng để bù đắp các khoản nợ cho vay bị rủi ro không thu hồi được.
c) Hội đồng quản lý Quỹ xây dựng Quy chế hoạt động của Quỹ để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và pháp luật.
Điều 14. Quy định về quản lý rủi ro
Việc thẩm định các đối tượng vay phải theo đúng quy trình do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro thì phải tổ chức kiểm tra, xác định thiệt hại, lập biên bản kịp thời, xác định trách nhiệm của từng cấp có liên quan và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ xem xét xử lý theo đúng quy định:
a) Đối với các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, kém hiệu quả do nguyên nhân khách quan phải có biện pháp kịp thời thu hồi, nếu chưa trả được nợ thì phải chuyển sang nợ quá hạn và có biện pháp tích cực, cương quyết để thu hồi nợ; đồng thời, xem xét trách nhiệm của từng cấp quản lý có liên quan để có biện pháp xử lý.
b) Đối với các khoản nợ do nguyên nhân khách quan có thể gia hạn nợ và được áp dụng đối với những hộ vay ngắn hạn nhưng chưa trả nợ vay đúng hạn; chuyển sang nợ quá hạn đối với những khoản nợ khi đã hết thời gian gia hạn nợ nhưng hộ vay chưa trả nợ. Mức phí thu cho vay trong trường hợp này bằng 130% mức phí cho vay thông thường.
c) Trường hợp rủi ro do các nguyên nhân bất khả kháng thì có thể xem xét khoanh nợ, giảm phí, giảm nợ hoặc xóa nợ. Hội đồng quản lý Quỹ ra quyết định khoanh nợ, giảm phí, giảm nợ hoặc xóa nợ trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ. Riêng trường hợp giảm nợ, xóa nợ từ nguồn ngân sách thành phố cấp, Ban điều hành Quỹ có trách nhiệm tổng hợp danh sách, đề xuất xử lý giảm nợ, xóa nợ kèm các hồ sơ liên quan trình Hội đồng quản lý Quỹ xem xét, thông qua gửi Sở Tài chính kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND thành phố quyết định.
CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 15. Chế độ kiểm tra, giám sát tài chính.
1. Quỹ có trách nhiệm tự tổ chức, thực hiện kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hoạt động thu, chi tài chính của Quỹ được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, pháp luật và quy định tại Điều lệ này.
2. Quỹ chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Hội đồng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và phê duyệt quyết toán tài chính hằng năm của Quỹ, phối hợp với Sở Tài chính thực hiện kiểm tra tài chính của Quỹ khi cần thiết.
Điều 16. Khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm
Việc khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động của Quỹ được thực hiện theo quy chế của Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ ban hành và theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Trong quá trình thực hiện, nếu có các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động này, Ban điều hành Quỹ có trách nhiệm tổng hợp, trình Hội đồng quản lý Quỹ thông qua và tham mưu UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
1. Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2. Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội đồng quản lý Quỹ, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn thi hành Điều lệ này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.